Số lần đọc/download: 441 / 1
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
“6
câu hỏi tại sao” như một bài tập về tư duy thường được các nhà tư vấn dùng để gợi ý cho khách hàng bằng cách sử dụng chính ngôn ngữ của họ. Kỹ thuật này rất đơn giản. Nếu bạn gặp một trở ngại nào trong cuộc sống, hãy hỏi “tại sao?”. Sau khi có câu trả lời, hãy tiếp tục hỏi “tại sao” thêm 5 lần nữa. Việc hỏi “tại sao” liên tiếp có thể làm bạn cảm thấy khó chịu hoặc nghe giống như trẻ con. Tuy nhiên, kỹ thuật này sẽ giúp bạn tìm ra đựơc câu trả lời thực sự của một vấn đề hay một sự thật mà bạn không ngờ đến. Với “6 câu hỏi tại sao” bạn sẽ không bỏ sót bất kỳ một ý tưởng nào.
Gần đây, tôi đã sử dụng thành công kỹ thuật này khi thực hiện dự án tái xây dựng thương hiệu cho một công ty, nhằm thu hút thêm nhóm đối tượng khách hàng cao cấp. Khi bắt đầu nghiên cứu về ngôn ngữ thương hiệu của họ, tôi phát hiện dòng sản phẩm mang thông điệp chỉ phù hợp với những khách hàng phổ thông. Theo phản ứng đầu tiên, tôi định nói ngay với khách hàng: “Hãy thay đổi thông điệp này!”. Nhưng khi kịp thời ngăn lại sự thôi thúc đó để đặt ra câu hỏi “tại sao?”, chúng tôi bắt đầu đi sâu hơn vào vấn đề. Và sau khi hỏi “ tại sao?” thêm 5 lần nữa, vấn đề trở nên sáng tỏ. Lúc đầu, khách hàng chỉ trả lời “vì lâu nay vẫn làm vậy”; sau đó họ cho biết thông điệp này được con trai của người sáng lập công ty tạo ra vào thập kỷ 40 để thu hút khách hàng. Với thông tin đó, tôi có thể đưa ra những lý do hợp lý để yêu cầu họ thay đổi thông điệp của dòng sản phẩm. Và với việc thay đổi này, họ đã thu hút thành công đối tượng khách hàng mục tiêu.
Khi tìm việc, tại sao hỏi “tại sao”?
Giả dụ bạn đang tìm kiếm một công việc trong ngành, nhưng công việc hiện tại bạn đang làm chỉ được vài tháng hay bạn đã nghỉ làm một thời gian. Đừng chỉ đơn thuần lấy lại hồ sơ cũ để ứng tuyển, hãy thay đổi cách dùng từ trong hồ sơ để chúng trở nên sống động và cập nhật hơn! Hãy bắt đầu đi một vòng thị trường, xem những thông báo tuyển dụng mới nhất cho vị trí bạn nhắm đến. Bạn sẽ khám phá được một điều : tuy những yếu tố cơ bản của công việc không thay đổi, nhưng cách nhà tuyển dụng đề cập về những yêu cầu này không còn như trước.
Với những mô tả công việc này, bạn hãy tự hỏi tại sao chúng được viết như vậy và tại sao nhà tuyển dụng lại yêu cầu hay chú trọng những kỹ năng này? Những câu trả lời sẽ giúp bạn đi đúng hướng và cập nhật hồ phù hợp. Chẳng hạn, với cụm từ bạn dùng trước đây trong hồ sơ: “quản lý các kế hoạch nghiên cứu thị trường”, bạn có thể diễn đạt lại chi tiết hơn như: “tổ chức các buổi thảo luận nhóm (focus group) để tìm ra khuynh hướng tiêu dùng.” Rõ ràng hồ sơ của bạn đã chi tiết và hấp dẫn hơn! Và đó chính là ngôn ngữ khiến nhà tuyển dụng muốn liên hệ ngay với bạn.
Khi bạn chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, các câu hỏi “tại sao” cũng vô cùng hữu ích. Với một câu giới thiệu về bản thân: “Tôi được đề cử 4 lần cho danh hiệu Nhà Quản Lý Kinh Doanh Của Năm khu vực phía Đông”, bạn có thể thay đổi hay hơn trước khi gặp nhà tuyển dụng. Hãy đặt câu hỏi “tại sao” đầu tiên, bạn tìm ra câu giải thích “Bởi vì tôi đã gia tăng doanh số 23%”. Đặt câu hỏi “tại sao” thứ hai (hay chính xác hơn là “Như thế nào”) bạn nắm được chi tiết những gì bạn đã làm để đạt được mục tiêu này. Câu trả lời ở đây có thể là: “Bởi vì tôi đã xây dựng được một cách tiếp cận khách hàng hoàn toàn mới.” Câu hỏi “tại sao” thứ ba sẽ đi sâu hơn về hiệu quả công việc của bạn. Tiếp đến, trả lời cho các câu hỏi “tại sao” thứ tư, năm và sáu sẽ giúp bạn trình bày được những gì bạn có thể đóng góp cho công ty đang ứng tuyển. Bạn thấy đó, bằng cách tự hỏi chính mình để có những giải thích cặn kẽ, bạn có thể tìm ra những câu trả lời cụ thể và đầy đủ cho những câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng.
Khi bạn “săn” một công việc phù hợp với chuyên môn của mình, hãy sử dụng công cụ hữu ích “6 câu hỏi tại sao” để định vị bản thân khác biệt với những ứng viên còn lại.
(Theo marketing.theladders.com)