Số lần đọc/download: 692 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
K
hi cơn gió lạnh đầu mùa từ những dãy Bancăng tràn xuống đồng bằng, đổ vào thủ đô Sôphia thì đó là lúc chúng tôi ra đời. Bà mẹ Mùa Đông diện cho chị em chúng tôi những chiếc váy ngắn. Những bộ cánh đồng phục mỏng tang, trắng như... tuyết. Xin ai đó đừng cười. Tự lấy mình ra để ví von, nhất là cho những vẻ đẹp trên đời thì chẳng phải là chuyện hay ho lắm. Nhưng cũng xin thông cảm cho chúng tôi. Những từ ngữ các bạn thường dùng hàng ngày ví như “trắng như trứng gà bóc” hoặc “trắng như bông” không thể nào diễn tả được màu trắng của các bộ váy chúng tôi đang mặc, vả chăng xưa nay trong văn học và ngay trong ngôn ngữ dân gian, người ta hay mượn tên chúng tôi khi cần phải nói tới màu trắng vô cùng tinh khiết đó sao? Nhưng thôi, ta hãy gác chuyện đó lại. Hôm nay tôi hứa kể cho các bạn nghe câu chuyện... hay đúng hơn là tâm sự của tôi. ồ, tâm sự của cô bé Tuyết. Hẳn các bạn phải buồn cười và rất đỗi ngạc nhiên. Làm thế nào mà một cô bé vô tư, ca múa nhảy nhót suốt ngày lại có thể có tâm sự được, cứ làm như mình là một người lớn không bằng. Vậy mà chuyện có thật đấy bạn ạ. Dầu là người lớn hay trẻ con, làm sao tránh khỏi trong đời mình có những lúc buồn rầu hay thậm chí đau khổ vì một chuyện tưởng chừng như vô cớ nào đó. Chính những điều đó đôi khi lại giúp người đời tỉnh ra, khôn hơn. Ôi, xin các bạn đừng cười. Đúng hệt giọng bà cụ non rồi. Thôi tôi sẽ không dám dài dòng nữa. Tôi vào chuyện ngay đây mà.
Chúng tôi bước vào ngưỡng cửa Mùa Đông Sôphia vào một buổi sáng tháng Mười một cách khá lặng lẽ. Tất nhiên trước đó mấy hôm có những trận gió mạnh tràn qua các đường phố, cuốn đi những chiếc lá rơi xuống từ đêm trước, và tràn qua rải rừng dài - Công viên Tự Do, bứt nốt những chiếc lá cuối cùng còn sót trên các cành cây khẳng khiu. Như một đạo quân khổng lồ, chúng tôi tràn vào thành phố lặng lẽ, vui tươi, không hề có quân nhạc hay một tiếng pháo nổ. Nhưng chúng tôi đem tới cho thành phố tiếng hát và những điệu vũ kỳ lạ. Không phải bất cứ ai cũng nghe được tiếng hát của chúng tôi đâu, thật thế, có những âm thanh không nghe được bằng thính giác mà phải bằng sự cảm nhận qua một giác quan nào đó chưa ai biết được. Bài hát nói về các sứ giả - những cô bé khoác áo choàng trắng và các chàng hoàng tử đẹp trai. Hẳn nhiên đó là những bài hát trữ tình. Còn những điệu vũ thì thật kỳ lạ, mê li và tưng bừng, thường chỉ có trong những ngày hội lớn. Chúng tôi nhảy múa. Những chiếc váy nhỏ tí xíu trắng xóa tung bay trên khắp các ngọn cây, các nóc nhà cao tầng cho tới ngọn cỏ ven đường... Chẳng mấy chốc mà thành phố chìm trong một màu trắng bao la, tuyệt vời tinh khiết. Chính chúng tôi, những cô bé Tuyết tý hon, bằng những điệu vũ kỳ diệu, với những chiếc váy mỏng tang đã trang trọng khoác cho thành phố tấm áo choàng trắng tinh. Có mấy chàng chim sẻ, chim câu mấy hôm trước đó đi du lịch, lúc trở về không còn nhận ra thành phố quê hương của mình nữa. Đừng trách họ vô tình. Các bạn hãy nghe họ cãi nhau. Một bạn bảo đúng là thành phố của mình, nhưng người ta mới vừa quét vôi trắng. Chuyện buồn cười. Quét vôi trắng trên ngọn cây thì có họa là rồ. Người ta thường chỉ quét vôi từ nửa thân cây xuống gốc thôi. Bạn khác thì khăng khăng là họ đã lạc vào sa mạc. Mải vui bay nên quên cả hướng về. Vì chỉ có sa mạc mới có màu trắng xóa mênh mông như thế. Nghe nói thế các cô cậu kêu khóc inh ỏi. Lạc giữa sa mạc thì bói đâu ra thức ăn nước uống. Rồi sau đó còn bao nhiêu chuyện rắc rối khác nữa. Thôi đừng than khóc nữa các bạn ơi. Không có một ai đi lạc đâu. Các bạn đã trở về đúng thành phố của mình. Nhưng muốn nói gì thì nói, không một ai trong bọn họ có thể nào tin được điều đó. Vì pho tượng Người Anh hùng Giải phóng Dân tộc khoác áo choàng xám cưỡi ngựa đang đứng giữa Quảng trường Trung tâm Thành phố, hàng ngày họ vẫn hay tới đậu trên đôi vai vạm vỡ, nay đã là một người hoàn toàn khác. áo mão và con ngựa ông ta cưỡi toàn màu trắng xóa. Đàng kia, nóc nhà thờ dát vàng nổi tiếng cũng vậy. Cả một thành phố trắng.
- Ai đã làm nên điều kỳ diệu đó nhỉ?
- Chính chúng mình đấy.
- Chúng mình như người thợ sơn ấy.
- Không phải là thợ sơn. Đúng hơn chúng ta là những họa sĩ tài ba. Có bạn nào đó cãi lại. Chúng ta vừa làm nên một bức tranh tuyết vĩ đại.
- Mà chỉ vẻn vẹn trong có một đêm. Một bạn khác thêm vào.
- Đúng, chỉ trong một đêm, chúng ta đã chiếm lĩnh toàn bộ thành phố. Một đứa trong bọn tôi thêm vào, đầy vẻ đắc thắng. Trong những trường hợp quan trọng cô bé thích giọng điệu khoa trương.
- ừ, chẳng biết trong đời này còn có ai tài giỏi và đẹp hơn chúng mình không nhỉ. Chúng tôi tự hỏi nhau rồi không ai bảo ai đồng thanh trả lời:
- Chỉ có chị em chúng ta, những cô bé Tuyết là tuyệt vời nhất. Chẳng phải chính chúng ta đã tặng cho thành phố tấm áo choàng kỳ diệu đó sao? Thử hỏi có bạt ngàn cánh đồng trồng bông cũng không tài nào có đủ số lượng bông cần thiết để dệt cho tỷ tỷ chiếc váy, và còn kỹ thuật cắt may nữa chứ. Chỉ bấy nhiêu đó chúng ta cũng đủ quyền tự hào rồi.
- Xem kìa, người ta đang vẽ chúng mình đấy.
Đúng là có một nữ họa sĩ đang say mê vẽ rừng bạch dương trong một buổi sáng đầu mùa. Hoa tuyết bắt đầu bay. Tưởng như từ trong bức tranh các gác chuông Nhà thờ Vàng thong thả buông từng hồi ngân nga. Một chú sóc con ẩn trong gốc cây, ló đầu ra, đôi mắt nâu tròn xoe nhìn không chớp những hoa tuyết bay bay...
- Bọn mình đã đi vào trong tranh.
- Bức tranh thực là tuyệt.
- Còn phải nói. Tất cả là nhờ đôi cánh trắng chúng mình. Đôi cánh trắng mênh mông. ồ, ngoài chúng ta thì chẳng còn có gì khác đáng kể nữa.
Đó là nội dung bài hát. Chúng tôi có thể hát mãi một cách say mê, ngày nọ qua ngày kia không biết chán, nếu không tình cờ xảy ra câu chuyện tôi sắp kể cho bạn nghe đây. Chả là hôm đó tôi đang mải thao thao bất tuyệt với các bạn rằng giả sử mất đi màu trắng, mất đi bộ váy trắng tuyệt vời của chị em mình thì toàn bộ thành phố này sẽ ra sao. ừ, sẽ ra sao nếu thế giới này bỗng vắng đi những điệu vũ màu trắng bay lượn khắp không trung. Giả sử...
- Này, các cháu gái bé bỏng xinh đẹp của bà - Một bà già giống như hàng trăm bà già chúng ta gặp hàng ngày trên đường phố Sôphia nói với tôi, - đúng đấy, các cháu rất đẹp. Nếu Mùa Đông không có các cháu chắc chắn thành phố sẽ mất đi vẻ đẹp đáng yêu. Trước hết, các cô bé cậu bé không được nghịch tuyết, các cô gái không được dịp mặc những chiếc áo khoác kiểu mới nhất, các cậu bé không lấy đâu ra tuyết để đắp những pho tượng người tuyết đôi lúc còn to hơn người thật. Rồi trong các viện bảo tàng sẽ không có những bức tranh tuyết nổi tiếng, và những câu chuyện cổ về Nàng Công chúa Tuyết cũng không bao giờ có. ồ, bà không thể nào kể hết được những điều tốt đẹp các cháu đã đem lại cho cuộc đời này. ừ, mùa Đông sẽ buồn biết mấy nếu không có các cháu. Mọi người cảm ơn các cháu. Người ta đã nói, đã viết, đã vẽ nhiều về các cháu, rồi người ta sẽ còn viết, vẽ nhiều hơn nữa. Nhưng nói như cháu này vừa rồi thì... bà lão nhìn tôi mỉm cười rồi nói tiếp, cháu ạ, cần phải nhìn xa hơn chỏm mũi mình một chút. Kìa, đừng tự ái nếu bà ăn nói có hơi thô lỗ...
Đúng là tôi có bất bình. Chưa có ai nói với chúng tôi những lời như thế bao giờ, và cũng chưa có ai nghĩ khác về bài hát của chúng tôi. Cố gắng lấy giọng hết sức tự nhiên, tôi lịch sự lễ phép nói:
- Thưa bà cứ nói đi, cháu đang nghe đây ạ.
Với lại cũng xin nói thêm với các bạn, tôi giữ được bình tĩnh vì chúng tôi rất tự tin những gì chúng tôi đang có. ồ, bất giác tôi nghĩ thầm, chắc bà lão vừa chui từ trong một viện bảo tàng lịch sử nào ra từ cái thời thế giới này chưa hề có Tuyết. Tôi thích thú với ý nghĩ của mình. Tất nhiên bà lão không thể đọc được những gì tôi chợt nghĩ. Bà mỉm cười nhìn chúng tôi, âu yếm:
- Đúng thế, Mùa Đông là của các cháu, các nàng tiên bé nhỏ xinh xinh. Nhưng còn các mùa khác, chẳng hạn, Mùa Xuân, Mùa Hè rồi cả Mùa Thu vàng rực nữa? Đã bao giờ các cháu trông thấy chưa? Ôi, bà không tài nào kể hết vẻ đẹp của các mùa đó vì bà không biết vẽ và không biết làm thơ. Tiếc thật, nếu bà là một nhà thơ...
Bà lão lộ vẻ bất lực một cách tội nghiệp.
- Điều này thì chúng cháu không thể nào giúp bà được. Tôi nói cố làm ra vẻ ân hận.
- Vậy thì làm sao chúng cháu tin được những điều bà vừa nói nếu chúng cháu không được tận mắt trông thấy? Tôi vênh mặt hỏi, tự đắc cho là với câu đó bà lão sẽ không còn gì khác nữa để nói.
Bà lão lặng im. Bà nhìn khắp chúng tôi như thể muốn cầu cứu tìm ra câu trả lời.
Các bạn tôi nhao nhao lên.
- Đúng đấy, trăm nghe không bằng một lần thấy.
- Các cháu phải tận mắt nhìn thấy cơ, còn nếu không thì... Tôi thích thú cười thầm, dầu bà có hát hay mấy cháu cũng không tin.
Mắt bà lão bỗng ánh lên, như vừa có tia chớp lóe trong mái đầu tóc bạc. Bà nói như reo lên.
- á, có thế chứ. Nãy giờ bà quên tự giới thiệu với các cháu bà không phải là một bà lão bình thường đâu. Các cháu đang tiếp chuyện với một bà tiên đấy. Mà đã là tiên thì trước hết phải có cái gì khác thường các cháu có biết không?
- Hẳn bà phải có phép lạ chứ ạ? Tôi nói ngay, mặc dầu tôi biết rằng thời của những phép lạ trong các câu chuyện cổ qua đã lâu lắm rồi.
Bà lão lim dim cặp mắt vốn đã nhỏ nhìn tôi gật gù:
- Cháu gái thông minh lắm. Ngay bây giờ bà có thể hóa phép.
- ồ, thích quá, cả bọn reo lên, bà ơi, bà hóa phép cho cháu với. Cháu muốn biến thành trong nháy mắt một vị hoàng tử...
- Còn cháu, một bạn khác chen ngang, cháu muốn có ngay một lâu đài nguy nga có nhiều phòng, mỗi phòng có một lò sưởi ấm trăm độ...
Bà lão tủm tỉm cười:
- Bà muốn nói ngay với cháu về cái lò sưởi đó. ở trong căn phòng ấm áp tráng lệ đó cháu sẽ không còn là cháu nữa. Trước hết những tấm áo váy trắng kỳ diệu đó sẽ tan biến đi, và những vị hoàng tử không bao giờ hy vọng gặp các nàng tiên diễm lệ... Với lại các bà tiên chỉ hóa phép cho những người nghèo khó, những cô bé khốn khổ bất hạnh thôi. Ví dụ như với cô bé Lọ Lem trước lúc đi dự hội gặp Hoàng tử cần phải có đôi hài, bộ quần áo đẹp và cỗ xe ngựa... Còn đối với các cháu, những nàng công chúa, những nữ hoàng Mùa Đông xinh đẹp thì bà sẽ cho các cháu xem điều kỳ diệu này. Tất nhiên cũng cần phải có chút phép màu. Nào, hãy nhắm mắt hết một lượt đi. Bao giờ bà bảo xong mới được mở mắt ra. ồ, suýt nữa bà quên dặn một điều quan trọng. Khi nào bà kéo tấm màn thì không một cháu nào được chen bước lên, nếu không sẽ nguy tới tính mệnh đấy.
- Rõ ạ. Tất cả chúng tôi đồng thanh.
Kể ra bà lão cũng khí lo xa quá. Còn có cái gì trong đời đẹp hơn những bông hoa tuyết để bắt chúng tôi phải chen lấn nhau xem? Tuy nghĩ vậy, tuổi nhỏ vốn tò mò chúng tôi háo hức muốn được trông thấy ngay.
- Nào, một, hai, nhắm mắt cả lại. Bà lão nói to.
Bọn tôi nhắm mắt một loạt. Một thế giới mênh mông tối đen. Tôi nghe dường như có một tấm màn kéo rèn rẹt. Một tấm màn khổng lồ.
- Nào, một hai ba. Tất cả mở mắt ra.
Chúng tôi mở mắt cùng reo lên một lúc. Nhưng chắc không một ai tin là mình đang thức. Trước mắt chúng tôi, bên kia tấm màn là cả một thế giới lung linh kỳ ảo.
- Bà ơi, có phải chúng ta đang ở trong cung điện vua Thủy Tề không hả bà? Tôi hỏi thế vì tôi từng nghe nói ở đó có hàng triệu viên ngọc quý tỏa sáng cả một khoảng rộng lớn, lung linh sắc màu.
Bà tiên mỉm cười:
- Các cháu đang đứng trước một buổi sáng mùa Xuân đấy.
Một nỗi ngạc nhiên đến bàng hoàng. Cùng với chút ghen tỵ xâm chiếm lòng tôi. Mùa Xuân và các mùa khác trong năm chúng tôi vẫn thường nghe nói tới. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ có thể có mùa nào lại đẹp đến như vậy.
- Bà ơi, mùa Xuân cũng có các nàng công chúa của họ chứ? Tôi hỏi và thầm mong điều đó không xảy ra.
- ồ, có chứ, bà tiên vui vẻ nói. Như chính bà là người đã tạo nên tất cả vẻ đẹp đang bày ra trước mắt chúng tôi. Các cháu xem kìa. Hoa đấy. Bà nói, giọng mỗi lúc một xúc động, người ta gọi Hoa là các nàng công chúa của mùa Xuân. Có tới hàng trăm hàng ngàn các nàng công chúa. Mỗi cô có một dáng hình, màu sắc khác nhau. Rồi bà say sưa kể cho chúng tôi tên gọi và đặc điểm của mỗi nàng. Thật không bút mực nào kể xiết. Một cuộc du lịch thú vị. Tất ả chúng tôi như đang bơi trong biển sắc màu và muôn hình nghìn dáng của mùa Xuân.
- Ô kìa, một bông hoa biết bay. Một bạn bỗng reo lên khi trông thấy một bông hoa vừa rơi xuống đất bỗng bay vút lên.
Bà tiên cười:
- Bướm đấy, bà bỗng nheo mắt lại như cố nhớ một điều gì quan trọng, rồi cất giọng khe khẽ ngâm: “Một bông hoa rụng xuống đất, lại trở về cành, à ra con bướm”.
- ồ bà làm thơ. Đúng bà còn là nhà thơ nữa. Chúng tôi reo lên.
Bà tiên lắc đầu:
- Nếu bà làm thơ được thì bà đã chẳng cần phải dùng tới phép màu mới cho các cháu trông thấy được mùa Xuân. Mấy câu vừa rồi là loại đoản thi của Nhật Bản.
Một làn gió ấm tràn qua. Cả biển màu xao động. Tất cả chúng tôi ngây ngấy trong hương vị khó tả.
- Hương đấy. Mùi hương từ những bông hoa tiết ra. Mỗi loại hoa có một mùi hương riêng. Bà tiên xúc động nói khẽ, như sợ tiếng động nhỏ sẽ làm cho hương vị tan biến đi.
- Bà ơi, cháu muốn bắt mùi hương. Một bạn kêu lên. Thế là tất cả chúng tôi đều reo lên, dang rộng cả hai tay ra như muốn ôm gọn mùi hương vây quanh mình.
Bà tiên cười:
- Không cần phải làm vậy. Bộ váy trắng kia thế nào mà chẳng được ướp đầy hương vị của trăm hoa.
Đúng như lời bà nói, sau đấy ít lâu, chúng tôi còn giữ được món quà đặc biệt đó của các nàng công chúa Mùa Xuân. Những tặng phẩm vô giá.
- Chắc bà còn nhiều phép lạ nữa chứ? Bà có thể cho chúng cháu xem các mùa khác nữa được không? Tuổi nhỏ vốn tham lam, chúng tôi dồn dập hỏi.
- Sao lại không. Bà tiên lim dim đôi mắt vẻ mơ màng. Dường như đằng sau các rèm mi khép hờ kia, bóng dáng các mùa đang lần lượt hiện ra với mọi vẻ đẹp kỳ diệu của nó. Bà nói, giọng khẽ khàng như đang đọc một bài thơ trữ tình. Sau mùa Xuân các cháu vừa chứng kiến là Mùa Hè. Nói tới mùa Hè phải kể tới Nắng, Gió, các dải rừng với bạt ngàn cây cối, các dòng sông và biển cả. Mùa dành cho tuổi trẻ và những cuộc du lịch. Mùa của hoa quả thi nhau dâng đầy mà mùa Xuân trước đó chưa đủ thời gian làm hết. Bà tiên khẽ thở dài. ừ, bà cảm thấy bất lực. Bà không có tài kể cho các cháu nghe về những dòng sông và biển cả. Chao ôi, nói tới biển, không ai có thể nói bằng lời, mặc dầu đã có hàng ngàn bài thơ viết về nó. Tặng phẩm vô giá kỳ diệu của thiên nhiên.
- Thế còn mùa Thu... Một bạn hỏi nhỏ.
- Đừng nói tới mùa Thu. Bà quả thực không đủ tài. Mùa của các họa sĩ và thi nhân. Các nhà thơ đông tây kim cổ đều viết về nó. Mùa của các rừng cây được dát vàng. Mỗi chiếc lá nhỏ cháy lên như một mặt trời nhỏ xíu đọng lại. Hàng ngàn năm nữa người ta còn viết và vẽ nhiều về nó. Bà đang nói bỗng chợt dừng lại ngỡ ngàng nhìn tôi, kìa, cháu gái của bà làm sao vậy? Có phải vừa rồi bà đã lỡ nói điều gì làm mếch lòng cháu chăng?
Tôi lắc đầu, giọng đầy nước mắt. Một điều các bạn hiếm khi thấy. Một con bé lúc nào cũng tinh nghịch, vui vẻ, tự tin. Tôi nói:
- Thưa bà, cháu buồn. Sau những câu chuyện bà kể, cháu tự thấy mình không có ý nghĩa gì cả. Chỉ riêng các bạn Hoa ấy thôi các cháu cũng không thể... Tôi không nói hết câu bỗng òa khóc.
Bà tiên âu yếm xoa đầu tôi:
- Đừng vội nghĩ vậy. Nghĩ như thế là có lỗi với bà Mẹ Thiên Nhiên của chúng ta đấy. Các cháu chính là nữ hoàng sắc đẹp của mùa Đông. Mùa Đông là mùa cho đất đai nghỉ ngơi sau những ngày tháng làm việc miệt mài, sôi nổi hoặc âm thầm. Nhưng thật ra Người Mẹ của các cháu không nghỉ đâu. Bà đang hoài thai cho những cuộc sinh sôi mới nối tiếp. Còn các cháu, nếu không có các cháu, bà mẹ Mùa Đông của các cháu sẽ mất đi vẻ đẹp rực rỡ siêu phàm. ừ, giả sử không có những tấm áo choàng trắng kia làm sao có thể có được những khu rừng như những cung điện lung linh tráng lệ kỳ ảo. Dẫu có lấy tất cả ngọc ngà châu báu trên thế gian này cũng không thể nào tạo nổi. Không có cái gì trên đời này thay thế được các cháu. ồ, bà có thể hát đi hát lại mãi bài hát này, tất nhiên nếu nó được phổ nhạc mà không bao giờ chán. Những chiếc váy trắng, những tấm áo khoác với những điệu vũ kỳ lạ của các cháu góp phần làm cho mùa Đông đỡ lạnh lẽo hơn, rực rỡ hơn, đất mẹ dễ sinh sôi hơn. Các chháu có quyền tự hào về điều đó. Chúng ta không đơn độc trên thế gian này. Mỗi người góp một chút nhỏ phần của mình trong đó... Nào, tươi cười lên cô bé nhỏ đáng yêu của bà. Hãy bay đi, múa đi, cho tất cả không gian này trắng xóa với những điệu vũ kỳ diệu. Hoa quả mùa sau sẽ nhớ ơn các cháu...
Sau cuộc nói chuyện đó hay đúng hơn sau chuyến du lịch ngắn ngủi đầy rẫy những điều bất ngờ đó, chúng tôi trở về với bà mẹ Mùa Đông, vẫn những bài hát quen thuộc, vẫn những điệp khúc quyến rũ láy đi láy lại đó, nhưng nếu các bạn chú ý, sẽ không còn nghe thấy giọng điệu kênh kiệu như trước nữa.