Love is the only way to grasp another human being in the innermost core of his personality.

Viktor E. Frankl

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 964 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
hằng Thải nhìn tôi, đôi mắt lồi thường vẫn lấc láo, có vẻ hơi lễ độ. Tôi linh cảm hắn sắp nhờ vả mình chuyện hệ trọng:
- Cha em đang nằm viện, chứng đau gan cũ tái phát khá nặng. Cha nhắn anh về để lo chuyện hỏi vợ cho em.
Tôi hơi ngỡ ngàng: " Cậu đau lâu chưa? Sao lại cưới xin vào lúc này? " Bộ dạng Thải không có gì lo lắng, đôi bàn tay cứ mân mê mấy chiếc nhẫn vàng chóe lồng kín kẽ tay. Tôi đoán dễ có đến bốn năm chỉ chứ không thể ít hơn.
- Em định tết làm luôn cho tiện nhưng cha bảo sợ chuyến này không qua khỏi, tính sớm kẻo lỡ việc. Khổ lắm. Ông già chết vì rượu thôi anh ạ. Uống như uống nước lạnh!
Tuy là anh em con cô cậu, tôi không ưa thằng Thải cái tính hợm của. Từ ngày được phụ trách đội đãi vàng của đoàn địa chất N 63,hắn thay đổi cách xử sự,đôi lúc coi thường tôi ra mặt. Thâm tâm tôi không muốn về quê ngoại mỗi dịp hắn ở nhà. Lần này cậu Miền đau yếu, có việc đại sự, tôi đành phải thu xếp xin nghỉ dạy để về.
Cậu tôi là trung tá nghỉ hưu được vài năm nay, sức khỏe tàn tạ trông thấy. Mới lâm bệnh nửa tháng mà da vàng bủng, đôi mắt lờ đờ như mắt cá đồng ướp nghệ sắp đem kho, chứng cổ trướng khó ai thoát chết lắm!
- Trăm sự nhờ cháu - Cậu thều thào khó nhọc. Mợ mày quê mùa ăn nói chưa quakhỏi lũy tre. Thằng Thải con Xuân hai đứa yêu nhau đã lâu. Quả thật hồi đầu cậu chưa bằng lòng. Nhà người ta cô quả,mỗi hai bà cháu. Xuân là con hoang, mẹ nó bỏ đi lấy chồng, lớn lên nhờ bà ngoại.Nó không dám ở với bố dượng, ông ấy bảo: trăm quan tiền nợ không bằng vợ có con riêng. Tình cảnh ấy, xem ra không môn đăng hộ đối với nhà mình.Nay cậu nghĩ lại, thôi để chúng nó lấy nhau cho xong cháu ạ. Chuyện trăm năm của hai em, cháu đứng ra tổ chức, tất nhiên là mặt tinh thần, mặt vật chất kệ thằng Thải tính toán trù liệu, nó bảo có đủ tiền chi phí hết mọi khoản. Từ đôi mắt mất hết sinh khí của cậu ứa ra hai giọt lệ đục mờ...
Cổ tôi nghẹn đắng. Làm sao dám từ chối yêu cầu của cậu. Bà ngoại sinh được tám người, nạn đói bốn lăm đã cướp ông đi cùng sáu người khoảng giữa chỉ còn lại mẹ tôi chị cả và cậu là con út. Mẹ tôi thương cậu hết mực, thương đến mức đẻ tôi ra người làng phải thốt lên: " Hai cậu cháu nhà nó đi với nhau cứ tưởng là hai anh em ruột ". Càng lớn tôi càng giống cậu từ khuôn mặt đến dáng đi đứng. Có lẽ vì thế, thầy tôi tuy là anh rể vẫn thương cậu bằng tình thương gần với tình phụ tử. Hòa bình lập lại, ông đưa cậu theo về thành phố nuôi ăn học.Xong chương trình cấp một Bổ túc văn hóa công nông, định cho cậu học tiếp cấp hai rồi đưa đi làm công nhân cơ khí. Cậu không chịu, kêu nhức đầu học không vào. Hễ ngồi vào bàn là ngủ gà ngủ gật, có bữa chúi cả đầu vào ngọn đèn Hoa kỳ, tóc cháy sém một vạt trước trán,lấy lược chải mãi vẫn quăn tít râu ngô.
Cậu trở lại làng Kẻ Lấu, tham gia tích cực Ban vận động Hợp tác hóa, được kết nạp Đảng, làm bí thư xã Đoàn.Bác Hồ về thăm xã, cậu vinh dự được Bác gắn huy hiệu và được phong là kiện tướng thủy lợi. Thầy tôi thở phào nhẹ nhõm: " Cứ tưởng hắn không làm nên trò trống gì. Ai ngờ cũng trưởng thành ". Cậu lấy vợ, mợ cũng là kiện tướng thủy lợi. Thời đó ở quê ngoại,yêu nhau, lấy nhau thật hay. Bọn thanh niên lừa nhốt cả cậu lẫn mợ vào kho Hợp tác xã suốt đêm. Lúc đầu thấy họ còn la lối, đòi phá cửa nhưng không ai chịu mở, từ nửa đêm về sáng thấy im ắng như tờ... Sau đợt nạo vét nông giang, làm đám cưới theo kiểu đời sống mới: ăn kẹo, uống nước chè xanh, hút thuốc lá Trường Sơn. Vui duyên mới không quên nhiệm vụ mới,cô dâu chú rể hưởng tuần trăng mật trên công trường đắp đập Ba tháng Hai. Đội thủy lợi quây lá cót làm cho hai người cái phòng hạnh phúc. Sáng sớm cậu chui trong đó ra vác mai đi hơi lử đử. Đám trẻ cười tủm tỉm hỏi: " Đêm hôm qua đào được mấy khối, anh Miền ơi? ". Cậu che miệng ngáp: " Mẹ chúng mày! Còn mệt hơn cả nghề thổ mộc, các em ạ! " Mợ gánh đất dưới trời mưa lạnh, hai má đỏ nhừ như trái bồ quân.
Mợ có mang thằng Thải vừa lúc cậu đi nghĩa vụ quân sự. Đi biệt lên Tây Bắc, mở đường trở lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ, không có thư từ gửi về. Đã có tin đồn cậu bị thổ phỉ bắn chết. Làng Kẻ Lấu vốn thế, ai đi lâu không có tin về là có tin đồn chết ngay sau đó. Ba năm sau cậu phục viên về làng mới biết mình có thằng cu con. Thằng Thải giống mẹ như lột, đứng lùi xa, lom lom nhìn ông bố bộ đội, dứt khoát không chịu cho bế.Cậu vô tình nói một câu làm mợ bỏ cơm cả tuần:
- Thằng này như là con ai, đếch phải con tôi!
Tình cảm cậu mợ bắt đầu giống mặt trăng mặt trời từ dạo ấy. Cậu lao vào côõng việc Đảng ủy xã không kể ngày đêm, hăng say bao nhiêu máu ghen của mợ cũng lớn dần bấy nhiêu. Họp hành liên miên trên xã trên huyện, lâu lâu lại chỉnh huấn nghị quyết trên trường Đảng tỉnh, nhiều cô cán bộ cơ sở tươi trẻ tưởng cậu chưa vợ con sán đến. Dĩ nhiên cán bộ thời đó luôn biết cách tránh né mọi cám dỗ để giữ gìn uy tín. Dù nghĩ tới bà vợ chân lấm tay bùn ở nhà mà phát chán, ngày xưa sao duyên thế, nay càng nhìn càng giống con cú vọ, mắt xoi mói chịu không nổi. Mợ Miền ngày một héo hon đến mức thê thảm, người làng bắt đầu dị nghị:
-Lạ cho anh cu Miền, trốn vợ như thằn lằn mồng năm.Có bữa mợ tôi chửi mắng Thải ngay trước mặt cậu:
- Mày là con tao chửa hoang, nghe chưa?
Tôi biết mợ không chỉ muốn chửi riêng một mình thằng Thải.
Dạo này tôi đâm ra hoài cổ, hay buồn vơ vẩn. Dạy học là nghề truyền thống của gia đình từ thời ông cố để lại, có lẽ đến đời tôi là mạt nhất.Suốt mấy tháng liền trường tôi trả lương cho thầy cô giáo bằng phân đạm u -rê.Thấy thằng Thải sắp cưới vợ, vàng đeo rủng rỉnh... Thấy sức khỏe cậu Miền ngày càng suy sụp... Nghĩ thêm buồn. Nhanh quá, thời gian trôi... Quê ngoại chẳng thay đổi được bao nhiêu, vẫn nghèo như thưở tôi về sơ tán. Điều kỳ lạ, cố cụ Tiệu vẫn còn sống, gần trăm tuổi còn gì.Cố là ông ngoại của mợ. Tôi cất lời chào, cố đáp lại giọng vẫn giòn giã ấm áp:
- ối trời ơi! Không dám chào anh giáo. Anh cũng về lo việc cho em nó đấy. Gớm thật, nhìn anh giáo lão nhớ ngày xưa anh chơi trận giả hay nhất đám con nít làng này. Sao không theo nghề binh lại theo nghề giáo? Này lão nóikhí không phải, anh theo nghề binh dễ bây giờ cấp phải Cô-lô-nen chớ không thể Li-ơ-tơ-ăng-Cô-lô-nen như ông cu Miền! Cái hồi tôi ở bên An-giê-ri, sĩ quan người ta oách lắm nhé.
- Chán thật! Cố lẩn thẩn vừa thôi. - Thằng Thải la lớn. Ăn dê ăn bò... Ăn cám thì có. Sao cố không ở hẳn bên Pháp làm Việt kiều yêu nước cho chúng con đỡ khổ?
- Chú cứ để cố học chuyện thoải mái. Anh lâu ngày mới gặp cố. - Tôi can
Cố cụ Tiệu vẫn còn minh mẫn:
- Mẹ mày, chắt! Tao không về lấy đ... đâu ra bà mày, mẹ mày, lẫn mày. Anh giáo ơi thanh niên bây giờ mất dạy lắm! Này chắt, ngày xưa láo toét như mày chó nó lấy con ạ!
Một thời cậu Miền tôi khổ sở áy náy không yên vì có ông ngoại vợ đi lính cho Pháp. Cố Tiệu nhận chăn bò cho Hợp tác xã trên núi Cấm, mùa hè ở trần trùng trục, mùa đông khoác chiếc áo ba-đờ-xuy thủng lỗ chỗ dấu chuột khoét. Cố trồng sắn, trồng khoai ven chân núi ăn dặm thêm vào tiêu chuẩn lúa Hợp tác xã cân đối, không thèm nhờ vả ai. Con nít rất mê chuyện cố kể. Chúng tôi bày trận giả đánh nhau: bên ta bao giờ cũng thắng, bên địch bao giờ cũng thua. Chán trò ấy, tôi bày thêm trò lễ tang. Chiến trận phải có hy sinh, mỗi thằng thay nhau làm tướng chết một bữa.Cũng có điếu văn của Ban lễ tang, có truy điệu, có vòng hoa, có hăm mốt phát đại bác bằng súng diêm tiễn biệt.Mặc kệ đứa còn sống lo chạy lăng xăng, đứa nằm chết có quyền nhắm mắt ăn thoải mái những đồ phúng viếng.Thằng Thải tuy nhỏ nhưng chúa đểu, hắn chọn toàn hoa cây mò làm vòng hoa cho lễ tang tôi đem đặt ngay trên bụng, con mò chui vào cắn, ngứa tới mức tôi gãi rách cả dái. Nhằm bữa lễ tang hắn, tôi ngầmxúi bọn bạn ăn hết phần đồ cúng viếng chỉ để lại hai củ khoai sùng. Hắn nhắm mắt nhai, mặt nhăn nhúm nhổ phù phù. Chúng tôi cười đau cả ruột, Thải nhỏm dậy, chửi tôi rồi xông vào cào cấu.Tôi đá hắn lăn quay xuống ruộng. Cố Tiệu can ra:
- Ơ này các thanh niên choai ơi. Làm tướng chết rồi còn tranh ăn thế quái nào được. Chơi thế là phạm luật...
Cậu Miền đi họp về, vất xe đạp, bẻ roi xông tới quất túi bụi cho hai anh em tôi một trận. Cậu hằm hằm quay sang cố Tiệu.
- Cố bày chúng nó chơi trò quái gở! Xuí cháu chắt bậy bạ, phi chính trị.
Cố Tiệu không thèm thanh minh, nói lẩm bẩm:
- Anh cu nói càn. Con nít biết đếch gì chính trị.
Mùa đông năm ấy rét khác thường, cánh đồng trắng xóa chân rạ, cây trên núi Cấm úa vàng đổ lá. Các mỏm đá dường cũng cảm thấy lạnh ngả sang màu tím ngắt. Cố Tiệu lại đem chiếc áo ba-đờ-xuy ra khoác. Bọn trẻ chân trần tê cóng, khoác ngoài thêm mỗi đứa một cái bao tải chỉ xanh cho ấm. Lùa đàn bò gầy rộc đi xiêu vẹo lên núi xong. Cố nhóm một đống lửa to ngồi sưởi, kể chuyện đời xưa cho chúng tôi nghe. Có một chiếc xe com-măng-ca đít tròn chạy băng băng qua làng dừng sát bên cạnh. Tất cả vội nhổm dậy. Người nhảy xuống xe đầu tiên là cậu Miền, tiếp theo là một bà cao lớn, tóc vàng hoe khoác áo lông bù xù. Còn có thêm vài người khác, tôi đoán là công an mật đi bảo vệ.
- A, bà chuyên gia Liên Xô, chúng mày ơi! - Bọn trẻ reo lên. Cậu tôi đưa mắt đe chúng, gọi lớn giọng:
- Cố ơi, có khách nước ngoài thăm cố đấy. Con nít tránh ra. Bu lại làm gì. Cút ngay! Cút...
Một người dáng chừng là phiên dịch nói với cố:
- Đây là nữ đồng chí nhà báo Pháp. Bác có nhận ra ai không nào?
- Cố Tiệu bước tới, run lập cập vì lạnh, vì bất ngờ:
- Phơ-răng-xoa đơ Li-da! Trời ơi! Em... bà còn nhớ tới tôi?
Bà người Pháp ôm chầm lấy cố khóc òa. Bà nói tiếng Pháp mặt đầy nước mắt.Cố Tiệu cũng lắp bắp tiếng Pháp. Lần đầu tiên tôi thấy người già hôn nhau y như trong phim. Người phiên dịch lịch sự lùi lại, câu Miền bảo:
- Đồng chí theo dõi xem, cố nói với bà Tây cái gì thế? Coi chừng phát ngôn bừa bãi vi phạm đường lối đối ngoại là nguy đấy.
- Cứ yên chí. - Ông này mỉm cười. - Nữ đồng chí này là phóng viên báo Luy-ma-ni-tê của Đảng Cộng sản Pháp. Này, họ là người yêu cũ của nhau đấy anh hiểu không, một mối tình inh-tec-na-xi-ô-nan.
- Chết mẹ! Cậu tôi lẩm bẩm. Ông này ghê thật!
Sau phút choáng váng do lâu ngày gặp lại, đôi bạn già rời nhau ra. Cố Tiệu nhìn mọi người, nhìn chúng tôi hơi ngượng nghịu. Bà người Pháp cởi chiếc áo lông khoác luôn vào người cố. Cố giãy nẩy lên nhưng bà ta cứ ghì chặt lấy cài hết mấy cái khuy. Trông cố lạ hẳn, đúng là ở đời hơn nhau tấm áo manh quần. Họ chia tay nhau lưu luyến ngay bên đống lửa có lũ mục đồng đang tròn xoe mắt nhìn. Người đàn bà xứ lạ gắng mỉm cười với cố.
- Ô-rơ-voa, mông-se-a-mua-rơ.
Trong cái cổ áo lông bờm xờm, đầu cố ngọ nguậy lia lịa:
- Ađi-ơ! Li-da! - Tôi không hiểu nhưng thấy giọng cố ngậm ngùi lắm.
Xe chạy rồi bà người Pháp còn thò tay ra vẫy trong đám bụi. Cố Tiệu đứng như trời trồng ngỡ mình chiêm bao. Chúng tôi ùa đến vây quanh cố. Chiếc áo lông bốc lên mùi nước hoa thơm lựng thoang thoảng lẫn mùi lông bò khen khét từ chiếc áo ba-đờ-xuy bên trong...
- Ha ha... cố giống con chồn rèn quá.
- Người cố xù lên như quả gạo...
- Cho con mặc thử một tí nào.
Cố hỏi thành thật:
- Này, anh cu Miền, tôi có được quyền mặc cái áo bà Li-da tặng không nhỉ?
Cậu tôi nhìn cố suy nghĩ, trán nhíu lại:
- Để tôi về hội ý với Đảng ủy xã, chiều mời cố lên ta giải quyết, nhớ gói lại cẩn thận. Ê, lũ nhóc! Chớ dây bẩn lên cái áo, tao cho chết bây giờ. - Bỗng cậu chợt hỏi cố bất ngờ - Cố và bà Tây có người con nào không?
- ồ, không! Không có con đâu. - Cố cười hà hà. - Bà ấy lấy chồng, có cháu nội học đại học rồi.
-Thôi được, thế là may mắn. - Lúc đó tôi chưa hiểu tại sao cậu lại nói may mắn. - Nghe con dặn đây. Cố nhớ đề nghị các anh trên xã bổ sung thêm lý lịch là Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp nghe chưa, con sẽ làm chứng cho.
- ấy chết, anh cu Miền ơi. Tao có vào cái đảng nào đâu. Khai láo công an tìm ra, mang vạ. Với lại bổ sung lý lịch làm gì nữa, sắp xuống lỗ rồi.
- Khổ quá, cố cứ khai thế để đức lại cho cháu chắt nhờ!
Chập tối chúng tôi lùa đàn bò về chuồng, nóng lòng chờ tin tức số phận chiếc áo lông. Cố Tiệu trở về mặt buồn thiu, trên người vẫn chiếc áo ba-đờ-xuy tơi tả
- Xã bảo đưa cái áo bà Li-da vào phòng truyền thống các cháu ạ. Cố nghĩ thế mà hay. Cu Miền nó bảo coi như đó là quà của một nhà báo cộng sản Pháp tặng nhân dân xã ta.
Lũ trẻ ngồi lặng đi. Chiếc áo lông thoáng qua trước mắt như có phép lạ tàng hình: Cố Tiệu mặc vào thành con người khác, cởi ra lại vẫn là ông già thương mến của chúng tôi.
Sau đó cậu Miền có vẻ thương cố hơn. Thanh niên trong xã tòng quân, cố thay mặt Hội phụ lão tiễn lên tận huyện đội. Nhìn đám tân binh mặc quân phục rộng thùng thình, mặt còn đầy lông tơ, cố cứ lắc đầu ái ngại: " Bé quá! Bé quá! Có thằng ngửi hai bên mép chưa hết mùi sữa. Cứ đà này đàn ông đi hết lấy ai cày vỡ ".
Cậu Miền gắt: " Con nhờ cố đi động viên tinh thần anh em hăng hái lên đường. Cố ăn nói lẩm cẩm bỏ mẹ.Hết gạo đã có Liên Xô, Trung Quốc và phe xã hội chủ nghĩa viện trợ. Tất cả cho chiến trường. Đồng bào miền Nam đang kêu gọi từng ngày từng giờ, cố không biết sao? "
Không có công việc thời chiến nào cố Tiệu không tham gia tích cực: trực kẻng báo động máy bay, úy lạo các trận địa cao xạ pháo, vá đường thông xe. Cuộc chiến tranh bằng bom đạn của không lực Hoa Kỳ đã biến vùng quê hẻo lánh thành chiến trường thực sự... Bây giờ, đã hơn hai mươi năm có lẻ, ngồi ngắm gương mặt cố tôi vẫn hình dung thấy cái đêm xưa, pháo sáng đầy trời,sáng đến mức thấy cả sâu bò trong kẽ lá, đạn nổ ran mặt đất. Toàn bộ phía nam huyện tung hết lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ truy lùng tên giặc lái Mỹ. Máy bay địch đánh lạc hướng ta sang phía cánh đồng lầy lội. Trực thăng rà sát chân núi Cấm kéo thang dây lê thê, treo lủng lẳng phía dưới một cục đen xì. Tên phi công thoát ngay trước mặt mọi người, nằm ngoài tầm súng bộ binh... Tỉnh gọi huyện lên kiểm điểm. Huyện gọi xã lên... Đầu tóc bơ phờ vì thức đêm nhiều, cậu tôi gọi xã đội trưởng cùng các trung đội dân quân lên... " Dùi đánh đục, đục đánh săng, cấp dưới bao giờ cũng có khuyết điểm nhiều hơn các đồng chí ạ. - Cậu chua chát kết luận. - Nào chúng ta hèn nhát cho cam? "
Trớ trêu thay, mười ngày sau đó, vào tầm bò về chuồng, trên nền hoàng hôn vàng vọt bỗng vang lên một tiếng nổ kinh người. Làng Kẻ Lấu chạy ùa lên núi Cấm tóm ngay tại trận một tên phi công khi hắn vừa rơi chạm đất, người còn lùng nhùng trong mớ dây dù. Nỗi căm hờn bùng lên, tất cả xông vào đánh hắn nhừ tử. Tên giặc lái vùng ra, ôm đầu chạy vòng quanh gọi thất thanh:
- Tôi là phi công ta! Phi công không quân nhân dân Việt Nam...
- Không được bắn chết! Đánh bỏ mẹ nó cho tao! Miễn sao giao huyện đội còn sống. Này, bộp! Vì mày, bộp! Chúng ông chịu nhục, bộp! Mấy bố huyện ủy kiểm điểm, bộp!
- Không nhìn ra người mình à? Thưa đồng bào, đồng chí... tôi là phi công ta. Máy bay tôi bị trúng tên lửa địch.
Cố Tiệu gạt đám đông dang tay cản:
- Anh cu Miền! Người mình! Người Việt mình thật mà...
- Thôi đi, đừng tuyên truyền không công cho địch! Tàu bay ta làm răng mà cháy được! Bộp! Bộp!
Đám đông ùa lên đấm loạn xạ. Cố Tiệu ôm chặt tên phi công, cả hai lăn lộn tránh đòn. Có người đập trúng vào lưng cố:
- Đ. mẹ chúng mày! Một lũ ngu! Phi công địch thì tha, phi công ta thì bắt!
... Lễ ăn hỏi của thằng Thải sơ sài đến mức tôi phát ngượng về vai trò của mình. Đoàn nhà trai vẻn vẹn hai người, nghĩa là có tôi thay mặt cậu mợ và thằng Thải. Tất nhiên cậu Miền không thể đi cùng... Tôi linh cảm đến một đám cưới chạy tang mình có đọc đâu đó trong sách.
Trời nắng gắt, gió Lào thổi cuồn cuộn, lũy tre làng xóm hai bên đường khô xác. Hai anh em đạp xe rạc cẳng chân bốn chục cây số ngược lên thị trấn Rài. Bà ngoại của Xuân già cả và điếc đặc. Tôi thưa một đằng bà trả lời một nẻo. Gương mặt bà hớn hở đến tội nghiệp:
- Cha chết không lo bằng có gái to trong nhà, ông giáo ạ. Cho không nó luôn, ông giáo rước đi giờ nào cũng được...
Lễ ăn hỏi thế là coi như xong việc.
Tôi lang thang vòng quanh thị trấn Rài. Không ngờ trở lại đây lần này cũng là vì cậu Miền... Một kỷ niệm buồn thức dậy. Hồi ấy, xem bộ phim thời sự,Những côgái núi Rài làng Kẻ Lấu mới tin cậu tôi còn sống. Tật của cậu rất lạ, kể từ khi tái ngũ, không thèm gửi một dòng thư về, có tin đồn hy sinh rộn lên. Bà ngoại ốm lăn lóc. Mợ rầu rĩ, người rộc còn bộ xương biết cử động. Thằng Thải ngơ ngẩn như bị ma hớp hồn... Không ngờ trong bộ phim kia lại có hình ảnh cậu đội mũ sắt cùng các cô thanh niên xung phong san lấp hố bom.Máy bay gầm rú. Lửa cháy. Khói bụi mịt mù... Bà năn nỉ tôi gắng lên Rài tìm cậu về cho bà gặp, nhìn mặt một tý, kẻo bà nhớ chết mất. Tôi đi bộ hai đêm trắng. Đến nơi hỏi thăm người thị trấn, họ bảo đại đội công binh của anh chính trị viên Miền vào sâu trong Bê rồi. Tôi đánh bạo tới lán đơn vị thanh niên xung phong mong tìm người quen của cậu. Vừa thấy tôi vào, các cô gái reo lên:
- Em trai ông Miền đen đến thăm, chúng mày ơi!
Họ xúm lại, hỏi thăm y như điều tra lý lịch:
- Chú em phải trả lời thành thật, nếu không các chị nhốt lại ở đây luôn. Không cho về đâu nhé.
Chẳng phải sợ hãi gì lời đe dọa đùa cợt đó, tôi vui vẻ khoe hoàn cảnh gia đình và... chợt thấy các cô gái bàng hoàng khi biết cậu tôi đã có vợ con. Có lẽ họ hy vọng nhiều nên thất vọng cũng rất ghê gớm.
- Khổ thân chị Hương... Lại gặp phải một thằng sở khanh. Cô chỉ huy đơn vị nghiêm sắc mặt nói với tôi:
- Thôi chú em cút khỏi đây được rồi! Nhìn thấy cái mặt chú các chị cứ muốn xé nát ra từng mảnh!
Tôi có lỗi gì? Họ đẩy tôi ra cửa như đuổi một thằng bệnh hủi...
Đêm thị trấn yên tĩnh lạ lùng.
Thằng Thải nằm bên, dường như không ngủ được, tôi cũng thao thức vì lạ nhà, vì chuyện đời. Thải thì thầm tâm sự:
- Nhiều khi em thương ông già đứt ruột mà không thể làm sao cho ông hiểu mình anh ạ. Hồi có quyết định hưu, quân khu cấp cho một căn hộ ở thành phố, ông trả lại. Em bảo: " Cha không ở, giữ lấy để dành cho con ở ". Ông mắng: " Mày khôn lỏi vừa thôi, thiên hạ họ ỉa vào mặt! " Ông nằng nặc đòi về làng: " Còn sức lực tao về góp phần xây dựng quê hương. ở phố chán bỏ mẹ. Cái khu tập thể ấy, nhiều đại tá còn dài cổ chờ lương hưu.Bụng đói đầu gối phải bò, đâm hèn người ra.Ông mở quán bán chè chén, ông chữa xe đạp, lôi thôi chả còn ra thể thống gì nữa. Thứ tao trung tá nhằm đếch gì. Về với đồng ruộng đỡ nhức mắt, làm sao quên được gốc gác mình vốn là nông dân ". Ông già lầm to, phải không anh? Làng Kẻ Lấu bây giờ khác thời xưa. Khối kẻ có sừng có mỏ, về hưu chưa dọi xong mái nhà giột đã chết...
Tôi hiểu tâm tư thằng Thải, hắn rất có ý thức xây dựng cuộc sống êm ấm cho gia đình cậu mợ. Quả là sau khi gặp Xuân người vợ chưa cưới của Thải tôi bớt mặc cảm. Xuân là cô giáo cấp I. Hiền lành mộc mạc như củ khoai củ sắn. Hai đứa định cưới nhau xong, ở trên này nuôi dưỡng bà ngoại để báo hiếu. Bà mất, xin chuyển về xuôi lập nghiệp hy vọng gần gũi cậu mợ lúc chiều tà xế bóng.
- Em chọn Xuân làm vợ chẳng qua vì cái nghề của mình quanh năm chui lủi rừng này núi nọ. Xuân đi dạy có thì giờ trì thủ gia đình thay em. Đãi vàng thu nhập khá nhưng em thừa biết cáihậu rất bạc bẽo. Thôi gắng kiếm thêm lưng vốn phòng khi gặp vận hạn trở nghề khác.
- Chú nghĩ được thế chí phải. - Tôi đồng tình. - Anh coi cậu như cha đẻ, chỉ khuyên chú đối xử với cậu phải biết nhường nhịn. Năm nay cậu năm mươi ba, ngũ thập tri thiên mệnh, mỗi cuộc đời là một tấn bi kịch, người già ai cũng tự nhận ra nhưng khó ai thoát khỏi cái vòng định mệnh lắm,
Nói với thằng Thải những lời này, tự dưng nước mắt tôi trào ra. Cậu tôi về hưu được giáp năm thì xin ra Đảng vì không tài nào chịu đựng nổi lối sống cường hào của đám cán bộ địa phương bây giờ. Trong những phiên họp chi bộ cậu đã không ngần ngại văng hết bộ phận giới tính đàn ông vào mặt bọn quen thói ăn trên ngồi trốc. Tay bí thư Đảng ủy xã, vốn cũng là bộ đội phục viên, trong bữa rượu, chỉ đạo đám đàn em:
- Loại hưu trí như lão trung tá Miền chỉ tổ làm chúng ta rách việc. Lão xin ra Đảng hả? Ô kê, càng đỡ vướng. Mấy anh em tước luôn thẻ Đảng lẫn huy hiệu Bác Hồ cho lão nhục nhã một phen, chừa lên mặt.
Cậu bỏ sinh hoạt Đảng, làm bạn với chai rượu... chờ đợi... Vẫn không thấy ai dám đến đòi thu thẻ Đảng và huy hiệu Bác Hồ.
Mãi gần đây, trước khi lâm bệnh, cậu đến Ban tổ chức huyện ủy, chìa tấm thẻ Đảng ra, giọng nói không có một biểu hiện nào gay gắt, chứng tỏ trong lòng rất thanh thản:
- Tôi xin trả lại tấm bằng danh dự chính trị của tôi. Các đồng chí yên tâm. Đừng động viên an ủi tôi, đừng hỏi tôi kiện cáo ai. Tôi chỉ trách mình không làm tròn trách nhiệm người cộng sản. Đảng mình đông người quá... Tôi không muốn mình ở trong số những đảng viên bất lực vì tôi thực chẳng còn tích sự gì cho Đảng.
Cậu giơ chiếc huy hiệu Bác Hồ ra trong lòng bàn tay xanh rớt, nói như khóc:
- Còn kỷ vật này. Bác tự tay gắn lên ngực tôi. Chỉ cóBác mới có quyền lấy lại. Trên đời này, không có ai đủỷ tư cách tước của tôi cả.
Đã gần sáng...
Tiếng gà rừng gáy eo óc khi xa khi gần trên núi Rài vọng tới...
Thằng Thải thở dài chán nản, hỏi tôi thật khẽ:
- Hồi anh lấy chị, sau ngày cưới có khi nào cảm thấy hối hận không?
- Hối hận là sao? - Tôi ngạc nhiên quay sang. Trong bóng đêm gương mặt nó trở thành khối đen thẫm, chỉ nhận ra đôi mắt mở thao láo.
- ồ, ông anh đúng là con người mô phạm. - Hình như hắn đang mỉm cười.
- Quả thật anh không hối hận mà rất tự hào về vợ mình chú ạ. Anh chị hạnh phúc trong cảnh nghèo của nghề giáo. - Tôi ngập ngừng.- Chả lẽ chú chưa thật bằng lòng về cô Xuân?
- Anh kém hiểu biết thanh niên thời đại này. Thời anh, trước đêm tân hôn cô dâu là một cung điện chưa ai được mở cửa. Nên chú rể khao khát lần mò lắm. Bây giờ bọn em yêu nhau đã như vợ chồng rồi, mọi chuyện cưới xin chỉ là thủ tục pháp lý và tập quán tình cảm thôi. Cho nên mất hết hào hứng, cứ thấy mệt lẫn chán chường thế nào ấy.
Chẳng trách hắn đạo diễn đám hỏi bôi bác thế này. Thì ra mình cũng bị hắn mời đóng một vai cho hợp lệ với màn kịch. Tôi cảm thấy tự ái vô cùng... Chúng tôi xin phép về xuôi sớm cho mát. Thằng Thải hẹn ngày rước dâu vào chủ nhật tuần tới. Phương tiện chủ yếu là xe đạp. Họ nhà trai sẽ lên trước chiều thứ bảy, sáng hôm sau phải về kịp giờ tợ nổ pháo cưới mừng trăm năm hạnh phúc.
Bà ngoại lập cập chống gậy cùng Xuân tiễn hai anh em tôi ra ngõ thì có một người đàn bà lễ mễ xách hai chiếc làn cói nặng đi vào. Xuân reo lên:
- Mẹ! Con cứ tưởng mẹ không thể nào về được.- Cô nói, nước mắt lưng tròng.
- Sao mẹ về muộn thế?
- Đừng trách mẹ, con. Các em còn nhỏ dại, mẹ lo chạy ăn từng bữa. Thu xếp về cho con đỡ tủi... Rõ khổ, hết ô-tô chết máy đến phà tắc.
- Bà ngoại Xuân giới thiệu thằng Thải là cháu rể tương lai, giới thiệu tôi là ông giáo đàng trai lên xin dâu, kể lể rất hồ hởi và lẫn lộn lung tung. Vì giữừ phép tắc hai anh em cố nhịn cười...
Người mẹ nhìn tôi chằm chằm. Cái nhìn thân thiện nhưng hình như có dòng điện chạy rần rật suốt dọc sống lưng tôi. Gương mặt bà in dấu một thời xuân sắc vời vợi, vẻ cam chịu, mỏi mòn. Đôi mắt thấp thoáng một thứ ánh sáng đầy hoảng loạn...
-Có phải anh giáo tên Khánh không?
- Dạ đúng! - Tôi giật nảy người ngạc nhiên. - Làm sao... bác biết cháu?
Người đàn bà không trả lời tôi, hỏi Thải giọng ríu lại:
- Ông nhà đau nặng lắm hả con?
- Vâng... Mặt Thải tái nhợt, hắn quay sang Xuân, cô cũng ngớ người ra nhìn mẹ.
- Chuyện gì thế, em?
Xuân lắc đầu, im lặng. Người mẹ cố trấn tĩnh, nói rành rọt với tôi:
- Chuyện hai em đâu còn có đấy, anh Khánh ạ. Bây giờ tôi nhờ hai anh em chở mẹ con tôi đến thẳng bệnh viện thăm ông nhà. Nào, ta đi ngay thôi. Đừng ngại... Chúng ta sắp thành thông gia rồi! Trời ơi! Sao lòng dạ tôi tan nát đến thế này... Người mẹ rên rỉ thành lời.
... Có lẽ câu chuyện kết thúc ở đây được rồi. Đám cưới không thành. Có một đám tang... Vì nỗi đau này lớn quá, hãy cho tôi thêm vài dòng về phút lâm chung của cậu Miền tôi... Người đàn bà đến bên giường bệnh gào lên điên dại:
- ối trời cao đất dày ơi! Anh Miền! Lẽ nào anh không nhận ra giọt máu rơi của anh?
Cậu tôi rùng mình, toàn bộ cơ thể sưng vù ủng nước lay động. Tôi vội nâng người cậu lên và chợt hiểu đây là lúc cậu từ giã cõi đời này. Cậu nhìn người đàn bà, nhìn Xuân. Đôi mắt dồn hết tinh lực để nhìn gương mặt Xuân.
- Hương... Bao năm rồi tôi vẫn chưa hề quên... Em tha thứ cho tôi! Xuân... Xuân... con đấy ư? Suốt một đời... tôi không nhận ra tôi làm sao nhận ra ai được nữa.
Cậu tắt thở trên tay tôi, đôi mắt mở trừng nhìn thẳng hư vô...
Bà Hương và Xuân rã rời gục xuống rú những tiếng thảm thiết...
Thằng Thải cúi đầu quay gót lững thững đi ra cửa...
Tôi vuốt mắt cho cậu. Vuốt đến ba lần, đôi bờ mi tím bầm mới chịu nhắm lại vĩnh viễn.
Bóng Dáng Người Yêu Nhau Bóng Dáng Người Yêu Nhau - Sưu Tầm