Love, like a mountain-wind upon an oak, falling upon me, shakes me leaf and bough.

Sappho

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 827 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ruyện ngắn “Anh Macar hay hoài nghi" ra đời năm 1929 nhưng đến năm 1986 mới được in lại trên tạp chí “Tháng Mười”. Tác phẩm hài hước này kể về nhận thức cách mạng “ngây thơ” nhưng cũng rất “thực tế”, rất bản chất của anh mugic Nga Macar, phê phán tệ quan liêu giấy tờ, coi thường trí tuệ quần chúng bằng lời kể dí dỏm, nhẹ nhàng, sinh động, hấp dẫn và kín đáo. Đây là một tác phẩm có những thủ pháp sử dụng ngôn ngữ phức tạp, khó dịch, nhưng trong quá trình đọc về A.Platonov, chúng tôi rất quan tâm đến số phận đặc biệt của nó nên đã cố gắng chuyển ngữ sang tiếng Việt để làm tài liệu tham khảo cho những người muốn nghiên cứu thêm về ông và về bộ phận” văn học Xô Viết không chính thống”.
Trong đội ngũ quần chúng lao động nói chung đã từng góp mặt hai thành viên quốc gia: anh chàng nông dân cục mịch Macar Ganuskin và một người nữa xuất chúng hơn - đồng chí Lev Shumovoi. Đồng chí là người thông minh nhất làng, và nhờ thông minh nên là người lãnh đạo phong trào toàn dân tiến lên phía trước, thẳng tới phồn vinh toàn xã hội. Vì vậy, hễ cứ nhìn thấy đồng chí Shumovoi đi qua là mọi người lại bảo nhau:
- Nhìn kìa, lãnh tụ của làng ta đang diễu bước đi đâu kìa! Chờ nhé, ngày mai thế nào cũng sẽ có chủ trương mới cho mà xem... Cái đầu thông minh, mỗi tội đôi tay rỗng quá. Chỉ sống bằng mỗi trí tuệ không thôi...
Còn Macar, như bất cứ anh chàng nông dân nào khác, mê các trò thủ công mày mò hơn là công việc cày cuốc, và quan tâm trước hết không phải đến cái ăn, mà là các trò vui chơi giải trí, bởi theo kết luận của đồng chí Shumovoi, Macar là cái anh đầu rỗng.
Có lần, Macar tổ chức trình làng một con quay gió, nhưng lại chưa xin phép đồng chí Shumovoi. Dân làng xúm xít quanh con quay của anh, chờ bão nổi cho con quay khởi động. Nhưng chờ mỏi mắt mà chẳng có gió bão gì cả, tất cả cứ đứng nhàn tênh, trong khi đó thì con ngựa con của đồng chí Shumovoi chạy lồng ra đồng cỏ và mất hút trong bãi lầy. Giá như mọi người vẫn sống yên bình như thường ngày thì chắc là họ đã tóm được chú ngựa, không để đồng chí Shumovoi phải chịu thiệt hại như vậy, nhưng cái anh Macar này lại lôi mọi người ra khỏi nếp sống bình yên, và như vậy là đã tiếp tay cho cái sự gây ra thiệt hại ấy.
Đồng chí Shumovoi không tự mình đi tìm ngựa mà đến thẳng nơi Macar đang đứng âu sầu vì trời không chịu giông bão và mắng mỏ anh:
- Chỉ tại cậu đấy, cậu lôi kéo dân làng ra đây nên mới không còn ai bắt ngựa cho tôi!
Macar chợt hết đăm chiêu, bởi anh đoán ra ngay. Ngẫm ngợi thì Macar kém lắm khi anh chỉ có bên trên là cái đầu rỗng và bên dưới là đôi tay thông minh, nhưng bù lại, anh lại có khả năng phán đoán tinh nhạy.
- Xin đồng chí đừng buồn thế, - Macar an ủi đồng chí Shumovoi, - tôi sẽ làm biếu đồng chí một cái xe tự hành...
- Làm thế nào? - Đồng chí Shumovoi hỏi, bởi đồng chí không biết Macar làm xe tự hành kiểu gì khi anh chỉ có mỗi hai bàn tay trắng.
- Bằng đai thùng và dây chão, - không nghĩ ngợi, chỉ cảm nhận vòng quay và sức mạnh của những cuộn dây chão cùng những chiếc đai thùng, Macar trả lời luôn.
- Vậy thì làm ngay đi, - đồng chí Shumovoi ra lệnh, - nếu không tôi sẽ truy tố cậu, phạt vì tội dám cả gan bày trò biểu diễn phạm pháp một cách bất hợp pháp.
Nhưng Macar chẳng hề nghĩ đến hình phạt - anh đâu có khả năng suy nghĩ, anh chỉ cố nhớ lại cái nơi anh đã từng nhìn thấy sắt, nhưng mãi mà chẳng nhớ ra, bởi cả cái làng anh chỉ dùng tuyền những thứ hiện hữu trên mặt đất như đất sét, rơm rạ, thân cây và sợi lanh mà thôi.
Bão đã không nổi lên, con quay không quay được, và Macar đành bỏ về nhà. Để xua đi nỗi chán chường, anh uống no một bụng nước và cảm thấy nó có mùi tanh tanh.
"Chắc chắn là sắt bị ta uống mất nên chẳng còn thấy đâu nữa cả," Macar phán đoán.
Khi đêm xuống, Macar chui xuống một hố giếng bỏ hoang cạn trơ cả cát và ở lì dưới đó suốt một ngày đêm để bới tìm sắt. Đến ngày thứ hai thì đồng chí Shumovoi lệnh cho mấy anh nông dân trong làng lôi Macar ra khỏi hố giếng vì đồng chí ấy sợ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hao tổn mất một công dân thì vô cùng uổng phí. Lôi được Macar lên thật vất vả vì trong tay anh là những cục quặng sắt to nâu xỉn. Đám nông dân vừa lôi vừa chửi rủa Macar vì anh nặng quá, còn đồng chí Shumovoi thì hứa sẽ phạt thêm anh về tội quấy rối trật tự xã hội.
Thế nhưng Macar chẳng hề bận tâm vì điều đó và sau một tuần đã biến được quặng thành sắt nhờ chính cái lò nướng bánh của bà vợ, tận dụng triệt để sức nóng còn lại sau mỗi mẻ bánh. Macar nấu quặng ra sao thì không ai biết được, bởi vì anh vận động bằng đôi tay thông minh và cái đầu trầm lặng. Một ngày sau đó Macar đã làm được một bánh xe bằng sắt, rồi thêm một chiếc nữa, nhưng chẳng bánh nào tự quay được; đành phải dùng tay đẩy, chúng mới chuyển động cho.
Đồng chí Shumovoi thân chinh đến nhà Macar và vặn hỏi:
- Cậu đã làm xong xe tự hành thay thế con ngựa rồi chứ?
- Chưa được, - Macar trả lời, - tôi tính là tự nó biết chạy vèo vèo, thế mà nó cứ ì ra.
- Cậu lừa gạt tôi hử, cái đầu của cậu quả là kém giác ngộ, - đồng chí Shumovoi nói như đang trong cuộc họp, - vậy thì làm ngựa đi.
- Không đào đâu ra thịt, chứ không tôi đã làm rồi, - Macar vội phân trần.
- Thế cậu nấu sắt từ đất sét bằng cách nào vậy? - Shumovoi bỗng nhớ ra và hỏi.
- Tôi không biết, - Macar trả lời, - tôi đâu có trí nhớ.
Thế là đồng chí Shumovoi nổi cáu:
- Cậu định làm gì vậy, hở cái đồ cá nhân quỉ quái, định giấu giếm phát minh mang ý nghĩa kinh tế quốc dân chắc! Cậu đúng chẳng còn là người nữa mà chỉ là kẻ tư hữu! Ngay bây giờ tôi sẽ xử phạt cậu đến nơi đến chốn để cho cậu biết nghĩ.
Macar thành thật:
- Tôi đúng là không biết nghĩ, thưa đồng chí Shumovoi. Tôi là kẻ đầu rỗng mà.
- Vậy thì tay chân bớt khua khoắng đi, đừng có mà táy máy những việc mình chưa biết, - đồng chí Shumovoi mắng Macar té tát.
- Giá như tôi có được cái đầu của đồng chí, tôi sẽ nghĩ tốt lắm đấy đồng chí Shumovoi ạ!- Macar chân thành.
- Chứ còn gì nữa! – Shumovoi khẳng định. - Nhưng cả làng chỉ có được một cái đầu như vậy thôi, thế nên cậu phải phục tùng tôi, hiểu chưa!
Đến đây thì Shumovoi phạt Macar đến nơi đến chốn, đến mức anh phải bỏ làng đi Moxkva tìm việc làm để có tiền trả tiền phạt, còn toàn bộ tài sản cùng con quay gió thì đã có đồng chí Shumovoi chịu trách nhiệm giữ gìn.
Macar đã từng đi tàu hoả hồi năm mười chín, nghĩa là cách đây đã mười năm. Hồi đó người ta cho anh đi miễn phí, bởi Macar trông rõ là giống một anh cuốc mướn làm thuê. Thậm chí người ta còn chẳng thèm kiểm tra giấy tờ của anh. Chị trực toa thuộc giai cấp vô sản bảo anh: "Anh cứ đi thoải mái; một khi anh bần cùng, anh luôn được chúng tôi quí mến".
Bây giờ, giống như mười năm trước, Macar chẳng cần hỏi han ai, cứ thế leo lên tàu ngồi, lấy làm ngạc nhiên bởi toa tàu vắng khách và cửa toa thì cứ mở toang. Dù vậy, Macar cũng không vào trong toa mà chọn chỗ ngồi giữa hai toa nối với nhau để còn quan sát các bánh xe quay khi tàu chạy. Các bánh xe bắt đầu chuyển động, và con tàu tiến về trung tâm quốc gia - thành phố Moxkva. Con tàu chạy nhanh hơn bất cứ con ngựa bất kham nào. Những thảo nguyên nằm đón đầu đoàn tàu và cứ miên man mãi không kết thúc.
"Người ta làm khổ máy móc quá, - Macar thương xót cho những bánh xe. - Quả thật, trên thế giới chả thiếu điều gì, một khi nó mênh mông và trống trải thế”.
Đôi tay của Macar đuợc thoải mái nghỉ ngơi, vì vậy trí thông minh tuyệt vời của chúng được giải phóng để di chuyển vào cái đầu rỗng không của anh, và thế là anh bắt đầu có khả năng suy nghĩ. Ngồi chễm chệ trên chỗ nối giữa hai toa tàu, Macar cứ mặc sức mà nghĩ ngợi. Thế nhưng anh chẳng ngồi yên được lâu. Một nhân viên bảo vệ không mang súng đi đến chỗ anh và đề nghị xuất trình vé. Macar làm gì có vé, bởi vì, theo như anh hiểu, đã có chính quyền xô viết, một chính quyền vững mạnh giờ đây và nói chung sẵn sàng chở miễn phí tất cả những người cần lao. Anh nhân viên bảo vệ lệnh cho Macar phải xuống tàu ngay ga xép đầu tiên vì không có vé, rồi còn thông báo thêm là trên ga có quán ăn nhỏ, không sợ phải chết đói nơi ấy dù nó vắng vẻ. Macar thấy rõ là chính quyền quan tâm đến anh rất mực, bởi người ta không chỉ có đuổi anh xuống tàu, mà còn hướng dẫn cho cách tìm nơi ăn uống, và anh tỏ lời cảm ơn vị lãnh đạo đường sắt. Đến ga xép, Macar không xuống tàu, mặc dù tàu dừng lâu để nhận bưu kiện. Anh ngồi và nhớ lại một ý tưởng kĩ thuật, hi vọng ở lại anh có thể giúp cho con tàu chạy tiếp.
"Vật càng nặng thì càng dễ ném được xa, - Macar làm một phép so sánh giữa hòn đá và chiếc lông gà, - và mình ngồi trên con tàu này cũng ví như thêm cho nó một hòn gạch để nó có thể phóng vèo đến Moxkva."
Không muốn làm phiền người bảo vệ, Macar chui xuống dưới gầm toa, ẩn mình giữa các bộ phận máy móc, vừa thư giãn vừa lắng nghe tiếng chuyển động gấp gáp của những bánh xe tàu hỏa. Yên tâm và cũng đã mỏi mắt vì quan sát suốt cuộc hành trình, Macar ngủ thiếp đi. Anh mơ thấy mình như bị tung lên khỏi mặt đất và bị một cơn gió lạnh cuốn phăng đi. Với cảm giác tuyệt vời ấy, Macar thương xót những người phải ở lại trên mặt đất.
- Này Xeriogia, sao lại để cổ trục nóng thế?
Macar thức giấc vì tiếng nói ấy và đưa tay sờ cổ, kiểm tra thân thể cả trong lẫn ngoài, xem nó còn nguyên vẹn hay không.
- Không sao! Sắp tới Moxkva rồi, chẳng cháy đâu mà sợ! - Tiếng Xeriogia từ xa đáp lại.
Tàu dừng ở ga. Các thợ máy kiểm tra lại những ổ trục và lầm bầm chửi.
Macar chui ra khỏi toa tàu và nhìn thấy thấp thoáng xa xa trung tâm của toàn thể quốc gia - thành phố đầu não Moxkva.
- Bây giờ ta sẽ cứ đi bộ tới đó! - Macar suy tư. - Đành để con tàu chạy tiếp thiếu trọng lượng bổ sung vậy!
Và anh nhằm hướng những ngọn tháp, những nóc nhà thờ, những toà nhà lừng lững mà đi, để tới thành phố của những kì tích khoa học kĩ thuật, để tạo dựng cuộc sống cho mình dưới những cái đầu vàng ròng của các toà tháp và của các vị lãnh tụ.
Rời tàu hỏa, tâm trí chỉ nghĩ về thành phố trung tâm ấy, Macar cứ nhằm hướng đã nhìn thấy mà đi. Để không bị chệch đường, anh cứ bám theo các đường ray và lấy làm kinh ngạc khi nhìn thấy chi chít những đường chờ tàu hỏa. Gần các đường chờ là những khoảng rừng thông và phi lao, nơi thấp thoáng những ngôi nhà gỗ nhỏ. Cây cối mọc lưa thưa, dưới gốc bừa bộn vỏ kẹo, vỏ chai bia, giấy gói giò cùng các loại phế thải khác. Dưới bàn chân con người, cỏ ở đây không mọc nổi, cây cối trông rõ xác xơ và cỗi cằn. Macar lấy làm lạ trước quang cảnh thiên nhiên như vậy:
“Chẳng lẽ sống ở đây rặt một lũ mất dạy hay sao mà thậm chí cỏ cây cũng bị chúng xéo nát thế này! Bởi đây là chuyện rất đáng buồn: con người sinh sống và đẻ ra ngay cạnh nơi mình ở cả bãi sa mạc! Khoa học với kĩ thuật ở đây trốn đâu mất rồi?”
Xoa ngực tiếc nuối chán, Macar lại đi tiếp. Trên giải đường chờ ở sân ga, người ta đang chuyển những bình sữa đã sử dụng rỗng tuếch ra khỏi toa và những bình mới đóng đầy sữa vào trong toa. Macar dừng bước bởi trong đầu anh lóe lên một ý nghĩ:
“Lại thiếu kĩ thuật rồi! - Anh thốt lên, bày tỏ lời nhận định tình hình của mình. - Chở bình chứa đầy sữa thì đúng rồi: trong thành phố có nhiều trẻ con và chúng đang chờ sữa. Nhưng việc gì phải chở cả bình rỗng trên toa xe cơ chứ? Như vậy là lãng phí kĩ thuật, mà bình lọ thì chiếm rõ lắm chỗ!
Macar tìm gặp đồng chí phụ trách chở sữa, người điều hành đám bình lọ kia, khuyên ông nên cho xây dựng một đường ống dẫn sữa từ đây đến Moxkva để đỡ phải mất công kéo các toa xe chở bình rỗng.
Đồng chí phụ trách sữa chăm chú lắng nghe ý kiến của Macar, vì ông vốn kính trọng những con người thuộc tầng lớp quần chúng, nhưng ông khuyên anh đề đạt ý kiến lên Moxkva - nơi ấy có những con người uyên bác nhất, và họ lãnh đạo tất cả mọi vấn đề.
Macar bắt bẻ:
- Nhưng chính đồng chí chở sữa chứ có phải họ đâu! Họ chỉ uống sữa thôi, làm sao mà họ có thể thấy được tình trạng lãng phí kĩ thuật cơ chứ!
Đồng chí phụ trách giải thích:
- Công việc của tôi là lo vận chuyển, tôi là người thừa hành, tôi không phải là người nghĩ ra đường ống.
Thế là Macar để cho ông ta yên và, lòng đầy nghi ngờ, anh lại đi tiếp đến Moxkva.
Macar có mặt ở thủ đô lúc đã gần trưa. Đường phố tấp nập, dễ đến hàng nghìn người, nhộn nhịp như ở nhà quê vào ngày mùa ấy.
“Họ sẽ sản xuất cái gì không biết? - Macar đứng giữa đám người đông đúc và nghĩ ngợi. - Có lẽ những xí nghiệp đồ sộ ở đây lo làm ra quần áo, giầy dép cho nhân dân tất cả các vùng quê hẻo lánh đấy nhỉ!”.
Macar nhìn xuống đôi ủng đang mang và nói “cảm ơn” với những người đang vội vã chạy qua anh, bởi không có họ thì anh đến phải mình trần chân đất ấy chứ. Đa số bọn họ cắp dưới nách một chiếc túi da; chắc hẳn trong ấy có đinh và chỉ vuốt nhựa.
“Chỉ có điều việc quái gì mà họ cứ chạy huỳnh huỵch, hao tốn sức lực đến thế nhỉ? - Macar lấy làm băn khoăn. - Cứ ngồi tại nhà mà làm việc thì đã làm sao. Cái ăn cứ cho lên xe ngựa chở đến từng nhà mà phân phát”.
Thế nhưng mọi người vẫn ra sức chạy, vội vàng nối đuôi nhau trèo lên tàu điện, chen chúc, xô đẩy, không chút thương tiếc thân mình, tất cả vì sự nghiệp lao động sản xuất phục vụ lợi ích chung. Điều này khiến Macar hả lòng hả dạ. Anh thầm nghĩ: “Mọi người tốt thật, đi làm ở xưởng vất vả là thế mà không hề nản!”
Nhìn xe điện chạy bon bon, anh lái ngồi đầu toa nhàn nhã cứ như chạy xe không, Macar thích lắm. Rồi anh cũng trèo lên xe, việc này khá dễ dàng vì dòng người vội vã đằng sau cứ đùn mông anh mà đẩy lên. Toa xe di chuyển nhịp nhàng, sức mạnh vô hình của máy móc vang rền dười sàn xe; Macar lắng nghe tiếng máy mà lòng đầy thương cảm.
“Tội nghiệp cho cái thân làm lụng! Gò lưng ra mà chở. Nhờ có nó, những con người hữu ích đến được chỗ cùng làm mà đôi chân không hề bị sứt mẻ đấy!” - Macar nghĩ về chiếc xe.
Người phụ nữ phụ trách xe điện đưa phiếu cho mọi người, nhưng Macar từ chối cầm phiếu, để khỏi làm khó cho chị.
“ Tôi khỏi cần!” - Anh nói và lách qua người chị.
Mọi người gào ầm lên với chị phụ trách, bắt chị phải làm đúng yêu cầu, và chị đồng ý ngay. Để tìm hiểu xem người ta làm cái gì ở đây, Macar cũng gào to:
- Chị phụ trách ơi, đưa cho tôi cái gì đó cho đúng yêu cầu đi!
Chị phụ trách giật dây, và xe lập tức dừng lại.
- Xuống ngay, đúng yêu cầu cho anh đấy, - mọi người bảo anh công dân Macar và đẩy anh xuống xe.
Macar rảo bước giữa bầu không khí thênh thang.
Không khí đúng là thủ đô: nồng nặc mùi dầu máy và bụi gang từ các phanh xe điện phả ra.
- Chỗ nào ở đây mới chính là tâm điểm quốc gia hở bác? - Macar hỏi thăm một người qua đường.
Người đó giơ tay chỉ và vứt mẩu thuốc lá vào cái xô đựng rác trên phố. Macar đến bên xô rác và cũng nhổ vào đó một bãi nước bọt để chứng tỏ ta đây có quyền được sử dụng tất cả mọi thứ có trong thành phố.
Những tòa nhà cao vút và đồ sộ đến mức Macar cảm thấy chạnh lòng thương xót chính quyền xô viết: thật vất vả khi phải bảo toàn cho khối nhà cửa to lớn nhường kia!
Một đồng chí cảnh sát đứng giữa ngã tư, tay phải giơ cao cây gậy màu đỏ, còn tay trái thì nắm lại thành quả đấm dọa người chở bột kiều mạch.
“ Đây người ta không chuộng kiều mạch, họ chỉ ăn mỗi bánh mì trắng thôi.” - Macar đưa ra một kết luận.
Anh hỏi đồng chí cảnh sát:
- Tâm điểm nơi này nằm đâu hở đồng chí?
Đồng chí cảnh sát chỉ tay xuống cuối đoạn phố dốc và bảo:
- Gần nhà hát lớn, dưới nơi thấp ấy.
Macar đi xuống cuối dốc phố và lọt vào giữa hai bồn hoa. Một bên quảng trường là dãy tường cao, phía đối diện là tòa nhà có hàng cột phía trước. Phía trên cột là bốn con ngựa đúc bằng gang, kể ra thì cột có thể làm mảnh hơn chút ít vì tứ mã cũng chẳng đến nỗi nặng đến thế.
Macar ra sức tìm trên quảng trường một cây sào treo cờ đỏ, tức là thứ đánh dấu tâm điểm Moxkva và cũng là của cả quốc gia, nhưng chẳng hề thấy cây sào nào như thế cả, chỉ thấy duy nhất một phiến đá có khắc chữ. Macar liền đứng dựa lưng vào phiến đá để chứng tỏ là mình đang có mặt chính giữa thủ đô, đồng thời thể hiện lòng tự tôn và tình cảm trân trọng đối với đất nước.
Macar thở phào vui sướng và chợt cảm thấy bụng đói meo. Thế là anh nhằm hướng con sông mà đi và nhìn thấy một khu công trường xây dựng rộng bát ngát.
- Người ta xây cái gì ở đây thế nhỉ? - Anh hỏi một người qua đường.
- Một tòa nhà vĩnh cửu bằng sắt thép, bê tông và kính màu đấy! - Người đó trả lời.
Macar quyết định ghé thăm công trường, cũng mong tìm được việc làm ở đó và trước mắt là kiếm miếng gì cho vào bụng.
Cổng vào công trường có người canh gác. Người gác hỏi Macar:
- Có việc gì, anh ngố?
- Tôi muốn kiếm chút việc làm, đang sắp chết đói mà. - Macar nói thẳng tuột.
- Làm cái con khỉ gì được ở đây khi anh đến mà không mang theo giấy má? - Người gác cổng rầu rĩ lầm bầm.
Ngay lúc đó có một anh thợ đá đi tới và lắng nghe câu chuyện của Macar. Anh liền sốt sắng:
- Đến ngay bếp tập thể của lán bọn tôi, anh em ở đó sẽ cho cậu chén. Còn chuyện cậu nhập hội bọn này ngay thì chưa được đâu, cậu sống lang thang như thế thì cậu chẳng là ai cả. Trước tiên cậu phải đăng kí gia nhập liên minh công nhân, phải qua một giai đoạn được giám sát cái đã.
Thế là Macar tìm đến khu lán, ăn cùng công nhân trong bếp ăn tập thể để duy trì sự sống cho bản thân với hi vọng có một số phận tốt đẹp hơn trong tương lai.
Macar sống ổn thỏa chỗ công trường xây dựng khu nhà lớn ở Moxkva, ngôi nhà mà người qua đường nọ bảo là vĩmh cửu. Trước hết anh chén thoải mái món cháo đen đen và béo ngậy ở bếp công nhân, sau rồi anh dạo thăm quang cảnh lao động trên công trường xây dựng. Qủa là rộn rịp thật: người người bận rộn, máy móc đủ loại chẳng biết là máy gì với máy gì đang đóng những chiếc cọc xuống đất sâu, hố móng được đào san sát khắp trên khu đất rộng, vữa bê tông chảy tràn trên những ống máng, và rất nhiều những sự kiện lao động tương tự đang diễn ra trước mắt. Rõ ràng là tòa nhà đang được xây cất dù chưa rõ một điều là để cho ai. Macar chẳng chút bận tâm chuyện ai được ở – anh chỉ quan tâm đến vấn đề kĩ thuât mà theo anh là lợi ích dài lâu cho toàn thể nhân dân. Còn lãnh đạo làng anh, cái đồng chí Shumovoi ấy, dĩ nhiên là phải ngược lại: đồng chí chỉ quan tâm đến chuyện phân phối diện tích ở trong tòa nhà tương lai thôi, chứ chẳng phải là những quả tạ bằng gang của chiếc búa máy. Nhưng Macar là kẻ không có đầu, chỉ có mỗi đôi tay thạo việc, vì vậy anh mới phải nghĩ ra việc cần làm.
Macar dạo khắp công trường và thấy rõ là mọi việc tiến triển nhanh gọn và tốt đẹp. Thế nhưng có điều gì đó cứ làm anh cảm thấy áy náy – một điều gì đó hãy còn mơ hồ thôi. Anh đến giữa trung tâm khu xây dựng, đưa mắt bao quát một lượt toàn cảnh bức tranh: rõ ràng là vẫn có cái gì đó chưa đủ, có cái gì đó bị mất mát, nhưng là cái gì - cũng chưa rõ. Chỉ trong lồng ngực Macar bỗng trào dâng một nỗi buồn - nỗi buồn day dưt lương tri người lao động. Cảm thấy rầu lòng và cũng khó chịu vì ăn quá no, Macar tìm một chỗ yên tĩnh và lăn ra đó mà ngủ. Macar mơ thấy cái làng quê thân thuộc bị anh lãng quên những ngày qua với giải rừng bạch dương, hồ nước, những đàn chim, còn cái anh đang cần, cái còn thiếu trên công trường thì anh lại chẳng mơ thấy. Thế là Macar tỉnh dậy và đột nhiên phát hiện ra cái chưa đủ của công trường: chính là ở chỗ những người công nhân đổ bê tông cốt thép để làm tường. Đó đâu phải là kĩ thuật, chỉ là công việc chân tay nặng nhọc thôi. Kĩ thuật đích thực là phải dùng những ống dẫn đưa bê tông lên cao, công nhân chỉ việc giữ lấy cái ống và chẳng hề tốn sức, và chính sự nhàn nhã này cho phép sức mạnh tuyệt vời của trí tuệ khỏi bị chuyển hết xuống đôi tay nhọc nhằn.
Ngay lập tức Macar đi tìm văn phòng khoa học kĩ thuật đầu não của thành phố Moxkva. Văn phòng này được đặt trong tòa nhà kiên cố có hệ thống phòng cháy hoàn hảo nằm trong một khu an toàn của thành phố. Ngay cửa ra vào Macar gặp một anh chàng nhỏ thó và nói cho anh ta biết mình là người sáng chế đường ống xây dựng. Cái anh nhỏ thó đó lắng nghe Macar rất chăm chú, thậm chí còn hỏi thêm những điều mà Macar mù tịt, xong rồi anh ta cho Macar lên cầu thang tìm đến chỗ ông chánh văn phòng. Ông này từng là một kĩ sư uyên bác, thế nhưng chảng hiểu sao ông lại quyết định chỉ làm công việc giấy tờ, không thèm đếm xỉa đến nghề xây dựng. Macar trình bày với ông sáng kiến ống dẫn.
- Nhà cửa không cần xây dựng, chỉ cần rót lên thôi, - Macar nói với ông chánh văn phòng uyên bác.
Ông nghe qua rồi buông một câu:
- Này đồng chí phát minh, thế đồng chí lấy gì để chứng minh rằng ống dẫn của đồng chí rẻ hơn phương pháp bê tông thông thường?
- Bằng chính cái điều là tôi cảm nhận nó hết sức rõ ràng, - Macar chứng minh.
Ông chánh văn phòng suy nghĩ điều gì đó có vẻ trầm ngâm và chỉ cho Macar đến cuối hành lang.
- Đằng ấy họ sẽ cấp cho những nhà phát minh có hoàn cảnh khó khăn một rúp tiền ăn và cả vé tàu về nữa đấy.
Macar nhận một rúp, nhưng từ chối vé tàu, bởi lẽ anh đã quyết sống không lùi mà chỉ có tiến lên phía trước.
Trong phòng khác Macar được cấp giấy đến gặp tổ chức công đoàn để xin được hỗ trợ, vì anh là người xuất thân từ quần chúng và là nhà phát minh đường ống. Macar nghĩ bụng, chắc chỗ công đoàn anh sẽ được cấp luôn tiền ngay hôm nay để lo làm ống dẫn nên hồ hởi đi luôn.
Công đoàn nằm trong tòa nhà còn đồ sộ hơn cả tòa nhà của văn phòng khoa học kĩ thuật. Mất hơn hai tiếng đồng hồ lùng sục khắp các ngóc nghách của tòa nhà mà Macar không tài nào tìm được người có họ tên ghi trên tờ giấy - vị thủ trưởng chuyên trách công tác quần chúng. Có lẽ đồng chí ấy đang mải lo toan cho những người lao động ở một nơi nào đó nên không có mặt chỗ cơ quan. Nhập nhoạng tối mối thấy thủ trưởng đến, ăn một quả trứng rồi đọc giấy tờ của Macar nhận từ tay cô thư kí của mình - một thiếu nữ dáng vẻ dẽ thương và nề nếp với bím tóc dài nặng trĩu. Cô thiếu nữ đó đi đến bàn tài vụ rồi mang sang cho Macar một đồng rúp mới tinh, còn Macar thì kí nhận đồng rúp với tư cách một người làm thuê thất nghiệp. Người ta trả lại giấy cho Macar, trên đó có thêm mấy chữ: “Đồng chí Lopin, đề nghị đồng chí giúp đỡ đoần viên của chúng tôi thực hiện phát minh ống dẫn của mình theo tuyến công nghiệp”.
Macar lấy làm thỏa mãn lắm và ngay ngày hôm sau lên đường đi tìm tuyến công nghiệp để gặp được trên đó đồng chí Lopin. Cả cảnh sát, cả những người đi đường đều không ai biết gì về cái tuyến ấy, thế là Macar quyết định tự mình tìm lấy. Trên khắp các phố người ta treo đầy những áp phích và biểu ngữ bằng xa tanh đỏ phía dưới có tên chính cơ quan mà Macar đang cần. Trên các tấm áp phích chỉ rõ rằng, toàn bộ giai cấp vô sản phải đứng vững trên trận tuyến phát triển công nghiệp. Điều này làm cho Macar vỡ nhẽ ra: trước tiên phải đi tìm giai cấp vô sản, dưới họ sẽ là trận tuyến và gần đâu đó là đồng chí Lopin.
- Thưa đồng chí cảnh sát, - Macar lễ phép, - nhờ đồng chí chỉ giùm đường đến chỗ giai cấp vô sản.
Đồng chí cảnh sát rút cuốn sổ, tìm địa chỉ của giai cấp vô sản rồi chỉ dẫn cho Macar đang tỏ vẻ hết sức biết ơn.
Macar đi tìm giai cấp vô sản giữa Moxkva và lấy làm vô cùng kinh ngạc trước sức mạnh của thành phố đang chạy tràn lên những chíêc ô tô buýt, những toa tàu điện, và trên cả những đôi chân của dòng người đi bộ đông đúc.
“Vận động thân thể thế này thì cần ăn nhiều thức ăn lắm đây!” - Macar suy luận trong đầu - cái đầu có khả năng suy nghĩ khi đôi tay nhàn hạ.
Cuối cùng, theo chỉ dẫn của người cảnh sát, Macar bơ phờ và cháy nắng cũng tìm được vị trí của ngôi nhà. Ngôi nhà ấy hóa ra là nơi ngả lưng qua đêm của giai cấp nghèo khó. Thời xưa, quãng đời trước cách mạng, giai cấp nghèo khó phải ngả lưng giữa màn trời chiếu đất, giữa sao rơi gió thổi, giữa giá lạnh mưa tuôn, buốt thấu xương mà vẫn ngủ vùi vì quá mệt mỏi. Giờ đây, giai cấp nghèo khó đã có giường ấm gối êm để ngả lưng trong những ngôi nhà có trần có mái bền chắc, và ngọn gió đêm của thiên nhiên không còn thổi tạt mái tóc trên đầu người nghèo như khi còn nằm ngay trên bề mặt của trái đất.
Macar ngắm những dãy nhà khang trang vững chãi và thực sự cảm thấy bằng lòng với chính quyền xô viết.
“Một chính quyền khá ra phết! - Anh đánh giá, - chỉ cần là nó đừng gây phiền nhiễu, vì chính quyền là của chúng ta!”
Như tất cả mọi khu nhà ở của Moxkva, khu nhà trọ cũng có một văn phòng. Không có văn phòng thì mọi chuyện có mà lộn tùng phèo lên, và các nhân viên trong văn phòng luôn luôn tạo được nếp sống đúng đắn, tuy có hơi chậm chạp. Bản thân Macar bao giờ cũng kính trọng các cán bộ văn phòng.
“ Cứ mặc cho họ tồn tại! - Macar quyết định. - Một khi họ ăn lương thì họ cũng phải nghĩ ra việc mà làm chứ, mà nếu chức trách buộc họ phải suy nghĩ thì chắc rằng họ sẽ thông minh ra thôi, và sẽ là những người chúng ta cần.”
- Cậu cần gì?- Người quản lí nhà trọ hỏi Macar.
- Tôi cần gặp giai cấp vô sản mà, - Macar trình báo.
- Tầng lớp nào vậy? - Ông ta tỏ vẻ am hiểu.
Macar không cần nghĩ, vì anh biết trước là anh cần gì.
- Tầng lớp dưới, - anh nói, - chỗ đông đông ấy, ở đó nhiều người hơn, ở đó chính là quần chúng.
- Thế à! - Người quản lí hiểu ngay. - Vậy là cậu phải đợi trời tối mới được: cứ đám nào đông nhất về thì cậu cứ đến mà ngủ với họ - với hội ăn xin, hoặc hội làm công theo mùa...
- Tôi muốn cùng những anh em đang xây dựng chính chủ nghĩa xã hội ấy, - Macar đề nghị.
- Thế à! - Người quản lí cũng lại hiểu ngay. - Vậy là cậu cần gặp những người đang xây dựng tòa nhà mới phải không?
Chỗ này thì Macar nghi hoặc:
- Nhà cửa thì trước đây, khi chưa có Lênin, người ta cũng đã xây. Nhưng trong ngôi nhà rỗng tuếch thì ông lấy đâu ra chủ nghĩa xã hội?
Người quản lí cũng ngẩn người ra nghĩ, vì chính ông cũng chả rõ chủ nghĩa xã hội nó mặt ngang mũi dọc như thế nào, và liệu trong chủ nghĩa xã hội sẽ có được niềm sung sướng diệu kì không, và sung sướng ra làm sao?
- Nhà thì đúng là đã có xây, - ông tán thành, - chỉ có điều hồi trước trong chúng sống rặt một lũ đê tiện, còn bây giờ ý à, tôi sẽ cấp cho cậu một phiếu vào nhà mới mà trọ.
- Phải quá, - Macar vui mừng. - Vậy, ông chính là người trợ thủ đắc lực của chính quyền xô viết rồi.
Macar nhận phiếu rồi đến ngồi bệt xuống đống gạch ngổn ngang không ai nhòm ngó của công trường.
“ Ra cũng... – Macar suy luận, - dưới mông mình là viên gạch, mà viên gạch ấy là do giai cấp vô sản đổ mồ hôi làm ra: chính quyền Xô Viết còn non - tài sản của mình mà không nhìn ra được!”
Macar ngồi trên đống gạch tới tận chiều tối, ngắm lần lượt cảnh mặt trời lặn, cảnh đàn chim sẻ ríu rít bay về tổ, cảnh những ngọn đèn được bật sáng khắp nơi.
Cuối cùng thì cũng băt đầu xuất hiện những người vô sản: người khệ nệ túi bánh mì, người đủng đỉnh tay không, người bộ dạng ốm yếu, người có vẻ mệt nhọc, nhưng tinh thần lao động cần cù khiến họ trông thật dễ mến, và bởi đã làm lụng kiệt sức nên tất cả đều rất hiền lành.
Macar kiên nhẫn chờ cho tới lúc những người vô sản đã yên vị trên những chiếc giường nhà nước và thở phào nhẹ nhõm sau một ngày căng thẳng trên công trường xây dựng. Bấy giờ anh mới mạnh dạn bước vào gian phòng lớn của khu nhà trọ, đứng giữa phòng và lên tiếng:
- Kính thưa tất cả các anh em công nhân viên lao động! Các đồng chí đang sống giữa thành phố Moxkva thân yêu, sức mạnh trung tâm của quốc gia, nhưng trong thành phố còn nhiều sự lộn xộn và mất mát tài sản quí giá...
Tầng lớp vô sản trên những chiếc giường bắt đầu ngọ nguậy:
- Này Mitri, - ai đó cất giọng ồm ồm. - Cậu hất cho hắn một cái nhè nhẹ, đủ để hắn không tàn tật...
Macar không bực bội, vì nằm trước mặt anh đây không phải là lực lượng thù địch, mà là anh em vô sản.
- Các đồng chí tính toán mọi việc còn chưa được kĩ càng, - Macar nói tiếp. - Bình sữa đã uống hết, đã rỗng tuếch lại chất lên những toa tàu quí giá mà chở. Việc này thực ra chỉ cần một máy bơm và đường ống dẫn là đủ... Cũng như trong xây dựng nhà cửa và kho chái, ta chỉ nên dùng ống cao su mà rót, thế nhưng các đồng chí lại làm kiểu cò con... Tôi đã nghĩ ra ống đẫn rồi và xin biếu không các đồng chí với mong muốn chủ nghĩa xã hội và công cuộc hữu ích khác nữa chóng đến với chúng ta...
- Ông dẫn nào vậy? - Vẫn cái gọng ồm ồm của ai đó.
- Ông dẫn của tôi! - Macar khẳng định.
Lúc đầu những người vô sản im lặng, rồi sau đó từ góc trong cùng một giọng rành rọt của ai đó gào lên, bay đến chỗ Macar như luồng gió:
- Sức lực với chúng tôi đâu có quí - cứ xem cách chúng tôi xây nhà theo kiểu linh tinh thì thấy, tâm hồn mới là quí đối với chúng tôi. Nếu anh là người, cái quan trọng không phải ở nhà cửa mà là ở trái tim. Ở đây chúng tôi làm việc có chỉ tiêu, sống có bảo vệ an toàn lao động, xây dựng có công đoàn, giải trí nghỉ ngơi có các câu lạc bộ, chúng tôi chẳng ai để ý đến ai, chuyện ai để ý đến ai chúng tôi giao phó cho luật pháp...Nếu anh là nhà sáng chế, anh cứ đưa tâm hồn ra xem!
Macar lập tức cụt hứng. Anh sáng chế đủ thứ, nhưng chẳng hề động chạm đến tâm hồn, mà cái này với quần chúng ở đây lại là sáng chế chính yếu. Macar nằm xuống chiếc giường nhà nước và lặng đi bởi nỗi ngờ vực, rằng suốt quãng đời đã qua anh toàn làm những việc chẳng có tính vô sản gì hết.
Macar ngủ chập chờn, vì rằng anh bắt đầu dày vò cả trong giấc ngủ. Và nỗi dày vò của anh chuyển thành cơn mơ: trong mơ anh thấy một ngọn núi, hay một cái gò cao, đứng trên đỉnh núi đó là một người thông thái. Còn Macar thì nằm dưới chân núi, trông như một thằng ngốc vật vờ, ngước mặt chờ đợi người thông thái ban cho hoặc lời khuyên, hoặc công việc. Nhưng ông ta cứ đứng sững và lặng phắc, chẳng hề nhìn thấy Macar khốn khổ, vì ông đâu để ý đến cá nhân anh; ông chỉ bận tâm chuyện đại sự quốc gia mà thôi. Bộ mặt của người thông thái được chiếu sáng bởi vầng hào quang của cuộc sống đại chúng xa xôi mà tầm nhìn của ông đang hướng đến, và vì đứng quá cao và nhìn quá xa nên đôi mắt ông thật đáng sợ và không hề có sinh khí. Người thông thái đứng lặng im, còn Macar nằm ngủ mơ và buồn bã.
“ Ta phải làm gì trong cuộc đời này, để ta còn có ích cho mọi người và cho chính bản thân ta?” - Macar tự vấn và lặng người vì hoảng sợ.
Người thông thái vẫn lặng phắc như trước, chẳng hề có câu trả lời, và trong đôi mắt lạnh lẽo của ông ta in bóng triệu triệu mạng sống.
Macar lấy làm kinh ngạc, liền theo các bậc đất lạnh như đá trèo lên cao. Ba lần liền anh sợ dựng cả tóc gáy trước hình thù bất động của người thông thái, và cũng ba lần sự tò mò trong anh xua tan cảm giác sợ hãi ấy. Giá như anh là người thông minh thì anh đã chẳng trèo lên trên cao làm gì, nhưng anh vốn là kẻ lạc hậu, chỉ có đôi tay thích tò mò, còn cái đầu thì ù lì chậm chạp. Và thế là với sức mạnh của sự tò mò ngu ngốc, Macar lên được chỗ người thông thái đứng, lấy tay chạm vào cái thân hình phì nộn của ông ta. Tay anh vừa mới cham tới, cái thân người kì dị đó bỗng nhiên cựa quậy như còn sống rồi lập tức đổ ập xuống người Macar. Hóa ra đó là một xác chết.
Cú đập khiến Macar choàng tỉnh và nhìn thấy người quản lí nhà trọ đang cúi xuống giường, tay cầm siêu nước gõ nhẹ vào đầu anh để đánh thức anh dậy.
Macar ngồi lên và thấy một anh chàng công nhân mặt rỗ chằng đang cầm một bát nước rửa mặt kiểu rất tiết kiệm. Macar ngạc nhiên vô cùng trước lối rửa chỉ bằng một vốc nước ấy và hỏi anh mặt rỗ:
- Mọi người đi làm cả, sao cậu một mình ở lại và rửa ráy thế kia?
Anh chàng mặt rỗ xát cái mặt ướt nhèm vào gối, lau khô xong mới nói:
- Anh em vô sản làm lụng thì đông, người suy nghĩ thì lại ít quá. Thế nên tớ tự nhận trách nhiệm nghĩ thay cho tất cả. Cậu có hiểu những gì tớ nói không, hay chỉ biết im như thóc vì áp bức và dốt nát?
- Vì đau buồn và nghi ngờ thôi, - Macar đáp.
- Ra thế, vậy thì cậu đi với tớ, chúng ta sẽ cùng nghĩ thay cho tất cả, - anh rỗ hiểu ngay và ngỏ ý.
Vậy là Macar hăng hái đứng lên, theo anh rỗ tên là Piotr ấy đi tìm cho bản thân một sứ mạng.
Trên đường đi Macar và Piotr gặp rất đông phụ nữ mặc trang phục bó sát người, thứ trang phục nói lên sở thích khỏa thân của họ; đàn ông trên phố cũng đông, nhưng đồ che thân của họ rộng rãi hơn nhiều. Hàng ngàn đàn ông, đàn bà khác, để bảo vệ thân thể, nghìn nghịt kéo lên những chiếc ô tô, xe điện đã chật cứng và ì ạch vì quá tải. Cả người đi xe lẫn người đi bộ ai cũng hối hả muốn vượt lên phía trước, vẻ mặt họ trông rất thông thái, về cơ bản mà nói là giống cái ông to lớn hùng vĩ mà Macar nhìn thấy trong mơ. Quan sát đám đông học thức đó, Macar thấy lòng đầy kinh hãi. Để trấn an, anh nhìn sang phía Piotr: có phải anh ta cũng chỉ là con người thông thái với tầm mắt nhìn xa không nhỉ?
- Này, cậu có biết hết các khoa học và có nhìn xa quá không đấy? - Macar rụt rè hỏi.
Piotr cố tập trung mọi nhận thức mình có được:
- Tớ ấy à? Tớ phải cố cho được như Lenin: tớ cố nhìn xa, nhìn gần, nhìn rộng, nhìn sâu, và cả nhìn lên cao nữa.
- Phải vậy chứ! - Macar thấy yên tâm. - Thế mà tôi mới đây gặp phải một ông lớn thông thái: ông ta nhìn xa tít tắp, nhưng ngay cạnh ông ta, chỉ cách có hai bước chân thôi, một cá nhân đang quằn quại khổ sở thì ông ấy chẳng nhìn thấy.
- Chứ gì nữa! – Piotr tỏ vẻ am hiểu, - ông ta đứng sừng sững như thế và tưởng rằng tất cả đều ở phía xa kia, còn gần cạnh ông thì chẳng có việc quái gì hết! Lại có kẻ chỉ chăm chăm nhìn xuống chân mình, lúc nào cũng sợ vấp phải mô đất ngã vỡ mất mặt, thế nhưng cứ cho mình là phải. Mà với quần chúng ấy mà, lối đi bằng phẳng làm họ chán lắm đấy. Tụi ta, người anh em ạ, sợ quái gì những mô đất cơ chứ!
- Dân mình bây giờ đều có giầy đi cả rồi! - Macar gật gù tán thành.
Nhưng Piotr không để ý điều gì khác ngoài suy tưởng hướng về phía trước của mình
- Cậu đã nhìn thấy đảng cộng sản bao giờ chưa?
- Chưa, đồng chí Piotr ạ, chưa bao giờ người ta đưa đảng cho tôi xem! Ở làng tôi chỉ thấy mỗi đồng chí Shumovoi thôi!
- Ở đây thì đầy những đồng chí Shumovoi. Là tớ đang muốn nói với cậu về một đảng chân chính cơ, một đảng có hướng nhìn rõ ràng đúng đắn ấy. Khi tôi chưa vững vàng giữa đội ngũ của đảng, tôi thấy mình chỉ là một thằng ngốc thôi.
- Vì sao hở đồng chí Piotr? Nhìn bề ngoài thì cậu cũng gần như thông thái đấy chứ.
- Vì thân xác tớ nó ăn lấn mất trí não. Tớ thèm ăn, nhưng đảng nói: chúng ta phải xây dựng các nhà máy trước đã; thiếu sắt thép, lúa mì sẽ cằn cỗi. Cậu hiểu ý tôi không, có hiểu được đường lối cơ bản ở đây không?
- Hiểu rồi, - Macar đáp.
Ai là những người xây dựng nên những xí nghiệp và làm ra máy móc - điều này thì Macar biết rồi, cứ như anh là nhà thông thái vậy. Từ thuở lọt lòng anh đã gắn bó và hiểu tường tận cảnh làng quê nhà tranh vách đất và luôn tâm niệm rằng chúng không thể đổi thịt thay da nếu không có những cỗ máy nóng bỏng.
- Thế đấy - Piotr giảng tiếp. - Mà cậu nói là cậu không thích cái người cậu mơ thấy ấy. Cả tớ và cả đảng cũng chẳng hề thích ông ta: chính ông ta là sản phẩm của thằng ngốc chủ nghĩa tư bản, mà những kẻ như vậy chúng ta đang dần hạ bệ đấy!
- Tôi cũng cảm nhận một điều gì đó, chỉ có điều tôi chưa biết rõ cụ thể là cái gì thôi! - Macar bộc bạch.
- Một khi cậu chưa rõ là điều gì, cậu cứ hẵng sống theo sự chỉ đạo của tớ; nếu không cậu sẽ chệch khỏi trận tuyến chật hẹp mà rơi bịch xuống dưới đấy.
Macar đưa mắt quan sát dân chúng của thành phố Moxkva và ngẫm nghĩ: ”Ở đây ai cũng no đủ, sung túc, mặt mũi hồng hào, lí ra là phải tăng thêm dân số mới phải, nhưng sao chẳng thấy trẻ con đâu cả...” rồi đem điều này thắc mắc với Piotr. Anh này liền giải thích:
- Đây không phải thiên nhiên, mà là văn hóa. Mọi người ở đây sống có gia đình cả nhưng không có sự gia tăng dân số, vì chỉ ăn mà không đem lại năng suất lao động...
- Thế là thế nào?
- Thế này nhé, - Piotr thông thái giảng giải. – Người thì ghi ý nghĩ của mình vào hóa đơn - nhờ việc này họ và cả nhà họ được chu cấp trong nửa năm... Có người lại chẳng ghi gì sất - đơn giản chỉ sống để chỉ giáo những kẻ khác mà thôi.
Macar và Piotr lang thang mãi đến tận chiều; hai người quan sát hết sông Moxkva lại đến các khu phố, xem hết các quầy hàng bán vải vóc quần áo, và dạ dày đã đến lúc đòi ăn.
- Ta đến đồn cảnh sát kiếm bữa vậy. – Piotr bảo.
Macar đi theo, bụng nghĩ đồn cảnh sát là nơi cho ăn cho uống.
- Tớ sẽ trình bày, còn cậu đừng mở mồm mà cứ tỏ vẻ thật khổ sở vào. - Piotr dặn Macar.
Trong đồn chật ních bọn trộm cắp, lang thang, lưu manh, côn đồ và đủ loại bất hạnh khác. Ngồi trước chiếc bàn đối diện đám người này là một nhân viên cảnh sát đang giải quyết lần lượt từng trường hợp một. Kẻ thì anh cho vào nhà tạm giam, kẻ thì anh cho vào bệnh viện, kẻ khác lại bị đuổi cổ ra ngoài.
Đến lượt Piotr và Macar, Piotr liền trình bày:
- Kính thưa đồng chí chỉ huy, tôi tóm cổ được một tay tâm thần trên đường phố và dẫn nó đến cho đồng chí đây ạ.
- Hắn tâm thần thế nào?- Đồng chí cảnh sát hỏi, - Hắn đã phá phách gì chỗ công cộng?
- Chưa phá phách gì đâu ạ, - Piotr thật thà khai báo, - Hắn lang thang, tâm thần rất bất ổn, rất có thể hắn sẽ đập nát hết mọi thứ, lúc đó thì sẽ thành tội phạm. Mà cách đấu tranh chống tội phạm hữu hiệu nhất là ngăn chặn nó. Và chính tôi đang ngăn chặn tội phạm.
- Chí lí! - Đồng chí cảnh sát nhất trí ngay lập tức. - Ngay bây giờ tôi sẽ cho gửi hắn đến viện nghiên cứu bệnh nhân tâm thần để người ta khám tổng thể...
Đồng chí cảnh sát đã viết xong giấy và rồi lo lắng nói:
- Tất cả đã được phái đi hết, không có ai áp giải các anh đi rồi...
- Cho phép tôi dẫn hắn đi, - Piotr đề nghị, - Tôi là người tỉnh táo mà, chỉ có hắn bị tâm thần thôi.
- Giải đi! - Đồng chí cảnh sát mừng rỡ đưa cho Piotr mẩu giấy.
Sau một giờ đồng hồ hai người tìm đến được viện nghiên cứu bệnh nhân tâm thần. Piotr trình bày rằng cảnh sát cử anh áp giải tên ngốc nguy hiểm tới đây, rằng anh không được lơi là vơi hắn dù chỉ một phút, mà tên ngốc này thì chưa ăn uống gì và sắp lên cơn điên đến nơi.
- Các anh xuống ngay nhà ăn, ở đó người ta sẽ cho ăn đấy. - Chị y tá trực ban tốt bụng chỉ dẫn cho Piotr.
- Nhưng thằng cha này nó ăn khỏe lắm, - Piotr từ chối, - Một mình nó ngốn hết cả liễn xúp với hai liễn cháo cơ đấy. Cứ cho người mang đến thôi, xuống bếp thì nó nuốt hết cả chảo của nhà bếp mất.
Chị y tá phục vụ ngay. Macar được cấp ba suất ăn tươm tất, và Piotr cùng được chén no nê.
Ngay sau đó, bác sĩ tiến hành khám cho Macar, hỏi anh những vấn đề thuộc hoàn cảnh mà Macar do ít học nên trả lời các câu hỏi của bác sĩ như một người điên thực sự. Thế là bác sĩ khám cho Macar rất kĩ và nói rằng tim anh bị ứ quá nhiều máu.
- Phải giữ lại để còn theo dõi tiếp. - Bác sĩ kết luận về bệnh trạng của Macar.
Vậy là cả Macar và Piotr cùng ở lại ngủ đêm tại viện. Tối hôm ấy hai anh chàng rủ nhau tìm đến phòng đọc sách của viện, và Piotr đọc cho Macar những cuốn sách của Lenin.
“ Các công sở của chúng ta là thứ phế thải, - Piotr đọc cho Macar đang chăm chú lắng nghe những dòng của Lenin và lấy làm vô cùng kinh ngạc trước trí tuệ sáng suốt của Người, - Pháp luật của chúng ta - đáng vứt đi. Chúng ta chỉ mới biết ra chỉ thị mà chưa biết thực thi. Ngự trị đầy rẫy trong các công sở của chúng ta là những kẻ đi ngược lai quyền lợi của chúng ta, một số đồng chí khác của chúng ta thì trở nên quan cách, làm việc như những anh ngốc...”
Các bệnh nhân tâm thần khác cũng bắt đầu chăm chú nghe Lenin. Họ chưa hề biết là Lenin giỏi đến thế, điều gì Người cũng thấu đáo như thế.
- Đúng quá! - Tất cả bệnh nhân tâm thần đều là công nhân và nông dân cùng thốt lên, và Piotr mặt rỗ lại đọc tiếp:
“Trong các công sở cần có thêm nhiều công nhân và nông dân tham gia làm việc. Chủ nghĩa xã hội cần phải được xây dựng bằng bàn tay của quần chúng nhân dân chứ không phải bằng giấy tờ quan liêu nơi công sở của chúng ta. Và tôi không hề mất đi niềm hi vọng rằng, đến một lúc nào đó dân chúng sẽ treo cổ tất cả chúng ta một cách đáng đời vì tội đó”...
- Thấy chưa? - Piotr hỏi Macar, - đến Lenin mà cũng bị các công sở hành hạ, trong khi đó chúng ta chỉ biết nằm dài chán lại lăng quăng vớ vẩn. Cậu thấy chưa, cách mạng là vậy đấy, được viết giống sự thật chưa... Tớ sẽ thủ cuốn sách này luôn vì ở đây có công sở, và ngay ngày mai cậu với tớ sẽ tìm đến một văn phòng bất kì, sẽ nói rằng chúng ta là công nhân và nông dân. Tớ với cậu sẽ ngồi trong công sở và sẽ suy nghĩ cho toàn thể quốc gia.
Rời phòng đọc, Piotr và Macar kéo nhau đi ngủ để lấy lại sức lực sau một ngày đầy vất vả trong viện tâm thần. Lại nữa, ngày mai họ sẽ còn phải tiếp tục đấu tranh cho sự nghiệp của Lenin và toàn thể người nghèo.
Piotr biết nơi họ cần đến là chỗ nào rồi. Đó là BCN[ii], nơi quí trọng những kẻ bị oan ức và phiền nhiễu. Mở hé cửa căn phòng đầu tiên trên hành lang tầng hai của BCN, họ thấy vắng ngắt, tịnh không một bóng người. Trên cánh cửa phòng thứ hai dán tấm áp phích ngắn gọn:” Ai thắng ai?”; Macar và Piotr bước vào căn phòng này. Trong phòng không còn ai khác ngoài đ/c[iii] Shumovoi đang ngồi điều hành cái gì chẳng biết. Ông đã bỏ lại làng quê của mình cho các anh chàng mu gích muốn làm gì thì làm để đến ngồi tại đây.
Macar không hề sợ Shumovoi và bảo Piotr:
- Này, nếu nói “ai thắng ai” thì với lão ta thử xem...
Nhưng anh chàng Piotr đầy kinh nghiệm gạt ngay:
- Âý chớ, đây là nhà nước nhé, không phải món bánh phở đâu nhé. Ta lên cao nữa xem.
Trên cao ấy họ được tiếp nhận ngay, vì ở đó đang thiếu ghê gớm con người và trí tuệ đích thực của quần chúng lớp dưới.
- Chúng tôi là thành viên của các giai cấp, - Piotr trình bày với vị lãnh đạo cao nhất. - Chúng tôi đã tích lũy đủ trí tuệ. Hãy trao cho chúng tôi quyền lực áp chế lũ quan liêu hống hách.
- Các đồng chí hãy tiếp nhận đi. Chính quyền là của các đồng chí, - Vị lãnh đạo cao nhất đáp và trao chính quyền vào tay họ.
Kể từ hôm ấy Piotr và Macar ngồi vào hai chiếc bàn đối diện Shumovoi và bắt đầu tiếp xúc chuyện trò với lớp dân nghèo đến công sở, giải quyết mọi công việc hết sức trí tuệ trên cơ sở cảm thông với những người cùng khổ. Chẳng bao lâu sau, dân chúng không đến công sở của Piotr và Macar nữa, vì hai người suy nghĩ mọi vấn đề đơn giản tới mức tự những người nghèo cũng có thể suy nghĩ và giải quyết được như vậy và tầng lớp lao động bắt đầu tự lo cho bản thân ngay tại nhà mình.
Shumovoi ngồi lại một mình trong công sở, bởi chẳng có ai viết quyết định lệnh cho ông rời khỏi đó. Và một khi ủy ban phụ trách vấn đề xóa bỏ nhà nước còn chưa được công bố thực thi nhiệm vụ thì ông vẫn còn ngồi đó. Đ/c Shumovoi làm ở đấy cả thảy là 44 năm rồi qua đời giữa sự lãng quên và mọi công việc giấy má vốn là sự nghiệp chứa đựng toàn bộ trí tuệ tổ chức NN[iv] của ông.
Chú thích của dịch giả:
Tác giả cố tình sử dụng những từ ngữ sự vụ đựơc dùng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thời kì đầu của chính quyền xô viết mà mặc dù chưa hiểu rõ nhưng những người ít học như Macar rất thích sử dụng, như một thủ pháp gây cười. Người dịch xin in nghiêng những chỗ này.
[ii] BCN - viết tắt trong nguyên bản. Có thể hiểu là “Ban Công Nông”.
[iii] Trong nguyên bản viết tắt nên bản dịch giữ dạng viết tắt chữ “đồng chí”.
[iv] Trong nguyên bản viết tắt chữ “Nhà nước”. Chúng tôi dịch là “NN”.
Anh Macar Hay Hoài Nghi Anh Macar Hay Hoài Nghi - Sưu Tầm