A
nne d Autriche điên giận trở về phòng cầu nguyện của mình. Bà vặn vẹo đôi cánh tay mỹ miều mà kêu lên: - Sao! Dân chúng đã từng thấy ông de Condé đệ nhất thân vương, bị mẹ chồng của ta, Marie de Médicis bắt giữ: họ đã thấy mẹ chồng ta, nhiếp chính cũ của họ bị tể tướng Richelieu đuổi đi; họ cũng đã từng thấy ông de Vendôme tức là con trai vua Henri IV bị cầm tù ở Vincennes. Họ chẳng nói năng gì cả, trong khi người ta lăng nhục, người ta tống giam, người ta đe doạ những nhân vật lớn ấy! Thế mà chỉ vì một tên Broussel! Giê su ơi, cái vương quyền ra thế nào rồi đấy? Anne vô tình dụng chạm đến vấn đề nóng bỏng. Dân chúng không nói năng gì cho các hoàng thân, dân chúng nổi dậy vì Broussel, chính vì đây là một người thuộc tầng lớp bình dân, và bảo vệ Broussel, dân chúng cảm thấy một cách tự nhiên rằng họ bảo vệ chính mình. Trong lúc ấy, Mazarin đi dạo khắp trong văn phòng mình, chốc chốc lại nhìn sang chiếc gương Venise của ông bị rạn nứt hết. - Chà! - Ông nói, - Ta biết lắm, buộc phải nhượng bộ như vậy thì thật dáng buồn. Nhưng, ơ hay, chúng ta sẽ phục thù, Broussel thì can hệ gì! Đó chỉ là một cái tên, không phải là một vật. Là chính khách khôn ngoan đến mấy đi nữa, lần này Mazarin lầm rồi: Broussel là một vật, chứ không phải một cái tên. Cho nên, buổi sáng hôn đó, khi Broussel vào Paris trong một cỗ xe lớn có con trai là Louvières ngồi bên và Friquet. đi theo xe, tất cả dân chúng mang vũ khí đổ xô ra trên đường ông đi qua. Những tiếng hô: "Broussel muôn năm! Cha của chúng ta muôn năm!" vang lên khắp nơi và mang cái chết đến cho lỗ tai Mazarin. Từ mọi phía những tên do thám của tể tướng và hoàng hậu mang về những tin tức xấu, chúng thấy giáo chủ rất hoảng loạn và hoàng hậu rất bình tĩnh. Hoàng hậu có vẻ như đang suy nghĩ thật chín muồi một quyết định lớn lao, điều ấy càng tăng lên những nỗi lo ngại của Mazarin. Ông biết rõ bà hoàng kiêu ngạo và rất sợ những quyết định của bà. Ông chủ giáo trở lại nghị viện còn vua hơn cả vua, hoàng hậu và giáo chủ ba người cộng lại. Theo ý kiến của ông, nghị viện ra một pháp lệnh yêu cầu những người tư sản hạ vũ khí và phá bỏ các luỹ chướng ngại; bây giờ thì họ biết rằng chỉ cần một giờ để cầm lại vũ khí và một đêm để dựng lại các luỹ chướng ngại. Planchet trở về cửa hiệu của mình. Chiến thắng ân xá, Planchet không còn sợ bị treo cổ; anh tin chắc rằng nếu người ta chỉ lộ vẻ bắt giữ anh, thì dân chúng sẽ nổi dậy ủng hộ anh cũng như họ vừa mới làm để ủng hộ Broussel. Rochefort đã trả lại đội khinh kỵ binh cho hiệp sĩ d Humières. Thiếu mất hai người khi điểm danh, nhưng ông hiệp sĩ là Fronde trong tâm hồn chẳng muốn nghe nói đến bồi thường. Gã ăn mày ở lại chỗ mình ở sân nhà thờ Saint Eustache, vẫn một tay dâng nước thánh một tay xin bố thí, và chẳng ai hồ nghi rằng hai bàn tay ấy vừa mới giúp kéo ra khỏi toà kiến trúc xã hội hòn đá nền tảng của vương quyền. Louvières hãnh diện và hài lòng. Anh đã trả thù Mazarin mà anh khinh ghét và đã góp sức để đưa cha mình ra khỏi nhà tù; tên tuổi anh đã được nhắc đến với nỗi kinh hoàng ở Hoàng cung. Anh nói với ông cố vấn được trở về với gia đình: - Cha ơi cha có tin rằng, nếu giờ đây con xin hoàng hậu một đại đội thì bà ấy sẽ cho con không? Trong thời gian bạo động, Raoul nhất thiết đòi tuốt kiếm ra để tham gia vào phe này hoặc phe kia, d Artagnan phải vất vả lắm mới giữ chân Raoul ở nhà được. Lúc đầu Raoul không chịu, nhưng d Artagnan đã phải nhân danh bá tước de La Fère để bảo ban anh. Nhân dịp tình hình đã yên tĩnh, d Artagnan cho Raoul đi. Raoul đến thăm bà de Chevreuse rồi lên đường trở lại quân đội. Riêng Rochefort thấy công việc kết thúc quá kém. Ông đã viết thư mời quận công de Beaufort về, quận công sắp tới nơi và sẽ thấy Paris yên tĩnh. Ông đến tìm chủ giáo để hỏi xem có nên bảo hoàng thân dừng lại trên đường không, nhưng Gondy ngẫm nghĩ một lát và nói: - Cứ để ông ấy tiếp tục hành trình. - Như vậy là công việc chưa xong ư? - Rochefort hỏi. - Không đâu! Bá tước thân mến ơi, chúng ta chỉ mới ở chỗ bắt đầu. - Ai làm cho ngài tin như vậy? - Tôi biết rõ bụng dạ hoàng hậu: bà ta chẳng chịu thua đâu. - Bà ta chuẩn bị một việc gì sao? - Tôi chắc thế. - Ngài biết chuyện gì, nào? - Tôi biết rằng bà ra đã viết thư triệu ngài Hoàng thân từ quân đội trở về gấp. - Á, à! - Rochefort nói, - Ngài nói đúng đấy, cần để ông de Beaufort đến. Ngay buổi chiều tối hôm ấy, tiếng đồn lan ra là Hoàng thân de Condé đã về tới Paris. Đó là một tin tức thật bình thường và tự nhiên song nó có một âm vang rộng rãi. Người ta nói rằng hở chuyện này ra là do bà de Longueville, bà được ngài Hoàng thân tâm sự, mà thiên hạ thì buộc tội Hoàng thân đã có một sự luyến ái đối với em gái vượt quá giới hạn của tình anh em. Những chuyện tâm sự đó tiết lộ những dự định nham hiểm của hoàng nậu. Ngay buổi chiều hôm Hoàng thân về, những người tư sản tiến bộ hơn những kẻ khác, những thẩm phán, những thủ lĩnh các khu phố đến những chỗ quen biết và nói: - Tại sao chúng ta đã không đoạt lấy nhà vua và đưa đến Toà Thị sảnh? Thật là một sai lầm để cho kẻ thù của chúng ta dạy dỗ vua, bảo ban vua những điều xấu. Nếu như được ông chủ giáo chẳng hạn trông nom thì vua sẽ hấp thụ được những nguyên lý quốc dân và sẽe yêu mến nhân dân. Ban đêm náo động một cách âm thẩm. Ngày hôm sau người ta lại trông thấy những tấm áo choàng xám và đen, những đội tuần tra thương nhân mang vũ khí và những toán ăn mày. Hoàng hậu đã thức suốt đêm để bàn bạc với Hoàng thân. Nửa đêm Hoàng thân được dẫn đến phòng nguyện của hoàng hậu và tới năm giờ sáng ông mới ra về. Năm giờ hoàng hậu đến văn phòng tể tướng. Nếu như bà chưa được đi nằm thì giáo chủ cũng đã dậy rồi. Ông đang thảo bức thư trả lời Cromwell. Ông hẹn với Mordaunt mười ngày thì sáu ngày đã qua rồi. Chà! Ta để hắn phải chờ một chút, nhưng ông Cromwell hiểu quá đi, cách mạng là thế nào, nên không thể không thứ lỗi cho ta. Ông bèn đọc lại với vẻ thoả mãn đoạn đầu bức thư biện hộ của mình thì nghe có tiếng cào nhè nhẹ vào cánh cửa thông sang những căn phòng của hoàng hậu. Chỉ một mình hoàng hậu có thể đến bằng cửa ấy. Giáo chủ đứng lên và ra mở. Hoàng hậu mặc xuềnh xoàng, nhưng cái xuềnh xoàng ấy càng hợp với bà, vì rằng cũng như nữ thần Dian ở viện bảo tàng Poitiers hoặc ở phòng khách bà Ninon, Anne d Autriche giữ cái độc quyền là lúc nào cũng xinh đẹp. Song buổi sớm hôm ấy bà còn đẹp hơn thường lệ bởi vì cặp mắt bà có tất cả cái long lanh mà một nỗi vui mừng bên trong tạo nên. - Có việc gì đấy bà, - Mazarin lo ngại nói, - Trông bà có vẻ đắc ý lắm? - Đúng, Giulio ạ, - bà đáp - đắc ý và vui sướng, vì rằng tôi đã tìm ra kẻ bóp chết cuộc bạo loạn này. - Bà hoàng của tôi ơi, - Mazarin nói, - bà là một chính khách lớn nào xem kế sách ra sao. Và ông giấu điều mà ông viết bằng cách nhét lá thư mới bắt đầu xuống dưới tờ giấy trắng. - Chúng muốn bắt nhà vua, ông biết chứ? - Hoàng hậu nói. - Chao ôi! Biết! Và còn muốn treo cổ tôi nữa! - Chúng sẽ không có vua. - Và chúng sẽ không treo cổ tôi. - Ông nghe đây: tôi muốn cướp đi họ của con trai tôi và bản thân tôi và ông cùng với tôi, tôi muốn rằng sự kiện này, từ hôm nay đến ngày kia sẽ thay đổi bộ mặt của mọi thứ cần được thực hiện mà không ai biết, ngoài ông, tôi và một người thử ba. - Người thứ ba ấy là ai? - Ông Hoàng thân. - Ông ta đã về như người ta nói với tôi phải không? - Về tối hôm qua. - Bà đã gặp rồi chứ? - Tôi vừa mới chia tay ông ấy. - Ông ấy giúp sức vào kế hoạch này à? - Chính ông ta đề ra ý kiến. - Thế còn Paris? - Ông ta sẽ để cho bị đói và buộc phải đầu hàng không điều kiện. - Kế hoạch không thiếu vẻ vĩ đại, nhưng tôi chỉ thấy có một trở ngại. - Trở ngại gì? - Sự không thể được. - Lời nói vô nghĩa. Không có gì là không thể được. - Trên kế hoạch. - Trong thực hiện. Chúng ta có tiền không? - Ít thôi - Mazarin đáp, sợ Anne d Autriche đòi moi tiền trong túi ông ta. - Chúng ta có tinh thần can đảm không? - Rất nhiều. - Vậy thì dễ lắm. Ô! Giulio, ông có hiểu không? Paris, cái thành phố Paris ghê tởm ấy một buổi sáng thức dậy không có hoàng hậu không có vua, bị bao vây, bị quấy nhiễu bị bỏ đói, tất cả phương sách chỉ còn trông vào cái nghị viện ngu đần và ông chủ giáo còm nhom với đôi chân vặn vẹo của họ! - Hay, hay! - Mazarin nói. - Tôi hiểu rõ hiệu quả, nhưng tôi không trông thấy phương tiện để đạt tới. - Tôi thì tôi sẽ tìm thấy đấy. - Bà nên biết rằng đây là chiến tranh, là cuộc nội chiến bừng bừng, kịch liệt, không nguôi. - Ồ! Phải đấy, phải đấy, chiến tranh, - Anne d Autriche nói - Phải đấy, tôi muốn biến cái thành phố phiến loạn này thành tro bụi; tôi muốn dập tắt ngọn lửa trong máu; tôi muốn rằng một tấm gương kinh khủng sẽ nếu mãi mãi tội ác và trừng phạt. Hỡi Paris! Ta căm thù mi, ta ghê tơm mi! - Khoan, khoan, Anne, bà khát máu đấy! Hãy coi chừng, chúng ta không còn ở thời đại những Malatesta và những Castruccio Castracani(1); bà sẽ tự làm cho bà bị chặt đầu, bà hoàng xinh đẹp của tôi ạ, và như thế thì uổng lắm. - Ông cười tôi đây à? - Tôi rất ít cười. Chiến tranh với cả một dân tộc thì thật là nguy hiểm. Bà hãy trông Charles đệ nhất em rể của bà đấy, tình hình ông ấy xấu lắm, rất xấu. - Chúng ta đang ở nước Pháp, và tôi là người Tây Ban Nha. - Không cần, per Baccho, không cần, có lẽ tôi thích bà là người Pháp thì hơn, cả tôi cũng vậy; người ta sẽ thù ghét cả hai ta ít hơn. - Song ông tán thành tôi chứ? - Vâng, nếu tôi thấy điều ấy có thể làm được. - Nó sẽ làm được, chính tôi nói với ông thế. Ông hãy sửa soạn. - Tôi ấy à? Lúc nào tôi cũng sẵn sàng ra đi, song, như bà biết đấy, tôi chẳng ra đi bao giờ… và lần này chắc là cũng không hơn những lần khác. - Cuối cùng, nếu tôi đi thì ông có đi không? - Tôi sẽ thử xem. - Ông làm tôi đến chết về những sự sợ hãi của ông đấy Giulio ạ, mà ông sợ cái gì kia chứ? - Sợ nhiều điều lắm. - Những điều gì nào? Bộ mặt Mazarin từ giễu cợt trở thành u ám. - Anne, - Ông nói, - Bà chỉ là một người đàn bà, và là đàn bà bà có thể tùy tiện lăng nhục đàn ông vì chắc chắn là mình được miễn tội. Bà cáo buộc tôi là sợ hãi; tôi không sợ hãi nhiều như bà đâu, bởi vì tôi tôi không bỏ trốn. Người ta hò la chống ai? Chống bà hay chống tôi? Người ta muốn treo cổ ai? Bà hay tôi? Vậy mà tôi đương đầu với bão tố, trong khi bà cáo buộc tôi là sợ hãi; chẳng phải anh hùng rơm đâu, đó không phải là thói của tôi, nhưng tôi vững vàng. Hãy bắt chước tôi, om sòm ít thôi, hiệu quả nhiều hơn. Bà la hốt hoảng lên, bà chẳng đạt tới đâu. Bà bàn đến chuyện trốn… Mazarin nhún vai, cầm tay hoàng hậu và dắt bà ra cửa sổ: - Hãy nhìn xem! - Gì nào? - Hoàng hậu nói, mù quáng vì sự bướng bỉnh của mình. - Kia kìa! Qua cửa sổ bà nhìn thấy gì nào? Nếu tôi không lầm thì đó là dân tư sản mặc áo giáp đội mũ sắt trang bị súng trường tốt như thời Liên minh thần thánh; họ đang nhìn chằm chằm lên cửa sổ bà đang đứng và bà có thể bị nom thấy nếu bà vén rèm lên quá cao. Bây giờ ta ra cửa sổ kia; bà trông thấy gì nữa? Những đám dân chúng mang giáo mác canh gác các cổng ngõ của bà. Ở bất cứ cửa nào của Hoàng cung mà tôi dẫn bà ra, bà đều thấy như thế cả. Các cổng lớn bị canh gác, các cửa thông gió và các căn hầm cũng bị canh gác, và đến lượt tôi sẽ nói với bà cái điều mà La Ramée nói với tôi về ông De Beaufort: trừ phi là chim hay là chuột, ông sẽ không ra khỏi nơi đây. - Vậy mà ông ta vẫn ra đấy. - Bà có tính nước ra cũng bằng cách ấy không. - Thế tôi là tù nhân đấy à? - Trời ơi! - Mazarin nói, - Có đến một tiếng đồng hồ tôi chứng minh với bà điều đó rồi. Và Mazarin điềm nhiên lấy ra viết tiếp bức thư đang viết dở. Anne tức run người lên, đỏ bừng mặt vì hổ nhục, đi ra khỏi văn phòng và dập cửa đánh rầm một cái. Mazarin chẳng buồn quay đầu lại. Trở về phòng mình, hoàng hậu buông mình xuống chiếc ghế bành và khóc nức nở. Rồi bỗng nhiên một ý nghĩ đến bất thình lình khiến bà bật dậy và reo lên: - Ta thoát rồi! Ô, phải, rồi, phải rồi, ta biết một người có thể đưa ta ra khỏi Paris người ấy, một người mà ta đã quên lãng quá lâu. Và mặc dầu với nỗi vui mừng, bà mơ màng nói: "Ta mới bội bạc làm sao, có đến hai mươi năm trời ta bỏ quên người ấy, người mà lẽ ra ta phải phong làm một thống chế Pháp quốc. Bà mẹ chồng ta đã vung vãi vàng bạc, chức phẩm và những vuốt ve cho Concini, ông ta đã làm hại bà; ông vua chồng ta vì một cuộc ám sát đã phong Vitry làm thống chế Pháp quốc. Còn ta, ta đã bỏ mặc trong quên lãng, trong cảnh khốn cùng cái anh chàng d Artagnan cao quý đã từng cứu ta. Và bà chạy ra chiếc bàn để giấy, bút, mực và ngồi viết. Chú thích: (1) Những Castruccio Castracani nổi tiếng ở Ý xưa kia, tức là những thủ lĩnh quân du kích hoặc lính đánh thuê, xưng hùng xưng bá một vừng. Trong số đó có những vua chúa thất thế.