Số lần đọc/download: 990 / 1
Cập nhật: 2016-04-19 21:55:30 +0700
H
ình như con bé hơi bĩu môi mỗi khi thấy Võ đi ngang. Võ chỉ đoán thế bởi vì sau đó con bé đã quay đi. Mọi lần thì Võ không để ý đến. Võ nhìn con bé như nhìn tất cả những đứa trẻ trong xóm này, những đứa bạn quen và kể cả những đứa không quen. Thế nhưng lần này Võ lại bận tâm. Võ dừng bước, và hơi lấy làm lạ vì từ hôm về nhà đến nay Võ mải chơi nên đã bỏ quên một nhận xét đáng lẽ phải có ngay từ đầu: con bé không phải là người của xóm này. Nói một cách khác: con bé là một người lạ - ít nhất là lạ đối với Võ. Võ đi xa nhà đã tròn một năm. Khi trở về Võ thấy mình lớn. Không biết lớn với ai nhưng Võ cảm thấy ít nhất mình cũng lớn hơn con bé này. Nghĩ vòng quanh như thế, rồi Võ mỉm cười. Võ thọc tay vào túi quần, đứng nhìn con bé thật lâu. Ý chừng con bé tưởng Võ đã đi xa nên quay mặt lại. Võ bắt gặp một đôi mắt tròn, to và dễ thương.
Võ nghịch ngợm quá chăng? Bởi vì trong khi con bé luống cuống, thì Võ lại lẩm bẩm: “Tẽn tò, tẽn tò!” làm con bé đỏ mặt lên. A, nếu là Võ, Võ sẽ bỏ chạy vào trong. Nhưng cái con bé này mới lạ, nó vẫn cứ ngồi đấy. Dáng dấp nhỏ bé của nó in lên khung cửa sổ như một bức ảnh bán thân.
Võ cứ đun tay vào túi quần, đứng nhìn con bé bằng ánh mắt trêu chọc. Cách nhau một vòng rào nhưng Võ cũng nhận thấy con bé đang có vẻ tức lên. Tự nhiên Võ thấy tội nghiệp, và hơi ân hận. Nội cái chuyện trêu một đứa bé nhỏ tuổi hơn mình cũng đủ cho bà ngoại đánh đòn Võ rồi. Nếu bà ngoại biết rằng mấy ngày về nhà Võ chỉ đi chơi rong, nay lên xóm trên đánh đáo với thằng Lang, mai xuống rủ thằng Chí đi câu cá, rồi mỗi lần đi ngang đây lại chọc cho con bé này “ốt dột”, thì không biết bà ngoại sẽ la rầy nhiều chừng nào. Thế nhưng hầu như bà ngoại chẳng hề biết đến những điều ấy. Hôm qua bà ngoại bảo Võ: “Tao thấy mi lớn ghê Võ ạ!”. Thế là mặc nhiên bà ngoại đã xem Võ lớn hơn xưa rồi. Võ không biết phải nên buồn hay nên mừng.
Ý nghĩ vừa rồi làm Võ bâng khuâng. Võ cúi đầu cất bước, chừng như đã quên con bé đàng sau khung cửa sổ. Võ nhận thấy khung cảnh quen thuộc của xóm nhỏ vẫn chẳng hề thay đổi. Chỉ có những đổi mới trong tâm hồn Võ – chẳng quan trọng gì mấy nhưng làm Võ hơi nao nao, giống như tâm trạng của Võ thuở bé khi nhìn mấy bác phu đốn ngã cây chùm ruột trước sân nhà. Một năm đi theo anh Bản vào Sài Gòn, Võ đã học được nhiều điều mới lạ. Ở đây không có. Ở đây chỉ hạn hẹp gò bó một số hình ảnh quen thân đến độ nhàm chán. Võ thương bà ngoại lắm, nhưng Võ muốn đi xa, ít nhất là hai, ba năm, rồi sẽ về lại đây với ngoại. Võ thích sống náo nhiệt như một người lớn. Hơn thế nữa, Võ còn ước có một khoảng thời gian tung hoành, mà nếu sống mãi ở xóm nhỏ này, sẽ không thể có.
Có tiếng thằng Lang gọi Võ. Hắn đang ôm một con gà chọi. Mình mẩy hắn lem luốc cả mồ hôi và đất bẩn. Võ nheo mắt hỏi:
- Đi đâu về đó?
- Đi chọi gà. Mi đi không, Võ?
- Sao lại không!
Thằng Lang vuốt ve lưng con gà, tấm tắc:
- Tao cho mi mượn con gà ni. Vô địch đó nghen! Chuyến ni mà thắng nữa, tao với mi đi ăn bún bò.
Võ giơ một ngón tay lên:
- Nhất!
Thằng Lang chạy trước, Võ chạy theo. Võ bỏ quên ý nghĩ vẩn vơ lúc nãy thật mau. Và tưởng tượng đến cảnh chọi gà ở xóm dưới, Võ hứng chí đá tung một cái lon hộp dưới đất, miệng huýt sáo vang rân.
2
Võ trở về sau khi ăn một chầu bún bò với thằng Lang. Qua con đường cũ Võ lại thấy con bé vẫn còn ngồi đấy, sau khung cửa sổ. Lần này con bé cũng lại bĩu môi, cũng lại toan quay mặt đi nhưng bỗng ngừng lại, nhìn chăm chăm vào người Võ rồi lấy tay che miệng cười. Võ ngạc nhiên dừng bước, cúi xuống nhìn quần áo mình. Khi khám phá ra nguyên nhân làm con bé cười, tự nhiên Võ nghe nóng bừng cả hai tai. Ôi chao! Phải chi cái áo bị rách, hay cái quần bị lấm đất cũng chẳng hề chi. Đằng này, một cọng bún to tướng vắt tòn ten trên túi áo, trông khôi hài không chịu được. Con bé cứ che miệng cười. Võ bậm môi, vừa mắc cỡ cừa nổi cáu. Võ hất cọng bún rớt xuống đất. Con bé vẫn cười. Võ bực quá la lên:
- Ê, cười hở mười cái răng!
Câu nói của Võ làm con bé nín bặt. Nó lườm một cái và quay mặt đi. Hình như đôi mắt nó long lanh. A, Võ mới kỳ làm sao! Nói với con bé một câu khả ố quá đi mất! Tự nhiên Võ giận mình quá! Con bé đàng sau khung cửa trông cũng dễ thương ghê đi, sao Võ lại không làm quen với nó bằng những lời dịu dàng, mà cứ chọc tức nó không thôi. Bà ngoại mà biết được, chắc sẽ không còn nghĩ rằng Võ đã lớn nữa. Thằng Võ cháu của bà chẳng ra vẻ người lớn chút nào, mở miệng ra là vẫn nói những câu nghịch ngợm.
Võ đứng yên chờ con bé quay lại, như ban nãy. Nhưng nó chẳng thèm quay lại, mà giấu mặt đi. Thế này mới lạ, nếu là Võ chắc Võ đã đi vào trong nhà rồi. Con bé này khoái ngồi nơi cửa sổ. Chắc nó làm “thi sĩ” – Võ nghĩ như thế và bật cười.
Tiếng cười của Võ làm con bé quay hẳn người vào trong. Chắc nó tưởng Võ lại trêu chứ gì? Tội nghiệp! Võ thấy mình có lỗi vô cùng. Thế nào trong ý nghĩ của con bé, Võ cũng là một cái gì thật đáng ghét. Nếu đáng ghét thì con bé có thể mắng cho Võ một câu. Bọn trẻ ở trong Sài Gòn hễ không ưa ai là nói lại thôi. Ở cái xóm mà anh Bản và Võ trú ngụ, con gái hỗn “một cây”. Bằng tuổi Võ, hay nhỏ hơn, cũng còn hay gây lộn, và có khi… đánh lộn. Trái lại, bọn con gái ở đây thì hiền, nhưng nếu tức lên thì cũng đối đáp, hoặc… “về nhà méc mạ”. Chứ cái con bé này mới kỳ làm sao, chẳng hề phản kháng, mà chỉ ngồi im nơi cửa sổ, chịu đựng sự trêu chọc của Võ.
Võ có lẽ phải chuộc lỗi với con bé. Nó hiền và dễ thương quá đi! Nhìn đàng sau lưng nó, Võ thấy hình như có một vẻ gì chịu đựng, nhẫn nhục và âm thầm. Có lẽ con bé không giống như những đứa trẻ khác – cả những đứa bạn ở đây và những đứa bạn ở trong Sài Gòn. Võ sực nhớ một vật nằm trong túi áo mà nãy giờ Võ chẳng nghĩ đến: cây khẩu cầm.
Võ rút cây khẩu cầm ra, đưa lên miệng. Phải thổi một bản vui mới được. Võ nghĩ đến bài “Con đường vui” mà anh Bản đã dạy cho Võ như một bản ruột. Hình như khi tiếng khẩu cầm trổi lên, con bé đổi thế ngồi, và có vẻ lắng nghe. Hình như nó hơi xoay người lại nữa. Võ thêm hứng chí và để cho nhịp điệu nhanh dần. Và quả như ý Võ muốn, sau bản “Con đường vui”, con bé đã hướng tia nhìn về Võ. Đôi mắt mở lớn lộ vẻ thú vị. Võ định nhét cây khẩu cầm vào túi. Nhưng con bé cất tiếng:
- Thổi bài khác đi!
Võ trố mắt. Giọng nó êm quá chừng! Nhưng không phải giọng của miền này mà giống như giọng của vài đứa bạn Võ ở trong Sài Gòn. À, con bé người miền nam. Đúng là dân xứ lạ mới đến. Võ nghĩ rất nhanh như thế rồi đưa cây khẩu cầm lên miệng. Lần này Võ thổi bài “Anh hùng ca” – bài nhạc xưa quá, đến bà ngoại cũng biết – và tưởng con bé cũng lắng nghe như ban nãy. Nhưng nó nhăn mặt, ngắt ngang:
- Không hay. Thổi bài khác đi… ấy!
Võ cụt hứng, hỏi:
- Sao vậy? Không thích nghe bài này à?
Con bé lắc đầu. Chắc nó ghét nhạc xưa. Ừ thế thì Võ thổi cho nó nghe nhạc mới. Võ trổi một khúc nhạc khác. Con bé nghiêng đầu, hỏi:
- Bản gì vậy?
Võ lại phải ngưng thổi, trả lời:
- “Đường trường xa… muôn vó câu bay dập dồn”
Con bé bật cười:
- Kỳ quá vậy? Không hay.
- Thôi thì bài “Kìa đoàn quân chiến thắng trở về dưới nắng hồng” nghen.
- Không hay luôn. Còn bài nào khác không?
Võ thích thú nói:
- Nhiều lắm chứ! “Ta chiến binh sư đoàn Nhảy Dù” nè, “Kìa một đoàn người tràn qua biên giới… đi không ai tìm xác rơi” nè… thích nghe bài nào?
Con bé tiu nghỉu:
- Cái gì mà toàn nhạc… kỳ kỳ không vậy? Thôi, chẳng thèm nghe đâu!
Võ hơi nổi sùng. Con bé này chẳng biết điệu tí nào, chẳng thích nghe bài chi cả. Nhưng Võ gắng lấy lòng nó:
- Rứa… thích nghe cái gì?
- Nhạc êm dịu.
- Cỡ như bài nào?
- “Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn” vậy đó!
Võ cắn môi. Tưởng gì chứ bản này quen quá. Con bé thấy Võ lặng im, tưởng Võ không biết nên tiếp:
- “Nước tuôn trên đồng vuông vắn”, biết không?
- Biết chứ!
- Vậy thổi cho Minh nghe đi!
Võ mỉm cười. Biết được một điều là con bé tên Minh. Nhưng Võ đang khó trả lời vì bản nhạc quá quen mà Võ không biết thổi. Thế này thì con bé sẽ hết tin ở tài của Võ. Nhưng nó đâu biết rằng có những bản cây khẩu cầm này chơi được và có những bản chơi không được.
Võ ấp úng:
- Minh nè, bài đó… quen lắm, nhưng thổi không được.
- Sao vậy?
- Tại vì… tại vì… cây khẩu cầm này chỉ thổi được những bài “ma-giơ” thôi.
- Chứ bài “Quê hương tôi…”?
- Nó là bài “mi-nơ”, khó thổi lắm!
Con bé Minh cau mày, lộ vẻ khó hiểu:
- Kỳ quá vậy? Tiếc hén! À, bài “mi-nơ” là gì vậy?
Lại phải giải thích! Võ cố diễn tả cho con bé hiểu:
- Thí dụ như bài “Mẹ tôi tóc sương nhuộm bạc mái đầu” nè, bài “Ai qua miền quê binh khói” nè, bài “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh” nè, và bài “Quê hương tôi…” của Minh nữa, là những bài “mi-nơ” đó!
Minh reo lên:
- Toàn những bài Minh thích, vậy mà không thổi được. Khẩu cầm kỳ quá ha!
Võ trăn trở cây khẩu cầm trong tay:
- Tại… cây này là khẩu cầm “lô can”, thổi được mỗi “đô ma-giơ”. Chứ người ta có bán những loại khẩu cầm “hách” lắm, thổi được đủ thứ.
- Vậy chừng nào “ấy” mua cây khẩu cầm “hách”?
Võ nhíu mày:
- Mắc lắm. Võ còn nhỏ, làm gì có tiền mua.
Bây giờ đến lượt con bé hơi mỉm cười vì biết được tên Võ. Nó gật gù:
- Ừ há! Còn nhỏ đâu đã làm gì ra tiền.
Đôi môi nó chúm chím cười thật dễ thương. Võ cất cây khẩu cầm vào túi, nói:
- Minh nè, bữa nào Võ sẽ tập thổi bài “Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn” rồi Võ thổi cho Minh nghe.
- Khó không?
- Võ sẽ gắng. Khi nào Võ lớn, đi làm có tiền, Võ sẽ mua cây khẩu cầm thiệt “hách”, thổi đủ các bài.
- Thích há! Võ học ở trong Sài Gòn hở?
- Sao Minh biết?
- Minh còn biết cả cái anh đi với Võ nữa. Minh thấy Võ ngay từ hôm Võ xách va-li đi ngang đây.
Võ tự hỏi hóa ra con bé này ngày nào cũng ngồi sau cửa sổ nhìn ra sân hay sao? Thế thì nhàn hạ nhất rồi! Chắc nó ở nơi khác về đây nghỉ hè? Có lý lắm. Và Võ nghĩ đến một nơi nào đó, quê hương của Minh – nơi có con sông đào xinh xắn, có nước tuôn trên đồng vuông vắn…
3
Võ ngại ngần khi sắp đến trước nhà con Minh. Chắc phải tặng cho nó nguyên cả gói kẹo, con bé này hay nhè lắm. Võ vẫn chưa thổi được bài nhạc mà nó ưa thích – và Võ nghĩ rằng chẳng bao giờ Võ thổi được bài nhạc “mi-nơ” ấy. Thế mà Võ sắp rời xa quê nhà nữa rồi. Anh Bản đã xin được máy bay và chiều nay Võ sẽ theo anh vào lại Sài Gòn. Võ nghe một thứ cảm xúc nào dâng lên nhè nhẹ trong lòng – không biết có thể gọi đó là “nỗi buồn” hay không?
Con Minh vẫn ngồi sau khung cửa sổ, trông giống như một bức ảnh bán thân. Nó nhoẻn miệng cười khi thấy Võ từ xa. Võ giơ cao bịch kẹo lên:
- Cho Minh nè!
- Thích quá! Ở đâu vậy?
- Mua. Minh ra mà lấy.
Con Minh lắc đầu:
- Võ quăng vô đi!
Võ nhắm cửa sổ ném bịch kẹo vào. Nhưng bịch kẹo rơi ra ngoài, Võ kêu trời. Con Minh tiu nghỉu:
- Làm sao Minh lấy?
- Minh ra mà lấy.
- Không được. Dì Tám không cho.
Võ đâm ra bực bội. Con bé này “đài đệ” quá đi – nói theo kiểu bà ngoại – nó làm như dì Tám là hung thần hay bà chằng lửa vậy. Võ nghĩ như thế rồi vòng tay mở cổng rào. Con Minh la lên:
- Ấy! Ấy! Võ đừng có vô nhà nghen!
- Võ vô sân lượm gói kẹo cho Minh mà!
- Võ đừng có đến gần. Dì Tám không cho.
Võ lượm gói kẹo lên, nói giọng giận dỗi:
- Minh không cho thì có! Dì Tám hiền khô, đâu có bao giờ cấm Minh vô nhà. Hồi trước Võ ở đây, chưa có Minh về chơi, Võ được dì Tám kêu qua cho kẹo cau, cho mận hoài.
- Nhưng mà có Minh ở đây, Võ không được vô.
Bao nhiêu lời kể lể Võ dành để nói với con Minh chừ tiêu tan hết. Võ giận con Minh ghê gớm. Đời sao lại có con bé kiêu hãnh lạ lùng. Uổng công Võ mấy ngày nay bỏ đi chọi gà với thằng Lang, bỏ đi câu cá với thằng Chí, đứng ngoài cổng rào thổi khẩu cầm cho nó nghe. Uổng công Võ về nhà mấy ngày nay tập bài “Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn…” mà không được.Võ có ý nghĩ mình là một tên Trương Chi đáng ghét và vô duyên. Nhất định không thèm chơi với con Minh nữa. Võ phải đi tìm bọn thằng Lang để chơi cho hết buổi trưa nay.
Nhưng một ý nghĩ hiện ra trong đầu. Võ không đi tìm thằng Lang, mà đi vòng ra ngả sau nhà dì Tám. Đó là lối đi quen thuộc mỗi lần Võ đi theo giỏ chợ của dì Tám. Con Minh tưởng Võ chưa vào nhà này bao giờ sao? Võ phải trêu nó một lần cho bõ ghét, rồi không chơi với nó nữa.
Võ vào cửa sau rất dễ dàng, rón rén đi lên nhà trên, định sẽ hù con Minh một cái cho nó giật mình, hay sẽ “lêu lêu” nó rồi bỏ chạy. Nhưng Võ nghe thoáng tiếng khóc rấm rứt. A, cái con bé này mới lạ làm sao! Võ đứng dừng lại ở ngưỡng cửa. Không gian trong nhà thật tĩnh mịch nhưng cơ hồ một luồng gió nào rất lạnh thổi đến vây kín toàn thân Võ.
Rõ ràng con Minh ngồi hiền lành như một nàng công chúa, trên chiếc ghế nệm kê gần cửa sổ. Rõ ràng con Minh vẫn mặc chiếc áo màu xanh lơ như mọi ngày. Nhưng chừ thì Võ thấy rồi, thấy một điều nữa rồi! Đó là hai ống quần lủng lẳng từ trên hai đầu gối của con bé, buông thòng xuống. Đó chính là cơn gió lạnh vây kín Võ. Đó chính là nguyên nhân làm con bé khóc. Đó chính là lý do tại sao con bé chỉ ngồi bên cửa sổ suốt ngày như một “nàng công chúa đài đệ”, lắng nghe “tên Trương Chi đáng ghét” đứng thổi khẩu cầm ở ngoài cổng rào.
Con Minh hoảng hốt khi thấy Võ sau lưng. Nó khóc to hơn làm Võ cuống lên. Hết cách để dỗ nó rồi! Phải biện hộ thế nào về cái tội nghịch ngợm của Võ? Võ hấp tấp nói:
- Minh! Minh! Võ vô nhà để… để… thổi cho Minh nghe bài “Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn”. Võ… xin lỗi Minh…
Con Minh sáng mắt lên khi nghe đến đó. Nhưng nó vẫn cứ khóc. Võ rút cây khẩu cầm ra, nói vội:
- Võ tập được bài đó rồi, nhưng dở lắm tại vì bài “mi-nơ”. Minh phải nói cho Võ biết tại sao Minh thích bài đó.
Con Minh nghẹn ngào:
- Tại vì… tại vì… hồi ở quê Minh, ba Minh hay đàn bài đó, má Minh hay hát bài đó…
- Ba má của Minh?...
- Chết hết rồi! Võ đừng có hỏi. Cả Minh nữa nè! Minh cũng vô phước như vầy nè!
Võ đứng như trời trồng. Biết làm gì cho con Minh? Võ không biết an ủi. Võ cũng không biết nói những lời khéo léo làm đẹp lòng người. Tự dưng Võ đưa cây khẩu cầm lên môi. Võ thổi đại bản nhạc mà con Minh ưa thích. Tiếng khẩu cầm làm con Minh ngừng khóc. Nó chăm chú lắng nghe. Chắc trong lòng con bé đang khen thầm “Hay quá!”. Chính Võ cũng nghe hay quá, mặc dù bài nhạc “mi-nơ” đã được Võ biến chế thành “ma-giơ” để thổi khẩu cầm.
Võ thổi hết đoạn đầu, và bỗng ngưng lại. Võ muốn nói với con Minh rằng chiều nay Võ phải theo anh Bản vào lại Sài Gòn. Nhưng bỗng nghe một nỗi nuối tiếc tràn đến đầy lòng. Ở trong Sài Gòn quả có những người thân mến không kém chi ngoài này – từ anh Bản, người anh bà con hiền hậu, đến bọn trẻ xóm giềng nghịch ngợm, đến cô dạy Vạn vật lớp tám dịu dàng của Võ. Võ ham chuộng sự mới lạ, nên Võ thích đi xa. Rồi một ngày nào đó Võ sẽ lớn, Võ sẽ được tung hoành như ý muốn. Nhưng có lẽ chỉ lúc này đây Võ mới thấy tiếc rẻ khung cảnh quen thân của xóm nhỏ - nơi có bà ngoại mỗi ngày một già yếu, nơi có bọn thằng Lang thằng Chí còn nghịch ngợm quá chừng, nơi có con bé Minh đã hiện diện chiếm một khoảng lớn trong tình cảm của Võ. Con Minh đã hiện diện, như một thảm cảnh. Võ nghĩ nếu có một ngày nào thảm cảnh xảy đến tương tự cho Võ, cho bà ngoại, hay cho anh Bản… Biết đâu được… Võ thấy mình lớn lên trong tư tưởng ấy.
Con bé Minh đã gạt khô nước mắt, nhìn Võ, thúc giục:
- Kìa! Võ! Thổi tiếp đi! Đến khúc vui rồi đó!
Tự nhiên Võ nghe hai mắt cay cay. Võ sửa soạn đưa cây khẩu cầm lên môi, gật đầu:
- Ừ, để Võ thổi tiếp, đến khúc “ma-giơ” rồi Minh ạ!