That is a good book which is opened with expectation and closed with profit.

Amos Bronson Alcott

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 571 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ôi nhác thấy chị ta tại một buổi xem kịch, và để đáp lại cái vẫy tay ra hiệu của chị ta, tôi đã lại chỗ chị vào giờ giải lao và ngồi xuống bên cạnh. Từ lần cuối cùng tôi gặp chị ta đến nay cũng đã lâu; giá như không có người nào đó nhắc đến tên chị ta thì tôi nghĩ khó có thể nhận được ra chị ta.
Chị ta nói chuyện với tôi giọng xởi lởi:
_ Chà, kể từ thưở ban đầu chúng ta gặp nhau đã bao năm rồi đấy nhỉ. Thời gian trôi nhanh biết chừng nào. Chúng ta chẳng ai trẻ ra được tí nào cả. Anh còn nhớ lần đầu tiên tôi gặp anh không? Anh mời tôi ăn trưa ấy mà!
Hỏi tôi có còn nhớ không à?
Câu chuyện xảy ra cách đây hai mươi năm, hồi đó tôi còn sống ở Pari. Tôi có một căn phòng nhỏ ở khu Latinh nhìn xuống một nghĩa trang và tôi kiếm chỉ đủ để sống cho qua ngày đoạn tháng. Cô ta đã đọc một cuốn sách của tôi, và đã viết thư cho tôi về cuốn đó. Tôi viết thư trả lời, cảm ơn cô, rồi liền sau đó tôi lại nhận được một bức thư khác của cô, nói rằng cô sắp ghé Pari và muốn nói chuyện với tôi, nhưng thì giờ của cô có hạn, lúc rỗi rãi duy nhất mà cô có thể có được là vào ngày thứ năm; cô sẽ dạo chơi buổi sáng ở công viên Luychxămbua, và sau đó liệu tôi có thể mời cô ăn bữa trưa bình thường ở tiệm Foyot được không? Foyot là tiệm ăn các thượng nghị sĩ Pháp thường lui tới, và nó vượt quá khả năng của tôi, đến nỗi trước đó tôi chưa hề nghĩ chuyện bén mảng tới đấy bao giờ. Nhưng tôi bị tâng bốc, vả lại hồi đó tôi còn trẻ quá, chưa biết cách từ chối một người phụ nữ như thế nào. ( Tôi xin nói thêm là ít người đàn ông biết được điều đó cho đến khi họ đã quá già, nói bất cứ điều gì với phụ nữ cũng không còn tác dụng nữa! ). Tôi còn tám mươi quan ( tiền vàng ) đủ sống nốt đến cuối tháng, nên một bữa trưa xoàng xĩnh không quá mười lăm quan, nếu tôi cắt khoản cà phê trong hai tuần sau đó, thì tôi cũng xoay sở tạm đủ.
Tôi trả lời là tôi sẽ gặp cô bạn của tôi – tất nhiên là bằng thư – tại tiệm ăn Foyot vào ngày thứ năm hồi 12 giờ 30. Nàng không còn trẻ như tôi vẫn tưởng, và về hình thức mà nói, nàng có vẻ bệ vệ chứ không quyến rũ. Thật ra nàng là một phụ nữ đã từ tuần ( cái tuổi duyên dáng chứ không làm cho người ta bỗng u mê đến tai nạn ngay lần gặp đầu tiên được), và nàng khiến cho tôi có cảm tưởng rằng nàng có hàm răng trắng, to, đều hơn mức cần thiết để dùng vào bất cứ mục đích thực tiễn nào. Nàng nói nhiều, nhưng vì hình như nàng có ý nói về tôi, nên tôi vẫn sẵn sàng là một người nghe rất chăm chú. Tôi bàng hoàng khi thực đơn được mang tới, bởi vì giá các món ăn cao hơn tôi dự tính rất nhiều. Nhưng nàng đã nói cho tôi yên tâm:
_ Em không bao giờ ăn bất cứ thứ gì vào bữa trưa cả.
_ Ồ, đừng nói thế, - Tôi đáp vẻ hào phóng.
_ Em không bao giờ ăn quá một món cả. Em cho rằng ngày nay người ta ăn nhiều quá đấy. Có lẽ em chỉ ăn một con cá nhỏ thôi. Không biết họ có con cá hồi nào không?
Chà, lúc đó hãy còn sớm chưa đến mùa cá hồi, vả lại cũng không thấy có ghi trên thực đơn, nhưng tôi vẫn hỏi người hầu bàn xem có con nào không. Có, một con cá hồi ngon tuyệt vừa mới đem về, và đó là con đầu tiên họ nhận được. Tôi đặt ngay con cá đó cho vị khách của tôi. Người hầu bàn hỏi xem nàng có muốn dùng gì trong món cá được chuẩn bị không.
_ Không, - nàng đáp, - Tôi không bao giờ ăn quá một món. Trừ khi có trứng cá muối. Trứng cá thì tôi ăn được.
Tôi hơi chột dạ. Tôi biết tôi không đủ khả năng đặt mua trứng cá, nhưng tôi không tài nào nói với nàng điều đó được. Tôi bảo người hầu bàn bằng mọi cách phải dọn được món trứng cá. Còn tôi, tôi chọn món rẻ tiền nhất ghi trên thực đơn và đó là món sườn cừu.
_ Em thấy anh ăn thịt là dại lắm. – Nàng nói, - Em không biết rồi anh sẽ làm việc như thế nào được sau khi ăn những món khó tiêu như món thịt cừu ấy. Em không thích ăn để nhét đầy dạ dày tí nào cả.
Rồi đến vấn đề uống.
_ Em không uống bất cứ thứ gì vào bữa trưa. – Nàng nói.
_ Anh cũng thế. – Tôi vội đáp.
_ Trừ vang trắng. – Nàng cứ thản nhiên nói tiếp như thể tôi chưa nói gì cả, - Nhưng thứ vang trắng này của Pháp sao mà nhẹ thế, uống dễ tiêu lắm.
_ Thế em thích uống gì? – Tôi hỏi, vẫn còn vẻ chiều khách nhưng không còn mặn mà lắm.
Nàng nhoẻn nụ cười tươi tắn và hồ hởi để lộ năm răng trắng muốt.
_ Bác sĩ của em không cho phép em uống thứ gì ngoài săm-banh.
Tôi nghĩ tôi hơi tái người đi vì câu nói đó. Tôi gọi nửa chai. Tôi vô tình nói rằng bác sĩ của tôi tuyệt đối cấm tôi không được uống săm-banh.
_ Thế anh uống gì?
_ Nước lã!
Nàng ăn món trứng cá muốn rồi nàng ăn món cá hồi. Nàng vui vẻ nói chuyện về nghệ thuật, rồi văn chương, rồi âm nhạc. Nhưng tôi cứ băn khoăn tự hỏi không biết hóa đơn thanh toán sẽ lên đến bao nhiêu. Khi món thịt cừu của tôi được bưng tới, nàng chỉnh tôi một trận nên thân.
_ Em thấy rằng anh đã nhiễm cái thói quen hay dùng món ăn khó tiêu vào bữa trưa. Em tin chắc đó là một sai lầm lớn. Tại sao anh không theo gương em và chỉ tìm một món thôi? Em dám chắc là anh sẽ cảm thấy sảng khoái hơn bao giờ hết vì nuốt món đó.
_ Anh sẽ chỉ ăn một món thôi, - tôi nói, khi người hầu bàn mang theo bản thực đơn đi tới.
Nàng gạt hẳn sang một bên bằng một cử chỉ nhẹ nhàng.
_ Không, không, em không bao giờ ăn thứ gì vào bữa trưa cả. Em chỉ nhấm nháp một miếng thôi, em không bao giờ ăn hơn, và em ăn là để lấy cớ chuyện trò thôi, chứ không nhằm mục đích nào khác. Có lẽ em không thể ăn gì thêm nữa trừ phi họ có món măng tây to kia. Em sẽ ân hận phải rời Pari mà không được nếm chút măng tây nào.
Tôi đâm chột dạ. Tôi đã trông thấy măng tây ở các cửa hiệu và tôi biết măng tây đắt kinh khủng. Tôi vẫn thường nuốt nước miếng mỗi khi trông thấy chúng.
_ Bà đây muốn biết xem anh có măng tây to không? – Tôi bảo người hầu bàn.
Tôi cố hết sức muốn làm cho người hầu bàn trả lời là không có. Nhưng một nụ cười vui vẻ đã nở trên khuôn mặt to bự trông như mặt thầy tu của hắn. Hắn bảo đảm với tôi rằng nhà hàng có măng tây to, tuyệt, mềm đến kỳ diệu!
_ Em không đói tí nào, - vị khách của tôi thở dài. – Nhưng nếu anh cứ nài mãi thì em cũng không nề hà nếm vài miếng măng tây.
Tôi gọi món măng tây.
_ Thế anh không ăn tí măng nào à?
_ Không, anh không bao giờ ăn măng tây cả.
_ Em biết là có những người không thích măng tây. Thực tế, anh đã làm hại khẩu vị của anh vì cái món thịt cừu của anh ăn đấy.
Chúng tôi đợi cho món măng tây được dọn ra. Tôi đâm hoảng. Bây giờ không còn là vấn đề tôi còn được bao nhiều tiền để sống đến cuối tháng nữa, mà là không biết tôi có đủ tiền để thanh toán không nữa. Thật là xấu hổ nếu tôi bị thiếu mười quan và buộc phải hỏi vay vị khách của tôi. Tôi không thể hạ mình xuống tới mức làm điều đó được. Tôi biết rõ tôi có bao nhiêu, và nếu hóa đơn thanh toán vượt quá số tiền đồ thì tôi quyết định sẽ cho tay vào túi rồi giật mình kêu lên một tiếng bi thảm và nói là tiền đã bị móc mất rồi. Tất nhiên, nếu nàng cũng không có tiền để trả thì thật là khó xử. Lúc đó chỉ còn một cách là để lại chiếc đồng hồ rồi nói tôi sẽ quay lại trả sau.
Món măng tây xuất hiện. Những cây măng to, mọng nước và thơm phức. Mùi bơ nóng chảy ngào ngạt xông lên mũi tôi như mũi đấng Giêhôva bị kích thích vì những món thịt thui của dân Xêmit ngoan đạo đem tế lễ vậy. Tôi nhìn cái mụ đốn mạt đó tọng những miếng to tướng vào mồm, và tôi vẫn lịch sự nói về tình trạng kịch trường ở vùng Bancăng. Cuối cùng mụ ăn xong.
_ Cà phê chứ? – Tôi hỏi.
_ Vâng, một cốc kem và cốc cà phê, - mụ đáp.
Giờ đây tôi cũng không cần nữa, cho nên tôi gọi cà phê cho tôi, một cốc kem và cốc cà phê cho mụ.
_ Anh biết đấy, có một điều em tuyệt đối tin tưởng, - mụ nói trong khi ăn kem, - là người ta lúc nào cũng vậy, đứng dậy khỏi bàn ăn mà vẫn còn cảm thấy thèm thèm có thể ăn thêm chút nữa.
_ Vẫn còn đói à? – Tôi hỏi giọng yếu ớt.
_ Ồ, không, em không đói. Anh thấy đấy, em không ăn bữa trưa mà. Bữa sáng em uống một tách cà phê cho đến bữa trưa, nhưng không bao giờ em ăn quá một món vào bữa trưa cả. Ấy là em nói cho anh đấy chứ.
_ À ra thế!
Thế rồi một chuyện khủng khiếp xảy ra. Trong khi chúng tôi chờ cà phê thì tên hầu bàn chính, với nụ cười cầu tài nở trên khuôn mặt giả dối của hắn, bước đến bàn chúng tôi bưng theo một giỏ lớn đầy những quả đào khổng lồ. Những quả đào mơn mởn như má cô thiếu nữ ngây thơ, có nét phong phú của phong cảnh nước Ý. Nhưng chắc chắn lúc đó chưa phải là mùa đào. Có trời biết đào giá bao nhiêu nữa. Nhưng một lát sau đó tôi biết vì vị khách của tôi trong khi tiếp tục câu chuyện đã thản nhiên nhót lấy một quả.
_ Anh thấy không, anh đã tọng đầy dạ dày của anh bằng cái món thịt cừu – ( cái miếng thịt cừu nhỏ xíu khốn khổ của tôi ấy ) – nên anh không thể ăn thêm được nữa. Còn em, em chỉ nhấm nháp qua loa thôi, cho nên em sẽ ăn thêm quả đào.
Phiếu thanh toán tới; khi trả tiền tôi thấy mình chỉ còn đủ để cho người hầu bàn một món tiền diêm thuốc không được là bao. Mụ chăm chăm nhìn trong giây lát, vài ba quan tôi để cho người hầu bàn, và tôi biết mụ tưởng tôi là người bần tiện. Nhưng khi bước ra khỏi tiệm ăn, tôi còn cả một tháng trời phải sống mà, tôi không còn lấy một xu trong túi.
_ Hãy theo gương em nhé! – Mụ nói khi chúng tôi bắt tay nhau, - Đừng bao giờ ăn quá một món trong bữa trưa của anh nhé!
_ Tôi sẽ làm hơn thế nữa kìa. – Tôi vội nói. – Bữa tối nay tôi sẽ không ăn gì cả.
_ Một nhà hài hước – Mụ vừa vui vẻ thốt lên, vừa nhảy lên một chiếc taxi. – Anh quả là một nhà hài hước!
Nhưng cuối cùng tôi đã trả được món thù. Tôi không tin rằng tôi là một người có đầu óc thù vặt, nhưng khi các vị thần bất tử đã nhúng tay vào sự việc này thì người ta được phép chứng kiến kết quả một cách thỏa mãn được. Giờ đây mụ cân nặng ngót tạ rưỡi!
Buổi Ăn Trưa Hôm Ấy Buổi Ăn Trưa Hôm Ấy - Sưu Tầm