Số lần đọc/download: 6108 / 62
Cập nhật: 2015-06-13 10:29:06 +0700
Chương 212: Khói Báo Động
Nguồn: metruyen
Sau khi Dương Nguy mới đến thành Đại Lợi, Dương Nguyên Khánh vẫn luôn suy nghĩ đến việc tìm một sư phụ dẫn dắt y. Đương nhiên hắn cũng bắt đầu suy nghĩ từ những người thân cận với hắn.
Trong số những cấp dưới lớn tuổi của hắn, người có kinh nghiệm nhất chắc chắn là Dương Tư Ân, quan đảm nhiệm Phó thành chủ thành Cửu Nguyên, tướng trấn thủ, người có kinh nghiệm tiếp theo không phải Lưu Giản, cũng không phải Bàn Ngư, mà là Mã Thiệu. Mã Thiệu là một trong những người trầm mặc ít lời, làm việc cũng rất thực tế, có thể chịu cực khổ. Đi theo Dương Nguyên Khánh vài năm, đã lên đến chức thượng trấn ải thất phẩm, tất cả tám cửa ải trong thành Đại Lợi đều do ông ta cai quản, là người Dương Nguyên Khánh rất tín nhiệm.
Hơn nữa cho dù là Lưu Giản hay Bàn Ngư, trong người họ dù ít dù nhiều cũng có một chút tính khí càn quấy của binh lính. Ở Kinh thành Dương Nguy vốn dĩ chính là một gã ăn chơi trác táng, càng không thể để họ dẫn dắt.
Dương Nguyên Khánh liền quyết định sẽ để Mã Thiệu dẫn dắt Dương Nguy, đi tuần tra các cửa ải biên cương, nắm vững kinh nghiệm thực chiến ở biên cương.
Mã Thiệu là người Khương, từ trước đến nay vẫn luôn trầm mặc ít lời. Ông ta không nói nhiều, nhưng luôn nói đúng ý chính. Hơn một tháng nay, Dương Nguy đi theo ông ta thị sát khắp nơi, học được rất nhiều.
Sáng hôm nay, Mã Thiệu dẫn theo hai mươi huynh đệ và Dương Nguy đến tuần tra bên bờ sông Hoàng Hà. Thành Đại Lợi cách Hoàng Hà khoảng hai mươi dặm, đồng thời trên bãi đất cạnh sông có xây một pháo đài và một đài đốt lửa. Bây giờ đã là cuối tháng giêng, phần lớn tuyết đọng trên thảo nguyên cũng đã tan hết, chỉ còn dày không đến nửa thước, ngựa có thể chạy trên mặt tuyết. Khi ngựa của họ đến bên bờ sông Hoàng Hà, nhìn xuống mặt băng như ngọc, Mã Thiệu bỗng nhiên xuống ngựa, cầm đao chạy về phía mặt băng.
- Mã đại ca, đi trên sông làm gì?
Dương Nguy cũng xuống ngựa chạy theo, Mã Thiệu khoát tay chặn y lại. Dương Nguy không dám cử động thêm nữa, ngẩn người nhìn Mã Thiệu. Mã Thiệu nheo mắt, im lặng lắng nghe.
Ông ta bỗng nhiên lấy từ trong túi ra một cái bát sắt, úp trên mặt băng, lỗ tai ghé sát vào bát nghe ngóng. Dương Nguy ngồi xổm xuống hỏi:
- Có cái gì vậy?
Mã Thiệu đứng lên chỉ cái bát, có ý bảo y ngồi xuống nghe. Dương Nguy ghé sát lỗ tai vào bát sắt lắng nghe, y cũng nghe thấy dưới lòng sông vang lên những tiếng ‘cộp! cộp!’ rất nhỏ, thỉnh thoảng mới phát ra một tiếng.
- Đây là tiếng gì, băng trên sông Hoàng Hà sắp tan rồi sao?
Dương Nguy từng nghe Mã Thiệu nói, trước khi băng ở Hoàng Hà tan, đáy sông sẽ vang lên tiếng nứt.
Mã Thiệu gật gật đầu,
- Chậm nhất mười ngày nữa, băng ở sông Hoàng Hà sẽ tan!
Bỗng nhiên, vẻ mặt ông ta trở nên nghiêm túc, nheo mắt nhìn về phía bờ bên kia sông Hoàng Hà. Dương Nguy thấy kỳ lạ, cũng nhìn theo ông ta về phía bên kia bờ sông. Trong cánh rừng rậm cách sông Hoàng Hà khoảng hai dặm, từng đàn chim lớn hoảng hốt bay ra khỏi rừng rậm, Dương Nguy để ý một đàn hươu. Đàn hươu này bỗng nhiên kinh hoàng, chạy tản ra bốn phía, một nhóm kỵ binh người Hồ từ trong rừng lao ra.
Y kinh ngạc hô một tiếng,
- Là người của Tiết Diên Đà!
Mã Thiệu kéo y chạy đi,
- Đi mau! Có ba ngàn người, chúng ta không đối phó được.
Dương Nguy vừa chạy về phía bờ, vừa quay đầu nhìn, trong lòng y thầm kinh ngạc. Y chỉ nhìn thấy hơn mười người, sao Mã Thiệu có thể nhìn thấy được ba ngàn người. Chỉ thấy từ trong rừng quân địch lao ra càng ngày càng nhiều, có khoảng mấy ngàn người, đang thúc chiến mã chạy về phía bên này sông Hoàng Hà.
Hai người chạy lên bờ, xoay người lên ngựa,
- Đến pháo đài!
Mã Thiệu hô lớn một tiếng, giục ngựa chạy về hướng đông.
Chỉ chạy khoảng bảy tám dặm, một ngọn núi cao khoảng hơn mười trượng xuất hiện trước mặt họ, trên đỉnh núi có một pháo đài, đây là pháo đài nằm ở phía đầu bắc Phong Châu, gần sông Hoàng Hà, nên được gọi là pháo đài ven sông, không có nhiều binh lính ở đây, chỉ có khoảng hai mươi binh sĩ.
Mã Thiệu chạy lên pháo đài, thái độ khác thường, hô lớn:
- Đốt khói, đốt ba cột khói!
Lúc này, hơn năm trăm binh lính Tiết Diên Đà đã qua cửa canh gác, chạy qua sông Hoàng Hà, chia làm mười đội, phân tán ra. Ngoài ra mấy ngàn binh lính Tiết Diên Đà còn lại ồ ạt chạt về phía pháo đài, đây là mũi tiên phong của quân địch, thanh trừ pháo đài và đài đốt lửa.
Mã Thiệu chăm chú nhìn đội kỵ binh đang ngày càng tiến đến gần, lầm bầm,
- Đại chiến mã sắp đến nơi rồi!
Ông ta thấy hai mươi binh lính trong pháo đài đã cưỡi ngựa chạy ra, liền vung tay lên,
- Chạy theo ta!
Hơn mười kỵ binh cùng thúc ngựa, lùi về phía thành Đại Lợi. Trên đỉnh pháo đài, ba cột khói báo động được đốt lên, báo tin địch đã đến nơi báo cho toàn bộ thành Đại Lợi.
…
Thời gian dần đến cuối tháng, mây đen của cuộc đại chiến dần bao phủ Đại Lợi. Thám báo quân Tùy đã lục tục phát hiện ra các trạm canh gác lưu động của quân Tiết Diên Đà, cứ năm người hoặc mười người, thăm dò tình bốn phía của thành Đại Lợi, thu thập tin tình báo, không ngừng xảy ra xích mích kịch liệt với thám báo quân Tùy, đó là một điềm xấu.
Mấy năm trước cũng có những trạm canh gác lưu động của quân Đột Quyết xuất hiện ở thành Đại Lợi, nhưng không hề giao chiến với quân Tùy, khi bị quân Tùy truy đuổi, bọn họ liền rời đi. Nhưng trạm canh gác lưu động của Tiết Diên Đà lại giao chiến với thám báo quân Tùy, điều này chứng tỏ chiến tranh chắc chắn bùng nổ.
Công tác chuẩn bị chiến tranh của thành Đại Lợi cũng gấp rút hơn, tường nội thành đã xây xong, hàng chục ngàn thợ thủ công liên tục đi chuyển đá ở các vách đá về. Buổi sáng đi làm, buổi chiều đi tập luyện quân sự, nhưng mấy ngày hôm nay đã dừng làm việc rồi, cả ngày tăng cường huấn luyện. Đội ngũ, đao pháp, trường mâu, năm trăm quân Tùy nghiêm khắc huấn luyện các thợ thủ công.
Hai ngày trước, huyện Ngũ Nguyên lại vận chuyển một số lượng lớn vật tư quân sự đến, cung tiễn vũ khí, đủ để trang bị cho hai mươi ngàn người. Đồng thời còn vận chuyển đến mấy trăm thùng dầu hỏa lớn, đây là loại dầu hỏa thường được vận chuyển để sử dụng trong quân sự trong triều Nam Bắc. Tất cả các vật tư quân sự đều được cất trữ trong các hang đá.
Không chỉ có thế, Ngư Câu La còn điều đến năm ngàn quân, đều do Dương Nguyên Khánh tổng chỉ huy. Như vậy số lượng quân chính quy của thành Đại Lợi lên tới tám ngàn quân.
Dương Nguyên Khánh và Ngư Câu La chậm rãi đi bộ trên tường thành bên ngoài, thảo luận bước phòng ngự cuối cùng. Hai ngày trước Bùi Củ đã đi huyện Ngũ Nguyên, Ngư Câu La không yên tâm về phòng ngự của thành Đại Lợi, nên ở lại thêm hai ngày.
Bên cạnh họ, dân phu đi như như nước, dường như dân chúng toàn thành đều đã được huy động. Đàn ông khuân vác mũi tên, lăn cây và chuyển các vật tư, vận chuyển vật tư trên cầu treo rất bất tiện, bọn họ dùng trục tháp, kéo các loại vật tư từ dưới thành lên trên. Mọi người hô khẩu hiệu, túm lấy dây thừng, những thân cây và phiến đá lớn cùng các vật tư khác không ngừng được vận chuyển lên trên.
Phụ nữ thì lại nấu nước tưới lên tường thành, nhóm lửa nấu cơm. Tuy lúc này không còn là mùa băng đóng thành khối nữa, nhưng thời tiết vẫn khá lạnh, trong một đêm, nước đọng trên tường thành sẽ đóng thành băng, quân dân thành Đại Lợi đã liên tục tưới nước ba ngày lên tường thành, khiến trong ngoài tường thành đều biến thành tường băng, dưới ánh mặt trời lại trở nên chói mắt.
- Nguyên Khánh, lần này Bùi thị lang mang mật dụ của Thánh thượng đến, Thánh thượng yêu cầu cuộc chiến với Tiết Diên Đà do con hoàn toàn phụ trách, ta làm phó tướng phối hợp.
- Như vậy sư phụ sẽ hơi tủi thân rồi.
- Đừng nói như vậy!
Ngư Câu La vỗ vỗ bả vai hắn, cười nói:
- Giữa thầy trò chúng ta không có gì là tủi thân hay không tủi thân, Thánh thượng coi trọng một tướng trẻ như con, khiến ta cũng rất vui. Hơn nữa công lao trong lần thi huyện này cũng không hề nhỏ hơn so với cuộc chiến với Tiết Diên Đà.
Ngư Câu La gỡ Ngọc Như Ý ở bên hông xuống, đưa cho Dương Nguyên Khánh, cười nói:
- Thánh thượng ban thưởng Ngọc Như Ý cho ta, chứng tỏ lão Ngư ta sẽ được thăng quan.
Dương Nguyên Khánh lại không cầm lấy Ngọc Như Ý, cười cười nói:
- Một kỳ thi huyện lại có thể khiến sư phụ thăng quan, sớm biết như vậy con đã đi chủ trì kỳ thi huyện rồi, còn sư phụ thì đi đánh giặc.
Ngư Câu La ngửa đầu cười,
- Ta mới là tổng quản, là Thứ sử, một huyện lệnh như còn dù có cố gắng, công lao cũng vẫn thuộc về ta, đến lúc đó con cũng không có gì cả.
- Sư phụ, nghe nói hai mươi ngàn quân Linh Châu đã đến Phong Châu?
Ngư Câu La gật gật đầu:
- Đã tới rồi, vì vậy ta mới vội vàng trở về. Lần này tác chiến với Tiết Diên Đà, ta sẽ dẫn dắt hai mươi lăm ngàn quân đứng cách trong vòng tám mươi dặm chờ phối hợp với con. Chờ khi con hạ lệnh, chúng ta sẽ nội ứng ngoại hợp, đánh một trận thật lớn.
- Ngư soái, đến giờ rồi!
Một tên binh lính đứng dưới thành hô lớn.
Ngư Câu La lại vỗ bả vai Dương Nguyên Khánh, chăm chú nhìn vào mắt hắn, nói:
- Ta đi đây, hy vọng trận chiến thành Đại Lợi có thể lập nên uy danh hiển hách của Dương Nguyên Khánh con trong Đại Tùy.
Dương Nguyên Khánh im lặng gật đầu, Ngư Câu La quay người rời đi, nhanh chóng xuống tường thành, xoay người lên ngựa. Ông vẫy vẫy tay với Dương Nguyên Khánh, thúc ngựa ra khỏi thành, dẫn theo mười tên lính thân cận chạy nhanh về hướng nam.
Dương Nguyên Khánh đứng ở đầu thành, nhìn theo bóng dáng Ngư Câu La, bóng dáng càng ngày càng xa. Đúng lúc này, một binh lính chỉ về hướng bắc hô to:
- Dương tướng quân, ba cột khói!
Dương Nguyên Khánh bỗng quay đầu lại, chỉ thấy cách khoảng hai mươi dặm về phía bắc có ba cột khói, như vậy có nghĩa là trên ba ngàn quân địch đã xâm nhập lãnh thổ. Dương Nguyên Khánh lập tức hiểu, đây chính là quân tiên phong đến. Quân chủ lực tiên phong đến, cũng có nghĩa là quân Tiết Diên Đà đang trên đường đến Phong Châu, đại chiến sắp bùng nổ.
Lúc này, Dương Nguyên Khánh hạ lệnh,
- Đốt ba cột khói, cảnh báo cho Kinh thành!
Khói ở thành Đại Lợi được đốt lên, ba cột khói đen dày đặc hướng thẳng lên bầu trời trong xanh. Cách đó hai mươi dặm, một đài đốt lửa khác cũng đốt lên ba cột khói, về hướng nam, cũng có ba cột khói lớn bay thẳng lên trời. Từ bắc đến nam, trên hàng ngàn dặm đường, từng đài từng đài đốt lửa lần lượt được đốt lên, cảnh báo tin người Hồ đã xâm nhập vào lãnh thổ cho Kinh thành Đại Tùy biết.
Ngư Câu La vẻ mặt lo lắng nhìn cột khói báo động ở thành Đại Lợi, cuối cùng ông ta cắn răng một cái, thúc mạnh chiến mã, chạy về phía nam, giao quyền chỉ huy trận chiến cho Dương Nguyên Khánh.
…
Buổi tối, đài đốt lửa trên đỉnh Ly Sơn cũng được đốt lên, ba cột lửa lớn sáng chói rất nổi bật trong màn đêm, tin cảnh báo từ phía bắc cuối cùng cũng truyền được đến Kinh thành, đầu thành vang lên tiếng chuông cảnh báo nặng nề, tiếng chuông vang ra, rồi quanh quẩn trong thành.
Lập tức trong thành Đại Hưng trở nên lặng lẽ, không còn tiếng ca hát nữa. Một trăm ngàn dân chạy ra đường, trong mắt mỗi người đều là sự kinh ngạc và khiếp sợ, tiếng bàn luận bắt đầu vang lên, không ai biết phía biên cương đã xảy ra chuyện gì. Cũng chỉ có lúc này, người Kinh thành mới nhớ đến biên cương, mới nghĩ đến những tướng sĩ đang ở biên cương trấn thủ đất nước.
Trong điện Nhị Nghi, Dương Quảng đang mở tiệc thiết đãi quan ngũ phẩm trở lên, trong đại diện vang lên tiếng đàn sáo nhẹ nhàng, từng đội vũ công uốn lượn thân người mềm mại. Tiệc rượu đã vào lúc vui nhất, trên chỗ ngồi, các đại thần ăn uống linh đình, trò chuyện vui vẻ. Lúc này, âm thanh cảnh báo nặng nề vang đến, trong đại điện bỗng chốc lặng ngắt như tờ, các đại thần ngơ ngác nhìn nhau, không biết nguyên nhân gì.
Những đại thần ngồi ở gần cửa bỗng nhiên chỉ lên bầu trời đêm, hô lớn:
- Mau nhìn xem, cột khói ở Ly Sơn!
Mấy trăm vị đại thần đều chạy nhanh ra cửa, nhìn cột khói từ phía xa, nhất thời tiếng bàn tán vang lên, đây là cảnh báo ở hướng bắc, chẳng lẽ phương bắc lại có chiến sự gì xảy ra sao?
- Hoàng đế Bệ hạ giá lâm!
Tiếng thị vệ xướng cao, các đại thần đều đứng dạt ra hai bên, Dương Quảng bước nhanh đến cửa đại điện, chăm chú nhìn cột lửa phía xa.
Trong lòng ông biết rõ, liền chậm rãi quay đầu lại, nói với các vị đại thần:
- Các vị ái khanh, đây là cảnh báo ở Phong Châu, chắc là Tiết Diên Đà đã bắt đầu cuộc tiến công quy mô lớn vào thành Đại Lợi ở biên cương Đại Tùy chúng ta.
Ông ta nâng chén rượu lên, cao giọng nói với các vị đại thần:
- Các vị đại thần, chúng ta cùng cạn chén, chúc cho các tướng sĩ ở biên cương của chúng ta tạo được oai danh cho đất nước!
Thiên Hạ Kiêu Hùng
Tác giả: Cao Nguyệt
Quyển 6: Bồ Đào Mỹ Tửu Dạ Quang Bôi