Số lần đọc/download: 815 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
C
hiếc phi cơ cất cánh rời phi trường quốc tế Đu Lắc vào một sáng mùa Đông. Dĩnh đẩy tấm màn che cửa, dán mắt vào cửa kiến nhìn xuống khuôn viên phi trường, vì nơi ấy, Thụy Vy chắc vẫn còn lảng vảng đưa mắt nhìn theo. Chiếc phi cơ vẫn quay đầu bay đi. Trong nháy mắt, sân bay và Thụy Vy chỉ còn là một điểm nhỏ, rồi biến mất trong áng mây. Chiếc phi cơ khổng lồ đang lao mình đưa đoàn người về miền Đông Nam Á, Dĩnh ngồi co ro bên song cửa đưa mắt nhìn vào chân không, xa tít nơi chân trời những cụm mây nhấp nhô như những ngọn núi bạc đầu trải dài ngoài tầm mắt của Dĩnh. Và trong những đám mây chập chùng kia, lạc lòi một cụm mây đang bay lững lờ trong giá buốt.
Thế là Dĩnh thực sự trở về.
Bốn năm nay Dĩnh sống hững hờ bên cuộc đời. Giữa một thành phố đông người nhưng Dĩnh thấy mình cô đơn đến lạ lùng. Những gười bạn, những ồn ào náo nhiệt ngày xưa nay dường như vắng lặng. Dĩnh không còn điện thoại trò chuyện, và cũng không còn nhận điện thoại nào từ bạn bè. Mà đâu còn bạn bè nào nữa, Dĩnh mất mọi liên lạc từ lâu rồi! Nhiều khi thấy vậy mà bình an hơn. Bốn năm qua cuộc sống của Dĩnh chỉ biết vùi đầu vào công việc hằng ngày, tối về chỉ có Thụy Vy là niềm vui duy nhất. Những phương trình, những bài toán, và những “luận án” ngoài đời Dĩnh giải quyết rất hay. Có đôi khi ngồi trong xe nhìn khuông mặt buồn rầu của Thụy Vy, Dĩnh nói Dĩnh có thể giải quyết được mọi chuyện trong nhà từ máy móc và mọi thứ, nhưng chỉ có một việc mà Dĩnh không tài nào giải quyết được, Thụy Vy có biết chuyện gì không? Nhưng rồi, nhìn bốn con mắt ngơ ngác của Thụy Vy, Dĩnh lại cặm cuội lo lái xe.
Bốn năm trước, trong một chuyến đi chơi trở về, Thụy Vy rất buồn rồi bật khóc nức nở trong xe. Nhìn Thụy Vy, Dĩnh hiểu vì sao Thụy Vy buồn nên để yên Thụy Vy giải bày nỗi buồn qua tiếng khóc. Chỉ tội cho lòng ngực Thụy Vy nhỏ quá không thể chuyên chở nổi những uất ức trong lòng.
Hôm nay Dĩnh rời xa Thụy Vy. Dĩnh muốn dành cho mình một vài tuần để trở về thăm quê hương. Thăm lại những nẽo đường mà ngày xưa Dĩnh đã một thời lê gót. Một thời mà tuổi thơ của Dĩnh gắn liền với những kỷ niệm chứa chan tình bạn, tình người.
Chiếc phi cơ đã rời Thụy Vy rất xa, đang lao mình rẽ những luồng mây vượt lên không giang. Bao nhiêu chồng chành rồi cũng qua, và chiếc phi cơ đang thênh thang trong vũ trụ bao la. Nằm ở độ cao trên mười ngàn bộ, hai đôi cánh vươn rộng và tiếng máy thật đều của động cơ đang đưa con chim sắt vượt trùng dương. Những nhọc nhằn và ươu phiền của Dĩnh cũng giảm dần theo tỷ lệ nghịch của chuyến bay. Dĩnh nhắm nghiền đôi mắt và thiếp đi trong giấc ngủ. Và ngoài trời những tia nắng xuyên qua áng mây như những sợi chỉ mong manh.
Mười ba tiếng đồng hồ trôi qua, chiếc phi cơ đã vượt Thái Bình Dương và đang đánh một vòng tròn đáp xuống phi trường Narita, Nhật Bản. Dĩnh theo đoàn người rời khỏi chiếc phi cơ đến một khách sạn nằm ở ven sân bay. Dĩnh sẽ nghỉ tạm qua đêm ở khách sạn do hảng máy bay sắp xếp, chờ sáng mai tiếp tục cuộc hành trình.
Đặt chiếc vali nhỏ xuống giường, Dĩnh vội vã rửa mặt rồi khoát chiếc áo gió đón taxi xuống phố Narita, cũng là lúc ánh Thái Dương vừa khuất dạng.
Trời đã vào cuối Đông nhưng Narita vẫn lạnh. Lần đầu tiên dừng chân ở xứ hoa Anh Đào, Dĩnh tranh thủ thời giờ xuống phố xem cho biết qua nhịp sống của những người con Thái Dương Thần Nữ. Thời giờ không rộng rãi nên Dĩnh chỉ lảng vảng nơi ga xe lửa, dạo chơi một đọan đường ngắn và ghé vào một tiệm ăn nhỏ bên lề đường gọi một tô mì. Nhìn ngoài đường, những cô nữ sinh Nhật Bản đang vội vã ôm sách vở hướng về sân ga. Những cô nữ sinh mặc đồng phục, ríp ngắn xanh với áo sơ mi trắng, người nhỏ con, thấp nhưng da rất trắng. Nhìn đoàn nữ sinh với những mái tóc cắt ngắn, đen huyền, vô tư và hớn hở trò chuyện huyên náo làm Dĩnh nhớ lại những buổi tan trường ngày xưa. Những tà áo trắng Gia Long hay áo tím Trưng Vương bay phất phới trong gió những buổi tan trường, mang theo nét quyến rũ và lãng mạng của tuổi học trò mà có lẽ chỉ tìm thấy dưới những mái trường Việt Nam.
Buổi chiều đã qua, Dĩnh rời khu phố Narita trở lại khách sạn. Đường phố nơi đây rất hẹp, nhà cửa chèn chịt bên nhau. Đất ở đây rất hiếm nên được trưng dụng một cách tối đa. Có những nơi đậu xe rất nhỏ và xe hơi đậu chồng chiếc này trên chiếc kia như giường đôi giường ba trong những khoang tàu Hải Quân. Chỉ khác nhau là những chiếc xe nằm trên được mang lên bằng hệ thống “thang xúc”. Và một điều là ở thành phố Nhật Bản người ta ít thấy xe quá cũ chạy ngoài đường. Dường như người dân Nhật Bản chỉ dùng xe trong một thời gian ngắn xong đổi lấy xe mới, và xe cũ sẽ được đem bán ở những nước khác.
Sáng hôm sau chiếc phi cơ rời phi trường Narita. Khoảng sáu giờ bay, phi cơ đã vào không phận Việt Nam. Dĩnh lại bu vào khung cửa nhìn xuống mảnh đất thân yêu mà hơn ba mươi năm trước Dĩnh đã ra đi. Dĩnh rất hồi hộp và trong lòng dâng lên một cảm giác mang mác khó tả. Thứ cảm giác của một người đi xa nay trở lại. Trở lại để tìm những dấu chân ngày xưa, để tìm lại những kỷ niệm, tình người, và để ôm chặt những người thân sau bao nhiêu năm cách biệt. Chỉ bấy nhiêu đó đã làm cho Dĩnh tê tái đi mất. Khi chiếc phi cơ vào bầu trời Việt Nam, Dĩnh nhìn xuống, có lẽ đây là vùng trời Quảng Nam, Quảng Ngãi. Dĩnh cố nhìn kỷ vùng đất sinh ra mình. Nhưng chiếc máy bay bay lẹ quá, thoáng một chút những ngọn núi và những ngôi làng đã nằm lại sau lưng thật xa. Dĩnh lại dõi mắt nhìn trên mảnh đất quê hương, quê hương Việt Nam. Rồi cảm thấy thật hảnh diện, chỉ vì là người Việt Nam, vậy thôi! Những cảm nghĩ miêng mang đang lâng lâng trong người Dĩnh thì chiếc máy bay tụt dần xuống, và phía trước Dĩnh là hình ảnh của một Sài Gòn. Vậy là ruột gan của Dĩnh thót lại, bao nhiêu chữ nghĩa cũng biến mất để chỉ còn một tiếng thật nhỏ thoát ra từ đáy lòng: “Ồ Sài Gòn kia kìa”.
Sài Gòn đó, hay là hòn ngọc viễn đông đó. Sài Gòn đẹp và kiêu sa của người dân nước Việt. Vì Sài Gòn có bến Chương Dương có dinh Độc Lập có đường Tự Do, có chợ Quán có Cầu kho, bến xe lục tỉnh con đò Thủ Thiêm,… Vậy mà nó bị mất tên. Bây giờ với cái tên mới làm sao cất tiếng hát với dinh Độc Lập với đường Tự Do đây!? Bao nhiêu ý nghĩ đẹp trong đầu Dĩnh về Sài Gòn tự nhiên biến mất chỉ vì người nữ chiêu đãi viên Việt Nam ngõ lời chào đón đến thành Hồ.