Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội.

Albert Einstein

 
 
 
 
 
Tác giả: Nikos Kazantzaki
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4551 / 235
Cập nhật: 2015-09-12 20:58:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26
ọi sự đã kết thúc. Zorba thu thập dây cáp, dụng cụ vận tải, sắt vụn và gỗ, chất thành một đống chờ thuyền đến chở đi.
- Tôi biếu bác những thứ ấy đó, Zorba, tôi nói, tất cả là của bác. Chúc may mắn.
Zorba nuốt đánh ực như cố nén một tiếng nấc.
- Chúng ta chia tay nhau ư? Lão thì thầm. Sếp đi đâu?
- Tôi ra nước ngoài, Zorba ạ. Cái con dê già trong tôi còn phải nhai hàng lô giấy nữa.
- Sếp chưa học được điều gì hay ho hơn sao?
- Có chứ, Zorba, nhờ bác đấy. Nhưng tôi sẽ áp dụng cái hệ thống của bác, tôi sẽ ứng dụng với sách vở của tôi cái điều bác đã làm với món anh đào. Tôi sẽ ăn thật nhiều giấy cho đến khi nào nó khiến tôi buồn nôn. Tôi sẽ ọe hết ra và bấy giờ sẽ rứt bỏ được nó mãi mãi.
- Không được bầu bạn với sếp nữa, tôi sẽ ra sao, sếp?
- Đừng băn khoăn, Zorba, chúng ta sẽ gặp lại nhau và biết đâu, sức mạnh con người là kinh khủng, một ngày kia, chúng ta sẽ thực hiện kế hoạch vĩ đại, chúng ta sẽ xây dựng tu viện riêng của chúng ta. Không có Thượng đế cũng chẳng có ma quỷ, mà chỉ toàn những con người tự do, và bác sẽ là người gác cổng, Zorba, bác sẽ giữ chùm chìa khóa lớn để mớ cổng, đóng cổng... như ông Thánh Pie vậy...
Ngồi dưới đất, dựa lưng vào thành lều, Zorba liên tục rót rượu uống hết ly này đến ly khác, chẳng nói chẳng rằng.
Đêm đã xuống, chúng tôi đã ăn xong bữa và đang nhấm nháp rượu vang , trò chuyện với nhau lần cuối.
Sáng sớm mai, chúng tôi sẽ chia tay.
- Phải, phải... Zorba nói, vừa bứt ria mép vừa uống. Phải, phải...
Trên đầu chúng tôi, trời đầy sao sáng, bên trong chúng tôi, con tim khát khao trút vợi nỗi niềm, song vẫn nén lại.
"Từ biệt lão mãi mãi", tôi nghĩ thầm. "Hãy nhìn lão thật kỹ , chẳng bao giờ, chẳng bao giờ nữa mắt ta sẽ thấy lại Zorba." Thiếu chút nữa tôi đã gục đầu vào bộ ngực già của lão mà khóc, nhưng tôi ngượng. Tôi cố gượng cười để giấu nỗi xúc động mà không được, một cục gì chẹn ngang cổ họng tôi.
Tôi nhìn Zorba vươn cái cổ chim săn mồi, lặng lẽ uống. Tôi quan sát lão và ngẫm nghĩ: cái cuộc đời này của chúng ta quả là một bí ẩn thật sự đáng ngán. Người ta hội ngộ rồi lại ly tán như những chiếc lá cuốn bay theo gió, mắt ta hoài công lưu giữ hình ảnh khuôn mặt, thân hình hay dáng điệu của người mà ta yêu thương, trong vòng mấy năm, thậm chí ta không còn nhớ mặt người đó xanh hay đen nữa.
"Tâm hồn con người lẽ ra phải bằng đồng, bằng thép thay vì chỉ thuần là hư vô". - Tôi la thầm trong lòng.
Zorba vẫn đang uống , cái đầu to sù rướn thẳng , không động đậy, dường như lão đang lắng nghe những bước chân tiến lại gần trong đêm hay rút sâu vào thẳm cùng bản thể lão.
- Bác nghĩ gì vậy, Zorba?
- Tôi nghĩ gì ấy à, sếp? Chẳng nghĩ gì, chẳng nghĩ gì sất, thật đấy. Tôi chẳng nghĩ ngợi điều chi.
Sau một lát, rót thêm ly nữa, lão nói:
- Chúc sức khỏe sếp.
Chúng tôi cụng ly. Cả hai chúng tôi đều biết rằng một cảm giác sầu não xót xa như thế này không thể kéo dài thêm nhiều nữa. Chúng tôi ắt phải òa khóc, hoặc uống cho say mèm hoặc bắt đầu nhảy như những thằng điên.
- Đàn đi, Zorba. Tôi đề nghị.
- Tôi đã chẳng nói với sếp rồi đó sao? Muốn chơi đàn santuri , cần có một tâm trạng hoan lạc. Một tháng nữa, có khi là hai tháng nữa, tôi sẽ chơi và lúc đó tôi sẽ hát về chuyện hai người chia xa mãi mãi.
- Mãi mãi! Tôi kêu lên, hoảng hốt. Tôi đã nói với lòng mình cái từ khôn bề cứu vãn ấy, song không ngờ lại phải nghe nó được thốt lên thành tiếng.
- Mãi mãi! Zorba nhắc lại, nuốt nước bọt một cách khó khăn. Có nghĩa là... mãi mãi. Những điều sếp vừa nói, nào là sẽ gặp lại, nào là xây dựng tu viện riêng của chúng ta, đều là lời động viên một người ốm nhằm vực hắn đứng dậy. Tôi không chấp nhận cái đó. Tôi không cần thế. Chẳng lẽ chúng ta lại yếu đuối như đàn bà để đến nỗi cần được an ủi như vậy? Dĩ nhiên chúng ta đâu có thế. Phải, mãi mãi.
- Có thể tôi sẽ ở lại đây với bác... tôi nói, thất kinh vì tình thương mến đến mức tuyệt vọng Zorba dành cho tôi. Có thể tôi sẽ đi cùng với bác. Tôi tự do mà.
Zorba lắc đầu:
- Không, sếp đâu có tự do, lão nói. Sợi dây ràng buộc sếp có lẽ cũng chẳng dài hơn sợi dây ràng buộc người khác ( [67] ). Có thế thôi. Sếp bị buộc bằng một sợi dây dài, sếp ạ, sếp đi đi lại lại thoải mái nên tưởng là mình tự do, nhưng sếp chưa bao giờ cắt rời sợi dây đó. Và khi người ta không cắt dây. . .
- Một ngày kia, tôi sẽ cắt. Tôi nói với vẻ thách thức vì những lời của Zorba đã chạm vào một vết thương chưa kín miệng trong tôi.
- Khó đấy, sếp ạ, khó lắm đấy. Muốn làm thế, sếp cần có tí máu điên, tí máu điên, sếp hiểu không? Sếp cần phải liều mọi thứ. Song le, sếp lại có cái đầu tỉnh quá, nó luôn luôn thuyết phục được sếp. Cái đầu của một người giống như anh chủ tiệm tạp hóa, nó luôn tính toán: ta đã mua vào hết ngần này và bán được ngần này, có nghĩa là lãi ngần này hoặc thua lỗ ngần này. Cái đầu là một gã chủ hiệu nhỏ thận trọng, nó không bao giờ liều ném vào cuộc tất cả những thứ nó có, bao giờ cũng giữ lại một cái gì dự trữ. Nó không bao giờ ngắt đứt dây . À không! Nó bám chặt lắm cái đồ năm cha ba mẹ. Nếu để tuột dây, thì cái đầu khốn khổ hỏng kiểu, đi đứt. Nhưng nếu con người ta không bung dây thì xin hỏi sếp, cuộc đời còn có hương vị gì nữa? Vị trà hoa cúc nhạt thếch. Khác hắn với rượu rum, khiến ta thấy được mặt trái cuộc đời.
Lão nín lặng, tự rót cho mình chút rượu nữa, nhưng rồi lại bắt đầu nói tiếp:
- Sếp phải bỏ quá cho tôi, sếp à, lão nói. Tôi chỉ là một kẻ quê kệch vụng ăn vụng nói, lời chữ cứ dính vào răng lưỡi như bùn dính vào giày. Tôi không biết nói những câu hoa mỹ, những lời ca ngợi. Quả là tôi không cỏ khả năng ấy. Nhưng tôi biết rằng sếp thông cảm.
Lão nốc cạn ly và nhìn tôi.
- Sếp hiểu! Lão kêu lên như thể đột nhiên nổi giận. Sếp hiểu và chính vì thế mà sếp sẽ chẳng bao giờ được an lòng. Nếu sếp không hiểu thì sếp đã sung sướng. Sếp còn thiếu cái gì? Sếp còn trẻ, sếp có tiền, có sức khỏe, sếp là người nhân hậu, sếp chẳng thiết gì sất. chẳng thiếu gì, cam đoan thế. trừ mỗi một điều. . . ! Và khi đã thiếu cái đó sếp ạ thì...Lão lắc cái đầu to đùng và lại im lặng.
Tôi suýt bật khóc. Tất cả những điều Zorba nói đều đúng. Hồi còn nhỏ, tôi đầy những xung động điên cuồng, những khát vọng siêu phàm. Tôi không bằng lòng với thế giới. Dần dà, qua thời gian, tôi trở nên bình tĩnh hơn, tôi định ra những giới hạn, phân biệt cái khả thể với cái bất khả, cái thuộc về con người với cái thuộc về thần linh, tôi giữ chắc con diều của mình cho nó khỏi bay mất.
Một vì sao đổi ngôi lớn xoẹt ngang trời. Zorba giật mình và trố mắt như thể lần đầu tiên trong đời được thấy một vì sao đổi ngôi.
- Sếp có thấy ngôi sao ấy không? lão hỏi.
- Có.
Chúng tôi im lặng.
Đột nhiên, Zorba vươn cái cổ gày nhẳng, ưỡn ngực và kêu lên một tiếng man dại, não nùng. Và lập tức, tiếng kêu chuyển thành ngôn ngữ con người và từ đáy bản thể Zorba dâng lên một giai điệu cũ đều đều, đầy sầu muộn và cô đơn. Bản thân lòng đất nứt đôi và tuôn ra cái chất độc ngọt ngào, thấm thía của Phương Đông. Tôi cảm thấy trong tôi mọi dây dợ còn nối kết tôi với can đảm và hy vọng từ từ rữa nát:
iki kiklik bir tépendé ctiyor
Otme dé, kiklik, bemin dertim yetiyor, aman,aman.
Sa mạc, cát mịn trải dài đến tận cuối tầm mắt. Không khí chập chờn, hồng, xanh, vàng, thái dương như muốn nổ tung. Tâm hồn gào lên man dại và hân hoan vì không có tiếng gào nào đáp lại. Mắt tôi đầy lệ.
Trên đỉnh đồi, đôi gà gô chân đỏ nỉ non
Đừng hót nữa, sầu riêng này đã đủ làm ta đứt ruột aman,aman.
Zorba lặng thinh. Lão đưa phắt tay lên lau mồ hôi trán. Lão cúi người về phía trước, trân trân nhìn xuống đất.
- Cái bài hát Thổ Nhĩ Kỳ ấy là bài gì vậy, Zorba? Một lát sau tôi hỏi.
- Bài hát của người chăn đắt lạc đà. Thường được hát trong sa mạc. Hàng bao năm nay, tôi không hát thậm chí cũng chẳng nhớ đến nó nữa. Thế mà bây giờ. . .
Lão ngẩng đầu lên, giọng gay gắt, cổ họng se lại.
- Sếp à lão nói, đã đến lúc sếp phải đi nằm rồi đó. Mai sếp phải dậy từ sáng tinh mơ để kịp đáp chuyến tàu tại Candia. Chúc ngủ ngon.
- Tôi không buồn ngủ, tôi nói. Tôi sẽ thức với bác. Đây là đêm cuối cùng chúng ta ở bên nhau.
- Chính vì thế mà chúng ta phải kết thúc nó cho nhanh. Lão kêu lên, úp cái ly không xuống, ra ý không muốn uống nữa. Ngay lập tức, như thế đó. Như những người đàn ông bỏ phắt thuốc lá, rượu và cờ bài. Như một anh hùng Hy Lạp, một palikari . Cha tôi là một palikari đích thực. Đừng có nhìn tôi. Bên cạnh ông, tôi chỉ là một hơi gió thoảng. Tôi không bén gót ông. Ông ở trong số những người Hy Lạp bao giờ cũng được người ta nhắc đến. Ông bắt tay ai là cơ hồ muốn bóp nát xương người ta ra. Tôi thỉnh thoảng còn nói năng bình thường, chứ cha tôi thì chỉ có gầm, hí và hát hò. Xuân thu nhị kỳ mới thấy một từ ngữ của con người thốt ra từ miệng ông. Chà ông có đủ mọi tật xấu, nhưng ông cắt phăng chúng như chém bằng kiếm vậy. Chẳng hạn, ông hút thuốc lá như cái ống khói. Một buổi sáng ông trở dậy ra đồng cày. Tới nơi, ông đứng dựa vào hàng rào thọc tay vào thắt lưng tìm cái túi đựng thuốc sợi để vấn một điếu trước khi làm việc Nhưng túi thuốc rỗng không, ông đã quên không bỏ thuốc vào trước khi ra khỏi nhà. Ông tức sùi bọt mép, gầm lên một tiếng rồi chồm lên lao về phía làng. Cơn nghiện thuốc làm lý trí ông mất thăng bằng hoàn toàn, sếp thấy đấy. Nhưng thình lình - tôi vẫn bảo tôi nghĩ con người là một bí ẩn mà - ông dừng lại, xấu hổ chín cả người, rút túi thuốc ra lấy răng xé tan ra từng mảnh rồi vứt xuống đất di chân lên và nhổ toẹt vào. "Nhơ nhớp! - Nhơ nhớp - ông rống lên - Đồ đĩ bẩn thỉu". Và từ giờ phút ấy cho đến lúc từ giã cuộc đời, môi ông không bao giờ ngậm một điếu thuốc lá nữa. Ấy là cách ứng xử của những đàn ông thân chính, sếp ạ. Chúc ngủ ngon.
Lão đứng dậy và sải bước băng qua bãi biển. Lão không ngoái nhìn lại lấy một lần. Lão ra tới tận mép biển và nằm dài trên lớp sỏi.
o O o
Tôi không bao giờ gặp lại Zorba nữa. Người giữ la đến trước khi gà gáy sáng. Tôi lên yên và ra đi. Có thể tôi lầm, nhưng tôi ngờ rằng Zorba đang nấp ở một chỗ nào đó quanh đây nhìn tôi ra đi mặc dầu lão không chạy đến nói những lời từ biệt thông thường để cùng buồn bã rưng rưng nước mắt, bắt tay, vẫy khăn và trao đổi những lời nguyện ước.
Cuộc chia ly của chúng tôi gọn như một nhát gươm.
Ở Candia, người ta đưa cho tôi một bức điện tín. Tôi run run đỡ lấy nó nhìn một lúc trước khi mở ra. Tôi biết trong đó nói gì. Tôi có thể thấy với một sự xác thực dễ sợ số từ, thêm số chữ cái chứa đựng trong bức điện.
Tôi bỗng muốn xé nó thành từng mảnh mà không cần mở ra đọc. Việc gì phải đọc khi mà tôi đã biết nội dung? Nhưng than ôi, chúng ta không còn tin ở tâm linh mình nữa rồi. Lý trí, tên chủ tiệm tạp hóa muôn đời, cười nhạo tâm linh, cũng như chính chúng ta cười nhạo những phù thủy và những mụ già làm bùa yểm. Hoặc cười những bà lão lẩm cẩm. Cho nên tôi mở bức điện. Nó được gửi từ Tbilissi. Trong một lúc, các chữ cái nhảy múa trước mặt tôi. Tôi không nhìn ra một từ nào. Nhưng rồi chúng đứng yên và tôi đọc thấy.
CHIỀU QUA STAVRIDAKI CHẾT VÌ SƯNG PHỔI.
Năm năm trôi qua, năm năm dài khủng khiếp trong đó thời gian tăng tốc dần và những biên giới địa lý hòa vào cuộc nhảy, những bờ cõi quốc gia mở rộng rồi lại thu hẹp lại như những nếp phong cầm. Zorba và tôi bị cuốn theo cơn lốc, mặc dù trong ba năm đầu, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được một lá bưu thiếp ngắn gọn của lão.
Một lá thư gửi từ núi Athos - một tấm hình Đức Mẹ Đồng Trinh canh cửa Thiên đàng với cặp mắt to buồn và cái cằm kiên quyết đầy nghị lực. Dưới hình Đức Mẹ Đồng Trinh, Zorba viết bằng cây bút gộc nặng nề bao giờ cũng làm toạc giấy.
"Chẳng hy vọng gì làm ăn ở đây được, sếp ạ. Bọn tu sĩ ở đây toàn đồ vắt cổ chày ra nước. Tôi chuồn thôi. "
Mấy ngày hôm sau lại một tấm bưu thiếp nữa.
"Tôi không thể xách con vẹt đi quanh tất cả những tu viện này như một tên làm trò lưu động. Tôi đã tặng nó cho một tay thầy tu ngộ nghĩnh đã dạy được một con sáo hót câu Kyrie Eleison rất hay Cái con quỷ ấy hót như một tay thầy tu thật sự, nghe mà sửng sốt. Y sắp sửa dạy cả con vẹt tội nghiệp của chúng ta hót thế nữa. Ôi, cái con du đãng này đã trải đủ vành đủ vẻ trong đời. Và gây giờ nó lại trở thành một vị cha cố, con vẹt của chúng ta ấy.
Thân ái. Cha Alexios, án sĩ thánh."
Sau bẩy tháng sau, tôi nhận được một tấm thiệp từ Rumani với hình một người phụ nữ đẫy đà mặc chiếc áo dài lộ ngực.
"Tôi vẫn còn sống. Tôi ăn mamaliga ( [68] ) và uống vodka. Tôi làm việc ở mỏ dầu, bấn thỉu và hôi hám như một con chuột cống. Nhưng xá gì? Ở đây người ta có thể tìm thấy vô khối những thứ mà tâm hồn và dạ dày khao khát. Một Thiên đàng thực sự cho những tên lưu manh già như tôi. Sếp có hiểu không, sếp? Một cuộc sống tuyệt thú... thịt ngon rượu nồng lại thêm cả tình nương. Đội ơn Thượng đế Thân ái.
ALEXIS ZORBA. Chuột Cống."
Hai năm trôi qua. Tôi lại nhận được một tấm thiếp nữa,lần này Serbia.
"Tôi vẫn còn sống. Rét kinh khủng nên tôi buộc phải lấy vợ. Sếp hãy lật mặt sau sẽ thấy mặt nàng - một giếng cái ngon lành. Phần giữa nàng hơi phình ra vì nàng đang đúc cho tôi một Zorba con. Tôi đang bên cạnh nàng , mặc bộ com lê sếp cho tôi và chiếc nhẫn cưới sếp thấy trên tay tôi là của Bouboulina tội nghiệp - không có gì là bất khả . Cầu Chúa ban phước lành cho mụ được siêu độ . Nàng này tên là Lyuba. Chiếc áo ngoài có cổ lông thú tôi đang mặc là một phần hồi môn của vợ tôi. Nàng còn mang đến cho tôi một con ngựa cái và bảy con lợn – cái lũ này thật đến ngộ. Và hai đứa con đời chồng trước. Tôi quên chưa nói với sếp nàng là một quả phụ. Tôi đã tìm thấy một mỏ đồng trong núi ngay gần đây Tôi đã phỉnh được một tay tư bản khác và tôi hiện đang sống đàng hoàng như một vị pasa. Thân ái ".
ALEXIS ZORBA. Nguyên góa ông."
Mặt sau lá thiếp là một tấm ảnh chụp Zorba rất tráng kiện trong y phục chú rể, mũ lông thú và áo khoác dài mới cứng, tay cầm can sang trọng. Lão khoác tay một phụ nữ Xlavơ xinh đẹp không quá hai mươi lăm tuổi, một con ngựa cái hoang hông háng phì nhiêu, nom hấp dẫn và ngổ ngáo, đi ủng cao và ngồn ngộn một bộ ngực mênh mông. Dưới tấm hình có thêm mấy chữ gà bới của Zorba:
Tôi, Zorba và cái mục bất tận, đàn bà. Lần này tên nàng là Lyuba.
Suốt những năm ấy, tôi phiêu du ở nước ngoài. Tôi cũng có cái mục bất tận của tôi, nhưng nó không có bộ ngực mênh mông, không có áo khoác mới và lợn để cho tôi. Một hôm đang ở Berlin, tôi nhận được một bức điện.
"TÌM THẤY MỘT VIÊN ĐÁ XANH TUYỆT VỜI.
ĐẾN NGAY. ZORBA"
Đó là thời kỳ ở Đức đang có nạn đói lớn. Đồng mác xuống giá đến mức muốn mua vật tầm thường nhất, tỉ như con tem, cũng phải mang hàng triệu đồng trong vali. Đói rét, quần áo rách rưới, giày thủng lỗ chỗ, đâu đâu cũng thấy - những gò má Đức hồng hào đã trở nên xanh xao. Hơi nổi gió một chút là người gục ngã trên đường phố như lá rụng trước cơn lốc. Mẹ cho con nhai cao su để chúng nín khóc. Đêm đêm, cảnh sát phải canh gác các cầu bắc qua sông để ngăn các bà mẹ khỏi ôm con lao xuống dòng nước cho dứt nợ trần.
Bấy giờ là mùa đông. Tuyết rơi. Cạnh phòng tôi, một giáo sư Đức dạy ngôn ngữ phương đông cố tự sưởi ấm bằng cách cầm lấy một cây bút lông dài, hì hục chép mấy bài cổ thi Trung Quốc hay một câu danh ngôn của Khổng Tử. Theo cái tập tục vất vả của Viễn Đông, đầu nhọn của cây bút lông, khuỷu tay nhấc cao và tim người viết phải làm thành một hình tam giác.
Sau mấy phút, ông ta thường nói với tôi ra chiều đắc ý mồ hôi bắt đầu vã ra. Tôi sưởi ấm như thế đó.
Chính giữa những ngày cơ cực đó, tôi nhận được tấm thiếp nói trên của Zorba. Mới đầu, tôi phẫn nộ. Hàng triệu người đang chìm vào cảnh sa sút, không có lấy một mẩu bánh mì để duy trì thể xác và linh hồn, vậy mà lão lại gửi đến một bức điện nhắn tôi vượt hàng ngàn dặm đường tới xem một viên đá xanh đẹp. Thây kệ cái đẹp, ma quỷ bắt nó đi! Cái đẹp vô tình chẳng mảy may đoái hoài đến nỗi đau khổ của con người. Nhưng chẳng bao lâu, tôi đâm khiếp hãi: cơn giận của tôi đã bốc hơi và tôi bắt đầu nhận ra rằng lòng mình đang hưởng ứng tiếng gọi phi nhân của Zorba. Trong tôi, một con đà điểu nào đó đang đập cánh đòi bay đi.
Tuy nhiên, tôi không đi. Một lần nữa, tôi lại không dám. Tôi không tuân theo tiếng kêu gào vừa man rợ vừa thần thánh trong tôi, tôi không làm một hành động rồ dại - cao quý nào, mà nghe theo tiếng nói đúng mực, lạnh lùng và mang tính người của lôgich. Bởi thế, tôi cầm bút viết thư, phân trần với Zorba.
Và lão trả lời như sau:
"Cho phép tôi nói thế này: sếp là đồ cạo giấy sếp ạ. Cả sếp nữa, sếp cũng có thể gặp được một viên đá xanh đẹp chí ít là một lần trong đời, hỡi linh hồn đáng thương kia, vậy mà sếp không thấy. Lạy Chúa, đôi khi không có việc gì làm, tôi tự hỏi: có hay không có địa ngục? Nhưng hôm qua, khi thư sếp tới, tôi bèn nói: "Chắc chắn phải có một cái địa ngục dành cho mấy tên cạo giấy như sếp."
Từ đó Zorba không viết cho tôi nữa. Chúng tôi lại bị những sự kiện kinh khủng hơn nữa chia cách thêm.
Thế giới tiếp tục chao đảo, tròng trành như một gã say rượu. Đất nứt ra, nuốt chửng tình bằng hữu và những lo âu cá nhân.
Tôi thường nói chuyện với bạn bè về tâm hồn lớn ấy Chúng tôi khâm phục phong độ tự hào và tự tin, cao sâu hơn lý trí, của con người thất học ấy. Những đỉnh cao trí tuệ mà chúng tôi phải mất bao năm cố gắng gian khổ mới đạt tới, Zorba chỉ nhảy phốc một cái là tới. Và chúng tôi nói: Zorba là một tâm hồn lớn. Hoặc giả, lão nhảy quá những đỉnh cao đó khi ấy chúng tôi nói: Zorba điên.
Cứ thế, thời gian trôi, thấm đẫm cái chất độc ngọt ngào của kỷ niệm. Một cái bóng khác, bóng của bạn tôi cũng đổ dài trên hồn tôi. Nó không bao giờ rời tôi - bởi vì chính tôi cũng không muốn rời nó.
Nhưng tôi không bao giờ nói với ai về cái bóng này.
Tôi trò chuyện thầm với nó, và nhờ vậy, tôi trở nên giao hòa với cái chết. Tôi có cái cầu bí mật của tôi bắc sang bờ bên kia. Khi linh hồn bạn tôi qua cầu, tôi cảm thấy nó mệt mỏi và xanh xao, nó quá yếu không đủ sức để bắt tay tôi.
Đôi khi tôi sợ hãi nghĩ rằng có lẽ bạn tôi đã không đủ thì giờ trên cõi trần để biến sự nô lệ của thể xác thành tự do, hoặc phát triển và tăng cường linh hồn mình cho nó khỏi hoảng loạn và bị hủy diệt vào cái khoảnh khắc tối trọng của cái chết. Có lẽ, tôi nghĩ, anh đã không có thì giờ để bất diệt hóa những gì cần biến thành bất diệt trong anh.
Nhưng thỉnh thoảng anh mạnh lên - có đúng thế không hay đó chỉ do tôi nhớ anh mãnh liệt hơn mà thôi? - và vào những lúc ấy, anh thật trẻ và nghiêm khắc. Thậm chí tôi tưởng như nghe thấy tiếng chân anh bước trên cầu thang.
Một mùa đông, tôi làm một cuộc hành hương đơn độc vào dãy núi Engadine, nơi cách đây nhiều năm, bạn tôi và tôi đã qua những giờ phút tuyệt vời bên một người đàn bà mà cả hai chúng tôi cùng yêu.
Tôi ngủ lại chính cái khách sạn anh đã trọ. Trăng trào tuôn qua khung cửa sổ mở rộng và tôi cảm thấy hồn của núi, của rặng thông tuyết phủ và đêm xanh yên tĩnh ngấm vào tâm trí.
Tôi cảm thấy một diễm phúc khôn tả, như thể giấc ngủ là một vùng biển sâu thanh bình, trong suốt và tôi sung sướng nằm bất động dưới đáy nôi đại dương, nhưng giác quan tôi được phối chỉnh nhạy bén đến nỗi chỉ cần một con thuyền lướt qua trên mặt nước hàng ngàn sải bên trên tôi, cũng có thể gây một vết cứa trên thân thể tôi.
Đột nhiên, một cái bóng đổ dài trên người tôi. Tôi biết đó là ai, giọng anh đầy trách móc.
- Cậu ngủ đấy à?
Tôi trả lời cũng bằng giọng giận dỗi như vậy.
- Cậu bắt mình chờ đợi hoài. Hàng bao tháng nay, mình không nghe thấy tiếng cậu. Cậu lang thang ở những đâu?
- Mình luôn luôn ở bên cậu, song cậu đã quên mình rồi, đâu phải bao giờ mình cũng có sức để gọi, còn cậu thì cố tìm cách bỏ rơi mình. Ánh trăng thật diễm lệ, cả cây cối phủ đầy tuyết và cuộc sống trên trần cũng vậy. Nhưng hãy rủ lòng thương, đừng quên mình.
- Mình đâu có quên cậu , cậu thừa biết điều đó . Những ngày đầu cậu bỏ mình ra đi, mình băng qua những rặng núi hoang dã để làm mệt nhoài thân xác và thức trắng bao đêm nghĩ đến cậu. Thậm chí mình còn viết hàng loạt bài thơ cho vợi nỗi niềm... nhưng đó là những bài thơ khốn khổ không thể làm mình bớt đau. Có một bài bắt đầu như thế này.
Và khi cùng Tử Thần, trên lối mòn gập ghềnh anh bước.
Tôi chiêm ngưỡng đôi thân hình mềm mại cùng đôi vóc dáng.
Tựa đôi vịt trên trở dậy bao đi lúc rạng đông...
Và trong một bài khác cũng bỏ dở, mình kêu lên:
Nghiến răng lại bạn thân yêu, đừng để hồn bay mất.
Anh mỉm cười chua chát, cúi mặt xuống phía tôi và tôi rùng mình khi thấy vẻ xanh xao của anh.
Anh nhìn tôi hồi lâu bằng hai hốc trống hoắm trước kia là đôi mắt, giờ đây chỉ còn hai thỏi đất nhỏ.
- Cậu nghĩ gì vậy? tôi thì thầm. Sao không nói gì đi.
Giọng anh lại vang lên như một tiếng thở dài xa xăm:
- Ôi một linh hồn coi thế giới là quá nhỏ, thì phỏng còn sót lại chút gì? Một vài câu thơ người khác, rải rác và què quặt - thậm chí không trọn một bài tứ tuyệt. Mình lai vãng trên trần, thăm những người thân yêu nhưng tim họ đã khép chặt. Mình còn biết vào đâu? Làm sao mình có thể sống lại được? Mình loay hoay như một con chó chạy quẩn chạy quanh một ngôi nhà cửa đóng then cài. Ôi, giá mình có thể sống tự do, không phải bám vào thân thể ấm nóng đầy sức sống của mọi người như một kẻ sắp chết đuối.
Những giọt lệ trào ra từ hai hốc mắt, hai viên đất nhão thành bùn.
Nhưng thoắt cái, giọng anh rắn rỏi lên.
- Niềm vui lớn nhất cậu đã đem lại cho mình là vào cái lần dự một cuộc liên hoan ở Zurich, anh nói! Cậu còn nhớ không? Cậu nâng cốc chúc sức khỏe mình. Cậu chưa quên chứ? Còn một người nữa với chúng ta...
- Mình nhớ, tôi đáp. Chúng ta gọi nàng là tiểu thư kiều diễm của hai ta...
Chúng tôi im bặt. Dường như từ bấy đến nay, biết bao thế kỷ đã trôi qua. Zurich. Ngoài trời tuyết rơi rơi, trên bàn, có hoa, quanh có ba chúng tôi.
- Thầy nghĩ gì vậy, thưa thầy? Bóng ma hỏi, thoáng chút giễu cợt.
- Nghĩ về nhiều điều, về tất thảy...
- Mình thì đang nghĩ về những lời cuối cùng của cậu. Cậu nâng cốc và run run nói: "Bạn thân mến, hồi cậu còn bé tí, ông nội cậu bế cậu trên đùi và bên đùi kia đặt một cây đàn lia Crete, chơi mấy điệu Palikaria . Tối nay mình uống mừng sức khỏe cậu. Cầu sao định mệnh lo liệu cho cậu luôn ngồi trong lòng Thượng đế như vậy". Chao ôi, Thượng đế đã mau chóng chuẩn y lời cầu nguyện của cậu.
- Có gì là quan trọng? Tôi kêu lên. Tình yêu mạnh hơn cái chết mà.
Anh lại mỉm cười chua chát nhưng không nói gì. Tôi cảm thấy thân xác anh tan ra trong đêm tối, trở thành đơn thuần một tiếng nức nở, một tiếng thở dài, một câu đùa.
Hàng mấy ngày liền, vị cái chết còn tồn đọng trên môi tôi. Nhưng lòng tôi nguôi dịu. Cái chết đã đi vào đời tôi như một gương mặt thân thuộc và yêu dấu, như một người bạn đến thăm ta và kiên nhẫn ngồi trong một góc phòng chờ ta xong xuôi công việc.
Nhưng bóng Zorba thì luôn luôn lởn vởn quanh tôi không buông rơi.
Một đêm, tôi nằm một mình trong nhà riêng bên bờ biển trên đảo Aegina. Tôi đang sung sướng. Cửa sổ tôi mở ra biển, ánh trăng ùa vào, biển cũng sung sướng và khẽ thở dài. Người tôi mệt mỏi một cách khoan khoái vì bơi nhiều và tôi ngủ lịm say sưa.
Bỗng nhiên đúng trước lúc rạng đông, giữa lúc tràn trề hạnh phúc đó, Zorba hiện lên trong giấc mơ tôi. Tôi không còn nhớ lão đã nói gì hoặc vì sao lão đến. Nhưng khi tỉnh giấc, tim tôi như sắp tan nát. Không hiểu sao, mắt tôi đầy lệ, lòng tôi tràn đầy một ước ao khôn cưỡng nổi muốn chắp dựng lại quãng đời chúng tôi đã sống bên nhau trên bờ biển Crete, muốn bắt trí nhớ làm việc và thu thập tất cả những gì Zorba đã để vương vãi rải rác trong tâm trí tôi - lời nói, tiếng la hét, cử chỉ điệu bộ, khóc cười, vũ điệu - để bảo toàn chúng.
Ước muốn này mãnh liệt đến nỗi tôi đâm sợ. Tôi thấy nó như một báo hiệu rằng, đâu đó trên trái đất, Zorba đang hấp hối. Vì tôi cảm thấy tâm hồn hai chúng tôi gắn kết với nhau đến độ dường như không thể nào người này chết mà người kia lại không xao xuyến kêu lên đau đớn.
Trong một thời gian, tôi do dự không muốn tập hợp mọi hồi ức về Zorba để biểu đạt thành lời. Một nỗi kinh hoàng trẻ con xâm chiếm tôi. Tôi tự nhủ: nếu mình làm thế, có nghĩa là Zorba lâm tử nạn thật sự. Mình phải đấu tranh chống lại cái bàn tay huyền bí đang xúi giục mình làm thế.
Tôi cưỡng lại hai ngày, ba ngày, một tuần. Tôi lao vào viết những đề tài khác, đi chơi suốt ngày và đọc rất nhiều. Đó là những mẹo tôi giở ra để tránh né sự hiện diện vô hình nọ. Nhưng đầu óc tôi hoàn toàn bị choán bới một cảm giác bồn chồn mãnh liệt lo lắng cho Zorba.
Một hôm tôi ngồi trên sân thượng ngôi nhà riêng bên bờ biển. Giữa trưa, nắng như thiêu và tôi đang nhìn những sườn núi trần trụi mà duyên dáng của đảo Salamis trước mặt. Đột nhiên, dưới sự thúc đẩy của bàn tay thần thánh nọ, tôi lấy giấy bút nằm dài trên những phiến đá lát nóng bỏng của sân thượng và bắt đầu ghi lại những lời nói và việc làm của Zorba.
Tôi hăm hở viết, hối hả làm sống lại quá khứ, ráng hồi nhớ và tái hiện Zorba chính xác như trong thực tế. Tôi có cảm giác nếu lão mất đi, nó hoàn toàn do lỗi tại tôi và tôi làm việc ngày đêm để vẽ lên trọn vẹn nhất hình ảnh người bạn già của mình.
Tôi làm việc như những thầy mo của các bộ lạc man ri ở Châu Phi khi họ vẽ lên vách hang động các Tổ Tiên họ thấy trong mơ, cố gắng làm sao cho hết sức giống đến mức tối đa có thể để hồn của Tổ Tiên nhận ra đó là xác mình và nhập vào đó.
Trong mấy tuần, tập sử biên của tôi về Zorba đã hoàn thành.
Ngày cuối cùng, tôi lại ngồi trên sân thượng trong chiều tà và nhìn ra biển, tập bản thảo hoàn tất đặt trên lòng. Tôi sung sướng và nhẹ nhõm như thể vừa cất được một gánh nặng. Tôi giống như người đàn bà bồng trên tay đứa con vừa lọt lòng.
Đằng sau rặng núi Pelopennesus, mặt trời đỏ ối đang lặn. Vừa lúc đó, Soula, cô thôn nữ nhỏ bé thường mang thư từ, giấy má trên tỉnh gửi về cho tôi, bước lên sân thượng. Cô chìa ra cho tôi một phong thư rồi bỏ chạy. Tôi hiểu. Chí ít tôi cũng có cảm giác là mình hiểu bởi vì khi giở thư ra đọc, tôi không hề giật thót người và kêu lên. Tôi không kinh hoàng. Tôi đã biết chắc. Tôi biết rằng đúng vào cái lúc tôi cầm tập bản thảo đặt trên lòng và ngắm mặt trời lặn, tôi sẽ nhận được bức thư này.
Bình tĩnh, không vội vã, tôi đọc thư. Thư gửi từ một làng gần Skoplije ở Serbia, và viết bằng một thứ tiếng Đức vầy vậy. Tôi dịch như sau:
" Tôi là thầy giáo làng này và tôi viết để báo tin buồn cho ông rằng Zorba, chủ nhân một mỏ đồng ở đây đã chết vào sáu giờ chiều chủ nhật tuần trước. Trên giường lâm chung, ông ta đã mời tôi tới.
" Lại đây, ông hương sư, ông ta nói - Tôi có một người bạn ở Hy Lạp. Khi nào tôi chết xin ông viết hộ cho ông ấy rằng cho đến phút cuối cùng, tôi vẫn hoàn toàn tỉnh táo và nghĩ đến ông ấy. Và nói với ông ấy rằng, bất kể tôi đã làm gì, tôi vẫn không hối tiếc. Bảo ông ấy rằng tôi mong ông ấy khỏe mạnh và đã đến lúc ông ấy phải tỏ ra khôn ngoan một chút. Nghe thêm một phút nữa thôi.
Nếu có tay linh mục nào đó đến bảo tôi xưng tội và làm phép bí tích cho tôi thì bảo hắn cuốn xéo cho mau và rủa nguyền tôi thì mới hợp lý. Tôi đã làm vô số, vô số việc trong đời mà vẫn thấy chưa đủ. Những người như tôi lẽ ra phải sống ngàn năm. Chúc ông ngủ ngon.
"Đó là những lời cuối cùng của ông ta. Nói rồi, ông ta ngồi phắt dậy trên giường tung hết chăn mền và cố đứng lên. Chúng tôi chạy đến ngăn ông ta - Lyuba vợ ông ta và tôi cùng với mấy người hàng xóm lực lưỡng. Nhưng ông ta thô bạo gạt tất cả bọn tôi sang bên, nhảy khỏi giường và ra chỗ cửa sổ. Ở đó, ông ta nắm chắc lấy khung cửa, nhìn ra tận dãy núi xa, giương to mắt và cất tiếng cười, đoạn hí vang như ngựa, ông đã chết trong tư thế đứng như vậy, móng tay cắm ngập vào thành của sổ.
"Bà vợ Lyuba của ông ta nhờ tôi viết thư cho ông và gửi ông lời chào kính trọng. Người quá cố thường nói chuyện về ông luôn, bà ta nói. Và dặn lại rằng sau khi ông ta chết phải dành tặng ông một cây đàn santuri để nhắc ông nhớ đến ông ta. Vì vậy, bà quả phụ xin ông nếu có qua làng chúng tôi, thì quá bộ tới nghỉ đêm tại nhà bà để bà được đón tiếp và sáng hôm sau, khi ra đi, mang theo cây đàn santuri."
Alexis Zorba, Con Người Hoan Lạc Alexis Zorba, Con Người Hoan Lạc - Nikos Kazantzaki Alexis Zorba, Con Người Hoan Lạc