Số lần đọc/download: 761 / 3
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
T
rời tháng chín tối nhanh, ánh sáng từ ngọn đèn đường Huyền Trân Công Chúa chiếu mập mờ bóng cây điệp tây già trước nhà. Chị Ba ngồi nghiêng người, nóng nẫy, chống chân giữ thăng bằng chiếc xe đạp màu bạc. Tay vịn ghi đong xe đạp, cố giữ lại, tôi nài nỉ:
- Chị chở tui lại đài phát thanh ở vườn bông lớn nghen, chờ nghe tui hát, chờ tui về chung.
- Tao vô coi mày hát được không?
- Không được, người ta không cho.
- Tao không dám đứng chờ một mình đâu.
- Tui hát xong là tui xuống liền.
- Bộ mày lên tuốt trên Lầu Nước hả?
- Ờ, đài phát thanh phải ở trên cao thiệt cao phát ra nghe mới rõ chớ. Người hát, người nói tin tức đều phải lên tuốt lên lầu nước, đi mấy chục cầu thang. Chị nhớ hông, tối tối người ta thường phát thanh, người ta hát hay lắm, người ta năn nỉ tui, tui mới chịu hát. Chị nhớ ngồi chờ tui xuống nghen, chờ chở tui về.
- Ờ, mà vườn bông tối hù, tao sợ, nghe nói mấy cây vông có ma thòng lòng.
- Không sao đâu, có nhiều người ngồi chơi ở đó.
- Mà mày hát bài gì?
- Tạ Từ Trong Đêm. Chị đứng chờ tui nghen.
- Ờ! Phải Phương Dung hát vô dĩa bài này không? Má tao mà biết tao vô vườn bông ban đêm là tao bị la.
Sợ chị Ba đổi ý bất tử, tôi chạy lẹ ra sau nhà, thay cái áo phin màu xanh lợt mới ủi lán cón, treo trên móc. Tôi ngồi sau xe đạp, giữ cho ống quần đen cao lên khỏi mắc cá, sợ bùn văng dơ. Mấy ngón chân kèm chặt đôi dép nhật trắng tinh, chỉ sợ quên, rớt mất dép vì tôi bắt chước người lớn, ngồi một bên, nghiêng người nhìn phía trước. Thế ngồi này làm chị Ba suýt té xe mấy lần vì tôi ngồi không quen, cứ lắc qua lắc lại. Đạp dọc suốt con đường Huyền Trân Công Chúa, ngang tòa tỉnh tối um, ngang sân tenis vắng vẻ, gần tới ngã tư Kho Bạc, quẹo trái, vô vườn Bông Lớn, chị Ba cứ hỏi hoài chuyện tôi được hát ở đài phát thanh Phan Thiết. Tôi biết nhiêu đó, kể tới kể lui, coi bộ không tin mấy. May quá, đèn vườn lục bát còn sáng, chị Ba đỡ sợ, chị này nhát lắm. Tôi dẫn chị Ba lại cái băng đá gần tháp Lầu Nước. Chị Ba ngồi xuống, tay vẫn giữ bi đong xe, mắt nhìn quanh, đo lường nguy hiểm, đo lường lòng gan dạ của mình, tìm bóng mấy cây vông cao ngất ngưỡng rãi rác trong vườn bông rộng lớn, chỗ tối chỗ sáng. Tôi chạy vòng ra phía sau tháp Lầu Nước, phải nói là trước cửa vô tháp Lầu Nước có cây vông già để chị Ba không đòi theo, đòi ngồi chờ ở đó. Bể chết!
Anh Phong này kỳ cục lắm, cứ cà rà nắm tay, rờ vai, rờ đùi. Ngồi trên băng ghế đá mà cứ ép ép lại, làm tôi xé ré gần lọt xuống. Hơi thuốc lá phà vô mặt, tôi vừa thích vừa ngợp. Ánh mắt anh chiêm ngưỡng, từ mặt, xuống ngực, xuống cặp đùi khép chặt, tôi biết tôi đẹp. Không đẹp làm sao chỉ mới đi ngang nhà tôi hồi sáng, thấy tôi quét sân, tôi ngẩng mặt lên nhìn, anh quẹo liền vô con hẻm dọc nhà tôi, đứng ở vườn nhà bà Năm bán bún, sát rào, chờ tôi ra giếng múc nước, sấn lại làm quen. Té ra là cháu gọi bà Năm bằng cô, nhà ở gần chợ Bình Hưng, đi lính xa, mới về phép.
Bây giờ hẹn tôi ra đây. Anh biểu tôi có nét đẹp quyến rũ, anh thích tôi, thích gặp tôi mỗi ngày ở đây, những ngày anh về phép. Tôi biết tôi đẹp, chỉ cần đi ngang quán nước trước trường Chánh Tâm, cái quán nước bên kia đường trường Phan Bội Châu trên đường ra nhà may xây gạo lớn gần cầu Sở Muối, mấy quán nước ở gần ga xe lữa, những ánh mắt chiêm ngưỡng, những ngoái cổ nhìn theo của mấy anh học sinh trẻ măng, của những ông lính... là tôi tin mình đẹp. Nói chuyện với anh Phong cũng vui vui, được anh khen đẹp hoài mà không chán. Từ từ, anh choàng ôm vai, tôi cũng không muốn hất tay ra như lúc đầu, thích thích. Anh co một chân gát lên đùi tôi, cúi hun má tôi. Dị quá, tôi đẩy anh ra. Cứ vậy, dằng tới dằng lui, ôm vai, xoa đùi, ré ra, kéo lại gần, nửa thích nửa sợ. Cho tới tối khuya, tôi sợ má tôi la, nhưng tôi quên mất chị Ba đang ngồi vịn ghi đong chiếc xe đạp chờ tôi ở phía bên kia tháp Lầu Nước. Tôi đòi về. Anh hẹn tối mai bảy giờ tôi ra đây gặp anh nữa, anh sẽ mua cho tôi đôi guốc sơn trắng, có quai trắng đục giống của chị Hai, đúng như tôi tả.
Đi vòng lại băng ghế đá, thấy không có chị Ba, tôi biết chị sợ, không dám ngồi một mình nên về từ lâu. Cũng không sao. Chị này khờ lắm, bị tôi lừa hoài. Ngày mai lại quên mất, lại nghe lời ngon ngọt của tôi nữa cho coi. Chỉ cần tôi viện lý do này lý do kia là chị tin ngay. Tiếng là chị chứ nhỏ thua tôi hai tuổi, tại má của chị này là chị bạn dì với má tôi. Bà ngoại của mấy chị này là chị của bà ngoại tôi. Vườn nhà ngoại tôi sát vườn nhà ngoại chị nên tôi canh chừng cứ có mấy chị lên thăm ngoại Hai là tôi la cà theo chơi. Kể ra tụi tôi thân nhau từ nhỏ. Bây giờ má tôi dọn xuống gần chợ Bình Hưng, mấy chị này lâu lâu đi ngang cũng ghé vô chơi với chị em tôi.
Cả mấy chị em nhà bà chị này của tôi sướng lắm, ai cũng có xe đạp riêng để đi học, đi chơi. Tôi không bao giờ dám ao ước, ao ước với ai đây. Má tôi buôn bán đồng ra đồng vô chỉ đủ bữa cơm, không có tiền cho tôi đi học trường Bồ Đề, tôi phải nghỉ học từ mấy năm nay. Nhiều bữa không có tiền đi chợ, tôi phải nói ngon nói ngọt mấy bà chị này lén dì Hai, lấy cho tôi vài lon gạo, chai nước mắm, trái bí rợ... Trong bốn chị em nhà này, tôi chỉ dụ được chị Ba, chị Tư (Chị này nhỏ thua tôi năm tuổi mà tôi cũng phải kêu chị, quen miệng rồi), tụi nó dễ tin. Còn chị Hai của tụi nó thì tôi ít dám qua mặt. Chị này cùng tuổi với tôi, khôn dàn trời, tôi chưa kịp trổ tài nói xạo là chị bắt bẻ ngay, và không thèm nói chuyện với tôi. Còn anh Năm thì tôi ít khi gặp, không biết lấy chuyện gì mà dụ nó.
Má tôi làm giấy khai sanh cho tôi là Lê Thị Nụ. Cái tên không thích hợp chút nào với cái nhan sắc sắc sảo càng lớn tôi càng tự nhận ra, với cái vóc dáng cao ráo trắng trẻo hơi lai Tây của tôi. Tôi lại biết chải chuốt, sạch sẽ từ mái tóc hơi nâu nâu dợn dợn đến đôi dép Nhật bao giờ được chà bàn chải kỹ lưỡng nên ra đường ít ai biết cái nghèo khó của gia đình tôi. Má tôi đẹp có tiếng ở Đại Nẫm nhưng đường tình duyên rất lận đận, và cái số lận đận này kéo luôn cái nghèo khó phải một mình nuôi năm đứa con của ba đời chồng. Phía bên nội không nhận tôi vì má và ba tôi có họ hàng xa. Hai người lén lút thương nhau. Khi má tôi sanh tôi, ba tôi giận cha mẹ, bỏ người yêu không dám cưới, bỏ đứa con gái mới hai tháng, bỏ quê, qua Lào làm ăn. Nghe nói chết bên đó. Ba kế thì có cưới hỏi đàng hoàng nhưng má tôi không chịu nổi nhà chồng. Khi ba kế đi tập kết được nửa năm, má dắt tôi lúc đó mới năm tuổi, ẵm em tôi mới một tuổi, về lại Phan Thiết sống nhờ ông bà ngoại.
Gởi con cho ông bà ngoại, má tôi ra vô Sài Gòn đi buôn, gặp ông Bảy Cò soát vé xe lữa đã có vợ mà đèo bồng. Ông mướn nhà cho má con tôi ở Phan Thiết, ông ra vô tàu lữa, có thêm với má tôi ba mặt con nữa mà bà vợ lớn cũng không hay biết gì. Đúng ra, những ngày ông từ Sài Gòn ra, nhà tôi sống huy hoàng. Ông rộng rãi, má tôi biết nấu ăn, biết chìu chồng, cơm bữa nào cũng năm ba món. Món đồ chơi này, món ăn kia. Được vài ngày, ông về lại Sài Gòn, chị em tôi trở lại những bữa cơm cá kho với rau luột, canh cá liệt nấu cà... Má tôi không giỏi buôn bán lại thêm tính thích tiêu xài nên nhà cửa thiếu hụt hoài. Họ hàng giúp riết rồi ai cũng ngán. Họ hàng không muốn giúp má tôi cũng vì cái tính tiêu hoang của má. Lúc có tiền thì ăn xài không tiếc tay, không chịu trả nợ, không biết để dành để để, phòng lúc túng thiếu.
Không hiểu sao tôi lại thích theo chơi với mấy chị em nhà này và tụi nó cũng không xa lánh chị em tôi. Gia đình tụi nó khác xa gia đình tôi. Dượng Hai nghiêm nghị, dì Hai có sạp gạo bên chợ Lớn, tụi nó học trường Phan Bội Châu. Tụi nó đi thưa về trình, tụi nó đọc sách, coi báo, có bạn có bè cùng trường cùng lớp, bạn bè hàng xóm. Gia đình tôi không cha, không ai kềm kẹp, đi không cần thưa, về không cần trình, đứa nào muốn học thì học, không ai nhắc biểu...Tui không có ai kết bạn hết. Không đi học, ở nhà lo cơm nước, chăm lo đám em cho má buôn bán, đâu có ai cùng trang cùng lứa, rãnh rang mà kết bạn với tôi. Và cũng vì không có bạn nên tôi phải nói láo chuyện này, nói xạo chuyện kia để người ta thích tôi. Thét rồi tôi quen nói láo, quen lừa tới lừa lui, thét rồi không ai ưa tôi.
Nhưng hai chị em con Ba và con Tư thì không ghét tôi. Tôi có chừa gì tụi nó đâu, nhưng tụi nó mau quên, dễ tin, bị tôi xạo hoài mà cũng cứ tin. Tôi không xạo gì cho ghê gớm lắm đâu. Kiếm chuyện cho tụi nó chở đi chỗ này chỗ kia, đi rong coi hàng phố với tui. Kiếm cớ cho tụi nó cho mượn cái nón lá quai nhung đen, cho mượn xe đạp chạy chơi vòng vòng, cho mượn tiền ăn hàng... Kiếm lý do để rủ tụi nó lại nhà tui chơi. Kiếm chuyện khoe cho tụi nó nể... Bị tôi lừa hoài mà cứ tin tôi hoài. Bởi vậy tôi cũng thương mấy chị em nó, không muốn lừa những chuyện động trời mà tôi thỉnh thoảng làm cho người lớn lại nhà mắng vốn với má tôi. Tôi thích mấy chị em nó từ nhỏ. Mỗi lần có trái mãng cầu nở gai, có trái ổi ửng vàng là tôi để dành, chờ chị em nó về ngoại Hai, tôi cho. Lâu quá tụi nó không về ngoại Hai thì tôi đem rổ khế ngọt, rổ bắp đầu mùa, vài khúc mía.... xuống cho, đặng có cớ ở chơi lâu luôn.
- Bồ tui là đại úy không quân.
- Tên gì?
- Tuấn, Nguyễn Đại Tuấn.
- Sao mày biết ổng là không quân. Nghe nói không quân oai lắm nghen.
- Anh Tuấn mặc áo liền quần, màu xám, đại úy đó.
- Sao mày biết ổng là đại úy?
- Chị không biết hả? Anh Tuấn đeo ba bông mai ở vai áo. Một bông mai là thiếu úy, hai bông mai là trung úy, ba bông mai là đại úy, bốn bông mai là thiếu tá, năm bông mai là... cứ vậy mà tính.
- Trung úy với đại úy, ai lớn chức hơn?
- Đại úy chớ, càng nhiều bông mai, càng lớn chức.
- Vậy là bồ bà Hạnh chức thua bồ mày. Ông bồ bà Hạnh chỉ đeo có hai bông mai hà. Bả bày đặt làm tàng, hống hách, khoe khoang. Mỗi lần ông bồ của bả về là chở bả đi làm, lấy xe jeep chở đám em của bả đi chơi. Chị em nhà bả ỷ đẹp, nhiều người o bế, coi ai không ra gì. Hừm... đẹp mà học dốt, không ai vô được Phan Bội Châu hết. Sao tao không thấy mày ngồi xe jeep?
- Kỳ tới về phép, anh Tuấn đem xe jeep về, tui rủ chị đi chơi nghen.
- Ờ, mà đừng cho ba má tao thấy.
- Để tui biểu anh Tuấn đem xe jeep lại đón chị ở trường được không.
- Không được, bạn tao thấy, tụi nó tưởng tao có bồ lính, ghê lắm! Chỉ có mấy chị lớp đệ nhị đệ nhất mới dám có bồ lính. Mà mấy chị có bồ lính toàn là mấy chị ăn diện dàn trời, thi hoài không đậu.
- Hay là chị lại nhà tui.
- Ờ, được đó.
- Bây giờ chị với tui qua nhà thờ Lớn chờ anh Tuấn về Phan Thiết. Kỳ này ảnh đem xe jeep về luôn
- Sao lại phải chờ ở tuốt bên nhà thờ Lạc Đạo?
- Chị không biết gì hết. Máy bay hạ xuống ở phi trường ngoài Căng. Anh Tuấn lái xe jeep từ Căng xuống Phan Thiết. Anh Tuấn chở mình đi lên Phú Long ăn bánh hỏi lòng heo.
- Biểu anh Tuấn ghé vô chùa Vạn Thiện chơi nữa nghen.
- Ờ!
- Mà không được, tao chở mày qua nhà thờ thì được, chừng anh Tuấn tới, chở mình đi chơi, cái xe đạp để đâu?
- Chị đem vô nhà bạn chị gởi.
- Cũng được, nhà nhỏ Mai bạn tao ở gần đó.
Chị Tư nóng nẩy ngồi xuống đứng lên. Tôi ung dung vừa nhâm nhi trái bắp nướng thoa hành mỡ vừa ngồi trên băng ghế đá màu xanh lá cây đậm ở vườn Bông Nhỏ bên kia cầu, bên kia đường là tiệm sách Vui Vui, tiệm vàng Thành Kim, bên kia là ngân hàng Việt Nam Thương Tín... Chị Tư sợ dượng Hai đi ngang qua, thấy chị lãng vãng ở vườn bông là bị đòn. Chị còn sợ bạn bè thấy chị chơi ở vườn bông buổi tối nữa. Ngồi chơi ở vườn bông thì có gì mà xấu hổ, có gì mà cấm đoán, tôi không hiểu được. Chị cằn nhằn:
- Mày nói tám giờ ông ca sĩ K.D tới mà.
- Chắc ổng mắc hát cho đài phát thanh. Hồi nẩy chị nghe người ta phát tiếng hát của ổng đó, ở Lầu Nước đó.
- Ổng đẹp không mày?
- Đẹp hơn trong báo.
- Không biết ổng có nhớ đem theo dĩa nhạc cho tao không đây.
- Tui dặn ổng kỹ lắm. Ổng hứa đem hết mấy dĩa nhạc của ổng cho mình mặc sức mà lựa, muốn lấy bao nhiêu thì lấy.
- Tao với mày lấy hết nghen, mình chia hai.
- Tui cho chị hết đó. Tui đâu có máy hát dĩa. Ổng hứa mai mốt tui vô Sài Gòn, ổng sẽ lăng xê cho tui làm ca sĩ, tui đâu cần dĩa nhạc nữa.
- Thiệt nghen! Chừng nào mày đi Sài Gòn?
- Ổng hứa là ổng sẽ gởi tui ở nhà người bà con cho tui quen Sài Gòn.
- Chừng nào mày đi Sài Gòn?
- Chừng nào ổng cho tui vé xe đò và tiền xài thì tui mới đi được. Mà chuyện này chị phải dấu, không được kể cho ai nghe. Không được nói với dượng Hai dì Hai, không được nói với má tui. Chừng nào tui nổi tiếng, tui gởi thư về.
- Khuya quá rồi, tao không chờ nữa đâu. Tao về.
- Chị chở tui về.
- Không được, xa lắm, tao không dám đạp xe đường Huyền Trân Công Chúa một mình, ngang qua chợ Bình Hưng, Toà Tỉnh, khu gia binh, tối um, ghê lắm.
- Thôi chị chở tui đến ngã năm ga xe lữa được không?
- Sau mày đi ngõ đó?
- Tui ghé vô nhà dì Chín coi có má tui chơi ở đó không.
- Xuống dốc cầu mày phải xuống xe, tao không dám chở nặng xuống dốc cầu.
- Ờ, chị chờ tui ở ngã tư Kho Bạc nghen.
- Lẹ đi.
Bây giờ tôi tên Lê Thị Ngọc Thúy, từ giấy khai sanh cho tới thẻ căn cước. Ngay tên của các em tôi Lê Thị Hồ, Lê Văn Ty, Lê Văn Tới... cũng được thay thế bằng Lê Thị Ngọc Hằng, Lê Tấn Tài, Lê Tấn Hoàng... Ai cũng kêu tôi là Ngọc Thúy. Ngoại trừ chị em con bạn dì này của tôi, cứ cái tên Hai Nụ mà kêu, không chịu sửa đổi cho tôi nhờ. Thiệt ra thì cái tên Hai Nụ mấy chị này dùng làm tôi ấm lòng, gợi lại tình chị em họ hàng, cái tình tôi luôn cảm thấy thiếu thốn từ hồi tôi nghe theo lời dụ ngon dổ ngọt của ông ca sĩ K.D. lưu lạc chân ướt chân ráo vô Sài Gòn. Cho đến khi quen nước quen cái, mướn được một căn nhà cho má tôi nuôi thằng Hưng hai tuổi và các em ở Xóm Chùa Tân Định, tôi yên tâm sống riêng. Vài ba ngày về thăm con, thăm các em, cho má tiều xài, tiền chợ. Vậy cũng xong. Cái sắc đẹp sắc sảo ở tuổi hai mươi, gái một con, biết ăn diện sang trọng, ong vờn bướm lượn đếm không hết, tôi không còn cần bàn tay nhám hướng dẫn của ông ca sĩ K. D. từ khi thằng con trai được bốn tháng.
Từ hồi mấy chị theo dượng Hai dì Hai vô Sài Gòn, tui có bạn đi chơi, đi phố, và tiếp tục kiếm cớ này, lừa cớ kia để mấy chị đi ăn với tôi, đi dạo Eden, dạo Tax, dạo Lê Lợi… Bốn năm ở Sài Gòn, y hệt như hồi ở Phan Thiết, tôi cũng không có một người bạn gái, không ai thích kết bạn với tôi. Tôi biết cũng bởi cái tật nói lừa nói đảo, một hai lần rồi ai cũng xa lánh. Nhưng tôi không bỏ đuợc. In như mở miệng ra là cái đầu tôi đảo ngược với cái tâm tôi, bánh xe tưởng tượng trong đầu lăn nhanh như được thoa dầu mỡ tốt. Tôi có bao ăn, tôi có cho đồ, tôi có thổi cách mấy thì người ta cũng qua lại với tôi cao lắm đến lần thứ ba, là xa lánh. Chỉ có hai bà chị này, chị Ba và chị Tư là còn qua lại, còn tiếp tục để tôi dụ đi ăn, dụ đi chơi.
Tôi thích rủ mấy chị đi ăn ở Thanh Thế, Givral, Eden… vừa để khoe đường sống sang trọng của tôi, vừa muốn mấy chị vui vì tôi biết mấy chị không bao giờ có tiền đi ăn những chỗ này. Tôi biết mấy chị này thích son thích phấn, thích dầu thơm, quần áo lượt là đúng mốt của tôi, các chị làm gì có tiền mua sắm như tôi. Tôi muốn cho lắm. Tôi thử cho vài lần nhưng không ai chịu lấy, nhất định không chịu lấy món gì của tôi. Chắc sợ dì Hai dượng Hai rày. Mỗi lần muốn rủ chị nào đi ăn thì tôi lại trường chờ vì dì dượng không thích tôi lại nhà lắm và mấy chị không rãnh rang lại thăm tôi thường. Tôi cũng không muốn mấy chị thấy khi thì ông trung tá, khi thì ông nghị sĩ, khi thì tay Tàu phiện… hiện diện trong nhà tôi. Từ đó giờ, mấy chị tin là tôi làm ở vũ trường Nhất Dạ Đế Vương, phải làm ban đêm nên tôi cần ngủ ngày.
- Mày có làm khai sanh cho con mày không?
- Có.
- Ai đứng tên làm cha?
- Thì anh Tuấn. Chị nhớ ông đại úy không quân Nguyễn Đại Tuấn tui quen từ ở Phan Thiết đó, ảnh theo tui vô luôn Sài Gòn.
- Sao mày nói ổng chết rồi?
- Anh Tuấn chết hồi tui mang thai thằng Hưng được năm tháng.
- Vậy thằng Hưng mang họ gì?
- Ông bà nội muốn đặt tên nó là Nguyễn Đại Hưng, xin đem nó về Phú Yên nhưng tui không cho.
- Ủa, làm đám cưới hồi nào?
- Không kịp làm đám cưới. Ảnh đổi ra vùng Một, nghe tin tui mang thai nhưng về không được. Chừng ảnh chết ngoài đó, ảnh có nhắn với ba má ảnh vô Sài Gòn tìm tui.
- Mày ráng giữ liên lạc với ông bà nội thằng Hưng cho nó có dòng có họ.
- Chị đi Tạ Thu Thâu với tui không? Tui tìm vải lụa may vài cái áo dài. Mấy tiệm vải Ấn Độ có lụa mới ra đẹp lắm.
- Không được, tao hẹn chút nữa đi bơi với nhỏ Phước.
- Mai đi với nó cũng được. Tui cho chị một xấp tơ may áo dài.
- Tao không dám lấy đâu. Má biết, má la.
- Hay là mình đi ăn bánh bèo Huế ở Lê Thánh Tôn rồi ghé qua Tạ Thu Thâu luôn.
- Tao không đi chợ được, tao có hẹn với nhỏ Phước. Mới ăn còn no, ăn sao nổi nữa.
- Bánh bèo Huế ở đây đúng kiểu lắm, ăn một chồng dĩa cũng chưa no. Ăn xong rồi chị đi, tui băng qua chợ.
- Cũng được.
Cứ vậy, mỗi lần được đi chơi với chị Ba hay chị Tư là tôi níu kéo cho lâu. So với mấy chị, tôi ăn mặc sang trọng, rất Tây, tôi đẹp sắc sảo, tiền xài thả cửa, tôi lịch lãm, sành ăn sành uống nhưng tôi vẫn cảm thấy hãnh diện khi đi chung với chị Ba hay chị Tư, sinh viên áo trắng tóc thẳng mượt, không biết ăn diện, không biết son phấn, mỗi tuần chỉ được dì Hai phát vài chục đồng ăn hàng. Với những người đàn ông tôi quen, lúc nào tôi cũng khoe tôi có người chị này học ở Văn Khoa, người chị kia học ở Luật, cho coi hình… như để nhắc nhở với họ là tôi thuộc dòng họ văn bảng, tôi có những người bạn gái đàng hoàng.
- Chị thấy càng lớn thằng Hưng càng giống ông ca sĩ K.D. không?
- Giống chỗ nào?
- Cái mặt con trai mà trắng bạch, cái miệng rộng, cái trái rộng. Hồi mới sanh nó, ổng cũng công nhận là giống. Vậy mà vài tháng sau ổng trốn mất tiêu.
- Ủa! Sao hồi đó mày nói ba thằng Hưng là ông bồ đại úy không quân, cái ông mày kể mày quen hồi ở Phan Thiết?
- Tui với chị ra Tự Do ăn kem Ý không? Hay đi Givral ăn bánh kem xu xu?
Hồi chiều định lại Văn Khoa tìm chị Ba rủ chị đi ăn hàng, thấy chị ngồi ở quán cà phê trước trường Dược, đối diện trường Văn Khoa, với Thành, bồ của chị. Chị Tư thóc mách. Hai người bồ nhau hơn nửa năm nay, bây giờ tôi mới gặp Thành, coi bộ lính bụi, lính rừng, đen thui. Nhìn hai người cưòi đùa với nhau như con nít, nhìn mắt Thành âu yếm khi với tay vén cọng tóc vương trên mặt người yêu, nhìn chị Ba nhõng nhẽo làm điệu làm hạnh, không dưng tôi buồn, buồn nức lòng. Trên đường, lái chiếc xe Yamaha về nhà mà nước mắt ròng ròng, không muốn lau. Tủi thân! Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi, chưa một lần biết nũng nịu nhõng nhẽo, chưa ai âu yếm với tôi, chưa ai nhìn tôi đầy thương yêu…
Lần đầu tiên tôi nhìn tận mắt một căp tình nhân thật sự yêu nhau. Tôi đẹp từ mái tóc nâu dợn đến bàn chân trắng thon, nhưng những người đàn ông đến với tôi, nhìn tôi, chỉ thấy từ bụng trở xuống. Cũng anh anh em em ngọt sớt nhưng không ai cẩn thận xoa nhè nhẹ cánh tay trần mịn màng, không ai vuốt tóc mượt, không ai mơn man chớp mũi trên mái tóc thơm, không ai muốn ngồi hàng quán thường với tôi, không ai muốn thong dong dạo phố với tôi. Tủi lắm! Tôi thiếu thốn nhiều thứ, một gia đình đủ cha đủ mẹ, tình chị em, tình bạn bè cùng lứa, người tình thương yêu thật lòng… Từ lâu, tôi không biết tìm kiếm ở đâu, tôi không biết làm sao tự tạo ra, tôi không biết rõ ràng tôi mơ ước điều gì. Bây giờ, nhìn cặp tình nhân này tôi mới hiểu thấm thía nổi bất hạnh của tôi… Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều mà trời cho không được mấy, đến khi lấy chồng, chỉ còn mối tình mang theo… Tôi không có ước mơ con gái, tôi không dám ước mơ lấy chồng… những ước mơ không bao giờ thành hình toàn vẹn trong trí tưởng tượng.
Tôi giống má tôi ở cái tánh tiêu pha, có bao nhiêu tiền tôi mua sắm quần áo sang trọng, ăn xài không tiếc, tôi cho người này, tôi mua chuộc tình bạn người kia. Đến khi Sài Gòn mất, tôi mất luôn những ông đại tá trung tá, những ông chính khánh nghị sĩ, những thương gia bạc cọc… May nhờ hồi trước dì Năm khuyên nhủ tôi mua một căn nhà ở Phú Lâm cho má nuôi con tôi và đám em năm đứa. Trả nhà, tôi dọn về Phú Lâm ở với má tôi. Gia tài bây giờ là một tủ đầy nhóc quần áo, son phấn, dầu thơm, salong, giường… và vài ba cây vàng. Tôi đưa vàng cho má tôi để sang một sạp tạp hóa buôn bán sống qua ngày chờ thời. Thời lâu đến quá! Tôi bắt đầu bán dần bán hồi quần áo, son phấn… Tôi vẫn tiếp tục ăn diện nhưng cẩn thận hơn vì ánh mắt không thiện cảm của đám thanh niên đeo băng đỏ, của mấy bà ở hợp tác xã, ở phường ở xã.
Nhưng rồi chính quyền nào cũng một lứa như nhau, cũng có bóng dáng những người đàn ông ngoài miệng ăn to nói lớn, chữ nghĩa cao xa, đi đứng nghiêm nghị và… đủ "thông minh" để kiếm ra tôi, nhìn ra tôi. Cái khổ sở hiện tại của tôi là phong cách học đòi ăn chơi của mấy ông từ rừng, từ Hà Nội Hải Phòng hoang sơ, đâm xe tăng T 54 thẳng vô Sài Gòn mà không dò đường đi nước bước, không biết cởi bỏ bớt cái túi vải, không biết bỏ áo vô quần, không biết mang đôi giầy da… Các ông hấp tấp vội vã "tiếp thu", tiếp thu đủ mọi mặt, nhà cửa, đất đai, và dĩ nhiên đàn bà. Tệ nhất là cái hống hách của kẻ thắng trận. Các ông chê tôi là hiện thân của nếp sống ngụy, chê trong ánh mắt tò mò thèm thuồng là đồ đạc trong phòng tôi mang đầy màu sắc đế quốc.
Mấy ông lớn hồi xưa lịch lãm, cư xử trí thức hòa nhã với đàn bà và nhất là sòng phẳng. Tôi không cần nêu ra điều kiện qua lại, ai cũng rành luật chơi. Ngày xưa, sở dĩ tôi có giá là vì các ông hiểu sự bảo đảm "tính mệnh" khi bao tôi sống. Có một người tình hờ để thay đổi, để lấp vá chỗ trống mà người vợ từ chối hoặc vô tình lơ là, các ông không cần tìm kiếm, không cần phân vân. Tôi "chung thủy", một người là một người, cho đến khi người này vì phải đổi đi xa, vì những lý do riêng tư, bàn giao cho một người bạn khác, nhung lụa cứ thế mà thay nhau bảo bộc đời tôi. Bây giờ, tôi luôn luôn mang cảm giác đề phòng, không biết mấy ông trở mặt lúc nào, không biết mấy ông có rành luật chơi này không.
Cái khổ sở thứ hai là cách đánh của mấy ông tai to mặt lớn ngày nay. Tôi phải dùng chữ hấp tấp, tham lam và dĩ nhiên khi hấp tấp tham lam thì thiếu nghệ thuật, không biết tôi diễn tả như vậy đủ chưa. Hấp tấp chắc tại quen cách hồi ở trong rừng, hai đứa ở hai đầu... Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây... Tôi phải ra công rèn luyện, tôi phải nhắm mắt chấp nhận. Và nhất là bản tính nghi ngờ cố hữu, bản chất trở mặt của con người cách mạng. Tôi luôn luôn ở trong thế thủ. Ở thời nào thì đàn ông cũng đến với tôi như một con thú. Nhưng cái khác nhau là một con thú nhà được nuôi dưỡng trong nếp sống chừng mực, biết chờ, biết hưởng thụ và là một con thú rừng nuốt không kịp nhai, hưởng thụ trong tâm trạng gầm gừ, lo sợ bị khám phá, bị tranh dành.
Hơn bốn năm nay, các chị không qua lại với tôi. Các chị thay đổi nhiều lắm. Kém vô tư, rất dè dặt, cay đắng, không còn quan tâm đến chuyện học hành. Người bỏ dở nửa chừng, người ra trường không màng đi làm… Theo mọi người thời này, các chị cũng biết lăn vào chuyện buôn bán, cũng biết dùng cái mỹ miều lịch lãm của con gái Sài Gòn xoay trở tung khói mù qua mặt tụi công an, tụi cán bộ học đòi văn minh Sài Gòn. Tôi thắc mắc tại sao các chị có học, hiền lành, gia đình đàng hoàng, sao không ai lập gia đình ở cái tuổi không còn bao lâu nữa đến cái "băm" muộn màng. Các chị mỉa mai: "Lấy ai? Lấy sinh viên thất thời không lo nổi cho thân mình, sinh viên theo thời nịnh hót trở mặt để được vào cảm tình Đoàn, đối tượng Đảng? Lấy sĩ quan "ngụy" học tập trở về thất thơ thất thiểu, thiếu tự tin, hoặc vá xe đạp bên lề đường hoặc không dám nghĩ đến gì hơn là tìm đường thoát thân, hoặc rút mình thật nhỏ như con sâu dưới lớp lá trong rừng, lo sợ từng bước giày thợ săn nghiền nát không thương sót? Lấy cán bộ hống hách từ Bắc, từ rừng, túi tham ô tham nhũng dầy theo tuổi Đảng? Tụi này thà đói rách chứ không ham, không bao giờ! Tụi này sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh gái thừa trai thiếu, làm thiếu nữ trong cuộc đổi đời đã giết lần mòn chí khí trượng phu, cả những người thua trận và những người thắng trận.
Khi tôi nghe ai đó trong bà con truyền miệng nhau là mấy chị em con dì Hai trở ra Phan Thiết tìm đường vượt biên, tôi tìm cách liên lạc với các chị. Tôi "quen biết" nhiều mối mai có thể giúp các chị tìm đường thoát và kéo luôn tôi, con tôi. Tôi thiếu học, tôi là số không trong bất cứ xã hội nào, thời đại nào, tôi đã từ từ nhìn thấy tương lai của tôi, tôi không muốn con trai tôi xấu hổ vì tôi, tôi ao ước con trai tôi thành tài thành nhân. Cách duy nhất là trốn khỏi Việt Nam. Ở đó không ai biết đến tôi, tôi có thể bắt đầu từ trang giấy trắng.
Quả tình tôi không có ý lừa gạt, nhưng các chị làm lơ, làm lơ một cách tàn nhẫn những đề nghị của tôi, những mối mai tôi đưa đến. Tôi có thể bao bãi ở Vũng Tàu để các chị đưa người từ Sài Gòn ra chờ ghe từ Phan Thiết vào đón. Tôi có thể cung cấp hải bàn, thuốc men, chi phí từ lúc chuyến đi chưa thành hình, chấp nhận thua không điều kiện... Các chị lạnh lùng cứng rắn biểu tôi tự kiếm đường thoát. Các chị tàn nhẫn không cho tôi một cơ hội chứng tỏ lòng thành thực. Từ nhỏ đến bây giờ, có bao giờ tôi cố tâm hại các chị lần nào chưa? Những dối gian nho nhỏ vô thưởng vô phạt, những câu chuyện dựng đứng nếu có chỉ vì tôi muốn các chị nể tôi chút xíu, chỉ vì tôi muốn bao các chị đi ăn đi chơi cho tôi có bạn, cho tôi tự an ủi cái phận thua sút bạn gái cùng thời. Tính cho ra lẽ, tôi chưa hề hại ai gia tàn thân bại. Tôi chưa bao giờ đòi ông này bỏ vợ theo tôi, ông kia bỏ bê con cái.
Nghe tin các chị đã thoát, tôi hụt hẫng như mất một dây nối tôi từ vực thẳm lên với bờ cỏ trên kia, sợi dây nối tôi với một đời sống bình thường của con người bình thường. Từ đó, tôi dùng mọi thủ đoạn, mưa mô, ráo riết tự tìm đường thoát thân cho tôi và con trai tôi.
Ở trại tị nạn, con đường đi định cư nhanh nhất là có người bảo lãnh. Tôi không bỏ lỡ cơ hội. Khi là nữ sinh viên trường Luật ngày xưa, khi là nữ sinh viên trường Văn Khoa hồi trước, cha là công chức ở nha Y Tế nằm trên đường Trần Hưng Đạo góc Nguyễn Biểu, chồng là đại úy không quân tử nạn ở Đà Nẳng ngay những ngày cuối tháng tư... tôi bắt liên lạc qua mục tìm bạn trên báo, được vài anh đã du học lâu năm lưu ý. Cộng thêm lúc trước thường đến trường Luật ở Duy Tân, trường Văn Khoa ở Cường Để để rủ rê các chị đi chơi, tôi khá rành những hàng quán quanh trường, tôi biết chút đỉnh giờ giấc học bất thường tài tử của sinh viên, tôi biết tên vài thầy giáo, biết thế nào là giảng đường... cộng tài thêm hoa thêm lá, những người đàn ông xa nhà thương nhớ quê hương cho là mình may mắn được quen với người thiếu nữ Sài Gòn đẹp sang, gia đình gia giáo, với chút học vấn trang điểm cho lý lịch. Sau thời gian trao đổi thư từ và dĩ nhiên là vô số hình của tôi vì đó ưu điểm tôi đang dùng. Đàn ông nào mà không bị sắc đẹp làm mù mờ trí phán đoán? Chỉ nửa năm sau là hai mẹ con tôi được bảo lãnh qua Canada trong diện đoàn tụ gia đình với một ông kỹ sư theo ông ấy kể là học ngày học đêm bảy năm trời mới xong, đang đi làm.
Có chồng là điều từ trước giờ tôi chưa hề dám ao ước. Dầu cho đó là người chồng do sự lừa dối đưa đến, dầu người chồng không phải là cha của con tôi, nhưng tôi cố gắng thu mình thật nhỏ, cố gắng tập làm người đàn bà nội trợ. Và dầu cho là con cá sấu lờ đờ sống trong vùng nước trong veo, tôi không muốn gì hơn. Từ từ, gia đình chồng ở Việt Nam không tìm ra sui gia ở Sài Gòn để được giao tế đúng phép. Mớ kiến thức mới học tới lớp đệ thất không thể sau vài tháng có thể nhảy vọt lên làm cô sinh viên Văn Khoa, cô sinh viên cố dấu nét ngơ ngác khi nghe đến tên nàng Kiều, nghe nhắc tới ngày giỗ Hai Bà Trưng, ú ớ tìm cách từ chối khi có người muốn giới thiệu vào sinh hoạt với anh chị em cựu sinh viên Văn Khoa Sài Gòn...
Người chồng với cặp kính dầy cộm vì phải cộng trừ nhân chia tất cả những biên nhận mua sắm hàng ngày của hai mẹ con tôi. Người chồng nhỏ thó ốm o không muốn tôi mang giày cao gót để làm tăng cái nhan sắc "như Tây" của vợ, đã từ từ nhận ra đôi chân từng đi trong bùn đất của người vợ con nhà gia giáo. Ông đưa tờ giấy ly dị biểu tôi ký. Dĩ nhiên với tiếng khả năng tiếng Anh chỉ trả lời được năm ba câu là phải dùng tay chân, tôi không biết gì về luật lệ chia của. Ông tìm cho tôi một chân công nhân ở một hãng may, mướn cho hai mẹ con tôi một căn nhà chung cư.
Dứt nợ! Tôi quen thói được đàn ông lo cho cái ăn cái mặc cái nhà cái cửa, những người đàn ông tiền rừng bạc bể, những người đàn ông kiếm ra tiền không bằng công sức học mười tám mười chín năm, không bằng mồ hôi ngày làm tám tiếng nên không hề biết đến tờ biên nhận mỗi món hàng tôi mua. Tôi không thể làm quen được sự kềm kẹp này, cháu Hưng không quen đi thưa về trình, hai người đàn ông không muốn nhìn mặt nhau. Con tôi là trên hết. Gia đình tôi ở không tồn tại lâu hơn hai năm. Tôi nhẹ lòng khi được tự do.
Cái lạ là đàn ông trong mọi hoàn cảnh, sau một thời gian cũng nhận ra được "tôi". Nhưng bây giờ tình thế thật khó khăn cho tôi. Đàn ông tị nạn Việt Nam đầu tắt mặt tối đi làm hãng xưởng, làm hai ca, đi có giờ, về có giấc, thời giờ đâu mà la cà quán hàng, cơ hội đâu mà đóng vai phong lưu. Càng tệ hơn nữa, những người đàn ông đã từng là tai-to-mặt-lớn ngày xưa thì lại càng khó tìm chỗ đứng trong đời sống lưu vong này, thì lại càng bi quan yếm thế. Theo kinh nghiệm cho thấy đàn ông Việt Nam trong đời sống lưu vong lại biết lo hơn hồi còn ở Việt Nam. Ở đây, nếu có vợ con thì lo làm lo để, nếu vợ con còn ở quê nhà thì lo làm lo gởi, chưa vợ con thì lo đi học lại...
Thật tình mà nói, tôi không còn thiết tha tung mây mù dẫn dắt đàn ông vào đường dối vợ chi cho lắm. Nhưng ngựa quen đường cũ, tôi cô đơn, tôi cần có bóng dáng người đàn ông lui tới, ít ra cũng có người nghĩ đến tôi, dầu chỉ là cái thân xác. Và cũng do mấy ông khi bắt đầu có tiền ra tiền vô, bắt đầu ngán người vợ quá tháo vát giỏi hội nhập với nếp sống mới, bắt đầu tự nhận ra vị thế đứng thứ hai của mình trong gia đình, tìm đến tôi để được cưng chiều, để được làm đàn ông. Nhưng số đàn ông này không nhiều lắm và sau vài ba năm, nhận ra dần dần cái nhan sắc ở tuổi vừa qua bốn mươi còn tươi đẹp là chỉ nhờ phấn son, nhận ra được môi trường ế ẩm này, tôi xoay qua môi trường khác.
Đàn ông bản xứ vờn tới vờn lui cũng dập dìu lắm. Nhưng tôi ngán đàn ông bản xứ như khi xưa tôi ngán các ông cán bộ, cũng hung hãn, cũng hấp tấp. Nhất là chuyện rượu chè, họ bắt tôi uống theo, làm như không có rượu thì họ không làm ăn gì nên nổi hay sao đó. Lại thêm chuyện ăn nói, mõi miệng mõi tay lắm! Về phần họ chắc từ từ họ nhìn thấy một khối óc thô sơ trong cái thân thể điêu luyện, cộng thêm thường bị mù đầu rối tóc vì thói quen lừa dối của tôi, cộng thêm tôi thờ con trai tôi, tất cả vì cháu. Không mấy người chịu dừng chân lâu.
Thời thế đã buộc tôi phải "lao động". Khó khăn! Nhưng cũng kham được. Cháu Hưng không phụ lòng mẹ. Cháu học không nhanh chóng như con nhà người ta, nhưng cháu cũng đã xong cao đẳng ngành kỷ nghệ nhẹ, đang làm việc ở Ottawa không xa thành phố Montreal của tôi bao nhiêu. Chịu khó làm việc, chịu khó dành dụm, tôi không cho cháu mượn tiền những năm học đại học, sợ cháu thiếu nợ, tội nghiệp, mua cho cháu căn chung cư làm căn bản lo cho vợ cho con sau này. Cháu không thường về thăm tôi nhưng tôi có cháu để làm điểm tựa cho tôi thêm mắm thêm muối, làm phong, lên mặt với người quen. Một thành công đúng như tôi ao ước khi tìm đường thoát thân: Con tôi đã thành nhân thành thân.
- Chị Phương phải không? Tui là Thúy đây.
- Xin lỗi, Thúy nào ạ?
- Hai Nụ đây chị Ba!
- Ủa, dì Hai Nụ đó hả? Tôi nghe nói dì có chồng, đang ở Canada phải không? Chồng dì là sinh viên du học hồi trước phải không? Dì có phước lắm đó nghen. Khoẻ không? Sao dì biết số điện thoại của tôi?
Tôi cảm động gần khóc khi nghe giọng mừng rỡ hỏi han chân tình. Nhất là khi chị Ba gọi tôi là dì Hai Nụ, dì của xấp nhỏ con chị, chị vẫn coi tôi như họ hàng thân thích. Cách xưng hô để tỏ lòng quí trọng nhau. Mười mấy năm trời nay! Dì Hai Nụ! Không ai gọi tôi một cách thân thiết, một cách họ hàng như vậy. Tôi lấp bấp:
- Kỳ rồi về Việt Nam, tui lại thăm dượng Hai dì Hai.
- Chồng dì, thằng Hưng bây giờ ra sao?
- Ông xã tui chức càng cao càng làm việc bù đầu bù tóc. Thằng Hưng là kỷ sư trưởng của hãng dệt ở Ottawa. Chị chỉ được hai thằng con trai thôi hả? Ông xã chị làm gì?
- Thầy giáo, cũng công chức như người ta thôi. Hai vợ chồng công chức, sống tàm tạm, sống thoải mái. Dì Hai Nụ có đi làm không?
- Ông xã nuôi mà chị. Tui đâu có quen làm việc.
- Ở nhà đi ra đi vô, không con không cái chán chết, sao dì Hai Nụ không sanh cho ông xã vài đứa con?
- Ổng không muốn có con chị ơi. Ông coi thằng Hưng như con. Ổng biểu đủ rồi. Chừng nào có dịp qua Canada, chị ghé tôi, tôi dẫn vợ chồng chị đi chơi. Ông xã tôi rành thổ địa lắm. Mà tôi lái xe chở vợ chồng chị đi chơi cũng được.
- Dì Hai Nụ giỏi ha, biết chạy xe nữa. Dì cho tôi địa chỉ của dì, tôi viết thư cho dì. Mình thư từ với nhau cũng được rồi. Gọi điện thoại tốn tiền. Gọi khi nào cần lắm thôi.
- Chị nhớ gởi hình cả nhà chị cho tui nghen. Chị kêu chị Hai, chị Tư, chị Sáu, anh Bảy gởi hình con cái cho tui coi nghen.
- Ờ, được tin của dì, chắc ai cũng vui. Cúp đi dì Hai Nụ. Gọi từ Canada qua Na Uy mắc dữ ha.
- Không sao đâu chị, ông xã tui không màng mấy chuyện này đâu.
- Để tôi viết thư. Cúp hen.
Chị này đến già cũng còn khờ. Tôi gởi hình ông chồng tôi hồi mười lăm năm trước mà chị không thắc mắc gì hết. Thư từ qua lại cả năm nay, chị Hai, chị Tư, con Sáu cũng viết thư thăm tôi, gởi hình gia đình cho tôi. Đây là niềm an ủi rất lớn lao mà chắc không chị nào, anh nào hiểu được. Đây những cơn gió mát buổi trưa hè oi ả, đây là trận mưa rào trên đám ruộng nứt nẻ khô cằn, đây là giòng suối mát cho kẻ hành khất mõi mệt soi tìm bóng hình mình ẩn chìm bên dưới. Bây giờ chị Ba viết thư nói hè này gia đình sẽ đi một vòng nước Mỹ, qua luôn Canada để thăm người chú chồng, sẳn đường thăm vợ chồng tôi luôn. Chị còn xin lỗi là chỉ ghé nhà tôi được hai ngày thôi. Tôi làm sao đây?
Từ sáu năm nay, tôi sống nhờ tiền trợ cấp xã hội, ở trong căn phòng vừa là phòng khách, vừa là phòng ngủ, vừa là bếp, cầu tiêu buồng tắm công cộng. Sau hai cơn mổ đường tử cung, bệnh lao lúc xuất lúc mất, cả tuần nếu không phải đi chợ mua thức ăn thì tôi cũng không thiết tha ra đường. Người tôi ốm cong không còn thấy chút đường nét đàn bà. Chưa được sáu mươi tuổi mà sức mõi da mồi, đi đứng khó khắn. Phim chưởng, phim bộ, tôi mướn coi ngủ gà ngủ gật bên tô cơm chang nước thịt kho, ngày này qua ngày kia.
Cháu Hưng lấy được vợ con nhà có thế lớn từ Việt Nam. Ỷ cái thế ông-bà từ hơn hai mươi năm trước ở Việt Nam, dầu đang làm thợ tay lấm chân mõi nhưng lúc nào cũng ta đây nguồn gốc tai-to, không muốn hạ mình làm sui với tôi, không cho con gái, không cho hai đứa cháu nhìn mặt bà nội. Tôi năn nỉ, tôi khóc, tôi kể ơn, cháu Hưng chỉ được phép về thăm tôi một mình, thăm vài tiếng đồng hồ rồi đi. Một năm vài ba lần.
Hồi đám cưới cháu Hưng, tôi nghe người ta kể lại, cha mẹ vợ bắt cháu phải xin lỗi bà con họ hàng là mẹ bị bịnh nặng không tham dự được. Tôi không còn là con số không. Tôi là con số trừ. Khu chung cư này không ai biết đến tôi. Tôi không cần điện thoại từ nhiều năm nay. Tôi có đóng cửa ở trong nhà cả tuần cũng không ai để tâm. Cộng đồng người Việt ở Montreal này không ai thăc mắc nếu tôi không đi dự những kỳ lễ lộc hàng năm trong vài năm trời. Tôi không về thăm gia đình ở Việt Nam cả chục năm cũng không ai hỏi tới, không ai mong chờ. Không những người ta không tính tới tôi mà người ta còn muốn loại bỏ tôi ra khỏi xã hội của họ.
Nếu chỉ là mình chị Ba qua thăm tôi thì tôi còn nhe răng cười trừ. Đàng này chị sẽ qua thăm tôi với ông chồng thầy giáo nghiêm nghị, hai thằng con trai mặt mũi tươi tắn ngây thơ. Chị sẽ nói sao với chồng chị về người em bà con? Chị sẽ kể sao với con chị về người dì họ của tụi nó đây? Chồng chị sẽ nghĩ gì đây về gia đình vợ? Giấc ngủ không bao giờ kéo dài được ba tiếng đồng hồ mỗi ngày bây giờ thâu càng ngày càng ngắn lại từ khi nhận được bức thư này của chị Ba.
Lục loại trong mấy hộc tủ cả nhà, tìm cũng được gần hai chục viên thuốc ngủ, cũ lâu năm, nhưng chắc còn dùng được. Tôi đánh răng, sửa soạn chút son phấn, mở nhạc, lên giường...
Võ Thị Điềm Đạm
Mùa đông 2005