Thất bại lớn nhất của một người là anh ta không bao giờ chịu thừa nhận mình có thể bị thất bại.

Gerald N. Weiskott

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 663 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ô tên Hoa, người con thứ hai trong gia đình nên ngưòi ta thường gọi cô Ba Hoa. Cô không thích người ta kêu như vậy, nhưng cũng may người miền nam ít khi gọi tên tục mà thường kêu bằng ngôi thứ. Gia đình gồm bốn anh chị em, người anh đầu đã chết trong lúc thi hành nghĩa vụ quân sự. Cha mất sớm, mẹ tần tảo buôn thúng bán bưng nuôi bốn anh chị em....
... Gia tài chẳng có gì ngoài căn nhà gỗ đã cũ, đủ nơi nương tựa cho bốn mẹ con. Có năng khiếu kinh doanh nhưng ít vốn, bà Tám, mẹ Hoa thường dùng ghe nhỏ vào tận những thôn xóm xa xôi hẻo lánh, cung cấp đủ các mặt hàng theo yêu cầu của khách. Bà chất phác thực thà và rất sòng phẳng trong việc buôn bán. Tùy theo từng món hàng, bà đề nghị tăng thêm mười, mười lăm cho đến hai mươi phần trăm trên giá gốc tại chợ Cần thơ. Khách hàng đồng ý cách tính toán của bà Tám, người nầy đồn đến người khác, dần dần bà Tám thu được cảm tình cũng như lòng tin tuyệt đối của khách.
Cứ mỗi tuần ghe của bà chở đầy từ thức ăn, vật dụng cần thiết hàng ngày cho đến áo quần hàng vải theo nhu cầu đặt hàng. Đôi khi chuyến ghe còn rộng chỗ, bà đem theo một số vật dụng cần thiết khác chào hàng để kiếm thêm tiền chợ. Lấy công làm lời, nếu biết tính toán cũng vừa đủ chi phí cho bốn đứa con ăn học.
Năm 2000 người con trai đầu sau khi đỗ bằng phổ thông cấp hai, với khả năng vượt bực về bộ môn toán, Bảo đã lên Sài gòn để thi vào các trường đại học cầu đường, kiến trúc, khoa học điện tử theo lời khuyên của các thầy giáo, gia đình cũng như bạn bè. Nhưng qua sáu lần thi ròng rã trong hai năm Bảo đành chào thua quay về khóc với mẹ:
- Thưa mẹ, qua sáu lần thi vào các trường trên, con tin chắc các bài con đã làm thật tốt, chính các thầy sau khi xem qua bài nháp cũng công nhận con không có bất cứ một lỗi lầm nào. Mỗi khóa thi, ba trường trên thu nhận trên trăm sinh viên. Không lý trên sáu trăm người đều có điểm tốt hơn hẳn con!
Bà Tám an ủi:
- Má cũng đoán biết chuyện nầy, con đừng buồn vô ích vì gia đinh chúng ta không thuộc diện được ưu đãi. Xã hội xếp hạng chúng ta vào loại thứ ba, chẳng có ưu tiên gì trong việc thi vào các trường chuyên môn.
Không vào được đại học Bảo phải tình nguyện thi hành nghĩa vụ quân sự, hy vọng trong một thời gian ngắn sẽ được trở về rồi kiếm một chân công nhân viên gì đó để phụ giúp gia đình.
Rủi thay chưa đầy sáu tháng thi hành nghĩa vụ, Bảo đã bị tai nạn chết trong lần huấn luyện về mìn cá chân. Xã chỉ báo tin cho gia đình khi chiếc hòm đã đưa về trước cửa nhà.
Thấy mẹ đau buồn sau cái chết của anh hai, hơn nữa sức khỏe càng ngày càng sa sút không đủ sức tiếp tục chèo thuyền vào tận những vùng xa, Hoa quyết định bỏ học để nối tiếp con đường bà Tám. Hoa chấp nhận vất vả nhưng đây là lối thoát duy nhất, không còn con đường nào khác để giúp mẹ và gánh vác việc học hành cho hai đứa em còn nhỏ.
Thoạt đầu bà Tám không chịu, viện lý do sức khoẻ còn tốt có thể tiếp tục vài năm nữa để Hoa có cơ hội vào trường sư phạm như Hoa hằng mơ ước từ hồi còn nhỏ. Nhưng Hoa dứt khoát chấm dứt con đường học vấn từ đây, cô cho rằng nếu muốn ra trường sư phạm, thời gian học còn kéo dài đến ba năm trong lúc sức khỏe của bà Tám không thể kéo dài đến ngày Hoa ra trường. Cuối cùng bà Tám đành chấp thuận quyết định của Hoa, bà ân cần nói:
- Thôi con đã muốn vậy mẹ đành nghe theo nhưng con là gái không thể một thân một mình chèo thuyền đi vào các thôn xóm xa xôi như vậy. Thời buổi bây giờ khó khăn lắm.
- Thế mẹ định ra sao?
- Nhà còn ít tiền dành dụm được, mẹ sẽ sang cho con cái sập tại chợ Cần thơ.
- Bán hàng gì mẹ?
- Rau cải trái cây. Xem đơn giản nhưng kiếm được tiền nhiều hơn các món hàng khác.
Đưa khăn chùi vết trầu trên mép, bà tiếp:
- Con đừng lo, mẹ sẽ thu xếp với các chủ vựa giao thẳng hàng cho con mỗi ngày ngay tại sạp để con đỡ vất vả.
- Thôi mẹ tính sao, con nghe vậy.
Sạp nầy trước đây bán trái cây rau quả nhưng không đông khách, từ ngày Hoa sang lại, khách hàng bỗng dưng tấp nập hơn trước. Chắc vì, phần cô bán hàng trẻ đẹp tính tình còn đậm nét thực thà dễ thương của một nữ sinh, phần hiếu thảo bỏ ngang việc học để lo cho mẹ già và các em. Sạp bán rau cải được sửa sang khang trang, đóng thêm kệ, chất nhiều loại rau cải trái cây tươi tốt hơn. Nhưng khách đến đông thực sự không hẳn lý do nầy. Nhiều người cho biết chính cô chủ là động lực chính chẳng những đối với khách hàng đàn ông mà ngay cả đàn bà và những ai đã một lần ghé qua đây. Nét đẹp trẻ trung thật dễ thương với nụ cười trên môi đã thay đổi hẳn bộ mặt người chủ trước, một bà già khó tính luôn kèo nhèo cau có, bớt một thêm hai, đôi lúc còn chưởi rủa khách hàng bằng những danh từ khó nghe.
Không chỉ trong phạm vi bạn hàng rau cải với nhau, Hoa còn được cả chợ biết đến và thương mến. Trong các tuần đầu, vào các buổi chợ cuối tuần Hoa thường đem rau cải trái cây còn lại đến biếu không cho các bạn hàng chung quanh với nụ cười nhã nhặn:
- Các bác các chị cứ cầm về ăn cuối tuần, để đến thứ hai không còn tươi uổng lắm.
Nhiều lần các bạn hàng đề nghị:
- Để chúng tôi trả lại tiền vốn, không thì cô lỗ.
- Không đâu, một chút xíu có gì đâu mà ngại..
Từ đó Hoa đã tạo được thói quen tốt giữa bạn hàng với nhau. Các buổi chợ cuối tuần họ thường trao đổi từ rau cải cá thịt đem về xử dụng thay vào việc phải bỏ tiền ra mua.
Trong tháng đầu, bà Tám rất ngạc nhiên ngoài số tiền Hoa đem về khá lớn cô còn mua cho các em mỗi đứa hai bộ áo quần để đi học. Bà thấy chung quanh những cô gái cùng lứa, đứa đua đòi phá của, đứa bỏ học đi bụi đời trong lúc Hoa, một hoc sinh giỏi nhất lớp mười hai, chỉ cần vài tháng nữa Hoa có thể vào trường sư phạm để theo đuổi giấc mơ từ lúc bước chân vào trung học.
Mái tóc đen ôm lấy khuôn mặt bầu bỉnh, Hoa không đẹp theo quan niệm mẫu người của thủ đô. Đôi mắt đen láy nước da hơi ngâm, tóc dài phủ đến ngực. Con người Hoa mang một sắc thái đặc biệt, đậm nét mặn mà đơn sơ của miền sông Hậu, không son phấn, không chải chuốt nhưng thật quyến rũ. Vào độ tuổi mười chín nhưng Hoa chưa hẳn của riêng của một người đàn ông nào. Trước đây lúc còn trên ghế nhà truờng, nhiều thanh niên đeo đuổi cô và Hoa đã phải lòng một thanh niên đẹp trai học trên ba lớp. Đây chỉ là mối tình ngây thơ trong trắng của những ngày ôm sách đến trường, giữa Hoa một nữ sinh đẹp với một thanh niên con nhà giàu đang chuẩn bị bước chân vào đại học. Đúng với nghĩa của tình học trò, hai người thư từ qua lại, hẹn hò rồi yêu nhau. Gặp nhau chỉ nắm tay, ôm nhẹ với vài nụ hôn thoáng lên tóc lên môi một cách nhẹ nhàng nhưng cũng đủ làm Hoa rung động trong vòng tay lần đầu của một người đàn ông. Nhưng Hoa đã biết dừng lại đây và hứa hẹn sẽ đi đến tận cùng của yêu đương sau khi có sự chấp thuận của hai gia đình. Chàng thanh niên lên Sàigòn tiếp tục việc học, hàng tuần trở về thăm gia đình và Hoa. Nhưng chỉ vài tháng sau không thấy chàng trở lại thường xuyên như ngày đầu. Hoa khám phá được lý do, chàng thanh niên đã quên Hoa qua vòng tay của một người con gái nơi ánh sáng đô thành. Mối tình học trò chưa để lại những đậm đà nuối tiếc và những ân hận về sau. Khi hay tin, Hoa chỉ thoáng buồn trong một thời gian ngắn như số phận của đa số cô gái miền quê bị ánh sáng đô thị cướp mất người tình. Hoa vẫn bình tĩnh, tạm khép kín con tim và tiếp tục việc học.
Tiếp đến, hai sinh viên của trường đại học Cần thơ đeo đuổi Hoa mỗi ngày, họ bám theo đưa đón nhưng chưa một người nào chiếm được cảm tình của Hoa.
Sau khi Bảo chết Hoa tự nhủ lòng, cô không còn nghĩ đến tình cảm riêng tư của mình nữa. Hoa phải thay anh hy sinh lo cho mẹ cho em và dứt khoát bỏ ngang việc học dù chỉ còn vài tháng nữa Hoa sẽ bước chân lên đại học.
Từ khi ra bán chợ, vài đối tượng khác theo sát nàng. Trước tiên kể đến những thanh niên giao hàng. Họ có dịp tiếp xúc với Hoa hằng ngày. Có anh tấn công sàm sở bằng những danh từ quê mùa cục mịch, nhưng đã rút lui khi phải tiếp xúc với một cô gái có học ăn nói lịch sự. Cũng có những anh lì lợm bám riết, Hoa vui vẻ cho biết mình đã có ý trung nhân sắp làm vợ, xin để cho cô yên thân. Trong số nầy có một anh, không nói năng gì nhưng lúc nào cũng ra tay nghĩa hiệp, ngoài việc giao hàng hằng ngày, anh chàng còn tình nguyện đến sớm để chất hàng phụ và buổi chiều có lúc đến phụ dọn hàng đóng sạp. Tuy cám ơn lòng tốt nhưng trong lòng Hoa không phát sinh một chút tình yêu nào.
Gần đây Hai Sáng, con trai đầu lòng của ông bà chủ tiệm vàng Rồng Vàng bên hông trái chợ đã phải lòng Hoa. Lúc đầu Sáng thường qua lại trước sạp gật đầu chào làm quen, sau tiến tới việc ghé vào sạp thăm hỏi vài ba câu và mua một ít rau cải lấy lệ để kéo dài thời gian làm thân. Lúc đầu Hoa không để ý, nhưng một thời gian ngắn qua lối nói chuyện, Hoa biết Sáng muốn cưới cô làm vợ. Tuy biết vậy nhưng Hoa không háo hức, không vồn vã cũng không có thái độ đáp ứng khi được một thanh niên đẹp trai con nhà giàu đem lòng yêu thương và muốn kết nghĩa trăm năm. Lý do đơn giản, tim Hoa không rung động truớc việc tỏ tình của Sáng. Tuy nhiên Hoa cũng đem chuyện nầy nói với bà Tám:
- Mẹ có biết tiệm vàng Rồng Vàng bên hông chợ?
- Biết chứ, nhưng có gì không con?
- Người con trai đầu ông bà chủ đang bám riết theo con.
- Chuyện gì?
- Để xin cưới...
Hoa chưa dứt câu, bà Tám ngắt ngang:
- Tuởng gì, chứ xin cưới con thì quá tốt, sao con không nhận ngay đi.
Hoa trả lời không suy nghĩ:
- Con chưa có ý định lấy chồng.
- Sao, chừng nầy tuổi đâu còn nhỏ dại gì đâu. Hơn nữa gặp nơi giàu có, mai sau con đỡ khổ tấm thân.
- Con biết vậy, nhưng con thấy chưa thuận tiện, xin mẹ để cho con thêm chút thời gian xem ra sao rồi hãy tính cũng chưa muộn.
Bà Tám chắt lưỡi:
- Chuyện vợ chồng ngày nay nếu thấy được nên cưới liền tay. Chuyện đời lắm thay đổi, nhất là thằng Sáng con nhà giàu, thiếu gì con gái bám theo.
Hoa đáp lời bà Tám một cách lửng lơ:
- Nếu có trật duộc gì thì cũng chẳng sao.
- Con nói vậy nghe đâu được!
Tuy không bằng lòng về quyết định của Hoa nhưng bà Tám không dám ép Hoa tiến tới trong việc liên hệ với Sáng. Bà biết con bà đang hy sinh rất nhiều để nuôi gia đình và cho các em vững tâm theo đuổi việc học. Suy nghĩ một lát bà tiếp:
- Thôi tùy con, duyên số đều do Trời định, một khi ông tơ bà nguyệt đã cột hai đứa với nhau thì trước sau gì đâu cũng vào đó mà thôi.
- Cám ơn mẹ đã hiểu con, mặc dù anh Sáng quá thừa điều kiện nhưng đối với con, con chưa thấy thương anh ta.
Bà Tám cười:
- Thời bây giờ bày đặt ra vấn đề yêu thương trước rồi cưới hỏi, chứ ngày xưa cưới nhau xong sống chung một thời gian tình thương từ từ cũng đến, thế mà con cái vẫn đầy đàn, vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau.
- Quan niệm ngày nay khác hẳn trước kia mẹ ạ, việc hôn nhân phải do quyết định của đôi trai gái, họ cần thời gian tìm hiểu, yêu thương để tránh việc đa thê, những đổ vỡ đáng tiếc rồi đi đến ly dị mà phần thiệt thòi sẽ do người con gái gánh chịu.
- Má chỉ nói vậy, vấn đề lựa chọn và quyết định đều do con, khi nào đồng ý nói cho mẹ mừng.
Sau nhiều tuần suy nghĩ, Hoa đồng ý lời mời của Sáng gặp nhau tại tiệm café đầu bến Ninh kiều. Thành phố Cần thơ nhỏ, Sáng cũng như Hoa không xa lạ gì với dân thị xã nầy, chỉ cần cắp tay nhau đi dạo một vòng, ngày sau tất cả mọi người đều biết. Do vậy Hoa cố tránh những cử chỉ thân mật trong bước đầu gặp gỡ. Ngồi đối diện với Sáng ngay giữa quán, Hoa nói ít nghe nhiều, cô dành thời gian để Sáng tỏ bày tâm sự.
Kêu cho Hoa ly nước, Sáng vào đề:
- Thật khó khăn để hẹn em đến đây, sao làm khó anh quá vậy?
Hoa chưa kịp trả lời, Sáng đã say sưa bày tỏ cảm tình, nỗi nhớ nhung ngày đêm thông thường theo sách vở của những chàng trai khi đối diện với gái
- Em bận việc, trong ngày quá bận rộn với sạp hàng, tối về phải nghỉ ngơi và cuối tuần em dành thời gian lo cho gia đình. Anh xem em đâu còn thời giờ rỗi rảnh.
Sáng đề nghị:
- Em dẹp cái sạp rau để có rộng thời gian.
- Đâu được, đây là nguồn sống. Chính nhờ cái sạp bé nhỏ nầy em có thể nuôi sống gia đình.
Sáng chụp lấy cơ hội:
- Lấy anh rồi thiếu gì tiền của, em đâu phải bận tâm vấn đề nầy nữa.
Bị chạm tự ái nhưng Hoa vẫn hòa nhã:
- Anh đừng nói đến tiền bạc, đối với em tiền bạc lúc nào cũng cần thiết nhưng nó không phải mục đích để ra giá mặc cả trong tình yêu cũng như hôn nhân
- Em nói đúng, nhưng không tiền, vợ chồng phải đầu tắt mặt tối suốt ngày đánh đổi mồ hôi để kiếm bữa cơm bữa cháo họ còn tìm đâu được hạnh phúc.
- Anh có lý, nhưng theo em thấy những đổ vỡ thường xảy ra trong những gia đình giàu có. Rất ít thấy cặp vợ chồng nghèo nào lục đục về vấn đề ngoại tình, con rơi con rớt, tranh giành tiền của rồi mang nhau ra tòa. Những đau buồn nầy chỉ xảy ra trong những gia đình thừa tiền lắm bạc.
Sáng chuyển qua đề tài gia đình, học hành, cuối cùng Sáng khoe chiếc môtô mới mua và đề nghị dạo chơi một vòng với Sáng.
Hoa chỉ chấp thuận dạo chơi một vòng nhỏ quanh thị xã chừng một tiếng đồng hồ, nhưng Sáng đã đưa cô ra ra ngoại ô, dừng lại bên hông một nông trường vắng vẻ, ôm hôn, sờ soạn Hoa suồng sã như con thú đói. Hoa phản đối kịch liệt yêu cầu chở trả cô về nhà tức khắc.
Trước khi chia tay Sáng còn vớt vát:
- Tối mai, sau khi xong việc gia đình, anh mời em đến nhảy đầm tại nhà hàng international. Có một số ca sĩ từ Sàigòn xuống.
Hoa trả lời ngay không suy nghĩ:
- Tôi bận, chắc chắn không đi được.
Sau lần hẹn tại quán café, Hoa dứt khoát không liên lạc với Sáng vì ngay trong lần tiếp xúc Sáng đã đem vấn đề giàu sang ra quyến rũ cô, hơn nữa có những hành động thô bỉ trong lần đầu gặp gỡ. Linh tính của người con gái cho Hoa biết, Sáng tìm đến Hoa không ngoài mục đích bồng bột của tuổi trẻ, tìm của lạ hái hoa rồi vứt bỏ theo thói hư thường thấy ở đám con nhà giàu. Hoa cũng cho Sáng một thử thách, cô sẽ treo giá trong một thời gian ngắn để dò la tình hình và tìm hiểu thêm, nhưng tuyệt nhiên Hoa không chấp thuận bất cứ hẹn hò mời mọc nào với Sáng nữa.
Sau chừng một tháng, biết không thể mời Hoa đi chơi đêm, Sáng không còn qua lại sạp rau của Hoa như trước kia.
Một hôm trước khi lên giường ngủ, Hoa qua phòng bà Tám tâm sự với mẹ:
- Hôm nay con báo tin mẹ hay.
Bà Tám chồm dậy mừng:
- Chắc con đã chấp nhận việc hôn nhân với thằng Sáng?
- Không mẹ ạ, ngược lại con đã dứt khoát với anh ta.
- Sao vậy con?
- Con đã hẹn và nói chuyện với anh ta. Con biết chắc Sáng không yêu thương gì thực tình, chỉ muốn lợi dụng thân xác con.
Bá Tám bối rối ra mặt:
- Nó đã làm gì con, có sao không?
- Không có gì nhưng qua cách nói chuyện và cử chỉ, con nhận biết Sáng đến với con không phải mục đích xây dựng hạnh phúc với con.
Bà Tám không hỏi nhiều, chỉ thắc mắc không biết nó đã làm gì con gái của bà hay chưa, nhưng lúc nầy tốt nhất không nên tiếp tục tra vấn.
Đã mấy tuần nay, Hoa để ý thấy một thanh niên thường ghé sạp của cô mua một ít rau cải. Bình thường khách đàn ông đến mua hằng ngày không có gì lạ, nhưng đây một thanh niên có tật, đôi lúc không mua gì chỉ đứng xa nhìn Hoa chốc lát rồi biến mất. Thực tình Hoa không hơi đâu để ý một người bất bình thường như vậy. Nhưng dần dần Hoa tò mò, thấy tội nghiệp một thanh niên tật nguyền phải tự mình đi chợ. Có lần sau khi trao bó rau xong, Hoa hỏi:
- Nhà không có ai sao anh phải đi chợ một mình vậy?
Trước câu hỏi bất ngờ của người đẹp, Toàn hơi bối rối trả lời:
- Nhà không có ai, mẹ tôi bệnh nằm một chỗ, hai đứa em còn nhỏ, tôi
- À như vậy, tội nghiệp cho anh.
Lúc đầu những câu chuyện trao đổi chỉ trong phạm vi mua bán, dần dần bước vào đời sống thường nhật của Toàn. Hoa thấy thương tâm cho người con trai xấu số. Vắng một hai ngày không thấy Toàn đến, Hoa cảm thấy như thiếu một cái gì, một hình bóng quen thuộc, một nguời đáng thương hay một người bạn
Bà Hai trầu, vì sạp của bà bán cau trầu nên người ta quen miệng gọi như vậy, kể cho Hoa về cuộc đời của Toàn.
Gia đình bà Năm Bảo, ở gần xóm với Hoa trong khu nhà lao động sát bên hông thành phố. Cha mất sớm, khi Toàn được mười tám tuổi bà Năm tục huyền với một đàn ông khác. Với người chồng mới, bà năm sanh thêm được hai đứa con nhưng từ ngày bà bị chúng bệnh nan y, toàn thân bại liệt chỉ nằm yên một chỗ trên giường không cử động nhúc nhích gì được thì ông chồng sau bỏ nhà ra đi. Tội nghiệp cho thằng Toàn, phần mẹ nằm bất động một chỗ, phần hai đứa em cùng mẹ khác cha nheo nhóc. Tay chân đã không vững chưa lo nổi cho tấm thân nó, còn phải lo chăm sóc từ ăn uống cho đến việc vệ sinh cá nhân của bà Năm. Nó bị tật sau một cơn đau thập tử nhất sinh, một tay bị rút lại, miệng méo một bên người đi đứng không còn ngay thẳng như một người bình thường. Toàn bỏ học vào giữa năm lớp mười một.
- Thế bà Năm?
- Trong lúc làm rẫy tập thể, một bà cuốc trúng trái mìn cá nhân chết ngay tại chỗ. Bà Năm làm gần đó, may mắn không mất mạng nhưng một mảnh mìn đâm ngay cột tủy sống, không thể lấy ra được, phải nằm bất động một chỗ suốt đời.
- Gia đình họ sống làm sao?
- Cơ quan xã hội có trợ cấp chút đỉnh nhưng ăn nhằm gì, thằng Toàn được một người có lòng nhân đạo đưa vào làm việc nửa ngày như một người sai vặt trong một công ty của ông ta. Cũng may nhờ đó gia đình bà Năm bảo cũng sống qua ngày.
Thấy tội nghiệp hoàn cảnh gia đình Toàn, kể từ hôm đó Hoa biếu không phần rau quả mỗi khi Toàn ghé mua.
Nhưng Toàn từ chối lòng tốt của Hoa, anh thẳng thắn:
- Cám ơn cô Hoa, tôi không muốn ăn xin, một ít tiền rau quả tôi có thể trả được. Nếu cô tội nghiệp cho không tôi không nhận, từ nay tôi sẽ mua tại những sạp hàng khác.
Biết tính cương trực của Toàn khi đã nói ra câu nói trên. Hoa khôn khéo đề nghị:
- Được tôi không biếu không, nhưng tôi lấy giá vốn anh nhận?
Nếu từ chối lần nữa sẽ mất cơ hội tiếp xúc gần gũi với Hoa, Toàn ngần ngại trả lời:
- Đối với lòng tốt của cô Ba, không khinh thường tôi, tôi xin nhận.
Từ đó, một hai ngày Toàn ghé qua sạp mua ít rau cải như thường lệ. Rau cải đã tươi tốt giá càng ngày càng sụt xuống, Hoa âm thầm kiếm cách giúp gia đình Toàn bằng cách nầy hay cách khác.
Lúc nầy Toàn bắt đầu chăm sóc đến vấn đề ăn mặc, áo bỏ vào quần, đầu tóc được chải lại ngay ngắn. Anh tập lại bước đi cho ngay ngắn, đứng trước kính tập nói chuyện làm sao để miệng bớt méo. Toàn biết mình đã yêu, một mối tình câm tuyệt vọng. Nhưng tự biết thân phận và hoàn cảnh mình, đâu dám nghĩ đến chuyện đội đá vá trời, dám mơ tưởng đến Hoa. Giữa Toàn và Hoa cả một bầu trời ngàn lần cách biệt, Toàn nghĩ rằng anh chỉ làm trò cười cho thiên hạ đàm tiếu trong những lúc nhàn rỗi.
Hoa bắt đầu chú ý nhiều đến Toàn, đã có nhiều thay đổi trong phục sức cũng như lối nói chuyện tiếp xúc với Hoa. Nhất là đôi mắt đã nói nhiều mỗi khi Toàn nhìn thẳng vào Hoa. Trời đã sanh ra người con gái, lúc nào cũng nhạy cảm trước việc tỏ tình của người đàn ông, dù chỉ một cử chỉ hay một khóe mắt kín đáo cũng không thể che dấu được.
Đối với Toàn, lúc đầu Hoa thấy hoàn cảnh tội nghiệp đem lòng thương hại nhưng dần dần lòng thương hại biến qua dạng tình yêu. Ngày nào không thấy Toàn Hoa cảm như thiếu thốn một cái gì. Cô bắt đầu để ý nhiều đến Toàn, mặc dù tật nguyền nhưng nhìn kỹ anh không đến nỗi nào. Vai bên cao bên thấp tay trái ngắn hơn tay mặt, miệng méo qua một bên mỗi khi cười hoặc nói chuyện, nhưng thân mình vẫn cao lớn khỏe mạnh. Hình thức bên ngoài đối với Hoa không quan trọng. Nếu chọn một người chồng đẹp trai học rộng thì Hoa đã ngã vào tay những sinh viên đeo đuổi nàng từ năm nầy qua năm khác. Một điều chắc chắn Toàn chưa yêu và chưa được yêu bao giờ. Tình yêu của chàng trong trắng, phát xuất tự đáy lòng. Hoa chỉ cần một tình yên chân thật thủy chung trọn đời hơn những thứ tầm thường khác mà tất cả đàn bà con gái nào cũng mơ ưóc. Hoa tự bào chữa mình không lập dị cũng không mắc phải chứng bất bình thường khi quyết định sẽ yêu Toàn và cùng Toàn đi đến hôn nhân. Đối với người ngoài Hoa bất cần, họ nghĩ sao cũng được nhưng đối với bà Tám, Hoa cảm thấy khó khăn khi phải trình bày chuyện nầy với mẹ.
Ngoài những cái nhìn biểu lộ một cách vụng về qua đôi mắt, Toàn không có một cử chỉ, hành động hay lời nói nào khác để tỏ tình với Hoa. Hoa biết Toàn không bao giờ dám bày tỏ tâm sự lòng mình vì sợ phải đón nhận một lời từ chối tàn nhẫn và sẽ mất Hoa vĩnh viễn.
Một buổi sáng sau khi gởi con cá lóc và bó cải ngọt biếu mẹ Toàn, Hoa nhìn thẳng vào mắt Toàn và bất chợt hỏi:
- Hỏi anh Toàn câu nầy, anh phải nói thật nhé.
Toàn không dám ngước lên, lí nhí trong miệng:
- Dạ cô Ba cứ hỏi.
- Có phải anh thương tôi không?
Con cá và bó cải trong tay Toàn rơi ngay xuống đất, Khuôn mặt tái nhợt, thân run rẩy, chân đứng không vững Toàn chối ngay:
- Thưa cô Ba, tôi đâu dám nghĩ đến chuyện nầy.
- Nếu anh thương cứ nói cho tôi biết.
Toàn không trả lời, vội cúi xuống lượm con cá bó rau và bước nhanh ra khỏi chợ.
Mãi một tuần sau Toàn ghé lại mua rau nhưng không dám nhìn thẳng Hoa, chỉ nói đủ vài câu cần thiết và vội vã từ giã. Hoa kêu lại vừa cười vừa hỏi:
- Anh chưa trả lời câu hỏi của tôi?
Toàn không trả lời cúi đầu chào từ giã Hoa quên lấy lại tiền thối.
Kể từ hôm đó, Hoa không thấy Toàn ghé qua sạp như thường lệ. Bà bạn bán rau phía trước chợ cho Hoa biết, Toàn thường ghé lại mua rau quả tại đây. Điều nầy gây nhiều hiểu lầm cho nhiều người trong chợ có lẽ vì một lý do nào đó Hoa đã tống cổ anh chàng tật nguyền nầy ra khỏi sạp rau của cô. Hoa không buồn thanh minh những lời đồn đại chung quanh chợ về mình và Toàn.
Đến một hôm Hoa hỏi bà Hai trầu địa chỉ, xong phiên chợ Hoa đem theo vài con cá một ít rau, ghé qua thăm mẹ con bà Bảo trước khi về nhà. Toàn sửng sốt khi thấy Hoa đến thăm, anh hối thúc hai đứa em rót nước lấy ghế mời khách, anh đứng cạnh cửa khoanh tay chờ câu nói đầu tiên của Hoa:
- Đã lâu không thấy, tưởng anh có bệnh hoạn gì, nhân tiện có việc đi qua đây tôi xin phép ghé thăm bác, anh và hai cháu nhỏ.
Toàn quýnh người lên:
- Dạ cám ơn cô Ba, tôi và mẹ tôi vẫn thường. Tôi xin lỗi mẹ tôi không thể ra tiếp cô được. Mong cô bỏ qua.
- Tôi đã biết hết mọi việc, để tôi vào thăm bác.
Toàn cản ngay:
- Không được đâu, mẹ tôi có bệnh bất bình thường cô không nên vào.
- Tôi biết, không sao cứ để tôi vào.
Vừa dứt lời, Hoa đứng dậy vén bức màn vải bước vào trong. Một mùi thối nồng nặc, mùi của thịt thúi trộn lẫn với mùi tanh nước tiểu, phân người xông lên tận óc não. Hoa phải định thần một hồi mới nhìn được chiếc giường trong căn buồng không có ánh sáng. Mặc dù chưa nhận ra bà Bảo, Hoa lên tiếng trước:
- Con đến thăm bác, nghe anh Toàn cho biết bệnh tình của bác từ lâu, nhưng hôm nay mới có dịp ghé qua thăm.
Bà Bảo nằm yên, tỉnh táo nghe rõ từng tiếng một của Hoa, bà hơi nhích đầu về phía cửa:
- Cám ơn cô Ba nhiều, xin lỗi cô, tôi chỉ nằm yên không nhúc nhích gì được.
- Xin bác yên tâm con biết điều đó.
- Nghe thằng Toàn nhắc về cô, hôm nay mới được gặp.
Thực ra bà Bảo đã nói dối, Toàn chưa bao giờ nói về người con gái nầy cho mẹ nghe. Những chuyện thầm kín trong lòng Toàn không đem lại nguồn vui hay một chút an ủi cho bà mà còn tạo thêm buồn phiền tủi hổ cho hai mẹ con bà.
Để đánh tan bầu không khí, Hoa cầm tay bà Bảo hỏi:
- Vấn đề ăn uống chắc khó khăn lắm?
- Ngày hai bữa phải có người đút. Thằng Toàn chỉ làm việc nửa ngày, về nấu cơm lo cho tôi và hai đứa nhỏ.
- Còn vấn đề vệ sinh?
- Thằng Toàn làm đủ thứ chuyện, có lúc mấy đứa nhỏ phụ vào một tay nhưng nó không bằng lòng nên tự nó gánh vác tất cả. Thật tội nghiệp cho nó. Tôi cầu trời cho tôi sớm về với cha nó để nó rảnh tay, nhưng số trời đã định, cải lại cũng không được.
Nói chuyện một hồi Hoa xuống bếp làm cá nấu nồi cháo cho bà Bảo trước khi ra về.
Vừa đút cháo cho mẹ, Toàn kể cho bà nghe về Hoa. Nhưng tuyệt nhiên không đề cập gì đến mối tình thầm lặng trong lòng. Nghe xong bà thở dài:
- Con nhà ai hiền lành nhân hậu hiếm có trên đời, nhà nào có phước mới được đứa con dâu như cô Ba.
- Con cũng nghĩ như mẹ.
Hàng tuần Hoa thường ghé qua thăm, nấu nồi cháo, đút cho bà Bảo ăn xong còn làm vệ sinh, tắm rửa luôn cho bà trước khi ra về.
Bà Bảo chưa già hẳn, tuổi thật chừng trên bốn mươi nhưng khuôn mặt cằn cỗi, đầu tóc đã bạc và rụng gần hết, thân hình ốm còn da bọc xương. Bà nằm yên bất động từ ba năm qua, đại tiểu tiện tại chỗ. Mỗi ngày hai lần Toàn phải làm vệ sinh cũng như lau chùi các vết lở lói sau lưng. Tắm rửa và làm vệ sinh cho bà Bảo thật khó khăn. Lúc đầu Hoa phải cố nín thở, cuốn miếng vải đắp trên người xong nhẹ nhàng lật nghiêng thân hình bà Bảo để có thể chùi rửa lưng, bàn tọa. Nằm yên một chỗ lâu ngày, các vết lở bị hầm hơi, da thịt rữa ra, dần dần lan rộng từ cột sống ra tận hai bên hông và xuống đến bàn tọa. Máu mủ, nước vàng chảy ra thấm ướt từ cổ xuống tận hai đùi trên. Phải lau chùi, rửa bằng nước nóng để giảm bớt mùi thối. Không có thuốc gì bôi xức thêm ngoài. Hoa làm sạch sẽ xong để bà Bảo nằm lại vị thế cũ.
Hoa làm công việc một cách bình thản với tình thương tự đáy lòng, không tỏ vẻ ghê tởm. Toàn đứng trân người không thốt được một lời nào, nước mắt chảy dài xuống má. Khi tiễn chân Hoa ra về Toàn quá cảm động chỉ lí nhí được vài tiếng cám ơn cô Ba.
Sau nhiều đêm suy nghĩ và đã quyết định dứt khoát, Hoa lấy hết can đảm để trình bày sự việc với bà Tám:
- Thưa mẹ, hôm nay con trình bày và xin phép mẹ một việc quan trọng của con.
Linh tính cho bà Tám hay, Hoa rào trước đón sau có nghĩa là một vấn đề cũng quan trọng đối với bà không kém. Mặt bà Tám bình tỉnh nhưng miệng vẫn hối thúc:
- Có gì con nói ngay đi, mẹ đang nghe.
- Vấn đề hôn nhân của con.
Bà Tám thở phào:
- Tưởng gì chứ vấn đề hôn nhân của con có gì lạ đâu. Trai lớn có vợ, gái lớn lấy chồng, chuyện bình thường mà.
- Nhưng con thương và muốn kết hôn với một người không bình thường!
Bà Tám ngồi bật dậy:
- Con nói sao? Làm vợ một người không bình thường nghĩa là sao? Trộm cướp, điên khùng hay đui mù què quặt gì phải không?
- Xin mẹ bình tâm và đừng nói vậy. Trộm cướp, điên khùng thì không. Đây là một người có tật vì bệnh hoạn, hoàn cảnh thật đáng thương.
- Ai vậy?
- Dạ, anh Toàn con bà Bảo.
Nghe xong bà Tám ngồi yên bất động không hỏi thêm câu nào. Một hồi lâu bà đứng dậy ra trước bàn thờ ông Tám, đốt mấy cây nhang đưa lên đầu chấp tay khấn vái. Hoa trở về phòng để yên cho mẹ qua cơn kinh hoàng, ngày mai sẽ tính sau.
Qua hôm sau, vừa xong bữa cơm tối, bà Tám trở lại vấn đề:
- Con lấy chồng là chuyện đương nhiên, nhưng thiếu gì người sao con lại lấy thằng Toàn?
- Xin mẹ đừng nặng lời với Toàn, anh có tâm hồn đẹp, hiếu thảo với mẹ có tình với những đứa em khác giòng máu Con xin mẹ đừng giận khi con nói câu nầy. Một người bước xuống từ chiếc xe hơi thì được người ta kính nể gọi bằng ông. Nhưng cũng người nầy đi bằng chiến nạng, người ta gọi ngay là thằng què. Chiếc xe hơi và cái nạng chỉ là hình thức bên ngoài, sao người đời nhẫn tâm thay đổi giá trị bên trong của con người một cách mau chóng.
Thấy bà Tám yên lặng, Hoa tiến tới:
- Hạnh phúc đâu cần nhà lầu xe hơi. Con người ngày đêm mơ tưởng đến những thứ xa hoa vật chất nên lúc nào trong đầu cũng tưởng rằng cái nhà chiếc xe chính nguồn hạnh phúc.
Bà tám hỏi lại:
- Thế cái chòi lá, mảnh áo vừa đủ che thân là hạnh phúc?
- Thưa mẹ, đúng.
- Con nói đúng à?
- Dạ, nếu một người trong đời sống họ lang thang nơi nầy chốn nọ, họ thường ao ước một mái chòi tranh để tránh mưa trú nắng, chòi lá kia chính là hạnh phúc của họ.
Hoặc một người suốt đời chỉ uống nước ao hồ, một ngày nào đó có chiếc bình thủy giữ được nước nóng thì chiếc bình thủy trở nên vô giá. Cũng như đa số dân ta trước đây, hằng ngày đi bộ hàng chục cây số, đến lúc sắm được chiếc xe đạp, cuộc đời của họ xem như đã đạt đến đỉnh của hạnh phúc.
- Cái gì sẽ đem lại hạnh phúc cho con khi lấy phải một người tật nguyền?
- Thưa mẹ, chính là tình yêu
-?
Hoa đáp không suy nghĩ:
- Vì con thương anh ta.
Ngẫm nghĩ hồi lâu bà Tám tiếp:
- Thương sao lạ vậy. Nó tật nguyền không tiền của. Hơn nữa gia đình nó là một gánh nặng, mẹ bại liệt ăn nằm ỉa đái một chỗ, hai đứa em còn nhỏ dại. Con không thấy gánh nặng trên vai không?
- Con biết mẹ không vui khi biết con thương anh Toàn. Tật nguyền đâu phải cái tội đáng khinh bỉ. Điều quan trọng là tâm hồn và tính tình của anh ta. Lấy một người đẹp trai cao ráo thì sung sướng thật nhưng chắc gì giữ được họ suốt đời. Đàn ông thói thường đứng núi nầy trông núi nọ, nhất là thời bây giờ mấy ai ăn đời ở kiếp được với chồng trọn đời đâu.
Bà Tám ngắt lời:
- Bây giờ con đem lý lẽ ra nói chuyện với mẹ phải không?
- Dạ thưa mẹ, con không dám.
- Mẹ đâu cần con phải lấy một người đẹp trai. Mẹ chỉ mong con có một người chồng bình thường cũng đủ cho mẹ vui lòng.
Hoa bình tĩnh thưa:
- Thưa mẹ con vẫn biết vậy, nhưng con không mơ ước một người chồng đẹp trai, cưới về để trong tủ kính mà ngắm, ngày đêm nơm nớp lo sợ chồng sổ lồng bay xa hay bị người khác rình rập cướp đi.
- Con là gái còn trinh nguyên, đời chưa một lần lấm bụi, chưa đau khổ vì tình, sao con nói ra toàn những lời đắng cay như đã trăm ngàn lần tuyệt vọng?
- Thưa mẹ, chỉ là suy nghĩ đắn đo của con.
- Mẹ không biết cha ông nhà ta đã nợ nần gì giòng họ bà Bảo mà ngày nay con phải trả.
Hoa thưa:
- Thưa mẹ, con không tin điều đó, hơn nữa không ai có thể ép buộc con phải trả nợ tiền kiếp. Chính con tình nguyện đi theo con đường con đã chọn và sẽ sung sướng về những gì con sẽ làm trong tương lai.
Bà Tám ngưng câu chuyện, tiến ra bàn thờ ông Tám thắp nhang khấn:
- Ông ơi, ông có linh thiêng ông hãy về khuyên nhủ con Hoa, tôi đã hết lời với nó.
Quay vào ngồi xuống giường, bỏ miếng trầu vào miệng rồi tiếp tục:
- Đời con gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu. Sao con lại chui vào bến nước đục.
- Thưa mẹ, đó là quan niệm ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, trong nhờ đục chịu. Nhưng ngày nay, con cái cũng phải chọn cho mình một con đường để đi.
Con tự nguyện bước vào bến đục, chấp nhận những gì ở đây, con sẽ tìm và giữ được hạnh phúc trọn đời.
Bà Tám vặn lại:
- Con nói hạnh phúc? Suốt ngày quần quật nuôi chồng, nuôi mẹ chồng và cả đàn em của nó nữa, hạnh phúc con tìm được ở đâu?
- Thưa mẹ, hạnh phúc không phải là tiền bạc hay là sự nhàn rỗi. Con sẽ tìm được trong công việc, trong yêu thương và nhất là trong những gì con đem lại cho họ. Nghĩa là con tìm được hạnh phúc của con qua hạnh phúc của những người thân yêu chung quanh. Con sung sướng khi nhìn thấy họ sung sướng.
Bà Tám không chịu được lập luận của con gái:
- Nếu nói vậy, con đi tu mẹ sẽ vui lòng hơn khi dấn thân làm tôi mọi gia đình thằng Toàn.
- Thưa mẹ, con đường dấn thân con đã chọn. Con không chấp nhận việc đi tu. Trước tiên con không có tội lỗi gì để tự buộc mình chọn nơi tĩnh mịch ăn năn sám hối. Sau nữa con cũng không muốn ích kỷ, trốn tránh tìm nơi núp bóng đêm ngày cầu trời ban cơm áo và bằng an xuống cho bá tánh. Con muốn phải thực tế, dấn thân vào tận cùng của khổ đau hơn những gì giả dối, mơ tưởng viễn vông.
Bà tám cười mỉa:
- Thế con muốn tìm hạnh phúc cho riêng con hay muốn trở thành ông Thánh, ông Phật?
- Con không dám có ý nghĩ cao xa, con muốn tìm hạnh phúc cho riêng con bằng những việc làm con bằng lòng và thích thú. Con sẽ thấy hạnh phúc khi những người thân chung quanh con sung sướng do việc làm bởi bàn tay và tình thương của con.
Bà Tám vẫn không chấp nhận lập luận của Hoa:
- Người ta đi tìm hạnh phúc trong giàu sang phú quý, trong an nhàn rỗi rảnh. Mẹ chẳng hiểu con tính toán ra sao.
- Thưa mẹ, cho phép con trình bày tiếp. Mỗi hoàn cảnh mỗi nơi chốn đều có cái hay, cái tốt và nguồn vui riêng tư của nó. Biết ghi nhận và bằng lòng với những gì trước mặt, họ sẽ tìm được hạnh phúc.
Nghe xong bà Tám yên lặng, Hoa mừng thầm vì cô biết tính mẹ, mỗi khi yên lặng không phản đối tức là bà đã ngã lòng xuôi theo. Hoa pha ly trà và mang đến, đợi bà vừa uống xong vài hớp, Hoa trấn an:
- Con cũng đã nghĩ nhiều trước khi thưa với mẹ. Nếu con lấy một người chồng quyền quý cao sang giàu có, con sợ mẹ sẽ mất con hoàn toàn.
- Sao nói lạ vậy?
- Thưa mẹ, trong giới giàu sang quyền quý người ta đặt nặng vấn đề phân chia đẳng cấp. Con làm dâu phải hòa mình vào cuộc sống mới, phải phụ thuộc giờ giấc đi đứng đâu còn thời giờ để sống gần mẹ được nữa. Hơn nữa, để bảo vệ danh giá, họ sẽ né tránh và hạn chế việc tiếp xúc. Đó là con chưa kể việc họ xem thường khinh khi gia đình chúng ta. Con đâu tìm được hạnh phúc trong tình huống nầy mà chính mẹ cũng tự ái cắt liên lạc với con. Ngược lại với gia đình anh Toàn như mẹ đã biết, con là chủ gia đình, hai nhà ở gần nhau hằng ngày con chạy đi chạy về. Bên nào cũng trọn vẹn đạo nghĩa dâu con. Con còn được ở bên cạnh và chăm sóc
cho mẹ cho đến ngày mẹ theo ba về bên kia
Nghỉ giây lát, Hoa tiếp:
- Con muốn người nào khi bước chân vào gia đình nầy phải thương yêu và kính trọng mẹ. Muốn vậy theo con, chỉ có những người rể xuất thân cùng một đẳng cấp với chúng ta. Nếu chồng con là một người giàu có, có quyền thế trong xã hội, mẹ có chắc sẽ được ân cần săn sóc chu đáo, kính yêu mẹ hay ra đường gặp mẹ nó quay mặt làm ngơ vì xấu hổ. Trong trường hợp như vậy chắc chắn con sẽ bỏ nó tức khắc để trở về cuộc sống bình dị của mẹ con mình, lúc đó mẹ nghĩ thế nào về hạnh phúc của con?
Nghe con gái trình bày cặn kẽ, bà Tám không còn ý kiến nào để chống đối lời cầu xin của Hoa. Nhưng bà chưa muốn cho Hoa một quyết định cuối cùng, bà vẫn nhắc lại:
- Mẹ sợ cuộc đời con sẽ khổ, một thân một mình chịu trận cả hai vai. Gia đình bên nào cũng nặng gánh, chỉ biết trông chờ vào hai bàn tay con. Sức người có hạn, con tính sẽ gánh vác được bao lâu?
- Xin phép mẹ, không phải con nói điềm xui, nhưng thực tế mẹ nghĩ xem, bà Bảo còn sống được bao lâu. Hai đứa em anh Toàn một vài năm nữa cũng lớn khôn. Một hai năm nữa có là bao, mẹ anh Toàn có nhắm mắt cũng an lòng nơi chín suối, như thế con đã làm tròn bổn phận của đứa con hiền dâu thảo.
- Còn việc buôn bán của con?
- Con sẽ tổ chức lại để anh Toàn cùng con hằng ngày ra chợ. Tập cho anh quen dần, con sẽ rảnh tay một phần nào để lo tiếp những công việc khác.
Đến đây bà Tám không còn một lý lẽ nào để ngăn được con gái, bà đành chấp nhận:
- Thôi mẹ chìu theo ý con, chỉ biết phú cho Trời Phật mà thôi.
Hoa vui vẻ:
- Con biết sẽ cực khổ phần xác, nhưng con sẽ tìm được hạnh phúc trong sự cực khổ đó và con tin chắc rằng, ở hiền bao giờ cũng gặp lành như mẹ thường dạy con, phải không mẹ?
Bà Tám đứng dậy ra phòng ngoài, đốt nhang thưa chuyện với ông Tám:
- Ông chứng giám cho, tôi đã hết lời nhưng không cản được nó, vậy ông có linh thiêng hãy theo sát và phù hộ cho nó.
Chiều hôm sau tan chợ, Hoa bảo đứa em kế làm cơm cho mẹ ăn trước, cô qua thẳng nhà Toàn.
Sau khi thăm hỏi xong bà Bảo, Hoa nói vọng ra:
- Anh Toàn, vô đây có chút chuyện nói với anh.
Toàn đang đứng ở cửa ra vào, nghe gọi anh vội bước vô hồi hộp chờ:
- Có gì, cô Ba cứ chỉ dạy.
Hoa cười:
- Đừng nói như vậy nữa.
Sau vài phút đắn đo, Hoa quay qua hỏi thẳng Toàn:
- Anh Toàn, tôi hỏi câu nầy, anh phải thực tình trả lời tôi trước mặt mẹ anh.
Quả tim Toàn muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, không biết chuyện gì đã xảy ra để Hoa trịnh trọng như vậy. Hay mình đã làm gì phật lòng. Toàn mở lời xin lỗi trước:
- Nếu có gì làm cô phật lòng xin bỏ qua.
- Không phải đâu anh.
Bà Bảo chen vào:
- Cháu nó có gì xin cô cứ nói thực, để mẹ con tôi còn chịu lỗi với cô nữa.
- Dạ không phải.
Hoa nhìn thẳng vào mắt Toàn:
- Tôi hỏi thực anh, có phải anh đã thương tôi phải không?
Vừa nghe đến đây, Toàn đã chối ngay:
- Thưa cô, tôi đâu có dám nghĩ đến chuyện động trời đó.
- Sao gọi là động trời, nếu thực tình anh thương tôi thì cứ thẳng thắng nói ra.
Hiểu được phần nào câu hỏi, bà Bảo giục Toàn:
- Nếu con có thương thầm trộm nhớ cô Ba, cô đã cho phép con cứ nói ra. Có gì phải quấy chắc cô Ba sẽ bỏ qua.
Toàn đứng im như pho tượng, miệng mở không ra lời. Một hồi lâu Toàn mới hoàn hồn thú nhận:
- Dạ, con đã thương thầm trộm nhớ cô Ba từ lâu. Nhưng thân phận hẩm hiu, tật nguyền, nghèo nàn con đâu dám mơ tưởng.
Hoa hỏi lớn:
- Anh muốn cưới tôi làm vợ không?
Như tiếng sét đánh ngang tai Toàn lẫn Bà Bảo. Cả hai người không tin là lời nói của cô gái đẹp đang ngồi trước mặt họ.
Bà Tám hỏi lại một lần để xem mình có nghe lầm hay không:
- Cô nói thật hay chỉ đùa cho vui?
- Thưa bác con nói thật lòng, đâu dám đem chuyện nầy ra đùa với bác và anh Toàn.
Hoa chưa dứt câu nói, Toàn đã quỳ xuống gục đầu vào chân Hoa khóc òa lên như một đứa trẻ. Tay Hoa vuốt nhẹ đầu Toàn, cô thấy lòng mình lâng lâng như đang say sóng, tự dưng nước mắt Hoa cũng tuôn ra nhưng Hoa không cần phải cầm lại, cô cứ để mặc sức chảy dài xuống má, xuống ngực và giỏ từng giọt lên đầu lên tóc Toàn Trên giường bà Bảo há hốc miệng thở lớn, nước mắt dàn dụa chảy dài xuống gối. Bà quên tấm thân hôi hám của bà, cố nhoài người ra nắm chặt lấy tay Hoa như kể chìm tàu đang vớ được miếng ván. Thấy hai mẹ con đang sung sướng tột độ do sự quyết định của mình, Hoa nhủ thầm, đây cũng là giây phút hạnh phúc của chính đời mình.
Đợi cho hai người lấy lại bình tĩnh, Hoa đề nghị:
- Con nói thực tình, nếu bác thấy không có gì trở ngại, con và anh Toàn xin làm đám cưới sớm.
Đến đây hai mẹ con yên lặng không thấy ai lên tiếng, Hoa trấn an:
- Gọi là làm đám cưới mục đích để hợp thức hóa việc hôn nhân của hai người mà thôi.
Bà Bảo vẫn nằm yên không có ý kiến gì. Hiểu ý, Hoa tiếp tục:
- Bác và anh Toàn đừng lo ngại những vấn đề khác, con đã sắp đặt xong xuôi một phần.
- Sao không lo được cô, cơm không đủ ăn lấy đâu ra tiền để lo việc cưới hỏi.
- Gia đình má con không đòi hỏi gì. Mọi việc sẽ do con định liệu.
Toàn lên tiếng:
- Dầu sao không đóng góp được một phần nhỏ nào cũng khó xem quá. Cô Ba cho gia đình chúng tôi một thời gian ngắn để xem sao.
Hoa đáp không suy nghĩ:
- Chẳng cần anh Toàn, một mình tôi lo cũng xong.
Chúng ta chỉ tổ chức thật đơn giản.
- Thôi tùy cô Ba có lòng tốt đối với gia đình chúng tôi.
Bà Bảo hỏi Hoa:
- Việc gia đình trai phải làm gì theo thủ tục hỏi, cưới? Gia đình tôi thật đơn chiếc, tôi còn đây cũng như không. Không biết bác Tám bên nhà xí xá cho hay không.
- Chuyện nầy để con suy tính với mẹ con.
Hoa ra về đã lâu nhưng hai mẹ con bà Bảo vẫn tiếp tục câu chuyện đến khuya. Bà Bảo hỏi Toàn:
- Mấy chiếc khâu vàng má nói con cất phòng thân, ngày mai đem ra tiệm bán đi để lo việc của con. Không ít thì nhiều, chứ đi cưới vợ không một đồng dính túi đâu có được.
- Còn việc nhờ ai đứng thay mặt nhà trai thay Mẹ?
- Mẹ đã nghĩ đến điều đó, chú con chứ ai.
Toàn ngần ngại:
- Không biết chú có sẵn lòng không.
Bà Bảo nổi giận:
- Sao lại không, tôm được cưới rồng là phước đức ba mươi đời của cha ông giòng họ con, còn đòi gì nữa. Hơn nữa, xem lại thân phận gia đình mình ra sao mà tính với toán.
- Dạ, chủ nhật nầy con vô làng trình bày cho chú con hay.
Cũng ngay tối nầy, sau khi về ăn vội miếng cơm, Hoa vào phòng mẹ và vào đề ngay:
- Con vừa nói chuyện với bà Bảo và anh Toàn xong.
- Thế nào?
- Tội nghiệp, sau khi lặp lại hai ba lần họ mới tin là sự thật rồi ôm nhau khóc.
Bà Tám cười mỉm:
- Dĩ nhiên, ai nghe chuyện nầy không những không tin mà còn ôm bụng lăn ra cười nữa là đằng khác.
- Chuyện đã rồi và mẹ chấp thuận, con xin mẹ cho phép chúng con làm đám cưới nhanh nhanh một chút để tránh chuyện dị nghị của những người ăn không ngồi rồi, phiền phức lắm mẹ.
Bà Tám không trả lời, bà đặt câu hỏi:
- Thế bên đàng trai tính sao?
Sợ xảy ra chuyện không hay, Hoa đành nói láo:
- Dạ cũng theo thủ tục của ông bà, đàng trai đến xin cưới, tổ chức cưới hỏi đàng hoàng.
- Vấn đề tiền bạc?
Đã phóng lao thì phải theo lao:
- Dạ, họ sẽ đóng góp với chúng ta để đãi ăn uống tại đây. Không rước dâu cũng không thể đãi đằng tại nhà đằng trai, như mẹ đã biết.
Cuối cùng bà Tám cũng gật đầu:
- Thôi đành vậy.
- Cám ơn mẹ.
Ngày hôm sau, người được Hoa thông báo trước tiên, bà Năm trầu. Vừa nghe xong, gói cau cầm trên tay bà Năm rơi tung tóe xuống đất, miệng há hốc, bà hỏi gặn lại:
- Cô nói sao? Cô chịu lấy thằng Toàn con bà Bảo?
- Dạ đúng vậy.
Bà Năm đưa hai tay lên trời:
- Trời đất quỷ thần ơi! sao ngộ vậy! Tôi đang tỉnh hay nằm mơ đây!
Ngay trong sáng hôm đó, cả chợ đều biết cô hàng rau xinh đẹp nhất chợ Cần thơ sắp lấy thằng Vẹo (Dẹo - biệt danh của Toàn do đám con nít thuờng trêu chọc Toàn như vậy).
Một vài người ác ý giải thích cho nhau:
- Con Ba ăn phải bùa mê ngải lú gì của thằng Vẹo đó rồi mới chịu theo về làm dâu, để hầu con mẹ liệt giường liệt chiếu của nó! Cái thằng khù khờ thế mà hay thật.
Hoặc còn hơn:
- À cô Ba mang cái bầu của thằng nào rồi, sắp đẻ đến nơi nên vơ tạm cái thằng ngu muội tật nguyền nầy để thế vào.
Chiều lại có nhiều người qua lại trước sạp rau của Hoa mục đích để xem sắc mặt có bị ăn phải bùa ngải gì không hoặc có người nhìn chằm chặp vào bụng Hoa để xem nó lớn đến cỡ nào!
Đến tối, gần như dân tại thị xã đều biết việc Hoa sắp lấy chồng. Một số thanh niên trong quán café văng tục chưởi thề:
- Mẹ kiếp con Hoa, các anh đây đẹp trai học giỏi con nhà giàu không lấy, lại đâm đầu vào thằng Vẹo làm gì cho khổ thân?
Vài cô gái chanh chua bỉu môi:
- Phải rồi, vung nào nồi nấy, cỡ nó chỉ lấy được mấy thằng không sứt môi cũng què quặt. Vài bữa cũng bỏ nhau giữa đường cho xem!
Những lời đồn đại đều lọt vào tai Hoa, nghe qua không cầm được nước mắt, nhưng đã chấp nhận thử thách đành câm miệng chịu đựng, không cần phải đính chánh thanh minh gì thêm mệt xác. Hoa chỉ sợ một điều, nếu những lời đồn vu khống lọt vào tai bà Tám, sẽ tội nghiệp cho mẹ mà thôi.
Một tuần sau, ông bà bảy, Toàn và một người em chú bác chính thức đến nhà bà Tám đúng thủ tục. Hai ông bà khăn áo chỉnh tề theo nghi lễ. Toàn áo trắng bỏ trong quần, cà vạt đỏ. Người em hai tay bưng khay trầu và rượu. Đoàn người chưa vào đến nhà nhưng đám trẻ con và những người hiếu kỳ đã đứng chật ngoài ngõ. Tiếp đàng trai ngoài bà Tám còn thêm vài người trong họ tộc hai bên nội ngoại.
Vừa vào đến nhà, ông Bảy xin phép trước:
- Thưa bà Tám, vợ chồng tôi xin đại diện bà Bảo và đàng trai đến đây cầu hôn cho cháu chúng tôi. Xin bà Tám thông cảm hoàn cảnh để tha thứ về những thiếu sót. Nếu gia đình đàng gái không chê trách, xin vui lòng nhận quả cau ly rượu gọi là tình cảm của cháu tôi.
Nói xong ông Bảy cúi xuống rót đầy ly rượu, bà Bảy têm miếng trầu để trên xấp giấy bạc loại 100.000 đồng rồi trịnh trọng bưng đến trưóc mặt bà Tám.
Bà Tám nhận mâm cau trầu để lại xuống bàn, chậm rãi nói:
- Cám ơn ông bà đã có lòng thương con gái tôi, trai gái lớn lên, chúng nó thương ai thì đành phải nghe theo. Thời buổi nầy thì con cái chỉ huy cha mẹ.
Hoa hơi run vì câu nói một cách miễn cưỡng của mẹ cô, nhưng dầu sao trước mặt tất cả bà đã nhận lời. Hoa thở phào nhẹ nhỏm, trong bụng nhủ thầm, thôi thế cũng xong.
Bà cô của Hoa mời tất cả vào bàn dùng trà. Bây giờ bà Tám mới nhìn kỹ từ đầu đến chân thằng con rể tương lai. Tóc tai chải chuốt gọn gàn, miệng ít méo hơn thường nhật. Nhất là bước đi lúc nầy khá vững vàng không còn xiêu vẹo nhiều như trước đây. Bà nghĩ thầm có lẽ nhờ con Hoa nó đã luyện tập miệng mồm đi đứng. Những ác cảm ngày trước về con người tật nguyền, dám phỏng tay trên con gái của bà đã vơi đi được phần nào.
Sau phần thăm hỏi bà Bảo, mẹ Hoa đi vào vấn đề:
- Ông bà định việc cưới thế nào?
Hoa liếc mắt ngầm lặp lại những gì Hoa đã căn dặn trước, Toàn xin phép:
- Xin phép bà Tám cho tôi
Bà cô của Hoa cười:
- Thôi, cho phép thưa mẹ xưng con, chấp nhận đám hỏi thì coi như con trong nhà.
Mặt mày Toàn đỏ bừng lên cảm động thưa:
- Xin cám ơn mẹ, cám ơn cô Ba. Mẹ con nhờ con thưa với nếu có thể đưọc xin cưới sớm.
Bà Tám ngắt lời:
- Nghĩa là con muốn lúc nào?
- Dạ trong tháng nầy.
- Nhờ thầy xem ngày chưa?
Đến đây Toàn khựng lại vì Hoa không đặn vấn đề nầy. Hoa lanh trí đỡ lời:
- Dạ, con đã hỏi thầy rồi. Hai mươi chín tháng nầy là ngày tốt.
Bà Tám đếm ngón tay tính nhẩm:
- Cũng được. Việc đãi đằng ông bà tính sao?
- Thưa bà Tám, cũng phải làm chứ, không lớn thì cũng phải mời vài ba người, nếu không trông sao được.
Hoa chen vào:
- Thưa mẹ, chuyện nầy con đã sắp xếp với anh Toàn rồi.
Nghe con nói vậy, bà Tám úp mở:
- Tùy bên gia đình đàng trai định liệu.
Hôm mua thức ăn, sắm ít đồ cần thiết cho ngày cưới, Toàn đưa cho Hoa gần tám triệu đồng. Hoa ngạc nhiên:
- Tiền đâu anh có?
- Mẹ anh đưa cho anh gần lượng vàng của bà dành dụm để lo việc hữu sự khi nhắm mắt.
Hoa la lên:
- Sao anh làm vậy, đã nói với anh là em đã lo liệu xong cả rồi.
- Với em thì không sao, nhưng còn mẹ em. Đi cưới vợ tay không đâu ra thể thống gì!
- Em có tiền riêng anh chỉ cần biết vậy là đủ. Bây giờ anh đem về trả lại cho mẹ để phòng bất trắc nếu mẹ anh ra đi trong lúc mình chưa xoay xở được.
- Không được, mẹ đã quyết định như vậy và dặn anh phải làm đúng ý bà.
Suy nghĩ một lúc, Hoa chọn giải pháp:
- Em đề nghị thế nầy, lấy một triệu để phụ thêm cho mẹ vui lòng. Còn lại để qua một bên và trả cho mẹ, nhưng đừng cho bà biết bây gìờ. Sau lễ cưới xong hãy tính.
Sực nhớ lại chuyện trước Hoa hỏi:
- Hôm đám hỏi, anh để trong hộp hai triệu là tiền đâu vậy?
- Chưa bán kịp vàng mẹ mượn trước của chú.
- Thế đã giải quyết số tiền nầy chưa?
- Rồi em, hôm đó vừa ra khỏi nhà em, vợ chồng chú thím tuyên bố cho anh số tiền đó làm quà cưới.
- Phần anh, anh ra tiệm mua một áo trắng tay dài, một giây nịt và bộ đồ vét xám hay đen gì cũng được để hôm cưới trông cho được mắt.
- Còn em?
- Em tự lo liệu cho em.
Ý định lúc đầu của Hoa, lễ cưới sẽ được tổ chức thật đơn giản mục đích hợp thức hoá việc ăn ở với Toàn. Không đưa rước dâu, không ăn uống ồn ào. Một bữa cơm thân mật giữa hai gia đình cũng tạm đủ đối với hoàn cảnh đặc biệt của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng sau khi xem lại số người thân của hai gia đình và một ít khách mời, Hoa quyết định phải đãi ăn làm sao trông cho được mắt.
Cô dâu chú rể có mặt trước tại nhà bà Tám, khách đến thẳng tại đây, tránh gây ồn ào trong khu phố cũng như xóm lao động của Hoa. Nhưng ngược lại, trẻ em và những người hiếu kỳ trong thị xã cũng như khu phố muốn tận mắt chứng kiến lễ cưới kỳ lạ giữa một cô gái đẹp với một anh vẹo nghèo nàn và tàn tật. Bạn học cũ của Hoa thì thi vị hoá cuộc tình của Hoa, rủ nhau đến xem lễ cưới anh gù nhà thờ Đức Bà Paris và người đẹp thành phố sông Hậu. Từ sáng, quanh ngõ vào nhà Hoa đã có mặt đủ các thành phần.
Lễ cưới xảy ra đúng dự liệu, bên đàng trai ngoài chú rể còn thêm bốn người. Đàng gái, ngoài gia đình bà Tám có thêm sáu người. Khách mời gồm ông bà ân nhân cũng là chủ công ty nơi Toàn đang làm việc. Bà Năm trầu, hai bạn hàng xấu miệng trong chợ trước đây thường bôi xấu Hoa. Hai giới chức hành chánh của xóm và hai người bạn bà Tám ở gần nhà. Dự trù khoảng hai chục người. Phút chót phải tính thêm mấy người cùng xóm đến giúp dựng rạp, làm bếp Những người nầy khi hay tin Hoa lấy Toàn họ thêu dệt đủ điều, bắn tin xấu ra khắp xóm. Nhưng sau vài ngày có lẽ đã nhận ra được chân giá trị và tấm lòng cao thượng tiềm ẩn trong con người Hoa, chính họ lại cổ võ xóm ủng hộ tinh thần Hoa và bà Tám.
Đặc biệt một người không mời nhưng đã trịnh trọng đến dự, Sáng, con trai ông bà tiệm vàng Rồng Vàng ở bên hông chợ. Sáng ăn mặc giản dị, áo trắng bỏ vào quần thắt chiếc cà vạt màu hồng bước vào nhà. Khách mời không ai để ý. Chỉ có Hoa và bà Tám chẳng những ngạc nhiên mà còn sợ Sáng đến quấy phá.
Hoa phản ứng nhanh, mời ngay Sáng vào nhà và tiếp đãi như một người thân.
Sáng rươm rướm nước mắt hỏi nhỏ:
- Hoa không tống cổ tôi ra?
Hoa bình tĩnh trả lời:
- Không anh Sáng, rất hân hạnh được tiếp đón anh.
Sáng đáp nhỏ để Hoa vừa đủ nghe:
- Tôi rất ân hận việc làm trước kia.
Hoa ngắt ngang:
- Bỏ qua chuyện cũ đi. Không ai biết chuyện gì của anh đâu.
- Hoa đã dạy cho tôi bài học để đời. Bây giờ tôi biết thế nào giá trị của lòng người, của tình yêu. Nếu ngày trước tôi đừng vụng về tôi đã cưới được một người con gái đẹp, thông minh, đáng kính thật hiếm có trên đời nầy.
- Bỏ qua đi anh.
- Đồng ý, nhưng cho tôi một lần tạ lỗi và xin phép được làm bạn với Hoa và anh Toàn.
- Rất hân hạnh.
Sáng rút trong túi ra phong bì để xuống bàn:
- Xin cô Hoa đừng chê trách, tôi xin phép được chúc mừng cô dâu chú rể.
Nhớ lại những lời nói ngày trước của Sáng, Hoa từ chối khéo:
- Anh Sáng đến, chúng em vui mừng lắm, tiền bạc quà cáp chúng em không nhận. Bữa cơm rau mắm để chung vui không tốn kém gì nhiều, mong anh đừng bận tâm.
Sáng nài nỉ:
- Đừng nói đến tiền bạc, đây là tấm lòng thành của tôi, chẳng đáng bao nhiêu, xin cô nhận cho tôi vui lòng.
Toàn vừa đi đến, chẳng biết ất giáp gì, nói với Hoa:
- Anh Sáng có lòng, em nên nhận để anh vui.
Thế chẳng đặng đừng, Hoa đành cám ơn.
Phong bì hơi khác thường không đoán được gì bên trong. Hoa đem vào bếp mở ra, sau nhiều lớp giấy, một lượng vàng y được gói thật kỹ. Hoa gói lại cẩn thận đem ra kín đáo trả lại cho Sáng:
- Cám ơn anh nhưng tôi không nhận. Nếu anh có lòng chúc mừng, vợ chồng tôi chỉ nhận đúng số tiền tương xứng với bữa cơm hôm nay.
Sáng không năn nỉ gì thêm, anh lấy lại phong bì bỏ vào túi áo.
Bữa tiệc cưới diễn ra tốt đẹp, Hoa khéo tính toán, với số tiền vừa phải nhưng đã tổ chức nấu được nhiều món ăn. Khách ra về thoải mái bằng lòng.
Khi đang dọn dẹp mâm bàn, đứa em út kêu Hoa vào buồng trong trao phong bì cho Hoa và nói:
- Ông Sáng bảo em phải trao tận tay chị phong bì nầy.
Cầm phong bì trong tay, Hoa băn khoăn suy nghĩ có nên trả lại lần nữa hay không. Cuối cùng Hoa quyết định giữ lại để giải thoát những bức rức trong lòng Sáng và để cho Sáng hiểu nàng đã hoàn toàn quên chuyện cũ. Hoa nghĩ thầm, Sáng sẽ sung sướng vì nghĩ rằng đã làm được một việc tốt và đã đem lại một niềm vui trọn vẹn cho người khác.
Sau hôn lễ, hai vợ chồng sống tại nhà bà Bảo. Trên nguyên tắc như vậy nhưng Hoa ghé qua nhà bà Tám thường xuyên. Cứ hai ngày một lần, Hoa ở lại làm bếp nấu cơm và ăn chung với mẹ và hai em. Cuộc sống thường nhật không có gì thay đổi nhiều. Người trong xóm thường bắt gặp Toàn qua thăm bà Tám nhiều lần trong tuần và đều đặn như vậy. Hoa tổ chức lại cuộc sống, Toàn xin nghỉ việc ở công-ty để tập bán hàng với Hoa. Mua một chiếc xe gắn máy chở Toàn cùng ra chợ mỗi sáng, gần trưa vắng khách Hoa trở về nhà lo cơm nước cho bà Bảo và hai đứa em của Toàn, xong quay trở lại chợ. Đến chiều sau khi dọn hàng đóng sạp, trở về nhà công việc đầu tiên làm vệ sinh cho bà Bảo. Tối cơm nước xong, Hoa một mình về nhà lo cho bà Tám. Công việc đều đặn như một chiếc máy từ ngày nầy qua ngày khác, hai gia đình, hai bà già bốn đứa trẻ đều được bàn tay Hoa chăm sóc ăn uống, tắm rửa, giặt giũ áo quần. Dần dần bà Tám nhận thấy những gì Hoa nói ra đều đúng và con gái bà chẳng những chu toàn bổn phận làm dâu mà vẫn quấn quýt lo lắng cho mẹ cho em từ bữa cơm, bộ áo như hồi Hoa còn con gái.
Từ ngày về nhà bà Bảo, chính tay Hoa đã lo việc vệ sinh tắm rửa lau chùi vết lở trên người bà Bảo, Toàn không được nhúng tay vào vì đây là việc của đàn bà con gái.
Mỗi lần thấy Hoa quá cực khổ bởi công việc, Toàn cảm thấy nghẹn ngào bảo:
- Em không cho anh làm anh cũng không nỡ tâm để em chăm sóc mẹ, hay mình đã ít có tiền vô tiền ra, anh đề nghị em thuê bà Chín xóm dưới đến lo cho mẹ mỗi ngày.
Hoa gạt ngang:
- Mẹ còn sống với chúng ta chẳng được bao lâu nữa, để em lo cho trọn hiếu dâu con. Mẹ anh cũng là mẹ của em. Em biết kính trọng thương yêu lo lắng mẹ anh thì chắc chắn anh cũng sẽ đối xử với mẹ em như vậy. Phải không anh Toàn?
Toàn không trả lời được câu nói của Hoa, anh chỉ gật đầu nhiều lần nước mắt rưng rưng vì câu nói cảm động của Hoa.
Trong bữa cơm, nhiều lúc Hoa nhìn Toàn và hai đứa em ăn một cách ngon lành và mỉm cười. Có lần Toàn hỏi:
- Sao em không ăn, cứ ngồi cười hoài vậy? Miếng nào ngon em gắp cho anh, gắp đầy chén hai đứa nhỏ. Em ăn đi chứ, cứ nhường nhịn hoài vậy.
- Em không thấy đói, nhìn anh và hai đứa nhỏ ăn em cũng no phần nào rồi.
Toàn cười:
- Chưa nghe ai nói lạ lùng vậy. Anh ăn mà em no!
- Em thấy tất cả những người chung quanh em sung sướng tức là hạnh phúc đã đến với em.
- Em là tiên hay là người?
- Không là gì hết, chỉ một người tầm thường. Anh không cần lo lắng gì cho em, em chỉ ao ước làm được chút gì đem lại niềm vui cho những người chung quanh.
Gần một năm sau ngày cưới, một buổi tối trước khi tắt đèn ngủ, Hoa kéo tay Toàn để lên bụng của mình nói nhỏ với Toàn:
- Em cho anh hay một tin vui, em đã có bầu!
Toàn mừng quá gục đầu xuống bên tai Hoa khóc rống lên như một đứa trẻ. Một hồi lâu Toàn đưa tay xoa nhè nhẹ lên bụng Hoa:
- Thật không em, anh cũng có con được như người ta? Anh cứ tưởng đời anh không bao giờ được diễm phúc làm cha.
Hoa xoa đầu Toàn trả lời trong sung sướng:
- Anh là một người bình thường, khỏe mạnh dĩ nhiên phải có con như tất cả những ngưòi đàn ông khác.
Ngay sáng hôm sau, Toàn vội vàng vào phòng mẹ báo tin anh đã có con. Bà Bảo cười sung sướng cầm tay Toàn:
- Bây giờ thì mẹ có thể an tâm và vui lòng ra đi.
- Đừng mẹ, mẹ phải sống thêm để nhìn thấy hạnh phúc của chúng con.
Nhưng hai ngày sau đó, bà Bảo ra đi một cách bình yên. Trên khuôn mặt già nua hốc hác và khắc khổ, người ta thấy được một nụ cười sung sướng và thỏa mãn.
Sau khi chôn cất xong bà Bảo, Hoa sửa sang nhà cửa lại ngăn nắp, có phòng riêng cho vợ chồng, phòng khách và nơi ăn ngủ của hai đứa em. Ngày ngày vẫn bán tại chợ, Hoa thường xuyên ghé về nhà thăm ăn cơm tối cùng mẹ và hai em. Đứa bé gái ra đời khỏe mạnh đẹp như Hoa, cao lớn như Toàn. Hoàn toàn không có một dấu vết tật nguyền nào của Toàn để lại.
Một buổi chiều sau khi tan chợ, Hoa về nhà, các em của Toàn cho biết:
- Anh Hai qua nhà bác Tám từ trưa, sau khi ăn cơm xong.
- Có gì gấp không các em?
- Không chị Hai à.
- Thôi các em ăn cơm một mình chị qua bên nhà.
Vừa bước vào phòng ngủ, Hoa thấy Toàn đang đút cháo cho bà Tám. Hoa vội vã:
- Có gì không mẹ?
- Chẳng có gì, chỉ hơi mệt chút đỉnh, mẹ bảo Toàn ra chợ đón con nhưng nó không chịu để mẹ ở nhà một mình.
Bến Nước Đục Bến Nước Đục - Sưu Tầm