Số lần đọc/download: 1177 / 5
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
B
ình Khôi Thông Tuệ Trinh Thục Công Chúa, Đại Vương. Là tước hiệu mà triều Lê thượng phong cho bà Trưng Nhị, nguyên là phó tướng, phó vương của bà Trưng Trắc (Trưng Vương) trong cuộc khởi nghĩa mang tên Hai Bà.
Cũng như chị, bà Trưng Nhị là một nữ tướng thao lược, đã cùng khởi nghĩa và lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Ngồi trên bành voi, Hai Bà chỉ huy tướng sĩ, đốc thúc lực lượng tiêu diệt thành Luy Lâu và nhiều huyện, thành khác.
Khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi, bà Trưng Trắc xưng vương, đóng đô ở Mê Linh, còn bà Trưng Nhị cũng được phong vương, đóng quân ở thành Dền.
Thành Dền, tên chữ là Cự Triền, được xây dựng ở trang Cự Triền, đến nay hãy còn dấu vết, cách thành Mê Linh khoảng 9 dặm.
Thành đắp hình bán nguyệt, có tường cao hào sâu, bốn bề có tháp canh, lại có cổng thành chắc chắn, quân lính canh gác ngày đêm cẩn mật. Trong thành có chỗ ăn chỗ nghỉ cho quân sĩ, có chỗ luyện tập, thi đấu võ nghệ, lại có giếng nước, kho lương đầy đủ.
Khi trận chiến đấu ở Lãng Bạc thất thế, Hai Bà rút về thành Dền cố thủ. Quân địch đánh mãi không được, Mã Viện phải dùng kế bao vây lâu dài.
Y sai đắp một thành khác, cách thành Dền 3 dặm, gọi tên là thành Vượn (thuộc xã Tam Đồng, Yên Lãng). Từ thành Vượn và từ phía Mê Linh (nơi quân giặc đã chiếm) chúng án ngữ các đường tiếp tế và tổ chức nhiều đợt tấn công vào thành Dền. Bất đắc dĩ Hai Bà phải bỏ thành Dền, lui về đất Cẩm Khê.
Tại Cẩm Khê, nhiều cuộc chiến đấu nữa diễn ra. Cuối cùng vì lực lượng ít, quân ta đã thất bại. Cả Hai Bà đều nhảy xuống sông Hát tự tận.
Lại có thuyết nói bà Trưng Nhị bị tử thương trên sông Nguyệt Đức, lúc ấy đang có bão, từng đợt sóng đang dâng lên cuồn cuộn. Quân ta thừa thế xông vào trận địa cướp lấy thi thể của vị chủ tướng rồi vượt sóng đưa về an táng trên núi Hy Sơn thuộc đất Phong Châu ngày nay.
Tại Phong Châu và thành Dền có đền thờ của bà Trưng Nhị. Còn tên của bà, từ bao đời nay, vẫn gắn liền với bà Trưng Trắc. Nhân dân gọi hai vị khởi xướng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đầu tiên, đơn giản chỉ là "Hai Bà Trưng", một cách gọi thật dân dã, gần gũi mà kính trọng.