Số lần đọc/download: 732 / 11
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
M
ặc dù sắp tới lịch phỏng vấn nhưng bạn chẳng mấy hồi hộp và lo lắng, càng không sợ sẽ không được tuyển dụng. Đơn giản vì bạn là... nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, đừng vì thế mà lơ là việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi phỏng vấn sắp tới. Bởi chỉ cần bạn đặt câu hỏi sai thôi, bạn sẽ tự tay phá huỷ cả buổi phỏng vấn quan trọng. Thậm chí cách bạn hỏi có thể dẫn cả bạn và công ty của bạn tới những rắc rối về pháp luật. Vậy những điều gì nên tránh trong một buổi phỏng vấn?
Trên thực tế, không ít câu hỏi bạn đặt ra có thể dẫn bạn tới những rắc rối không đáng có. Số khác lại có thể phá huỷ sự thành công của buổi phỏng vấn. Đó là lý do bạn cần phải tìm hiểu kỹ về những vấn đề pháp luật liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng... Một câu hỏi nghèo nàn luôn dẫn tới một câu trả lời thiếu thông tin, thậm chí làm ứng viên hoảng sợ. Vậy bạn cần phải làm gì?
1. Tuyệt đối không đùa
Nói đùa, kể chuyện phiếm hay sử dụng những nhận xét dí dỏm trong quá trình phỏng vấn có thể khiến ứng viên của bạn hiểu sai thông điệp của buổi nói chuyện. Để tránh hiểu lầm, tốt nhất nên sử dụng từ với nghĩa đen, nghĩa thực nhất của từ.
Thêm vào đó, cũng cần tránh nói đùa, hay sử dụng những nhận xét "dí dỏm" không đúng lúc đúng chỗ, đặc biệt là với các vấn đề về tuổi tác, tôn giáo, dân tộc...
2. Đừng tự độc diễn quá nhiều
Đưa quá nhiều thông tin về loại ứng viên mà bạn đang tìm kiếm hoặc cung cấp những thông tin thừa thãi về tiêu chuẩn và trách nhiệm của nhân viên được dự tuyển sẽ khiến cho thời gian đầu của buổi phỏng vấn trở thành màn "độc diễn" không nên có của bạn. Cung cấp thừa thông tin đôi khi có thể gây hại cho chính bạn và công ty.
Nhớ rằng, đưa ra quá nhiều thông tin chi tiết không khác gì việc bạn hướng cho ứng viên nói ra những điều mà bạn muốn nghe thay vì lắng nghe những gì họ thực sự nghĩ. Những câu giới thiệu đơn giản và nhanh chóng chuyển thẳng vào chủ đề với list câu hỏi chuẩn bị sẵn là hành xử khôn ngoan nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho ứng viên nói về họ. Tuy nhiên, ở cuối buổi phỏng vấn, bạn có thể chia sẻ thông tin với ứng viên, nếu bạn muốn.
3. Tránh câu hỏi đóng
Dạng câu hỏi đầu tiên mà bạn nên tránh xa là dạng câu hỏi mà câu trả lời chỉ có thể là Có hoặc Không. Thậm chí ngay cả khi bạn muốn ứng viên trả lời câu đó thì cũng nên đặt lại câu hỏi sao cho nó có thể cho ta nhiều thông tin nhất. Bởi biết đâu, chính những câu hỏi gợi đó lại cho bạn những thông tin quý từ phản hồi của ứng viên.
Do đó, thay vì hỏi: Bạn có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng không?
Hãy hỏi: Hãy nói cho tôi nghe, bạn có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng?
4. Nên đảo cấu trúc câu hỏi
Trong các buổi phỏng vấn đơn giản, thường thì nhà tuyển dụng hay sử dụng những câu hỏi chung chung có thể sử dụng cho bất cứ công việc nào. Tuy nhiên, nếu bạn muốn nhận được một câu trả lời chuyên sâu lĩnh vực, hãy hỏi một câu hỏi chuyên sâu. Để nâng cao chất lượng câu hỏi, tốt nhất nên tập trung ý hỏi của mình vào mục tiêu chính, chủ đề chính.
Chẳng hạn, thay vì hỏi: Bạn đã bao giờ quản lý ai chưa?
Hãy hỏi: Hãy kể lại với tôi về quãng thời gian mà bạn quản lý nhóm người đó?
5. Tránh câu hỏi "dẫn dắt"
Sẽ luôn là sáng suốt khi bạn biết cách điều khiển một cuộc phỏng vấn và hướng được buổi phỏng vấn theo ý muốn. Nhưng như thế không có nghĩa là bạn đặt những câu hỏi kiểu "chỉ dẫn" cho ứng viên. Hãy cẩn thận khi đặt cho ứng viên những câu hỏi đã bao hàm ý trả lời có lợi cho ứng viên. Tốt nhất là bạn nên cân nhắc từng từ, từng chữ trước khi đặt câu hỏi.
Ví dụ, bạn không nên đặt câu hỏi: Khi khách hàng giận giữ bạn sẽ quan tâm tới họ nhiều hơn và giúp họ giải quyết vấn đề đúng không?
Thay vì đó, bạn hãy đặt dạng câu hỏi kiểu như: Giả sử trong trường hợp khách hàng giận dữ và gọi tới để phàn nàn, bạn sẽ làm gì?
6. Cần trọng với câu hỏi về tuổi tác
Trong mọi trường hợp bạn không nên đặt ra những câu hỏi liên quan đến tuổi tác của ứng viên, trừ khi đó là yêu cầu của công việc hoặc bạn cần quyết định xem công việc đó có phù hợp với người ở độ tuổi đó không.
Cũng đừng cố gắng đặt câu hỏi kiểu như bạn tốt nghiệp năm nào? Đó không khác gì câu hỏi bạn bao nhiêu tuổi cả. Nếu bạn nhất định phải hỏi câu hỏi liên quan tới tuổi tác, hãy đặt câu hỏi kiểu như: "Chắc hẳn là bạn đủ 18 tuổi rồi?"
7. Không bao giờ được đặt câu hỏi liên quan tới màu da, chủng tộc, nguồn gốc dân tộc, giống nòi ...
Mọi câu hỏi liên quan tới các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc giống nòi... đều là những câu hỏi không bao giờ nên đặt ra, thậm chí là phạm pháp nếu như bạn cố tình hỏi chúng một cách khiếm nhã.
Trong trường hợp bạn nhất định phải hỏi về những vấn đề này, hãy tham khảo ý kiến các luật sư để xin lời khuyên trước khi bước vào phỏng vấn, để đảm bảo rằng bạn đã hành động đúng và không phạm pháp.
8. Tránh xa câu hỏi về tôn giáo, giới tính
Dù thí sinh có thể hoàn toàn thoải mái khi đề cập tới các vấn đề tôn giáo và giới tính của họ, bạn cũng rất cần cẩn trọng với vấn đề này trong quá trình phỏng vấn. Hãy tập trung câu hỏi về kinh nghiệm làm việc và khả năng của ứng viên. Đương nhiên cũng nên tránh các câu hỏi về các kỳ nghỉ liên quan đến tôn giáo.
9. Không nên có thái độ "miệt thị" với các vấn đề về sức khoẻ hay bệnh tật của ứng viên
Bạn tuyệt đối không nên hỏi các câu hỏi về chuyện ứng viên hút thuốc hay vấn đề sức khoẻ hay bệnh tật, tật nguyền của ứng viên. Hãy nhớ, phải cẩn trọng với luật pháp.
10. Tránh các câu hỏi về tình trạng hôn nhân, con cái, cuộc sống riêng...
Bạn tuyệt đối không nên đặt các câu hỏi về chủ đề này. Những loại câu hỏi này chỉ nên hỏi nếu như bạn đang phỏng vấn, tìm kiếm ứng viên cho các công việc liên quan đến ngành du lịch. Tuy nhiên bạn chỉ có thể hỏi sau khi đã giải thích đây là yêu cầu của công việc và được ứng viên chấp thuận. Nếu như bạn chưa chắc chắn, hãy xin lời khuyên từ các luật sư.
Theo VTV