Số lần đọc/download: 1357 / 25
Cập nhật: 2017-09-25 01:46:56 +0700
Q.7 - Chương 44: Ký Sinh
V
ẻ mặt hắn tràn đầy vô tội, thậm chí nhìn như đang cười trên nỗi đau của người khác, tôi hoàn toàn ngẩn ra, trong khoảnh khắc đó không biết phản ứng thế nào, chừng một giây sau mới nghĩ tới phải thu chân lại xem rốt cuộc hắn đã làm ra cái trò gì.
Vừa nhìn vào miệng vết thương của mình, đúng là có máu thật, nhưng không có tình trạng như là mạch máu bị cắt đứt, tôi giật mình, ngoài vết thương hơi nhức nhối ra thì không có bất ký khó chịu nào cả.
Tôi nghi hoặc nhìn về phía hắn, hắn cũng lẳng lặng liếc tôi, tôi không biết đang có chuyện gì xảy ra, rốt cuộc đã cắt trúng mạch máu chưa vậy?
Nhìn một lát, Tiểu Hoa kia đột nhiên nở một nụ cười, cười rất ý tứ, cười tới bất đắc dĩ, tôi càng thêm khó hiểu, mãi sau hắn mới mở lời:
“Tôi chỉ đùa thôi mà”
“Đùa ư?”
Hắn bật cười, vỗ vỗ vai tôi rồi đưa ra một bình nước, bảo tôi tự rửa qua vết thương của mình, sau mới nhìn tôi nói:
“Tính cách cậu thực nhàm chán quá đê.”
Tôi chậm rãi lý giải từng lời của hắn, cũng không lấy làm giận, chỉ là thấy có phần hơi buồn cười, thầm nói tên tiểu tử nhà cậu lấy cái tư cách gì mà đòi giáo huấn tôi chứ? Cũng đâu có thấy cái cá tính nhà cậu sinh động hơn đâu.
Có điều, chuyện lần này đã khiến tôi thay đổi cái nhìn với Tiểu Hoa, tuy rằng ban đầu cũng không cảm thấy người này có vấn đề gì, chẳng qua là hai người chúng tôi dường như có hoàn cảnh giống nhau. Tuy rằng tôi xác định tính cách của mình là như vậy, nhưng tôi cũng hiểu ra được là hắn cũng từng trải qua lối sống đó, có khả năng nhất là dạng người thế nào hoặc khi bị bức bách sẽ trở thành kiểu người ra sao.
Đây cũng là toàn bộ những điều tôi suy ra được, đổ đấu là nghề mà những người trong đó có cùng điểm chung duy nhất, dù cho là Bàn Tử, Muộn Du Bình, Phan Tử, Chú Ba hay bất kỳ một kẻ ngoan cố nào khác, bọn họ làm việc đều lấy hiệu quả và lợi ích làm đầu, cũng không phải nói là chủ nghĩa vụ lợi hoàn toàn nhưng bọn họ không có phải kiểu người sống nghệ thuật tới mức cân não như là “làm việc này cùng với thực tế cuộc sống hoàn toàn chẳng có liên quan gì, cũng không ai có thể lý giải được chuyện của tôi.”
Nhưng cái trò đùa của Tiểu Hoa kia, nhắc tới thì thấy có phần vô nghĩa, đúng ra là hoàn toàn không có lấy một chút ý nghĩa gì cả, đó cũng là nguyên nhân mà lúc vừa rồi tôi không kịp phản ứng. Người đi đổ đấu hẳn là sẽ có nhiều chuyện để nói nhưng chẳng bao giờ lại nói như thế cả, trò đùa đó khiến tôi chợt ý thức được hắn khác với những người bọn họ.
Có lẽ là vì hắn là người hát hí kịch. Điều này khiến tôi không khỏi nhớ tới tới chuyện thú vị của Nhị gia trong Lão Cửu Môn năm xưa, người đó vừa là một tuyệt đỉnh anh hùng lại vừa như một đứa trẻ vậy, hẳn Nhị gia phải là người đáng yêu nhất trong Lão Cửu Môn rồi.
Xử lý xong miệng vết thương, tôi lại dán lên đó vô số băng, nhìn cái chân mình giống như một tác phẩm nghệ thuật hiện đại vậy. Sau đó đeo lại tất, chỉ thấy hắn nhìn vào sâu bên trong động một lát khiến tôi cũng nhòm theo, vừa nhìn phát hiện ngay tóc đang hướng ra ngoài cửa động tràn ra, hiển nhiên chúng bị máu của Tiểu Hoa hấp dẫn.
Tôi liền hỏi xem tiếp theo hắn sẽ làm gì, hắn bị thương như vậy sợ là ngay cả di động một chút cũng khó khăn, nếu không tôi không biết chúng tôi rốt cuộc nên xử lý thế nào ở chỗ này, tôi liền tự quyết định trước tiên cứ đưa hắn tới vách núi rồi từ từ đi xuống.
“Trong khoảng thời gian này, chúng ta tạm thời đừng vào trong đó.” Tiểu Hoa xoa vết thương rồi tiếp, “Bà bà bọn họ hẳn sẽ nhanh chóng gửi tin tức tới đây, hiện tại chúng ta chưa cần thiết đi vào, chuyện tiếp theo hãy cứ chờ tin tức tới.”
Trong cuối động kia có một cái bàn thiết, nhìn không ra người ta đã làm nó từ năm nào, cũng chẳng biết tác dụng ra làm sao, càng không hiểu được cái “khó giải quyết” mà Tiểu Hoa nói rốt cuộc là cái gì, nhưng tình hình trong động nhìn là lập tức hiểu, quả thật không cần phải vào lại lần nữa.
Tôi nghĩ tới lời lão bà bà nói, hai đội cần phải phối hợp với nhau, cũng không biết cuối cùng thì phương pháp liên kết như thế nào, chung quy là trong lòng mơ hồ luôn cảm thấy bất an.
Người của Tiểu Hoa mất hai tiếng mới tới nơi, gần như không ra hình người, lúc nhìn trên đất lại la liệt vết máu, liền hoảng sợ. Chúng tôi phải kể sơ qua sự tình sau đó được sự giúp đỡ của hắn, đưa Tiểu Hoa leo lên trên đỉnh vách núi. Tiếp theo hắn lại xuống dưới, chuẩn bị thêm nhiều thuốc men và lương thực.
Sau vài ngày sống như điểu nhân (người chim ) trong ổ trên vách núi, chỉ có khoảng một tấc vuông, xung quanh bốn phía đều là vực sâu, có thể nói là hoặc không hoạt động thì thôi, chứ một khi đã hoạt động thì phải là hoạt động tiêu hao vô cùng nhiều thể lực.
Độ bình tĩnh của Tiểu Hoa vô cùng tốt, hoặc là ngồi nghịch điện thoại, hoặc là ngơ ngác nhìn ra đỉnh tuyết sơn xa xa, vừa ngồi trên đỉnh núi đá mà nhìn ra tiên cảnh vừa chơi ru-bích thực có một cảm giác rất rối loạn, chung quy thì vẫn khiến tôi thấy như không chân thật.
Mà tôi cũng không thua gì hắn, tựa vào vách đá chót vót gió thổi qua, toàn bộ tầm nhìn bao quát trước mắt chỉ rợp một màu xanh rậm rạp của tán cây phất động từng làn sóng xanh biếc. Tôi cùng Tiểu Hoa trò chuyện rất nhiều về quá khứ, tới mức ngẩn cả người, cảm giác rất giống như hai thằng ngốc đang chờ đợi một điều gì xa xôi. Khốn nhất là đi wc ở đây, đó giống như phá vỡ tất cả mỹ cảnh trước mắt, hơn nữa lại có phần nguy hiểm tới tính mạng.
Trong lúc ở đây, thủ hạ bên dưới vách núi ngày ngày đều phải vào trong thôn gần nhất để gọi điện thoại xác nhận tin tức, ban đầu thì vài ngày chưa thấy có gì tiến triển, nhưng tới ngày thứ ba từ dưới vách núi có người treo lên một phong thư thật lớn.
Chúng tôi liền mở ra, phát hiện tất cả bên trong đó là giấy và ảnh chụp. Bức thứ nhất là Bàn Tử cùng Vân Thái còn có Muộn Du Bình cùng chụp chung, Bàn Tử mặc một chiếc quần đùi, đứng tạo dáng cạnh con suối quen thuộc kia, Muộn Du Bình ngồi trên tảng đá, Vân Thái cũng tạo dáng giống Bàn Tử, cô ấy mặc chiếc in hàng chữ ELAND mà Bàn Tử mua cho, rõ ràng vẫn hiện ra một chút hấp dẫn, rất hợp với ác tâm của Bàn Tử.
Mặt sau ảnh chụp Bàn Tử có viết ba chữ: hâm mộ chưa
Tôi mắng một tiếng, nhìn qua cái áo đẫm máu của Tiểu Hoa phơi bên cạnh, thầm nhủ con mợ nó chẳng lẽ lại nhầm đội mất rồi sao.
Còn dư lại rất nhiều ảnh chụp, đều chụp thời điểm bọn họ vào núi, A Quý cũng ở đó, dường như bọn họ mang toàn bộ đồ vào núi, thấy cả lão bà bà ngồi trên xe rồng, uy phong như một lão phật gia, không khỏi nhớ tới Trần Bì A Tứ, thầm nói không phải bảo là tuổi già đi đổ đấu là bi thảm lắm sao? Những người này nếu không vì vướng vào những rối ren này, hẳn là cuộc sống tuổi già tuyệt đối so với phú hào phải hơn một bậc.
Lật qua một lượt, thấy bọn họ đã tới khe nứt trên vách đá nơi tôi đưa hai người bọn họ ra ngoài, nó nằm dưới chân núi, khắp nơi đều là bụi cỏ um tùm, cũng may mà có thể tìm ra được nơi đó, bao nhiêu trang bị được chất thành một đống bên cạnh khe đá. Muộn Du Bình mặc đồ thám hiểm hang động hình như anh chuẩn bị tiến vào trong.
Những bức ảnh sau không hề chụp tới người, tất cả đều là tình hình bên trong hang đá, nếu có người lọt vào bức ảnh thì cũng chỉ là vô tình chụp phải thôi.
Tiểu Hoa nhìn tới sốt cả ruột lập tức lật qua, liên phiên từng bức thì tới một cái được đánh dấu bút hồng, liền lấy ra xem.
Chúng tôi nhìn tới đó là một đoạn đường đá, chính là nơi trước kia tôi từng đi ra, dưới ánh đèn loang loáng vách đá hai bên đường phản chiếu một sắc trầm ảm đạm. Nhưng có thể nhìn thấy Muộn Du Bình phía trước đứng chắn khiến người sau chụp ra một thứ gì đó bị anh ta che khuất. Đó có vẻ như là một khối đá, bên trên khắc một hình tròn giống như một bức tinh đồ (bản đồ sao).
Ảnh chụp vô cùng rõ ràng, tôi vừa nhìn liền phát hiện bức đồ án kia chắn chắn chính là thứ nằm sâu trong cuối hang động đầy tóc kia, cũng chính là hoa văn trên cái bàn thiết. Bốn phía bàn thiết còn điêu khắc rất nhiều đồ án, mặt sau vài bức ảnh đều là chi tiết về những đồ án đó.
Tiểu Hoa nhìn mà bất giác hít một ngụm khí lạnh, rõ ràng không thể biết được cái này là có ý gì, tôi bảo hắn lật qua xem mặt sau bức ảnh, quả nhiên có người nào đó để lại một hàng chữ bên dưới.
Tôi nhìn bức ảnh kia chỉ tích tắc liền hiểu được là hành động của nhóm Muộn Du Bình có liên quan tới hành động của chúng tôi. Mà mục đích của bọn họ và mục đích của chúng tôi tất nhiên là có cùng quan hệ.
Hàng chữ phía sau ảnh chụp xác nhận suy nghĩ của tôi, nhưng cũng không cho chúng tôi được nhiều gợi ý.
Từ cửa vào trong hơn bảy trăm thước, gặp phải vật cản thứ nhất, để giải quyết được chướng ngại vật này mấu chốt nằm bên chỗ cậu, chẳng biết tình hình bên cậu thế nào rồi, mời cố gắng phân tích.
Viết rất ngắn gọn, rõ ràng, xúc tích, dễ hiểu.
Vì thế có thể suy ra là bọn họ ở Ba Nãi sau khi từ khe nứt trên vách đá kia tiến vào, có thể dựa vào Phong Cách Lôi mà Hoắc lão thái đã phát hiện được một con đường dẫn vào cổ lâu trong núi. Nhưng giữa con đường đó lại xuất hiện một chướng ngại vật, thứ đó được chụp lại trong bức ảnh này.
Tôi không cách nào hiểu được đó là cửa hay chỉ là tường đá cách ly, thậm chí có khi còn là một phiến đá. Nhưng không nghi ngờ gì nữa đồ án bên trên kia hẳn là đồ án trên bàn thiết, giữa chúng tồn tại một sợi dây liên hệ nào đó.
Nếu đúng như lời lão bà bà, Trương gia lâu ngoài mấy tầng kia lộ ra bên trên thì còn một tòa nữa chôn sâu trong đá, vậy người xây dựng và muốn che dấu vị trí của tòa cổ lâu này, cùng với trùng tu cổ lâu Phong Cách Lôi, cũng là cao nhân đã để lại di bút trên một trang bị như cái bàn thiết cách đó cả ngàn dặm. Chắc chắn chúng có ngàn vạn liên hệ với nhau, hơn nữa trong số những cố sự đó khả năng cũng phức tạp tới khó tưởng.
Chúng tôi kẹp những bức ảnh này trên khung thép của “tổ”, từng cái từng cái một cẩn thận quan sát.
Tôi gần như có thể khẳng định phù điêu trên mặt thạch bích kia khắc chính là bàn thiết, nhưng đồ án lại khác nhau, kia là phù điêu hình tròn hẳn là khắc hình dạng bàn thiết.
Mà bàn thiết bốn phía đều khắc đồ án, cũng rất có giá trị thưởng thức tinh tế. Theo như phù điêu trên bề mặt thì toàn bộ đồ hình trên thạch bích cũng không được xem như là một tuyệt tác. Nói cách khác thì nó không có bao nhiêu giá trị nghệ thuật, rất nhiều nét thậm chí còn chưa được hoàn thành, bức phù điêu này chắc chắn mới chỉ là phôi chưa qua gọt giũa.
Theo như phong cách kia mà nói, rõ ràng nó mang đặc trưng đời nhà Thanh, hẳn là không thể tránh khỏi có liên quan tới Phong Cách Lôi. Nếu là do Phong Cách Lôi chủ trì thiết kế, nhưng lại có điểm qua quýt cho xong, xem ra mục đích thiết kế thứ này chắc công dụng nhiều hơn là hình thức trưng bày. Xem ra, chướng ngại vật trên vách đá này không phải đơn giản.
Chúng tôi đem bức ảnh sắp xếp theo một trình tự, từ vị trí mười hai giờ bắt đầu quan sát.
Bức thứ nhất chụp một phù điêu, là một con quái vật.
Những quái vật tồn tại trong truyền thuyết Trung Quốc tôi gần như có thể liệt kê hết ra, nào là tì hưu linh miêu vân vân, nhưng con quái thú này lại vô cùng hiếm thấy, tuy rằng vẫn có vẻ trừu tượng nhưng tôi có thể lập tức nhận ra đó là một con “Hống”.
“Hống” là loài dân gian có hai cách gọi khác nhau, vừa nói là ông của kỳ lân, kỳ lân được xem như thần thú thượng cổ, nhưng phổ biến cho rằng đó là loại có vị trí thấp nhất trong họ nhà rồng. Nhưng “Hống” lại là tổ tông của kỳ lân, lấy rồng làm thức ăn, thuộc loại thượng tầng cực phẩm nhất. Một cách khác lại nói đó là “Bạt”, cũng là một loài bánh tông vô cùng đặc biệt.
Trong phù điêu có “Hống”, bị một vật kỳ quái gì trói buộc cùng với điêu khắc hình tượng bàn thiết kia dính liền nhau.
Bức thứ hai hình như chụp cùng một chỗ với ảnh thứ nhất, toàn bộ đồ án này là một thể hoàn chỉnh, tôi lại nhìn ra một vài hoa văn biểu thị con người, có điều là nhìn qua thì có thể biết được những người đó đều không có tay phải.
Tổng số người không có tay phải là chín mạng, cảnh có xa có gần, đều cởi trần, thân dưới đóng khố, đang trong trạng thái chạy trốn nhưng lại không làm ra vẻ hoảng loạn.
Tôi hiểu điều này cho thấy đây là cơ hội tốt liền không kiềm chế mà đem ra khoe khoang, tôi chỉ vào mấy người kia nói: ” Không được mài giũa cũng không có dấu hiệu tu sửa lại, những người này dường như là được khắc một mạch luôn. Tuy vậy nhưng động tác cùng thân hình của nhân vật trước sau chằng chịt sinh động trên vách đá, chứng minh người điêu khắc này cũng có năng lực rất cao. Mặc dù người đó không coi trọng nhưng với kinh nghiệm nhiều năm của mình hắn vẫn có thể chỉ với vài đường mà điêu khắc ra được một bức hấp dẫn tới vậy.”
Tiểu Hoa không hướng chú ý lại đó, hỏi:” Sao lại không coi trọng?”
Tôi đáp:” Thợ thủ công cổ đại chia làm hai loại, một là những người bản thân đã được khéo tay thiên phú lại tinh thông các loại công trình kỹ thuật được gọi là chưởng án, những người như thế thường chỉ làm những chi tiết nhỏ tinh xảo, những kiểu như mài đá thô họ thường không phải nhúng tay vào. Một nhóm khác được gọi là những thợ thủ công thuần túy có tay nghề cao, những người này thân mang tuyệt kỹ, nhưng luôn luôn phải lao động dựa vào tay nghề và sức khỏe để kiếm cơm. Những người như vậy không làm vì nghệ thuật, vì thế bọn họ không yêu cầu quá khắt khe với bản thân, có cơ hội lười biếng nhất định chớp lấy.”
Phán đoán vừa rồi của tôi là dựa trên công dụng của bức phù điêu này, cũng căn cứ vào đó có thể thấy khiến cho thợ thủ công phải dốc toàn lực để ứng phó chỉ có một cách, đó chính là ông chủ của họ thực rất khó chiều.
Tiểu Hoa gật đầu, bảo tôi tiếp tục nhìn xem.
Tấm hình sau là ở hướng sáu giờ, chụp ra một hình điêu khắc có điểm khó giải thích, đó vẫn là một đám người lại rõ ràng không phải những người vừa rồi chạy trốn, bởi những người này tay đều đầy đủ, hơn nữa còn mang trên người trang phục đặc thù. Tôi liếc mắt là có thể đoán ra kia khẳng định không phải người Hán.
Nhóm người đó trong tay đều cầm trường đao, đầu đội một chiếc mũ kỳ quái. Nhân số rất nhiều, thợ điêu khắc bức này phác họa chồng lên nhau, không cách nào đếm được ra là có bao nhiêu người, mà nhìn tư thế của bọn họ thì dường như đang mai phục.
Tôi cảm thấy rất khó lý giải, dựa theo lệ thường, tổng thể kết cấu cho thấy toàn bộ đồ hình đều biểu đạt một ý tứ độc lập, nhưng phù điêu này lại gồm ba bức cùng một chỗ, lại hết sức tự nhiên. Khó mà nói được chúng có tầng ý nghĩa thứ hai nào hay không.
Như vậy bức ảnh cuối chụp phù điêu cũng rất quan trọng, tôi lập tức nhìn tới tấm cuối cùng.
Ảnh chụp cuối cùng vẫn là phù điêu, nhưng ngoài dự kiến của tôi, trên phù điêu kia có thứ không thể tưởng nổi, chỗ đó cơ bản không phải là điêu khắc mà là ba lỗ hổng tương đối sâu hình hoa mai.
Từ bốn phiến đồ án có phần lớn đường nét mang tính trang trí không chê vào đâu được hợp lại với nhau, giống như một cái đồng hồ cổ quái vậy