Số lần đọc/download: 630 / 6
Cập nhật: 2015-10-04 10:00:13 +0700
C
âu cuối cùng, thưa ông, nếu không có gì bí mật, có thể được biết về kế hoạch sản xuất của năm tới?
- Một chút bí mật, đó là con số cụ thể còn cần phải được bàn bạc kỹ lưỡng và thận trọng hơn nữa giữa ban giám đốc, đủ để không gây sức ép lên cường độ lao động của công nhân nhưng đồng thời cũng đủ kích thích sự cố gắng phấn đấu. Ngoài ra không có gì là bí mật khi nói rằng chắc chắn công ty của chúng tôi sẽ phát triển hơn nữa cùng với sự ủng hộ của khách hàng.
- Xin cám ơn ông.
Cô nói nhỏ nhẹ rồi kéo cái máy ghi âm nhỏ xíu về phía mình, tắt, bỏ vào túi xách. Một câu trả lời né tránh khôn ngoan, không như cô đã hình dung về ông trước khi đến đây.
Cô khoá túi xách lại. Hết. Buổi phỏng vấn kết thúc. Còn gì nữa? Không còn cớ gì để kéo dài. Tạm biệt. Tạm biệt, cô sẽ nhớ về ông... Rồi sẽ quên.
Cô đứng lên chìa bàn tay nhỏ nhắn của mình ra:
- Xin chào ông.
Ông cầm lấy tay cô, một cái bắt tay nồng nhiệt và ấm áp, bàn tay ông to khoẻ và thô ráp, tay của một người lao động từ thuở nhỏ.
- Cô về thật sao?
Giọng ông thấp xuống khác với cách trả lời phỏng vấn từ nãy đến giờ. Và ánh mắt ông nhìn cô thật dịu dàng, thoáng chút tò mò. Hay đơn thuần chỉ là kiểu nhìn ngoại giao của các doanh nhân? Cô mơ hồ phán đoán. Nhưng dù gì đi nữa thì cô cũng mong muốn có một lý do để kéo dài thêm cuộc gặp gỡ. Cô phải điều đình với phóng viên phụ trách trang Kinh Tế để có buổi phỏng vấn này, việc của cô là ở trang Văn Nghệ. Cô hít một hơi dài, nếu mình mời ông ăn trưa thì sẽ ra sao? Có lẻ phải chấm dứt tại đây thôi. Xét cho cùng thì chẳng để làm gì nữa.
- Vâng, thưa ông. Trừ khi ông bảo chờ một lát để ông lệnh phòng kế hoạch cho phép tôi được sục sạo vài số liệu của năm tới.
Ông bật cười:
- Cô biết không, bây giờ là mười một giờ ba mươi, lẽ nào tôi để khách ra về bụng đói. Cô hãy để tôi được tỏ ra là một chủ nhà hiếu khách.
- Tôi không hề thấy đói bụng khi nghe ông kể về công ty của mình.
- Nhựa chưa bao giờ là một món ăn, lại càng không phải là một món ăn ngon.
o O o
Bình hoa nằm giữa những món ăn nhìn có vẻ lạc lõng và buồn cười. Ý nghĩa thoáng qua đầu cô cùng lúc với bàn tay ông đưa ra đẩy bình hoa về góc bàn lấy chỗ để đặt cái bếp ga cho món xào ăn nóng.
- Chỉ có hai người mà ông gọi nhiều quá.
- Nhà hàng bày biện kiểu cách vậy thôi, toàn là khay với dĩa, thực sự là món ăn có được mấy đâu. Vả lại, cũng là cái cớ để cất bình hoa đi - Ông nói với ánh cười trong mắt. - Đúng không?
- Vậy ông có thể đoán tiếp tôi đang nghĩ gì không?
- Trong đầu cô đang là những câu hỏi. Phóng viên mà.
- Chỉ một câu thôi.
- Sao cô không nói ra?
- Chỉ là một chút tò mò. Hết mình cho công việc như vậy, còn cuộc sống riêng của ông thì sao?
- Cô cũng đưa nó vào bài viết chứ?
- Nếu ông cho phép.
- Câu trả lời sẽ là tôi rất hạnh phúc, có một người vợ hiền là điểm tựa cho những thành bại, có những đứa con ngoan học giỏi biết vâng lời, có những hàng xóm tốt bụng và có những người bạn chân thành vv... và vv...
-...
- Còn nếu cô hỏi để... như người quen biết hỏi thăm nhau thì...
- Thì sao thưa ông?
Ông buông cái nĩa trên tay xuống, ánh mắt buồn bã đằm thắm. Cô cũng buông cái muỗng trên tay xuống. Tránh cái nhìn của ông, cô quay về phía bình hoa bị đẩy vào góc. Cái bình bằng sứ tráng men màu sữa cắm vài bông hoa đỏ li ti ẩn hiện dưới bó lá xanh bung loà xoà.
- Cô biết không, ngày xưa... mười lăm năm trước, tôi yêu...
Giọng ông xa vắng. Vầng trán ông cau lại trong nỗi nhớ kỷ niệm.
-...Người phụ nữ ấy 34 tuổi và đã có bốn đứa con. Còn tôi, ở tuổi 40 vẫn là một chàng trai. Cuộc sống khốn khó từ nhỏ khiến tôi chỉ biết chúi mũi vào việc kiếm tiền. Đó cũng là lý do khiến tôi có tính keo kiệt, keo kiệt với mọi người và với chính bản thân...
- Tôi không tin ông có tính đó - cô thầm thì.
- Chỉ vì cô... À, khi gặp người phụ nữ ấy, tôi thay đổi hẳn. Những đồng tiền tôi khư khư cất giữ bổng không còn giá trị như tôi hằng nghĩ nữa. Tôi mua quà mang đến mong cô ấy nhận. Những món quà... Hồi đó cuộc sống còn chật vật lắm. Những món quà của tôi là tấm áo cho hai đứa con gái lớn, là đôi giày cho hai thằng con trai, là cơm gạo cho cả nhà. Ban đầu cô ấy không nhận và cấm các con không được cầm bất cứ bất cứ thứ gì dù chỉ là một cái bánh quy. Những lần trở về nhà với những món quà còn nguyên trên tay, tôi khóc...
- Ông khóc?
- Phải, tôi khóc - giọng ông đặc lại - Đau đớn vì mình bị từ chối và đau đớn vì sự quá túng thiếu của mấy mẹ con. Một người đàn bà với bốn đứa con, đứa lớn nhất mới 14 tuổi...
Cô cúi mặt. Mười lăm năm... vậy là bây giờ ông đã 55...
- Lần đầu tiên cô ấy cho phép đứa con gái mặc cái áo mới tôi tặng. Trời ơi... sung sướng nhất không phải là nó mà là tôi. Nó xúng xa xúng xính trước tấm gương cũ bị mẻ vành, còn tôi thì lính quýnh như một gã điên... Đó là một cái áo màu đỏ.
- Ông còn nhớ màu sắc của từng món quà sao?
- Nhớ. Hồi đó áo quần trẻ con không nhiều màu sắc và phong phú như bây giờ. Áo chỉ có vài kiểu cổ tròn và lá sen, màu thì sặc sỡ xanh đỏ vàng. Tôi chọn cái màu đỏ cho con chị, màu xanh cho đứa em.
Ông đột ngột ngừng lại rồi nhìn thẳng vào mắt cô, vẫn ánh nhìn đằm thắm buồn bã. Rồi như chợt tỉnh, ông kêu lên:
- Cô ăn chút gì đi, nguội hết rồi kìa.
Cô giật mình nhìn cái bếp ga. Ngọn lửa xanh liếm quanh cái khay nhôm khen khét tiếng xèo xèo của những giọt nước cuối cùng, mùi chay cháy bay lên. Cô với tay định tắt bếp nhưng lại khiến ngọn lửa cao hơn.
- Để tôi gọi món xào khác...
- Không, không cần đâu. Ông kể tiếp đi.
-...Tôi kể đến đâu rồi?
- Cái áo màu xanh cho đứa em.
- Ừ, cái áo màu xanh cho đứa em...
- Chắc là đẹp lắm - cô khẽ nói.
- Tôi... tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng con bé không chịu mặc. Nó không thích tôi. Trong khi những đứa khác vui vẻ trước những món quà thì nó luôn lùi xa một góc nhà lặng lẽ nhìn tới. Không cãi lại, không vô lễ, không dằn dỗi, không khóc lóc, nó chỉ im lặng nhìn tôi. Kiểu nhìn tôi biết không món quà nào mua chuộc được.
- Ông tặng quà chỉ để mua chuộc thôi sao?
- Người ta yêu nhau lúc còn trẻ trung là chuyện khác. Còn đây... đề tài trò chuyện của tôi và cô ấy luôn là tương lai của bốn đứa con. Mối tình của tôi có thành hay không, không thuộc vào cô ấy, không thuộc về tôi, không thuộc về ý kiến của nội ngoại họ hàng mà là phụ thuộc vào cái gật đầu hay lắc của mấy đứa nhỏ. Cô biết không, nhìn thấy vẻ vui sướng trong mắt chúng khi cầm quà trên tay, tôi cũng như đang cầm được hạnh phúc của mình. Để hạnh phúc được trọn vẹn, thỉng thoảng tôi thuê xích lô chở bọn nhỏ ra rạp coi phim. Hồi đó, con nít mà được ngồi xích lô đi coi phim là một niềm vui xa xỉ.
- Tôi biết - cô buột miệng.
- Con bé em cũng rất thích ngồi xích lô. Chỉ có điều, mỗi lần leo lên xe miệng nó cứ mím chặt lại như tức giận chính bản thân mình vì không cưỡng lại nổi sự thích thú này. Mấy chị em thường lấy khăn và mền quấn quanh người rồi giắt đũa bếp ngang hông giả làm kiếm như anh hùng hảo hán trong phim. Tôi nhớ lần coi phim Hoa Mộc Lan tòng chinh về đứa nào cũng nhao nhao đòi đóng vai Hoa Mộc Lan giả trai với lý do con gái mà nam nhi đại trượng phu đáng phục quá. Nam nhi đại trượng phu...
Ông lặp lại một lần nữa như nói với kỷ niệm trong mình, mi mắt ông nhắm lại một thoáng rồi ông mở bừng ra như chợt nhớ có cô đang đối diện.
- Nhà cửa rộn ràng vui vẻ như hội sau mỗi lần coi phim về. Cả con bé em cũng cười vang và hét hò không kém. Tôi thích nghe tiếng cười của nó đến nỗi mỗi lần nghe nó cười, tôi đứng yên bên ngoài đợi chúng diễn xong rồi mới bước vào nhà. Rồi tôi dần quen với tiếng cười vụt khựng lại của con bé em mỗi khi, và tôi nghĩ nói cũng sẽ quen. Đến lúc tôi và cô ấy bàn tính chuyện sống chung, vấn đề cũng là mấy đứa con. Hồi đó tôi cũng làm hàng nhựa như bây giờ nhưng chỉ là một cơ sở nhỏ. Sợ cô ấy không yên tâm vì sau khi kết hôn có thể tôi gì gì đó, thay đổi chẳng hạn, toi bàn với cố ấy sẽ mua hai máy thổi nhựa cho mấy đứa con tự kiếm tiền chi tiêu lặt vặt và để dành riêng. Tất nhiên là cả gia đình vẫn sống bên nhau. Cô cười gì vậy? Thật sự là khó nói tách bạch điều này. Tôi yêu cô ấy. Ước gì mối tình của chúng tôi không phải nói đến những tính toán thường ngày. Nhưng biết làm sao được, chúng tôi gặp nhau khi có nhiều việc đã bày ra trước mắt...
- Không có giai đoạn thơ mộng.
- Cô nói sao? Giai đoạn thơ mộng? Ừ, không... À... tôi nghĩ là có. Dù nhiều tính toán này nọ, tôi vẫn thấy hạnh phúc. Bản thân hạnh phúc là một bài thơ. Làm nghề viết lách chắc cô hiểu tôi muốn nói gì. Được cô ấy yêu là rất thơ mộng đối với tôi. - Từ một kẻ keo kiệt tôi trở nên hào phóng, đó chẳng phải là rất thơ mộng sao?
Nước mắt cô lăn ra, và mắt ông cũng đẫm ướt. Im lặng thật lâu.
- Buổi cuối cùng của chúng tôi là tối cách ngày cưới hai tuần. Dạo đó tôi thường rời nhà cô ấy khi trời đã khuya, bàn chuyện cưới xin mà. Với lại... khi người ta đã quyết định lấy nhau... Tôi lúc nào cũng lâng lâng. Quá vui, toi không chú ý đến kiểu nhìn của con bé em. Ra đến ngoài góc đường tôi thấy nó đứng ngay trước mặt mình. Trong bóng tối nó co rút hai vai lại. Tôi muốn ôm choàng nó vào lòng và truyền cho nó chút sức mạnh của mình. Tôi muốn nói nó đừng sợ hãi gì cả, tôi sẽ... Nhưng tôi chẳng nói được gì và cũng chẳng làm được gì. Cũng như nó, tôi đứng khựng...
-...
- Rồi nó oà khóc nức nở “Bác đừng giành má của ba con. Bác hãy nam nhi đại trượng phu một chút đi”
Cô lau nước mắt và nước mắt lại trào ra. Người đàn ông trước mặt cô co vai lại trước sức nặng của kỷ niệm. Cô những muốn cầm lấy tay ông...
- Cho đến bây giờ tôi cũng không biết tại sao người đàn ông của ngôi nhà đó lại để mấy mẹ con sống như vậy. Rất nhiều lần tôi quay lại... Những đêm gió đông đầy bụi bặm, tôi nhìn qua cánh cửa đóng kín... hình dung mấy mẹ con đang làm gì đó bên trong. Rất nhiều lần tôi sợ mình sẽ... sẽ không chịu nổi và sẽ lại bước chân vào nhà. Cho nên tôi quyết định ra đi. Hồi đó, tới Sài Gòn là rất xa với một người làm ăn nhỏ như tôi.
Giọng ông dần chìm xuống. Cô nhìn những bông hoa đỏ li ti trong đám lá ở góc bàn.
Tiếng chuông điện thoại reo lên trong túi ông.
- Xin lỗi... - Ông nói nhanh và đứng lên định đi ra ngoài để nghe nhưng rồi ngay lập tức ông tắt máy và ngồi xuống.
Cô nhìn đồng hồ:
- Đã đến giờ làm việc rồi.
- Với tôi thì không sao.
Tiếng chuông điện thoại reo lên trong xắc của cô. Ông bật cười khẽ:
- Cô có định nói với cô thì khác không?
- Vâng - cô mỉm cười đưa tay lau nhanh giọt nước mắt bên khoé - Tôi chỉ là nhân viên thôi.
Cô đứng lên, một tay mở xắc để cầm cái điện thoại, tay kia chìa về phía ông:
- Xin cám ơn ông về...
- Đừng nói cám ơn - ông cầm lấy tay cô - Tôi muốn nói với cô điều này. Mỗi khi tiếp khách bên cạnh tôi luôn có người của công ty, ví dụ như trợ lý và kế toán trưởng. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp một mình.
- Xin cám ơn ông... - Cô nói mà không kịp nhận ra mình nói gì.
Choàng xắc qua vai và cùng cái điện thoại áp vào tai, cô đi nhanh ra cửa. Không ngờ cuộc chuyện trò kết thúc một cách rất công nghiệp thế này, cô hét vào máy “Nghe rồi. Tôi đến ngay.”
Đúng 14 giừo có mặt tại cuộc họp báo phát động cuộc thi viết về môi trường. Đúng 18 giừo phải có mặt tại hậu trường của buổi biễu diễn văn nghệ gây quỹ giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ. Và đúng 20 giờ có mặt kịp lúc khai mạc đêm kịch đầu tiên được diễn theo một phong cách mới mẻ - khán giả sẽ được mời lên sân khấu tham gia sáng toạ ngẫu hứng. Và tất nhiên phải xem hết vở thì mới có thể viết nhận xét được.
Gần 12 giờ đêm cô mới về đến nhà, vở kịch phong cách mới mẻ kéo dài thời gian gần gấp đôi. Những sự kiện chật chội trong đầu... Nhưng trước tiên là một giấc ngủ. Cô nhắm mắt lại, lơ mơ... Bỗng cô ngồi bật dậy. Thường xảy ra như vậy, là chợt nhận thức được sự việc vào lúc tuởng như không nghĩ đến - “Tôi muốn nói với cô điều này. Mỗi khi tiếp khách bên cạnh tôi luông có người của công ty, ví dụ như trợ lý và kế toán trưởng. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp một mình”.
Ông đã nhận ra cô!
Cô nhảy xuống gường, đi lui đi tới... không biết phải làm gì. Mình vẫn là con bé khờ dại của mười lăm năm trước. Cô chầm chậm nhấn từng số điện thoại, đến số gần cuối cô ngừng lại là vì nhận ra ông đã hiểu rồi. Vẫn vậy, ông vẫn là nam nhi đại trượng phu của mười lăm năm trước.