Số lần đọc/download: 921 / 1
Cập nhật: 2015-07-02 16:11:32 +0700
Ông bà nội từ hồi chuyển về ở gần con cái nên mọi thứ thuận tiện hơn. Mấy hôm nay không thấy ông đi tập thể dục qua nhà. Tối hôm vừa rồi, ăn cơm xong, tôi bách bộ ngay sang.
Ông là người Thanh Hóa, còn đời ông tổ có gốc là người Hải Dương. Nếu tính từ đời ông tổ thì tôi là đời thứ mười ba. Bố kể năm đó quê mình bị vỡ đê, nước tràn ngập khắp nơi, cả làng bị đói nên bỏ quê đi cả. Anh trai của bố, tôi gọi là bác Trử, hồi ấy cũng như cánh bèo trôi dạt ra Nam Định và định cư ở đó.
Bằng cả nghị lực và quyết tâm, bố rời làng, đi học trường Hằng Giang và trở thành một thợ máy tàu. Rồi bố gặp mẹ, một người con gái mặc áo nâu sòng, giản dị bên khúc sông Tam Bạc, rồi có chúng con. Suốt bao nhiêu năm đầu bố đi làm xa, bàn tay mẹ vất vả chăm ba chị em, cả cụ nội nữa.
Cách đây khoảng gần ba chục năm, con nghe bố mẹ kể ai mà đi tàu thì oách lắm. Từ bốn bàn tay trắng, bố mẹ cũng gây dựng được một ngôi nhà ấm cúng, ngôi nhà đó ngay mặt đường gần bệnh viện mắt. Giờ thỉnh thoảng đi qua nơi ấy, hình ảnh ngày xưa lại trở về. Rồi cuộc sống vô thường, bố mẹ lần lượt chuyển từ nhà to sang nhà nhỏ, từ nhà mặt đường vào nhà đầu ngõ….rồi đến nhà cuối ngõ. Tôi nhớ đến năm tôi mười lăm tuổi, tôi phải tự kiếm tiền đi học thêm bằng xich lô. Chuỗi ngày đó là chuỗi ngày đẹp đối với tôi.
Mặc dù tôi lớn lắm rồi, là bố của hai cô con gái nhưng trong con mắt của mẹ, có lẽ lúc nào cũng thấy tôi là một đứa trẻ. Hôm nào sang nhà, mẹ cũng hỏi han nào là “Con đi làm mệt không? “ “Con làm vừa thôi để ý sức khỏe” v.v…rồi tự tay đi rót cho tôi từng cốc nước, hay một đĩa sấu nhỏ. Quay sang bên, tôi thấy khuôn mặt bố yếu nhiều hơn, kể từ cách đây gần bốn tháng bố phải nhập viện vì cơn nhồi máu cơ tim, cả ba mạch máu chính đều tắc.
Khi viết đến những dòng này, đêm đó như trở về ôm lấy tôi. Có thể nói đây là một trạng thái cảm xúc, nhưng ngọn đèn “chánh niệm” mà tôi đang chập chững thực tập được thắp lên. Ngon đèn ấy nhận diện và ôm ấp cảm xúc đó. Nó ghi nhận cảm xúc đang diễn ra trong tôi nhưng không cho “tôi” bị cuốn đi theo những cảm xúc đó, vì tôi biết mọi cảm xúc đều vô thường biến hiện. Đêm ấy bố nhập viện lúc 0:30 trong cơn đau giữ dội. Bác sĩ nói: ”Ông tắc cả ba động mạch chính, nguy cơ tử vong rất lớn, trong vòng hai giờ đồng hồ phải làm phẫu thuật đặt stent gấp”. Để đặt được stent vào tim, phải cần một số tiền lớn, mà 1h đêm thì đào đâu ra tiền? Tôi vẫn nở một nụ cười và đặt bước chân thảnh thơi trên hành lang bệnh viện. Trong đầu tôi đã nghĩ nhiều đến các sự trợ giúp, rồi phép màu đều đã xảy ra, tôi được những người bạn có mặt ngay lập tức trợ giúp. Có người ở khá xa, có người gần giúp đỡ. Tôi biết ơn các bạn nhiều lắm.
Một người bạn thân nói rằng “Dù có điều gì tồi tệ nhất xảy ra đi chăng nữa, rồi nó cũng qua”, sau vài tuần bố được xuất viện về nhà. Và bây giờ trong lúc này, tôi nhìn khuôn mặt bố, rồi nhìn khuôn mặt cô gái 8 tháng tuổi hồn nhiên, tôi đọc cho bố nghe hai câu thơ: “Lá non mọc ra, lá già rụng xuống”. Tôi chia sẻ tiếp với bố, “Bệnh tim của bố nặng, như ngọt đèn treo trước gió, bố hãy thắp những tia sáng trong hạnh phúc và niềm vui. Rồi mọi thứ bỏ lại cả, chỉ có những cảm xúc, cái tâm, cái nghiệp là mình mang theo mà thôi. Bố vui cũng là giúp chúng con”.
Vỗn dĩ cuộc sống từ bé khó khăn, cơ thể của bố gầy yếu. Nhưng ba năm trở lại đây, bố đã biết cách lắng nghe con cái tập thiền, tập đi bộ thảnh thơi, tập đọc những lời kinh. Sức khỏe của bố trong ba năm ấy cũng tốt lên rất nhiều. Những mọi thứ đều phải quỳ gối trước bánh xe thời gian. Năm nay ông cũng gần 80, ông bảo tôi: “Hai tuần nay bố thấy yếu, chân bước đi có cảm giác không vững, nên bố không đi bộ nữa”. Nghe xong câu đó lòng tôi lại xót xa.
“Hạnh phúc luôn có mặt trong hiện tại, trong từng hơi thở, bước chân và nụ cười” là câu tôi ưa thích. Tôi đặt câu này ngay cả dưới chữ ký email gửi đi, để luôn nhắc tôi hạnh phúc luôn có mặt, mình không phải chạy đi tìm đâu xa cả. Và tôi thường xuyên qua thăm bố mẹ, để tặng bố mẹ “sự có mặt ấy”. Nếu có xót xa, đó chỉ là một tình yêu thương, trong khi thấy mình còn chưa làm được thật nhiều điều, khi chưa giúp bố mẹ nhận diện được “cái tâm chân thật” không bị buồn vui đau khổ chi phối, sẵn có trong mình. Tôi biết ý nghĩ này cũng là một tâm tham, nhưng tôi lại thích cái sự tham ấy.
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”
Có thể những người anh em tôi hoặc ai đó mất đi người mình thương, vô tình đọc được đoạn này, cho tôi gửi “sự chia sẻ” sâu sắc. Và với những ai còn người thương, thì xin hãy tạm gác bộn bè, dừng lại một chút để thấy, để nhìn lại người thương bằng tất cả “sự có mặt”. Để chúng ta nhận ra rằng, chúng ta đang có sẵn tất cả những hạnh phúc ấy.