A home without books is a body without soul.

Marcus Tullius Cicero

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Thanh Hải
Số chương: 108 - chưa đầy đủ
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5810 / 96
Cập nhật: 2016-04-25 23:39:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
91 - Uông Đông Hưng (Thế Kỷ Xx) - Điệp Viên-Vệ Sĩ Của Mao Trạch Đông
ông Đông Hưng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Thái Hòa, tỉnh Giang Tây. Năm 1927, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lập căn cứ du kích ở núi Tĩnh Cương, tỉnh Giang Tây được ít lâu, Uông Đông Hưng gia nhập tổ chức "Hồng tiểu quỷ" của Đội thiếu niên Cộng sản. Năm 1933, Uông Đông Hưng được biên chế vào Hồng quân, làm cảnh vệ tại Cục Bảo vệ Quân khu Mân Tráng, mặc dù khi đó Uông chưa trải qua bất cứ một khóa đào tạo chính quy nào. Ít lâu sau, do sinh ra và lớn lên ở vùng núi Tĩnh Cương nên rất thông thạo địa hình vùng này, Uông được cử làm bảo vệ cho Mao Trạch Đông, nhiệm vụ này được coi là cái mốc quan trọng nhất trong cuộc đời chính trị của Uông.
Rất mực trung thành với Mao, Uông không những chỉ bảo vệ an toàn cho Mao Trạch Đông, mà còn chăm sóc sức khỏe, nấu ăn và làm cần vụ cho Mao. Cảm kích trước lòng tận tụy của Uông đối với mình nên những lúc nhàn rỗi, Mao thường dạy Uông đọc và viết, đồng thời giáo dục lý luận cách mạng cho Uông. Từ giữa những năm 30 đến những năm 40 của thế kỷ XX, giữa Mao Trạch Đông và Uông Đông Hưng đã hình thành một mối quan hệ khăng khít và bền vững. Tháng 1-1935, trong Hội nghị Tuân Nghĩa - hội nghị mang tính bước ngoặt - Mao Trạch Đông thay Chu Ân Lai giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Sau hội nghị này việc bảo vệ Mao Trạch Đông được tăng cường, Uông được giao đứng đầu 12 cảnh vệ để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Mao. Sau cuộc trường chinh, Uông được giao chỉ huy một đội cảnh vệ đặc biệt là "đội súng ngắn" với khoảng 30 tay súng trực thuộc Đoàn bảo vệ Trung ương. Sau năm 1949, Đoàn bảo vệ Trung ương được đổi thành Bộ đội 8341.
Riêng về tên gọi 8341 có hẳn một truyền thuyết về nó. Khi Mao Trạch Đông ở Hương Sơn có gặp một vị đạo sư pháp thuật cao siêu, Mao hỏi đạo sư: "Khi nào thì mình vào Trung Nam Hải mới tốt?". Đạo sư không nói không rằng mà chỉ viết 2 số 99. Mao Trạch Đông lại hỏi: "Quyền vị của mình giữ được bao lâu?". Đạo sư lại viết con số 8341. Mao Trạch Đông không hiểu nổi các thuật số này, nhưng rất kính trọng đạo sư. Ngày 9-9-1949, Mao Trạch Đông vào ở Trung Nam Hải và đổi phiên hiệu đội bảo vệ của mình thành Đội 8341. Sau này, khi Mao Trạch Đông mất, hai thuật số đó mới được giải: Mao Trạch Đông mất ngày 9-9-1976, thọ 83 tuổi (1893-1976) và "trị vì thiên hạ" được 41 năm (1935-1976).
Theo hồi ký của một số bảo vệ của Mao thì từ năm 1947, Uông đã được bổ nhiệm làm phó tham mưu trưởng phương diện quân, do Nhiệm Bách Thời làm tư lệnh, Diệp Tử Long làm tham mưu trưởng. Uông đã từng bảo vệ Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và một số cán bộ khác của Tổng bộ Trung ương Đảng rút khỏi Diên An trước những cuộc tiến công của quân Quốc dân đảng, do Hồ Tùng Nam chỉ huy. Tháng 10-1949, sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Uông Đông Hưng được bổ nhiệm làm phó văn phòng kiêm trưởng phòng bảo vệ Chính vụ viện (tiền thân của Quốc vụ viện). Sau đó ít lâu, Uông được cử làm phó cục trưởng Cục 8, thuộc Bộ Công an. Từ đó về sau, chức vụ của Uông thỉnh thoảng lại thay đổi, nhưng chức trách cơ bản vẫn như thế, tức là bảo vệ an toàn cho Mao Trạch Đông. Từ tháng 12-1949 đến tháng 2-1950, khi Mao Trạch Đông sang thăm Moskva, Uông là người tháp tùng phụ trách công tác bảo vệ bên cạnh Mao. Đây là lần đầu tiên Uông ra nước ngoài. Từ năm 1951-1958, Uông không hề xuất hiện trong bất cứ trường hợp công khai nào. Chỉ có một lần duy nhất báo chí Trung Quốc nhắc đến Uông khi đưa một đoạn tin ngắn của Tân Hoa Xã (ngày 28-12-1955): Uông Đông Hưng được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an, La Thụy Khanh làm Bộ trưởng. Song, hai chức vụ không công khai của Uông có thể khẳng định là quan trọng hơn và có quyền hành nhiều hơn. Đó là Uông làm Cục trưởng Cục Bảo vệ Trung ương Đảng, một tổ chức an ninh đặc biệt, có hành động độc lập tách khỏi các tổ chức an ninh và tình báo khác, mọi hoạt động của Uông chỉ chịu trách nhiệm trước Mao Trạch Đông; và chức vụ thứ hai là Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Bộ đội 8341. Mãi đến giữa những năm 70, Bộ đội 8341 mới đổi phiên hiệu thành 57001.
Bộ đội 8341 có tới hàng vạn người, đảm nhiệm trọng trách bảo vệ an toàn cho Mao Trạch Đông, và bảo vệ các cơ sở quan trọng cũng như những nhân vật quan trọng của Quân - Chính - Đảng. Cơ quan an ninh do Uông Đông Hưng phụ trách còn là một đơn vị thu thập tin tức tình báo. Chính vì vậy mà Mao Trạch Đông biết được mọi thông tin về các mặt xã hội, chính trị, kinh tế cũng như cuộc sống "riêng tư" của những người mà Mao quan tâm. Có thể nói công tác bảo vệ và thu thập tin tức tình báo đã đặt cơ sở quyền lực cho Uông trong những năm về sau này, khi mà thế và lực của Uông đã vững chắc. Với danh nghĩa để bảo vệ an toàn cho Mao Trạch Đông, Uông có "quyền điều tra" rất lớn, làm cho các nhà lãnh đạo khác cũng phải kiêng nể.
Có thể nói hai năm (1958-1960) là một bước thử thách mới trong sự nghiệp chính trị của Uông Đông Hưng khi Uông "bị đày" về làm phó tỉnh trưởng tỉnh Giang Tây - quê hương của Uông (Tỉnh trưởng khi đó là Thiếu Đức Bình). Tại đây, Uông được giao chủ quản ngành nông lâm và khai hoang, kiêm bí thư Đảng ủy Trường đại học Lao động Cộng sản chủ nghĩa mới được thành lập (tạm thời gác bỏ chức Thứ trưởng Bộ Công an). Sở dĩ có sự điều động này là vì trong thời gian đó, Mao Trạch Đông đang phát động phong trào "cán bộ xuống cơ sở, sĩ quan xuống tiểu đội" với mục đích hồi phục sức sống cách mạng cho cán bộ và cải thiện quan hệ giữa sĩ quan với binh lính. Chuyến đi thực tế này của Uông còn có một trọng trách khác là phối hợp với địa phương thành lập các công xã nông thôn và "cuộc đại nhảy vọt kinh tế quốc dân" trong cả nước theo chỉ thị của Mao Trạch Đông. Ngoài phạm vi công tác nông nghiệp, Uông còn tham gia chặt chẽ công tác xây dựng và quản lý Trường đại học Lao động Cộng sản chủ nghĩa Giang Tây. Đây là trường kết hợp công - nông nghiệp không chính quy, gồm các chương trình tiểu học, trung học và đại học, đối tượng chiêu sinh là cán bộ trẻ và trung niên, vừa học, vừa làm. Nhưng đến năm 1961, số phận của trường đại học này bị đe dọa. Vì sau khi "cuộc đại nhảy vọt" bị thất bại, Lưu Thiếu Kỳ đã ra lệnh cho các trường, viện không chính quy phải giải tán. Uông đã yêu cầu Mao Trạch Đông cứu vãn "sản phẩm kết tinh" đó. Ngày 30-7-1961, Mao đã viết một bức thư gửi cho trường này, xác định "phương hướng giáo dục" và đánh giá cao thành tích của nhà trường đã đạt được trong thời gian qua, thậm chí kêu gọi các tỉnh, thành khác phải học tập kinh nghiệm của trường này.
Mặc dù khá bận rộn với công tác tại Giang Tây, nhưng kể từ tháng 12-1960, Uông đã được chính thức tái bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an do Bộ trưởng Tạ Phú Trị lãnh đạo. Từ năm 1961-1965, tên tuổi của Uông rất ít xuất hiện trên báo chí. Mùa hè năm 1966, cuộc Cách mạng văn hóa bước vào một giai đoạn mới. Tháng 8, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập một cuộc họp toàn thể. Tại thời điểm đó, Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình đã bị tước đoạt mọi quyền lực. Mao Trạch Đông và những người ủng hộ ông tiếp tục quản hạt "địa bàn" của mình. Và chức chánh văn phòng Trung ương Đảng đã được Uông Đông Hưng tiếp quản, đây là một bước ngoặt quan trọng thứ hai trong sự nghiệp chính trị của Uông Đông Hưng. Tại thời điểm đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã bị "đóng cửa" (từ mùa hè năm 1966) nên Văn phòng Trung ương đã tiếp quản hầu như tất cả những công việc quan trọng của Ban Bí thư. Sau khi hủy bỏ văn phòng của "Tổ Cách mạng văn hóa" do Trần Bá Đạt cầm đầu và "Văn phòng hành chính" cùng Quân ủy Trung ương do Lâm Bưu khống chế, thì quyền lực của Uông Đông Hưng càng được mở rộng thêm. Văn phòng Trung ương do Uông Đông Hưng cai quản đã điều tiết hầu như tuyệt đối chương trình nghị sự hằng ngày của các cấp trong Trung ương. Ngoài việc được "nâng cao uy tín" trong Đảng, Uông Đông Hưng còn từng bước mở rộng ảnh hưởng của mình trong hệ thống Công an. Uông Đông Hưng chưa từng công khai phát biểu cổ động cho Cách mạng văn hóa, nhưng ông ta là người kiên quyết ủng hộ đến cùng mọi ý tưởng của Mao Trạch Đông. Trong Cách mạng văn hóa, quyền lực của Uông Đông Hưng được tăng dần theo tháng năm. Mọi người đều biết tới "Sự kiện Vũ Hán" xảy ra tháng 7-1967 là một vụ binh biến do quân đội tiến hành, nhưng rất may nó đã được dập tắt nhờ công lao của Chu Ân Lai. Sau sự kiện đó, Uông Đông Hưng đã được bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm Tổ Cách mạng văn hóa của quân đội nhằm tăng thêm "tai mắt" của Mao Trạch Đông trong quân đội.
Có một điều đáng chú ý là trong những năm 60, Uông Đông Hưng "hình như" có quan hệ khá mật thiết và chặt chẽ với Lâm Bưu và Giang Thanh, nhất là trong thời kỳ từ 1966-1968 - cao trào của cuộc Đại cách mạng văn hóa (khi đó, Mao Trạch Đông và Lâm Bưu hợp tác thân mật và chặt chẽ với nhau). Nhưng vốn là người trung thành với Mao nên Uông Đông Hưng đã đứng về phía Mao, chống lại Lâm Bưu khi Mao Trạch Đông và Lâm Bưu xảy ra xung đột. Trong thời kỳ Uông làm vệ sĩ trưởng cho Mao có một vụ "tự sát" bí hiểm: Tối ngày 22-5-1966, Điền Gia Anh, thư ký chính trị của Mao Trạch Đông kiêm Phó chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, đã tự tử ở Hải Yến Đường. Đây là vụ tự sát nổi tiếng ở Trung Nam Hải. Từ năm 1948, Điền là trợ thủ đắc lực, chuyên thảo các văn bản cho Mao Trạch Đông. Sau Hội nghị Lư Sơn năm 1959, giữa Mao và Điền đã xảy ra nhiều mâu thuẫn, ngăn cách, Điền đã nhiều lần đề nghị được chuyển công tác nhưng không được Mao chấp thuận vì Điền biết quá nhiều bí mật về Mao. Đêm hôm Điền tự sát, Uông Đông Hưng, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng kiêm Đội trưởng Đội bảo vệ, đã cử người đến nhà Điền tuyên bố đình chỉ công tác của Điền và lục soát nhà, lấy đi các văn kiện giấy tờ và tuyên bố cả gia đình Điền từ mai "ra khỏi Trung Nam Hải". Có người cho rằng, không phải Điền tự tử mà là bị giết. Tiếp đến là vụ Thứ trưởng Bộ Công an Lý Chấn bị "hãm tử" trong đường hầm từ Trung Nam Hải đến Đại lễ đường Nhân dân. Địa đạo là khu vực bảo vệ đặc biệt. Chỉ có 3 người là Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Lâm Bưu sử dụng. Chu Ân Lai có cho phép Trần Nghị, Giang Thanh, Khang Sinh, Trần Bá Đạt dùng. Ngoài ra, còn có Bộ trưởng Bộ Công an Tạ Phú Trị, Thứ trưởng Bộ Công an Lý Chấn và Uông Đông Hưng, vệ sĩ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, là những người biết tới con đường địa đạo này, nhưng rồi Lý Chấn lại bị "hãm tử". Lý Chấn xuất thân từ Dã chiến quân 2 của Lưu Bá Thừa và Đặng Tiểu Bình, từng là Đội trưởng Đội bảo vệ chính trị của Dã chiến quân 2, là một tướng trí dũng song toàn, được cả Đặng Tiểu Bình và Lưu Thiếu Kỳ yêu mến, nhưng lại bị chết trong tay Tạ Phú Trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Để thanh trừ "hiểm họa" trong Đội bảo vệ chính trị của Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, tốp "đặc nhiệm" trong Trung Nam Hải - Đội 8341 - đã cấm ngặt không cho bất kỳ ai được mang theo vũ khí, do đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lý Chấn đã bị 3 tên võ thuật cao siêu hãm chết trong địa đạo.
Trong cuộc Cách mạng văn hóa, Đơn vị 8341 của Uông Đông Hưng đã bắt giữ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Bành Chân, La Thụy Khanh, Dương Thành Vũ và nhiều nhà lãnh đạo khác. Sau khi bị bắt, tất cả những người này đều "được" Uông Đông Hưng canh giữ trong "Nhà khách đặc biệt" ở Bắc Kinh hoặc tại Trường Cán bộ 725 ở Giang Tây. Nghe nói, Uông Đông Hưng thường xuyên "đến thăm", kiểm tra "tình hình tư tưởng" của những người này và truyền đạt "sự quan tâm" của Mao Trạch Đông đối với sự "tiến bộ" của họ trong việc "tái cải tạo". Tháng 4-1969, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 đã họp và Uông Đông Hưng được bầu làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị - một chức vụ không nhỏ (sau này Uông Đông Hưng được cử vào Bộ Chính trị để cùng với Hoa Quốc Phong cộng tác làm việc). Trong thời kỳ 1969-1970, Đơn vị 8341 được báo chí Trung Quốc tâng bốc thành đơn vị kiểu mẫu về mọi mặt và Uông Đông Hưng là một người rất có ý thức kỷ luật. Nhưng Uông Đông Hưng lại không cho báo chí tiết lộ ông ta là tư lệnh và chính ủy của đơn vị đó. Tháng 9-1971, sau khi Lâm Bưu bị chết vì "tai nạn máy bay" trên đường chạy trốn, Uông Đông Hưng được bổ nhiệm làm thành viên trong tổ chuyên án điều tra tội ác của "tập đoàn phản đảng Lâm Bưu, Trần Bá Đạt". Ngoài Uông Đông Hưng, tổ chuyên án còn có Diệp Kiếm Anh, Lý Đức Sinh, Trương Xuân Kiều, Kỷ Đăng Khuê và Trần Tích Liên (về sau được bổ sung thêm Hoa Quốc Phong và Vương Hồng Văn). Mặc dù vậy, Uông Đông Hưng vẫn luôn ra sức duy trì quan hệ tốt - bảo vệ an toàn cho một số nhà lãnh đạo lão thành như Đặng Dĩnh Siêu (vợ Chu Ân Lai), Đặng Tiểu Bình (giúp Đặng Tiểu Bình trốn khỏi Bắc Kinh)... Chính vì vậy mà khi Mao Trạch Đông chết, Đặng Tiểu Bình quay lại chính trường, Uông Đông Hưng vẫn là nhân vật mà tất cả "mọi người" đều phải cần tới. Có tin nói rằng, sau khi Lâm Bưu bị buộc tội tìm cách ám sát Mao Trạch Đông vào năm 1971, Giang Thanh đã lên án đơn vị 8341 là không đáng tin cậy, nhưng lời buộc tội này của Giang Thanh đã bị Mao Trạch Đông bác bỏ.
Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Uông Đông Hưng đã quay lại đối phó với "bè lũ bốn tên". Đã có người nói rằng, nếu như "bè lũ bốn tên" được sự giúp sức của Uông Đông Hưng thì biết đâu chính cục Trung Quốc đã khác... Nhưng có người lại cho rằng, bản thân Uông Đông Hưng thấy rõ "bè lũ bốn tên" đã tạo dựng lên quá nhiều kẻ thù, nếu đứng về phía "bè lũ bốn tên" thì không những bị đánh bại, mà còn mất tất cả vốn liếng chính trị mà Uông đã tạo dựng bấy lâu nay. Cuối cùng, Uông quyết định đi theo "phò tá" Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình.
Đại hội Đảng lần thứ 11 (tháng 8-1977) đã thừa nhận công lao và tác dụng của Uông Đông Hưng trong cuộc đấu tranh với "bè lũ bốn tên" nên Uông đã được bầu làm một trong bốn phó chủ tịch Đảng - trở thành người lãnh đạo tối cao, đứng hàng thứ 5, chỉ sau Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và Lý Tiên Niệm. Như vậy là Uông Đông Hưng từ một vệ sĩ của Mao Trạch Đông đã trở thành nhân vật số 5 trong Đảng, là một kỳ tích ít người làm được. Thành công nhất của Uông Đông Hưng chính là ở chỗ, bất kể là Lâm Bưu, Giang Thanh hay Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh... họ đều trọng dụng ông ta, mặc dù ông ta đã từng "thân" với người này, "sơ" với người kia, thậm chí "đắc tội" với những người đã từng bị bắt thời kỳ Cách mạng văn hóa. Mặc dù vậy, Uông Đông Hưng vẫn luôn là một trong những nhân vật bí hiểm nhất trong số hàng ngũ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. - Đoàn Tử Huyến (Chủ Biên) 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới.