Số lần đọc/download: 958 / 6
Cập nhật: 2015-10-19 14:40:17 +0700
- B
ác Vạn có bên ấy không, bác ra mà lấy rượu.
Tiếng Cúc ở thuyền bên này vọng sang thuyền bên kia, nghe xa xôi trong gió lộng một buổi chiều giá lạnh. Cô đặt thúng xuống sạp thuyền, tháo chiếc khăn vuông rũ nước mưa.
- Hãy ăn miếng trầu cho ấm người đã nào.
Cúc nghe tiếng của mình, bâng khuâng như những khi nghe hơi gió lạ những ngày rét mướt từ chân mây lùa đến khoang thuyền không. Nước sông triền miên chảy xuôi dòng. Tiếng sóng vỗ mạn thuyền tròng trành, như tiếng ai thầm thì với ai trong cái buồn sông nước.
- Ôi chao ôi rét. Ăn trầu mà chẳng thấy ấm được chút nào.
Cúc ngồi thu hai bàn tay vào bên trong chiếc áo bông ngắn, nghiêng đầu nhổ cốt trầu. Cô xuýt xoa thò một tay nhặt những mớ rau diếp trong rổ, xếp ra sạp thuyền. Bác Vạn ở trên bãi bước xuống mảnh ván cầu, nói to:
- Cô Cúc đi chợ Tết mà về sớm nhỉ. Nào rượu của tôi đâu. Khéo lại quên nhé. Quên cái gì chứ quên rượu uống Tết thì tôi bắt đền đấy.
Bác Vạn có tính huyên hoa vui vẻ. Hễ nhìn thấy mặt bác ta là Cúc đã buồn cười. Những ngày thuyền bác Vạn xuôi ngược đâu xa, Cúc thường lẩn thẩn nói với bà mẹ: "Không biết lúc này bác Vạn đang uống rượu ở bến nào đây, mẹ nhỉ?". Bà Hai lại bực mình, gắt lên: "Bác ấy uống đâu thì uống, việc gì đến mày mà hỏi vơ vẩn mãi". Cúc càng cười rũ ra: "Tại cứ nghĩ đến điệu bộ bác ấy say rượu là con lại không nhịn được cười. Vắng bác ấy, con thấy cái bến này buồn tẻ quá.." Bà Hai cũng nghĩ như con gái. Vì mỗi lần thuyền bác Vạn về đậu dăm ba ngày, bác đem theo về cả tiếng cười tiếng hát của mình cho các bạn sông hồ, để rồi ngày bác nhổ sào ra đi, ai cũng nhắc nhủ đến bác luôn, như Cúc vậy.
- Rượu ngon quá. Sáng mồng một Tết, tôi mừng tuổi cô một chén mới được.
Nghe bác Vạn nói đến mồng một Tết, Cúc thấy lòng nao nao. Cô cúi nhìn bóng bác Vạn in ngược dưới nước sông để nhớ đến người em bác còn xa vắng chưa về. Người ấy cũng vạm vỡ như người anh, nhưng khác cái là tính anh ít nói và đẹp trai hơn nhiều. Trước kia, hai anh em bác Vạn còn chung một thuyền. Nhưng về sau người em có vốn, ra đóng thuyền làm ăn riêng. Từ đấy mỗi người đi một nẻo sông, thỉnh thoảng mới gặp nhau ở giữa dòng. Hai con thuyền, cái xuôi cái ngược, người anh và người em chỉ chào nhau chứ không dừng thuyền lại. Người em đóng xong thuyền mới cũng đã mời tất cả bạn chài ở bến Rừng uống rượu, trong đó có mẹ con bà Hai. Bác Vạn uống rất nhiều, bác nói bông đùa hơn những ngày thường, nhưng lúc cánh buồm mới vừa kéo lên căng gió lộng trên sông thì tự nhiên bác không nói nữa. Bác vỗ vai em ân cần, hai mắt đỏ hoe: "Anh chúc chú được luôn luôn thuận gió nhé. Mỗi năm chú nhớ ngày giỗ thầy mẹ, và ngày Tết thì bất cứ ở đâu cũng phải về bến này cho anh thấy mặt".
Một buổi sáng, mặt trời rực rỡ ở chân mây. Cánh buồm nâu của người em in trên nền trời xanh rồi mất dần ở phía sau khu rừng cây che kín một ngành sông rẽ. Bác Vạn kêu nhức đầu, vào trong khoang nằm. Cúc vẫn còn đứng mãi trên mũi thuyền, lặng lẽ nhìn những con chim nhỏ ở rừng xa bay ngang dọc như con thoi trên sông vắng. Đôi mắt của người con trai trôi dạt ở nẻo trời xa như đang phảng phất trên tấm gương nước đầu thuyền. Lòng cô đã ngẩn ngơ từ hôm đó.
- Hôm nay hăm tám Tết rồi, bác Vạn nhỉ?
- Ừ, hăm tám rồi cô ạ - Bác vừa nói vừa ngửa cổ lên, hạ lá buồm cũ xuống. Tiếng đẩy chèo rít trong gió trời mang mang, như nỗi nhớ thương quằn quại trong tấm lòng trống trải của con người.
- Buồm rách mất mấy chỗ, bác ném sang đây em vá giúp.
Nàng thấp giọng và cố gợi cho bác Vạn nói về người em trai bác một vài câu.
- Vừa ngày nào buồm của bác còn mới nguyên, thế mà thấm thoắt...
- Ờ, vụ nước này tôi đi luôn luôn, lại gặp nhiều cơn bão.Tôi sắm sau chú Đán nó vài hôm, nhưng tôi chắc buồm của chú nó hỏng lâu rồi, vì từ ngày làm riêng, chú ấy đã mấy lần chở muối ra cả ngoài mạn Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Móng Cái kia đấy - Bỗng bác Vạn ngoảnh sang, bắt chộp được Cúc chăm chú nghe chuyện về Đán, bác cười khà khà một thôi dài như mỗi khi say rượu - Thôi thì sớm tối ngày ba mươi chú nó về, thể nào chả phải nhờ cô vá buồm cho. Mà chẳng nhờ cô thì còn biết nhờ ai nữa, phải không cô Cúc?
Cúc cúi xuống, lau cốt trầu ở môi nhưng để che nụ cười.
- Bác cứ chế em. Em vụng về chết đi ấy. Biết đâu anh Đán chả nhờ ai vá trước rồi.
Bác Vạn càng cười to hơn:
- Chả đời nào chú nó nhờ người khác. Tôi biết chú nó khó tính khó nết lắm. Mà xuôi ngược quanh năm thế, thời giờ đâu nhờ vả ai được nữa.
Lòng Cúc phơi phới, như cánh hoa được đón một cơn gió mát. Cô biết rằng sớm tối ngày ba mươi, Đán sẽ trở lại bến Rừng ăn Tết, rằng bác Vạn đã để ý đến mối duyên giữa mình với Đán, thế là đủ lắm rồi. Cúc lảng sang chuyện khác.
- Mẹ em và thằng Sỏi đi đâu thế bác?
Cúc vừa hỏi xong thì bà Hai xách một đùi lợn xuống.
- Con lợn bột béo quá. Mười thuyền đánh đụng với nhau có một con thành ra ít. Đấy, cô muốn nấu nướng thế nào thì nấu. Miễn có nén hương, trước cúng các cụ, sau cúng thầy.
Cúc bùi ngùi chạnh nghĩ đến cảnh ba mẹ con mình nơi bến sông heo hút, lênh đênh trên sông nước rồi đây không biết cuộc đời sẽ xoay vần ra sao. Bà Hai đau yếu luôn, thằng Sỏi nay đã mười lăm tuổi, có lớn mà chẳng có khôn, cô rồi đây sẽ phải lấy chồng, chẳng biết em trai có nuôi nổi mẹ già hay không... Cúc tưởng tới một đêm giông bão, chiếc thuyền nhỏ hẹp này gặp nạn chìm xuống từ từ, mà Cúc thì đã theo chồng đến một bến xa nào rồi.
- Ô hay, con bé này không đứng dậy còn ngồi ngẩn ngơ mãi. Lúc nào cô cũng như con lẩn thẩn.
Nhìn theo người mẹ đang khom cái lưng gày ốm chui vào trong khoang, cô thấy thương xót mẹ không lúc nào như lúc này.
° ° °
Sớm ngày ba mươi Tết, thuyền Cúc đã lên lửa trước mọi thuyền trong bến. Mưa từ đêm qua chưa dứt, trắng mờ cả mặt sông. Trên bến, sau dải rừng gồi ở mấy sườn núi đất, khói từ những mảnh nương đang đốt dở bốc lên. Qua làn khói nhạt, từ xa thấp thoáng những tờ câu đối viết trên giấy hồng điều dán trên vách nhà mấy người dân tộc Thổ, Mán.
Cúc rùng mình lạnh. Cô vuốt vuốt hai cánh tay trần cho nóng thịt da trước khi tắm. Mùi lá bưởi và hương nhu thơm lừng, ngát cả khúc sông, những làn khói thơm ngát ở miệng nồi toả lên ủ vào mái tóc dài buông kín đôi vai tròn trắng muồn muột, đọng thành giọt lớn chảy xuống hai bầu vú nở nang và đầy đặn rồi chảy thành dòng xuống bụng, xuống hai bên mông cô...
Tắm xong, cô ra ngồi đầu thuyền, sưởi bên nồi bánh chưng đang luộc. Ánh lửa in ngược xuống sông nước dạt dào, nom tựa những bông hoa gạo in đỏ nước sông những ngày hè nổi gió. Từng giờ, cô bâng khuâng chờ mong một cánh buồm nâu từ nẻo sông xa đi tới. Thế rồi hết một ngày, bóng tối theo gió lạnh từ chân mây đọng lại, xoá mờ những cột buồm ngơ ngác ở bến nước. Sóng bắt đầu nổi mạnh. Tiếng chuông khánh reo trên đầu những cột buồm cao vút, đó là cây nêu của các gia đình yên vui kiếp sông hồ. Cúc ngao ngán nhìn ngọn lửa tắt dần dưới nồi bánh chưng đã chín. Cô thấy niềm vui chờ đợi sẽ như những hòn than nọ vạc dần đi.
- Giờ tí rồi con ạ.
Cúc thắp đèn hương, bày đồ lễ trên cái nắp hòm trong khoang thuyền. Bà Hai giở cái áo bông the mà bà dành dụm từ hồi còn trẻ mặc vào, rồi ngồi khấn vái. Mùi hương đen thơm đượm phảng phất trong gió lạnh, tự nhiên cô thấy lòng ấm áp hơn một chút. Cô lặng lẽ nhìn bóng mẹ hắt lên mui thuyền.
Tiếng pháo bắt đầu nổ đâu từ một thôn xóm nào, rồi tiếp theo những tràng pháo khác. Bà Hai đưa Cúc một điệp giấy vàng và chén rượu. Quen lệ cúng giao thừa của dân chài, cô lặng lẽ đỡ lấy, ra đầu thuyền đổ rượu và đốt vàng lá thả xuống sông cho Hà Bá. Lửa vẫn cháy trên những mảnh giấy, trôi theo sóng lềnh bềnh và rực rỡ như ở hội hoa đăng người ta thả những chiếc đèn phao nhỏ. Mọi thuyền trên bến lúc đó đều thả vàng mã như vậy, nên dòng sông sang ngời lên. Cúc nghĩ, nếu trèo lên núi mà trông thì con sông kia chẳng khác dòng Ngân Hà lộn ngược. Cô đang mải nhìn theo hút một đốm lửa trôi ra xa thì bỗng nhiên cô mơ hồ như thấy đốm lửa ấy trôi trở lại. Đó là ánh lửa đèn của một chiếc thuyền đang lừ lừ tiến đến gần. Một tràng pháo trên chiếc thuyền xa lạ ấy nổ vang sông. Cánh buồm nâu to rộng hiện ra sừng sững trước mặt cô, đột ngột và ghê rợn như hình ảnh trong một cơn ác mộng. Cô đã trông thấy ai kia trong làn khói pháo mờ mịt rồi, cô thốt kêu lên:
- Bác Vạn ơi, thuyền anh Đán đã về!
Bác Vạn thò đầu ra ngoài mui, giọng lè nhè say:
- Biết mà, tôi biết chú nó thể nào chả về...
Thực lòng bác mong Đán chẳng kém gì Cúc mong, và bác còn thấy lo ngại là khác nữa, bởi vì "sông nước biết thế nào mà nói trước được" - bác thường nhủ thế mỗi khi tỉnh rượu ngồi âm thầm nghĩ đến cái tình anh em xa cách. Bác chếnh choáng nhảy sang giúp Đán hạ buồm ngay, vì về khuya sông trở gió. Sóng đánh hắt mũi thuyền ra xa, mà nếu neo dây lên bờ rất khó lách được mũi thuyền sát bến. Đán còn đang loay hoay thì bác Vạn vỗ vai em cười:
- Tiện hơn cả là chú ném đầu dây sang bên kia, buộc vào mũi thuyền cô Cúc, thế là chặt chẽ không gì bằng.
Đán còn ngượng nghịu, để anh trai giục lần nữa anh mới ném đầu dây sang. Cúc bẽn lẽn giơ tay đỡ, buộc chặt vào mũi thuyền của mình. Bác Vạn sung sướng nhìn hai người, rồi cất tiếng cười vang sông.
Nửa đêm ấy, Cúc không sao chợp mắt. Cô thấy thời khắc dài như không cùng.
Mới tinh sương Cúc đã ra đầu thuyền rửa mặt, vấn khăn. Nhìn xác pháo tựa những cánh hoa đào trôi xuôi dòng sông như cuộc đời lang bạt của mình, cô mơ tưởng một ngày nào lấy Đán, hai vợ chồng sẽ sum họp trên chiếc thuyền kia. Hai vợ chồng, vài ba đứa con, một bu gà vịt, như mọi gia đình thuyền chài khác. Những buổi chiều mùa hạ, buồm căng gió xuôi dòng, mình sẽ ngồi cho con bú hay mạng lưới, anh ấy ẵm đứa con lớn lên mui ngồi với ấm trà ngon nóng, nghêu ngao hát. Cuộc đời thanh thản êm đềm...
Bỗng tiếng Đán ở bên kia:
- Cô Cúc nghĩ gì mà thừ người ra thế?
Cúc ngoảnh sang e lệ:
- Em đang đếm xem có bao nhiêu xác pháo, chứ em có nghĩ gì đâu.
Đán yên lặng ngắm Cúc. Anh thấy mới xa cách nhau chưa được bao nhiêu ngày mà cô thay đổi quá, đẹp hơn trước nhiều. Biết anh chăm chú nhìn mình, cô sung sướng nói:
- À, suýt nữa quên. Năm mới em chúc anh thể nào cũng cho em ăn cỗ cưới.
- Tôi cũng chúc cô như thế.
Giọng anh hạ thấp xuống ngọt ngào, cốt để mình Cúc nghe:
- Cô có bằng lòng không?
Cúc bồi hồi, và chợt nhận ra bóng mình chạm sát vào bóng Đán dưới nước sông, cô e lệ ngước lên nhìn Đán, chớp mắt, rồi cúi xuống nói khẽ:
- Thưa anh, vâng ạ.
Truyện ngắn đầu tay của Ngọc Giao, sáng tác năm 1939.