C
ăn phòng d Artagnan và Porthos vào chỉ ngăn cách với phòng khách nơi có hoàng hậu bằng những ô cửa căng thảm. Tấm ngăn mỏng cho phép nghe rõ tiếng nói ở bên kia, và kẽ hở giữa những tấm rèm dù hẹp mấy vẫn có thể nhìn sang được. Hoàng hậu đang đứng trong phòng khách, mặt tái đi vì giận dữ, song cố tự kiềm chế đến nỗi tưởng như bà chẳng cảm thấy một xúc động nào. Đằng sau bà là Comminger, Villequier và Gitaud, sau nữa là các thị nữ. Trước mặt bà là viên chưởng ấn Séguier, vẫn con người cách đây hai mươi năm đã làm tình làm tội bà(1). Hắn kể rằng xe của hắn vừa bị phá hỏng, hắn bị rượt theo, hắn lao vào dinh l Hôtel d O… rằng dinh lập tức bị xâm chiếm, cướp bóc, tàn phá, may thay hắn kịp trốn vào một căn buồng, nấp sau một tấm thảm, được một bà già che giấu cùng với anh hắn là giám mục Meaux. Rành rành nguy to rồi, bọn cuồng bạo sấn đến gần căn buồng và hầm hè de doạ đến nỗi viên chưởng ấn tưởng giờ tận số của mình đã điểm, vội vàng xưng tội với người anh để dọn mình sẵn sàng chết nếu bị phát hiện. May sao dân chúng tưởng chúng tẩu thoát bằng lối cửa sau nào đó, nên rút đi để hắn tụ do chuồn. Hắn bèn cải trang bằng bộ y phục của hầu tước l Hôtel d O và ra khỏi dinh bước qua xác viên phó quan cảnh sát và hai vệ sĩ của hắn đã bị giết chết khi bảo vệ cổng phố. Trong khi hắn kể chuyện, Mazarin vào, lặng lẽ đến bên hoàng hậu và nghe. - Thưa Lệnh bà, tôi nghĩ rằng nghiêm trọng lắm, - Viên chưởng ấn nói. - Nhưng ông có ý kiến gì trình với tôi? - Tôi rất muốn trình bày một ý kiến với Hoàng thượng, nhưng không dám. - Cứ nói đi, cứ nói đi ông ạ, - Hoàng hậu nói với một nụ cười chua chát, - Ông đã từng dám cả chuyện khác nữa cơ mà. Viên chưởng ấn đỏ mặt và lắp bắp vài tiếng. - Không bàn chuyện quá khứ, mà hiện tại, - Hoàng hậu nói, - Ông bảo rằng có một điều khuyên tôi, vậy là điều gì? - Thưa Lệnh bà, - Chưởng ấn ngập ngìng đáp, - Đó là hãy thả Broussel ra. Mặc dầu mặt bà đã tái, Hoàng hậu càng tái đi rõ rệt và cau mặt lại. Bà nói: - Thả Broussel ư? Không bao giờ! Vừa lúc ấy có tiếng chân bước ở phòng trước, và chẳng báo trước thống chế de La Meilleraie xuất hiện ở ngưỡng cửa. - A! Ông thống chế đây rồi! - Hoàng hậu mừng rỡ reo lên, - Tôi hy vọng ông đã trị được tất cả bọn súc sinh ấy rồi chứ? - Thưa Lệnh bà, - Thống chế nói, - Tôi đã để lại ba người ở Pont-Neuf, bốn ở Halles, sáu ở góc phố l Arbre-Sec và hai ở cồng Hoàng cung, vị chi là mười lăm người. Tôi đem về mười hai người bị thương. Mũ của tôi bị một viên đạn bắn văng đi không biết ở đâu, và rất có thể là tôi đã nằm lại cùng với chiếc mũ, nếu không có ông chủ giáo đến giải thoát cho tôi. - A! - Hoàng hậu nói: - Xét cho kỹ, tôi sẽ ngạc nhiên nếu trong tất cả vụ này mà không thấy cái con chó lùn chân quẹo ấy dây vào. - Thưa Lệnh bà, - La Meilleraie cười nói, - Xin đừng nói nhiều điều xấu quá về ông ấy trước mặt tôi, vì rằng cái việc mà ông ấy giúp tôi vẫn còn nóng hổi. - Hay đấy! - Hoàng hậu nói, - Ông hãy biết ơn ông ta bao nhiêu tuỳ thích, nhưng việc đó không ràng buộc tôi. Ông về đây bình yên vô sự đó là tất cả điều tôi mong muốn; ông không những là người đến vừa hay mà còn là kẻ quay trở về thật kịp thời(2). - Vâng thưa Lệnh bà, nhưng tôi là người trở về kịp thời với một điều kiện, đó là tôi sẽ chuyển đạt tới Lệnh bà ý nguyện của dân chúng. - Ý nguyện à? - Anne d Autriche cau mày nói. - Ô hô? Ông thống chế ơi, ắt là ông phải lâm vào một mối nguy hiểm ghê gớm lắm, nên ông mới đảm nhiệm một sứ mạng lạ lùng đến thế. Những lời ấy được thốt ra với một giọng châm biếm không lọt khỏi tai thống chế. - Xin Lệnh bà thứ lỗi, - Thống chế nói, - Tôi không phải luật sư, mà là người chinh chiến, do đó có thể hiểu sai giá trị của từ ngữ, có lẽ tôi phải nói điều mong ước của dân chúng, chứ không phải ý nguyện của dân chúng. Còn cái điều mà Lệnh bà hạ cố trả lời tôi, tôi cho rằng Lệnh bà muốn nói rằng tôi đã sợ hãi. Hoàng hậu mỉm cười. La Meilleraie nói tiếp: - Vâng, thưa Lệnh Bà, tôi đã sợ hãi; trong đời tôi đây là lần thứ ba điều ấy đến với tôi, trong khi tôi đã dự mười hai chiến trận hẳn hoi, chưa kể bao nhiêu cuộc chiến đấu và những cuộc đụng độ lẻ tẻ mà tôi không nhớ rõ. Vâng, tôi đã sợ hãi, và tôi thích thà đứng trước Hoàng thượng dù nụ cười của Người có đe doạ đến mấy, còn hơn đối mặt với lũ quỷ sử địa ngục kia đã đi theo tôi về đến tận đây.Và chúng từ đâu chui ra tôi cũng không biết nữa. - Hoan hô! - D Artagnan khẽ nói với Porthos, - Trả lời hay đấy. Trong khi các cận thần nhìn nhau kinh ngạc thì hoàng hậu cắn nhẹ vành môi và nói: - Vậy thì cái điều mong ước ấy của dân chúng là gì? - Là trả Broussel, cho họ, thưa Lệnh bà, thống chế đáp. - Không bao giờ? - Hoàng hậu nói, - Không bao giờ! - Hoàng thượng là chúa tể, - La Meilleraie nói, rồi cúi chào và lùi một bước về phía sau. - Ông đi đâu, thống chế? - Hoàng hậu hỏi. - Tôi ra truyền lại câu hỏi trả lời của Hoàng thượng cho những kẻ đang chờ đợi. - Hãy ở lại, thống chế, tôi không muốn có vẻ phải đàm phán với bọn phiến loạn. - Thưa Lệnh bà, tôi đã hứa với họ, - Thống chế nói. - Có nghĩa là?… - Là nếu Lệnh bà không cho ngăn giữ tôi, thì tôi buộc phải đi xuống. Cặp mắt Anne d Autriche phóng ra hai tia chớp. - Ồ! Ông ơi, điều ấy không trở ngại gì, - Hoàng hậu nói, - Ta đã cho bắt giữ những kẻ còn cao hơn ông. Gitaud! Mazarin xông ra. Ông nói: - Thưa Lệnh bà, đến lượt tôi, nếu tôi dám trình Lệnh bà một ý kiến… - Phải chăng vẫn là trả Broussel, thưa ông? Nếu đúng như vậy thì ông có thể miễn nói. - Không - Mazarin đáp, - Mặc dầu có thể ý kiến ấy cũng giá trị bằng một ý kiến khác. - Vậy là ý kiến gì? - Đó là cho gọi ông chủ giáo đến. - Chủ giáo! - Hoàng hậu kêu lên, - Cái kẻ gây rối ghê tởm ấy ư? Chính hắn đã gây ra tất cả cuộc nổi loạn này. - Thêm một lý do, - Mazarin nói - nếu hắn đã gây ra, hắn có thể dẹp lại. - Ơ này, thưa Lệnh bà, - Comminger nói, hắn đang đứng gần cửa sổ và nhìn ra - Cơ hội thật là tốt, ông ta kia kìa, đang ban phước trên quảng trường Hoàng cung. Hoàng hậu lao ra cửa sổ. - Đúng rồi, - bà nói, - Lão chúa đạo đức giả! Nhìn xem! Mazarin nói: - Tôi thấy tất cả mọi người quỳ trước mặt ông ta, mặc dầu ông ta chỉ là chủ giáo, còn tôi nếu ở chỗ ông ta bây giờ người ra sẽ xé xác tôi ra từng mảnh, mặc dầu tôi là giáo chủ. Cho nên, thưa Lệnh bà, tôi kiên trì điều mong ước của tôi (Mazarin nhấn mạnh hai tiếng đó) là xin Hoàng thượng tiếp ông chủ giáo. - Thế tại sao cả ông nữa, ông không nói ý nguyện của ông? - Hoàng hậu khẽ nói. Mazarin cúi mình. Hoàng hậu đứng trầm ngâm một lát. Rồi ngẩng đầu lên bà nói: - Ông thống chế, hãy đi tìm ông chủ giáo và dẫn đến đây. - Tôi sẽ nói gì với dân chúng? - Thống chế hỏi. - Bảo họ hãy kiên nhẫn, - Anne d Autriche nói, - Tôi, tôi rất kiên nhẫn! Trong tiếng nói của người đàn bà Tây Ban Nha kiêu hãnh có một giọng thật là mệnh lệnh thống chế không cãi lại nửa lời, ông cúi mình và đi ra. D Artagnan quay lại phía Porthos và nói: - Chuyện này rồi kết thúc ra sao? - Chúng ta sẽ thấy rõ, - Porthos đáp với vẻ bình tĩnh. Trong khi đó, Anne d Autriche đến chỗ Comminger và nói khẽ với hắn điều gì. Mazarin lo ngại nhìn về phía có d Artagnan và Porthos. Những người tham dự khác trao đổi với nhau những lời nói thì thầm. Cửa mở ra thống chế xuất hiện, theo sau có chủ giáo. - Thưa Lệnh bà, - Ông nói, - có ông Gondy đây, ông ấy vội vã đến theo lệnh của Hoàng thượng. Hoàng hậu đi vài bước ra đón và dừng lại, lạnh lùng, nghiêm khắc, im lặng và môi dưới bĩu ra, vẻ khinh bỉ. Gondy kính cẩn cúi mình thi lễ. - Thế nào, ông, - Hoàng hậu nói, Ông nói gì về cuộc nổi dậy này? - Ấy, thưa Lệnh bà, - Chủ giáo đáp, - Không còn là cuộc nổi loạn nữa, mà là một cuộc bạo loạn. - Bạo loạn là ở những kẻ nghĩ rằng dân chúng của ta có thể nổi loạn? - Anne kêu lên, - Bà không gìấu nổi ý nghĩ của mình trước mặt chủ giáo, mà bà coi, có lẽ là chính đáng, như kẻ chủ mưu của sự náo động ấy. Bà nói tiếp - Bạo loạn? Những kẻ mong mỏi điều đó gọi như thế đây cái phong trào do chính họ gây ra; nhưng đợi đấy, quyền lực của nhà vua sẽ lập lại trật tự! Gondy lạnh lùng đáp: - Thưa Lệnh bà, phải chăng Hoàng thượng ban cho tôi cái vinh dự được kiến diện là chỉ để nói với tôi điều đó? - Không đâu, ông chủ giáo thân mến ơi, - Mazarin nói, - Chính là để hỏi ý kiến ông trong cái bối cảnh mà chúng ta đang sống. Gondy giả vờ ngạc nhiên hỏi: - Có đúng là Hoàng thượng cho gọi tôi là để hỏi ý kiến không? - Phải, - Hoàng hậu nói, - Người ta muốn vậy. Chủ giáo nghiêng mình: - Hoàng thượng muốn rằng… - Ông nói cho biết nếu ở địa vị Hoàng thượng thì ông sẽ làm gì. - Mazarin vội vã đáp. Giáo chủ nhìn hoàng hậu, bà gật đầu. - Ở địa vị Hoàng thượng, - Gondy lạnh lùng đáp, - Tôi sẽ không do dự, tôi sẽ thả ngay Broussel. - Thế nếu tôi không thả, - Hoàng hậu kêu lên, - Thì ông cho rằng điều gì sẽ xảy ra? - Tôi cho rằng ngày mai Paris sẽ bị phá tan tành, - Ông thống chế nói xen vào. - Ta không hỏi ông - Hoàng hậu nói xẵng và chẳng buồn quay đầu lại, - Ta hỏi ông de Gondy. - Nếu hoàng thượng hỏi tôi, - Chủ giáo đáp vẫn với vẻ điềm nhiên, - Tôi sẽ nói rằng, tôi hoàn toàn nhất trí với ông thống chế. Mặt hoàng hậu đỏ rực lên, cặp mắt xanh huyền diệu dường như sắp bật ra khỏi tròng, đôi môi son tươi thắm mà các thi sĩ đương thời ví như đoá hoa lựu đang nở bỗng tái hẳn đi và run lên vì điên giận; bà khiến cả Mazarin cũng kinh hãi, mặc dù ông ta đã quen với những cơn giận dữ trong cái gia đình sóng gió ấy. Cuối cùng với một nụ cười dễ sợ bà kêu lên: - Trả lại Broussel! Quả là một điều khuyên hay ho đấy! Người ta thấy rõ đó là của một vị thầy tu. Gondy không sờn lòng. Những lời sỉ nhục hôm nay trôi tưột đi như những lời châm chọc ngày hôm qua; nhưng nỗi căm ghét và lòng phục thù cứ lặng lẽ tích tụ lại từng giọt từng giọt trong tâm can ông. Ông lạnh lùng nhìn hoàng hậu, bà có ý giục Mazarin cũng phải nói điều gì. Theo thói quen, Mazarin nghĩ ngợi nhiều và nói năng ít. - Hề hề! - Ông nói - Lời khuyên hay đấy, lời khuyên của bè bạn. - Tôi cũng vậy, tôi sẽ trả ông ta, cái ông Broussel tử tế ấy, sống hoặc chết, thế là mọi việc xong xuôi. - Nếu ông trả lại ông ta chết rồi thì mọi việc sẽ xong xuôi như ông nói, thưa Đức ông, nhưng sẽ xong xuôi khác với ông hiểu đấy. - Tôi đã nói sống hoặc chết à? - Mazarin đáp - Đó là cách nói thôi, ông biết rằng tôi hiểu tiếng Pháp tồi mà ông thì nói và viết giỏi lắm, ông chủ giáo ạ. - Chao ôi, Hội nghị quốc gia kia đấy! - D Artagnan nói với Porthos, - thế mà chúng tôi đã họp những cuộc hội nghị hay bằng mấy ở La Rochelle cùng với Arthos và Aramis. - Ở pháo đài Saint-Gervais, - Porthos nói thêm. - Ở đấy và nhiều nơi khác nữa. Đợi cơn mưa rào qua đi, chủ giáo lại tiếp tục vẫn với vẻ lạnh nhạt ấy: - Thưa Lệnh bà, nếu Hoàng thượng không tán thành cái ý kiến tôi đưa ra, thì chắc chẳn bởi vì Người đã có nhiều ý kiến hay hơn để nghe theo. Tôi quá hiểu sự khôn ngoan của hoàng hậu và của những vị cố vấn của Lệnh bà nên không thể giả định rằng người ta sẽ để thành phố kinh đô chìm đắm lâu trong một sự rối loạn nó có thể trở thành một cuộc cách mạng. Người phụ nữ Tây Ban Nha cắn đôi vành môi để dấu đi cơn giận dữ, rồi cười khẩy nói: - Như vậy là theo ý ông cuộc nổi dậy ngày hôm qua, hôm nay đã trở thành một cuộc cách mạng phải không? - Vâng, thưa Lệnh bà, - Chủ giáo trịnh trọng đáp. - Này ông, nhưng nghe ông thì, các dân tộc có lẽ quên các máy hãm? Gondy lắc đầu nói: - Năm nay là năm xui đối với các vua chúa. Xin Lệnh bà hãy nhìn nước Anh. - Phải, - Hoàng hậu đáp - Nhưng may thay ở nước Pháp không có Olivier Cromwell. - Biết đâu đấy! - Gondy nói, - Những con người kia tựa như sét, người ta chỉ biết đến họ khi nào họ giáng xuống. Ai nấy rùng mình và có một lát im lặng. Trong khi ấy hoàng hậu ấn hai bàn tay lên ngực. Rõ là bà đang nén những tiếng đập gấp gáp của trái tim mình. - Porthos, - D Artagnan lẩm bẩm, - hãy nhìn kỹ vị linh mục kìa. - Có, mình đã nhìn, - Porthos đáp. - Thế thì sao? - Này, thật là một con người! Porthos nhìn d Artagnan với vẻ ngạc nhiên; rõ ràng là anh hoàn toàn không hiểu bạn mình định nói gì - Hoàng thượng sẽ dùng những biện pháp thích hợp, - Chủ giáo tiếp tục nói một cách tàn nhẫn, - Nhưng tôi dự đoán là những biện pháp ấy rất khủng khiếp và chỉ càng chọc tức thêm những kẻ ngang ngạnh. - Thế thì ông chủ giáo ơi, - Hoàng hậu nói với vẻ châm biếm - Ông là bạn của chúng tôi và ông lại có rất nhiều thế lực đối với họ, ông sẽ trẩn an họ bằng cách ban phước lành cho họ. - Như thế có lẽ sẽ quá muộn, - Gondy nói, vẫn lạnh như băng: - Và có lẽ bản thân tôi sẽ mất hết mọi ảnh hưởng, còn Hoàng thượng bằng cách trả lại Broussel cho họ sẽ chặt đứt mọi cội rễ của cuộc phản loạn và dùng quyền trừng trị một cách tàn nhẫn mọi sự gia tăng bạo loạn. - Thế tôi không có cái quyền đó sao? - Hoàng hậu kêu lên. - Nếu Lệnh bà có thì xin cứ dùng, - Gondy đáp. - Ghê thật! - D Artagnan bảo Porthos, - Đó là một tính cách mà tôi ưa thích. Sao ông ta chẳng là tể tướng và tôi chẳng là d Artagnan của ông ta nhỉ, mà lại là của cái lão Mazarin đê tiện ấy! A, mẹ kiếp! Chúng ta sẽ cùng chơi những đòn ra trò! - Phải đấy, - Porthos đáp. Hoàng hậu ra hiệu cho bãi triều trừ Mazarin. Gondy cúi chào và toan rút lui như những người khác. - Ông hãy ở lại, - hoàng hậu nói. "Được, Gondy tự nhủ, - bà ta sẽ nhượng bộ". - Bà ta sẽ cho giết ông ấy mất, - D Artagnan nói với Porthos, - nhưng dù sao cũng không bởi tay ta. Trái lại tôi xin thề trước Chúa rằng hẻ nào xông đến ông ta, tôi sẽ nhảy bổ vào họ. - Tôi cũng vậy, - Porthos nói. - Được! - Mazarin ngồi xuống ghế và lẩm bẩm, - ta sẽ thấy cái mới. Hoàng hậu đưa mắt dõi theo những người đi ra. Khi người cuối cùng ra đã đóng cửa, bà quay đầu lại. Người ta thấy bà đã có những cố gắng không ngờ để chế ngự cơn tức giận của minh. Bà quạt, bà hít ở lư hương, bà đi đi lại lại. Gondy bắt đầu lo ngại đưa mắt thăm dò những tấm thảm phủ tường, sờ nắn tấm áo giáp ông mặc dưới lần áo dài và chốc chốc lại rờ tìm cái chuôi con dao găm Tây Ban Nha rất tốt mà ông giấu trong chiếc áo thày tu xem nó có tiện ở trong tầm tay mình không. Cuối cùng hoàng hậu dừng chân và nói: - Nào, bây giờ còn có riêng chúng ta, xin ông chủ giáo nhắc lại lời khuyên của ông. - Đây, thưa Lệnh bà, - Gondy làm bộ suy nghĩ một chút - Công khai thừa nhận một điều sai lầm, đó là sức mạnh của những chính quyền mạnh, đưa Broussel ra khỏi nhà tù và trả lại cho dân chúng. - Ôi! - Anne d Autriche kêu lên, - ta phải tự hạ mình như thế ư? Ta có phải là nữ hoàng hay không? Tất cả bọn đê tiện đang hò hét có phải là đám thần dân của ta hay không? Ta có những bạn bè và lính thị vệ hay không? A! Xin Thánh mẫu như nữ hoàng Catherine nói - Bà lên giọng và nói tiếp - Thà tự tay ta bóp cổ tên Broussel ti tiện ấy còn hơn trao hắn cho bọn chúng. Và hai bàn tay quặp lại, bà xông đến Gondy mà lúc này bà căm ghét ít ra thì cũng bằng Broussel. Gondy đứng im, không một thớ thịt nào trên khuôn mặt động dậy; song cái nhìn giá băng của ông như một lưỡi gươm chạm với cái nhìn điên giận của hoàng hậu. - Một người chết này, - D Artagnan nói, - nếu như có một Vitry nào đó (3) trong triều và vào đây trong lúc này. Nhưng trước khi hắn tới được ông chủ giáo tử tế kia thì chính tôi, tôi sẽ giết tên Vitry chết tươi? Giáo chủ Mazarin hẳn sẽ vô cùng biết ơn tôi. - Suỵt! Nghe nào! - Porthos nói. - Này bà! - Mazarin kêu lên và nắm lấy tay Anne d Autriche kéo lại sau, - Bà làm cái gì thế? Rồi ông nói thêm bằng tiếng Tây Ban Nha: - Anne, bà điên đấy à? Bà là hoàng hậu mà gây ra ngay ở đây những cuộc cãi nhau như của bọn tư sản ấy! Và bà không trông thấy sao trước mặt bà, trong con người của vị tu sĩ này là cả dân chúng Paris lăng nhục ông ta trong lúc này là nguy hiểm; nếu ông ta muốn thì trong một giờ nữa bà sẽ không còn ngôi báu! Được rồi, ít lâu nữa trong một dịp khác bà sẽ đối chọi vững vàng và mạnh mẽ, nhưng hôm nay chưa phải lúc. Hôm nay bà hãy giả vờ, ve vuốt đi, nếu không thì bà chỉ là một người đàn bà tầm thường. Nghe mấy tiếng mở đầu bài diễn văn, d Artagnan đã nắm lấy cánh tay Porthos và siết chặt dần dần, rồi khi Mazarin im lặng, anh nói rất khẽ với bạn: - Porthos này, chớ có bao giờ nói trước mặt Mazarin rằng tôi biết tiếng Tây Ban nha, nếu không thì tôi sẽ đi đứt, cả cậu cũng vậy. - Được rồi, - Porthos đáp. Lời giáo huấn gay gắt ấy đượm vẻ hùng hồn đặc trưng cho Mazarin khi ông ta nói tiếng Ý hoặc Tây Ban Nha và biến mất hẳn khi ông nói tiếng Pháp được nói ra với một vẻ mặt thân nhiên khó thăm dò khiến Gondy vốn tài xem tướng thế mà cũng chỉ nghĩ rằng đó chỉ là một lời khuyên can đơn giản cần phải ôn hoà hơn mà thôi. Về phía mình, hoàng hậu bị trách móc nặng lời bỗng nhiên dịu hẳn đi. Có thể nói rằng bà đã để rơi lửa khỏi mắt bà, máu khỏi má bà và cơn giận dữ dai dẳng khỏi cặp môi của bà. Bà ngồi phịch xuống, để rơi hai cánh tay rã rời xuống hai bên mình, bằng một giọng đầy nước mắt, bà nói: - Ông chủ giáo, xin ông hãy tha thứ cho tôi, và gán sự dữ dằn kia cho điều mà tôi phải chịu đựng. Là đàn bà, và do đó dễ nệ theo những yếu đuối của giới mình, tôi kinh hãi nội chiến; là hoàng hậu và quen được phục tùng, tôi dễ nổi khùng trước những sự kháng cự đầu tiên. - Thưa Lệnh bà, - Gondy nghiêng mình nói - Hoàng thượng lầm khi coi những ý kiến chân thành của tôi là kháng cự. Hoàng thượng chỉ có những bầy tôi phục tùng và cung kính. Không phải hoàng hậu là người mà dân chúng căm giận. Họ đòi Broussel, có thế thôi, và họ sung sướng được sống dưới những luật pháp của Hoàng thượng, nếu như Hoàng thượng trả Broussel cho họ, - Gondy mỉm cười nói thêm. Vừa mới nghe câu: "Không phải hoàng hậu là người mà nhân dân căm giận, Mazarin đã vểnh cả hai tai lên, tưởng rằng chủ giao sẽ nói tiếp về những lời hô: "Đả đảo lão Mazarin!. Nhưng thấy đoạn ấy được bỏ đi, ông thầm cảm ơn chủ giáo. Rồi bằng giọng mượt mà nhất và vẻ mặt nhã nhặn nhất ông nói: - Xin Lệnh bà hãy tin ở ông chủ giáo ông là một trong những chính khách tài giỏi nhất mà chúng ta có được. Chiếc mũ giáo chủ đang khuyết dường như dành cho cái đầu cao quý của ông. "A! Mi cần đến ta thế ư, thằng ba que quỷ quyệt" - Gondy nhủ thầm. Và lão ta sẽ hứa hẹn gì với chúng ta, - D Artagnan nói, - cái ngày mà người ta sẽ muốn giết lão? Ghê nhỉ? Lão ta ban phát những chiếc mũ giáo chủ như thế, thì Porthos ạ, chúng ta hãy chuẩn bị ngay ngày mai yêu cầu cho mỗi đứa chúng ta phụ trách một trung đoàn. Mẹ kiếp Chỉ cần cuộc nội chiến kéo dài một năm thôi, tôi sẽ cho mạ vàng lại cho tôi thanh gươm của nguyên suý! - Thế còn tôi? - Porthos hỏi. - Cậu ấy à? Tôi sẽ cho cậu cây gậy thống chế của ông de La Meilleraie, lúc này ông ta có vẻ không được sủng ái lắm. - Như vậy, - Hoàng hậu nói, - Thực sự là ông sợ cuộc phản loạn dân chúng à? - Thực sự chứ, thưa Lệnh bà, - Gondy nói, ngạc nhiên rằng mình đã không làm già hơn - Tôi sợ rằng khi cơn lũ đã phá vỡ đê, nó sẽ gây nên những cuộc tàn phá lớn. - Còn tôi, - hoàng hậu nói, - Tôi cho rằng trong trường hợp ấy phải chống lại bằng những con đê mới. - Nào, tôi sẽ suy nghĩ. Gondy nhìn Mazarin với vẻ kinh ngạc. Mazarin đến gần hoàng hậu để nói. Vừa lúc ấy người ta nghe thấy tiếng ồn ào dữ dội trên quảng trường Hoàng cung. Gondy mỉm cười, cái nhìn của hoàng hậu rực lửa, Mazarin tái xanh tái xám. - Lại chuyện gì nữa? – Mazarin nói. Lúc đó Comminger chạy xổ vào phòng khách và thưa: - Xin Lệnh bà thứ lỗi, nhưng dân chúng đã nghiền nát lính canh vào rào sắt và lúc này đang phá các cổng. Lệnh bà ra lệnh thế nào ạ? - Lệnh bà nghe xem, - Gondy nói. - Tiếng sóng gào, tiếng sét nổ, tiếng núi lửa gầm cũng không thể so sánh với trận bão tố của những tiếng la hét lúc này đang bốc lên tận trời. - Ta ra lệnh thế nào ư? - Hoàng hậu nói. - Vâng, gấp lắm rồi. - Ông có khoảng bao nhiêu người ở Hoàng cung? - Sáu trăm người. - Cắt một trăm người ở bên vua, và với số còn lại hãy quét sạch bọn tiện dân ấy cho ta. - Bà làm gì thế? - Mazarin nói. - Đi đi! - Hoàng hậu bảo. Comminger đi ra với sự phục tùng thụ động của người lính. Vừa lúc ấy, một tiếng gãy kinh khủng vang lên, một chiếc cổng bắt đầu bật tung. - Này bà! - Mazarin nói, - Bà làm nguy hại tất cả chúng ta rồi, nhà vua, bà và tôi nữa. Nghe tiếng kêu của linh hồn đó của ông giáo chủ thất đảm hoàng hậu cũng hoảng sợ và gọi Comminger lại. - Muộn quá rồi! - Mazarin vò đầu bứt tai nói, - Muộn quá rồi. Cổng bật ra và người ta nghe đám tiện dân reo hò mừng rỡ. D Artagnan cầm kiếm ra tay và ra hiệu cho Porthos làm theo. - Hãy cứu lấy hoàng hậu? - Mazarin nói với ông chủ giáo. Gondy lao ra phía cửa sổ và mở ra. Ông nhận thấy Louvières đi đầu một đám đông phải đến ba bốn nghìn người. - Không được tiến thêm một bước nào nữa! - Ông kêu lên. – Hoàng hậu ký rồi. - Ông nói gì thế? - Hoàng hậu kêu. - Sự thật, thưa bà, - Mazarin vừa nói vừa đưa giấy bút ra - Cần phải như vậy. - Rồi ông nói thêm - Anne, hãy ký đi, tôi van bà tôi muốn thế! Hoàng hậu ngồi phịch xuống ghế, cầm bút và ký. Do Louvières ngăn dân chúng không tiến thêm một bước nào nữa, nhưng tiếng ồn ào khủng khiếp chỉ rõ sự phẫn nộ của quần chúng đông đảo vẫn tiếp tục. Hoàng hậu viết: "Người coi nhà tù Saint-Germain sẽ trả lai tự do cho cố vấn Broussel" Rồi bà ký. Mắt nhìn ngốn ngấu từng cử động nhỏ của bà, ông chủ giáo chộp lấy tờ giấy ngay khi nó vừa được ký xong, trở ra cửa sổ và cầm tờ giấy mà vẫy vẫy: - Tờ lệnh đây, - Ông nói. Dường như toàn thể Paris cùng reo hò ầm ĩ vì vui mừng; rồi vang lên những tiếng hô: "Broussel muôn năm! Chủ giáo muôn năm!". -" Hoàng hậu muôn năm!" - Ông chủ giáo hô. Mấy tiếng hô đáp lại, nhưng lẻ tẻ rời rạc. Phải chăng chủ giáo hô lên câu đó chỉ là để cho Anne d Autriche nhận thấy thế yếu của mình. - Ông Gondy, - Bà nói, - bây giờ ông đã đạt được điều ông mong muốn thì mời ông đi đi. - Khi nào hoàng hậu cần đến tôi, - chủ giáo cúi chào và nói, - Xin Hoàng thượng biết cho rằng tôi sẵn sàng chờ lệnh. Hoàng hậu gật đầu và Gondy rút lui. Cửa vừa mới đóng lại, Anne d Autriche đã giơ tay ra về phía ấy mà nói: - A! Tên thầy tu đáng nguyền rủa kia! Sẽ có ngày ta cho mi uống nốt chén mật đắng mà mi đã chuốc cho ta hôm nay. Mazarin chầm chậm tiến đến gần bà. - Hãy để mặc tôi, - Bà nói - Ông không phải là một người đàn ông? Và bà đi ra. - Chính bà mới không phải một người đàn bà, - Mazarin lẩm bẩm. Rồi sau một lát trầm ngâm, ông chợt nhớ ra rằng d Artagnan và Porthos chắc vẫn ở kia, do đó đã nghe thấy hết cả. Ông cau mày và đi thẳng đến chỗ che thảm và vén lên: căn phòng vắng tanh. Khi nghe lời nói cuối cùng của hoàng hậu, d Artagnan đã nắm tay Porthos và kéo bạn đi ra phía hành lang. Mazarin cũng ra hành lang và thấy đôi bạn đang đi dạo. - Ông d Artagnan, tại sao ông rời căn phòng? - Bởi vì, - D Artagnan đáp, - hoàng hậu đã ra lệnh cho tất cả mọi người đi ra, tôi nghĩ rằng lệnh ấy là cho chúng tôi cũng như cho những người khác. - Như vậy là ông đã ra đây từ… - Từ khoảng mười lăm phút d Artagnan vừa nói vừa nhìn Porthos và ra hiệu cho bạn đừng cải chính. Mazarin bất chợt cái ra hiệu đó và tin chắc rằng d Artagnan đã trông thấy hết và nghe thấy hết, nhưng ông biết ơn anh về sự nói dối. - Ông d Artagnan này, Quiả nhiên ông là người mà tôi tìm kiếm, và ông có thể trông cậy ở tôi cả bạn của ông nữa. Rồi chào đôi bạn bằng nụ cười ưu nhã nhất, ông yên tâm hon trở vào văn phòng mình, vì sau khi Gondy ra, tiếng ồn ào đã ngừng bặt y như bởi phép mầu. Chú thích: (1) Trong bộ truyện trước, Séguier theo lệnh vua Louis XIII toan lục soát ngay trong mình hoàng hậu để tìm kiếm một bức thư khả nghi (2) chơi chữ: "bienvenu" - đến vừa hay, được hoan nghênh, và "bien revenu" - quay trở về thật; hoàng hậu có ý châm biếm ông thống chế bại trận phải trở về. (3) Vitry (1581-1644) đại uý thị vệ (sau làm thống chế) năm 1617 theo lệnh vua Louis XIII bắt giữ thống chế Concini, ông này kháng cự và bị Vitry giết chết