Số lần đọc/download: 344 / 5
Cập nhật: 2020-09-16 21:05:28 +0700
Chương 424: Ba Bang Lớn
T
ên mặt chữ điền còn gọi là Phương Đại Kiểm. Tên thật giống với người. Gã bị Trần Nam thình lình đập cho một gậy, bị choáng váng, lập tức nổi trận lôi đình, đang muốn nổi khùng, nhìn kỹ lại, lập tức nguội bớt ba phần.
- Anh Trần, sao lại là đại ca vậy?
- Tại sao là tao? Sao lại không thể là tao?
Trần Nam tức đến sôi máu, đưa chân lên lại đá thêm một cước vào đùi Phương Đại Kiểm.
- Mẹ mày, mắt giấu trong đũng quần hả, còn chưa nghe rõ ràng đã động thủ rồi? Mạng chó của mày còn được bao nhiêu năm? Bang Thái Đao của mày hết muốn làm ăn ở thành phố Yến nữa rồi hả?
Phương Đại Kiểm chẳng còn dáng vẻ bệ vệ như vừa rồi, cúi gằm mặt xuống, vẻ mặt hoang mang, cúi đầu khom lưng nói liên thuyên:
- Anh Trần, thật xin lỗi, em không biết là anh. Em cũng chỉ là nghe lệnh làm việc thôi…
Bang Thái Đao là bang có thực lực chủ chốt trong ba bang lớn ở thành phố Yến. Nhân lực chủ chốt hơn hai mươi người, tay chân phân tán hơn ba mươi người, phân bộ chủ yếu ở thôn Hưng Đính phía tây thành phố Yến, nên còn được gọi là bang Hưng Đính. Vì mỗi khi đám người của bang Hưng Đính xuất động, mỗi người đều xách theo dao làm bếp, hơn mười mấy con dao làm bếp đại náo thành phố Yến, cho nên lại được mọi người gọi là bang Thái Đao.
Thành phố Yến là thành phố mới, là thành phố được hình thành theo sự phát triển của xe lửa, sau khi lập quốc mới xuất hiện, trở thành thành phố có giá trị sản lượng kinh tế nổi tiếng trong mười mấy thành phố trong tỉnh, là thành phố phát triển nhanh. Cho đến hôm nay, diện tích thành phố không lớn, nhân khẩu cũng không nhiều lắm, xếp hạng gần cuối trong các tỉnh thành cả nước.
Bất quá là thành phố mới phát triển, tuy ít tồn tại vấn đề do lịch sử của thành phố cũ để lại, nhưng trong việc khuếch trương với quy mô lớn cũng gặp không ít vấn đề. Mấu chốt là thị dân Hoàng Lương quá thủ cựu, tư tưởng lạc hậu, được mất gì cũng được. Dân bản xứ cư ngụ đông đảo, tạo thành đoàn thể và dòng họ. Tuy thành phố Yến cách Bắc Kinh - Thiên Tân khá gần, tư tưởng thị dân xem như khá cởi mở, có tinh thần tiến thủ, nhưng do toàn là người di dân đến thành phố, nên đại đa số là người ngoại lai.
Cư dân ngoại lai không rễ không đáy, lại không có quan hệ thân thích hay quan niệm đồng hương, sẽ không đoàn kết, ba phe tứ phái.
Trong quá trình thành phố Yến không ngừng mở rộng, có rất nhiều thôn xóm xung quanh cũng bị biến thành các thôi nội đô. Vì tốc độ mở rộng thành phố quá nhanh, dân quê nhanh chóng biến thành dân thành phố, hơn nữa tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cũng khá, làm nhiều thôn dân phất lên trong một đêm. Từ một người nghèo khổ thu nhập mỗi năm không quá mười ngàn tệ, trở thành triệu phú nhà giàu mới nổi, vì thế, vấn đề cũng lũ lượt xảy ra.
Cuộc sống chính là một quá trình tuần tự từng bước, bất cứ điều gì đột nhiên biến chuyển hay bộc phát cũng đều có thể mang đến hậu quả nghiêm trọng không mong muốn. Người dân quê sau khi phất lên không hề được bồi dưỡng văn hóa, lại không có mục đích cao cả gì để theo đuổi, ngoại trừ có thêm vợ nhỏ, chơi mạt chược, ba hoa, nuôi chim nuôi chó, thì cả ngày chẳng biết làm gì, ngược lại còn gây ra rất nhiều vấn đề cho trị an xã hội.
Thế hệ thôn dân tốt trước đây giờ cũng đã già, chí khí không còn cao nữa, ngoại trừ đánh bài, chơi mạt chược, thì chỉ biết tìm thêm vợ nhỏ, bù đắp cho thời thanh xuân thiếu thốn, những gì mà thời trẻ không có được. Có tiền mà không có văn hóa là một việc thật đáng sợ. Hơn nữa, tiền có được quá dễ dàng, nên bèn cho rằng tiền là tất cả, chính là không sợ trời không sợ đất. Trời là lão đại thì họ phải là lão nhị. Vì thế, sau mười mấy năm phát triển nhanh chóng, cho đến hôm nay, di chứng của việc mở rộng quá nhanh của thành phố Yến bắt đầu xuất hiện.
Điểm tốt của thành phố mới nổi chính là không có gánh nặng lịch sử, có thể đập bỏ tất cả để làm lại, không bị thế lực truyền thống ràng buộc. Cho nên trên đường phố thành phố Yến, đừng nói là cây to mười mấy năm, mà ngay cả cây ba hay năm năm cũng không có, tất cả chỉ là những cành cây con nhỏ như cánh tay một đứa bé, khiến thành phố có vẻ khô cằn không sức sống. Thế hệ thứ hai của những người dân của các thôn nội đô cũng như vậy. Vì các bậc cha chú bán đất mà phất lên nhanh chóng, từ nhỏ đã được hưởng thụ cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng không được giáo dục bởi các bậc cha chú có giáo dục, nên lúc lớn lên, chợt phát hiện rất mơ hồ về cuộc sống, vừa không biết nên làm gì, vừa không biết cuộc đời có gì vui.
Cuộc sống con người chính là cảm thụ, nói cách khác, sống chính là tư tưởng. Người không có tư tưởng chỉ là một cái xác không hồn. Nếu con người chỉ có thân xác mà không có quy phạm đạo đức và độ cao của tư tưởng, thì cũng chỉ như động vật chỉ biết ăn rồi ngủ cho đến chết. Thế hệ thứ hai của đám thôn dân lớn lên, trong mắt họ thế giới tràn đầy điều hấp dẫn, nhưng bản thân lại không có kỹ năng nào, đầu óc ngu si tứ chi phát triển, muốn theo đuổi đời sống mới, chạy về phía thời đại mới, nếu dựa vào bản thân, đối với đám thế hệ thứ hai từ bé đến lớn đều sống cuộc sống an nhàn sung sướng mà nói, hiển nhiên là không thực tế. Bọn họ cũng không thể làm những việc nặng nhọc hay khiêng vác của công nhân lao động giản đơn.
Đối với những người đầu óc ngu si tứ chi phát triển như vậy, việc gì kiếm được lợi nhiều nhất mà cũng nhẹ nhàng nhất? Chỉ có một lựa chọn, đó chính là lăn lộn vào xã hội đen.
Trong đám thôn dân thế hệ thứ hai lăn lộn vào xã hội đen, có khi vì gia sản trong nhà đã kiệt quệ vì mười mấy năm hoang phí, miệng ăn núi lỡ, có khi vì trong nhà còn chút tài sản nhưng không đủ để ăn chơi đàng điếm, cũng có khi gia sản đã bị các bậc cha chú phá tan tành, lại còn thiếu nợ bên ngoài. Tóm lại, đám thôn dân thế hệ thứ hai tụm lại một chỗ cùng có ý bức thiết muốn phát tài, ăn rơ với nhau, liền lập thành cái gọi là đội trị an liên hợp, muốn thu một khoản phí bảo hộ nhất định của những người kinh doanh hay những người bán hàng rong, tên gọi rất mỹ miều, là để bảo hộ lợi ích của tiểu thương không bị xâm phạm.
Đám lái buôn từ bên ngoài đến thành phố Yến kinh doanh, mặc kệ thế nào, trời nam đất bắc cũng được, năm sông bốn biển cũng xong, đều là những người từ nơi khác đến thành phố Yến được vài năm, muốn sống yên cũng không được. Ở thành phố Yến không có căn cơ, hơn nữa tốc độ mở rộng của thành phố Yến quá nhanh chóng, lực lượng cảnh sát không đủ, trị an không theo kịp. Hơn nữa, là thành phố mới phát triển, khắp nơi của thành phố Yến đều là thôn nội đô, gần như mỗi một con đường, từ mười hay mười mấy năm trước đều là đào xới từ thôn trang. Đám thôn dân thế hệ thứ hai chơi bời lêu lỏng đập vào đường nói đường này nhà tao mở, đập vào cây nói cây này nhà tao trồng, dùng khẩu hiệu tổ tông ba đời đến thu phí bảo kê, ai dám không giao!
Đám thôn dân thế hệ thứ hai vốn chỉ muốn thử thôi, ôm đống tiền thu được mà chẳng mất chút công sức. Cho dù chúng muốn lăn lộn vào xã hội đen, nhưng không ngờ rằng mọi chuyện lại thuận lợi đến thế, khiến cho người nằm mơ cũng phải cười. Vì thế, vô số thôn dân thế hệ thứ hai bắt đầu dấn thân vào hành động vĩ đại là thu phí bảo kê. Tính mạng con người có hạn, nhưng hành động thu phí bảo kê là ý tưởng quang vinh vô hạn. Trong khoảng thời gian ngắn, đám thôn dân thế hệ thứ hai lăn lộn trong xã hội đen như cá diếc sang sông, ngập tràn phố lớn ngõ nhỏ của thành phố Yến.
Nơi nào có người thì nơi đó có giang hồ, nơi nào có xã hội đen thì có tranh đấu. Dần dà, xã hội đen như chân rết, không thể đếm xuể. Đám lái buôn khổ không thể tả. Ông chủ phía tây thu phí, ông chủ phía nam cũng muốn, ông chủ phía bắc cũng vậy. Một món tiền phí bảo kê phải nộp cho bốn năm người còn không xong, rốt cuộc ai mới là lão đại?
Đúng vậy, rốt cuộc ai mới là lão đại? Từ xưa, văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị, xã hội đen cũng cần phải chia thành cao thấp, nếu không, cứ mãi mãi cạnh tranh không có thứ tự như thế, tiền kiếm được của đám lái buôn còn không đủ để nộp phí bảo kê, chẳng bao lâu thì đám lái buôn cũng không buôn bán nữa, đến lúc đó tất cả mọi người đều không sống được.
Đúng là giật mình thức tỉnh trong lúc gian nan cực khổ, mười mấy bè phái lộn xộn lớn nhỏ ở thành phố Yến bắt đầu vận động tổ chức lại. Đương nhiên, quá trình tổ chức lại này máu tanh ghê gớm, không phải là nhẹ nhàng đàm phán hay bắt tay một cách nho nhã lễ độ, mà là không nói một lời đã rút dao đâm tới. Sau đó thì mày một dao tao một búa, mày cắt tao một ngón tay, tao chặt mày lại một khúc xương sườn.
Trải qua nhiều trận đấu liên tiếp, đọ sức, tan rồi hợp, mười mấy bang phái lớn nhỏ ở thành phố Yến, có bang bị thâu tóm, có bang bị tiêu diệt, có bang chủ động đầu hàng, còn có bang cải tà quy chính. Tóm lại, quá trình tổ chức lại cũng không lâu lắm, không đến một năm đã xác định được, người chiến thắng sau cùng không phải một bang, mà là ba bang.
Nếu phân chia thành phố Yến theo đường xe lửa xuyên qua, lấy phía đông đường sắt là Kiều Đông, phía tây là Kiều Tây, lấy đường sắt làm trung tâm, phạm vi cách đường sắt ba km là Sở hà Hán giới, là nơi hòa hoãn, xuất phát từ khát vọng ổn định, và nguyện vọng hòa bình lâu dài lại được gọi là Cửu An. Vì thế, ba bang xã hội đen cứ chia khu mà trị, phân chia theo phạm vi thế lực của mình.
Đội Kiều Đông thiên về sử dụng búa, người đứng đầu dùng búa đến xuất thần nhập hóa, nên thường được gọi là Quỷ Phủ Trương, thành viên trong bang mỗi lần xuất động đều cầm theo búa nên còn được gọi là bang Đầu Búa.
Bang Cửu An thích đánh nhau bằng tay trần, nghe nói người cầm đầu là đệ tử tục gia của Thiếu Lâm, võ nghệ cao cường, có thiết tí đồng quyền, tín phụng quyền, nên được gọi là bang Quyền Đầu.
Bên Kiều Tây, mỗi người đều có một con dao làm bếp sáng loáng, hơn nữa, những con dao chúng sử dụng toàn bộ đều đến từ Nhật Bản, là hàng hiệu Quan Tôn Lục. Chuyện xưa kể rằng đám người Nhật xâm lược Trung Hoa đã khét tiếng dùng dao này để chém biết bao người. Kẻ cầm đầu bang này dùng dao làm bếp, mỗi lần vung lên là hàn khí bao quanh, khiến người ta không rét mà run, nên được gọi là bang Thái Đao.
Ba bang lớn này tuy làm vô số việc xấu, coi trời bằng vung, nhưng vì không xuất hiện nhiều trước mặt người dân, cũng không làm hại đến người dân trong thôn xóm, thậm chí người dân thành phố Yến còn không biết đến, ngoại trừ thu phí bảo kê, chuyện mà cả ba bang đều hận thấu xương chính là đám buôn người và ma túy.
Nhưng mấy năm gần đây, ba bang này đã dần dần bị dân chúng biết tới, vì sau khi ba bang này ra hình ra hồn rồi thì bắt đầu tác oai tác quái và hoành hành trong thôn xã, lan rộng đến sinh hoạt của người dân, hơn nữa lại thường xuyên phạm tội, hở ra là động đao động thương trên đường, khiến người dân oán thán.
Nhưng ba bang lớn này vẫn sừng sững không đổ, cơ quan công an cũng dường như chẳng biết đến sự tồn tại của ba bang này. Người dân lén lút nghị luận, không biết ai là người chống lưng cho ba bang này.
Phương Đại Kiểm lúc nãy xem như cũng là một nhân vật có mặt mũi, ngoại trừ hai anh em bang chủ ra, gã có thể xếp hàng thứ ba. Nhưng dù gã là nhân vật thứ ba, thấy Trần Nam cũng không dám làm càn.
Nhắc tới mới nói, cái đám gọi là giang hồ ấy, chung quy cũng chỉ là đám thôn dân của các thôn nội đô và những kẻ ô hợp dưới đáy xã hội tụ tập mà thành, không thể so sánh được với kinh nghiệm sa trường của Trần Nam, Trần Kiều. Hơn nữa, Trần Nam và Trần Kiều luôn kiêu ngạo vì hậu trường vững chắc mạnh mẽ, lại phụng mệnh bảo vệ an nguy của Quan Doãn, cho dù phải lấy mạng người cũng không hối tiếc. Hơn nữa, lúc nãy bị ngăn cản hơn nửa ngày, trong bụng đã sớm có lửa giận khó kiềm nén.
Phương Đại Kiểm đang lo không biết làm thế nào để kết thúc, bỗng nhiên phía sau vang lên tiếng xe ô tô gầm rú. Một chiếc xe hơi lao đến như gió, xông thẳng vào hai anh em Trần Nam và Trần Kiều.