Số lần đọc/download: 726 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
T
TC - Thưa các bác đang làm phận người, em hiện đang là một con bò sữa. Kiếp trước, em cũng được vinh dự làm phận người như các bác. Chẳng biết vì tội lỗi gì mà kiếp này em phải làm thân con bò.
Có kẻ bảo em rằng thế là còn may đấy, bò sữa chỉ việc ăn cho khoẻ, khi nào "ti" nó căng lên thì có người đến nắn bóp. Tuy hơi xót ruột một tí còn hơn làm kiếp con bò cày, suốt ngày bị kéo cày ở ngoài đồng. Tối tối, khi chờ xuống sữa, đôi khi hình ảnh của kiếp trước lại hiện ra, nghĩ mà chảy nước mắt, các bác ạ. Hồi còn làm phận người, em là chủ một doanh nghiệp có máu mặt trong vùng.
Doanh nghiệp của em chuyên về chế tạo đồ dùng học tập cho các cháu mẫu giáo, một ngành nghề được xã hội ưu tiên. Sau khi đánh vật với rất nhiều thủ tục giấy tờ, em có giấy phép kinh doanh. Nhưng cho đến giờ, khi đã sang kiếp khác rồi, cứ nhắc đến cái từ “cán bộ thuế” là em chỉ muốn lồng lên, bỏ chạy thật nhanh, thoát khỏi nỗi ám ảnh khủng khiếp trong cái tâm trí "ngu như bò" của em.
Chẳng cần kể cụ thể thì các bác có lẽ cũng đã biết nỗi khổ của các doanh nghiệp trong việc thuế má như thế nào. Thôi thì cứ như phận em giờ đây, có sữa thì mới bị vắt, còn hồi em làm doanh nghiệp, chưa có "sữa" cũng bị vắt. Vừa mới chân ướt chân ráo đầu tư vào nhà máy sản xuất, phải 1 năm sau mới ra sản phẩm, nhưng chúng em đã phải nộp "thuế thu nhập tạm nộp"; chưa có sản phẩm bán, em đã phải nộp thuế giá trị gia tăng...
Họ an ủi em, bảo rằng cứ nộp đi, nay mai sẽ được khấu trừ. Giời ạ, các bác phòng thuế cứ làm như ai bỏ tiền ra đầu tư cũng sẽ bán được hàng, cũng sẽ có thu nhập doanh nghiệp... Thế thì làm gì có Luật Phá sản. Em mạo phạm liên tưởng số phận của một doanh nghiệp với một con bò sữa.
Bò cho sữa tốt phụ thuộc vào giống (tầm quan trọng của nó tựa như ý tưởng kinh doanh của doanh nghiệp vậy) 40%; tiếp đó, yếu tố thức ăn (có thể liên tưởng đến yếu tố tài chính của doanh nghiệp) quyết định 30%; còn lại là yếu tố chăm sóc (tựa như tài năng của bộ máy điều hành, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có chính sách về thuế mà em ví như việc vắt sữa của tụi em vậy...) 30%.
Thôi thì đã làm phận bò sữa thì đương nhiên phải lấy việc cung cấp sữa làm vinh quang cho sự tồn tại của chính mình trong cuộc đời này. Cũng như vậy, nộp thuế cũng là một trong những vinh quang của các nhà doanh nghiệp. Thế nhưng cách thức tìm đến vinh quang của lũ bò tụi em sang trọng hơn nhiều. Tuy làm phận bò, nhưng chúng em được người vắt sữa chăm sóc rất chu đáo.
Ngoài khẩu phần ăn bình thường, chúng em còn được bồi dưỡng thêm cỏ tươi, mật mía, chất đạm... Khi vắt sữa phải theo những qui định rất nghiêm ngặt. Thí dụ như vắt đúng giờ, giữ yên lặng nơi vắt sữa, không hút thuốc, không gây cảm giác khó chịu đối với bò. Người vắt sữa phải rửa tay sạch sẽ, móng tay cắt ngắn, đeo khẩu trang và không mắc bệnh truyền nhiễm... Hỡi các bác làm doanh nghiệp của loài người!
Các bác thử nghĩ lại xem, con đường tiến tới vinh quang của các bác có được êm đẹp như phận bò của chúng em không? Các bác phải tự lao tâm khổ tứ để đi tìm ý tưởng kinh doanh, tựa như việc chọn giống của tụi em. Các bác lại phải mang nhà mang cửa ra ngân hàng thế chấp để có vốn làm ăn, tựa như tụi em phải tự đi tìm thức ăn. Các bác phải đi xin mua hóa đơn nộp thuế, tựa như tụi em phải tự đi mua công cụ như xô, chậu để vắt sữa.
Rồi các bác lại phải đem tiền nộp thuế đến kho bạc nộp, tựa như tụi em phải mang sữa đến tận bàn ăn của mỗi gia đình, nếu không sẽ bị phạt... Thôi thôi, em chẳng dám kể nữa đâu, vì thấy đau lòng quá! Đôi lúc, em cứ tự hỏi mình: Tại sao con người lại cư xử với mình tốt hơn với đồng loại của họ?
Cũng là những kẻ đem lại lợi ích cho con người, mà lợi ích của tụi em có thấm tháp vào đâu so với sự đóng góp vào sự phồn thịnh của đất nước như các doanh nghiệp, vậy sao họ lại bị đối xử tồi tệ như vậy? Hay là tại tụi em ngu dốt nên được người ta thương? Rồi cuối cùng em cũng hiểu ra. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề là việc sở hữu tài sản mà thôi!
Các bác doanh nghiệp làm ra tiền bạc, nộp một phần, còn lại là của các bác. Còn lũ bò sữa tụi em, khi còn thừa ứ sữa, em có tự "bú ti" của em được đâu?
Nhưng rồi em lại nghĩ lại. Cho dù của cải làm ra nằm trong Nhà nước hay nằm trong tay các bác doanh nghiệp thì vẫn là tài sản của quốc gia này. Dân giàu thì nước mạnh, có sao đâu?
Vì thế, em hằng ngày cầu nguyện cho sự bình đẳng ứng xử trong mọi công việc mang tính "vắt sữa" trên thế gian này.