No entertainment is so cheap as reading, nor any pleasure so lasting.

Mary Wortley Montagu

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Thanh Hải
Số chương: 108 - chưa đầy đủ
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5810 / 96
Cập nhật: 2016-04-25 23:39:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
79 - C-25 - Điệp Viên Đến Nay Vẫn Còn Vô Danh
ội tuần tra sân ga Paris vào buổi tối tháng 1 năm 1918 ngay lập tức thấy khó chịu về người lính đó. Anh ta người to cao, dáng lảo đảo, mặc một bộ quân phục rách, đeo túi đồ buộc bằng dây, đội mũ lệch ra sau gáy, đang định lên tàu đi về phía biên giới Tây Ban Nha.
- Sao anh lôi thôi thế? Xin cho xem giấy tờ! - Đội trưởng yêu cầu.
- Anh đi chỗ khác đi!... - anh ta đáp.
- Bắt anh ta lại! - Đội trưởng ra lệnh.
- Cứ thử đi, - anh chàng sếu vườn xổ ra.
Đám lính sợ hãi dạt ra. Chỉ có một người mở khoá súng. Chàng sếu vườn nhìn thấy, nhếch mép:
- Thôi được, tôi phục tùng sức mạnh.
Anh ta bị giải về đồn. Đến đấy mới vỡ lẽ rằng anh ta trốn khỏi tiểu đoàn lính phạm luật và đang bị theo dõi. Điện truy nã đã được truyền đi khắp nơi.
Vấn đề có vẻ rất rõ và kẻ đào ngũ sẽ bị áp tải về pháo đài, thì lúc đó sĩ quan Phòng nhì (cơ quan phản gián của Pháp) bước vào và nói chuyện với chỉ huy. Ông này rõ ràng là không hài lòng vì có người xía vô, nhưng vẫn ra lệnh thả anh lính.
Viên sĩ quan phản gián phải đích thân dẫn anh ta ra ga và để tránh những sự hiểu lầm khác, phải đưa anh ta lên con tàu sau.
Đêm ấy trôi qua yên ổn, sáng hôm sau, khi con tàu đến gần chỗ xuống, có một toán quân cảnh lên toa và bắt đầu kiểm tra hành khách kỹ lưỡng. "Kẻ đào tẩu" bị lộ vì dáng cao lênh khênh và quân trang xộc xệch. Mặc dầu anh lớn tiếng phản đối, thậm chí đã định vùng ra, nhưng anh vẫn bị bắt và bị tống giam tại thị trấn biên giới Hendey. Anh nằm đó 2 đêm. Đêm thứ ba anh lính gác đi tuần đã nói nhỏ với anh rằng cửa phòng giam sẽ không khoá. Người bị giam bình thản thoát thân. Còi báo động rú lên, khi anh đã ở ngoài tầm bị bắt.
Tiếng súng nổ. Anh nhảy xuống dòng sông băng lạnh Bidassoa, vượt sang bên kia và kêu lính hải quan Tây Ban Nha ứng cứu.
Ngày hôm sau cả hai phía đều nói đến cuộc chạy trốn dũng cảm của người Pháp đào ngũ kia.
Thế là điệp viên Pháp C-25 ở trên đất Tây Ban Nha. Anh được ném sang nước này nhằm thâm nhập vào trung tâm tình báo Đức hoạt động tại đây với cái tên "Bản doanh năm".
Trung tâm này người Đức lập ra ngay từ đầu chiến tranh, tháng 8 năm 1914 ở thành phố San-Sebastian, gần biên giới Pháp. Mục đích của nó là thu thập và xử lý thông tin nhận được từ những người vượt biên và lính đào ngũ của quân đội Đồng minh. Thường là người ta thử thách những người này cẩn thận, sau đó đưa vào một trại cách ly. Nhưng nếu kẻ đào ngũ được người Đức chú ý đến, thì anh ta có thể được tuyển mộ và đưa trả về Pháp. Đó là lối sử dụng "vắt kiệt": khi nào hết khả năng mà anh ta vẫn đòi tiền thì người ta đánh tháo một cách rất đơn giản: tố giác cho người Pháp, người Pháp xử rất nhanh rồi đem bắn.
Người Đức rất tính toán đối với những người vượt biên, họ có cả một bảng giá cho các dịch vụ gián điệp. Chẳng hạn, một bản đồ sân bay chi tiết với danh mục tất cả những gì có trên đó được tính là tám ngàn frank. Bản đồ bao quát pháo binh khu vực là hai mươi lăm ngàn, chỉ thị mật của tổng tham mưu là một trăm ngàn. Tháng 12-1917 người ta đã trả tiền một văn bản mật đánh cắp được của Bộ Tổng tham mưu một khoản tiền kỷ lục là ba trăm tám mươi ngàn frank. Tất nhiên, tiền chỉ được trả sau khi khẳng định được là văn bản thật thông qua một tổ chức gián điệp khác. Số tiền mà "Bản doanh năm" chi ra không phải là vô ích. Thành công của nó khẳng định như vậy: các nhân viên của trung tâm đã thu được thông tin về tình trạng của lính đào ngũ Pháp, về kế hoạch tấn công của Đồng minh năm 1917, về đường đi của chiến hạm "Kleber" (nó đã bị đánh đắm), về kỹ thuật sản xuất lựu đạn đánh hầm trú ẩn và nhiều thông tin khác có giá trị bằng mạng sống của hàng ngàn binh lính Đồng minh.
Khi biết tin về cuộc chạy trốn dũng cảm của C-25, các nhân viên của "Bản doanh năm" đã nghiên cứu rất cẩn thận. Anh ta khác hẳn những người chạy trốn khác ở chỗ những người kia chỉ dám vượt qua những hẻm núi dốc đứng. Đại uý Đức Kraftenberg gặp C-25. C-25 "chân thành" chia sẻ suy nghĩ với ông rằng anh ta thuộc phái hoà bình, căm thù chiến tranh và không muốn chiến đấu. Trong lần hỏi cung thứ hai lâu hơn, C-25 nói rằng anh thạo tiếng Tây Ban Nha, nhưng giấu biệt là biết tiếng Đức. Anh cho biết là có nghề chào hàng đồ thể thao và muốn tìm việc về nghề đó ở Tây Ban Nha. Để lấy lòng đại uý anh thông báo về tình hình khốn quẫn của quân đội Pháp, về tinh thần rã đám của quân đội do cách mạng Nga gây ra và anh phê phán sự giúp đỡ của Đồng minh. Đến cuộc nói chuyện sau thì chính người đứng đầu "Bản doanh năm", tướng Shults, tiếp anh. Ông ta "nắm đằng chuôi":
- Tôi không úp mở gì cả. Tôi nói thẳng luôn. Tôi cần một người như anh. Tôi muốn anh nhận cho một công việc. Nhưng muốn thế anh phải trở về Pháp. Tổ chức của chúng tôi rất mạnh, cho nên sự rủi ro cho anh là tối thiểu. Anh nói thạo tiếng Tây Ban Nha làm cho công việc của anh rất đơn giản: chúng tôi sẽ trao cho anh một hộ chiếu ngoại giao Tây Ban Nha. Tất nhiên, anh có quyền từ chối, nhưng như thế chúng tôi sẽ đưa anh về trại và anh sẽ hối tiếc. Tôi để anh suy nghĩ từ nay tới mai.
Tất nhiên, ngày hôm sau C-25 trả lời đồng ý và ký tên vào một văn bản có nội dung như sau: "Tôi xin thề toàn tâm toàn ý phục vụ nước Đức. Kể từ hôm nay đó là Tổ quốc duy nhất của tôi. Tôi xin hứa bảo vệ bí mật, thận trọng và dũng cảm khi thực hiện mọi công việc được giao phó. Tôi xin thề trước cả Chúa Trời!".
Đầu tiên người ta giao cho C-25 biên tập một tờ báo bằng tiếng Pháp mà người Đức xuất bản ở Tây Ban Nha. Tờ báo này dùng để tuyên truyền trong các trại lính đào ngũ người Pháp. Đây là lúc người Đức kiểm tra anh, họ không giấu giếm.
Mấy tuần sau đại uý Krafenberg gọi C-25 từ Barselona về và giao cho anh nhiệm vụ thật sự đầu tiên. Anh được ăn mặc sang trọng nhất và cầm các giấy tờ mang tên ngài Migel de Palensia, thành viên chính thức của Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế. Trong vai một nhà quý tộc anh đĩnh đạc lên một toa tàu nằm trở về nước Pháp, nơi anh vừa mới ra đi theo con đường đặc biệt. Anh tạm ở lại Paris hơn một tuần chờ đợi liên lạc viên của "thủ trưởng". Một hôm, khi ra cửa khách sạn, có người chuyển cho anh một phong thư hẹn gặp ở dãy cột nhà thờ Đức Bà. Tại đó có một người lạ mặt đến truyền lệnh: lấy được bản vẽ động cơ máy bay mới, sau đó trở về ngay San - Sebastian. Nhiệm vụ không dễ chút nào. C-25 hiểu rằng bọn Đức vẫn theo dõi. Anh lấy bộ quân phục sĩ quan cũ ra mặc, lang thang mấy ngày ở sân bay Burzhe. Tất nhiên, sau đó nhờ sự giúp đỡ của tình báo Pháp anh đã lấy được bản vẽ đã được "chữa đểu" để quân địch không sao dùng được. Với chiến lợi phẩm trong vali anh lại mặc quần áo sang trọng và trở về San- Sebastyan. Thế là từ đó bắt đầu hoạt động thật sự của anh trong ngành tình báo Pháp. Có hai việc đáng chú ý:
Thứ nhất, có một hoàng thân Đức, người nhà của quốc vương Wilhelm II, bị cảnh sát Pháp bắt và có thể bị chết vì tội gián điệp. Vấn đề là ở chỗ, xét về sức khoẻ thì ông ta không thể vào quân đội chính quy được, nhưng tình cảm nghĩa vụ và lòng yêu nước đòi hỏi ông phải tham gia chiến tranh. Ông làm gián điệp rồi bị bắt và bây giờ đang chờ tử hình ở nhà tù Pháp.
Thứ hai, vì quân Đức tiến công thắng lợi vào đầu mùa xuân 1918 nên tình báo Pháp thất bại nặng nề. Quân Đức đã lấy được những danh sách điệp viên được cài lại trong những vùng quân Đức chiếm đóng. Tất nhiên, số đó bị tiêu diệt. Quân Pháp không có thông tin khi đang rất cần. Trong một cuộc họp về vấn đề này nguyên soái Fosh tuyên bố:
- Phải làm sao điệp viên của chúng ta khắc phục được những hậu quả của tổn thất to lớn đó... Đó là việc sống còn đối với chúng ta. Tôi yêu cầu gửi điệp viên sang Đức và khôi phục lại những tổ chức đã mất...
Sau ngày đó tình báo Pháp phải làm một công việc lớn. Họ dùng máy bay ném vào hậu phương quân địch nhiều điệp viên mới. Nhưng ít ra cũng phải có một điệp viên đáng tin cậy móc nối được với quân Đức và chiếm được lòng tin của chúng.
Sau khi đến San-Sebastian điệp viên C-25 được mời ngay đến một cuộc nói chuyện rất nghiêm túc và rất bí mật với tướng Shults. Không giấu được nỗi đau thật sự, ông kể hết về số phận bi đát của Hoàng thân.
- Hiện nay tên tuổi và vị thế của ông, bọn chúng vẫn chưa biết đến. Phải làm sao cứu ông thoát ra được càng sớm càng tốt, trước khi chúng phát hiện ra được sự thật... Chính vua Đức đã yêu cầu tôi giải thoát cho Hoàng thân trẻ tuổi là một trong những người được đức vua quý trọng nhất trong hoàng tộc. Cứ mỗi lần tôi nghĩ rằng bọn Pháp khốn nạn có thể đem bắn ông ta bất cứ lúc nào thì máu tôi lại lạnh đi trong huyết quản. Tôi xin anh giúp tôi cứu lấy ông Hoàng thân tội nghiệp!
Một thời gian sau tướng Shults lại chuyển cho C-25 một bức mật thư (bức thư này hiện được giữ trong kho lưu trữ của cơ quan phản gián Pháp), trong đó nói rằng có một người nào đó tên là Otto Muller đã bị bắt tại Pháp vì tội gián điệp và hiện đang nằm trong nhà tù quân sự chờ toà án quân sự xét xử, và C-25 được giao trách nhiệm giải thoát cho ông.
Ngay khi về đến Paris, C-25 lập tức đến gặp người lãnh đạo của mình. Ông ta mừng run lên:
- Anh chính là người mà chúng ta đang rất cần.
Hôm sau ông này báo cáo lên trên rồi bảo C-25:
- Anh sẽ giúp cho Hoàng thân trốn thoát, ông ta sẽ biết ơn và tin anh, sau đó anh cùng với ông ta trở về Đức và làm việc cho ông ta. Như vậy anh sẽ là người của quân ta trong tổng hành dinh quân địch.
C-25 lập tức bắt tay vào việc. Anh đến nhà tù, nơi giam giữ Hoàng thân. Tình huống giải thoát cho Hoàng thân không được mô tả chi tiết. Chỉ biết rằng để tránh thất thoát thông tin, C-25 đã phải tiến hành chiến dịch đó bằng tiền riêng của mình không tiếc của (khoản tiền không phải là nhỏ!).
Đến giờ quy định anh quăng một chiếc thang dây qua tường nhà giam, Hoàng thân trèo qua và nhảy vào một chiếc ô tô ghé đến. Khi còi báo động cất lên thì họ đã nghỉ chân trong một khách sạn cách xa thị trấn có nhà tù hàng trăm cây số.
C-25 đánh điện về San-Sebastian:
"Món hàng đã xong. Sẽ chuyển hàng đến. Migel".
Họ có hộ chiếu Tây Ban Nha và dễ dàng đi qua biên giới.
Hoàng thân chân thành biết ơn tướng Shults rồi chỉ vào C-25 nói thêm:
- Còn về con người này, nhờ anh ta mà tôi có mặt tại đây hôm nay, tôi sẽ chịu ơn anh ấy suốt đời. Để bầy tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tôi muốn rằng từ nay anh ấy sẽ ở bên tôi mãi mãi.
Tướng Shults phản đối, nói rằng Hoàng thân phải trở về Đức ngay. Đó là lệnh của đức vua.
- Tất nhiên, tôi phục tùng ý chỉ của Người, nhưng tôi muốn mang theo ân nhân của tôi, người mà tôi đã coi là bạn. Xin ông thông báo cho đức vua và xin Người chấp thuận.
Mấy hôm sau có một chiếc tàu ngầm đến đón Hoàng thân. Khi biết rằng ngoài Hoàng thân ra thuyền trưởng còn phải chở theo một người nữa, mà lại là người ngoại quốc, thì thuyền trưởng đã từ chối, nói rằng về vấn đề này đã có một mệnh lệnh cứng mà ông không thể vi phạm. Nhưng lập tức Hoàng thân tỏ thái độ:
- Xin ông chấp nhận cho, đó là ý nguyện của tôi. Và cũng đã có sự chấp thuận của nhà vua rồi.
Thuyền trưởng đành chịu, nhưng yêu cầu Hoàng thân viết giấy. Hoàng thân viết ngay. Chuyến đi ngầm diễn ra thành công. Hoàng thân được đón tiếp long trọng tại cảng của Đức. Trong vòng ba tháng Hoàng thân thường đến tổng hành dinh có kèm theo "anh bạn mới trung thành" của mình. Người ta có ý nghi ngờ C-25 và cử các điệp viên khiêu khích đến gặp anh, nhưng lần nào anh cũng thoát ra trong danh dự. Trong thời gian ba tháng ở Đức anh đã thu thập được nhiều thông tin quý báu, và điều chủ yếu là anh đã tạo được điều kiện để khôi phục mạng lưới điệp viên Pháp. Sau việc đó anh mới cho rằng mình hoàn thành trách nhiệm. Có những tư liệu khẳng định rằng anh đột nhiên rời bỏ Hoàng thân ở Lille và biến đi đâu mất. Con đường chính xác dẫn anh về nhà như thế nào thì không ai biết, nhưng chắc chắn nhất là anh bay về Pháp bằng một chuyên cơ đến đón.
Trong buổi báo cáo tại Bộ Quốc phòng C-25 đã làm ban lãnh đạo cảm phục về tính chính xác và khối lượng to lớn những thông tin tư liệu mà anh lấy được. Phần lớn những thông tin mà anh báo cáo có ý nghĩa hàng đầu: chúng giúp cho Bộ Tổng tham mưu xác định rõ là quân địch suy yếu ra sao và vạch ra chiến lược trước những trận đánh quyết định vào năm 1918.
C-25 qua đời mấy năm sau chiến tranh. Ngay đến lúc lâm chung anh cũng từ chối không thông báo một số chi tiết trong hoạt động của mình trong lòng địch và yêu cầu đừng bao giờ công bố tên tuổi của anh. Yêu cầu đó được tôn trọng. Tên tuổi của điệp viên C-25 vẫn còn chưa ai biết được.
108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới. - Đoàn Tử Huyến (Chủ Biên) 108 Điệp Viên Và Điệp Vụ Thế Giới.