You practice mindfulness, on the one hand, to be calm and peaceful. On the other hand, as you practice mindfulness and live a life of peace, you inspire hope for a future of peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 681 / 2
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ôm đó là ngày mặc thử. Trang phục cho buổi Khiêu vũ Shakespeare được sửa những chi tiết cuối, khi người mặc đứng trước gương ở phòng của người phụ trách y phục.
Iago bất bình nói:
- Vô ích. Tôi trông không đúng, tôi không thấy đúng.
Người phụ trách y phục nói:
- Thưa ông, tôi cam đoan với ông rằng ông là một hình ảnh hoàn hảo.
Iago nói:
- Tôi có thể thấy bức ảnh, nhưng không thấy cá tính.
Người phụ trách y phục nói:
- Cá tính gì?
- Cá tính của Iago chứ gì nữa. Cá tính của tôi.
Người phụ trách y phục nói:
- Thưa ông, tôi có nên cho ông biết cái bí mật sẽ hủy hoại đời tôi nếu thiên hạ biết là tôi tiết lộ không?
- Cái đó có dính dáng gì với bộ áo này không?
- Thưa ông, hoàn toàn có liên hệ.
- Vậy thì nói coi.
- À thì, thưa ông, sự thật là chúng ta không thể mặc cá tính cho Iago được, vì hắn không có cá tính.
- Không có cá tính! Iago không có cá tính! Anh có điên không? Anh có say không? Anh có dốt nát vô phương cứu chữa không? Anh có đần không? Hay anh chỉ hồ đồ?
- Thưa ông, tôi biết là có vẻ quá táo bạo, sau khi bao nhiêu nhà phê bình lớn đã viết nhiều chương phân tích cá tính của Iago: sáng tạo sâu sắc, phức tạp, bí ẩn của nhà kịch thơ vĩ đại nhất của chúng ta. Nhưng nếu ông chú ý, thưa ông, chưa bao giờ có ai phải viết những chương dài về cá tính của tôi.
- Tại sao người ta phải viết chứ?
- Quả thật tại sao, thưa ông! Tôi chả có gì bí ẩn. Chả có gì sâu sắc. Nếu thiên hạ viết nhiều về cá tính của tôi, ông sẽ là người đầu tiên hoài nghi rằng tôi chả có cá tính gì.
Iago gay gắt:
- Nếu pho tượng bán thân kia của Shakespeare biết nói, nó sẽ yêu cầu được dời đi ngay lập tức tới một hốc tường thích hợp ở mặt tiền Hí viện Quốc gia Tưởng niệm Shakespeare, thay vì bị bỏ ở đây để chịu lăng mạ.
Pho tượng Shakespeare nói:
- Không có đâu. Thật ra là ta biết nói. Một bức tượng muốn nói cũng không dễ, nhưng khi nghe một người chân thật bị khiển trách vì nói lẽ phải thì ngay cả đá cũng phải cất tiếng. Mà ta chỉ là thạch cao thôi.
Iago há hốc miệng vì kinh ngạc, lúng túng vì Nhà Thơ làm hắn giật mình:
- Trò dấm dớ. Anh để máy hát đĩa trong pho tượng đó. Đáng lẽ anh phải để máy không.
Người phụ trách y phục xanh mặt phản đối, hoảng loạn:
- Thề danh dự, thưa ông, trước giờ phút này, giữa tôi và pho tượng đó chưa nói với nhau một lời nào - xin lỗi, tôi và ông Shakespeare.
Bức tượng nói:
- Lý do anh không thể có y phục và trang điểm cho đúng rất đơn giản. Ta đã tạo một gã Iago nhếch nhác, vì bọn ác là bọn tẻ ngắt và chán phèo đến nỗi ta chả bao giờ làm cho xong. Ta có thể chịu đựng một kẻ ác năm phút, như Don John trong - trong - ồ, tên gì nhỉ? - anh biết - vở kịch ăn khách đó với anh chàng cảnh sát khôi hài ấy mà. Nhưng nếu phải dàn một kẻ ác ra và cho nó một vai lớn, ta cứ kết thúc bằng cách biến nó thành một tay khá dễ thương, dù ta chả muốn. Ta rất buồn vì việc đó. Bọn chúng làm những chuyện vui đùa một cách hợp lý thì cũng được, nhưng đến khi phải khiến chúng phạm đủ loại giết người và nói đủ loại dối trá và làm đủ loại quỉ quái thì ta cảm thấy ngượng. Ta đâu có quyền làm vậy.
Iago nói:
- Chắc chắn ông không bảo Iago là một gã dễ thương!
Pho tượng nói:
- Một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trên sân khấu.
Iago sững sờ:
- Tôi!
Pho tượng gật đầu, và lập tức ngã vập mũi xuống sàn nhà, vì nhà tạc tượng không làm nó thăng bằng khi gật đầu.
Người phụ trách y phục chạy đến, và với biết bao lời xin lỗi và hối tiếc, ông phủi bụi Nhà Thơ và đặt lại trên bệ, may mắn là không vỡ.
Pho tượng nói, chẳng bị phiền phức vì tai nạn bất ngờ:
- Ta nhớ vở kịch có anh trong đó. Ta buông thả mình trong câu thơ, nghe hay vang rền, anh có thể nghe tâm hồn kẻ đang khóc trong âm hưởng của dòng thơ. Ta chả thèm để ý đến nghĩa - cứ quẳng ra tất cả những chữ tráng lệ ta tìm được. Ồ, thật cao nhã, ta bảo cho anh biết: đánh trống thổi kèn lên; và Propontick và Hellenspont; và gã ác độc và tên Thổ đội khăn xếp ở Aleppo; và những cặp mắt rơi lệ nhanh như hàng cây Ả Rập chảy nhựa thuốc. Vô nghĩa một cách gượng gạo và bất khả nhất, nhưng rất kêu! Ôi dào, ta bắt đầu vở kịch đó với hai kẻ hung ác đáng sợ, một nam và một nữ.
Iago nói:
- Nữ! Ông quên rồi. Không có vai nữ ác trong vở Othello.
Ông William bất tử nói:
- Ta bảo cho anh biết là vở đó chả có kẻ hung ác nào, nhưng ta đã bắt đầu với một vai đào ác.
Người phụ trách y phục hỏi:
- Ai thế?
Nhà Thơ đáp:
- Dĩ nhiên là Desdemona. Ta có khái niệm rất rõ về một mệnh phụ thành Venice cực kỳ tinh tế và cực kỳ đồi bại, kẻ sẽ khiến Othello tuyệt vọng bằng cách phản bội chàng. Tất cả trong hồi một. Nhưng ta yếu lòng. Cô nàng trở thành đáng mến trong tay ta, dù ta không muốn. Vả lại, ta thấy chả cần - ta có thể đạt hiệu quả mạnh hơn bằng cách làm cô nàng hoàn toàn vô tội. Ta nhượng bộ cám dỗ đó, ta chả bao giờ cưỡng lại được hiệu quả. Đó là một tội chống lại bản năng con người, và ta phải trả giá đắt, vì thay đổi đó khiến vở kịch trở thành một vở kịch tếu.
Iago và người phụ trách y phục không thể tin vào đôi tai của mình, cùng thốt lên:
- Kịch tếu! Othello là kịch tếu!
Pho tượng nói một cách võ đoán:
- Không khác. Anh nghĩ kịch tếu là một vở kịch trong đó có mấy trò bát nháo khôi hài làm thiên hạ cười. Cái đó chỉ vì anh dốt thôi. Ta gọi kịch tếu là vở kịch trong đó có những hiểu lầm thiếu tự nhiên và máy móc. Khi tạo Desdemona thành một thứ phụ nữ chân thật đoan trang tội nghiệp, và Othello thành một gã thật cao vời, ta đã tước hết lý do tự nhiên cho lòng ghen tuông của gã. Để tạo tình huống tự nhiên, lẽ ra ta phải tạo cô nàng thành một mụ tồi tệ như ta đã dự tính lúc đầu, hoặc là gã thành một tên ghen tuông, phụ bạc, ích kỷ, như Leontes trong The Tale (1). Nhưng ta không thể xem thường Othello như thế, vì vậy, như một thằng ngốc, ta làm giảm giá trị chàng theo kiểu khác, bằng cách biến chàng thành kẻ bị lừa vì một trò lố bịch với chiếc khăn tay, một lý lẽ chẳng đứng vững được trên sân khấu tới năm phút. Vì thế vở kịch chả có giá trị gì với một khán giả sâu sắc. Nó chả là gì ngoài một trò quỉ quái nghịch ngợm và sát nhân. Ta xin lỗi, tuy rằng, trời hỡi! Ta muốn thấy bọn tân tiến các anh viết được cái gì hay bằng phân nửa như thế.
Người phụ trách y phục nói:
- Tôi vẫn nói rằng Emilia quả thật là vai mệnh phụ chính.
Iago bào chữa:
- Nhưng ông không đổi ý về tôi.
Shakespeare nói:
- Có. Ta bắt đầu vai anh với một khái niệm khá rõ là vẽ nên một gã đáng ghét nhất mà ta biết: một anh chàng thẳng thắng và ân cần, khiêm tốn và ít quan trọng, hài lòng làm kẻ thứ yếu với nhiều phong cách hơn, nhưng là kẻ thô lỗ đáng ghét, và có tính ích kỷ ngu xuẩn khiến hắn không thể hiểu mối nguy hại của trò gian trá hắn làm, hay có thể tự chế nếu đạt được mối lợi vặt vãnh khốn nạn nhất. Nhưng sự khinh miệt và ghê tởm của ta đối với loại đó - tệ hơn nữa là sự chán ghét cùng cực đối với hắn - đã khuất phục ta trước khi ta sang hồi hai. Những điều thật và tự nhiên mà hắn nói thô tục đáng kinh tởm khiến ta không thể tiếp tục dùng chúng để bôi bẩn vở kịch của mình thêm nữa. Hắn khởi đầu là một kẻ thông minh và hóm hỉnh dù ta không muốn. Rồi chấm dứt hết. Lại giống như vở Richard III. Ta tạo hắn là con chó khôi hài. Ta đi xa hơn: ta cho hắn lòng khinh miệt siêu phàm của chính mình đối với những điều nực cười của nhân loại và đối với chính hắn, thay vì cho hắn tính ganh tỵ quỉ quái đáng là của hắn đối với sự thiêng liêng của con người. Cái kiểu đó cứ xảy ra luôn với ta. Nó đỡ hơn trong vài vở kịch, nhưng xuống tới tận đáy trong Othello. Nó không gây thích thú cho những ai hiểu biết khi thấy một phụ nữ bị bóp nghẹt vì lỗi lầm. Tất nhiên cũng có kẻ thích xem một phụ nữ bị chết chẹt, dù có lỗi lầm hay không; nhưng bọn đê tiện như thế chả tích sự gì với ta, tuy tiền của chúng cũng được như tiền của bất cứ ai.
Khả năng đối thoại của pho tượng bắt đầu khiến người phụ trách y phục sợ hãi, nhiều lúc bị lâm vào cảnh khó khăn. Pho tượng định nói nữa thì cửa bật mở và Lady Macbeth chạy vào. Như đã biết, bà là vợ của Iago, vì thế người phụ trách y phục nghĩ rằng không cần nhắc bà đây là phòng thay áo của đàn ông. Vả lại, bà là người ở địa vị cao, và ông sợ bà đến nỗi thậm chí không dám mạo hiểm đóng cửa lại, e rằng một hành động như thế có thể hàm ý trách bà đã để cửa mở.
Bà ta nói:
- Tôi tin rằng bộ áo này sai hoàn toàn. Họ cứ bảo tôi là một hình ảnh hoàn hảo, nhưng tôi không thấy giống Lady Macbeth chút nào.
Người phụ trách y phục nói:
- Trời ơi, thưa bà! Chúng tôi có thể thay đổi diện mạo chứ không thể đổi bản chất của bà.
Bà mệnh phụ nói:
- Tầm bậy! Bản chất của tôi thay đổi với từng bộ áo mới tôi mặc. Trời ơi, cái gì đó?
Bà thốt lên khi bức tượng khúc khích tán thành. Iago nói:
- Pho tượng. Ông ấy nói chuyện trôi chảy. Tôi thành thật tin rằng đấy chính là ông cụ.
Bà mệnh phụ nói:
- Tào lao! Tượng đâu thể nào nói được.
Shakespeare nói:
- Được. Ta đang nói, và ta là pho tượng.
Bà mệnh phụ nói:
- Nhưng tôi bảo cho ông biết ông không thể nói, như thế trái với lẽ thường.
Shakespeare nói:
- Thế thì cản tôi đi nếu bà cản được. Trong thời của Bess (2) chưa có ai cản nổi.
Bà mệnh phụ nói:
- Chả có gì khiến tôi tin nổi. Chỉ là trò mê tín thời trung cổ. Nhưng tôi cứ hỏi ý ông, trông tôi trong bộ áo này có như thể tôi sắp giết người không?
Nhà Thơ nói:
- Đừng lo chuyện đó. Bà cũng là một thất bại khác của ta. Ta định cho Lady Mac là một thứ gì rất khủng khiếp, nhưng bà ấy biến thành vợ ta, người chưa bao giờ giết ai trong đời - ít ra cũng không phải là một cú giết người chớp nhoáng.
- Vợ ông! Ann Hathaway!! Bà ấy giống Lady Macbeth à?
Shakespeare thú nhận:
- Rất giống. Nếu bà chú ý, Lady Macbeth chỉ có một cá tính nhất quán là bà ấy nghĩ mọi điều chồng làm đều sai và bà ấy có thể làm hay hơn. Nếu tôi có bao giờ giết ai, bà ấy sẽ mắng tôi đã làm nhếch nhác và sẽ vênh váo tự mình hoàn thiện việc đó. Mỗi khi chúng tôi có tiệc tùng, bà ấy xin lỗi khách vì cách cư xử của tôi. Ngoài ra, tôi thách bà tìm thấy Lady Macbeth có bất cứ chút khôn ngoan nào. Tôi chả tưởng tượng nổi có ai giết người như thế. Điều duy nhất tôi có thể làm khi đến chỗ đó là cứ trơ tráo cho bà ấy làm, rồi cho bà ta một hai nét tự nhiên - của Ann - để thiên hạ tin bà ta thật.
Bà mệnh phụ nói:
- Tôi vỡ mộng, hết ảo tưởng, căm phẫn. Ít nhất lẽ ra ông giữ mồm giữ miệng chuyện đó đến sau buổi khiêu vũ.
Pho tượng nói:
- Bà nên đánh giá tôi tốt hơn. Thật tình tôi là một kẻ hoà nhã. Thật là khủng khiếp khi sinh ra thông minh gấp mười kẻ khác - thích thiên hạ nhưng cũng phải khinh miệt cái rỗng tuếch và ảo tưởng của họ. Người ta là bọn ngốc như thế, thậm chí kể cả những kẻ dễ ưa nhất về mặt trí tuệ. Tôi không đủ tàn nhẫn để thích thú sự ưu việt của mình.
Bà mệnh phụ hếch mũi lên nói:
- Tự phụ quá đỗi!
Nhà Thơ nói:
- Làm sao bây giờ? Bà bảo tôi đi khắp nơi giả vờ là một kẻ bình thường à?
Bà mệnh phụ nói:
- Tôi tin rằng ông không có lương tâm. Chuyện đó thiên hạ hay nhận ra.
Pho tượng thốt lên:
- Lương tâm! Nó làm hỏng cá tính tốt nhất của tôi. Tôi khởi sự viết vở kịch về Henry V. Tôi muốn trình bày ông ấy thời trẻ trung phóng đãng, và dự phác một nhân vật rất khác thường, một loại Hamlet chơi bời trác táng, luôn luôn cặp kè với Hoàng tử, vạch đạo nghĩa và tô điểm câu chuyện - xin lỗi chuyện lỗi thời: tôi tin rằng tiến sĩ Johnson là người duy nhất đã từng viết đúng về tôi. Poins là đầu đuôi của mẫu mực này. Ối dào, nếu bà tin tôi, tôi vất vả với vở kịch lúc một kép phụ mà tôi định cho làm tên cướp đường hèn nhát vừa mới xuất hiện trong hai hồi để cướp mấy thương buôn, rồi chính hắn ta bị Hoàng tử cướp và Poins - một vai hoàn toàn không quan trọng - bỗng dưng biến thành hoá thân cao quý của Silenus (3), một vai hài hước lớn. Hắn giết Poins, hắn diệt toàn bộ dự tính của vở kịch. Tôi ưa thích hắn, đắm say hắn, tạo một nhóm nhỏ thú vị gồm dân bất hảo cho hắn sáng lạn. Tôi tin chắc rằng dù cho các nhân vật khác của tôi có thể phản tôi, hắn sẽ không bao giờ. Nhưng tôi quên kể đến lương tâm của mình. Một tối, tôi đi bộ qua khu Eastcheap với một bạn trẻ (một tay trẻ còn cả cuộc đời phía trước), tôi đi ngang một lão già mập, nửa say nửa tỉnh, đang đểu cáng liếc một phụ nữ đáng lẽ trẻ trung. Ngay tức khắc lương tâm nói vào tai tôi: “William, chuyện này tức cười không?” Tôi thuyết giảng anh bạn trẻ đến khi anh ta giả vờ có hẹn và chia tay. Rồi tôi về nhà làm hỏng kết cục của vở kịch. Tôi làm không hay. Tôi không thể làm cho đúng. Nhưng tôi phải làm cho lão già đó khốn khổ tiêu tùng. Tôi phải treo cổ đồ giòi bọ tồi tệ hay ném chúng vào cống rãnh và nhà thương. Người ta nên nghĩ trước khi bắt đầu những thứ như vậy. Nhân thể, bà làm ơn đóng cửa lại được không? Tôi bị trúng lạnh.
Bà mệnh phụ nói:
- Ồ xin lỗi, tại tôi cả.
Và bà chạy đóng cửa trước khi người phụ trách y phục biết ra.
Quá trễ.
Pho tượng nói:
- Tôi sắp hắt hơi, chẳng hiểu tôi có thể hắt hơi được không.
Nó cố gắng chun mũi và nhíu mắt chỉ một tị. Một tiếng nổ kinh hoàng theo sau. Rồi pho tượng vỡ thành mảnh vụn trên sàn nhà.
Nó chả bao giờ nói nữa.
(1) The Winter’s Tale, bi hài kịch lãng mạn của Shakespeare.
(2) Bess là cách gọi thân mật Nữ hoàng Elizabeth I (1533-1603). Dưới triều đại của bà (1558-1603), sinh hoạt thi ca và kịch nghệ được khuyến khích và phát triển mạnh, và được xem là thời Phục hưng ở Anh.
(3) Silenus là con trưởng của thần núi rừng Satyrs trong thần thoại Hy Lạp. Silenus hay say sưa và tiết lộ tương lai, vì ông cũng là sứ giả của thần thánh. Trong nghệ thuật, Silenus thường xuất hiện như một ông già say vui tính.
Bí Mật Phòng Thay Áo Bí Mật Phòng Thay Áo - Sưu Tầm