S
au màn kịch khủng khiếp mà chúng tôi vừa kể, một không khí im lặng sâu xa bao trùm tất cả con thuyền. Mặt trăng ban nãy ló ra trong chốc lát dường như Thượng đế muốn rằng không một chi tiết nào của sự kiện này được che giấu trước con mắt của các khán giả, bây giờ lẫn vào trong mây. Tất cả lại trở vào cái bóng đêm thật hãi hùng trong một bãi sa mạc và nhất là bãi sa mạc lỏng này mà người ta gọi là đại dương, và chỉ còn nghe thấy tiếng gió rít trên các ngọn sóng. Porthos phá tan sự im lặng, nói: - Tôi đã được xem vô khối chuyện, nhưng không chuyện nào xúc động tôi mạnh mẽ như chuyện tôi vừa mới chứng kiến. Tuy nhiên, trong lòng thật xáo động như tôi, tôi xin tuyên bố với các bạn rằng tôi thật là sung sướng. Một trăm cân được cất đi khỏi ngực tôi và cuối cùng tôi thở dễ dàng. Thật vậy, Porthos thở với một tiếng kêu nó làm vẻ vang cho cái cử động mãnh liệt của hai lá phổi anh. - Porthos ạ, - Aramis tiếp lời, - Còn tôi, tôi sẽ không nói đến như cậu; tôi vẫn còn kinh hoàng, đến độ tôi không còn tin ở mắt mình nữa, tôi nghi ngờ những gì tôi đã trông thấy, tôi tìm kiếm xung quanh chiếc thuyền và từng phút, từng giây, tôi sẵn sàng đợi chờ cái thằng khốn kiếp hiện ra, và chính tôi tay cầm con dao găm đễ cắm vào tim nó. - Ồ, tôi thì rất bình tĩnh, - Porthos nói. - Nhát dao đâm vào chỗ xương sườn thứ sáu và ngập tới đốc. Arthos ơi tôi không trách móc gì anh đâu mà trái lại. Khi đâm là phải đâm như thế chứ. Cho nên bây giờ tôi mới sống, tôi thở, tôi vui mừng. - Porthos ơi, - D Artagnan nói, - Chớ vội hát mừng chiến thắng. - Chưa bao giờ chúng ta trải qua một nguy hiểm lớn hơn lúc này, vì rằng một con người thắng được một con người chứ không thắng được một hoàn cảnh. Chúng ta đang đi biển ban đêm không người hướng dẫn, trên một chiếc thuyền mỏng manh; một cơn gió có thể lật úp thuyền thế là chúng ta đi đứt. Mousqueton buông một tiếng thở dài. - D Artagnan, cậu thật là bội bạc, - Arthos nói. - Phải bội bạc và đã hoài nghi Thượng đế đúng lúc Người vừa mới cứu tất cả chúng ta một cách thật là kỳ diệu. Cậu tưởng rằng Người cầm tay dẫn chúng ta vượt qua bao nhiêu hiểm nguy để rồi sau đó bỏ rơi chúng ta ư? Không đâu. Chúng ta lên đường bằng một ngọn gió tây, ngọn gió ấy vẫn thổi cơ mà. Arthos định hướng theo sao Bắc đẩu và nói tiếp: - Đây là Đại Hùng Tinh, do đó chỉ ta biết bên kia là nước Pháp.Ta cứ đi theo chiều gió, và chừng nào gió chưa đổi chiều thì nó sẽ đưa ta về phía bờ biển Calais hoặc Boulogne-sur-Mer. Nếu thuyền lật úp thì chúng ta là những người khá khoẻ mạnh và bơi lội khá giỏi. Ít ra là năm người trong chúng ta - Để lật ngửa thuyền lên hoặc ôm chặt cùng với nó nếu như sự cố gắng đó vượt quá sức của chúng ta. Hiện giờ chúng ta đang đi trên con đường của mọi tàu bè đi từ Douvre đến Calais và từ Portsmouth đến Boulogne-sur-Mer. Nếu như nước giữ lại được những vết tàu đi thì chắc chắn chúng sẽ đào thành một thung lũng dài ở ngay chỗ chúng ta đang đi này. Như vậy thì đến sáng không thể nào chúng ta lại không gặp một chiếc thuyền đánh cá nào đó họ sẽ tiếp đón chúng ta. - Nhưng giả dụ chúng ta không gặp thuyền nào và gió đổi chiều lên hướng Bắc thì sao? - Thế lại là chuyện khác, - Arthos đáp. - Chúng ta sẽ chỉ gặp đất liền ở bờ bên kia Đại Tây Dương. - Có nghĩa là chúng ta sẽ chết đói, - Aramis nói. - Chắc chắn mười mươi rồi! - Bá tước de La Fère nói. Mousqueton buông một tiếng thở dài còn não nuột hơn lần trước. - Ơ này, Mousqueton? - Porthos hỏi, - Sao cậu cứ thở dài thườn thượt mãi như vậy? Thế thì chán ngán lắm. - Tôi đang rét, ông ạ, - Mousqueton đáp… - Vô lý - Porthos nói. - Sao lại vô lý? - Mousqueton ngơ ngác hỏi. - Đúng thế. Người cậu có một lớp mỡ bao bọc, khi trời không thấm vào được. Hẳn là có chuyện khác hãy nói thật đi. - Thế thì, thưa ông, chính cái lớp mỡ mà ông biểu dương ấy nó làm tôi kinh hãi. - Tại sao vậy, Mousqueton. Cứ mạnh dạn nói đi, các ông đây cho phép cậu đấy. - Thưa, tại vì tôi nhớ đến cái tủ sách ở lâu đài Bracieux có vô số truyện phiên lưu, và trong số sách đó có sách của Jean Mocquet, người phiêu lưu trứ danh của Henri IV. - Thì sao? - Thưa ông, trong những sách ấy nói rất nhiều đến những chuyện phiêu lưu trên biển cả và những sự nguy hiểm giống như sự nguy hiểm đang đe dọa chúng ta trong lúc này! - Tiếp tục đi, Mousqueton, - Porthos nói, - sự so sánh ấy đầy thú vị. - Ấy đấy, ông ơi, trong những trường hợp như vậy, Jean Mocquet kể rằng những du khách đói mèm có tục lệ ghê tởm là ăn thịt lẫn nhau và thường bắt đầu bằng… Dù tình thế đang nghiêm trọng, d Artagnan không nhịn cười được, nói: - Trước tiên là thịt người nào béo nhất? Hơi choáng váng vì trận cười đó, Mousqueton đáp: - Vâng, thưa ông, nhưng tôi cũng xin phép thưa với ông rằng tôi chẳng thấy có gì đáng buồn cười trong chuyện ấy cả. - Cái thằng Mousqueton hiền lành ấy là hiện thân của đức hy sinh. Ta cuộc rằng cậu đã bắt đầu trông thấy mình bị ông chủ xé xác ra từng mảnh và ăn thịt. - Vâng, thưa ông, tôi xin thú nhận rằng mặc dầu cái niềm vui mà ông đoán ra ở trong lòng tôi không phải không xen lẫn chút ưu phiền, tôi cũng không lấy làm tiếc cho cái thân tôi lắm, nếu như tôi được biết chắc chắn rằng khi chết tôi vẫn còn có ích cho ông. - Mousqueton ơi! Porthos rầu rầu nói, - Nếu có bao giờ chúng ta còn trở lại được lâu đài Pierrefonds, thì cậu và con cháu cậu sẽ được sở hữu cái vườn nho ở phía trên trang trại. - Và Mousqueton này, - Aramis nói, - Cậu sẽ đặt tên nó là vườn nho Hy sinh đề truyền lại cho hậu thế cái kỷ niệm về việc hiến mình của cậu. - Ông hiệp sĩ ơi, - D Artagnan cười nói, - Chắc hẳn cậu sẽ ăn thịt Mousqueton mà không ghê sợ, nhất là sau vài ba ngày nhịn đói. - Ồ không đâu, - Aramis đáp, - Thực tình tôi thích ăn Blaisois hơn, vì chúng ta quen biết nó chưa bao lâu. Người ta trao đổi với nhau câu chuyện bông đùa đó nhằm mục đích gạt ra khỏi tâm trí Arthos cái cảnh tượng vừa mới diễn ra nhưng thấy rằng bọn đầy tớ đều thấp thỏm lo âu, trừ Grimaud, bác biết rằng mối nguy hiểm, dù là nguy hiểm gì, vẫn có thể xảy ra. Cho nên bác không tham gia vào câu chuyện và câm lặng theo thói quen, bác ráng sức chèo, mỗi tay một mái. - Bác vẫn chèo đấy à? - Arthos hỏi. Grimaud gật đầu. - Sao lại chèo? - Để cho nóng người. Thật vậy, trong khi những kẻ đắm tàu khác rét run lên, thì bác Grimaud thầm lặng đổ mồ hôi hột. Bỗng nhiên Mousqueton mừng rỡ reo lên và tay giơ cao một cái chai. Hắn đưa chai cho Porthos và nói: - Ô ông ơi! Chúng ta thoát nạn rồi. Thuyền chứa đầy thức ăn. - À lục lọi ở dưới gầm ghế nơi hắn ngồi, hán đã vớ được cái vật mẫu quý hoá kia, hắn lôi ra hơn chục chai như vậy, bánh mì và một tảng thịt bò muối. Chẳng cần phải nói rằng sự khám phá ấy đem lại niềm hân hoan cho mọi người, trừ Arthos. Ta nhớ rằng Porthos đã đói bụng từ lúc bước chân lên tàu buồm, anh reo lên: - Thật vậy! Sao lạ thật, sao những nỗi xúc động làm cho ta đói cồn cào đến thế? Và anh uống một hơi cả chai rượu rồi ăn béng luôn trọn một phần ba cái bánh và tảng thịt muối. - Bây giờ - Arthos nói, - Các bạn hãy ngủ đi hoặc cố mà ngủ đi, để tôi canh cho. Đối với những người khác không phải là những chàng phiêu lưu dày dạn của chúng ta, thì lời đề nghị kia chắc hẳn là giễu cợt. Thật vậy, họ ướt lạnh đến xương tuỷ, gió rét cắt da và những nỗi xúc động vừa nếm trải không cho họ nhắm mắt. Nhưng đối với những bản chất ưu tú kia, những tính tình sắt đá kia, những cơ thể rã rời vì trăm thứ mệt nhọc kia, thì trong mọi trường hợp giấc ngủ vẫn đến đúng giờ chẳng khi nào vắng mặt. Cho nên tận dụng lời khuyên của Arthos và vững tin ở người hoa tiêu ấy một lát sau, mỗi người đều ngủ theo một cách. Như đã hứa. Arthos ngồi một mình ở đằng lái, tỉnh táo và tư lự điều khiển con thuyền như theo con đường nó phải đi. Chốc chốc anh lại đăm đăm ngước nhìn trời, chắc là không phải chỉ để tìm hướng đi về nước Pháp, mà còn để xem gương mặt của Thượng đế. Arthos đánh thức mọi người dậy sau khi đã để họ ngủ mấy tiếng đồng hồ. Ánh sáng ban mai đầu tiên chiếu rạng mặt biển xanh xanh, và cách non mười tầm súng ở phía trước người ta trông thấy một khối đen sì phía trên căng một tấm buồm hình tam giác mảnh và dài như cánh én. - Một thuyền buồm! - Bốn người bạn cùng reo lên, trong khi bọn đầy tớ cũng biểu hiện nỗi vui mừng bằng những giọng khác nhau. Thực và đó là một chiến thuyền Dunkerquoise kéo đi về phía Boulogne-sur-Mer. Bốn ông chủ với Blaisois và Mousqueton cùng kêu lên hòa làm một tiếng vang ngân trên mặt biển đàn hồi, trong khi Grimaud chẳng nói chẳng rằng chụp chiếc mũ vào đầu mái chèo và giơ cao lên để thu hút con mắt của những người ở trên chiếc tàu kia cũng sắp nghe thấy tiếng kêu gọi. Mười lăm phút sau, chiếc xuồng của con tàu dắt họ đến. Họ đặt chân lên boong của con tàu nhỏ. Grimaud được chủ mình sai đưa hai mươi đồng guinées cho chủ tàu, và do thuận gió đến chín giờ sáng thì những người Pháp của chúng ta đặt chân lên mảnh đất của Tổ quốc. Porthos giẫm những bàn chân đồ sộ lên bãi cát và nói: - Hay thật! Giẫm lên mảnh đất này mình thấy khỏe hẳn ra. Bây giờ kẻ nào thử đến sinh sự với mình, ngó nghiêng mình hoặc chọc tức mình xem, hắn sẽ thấy là hắn gặp phải tay ai? Tôi thách thức cả một vương quốc. - Còn tôi, - D Artagnan nói, - Tôi xin thề với cậu là tôi chẳng thách thức oang oang như thế đâu, Porthos ạ: vì rằng ở đây người ta để ý đến chúng ta lắm đấy. - Thật quả vậy, - Porthos nói, - Người ta ngắm nghía chúng ta thì có. - Này cậu, - D Artagnan nói, - Tôi chẳng tự ái đâu, thật đấy. Tuy nhiên tôi nhìn thấy những người mặc áo đen, mà trong tình thế hiện nay của chúng ta, tôi xin thú thật rằng bọn áo đen làm tôi hoảng sợ. - Đó là những nhân viên thuế quan, - Aramis nói. - Dưới thời gíáo chủ cũ, giáo chủ vĩ đại, - Arthos nói, chắc người ta chú ý đến chúng ta nhiều hơn là đến hàng hoá. Nhưng dưới thời giáo chủ này, các bạn hãy yên tâm, người ta sẽ chú ý đến hàng hoá nhiều hơn đến chúng ta. - Tôi chẳng tin đâu, - D Artagnan đáp, - Tôi sẽ đi theo lần những đồi cát. - Tại sao không đi vào thành phố? - Porthos bảo. - Tôi thích một quán hàng tử tế hơn là những bãi sa mạc ghê tởm này mà Chúa tạo ra riêng cho loài thỏ thôi. Vả lại tôi đang đói đây. - Porthos ạ, cậu làm thế nào tuỳ thích! - D Artagnan nói, - Nhưng riêng tôi, tôi tin rằng đối với những kẻ trong hoàn cảnh chúng ta, thì đi ngoài đồng ruộng vẫn chắc chắn hơn. Và chắc chắn là tập hợp được đa số, d Artagnan cứ bước dần vào những đống cát mà chẳng đợi Porthos trả lời. Cả toán đi theo anh và chẳng mấy chốc đã biến mất sau lưng những cồn cát, không bị mọi người chú ý. Sau khi đi được một phần tư dặm đường, Aramis bảo: - Bây giờ ta nói chuyện nào. - Ấy chớ. - D Artagnan nói, - Ta hãy trốn đi. Chúng ta đã thoát khỏi Cromwell, Mordaunt và biển cả ba cái vực thẳm toan nuốt chửng chúng ta, nhưng chúng ta sẽ chẳng thoát khỏi tay ngài Mazarin đâu. - D Artagnan nói đúng đấy, - Aramis nói, - Và theo ý tôi, để chắc chắn hơn, chúng ta hãy chia nhau ra. - Phải đấy. d Artagnan, ta chia nhau ra. Porthos toan lên tiếng phản đối, nhưng d Artagnan bấm tay anh để anh hiểu là đừng nói. Porthos biết tuân theo những ám hiệu ấy. Với bản tính chất phác anh thừa nhận sự hơn hẳn về trí tuệ của bạn. Cho nên anh đành câm như hến. - Nhưng tại sao ta lại phải chia nhau ra? - Arthos hỏi. - Bởi vì - D Artagnan đáp, - Porthos và tôi được Mazarin phải sang với Cromwell và đáng lẽ phục vụ Cromwell thì chúng tôi đã phục vụ Charles I, hai việc đó chẳng giống nhau tí nào.Sau đó lại trở về cùng với các ông de La Fère và D Herblay thì tội trạng của chúng tôi càng được xác nhận. Nếu chúng tôi trở về không có các anh thì tội trạng của chúng tôi ở trong tình trạng nghi ngờ, mà với sự hoài nghi người ta sẽ đi rất xa. Mà tôi thì đang muốn làm cho ngài Mazarin điên đầu đấy. - Ồ, đúng thế, - Porthos nói. - Nhưng cậu quên rằng, - Arthos nói, - Chúng tôi là tù binh của cậu, chúng tôi không hề tự coi mình đã thoát lời cam kết với các cậu. Và khi các cậu dẫn chúng tôi như tù binh về Paris… - Arthos ơi - D Artagnan ngắt lời, - Tôi rất bực mình thấy một người trí tuệ như anh lại hay nói những điều tầm thường khiến học trò lớp ba cũng phải đỏ mặt. Lúc ấy Aramis đang hiên ngang tì lên thanh gươm của mình, mặc dầu lúc trước anh đã nêu lên một ý kiến trái ngược, bây giờ sẵn sàng đồng tình với Arthos. D Artagnan quay lại phía Aramis và nói thêm: - Hiệp sĩ ơi, anh hãy hiểu rằng lúc này cũng như mọi khi tính liều lĩnh của tôi là thái quá. Tóm lại: Porthos và tôi chẳng mạo hiểm cái gì. Nhưng nếu tình cờ, người ta thử bắt giữ chúng tôi trước mặt các anh thì sao? Bắt bảy người chẳng giống bắt ba người đâu: gươm kiếm sẽ tuốt ra khỏi vỏ và sự việc vốn đã chẳng hay ho gì đối với mọi người trở thành nghiêm trọng và nguy hại cho cả bốn chúng ta. Hơn nữa, nếu tai hoạ đến với hal chúng ta thôi, thì hai người kia còn được tự do chẳng hơn ư, họ sẽ cố gắng lặn lội và đào tường phá ngạch để cuối cùng giải thoát được cho các bạn. Rồi thì biết đâu nếu chúng ta tách riêng ra, bà hoàng sẽ chẳng tha thứ cho các anh và Mazarin sẽ chẳng tha thứ cho chúng tôi, điều mà chắc hẳn họ sẽ từ chối nếu chúng ta tụ họp lại với nhau. Thôi, Arthos và Aramis hãy đi phía tay phải, còn Porthos đi về phía trái cùng tôi. Hãy để các anh ấy đi lên vùng Normandie; còn chúng ta theo con đường ngắn nhất về Paris. - Nhưng này, - Aramis hỏi, - Nếu chúng ta có ai bị bắt ở dọc đường thì làm thế nào báo cho nhau biết tai hoạ đó? - Chẳng có gì khó cả, - D Artagnan đáp. - Ta hãy thoả thuận với nhau về một hành trình và cứ theo đúng như thế mà đi, không sai trệch. Các anh hãy đến Saint-Valery, rồi Dieppe, sau đó theo đường bên phải Dieppe mà tới Paris. Chúng tôi sẽ đi qua Abbeville, Amiens, Péronne, Compiègne và Senlis. Ở mỗi quán ăn, mỗi ngôi nhà mà chúng ta dừng chân, ta sẽ vạch lên tường bằng mũi dao hoặc vạch lên cửa kính bằng mảnh kim cương, một dấu hiệu có thể dẫn đường cho những người còn tự do đi tìm kiếm. - Chao ôi - Arthos nói, - Tôi yêu quý những đức tính của trái tim cậu bao nhiêu thì tôi càng khâm phục những tài trí của khối óc cậu bấy nhiêu. Và anh chìa tay ra cho d Artagnan. Chàng Gascon nhún vai nói: - Arthos ơi, liệu con cáo có tài năng không. Không, nó biết bắt gà ăn, biết đánh lạc hướng những kẻ đi săn và tìm được đường dù ngày hay đêm, tất cả chỉ có thế thôi. Thế nào, ta thỏa thuận chứ? - Thỏa thuận rồi. Vậy thì ta chia tiền, - D Artagnan nói, - Chắc còn khoảng hai trăm pistol. Grimaud, còn bao nhiêu? - Thưa ông, một trăm tám mươi louis rưỡi ạ. - Thế à! Hoan hô! Kìa, mặt trời! Xin chào bạn mặt trời! Tuy rằng bạn chẳng giống như mặt trời xứ Gastogne, ta vẫn nhận ra bạn hoặc ta giả hộ nhận ra bạn. Xin chào! Lâu lắm rồi ta chưa trông thấy bạn. - Thôi, thôi d Artagnan ơi, - Arthos nói, - Đừng có làm ra vẻ gan dạ quá,ta thấy nước mắt cậu rưng rưng kìa. Ta hãy thẳng thắn với nhau: sự thẳng thắn ấy ắt làm lộ ra những phẩm cách tốt của chúng ta. - Ôi chao - D Artagnan nói. - Arthos ơi: anh tưởng rằng người ta có thể chia tay một cách bình tĩnh và trong một hoàn cảnh không ít nguy hiểm hai người bạn như anh và Aramis hay sao? - Không đâu. - Arthos đáp - Con trai của tôi ơi, hãy đến cho tôi ôm hôn nào! - Chúa ơi! - Porthos nghẹn ngào nói. - Hình như mình sắp khóc, khỉ thật? Và bốn người bạn nhào vào nhau: ôm chặt lấy nhau. Bốn con người ấy siết chặt trong vòng tay anh em, lúc này chỉ có một linh hồn chung. Blaisois và Grimaud đi theo Arthos và Aramis. Mousqueton đủ giúp cả Porthos và d Artagnan. Như vẫn thường làm, họ chia nhau tiền một cách đều dặn thân thiết. Rồi sau khi bắt tay từng người và nhắc đi nhắc lại với nhau những lời thề thốt về tình bằng hữu thuỷ chung, bốn nhà quý tộc chia tay nhau để đi theo con đường đã qui định, và dời chân mà vẫn còn ngoái lại nhìn nhau và gửi cho nhau những lời lẽ thân thương mà các đụn cát còn vang vọng mãi. Cuối cùng họ không còn nhìn thấy nhau nữa. - Chúa ơi! - Porthos lên tiếng, - D Artagnan ơi, tôi phải nói với cậu điều này ngay lập túc, vì tôi không thể để bụng một điều gì chống lại cậu. Tôi đã không nhận ra cậu trong hoàn cảnh này. - Vì sao? - D Artagnan mỉm cười tinh quái và hỏi. - Vì rằng nếu như cậu nói, Arthos và Aramis đang trải qua một mối nguy hiểm thì không phải lúc bỏ rơi họ. Tôi thú thật là tôi đã sẵn sàng theo họ và tôi vẫn sẵn sàng đuổi theo họ, bất chấp tất cả bọn Mazarin trên cõi đời này. - Porthos ạ, cậu làm thế là phải nếu tình hình đúng như vậy, - D Artagnan nói. - Nhưng cậu cần biết rõ một điều nhỏ nhặt này, tuy nhiên dù nhỏ nhặt mấy chăng nữa nó cũng sẽ làm thay đổi luồng suy nghĩ của cậu. Đó là các anh bạn kia không trải qua mối nguy hiểm lớn nhất, mà là chúng ta? Chúng ta chia tay họ không phải là bỏ rơi họ, mà là để khỏi làm lụy tới họ. - Thật ư? - Porthos giương to mắt ngạc nhiên hỏi. - Tất nhiên rồi! Nếu họ bị bắt thì đơn giản chỉ có nhà ngục Bastille, còn nếu chúng ta bị bắt thì là đến quảng trường Grève(1). - Ô, ô! Porthos nói, - Thế thì từ đó còn xa mới tới cái huy hiệu Nam tước mà cậu hứa với tôi. - Ô hay! Có lẽ chẳng xa đến như cậu tưởng đâu Porthos ạ. Cậu nhớ câu phương ngôn: "Mọi con đường đều dẫn tới La Mã". - Nhưng này - Porthos hỏi, - Tại sao chúng ta trải qua những nguy hiềm to lớn hơn của Arthos và Aramis? - Bởi vì họ chỉ có làm theo nhiệm vụ của bà hoàng Henriette giao cho, còn chúng ta thì phản lại sứ mệnh mà Mazarin giao. Bởi vì ra đi với tư cách sứ giả đến Cromwell, bây giờ chúng ta trở thành người thuộc phe vua Charles. Bởi vì đáng lẽ phải góp sức làm rơi đầu ông vua bị kết án bởi những kẻ thô bỉ mà người ta gọi là các ngài Mazarin, Cromwell, Joyce, Pride, Fairfaxx, v v… thì chúng ta suýt nữa cứu thoát vua. - Thực tình đúng là như vậy, - Porthos nói, - Nhưng bạn thân mến ơi, lo chuyên giữa trăm công nghìn việc to lớn, tướng Cromwell Iàm gì có thì giờ nghĩ đến. - Cromwell nghĩ đến mọi việc, Cromwell có đủ thì giờ cho mọi việc và bạn thân mến ơi, hãy tin tôi, chúng ta đừng để mất thì giờ của mình, nó quý lắm. Chúng ta chỉ an toàn sau khi đã gặp Mazarin, vậy mà vẫn còn… - Chết thật! - Porthos nói, - Thế chúng ta sẽ nói gì với Mazarin? Cứ để mặc tôi, tôi đã có kế hoạch, cười người hôm trước, hôm sau người cười. Ông Cromwell rất giỏi, ông Mazarin rất quỉ quyệt, nhưng tôi muốn dùng mưu thuật còn cừ hơn chống lại họ và chống lại ông Mordaunt đã quá cố. - Này cậu, - Porthos bảo, - Được nói ông Mordaunt đã quá cố thì khoái thật. - Thực tình đúng như vậy, - D Artagnan đáp. - Nhưng ta lên đường thôi. Và không để mất thời gian, hai người bạn theo hương lần ra con đường đi Paris. Mousqueton theo sau, đêm trước hắn đã đói rét cóng cả đêm, bây giờ mới đi được mười lăm phút đã nóng rực cả người. Chú thích: (1) Nơi hành quyết những tội phạm nặng.