Always read something that will make you look good if you die in the middle of it.

P.J. O'Rourke

 
 
 
 
 
Tác giả: Chương Xuân Di
Thể loại: Ngôn Tình
Biên tập: Tiêu Bách
Upload bìa: Tiêu Bách
Số chương: 96 - chưa đầy đủ
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3326 / 58
Cập nhật: 2015-12-09 16:24:33 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 82
ưng và eo đau ê ẩm, tôi hé mắt, tán cây trước mặt trụi gần hết lá, che khuất nền trời âm u. Tuyết trên cành khô rơi ào ào khi cơ thể tôi đỗ xuống. Cũng may tôi tiếp đất trên nền tuyết, nên đã giảm thiểu được rất nhiều xung lực.
Tôi kéo khóa, tháo mũ bảo hiểm, vòng tay qua ôm eo, cắn răng chịu đau, ngồi dậy và quan sát xung quanh. Phía trước là một ngọn đồi, cách đó không xa có một con sông, dòng chảy nho nhỏ lộ ra dưới những khúc sông không đóng băng. Phía bên kia là vạt rừng, xa xa là những dãy núi đồi trùng điệp, nổi bật trên nền tuyết trắng xóa. Tuyết đã ngừng rơi, nhưng bầu trời vẫn âm u, ảm đạm.
Tôi muốn đứng lên, nhưng cơn đau ở vùng lưng lại ập đến, chiếc ba lô nặng trình trịch kéo tôi ngã ngửa ra phía sau, tôi đổ người trên tuyết. Mất một lúc lâu tôi mới lấy lại được hơi sức để lồm ngồm bò dậy. Tôi già mất rồi! Còn đâu sức khỏe và sự dẻo dai của mười năm về trước nữa!
Bước thấp bước cao men theo triền núi trước mặt thấp thoáng vài ngôi nhà của bà con nông dân. Gõ cửa hỏi thăm tôi mới biết, mình rơi xuống một nơi gọi là huyện Châu Chi, cách Trường An hơn một trăm năm mươi dặm. Tôi tiếp tục hỏi thăm đường đến huyện Hộ, nhưng cụ già miền sơn cước ấy giảng giải không được rõ ràng cho lắm, đành vậy. Cũng may tôi mang theo bản đồ, nên có thể vừa đi vừa hỏi.
Tôi rút ra vài đồng bạc vụn đem theo từ thời hiện đại, mua của cụ già nông dân một cỗ xe bò và các loại lương khô. Không muốn lãng phí thời gian, tôi tìm đường ra đường cái theo chỉ dẫn của cụ già. Cứ đi về hướng Đông là sẽ tới Trường An. Vườn Tiêu Dao ở huyện Hộ, cách Trường An bốn mươi dặm, vì vậy tôi phải đến Trường An trước đã.
Tự mình điều khiển xe bò, cỗ xe chậm chạp lăn bánh khiến tôi rất đỗi nóng ruột. Tôi không cứng tay, không thành thạo nên cỗ xe chẳng thể tăng tốc. Trên đường cái quan, tôi gặp rất nhiều người, già trẻ trai gái đủ cả. Vẻ mặt mệt mỏi, áo quần tả tơi, họ dắt díu nhau đi về hướng Đông.
Những người này hẳn là dân chạy nạn, hỏi thăm thì được biết, họ đều từ Lượng Châu tới. Bởi vì mất mùa đói kém, nên sau khi Lữ Long đầu hàng Diêu Hưng, họ kéo nhau tới đất Tần mong tìm được kế sinh nhai. Theo ghi chép thì vào thời điểm này, Rajiva đã đến Trường An. Sợ rằng ghi chép có sự sai sót, nên tôi bèn hỏi thăm họ về pháp sư Kumarajiva, nhưng chẳng nhận được thông tin nào.
Tôi đi hỏi từng người một, rồi đột nhiên tim thắt lại tưởng chừng ngạt thở! Phía trước, giữa đám đông là một bóng dáng cao gầy, đang khom lưng, áo cà sa màu nâu song bay phần phật trong gió bấc tê tái. Tôi cuống cuồng dừng xe bên đường, phi như bay về phía bóng dáng đó, chụp lấy cánh tay người đó. Giữa hố mắt sâu thẳm là đôi mắt già nua, nhăn nheo, sống mũi người đó cao lạ thường, đôi môi dày bè, râu tóc hung đỏ, người đó rõ ràng là thuộc tộc người ở vùng Trung Á. Vầng trán cao rộng, cương nghị và thông tuệ, gương mặt nhân hậu, người đó chừng bảy mươi tuổi.
- Thí chủ tìm bần tang ư?
Tiếng Hán lơ lớ và nặng âm mũi của người đó khiến tôi phải luận mãi mới hiểu hết nghĩa. Tôi thả tay, lắc đầu thất vọng. Tôi nhớ chàng đến mức này ư! Theo ghi chép: Ngày hai mươi tháng mười hai âm lịch năm 401 sau Công nguyên, Rajiva đã được bố tướng của Diêu Hưng là Diêu Thạc Đức đón về Trường An, đến nay đã hơn một tháng, chàng đâu thể một thân một mình lặn lỗi giữa đám đông nạn dân này chứ! Tôi định bỏ đi, nhưng lại dừng bước, gặng hỏi:
- Xin thầy cho hỏi, thầy có biết pháp sư Kumarajiva từng sống nhiều năm ở Guzang nay ở nơi nào không?
Nhà sư thoáng ngạc nhiên, sau đó thì ra sức huy động não bộ tìm kiếm từ vựng, rồi thốt ra từng tiếng một đầy khó khăn:
- Ừm… Kumoluojiba… đã đến Trường An. Bần tăng đến Trường An, để tìm gặp ngài…
Tôi giật mình, nhà sư gọi tên tiếng Phạn của Rajiva! Tôi lập tức chuyển sang trò chuyện bằng tiếng Tochari:
- Đại sư quen biết ngài ư? Nhà sư hết sức ngạc nhiên, há miệng, tròn mắt nhìn tôi, sau đó thì mặt mày rạng rỡ, bắt đầu cuộc chuyện với tôi bằng tiếng Tochari lưu loát:
- Thật không ngờ ở Trung Nguyên cũng có người biết tiếng Khâu Từ!
Ngài chắp tay vái tôi một vái, rồi nói tiếp:
- Bần tăng vốn là người Kashmir, tên gọi Buddhayassa (Phật Đà Da Xá). Kumarajiva từng theo bần tăng học đạo, ngài đồng thời cũng là bạn hữu của bần tăng.
Đến lượt tôi kinh ngạc, Buddhayassa, tất nhiên là tôi biết ngài. Thuở thiếu thời, trên đường từ Kashmir trở về Khâu Từ, Rajiva có ghé qua nước Sulaq. Buddhayassa lúc này đang tiếp nhận sự hậu đãi của Thái tử nước Sulaq. Rajiva quyết định theo thầy học đạo. Thầy Buddhayassa coi Rajiva như bạn tri âm, khi Rajiva tỏ ý muốn trở về Khâu Từ, thầy đã cố công giữ chàng lại. Những chuyện này xảy ra trước khi tôi gặp Rajiva.
- Đại sư đến Trường An tìm gặp pháp sư, vậy là Rajiva đã đến Trường An rồi ư?
- Đúng thế. Đức vua Đại Tần phòng ngài làm quốc sư, cử sứ giả đi Guzang đón ngài, tháng trước ngài đã đến Trường An. Bần tăng vượt bao gian nan đến Guzang tìm ngài, nhưng không gặp được, đành tiếp tục hành trình đến Trường An.
Đại sư nhìn tôi đầy vẻ băn khoăn:
- Không biết vì sao thí chủ lại hỏi thăm về Kumarajiva? Tôi mỉm cười:
- Tôi và pháp sư Kumarajiva có mối quan hệ khá đặc biệt, đôi lời ngắn ngủi chẳng thể nói cho rõ. Tôi cũng đang định đến Trường An tìm ngài, chẳng hay đại sư có bằng lòng đi cùng tôi không?
Đại sư nhìn cỗ xe bò của tôi, lại thấy tôi chỉ có một mình, nên hơi do dự. Tôi bật cười:
- Chúng sinh bình đẳng, tứ tưởng vốn chỉ là hư ảo tướng. Đại sư thời trẻ từng nổi tiếng là bậc danh sư với tư tưởng rộng rãi, khoáng đạt. Vì sao bây giờ lại trở nên câu nệ chuyện người nam người nữ nhường vậy?
Đại sư kinh ngạc nhìn tôi:
- Do đâu thí chủ lại biết chuyện của bần tăng ngày trẻ?
Tôi cười, đáp:
- Chồng tôi đã kể cho tôi nghe.
Ngày trước, Rajiva từng kể cho tôi nghe những chuyện thú vị về vị sư phụ này của chàng. Buddhayassa sinh ra thuộc dòng dõi quý tộc Bà-la-môn. Mười ba tuổi xuất gia, mười chín tuổi đã đọc rất nhiều kinh văn kinh điển. Nhưng tuổi trẻ bồng bột, kiêu ngạo, ngài cho rằng trên đời này hiếm người có thể trở thành thầy của ngài, vì vậy ngài không được lòng chúng tăng Kashmir. Hai mươi tuổi, ngài đủ tuổi thọ Cụ túc giới, nhưng không ai chịu thọ giới cho ngài. Mãi đến năm hai mươi bảy tuổi, ngài mới tìm được một vị đại sư đồng ý thọ giới cho mình.
Đại sư rất lấy làm lạ khi nghe câu trả lời của tôi:
- Chồng thí chủ ư?
Tôi gật đầu, hướng mắt về phía Đông:
- Chồng tôi chính là người bạn chí thân của ngài – pháp sư Kumarajiva.
- Chuyện này…
Đại sư đã thật sự sửng sốt, ngài lùi lại, nhìn tôi muôn phần kinh ngạc:
- Phu nhân của pháp sư đã qua đời mười sáu năm trước kia mà.
Tôi thấy buồn cười khi nhìn điệu bộ của ngài. Sở dĩ tôi nói với ngài sự thật vì tôi rất có cảm tình với ngài. Ngài là người đầu tiên truyền giảng giáo lý Đại Thừa cho Rajiva. Năm mười ba tuổi, sau khi trở về Khâu Từ, Rajiva vẫn tiếp tục giữ liên lạc với ngài. Hai người vừa làm thầy trò, vừa là bạn tâm giao. Khi tin tức Rajiva phá giới lan truyền khắp nơi, ngài là người duy nhất trong số các vị cao tăng đức cao trọng vọng ở Tây vực công khai lên tiếng bênh vực chàng. Ngài đến Trường An trợ giúp Rajiva dịch thuật kinh Phật, chuyện của tôi và Rajiva, sớm muộn ngài cũng sẽ biết, chi bằng thành thật thưa rõ ngay từ đầu.
- Rajiva chắc chắn chưa bao giờ công bố chính thức việc tôi qua đời. Đó chỉ là lời đồn nhảm của thiên hạ mà thôi.
Tôi nhìn ngài, mỉm cười:
- Tôi về quê thăm mẹ, quan san cách trở, mười sáu năm mới lại lặn lội đến tìm chồng.
Ngài quan sát tôi rất tỉ mỉ, nhưng lại lắc đầu:
- Xin thí chủ chớ nói lời dối trá, trông cô nhiều nhất cũng chỉ khoảng hai mươi ba, hai mươi tư tuổi, sao có thể trở thành vợ của pháp sư từ mười sau năm trước?
Tôi bật cười khanh khách. Thời cổ đại, nhất là khi có chiến tranh loạn lạc, tuổi thọ trung bình của con người chỉ khoảng bốn, năm mươi tuổi. Phụ nữ thiếu thốn dinh dưỡng, không có mỹ phẩm chăm sóc bảo vệ, lại sinh đẻ sớm, nên già nua nhanh chóng.
- Thưa thầy, tôi đã ba mươi lăm tuổi rồi, chỉ là nhìn vẻ ngoài thì có vẻ trẻ hơn so với tuổi mà thôi.
Tôi thêm vào tuổi của mình hai năm, như thế tức là tôi kết hôn năm mười tám tuổi, hợp lý quá còn gì.
- Mười bảy năm trước, Phù Kiên cử Lữ Quang dẫn quân tiến đánh Khâu Từ. Ngài đã thuyết phục vua Sulaq đích thân cầm quân viện trợ Khâu Từ, nhà vua đã lên đường và giao việc nước cho ngài. Nhưng viện binh của Sulaq chưa đến nơi, Khâu Từ đã thất thủ. Vua Sulaq quay về thông báo với ngài, rằng Rajiva bị ép buộc thành thân, và đã bị Lữ Quang đưa đi khỏi Khâu Từ. Ngài những tưởng cả đời này sẽ không được gặp lại Rajiva nữa, trong lòng muôn phần buồn bã.
Tôi đón lấy ánh mắt kinh ngạc của đại sư, khẽ cúi người vái lạy ngài:
- Đó là nội dung bức thư ngài viết cho Rajiva năm xưa. Thư được gửi đến Khâu Từ, quốc sư Pusyseda, em trai Rajiva thay chàng nhận thư và cất giữ, sau đó đệ tử của Rajiva là Badyetara đã mang thư đến Guzang cho chàng.
Năm đó, hai mươi tư đệ tử của Rajiva đã vượt đường xa dặm thẳng, cuối cùng cũng giao được bức thư tới tận tay chàng.
Đại sư đã hoàn toàn tin tôi. Ngài lắc đầu thở dài, nước mắt ngắn dài, ướt nhèm tròng mắt nhăn nheo, già cả.
- Bần tăng lưu lại Sulaq hơn mười năm, sau đó nhận được thư mời của Đức vua Khâu Từ, bần tăng liền tới đó giảng đạo. Ba năm trước, bần tăng nhận được thư của Rajiva, đó là bức thư đầu tiên bần tăng nhận được kể từ khi pháp sư đến Trung Nguyên. Mười mấy năm bặt vô âm tín, khi biết pháp sư ở Guzang chịu muôn vàn gian khổ, bần tăng rất mong được đến giúp pháp sư. Sau khi nhận được thư, bần tăng những muốn sẽ lên đường ngay, nhưng Đức vua Khâu Từ quá ư hiếu khách. Sau đó, bần tăng đã phải bỏ trốn, nhưng tiếc thay, sau nửa năm trời vượt ngàn dặm xa xôi đến được Guzang, thì Rajiva đã đi Trường An.
Tôi đưa tay lau nước mắt:
- Mời đại sư lên xe rồi chúng ta nói chuyện tiếp. Chúng ta phải lên đường gấp, tôi rất mong ngày mai sẽ gặp được Rajiva.
Đại sư đi chung xe bò với tôi, chúng tôi thay phiên nhau đánh xe, trên đường đi, chúng tôi đã trò chuyện rất nhiều. Tôi đã kể ngài nghe Rajiva chịu sự chèn ép của cha con họ Lữ ra sao, chúng tôi đã trải qua nạn đói ở Guzang thế nào. Khi mặt trời xuống núi, chúng tôi đã vượt qua hơn ba mươi dặm đường. Chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi bên một dòng sông nhỏ, tôi lấy lương khô ra mời ngài, nhưng ngài lịch sự từ chối và cho tôi biết, ngài chỉ dùng bữa một lần trong ngày.
Tôi ra sông trữ nước vào túi da, bóng chiều đổ trên mặt sông lấp lóa. Tôi đứng lên, nheo mắt tránh ánh hoàng hôn rực rỡ, phía trước hẳn là có thôn làng, đêm nay chúng tôi sẽ tạm nghỉ chân tại đó.
Trở lại chỗ dừng xe, tôi thấy đại sư đang đấm lưng, co duỗi chân tay, thư giãn gân cốt. Tôi đưa túi nước cho ngài, ngài cảm ơn và đón lấy, lấy lưới lọc nước ra lọc qua một lần, đưa lên miệng uống một ngụm, sau đó, ngài nhìn tôi rất chăm chú, rồi đột nhiên bảo:
- Trong thư, pháp sư có nhắc đến phu nhân.
Tôi hồi hộp, ngước nhìn ngài. Đại sư thở dài, khẽ lắc đầu: - Pháp sư nói rằng, ngài không bao giờ hối hận vì đã phá giới và thành thân…
Nước mắt tôi cứ thế lã chã. Đại sư nhìn tôi, bóng tịch dương đổ lên những sợi râu của ngài lớp ánh sáng vàng ruộm rực rỡ. Ngài uống thêm một ngụm nữa, hướng mắt về phía mặt trời, giọng ngài thâm trầm:
- Rajiva như bông lụa. Sao lại bỏ vào rừng cỏ gai?
Tôi hiểu ý ngài. Rajiva quả thật rất hoàn hảo, chàng tựa như bông lụa trắng, tinh khiết. Nhưng vì sinh bất phùng thời, bông lụa trắng phải nép mình giữa đám bụi gai, không tránh khỏi có kẻ xấu bụng muốn hủy hoại sự thánh khiết của bông lụa ấy. Đại sư cho rằng, Rajiva không đủ kiên định, nên mới phạm phải sai lầm, khiến các bậc tu hành khác khinh miệt. Ngài là bạn tâm giao của Rajiva, tuy ngài đồng cảm với Rajiva khi chàng gặp nạn, nhưng về điểm này, ngài vẫn giữ quan điểm giống những tăng sĩ khác. Các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo cũng đã dựa vào câu nói này của ngài để đánh giá, bình xét về Rajiva.
Tôi muốn biện bạch, nhưng sau cùng đã quyết định im lặng, chỉ bình thản mỉm cười. Chúng tôi đâu cần bận lòng về cách nghĩ của người khác. Chuyến đi này của tôi chỉ được vỏn vẹn nửa năm, tôi muốn dành trọn thời gian đó để ở bên chàng, không muốn lãng phí cho bất cứ việc gì khác.
- Đại sư, không còn sớm nữa, chúng ta hãy lên đường đến thôn làng trước mặt…
Tiếng vó ngựa ầm ầm nện trên đường ngắt ngang lời tôi. Một toán người, ngựa đang phi nước đại về phía chúng tôi. Đại sư Buddhayassa quan sát một lúc, đột nhiên mặt mày biến sắc, cuống quít:
- Mau lấy bùn bôi lên mặt!
Tôi ngạc nhiên không hiểu, đại sư vội khom lưng nhặt một hòn đất:
- Đó là đám kỵ binh của nước Tần, những ngày qua, bọn họ không ngừng lùng bắt phụ nữ xinh đẹp trong đám đông dân chạy nạn.
Đại sư chưa kịp đặt hòn đất vào tay tôi thì đám kị binh đã ập đến. Dẫn đầu là một tên lính trẻ mặc áo giáp, tôi không dám nhìn, vội quay mặt đi hướng khác.
Không kịp nữa rồi. Một tiếng hí vang, rồi con ngựa thình lình xuất hiện trước mặt tôi. Tôi thu tay vào trong áo, chuẩn bị rút súng gây mê. Có ai đó xuống ngựa, tiếng bước chân dồn dập dồn về phía tôi. Vậy là tôi đã gây ra sự chú ý cho cả một đám người, có chống cự cũng vô ích. Nghĩ vậy, tôi liền quay đầu lại, nhìn thẳng vào tên trẻ tuổi đang bước về phía mình. Nắng chiều kéo dài bóng dáng cao lớn của người đó, một cơ thể cường tráng khỏe mạnh, chân tay dài hơn người bình thường, chỉ nhìn thoáng qua cũng đủ biết đó là một dũng sĩ, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung.
Khi hắn ta bước tới gần, tôi bỗng thấy lạnh người. Gã trai trẻ này, đúng là rất đẹp trai, nhưng ở gã toát ra vẻ hung hãn đáng sợ! Ngũ quan cân đối nổi bật trên nền nước da màu đồng, màu da này chắc hẳn là kết quả của những tháng ngày phơi mình dưới nắng đốt. Sống mũi cao và dài, vầng trán nhẵn bóng, cặp mắt nham hiểm giấu dưới hàng lông mày dày, rậm, giống hệt cặp mắt dữ dằn của một con báo lúc săn mồi. Một lọn tóc dài thả bên vành tai phải, đám tóc còn lại được cài gọn trên đỉnh đầu, lọn tóc hững hờ này tạo cho gã một vẻ gợi cảm, lôi cuốn rất đặc biệt.
Không nên đụng độ với người đàn ông này, sẽ chẳng có kết quả tốt đẹp gì. Tôi cảm thấy rất bối rối và lo lắng, không biết phải ứng phó ra sao. Gã đã đến cạnh tôi, bóng chiều đổ trên chiếc cằm đang ghếch lên, chói lóa. Đột nhiên tôi cảm thấy có điều gì không ổn, nhưng chưa kịp phản ứng, thì một cách tay lướt qua nhanh như chớp và kéo tôi đến trước ngực gã.
- Sau bao nhiêu ngày rốt cuộc cũng tìm được một đứa khả dĩ.
Gã nhìn tôi bằng cặp mắt của kẻ đi săn dành cho con mồi, cặp môi mỏng hé ra một nét cười lạnh nhạt, gương mặt toát lên vẻ tàn ác.
- Nữ thí chủ… này… đã… có chồng… không phải…
Đại sư Buddhayassa ấp úng phát ra thứ tiếng Hán trọ trẹ. Gã kia chỉ liếc xéo đại sư một cái, rồi lại quay sang nhìn tôi.
- Kết hôn rồi hả?
Giọng điệu vô tình ấy khiến tôi lạnh cả sống lưng.
Tôi gật đầu. Gã nhướn hàng mi dài, rất đẹp lên:
- Ta đoán ngươi cũng chừng ngoài hai mươi tuổi, kết hôn là phải rồi.
Gã nghĩ ngợi một lát, lại nhếch miệng cười:
- Không sao, biết ca hát nhảy múa là được. Ta đưa ngươi vào cung, không cần phải khổ sở đi theo lão già vô dụng này nữa.
Tôi giật mình vì ngạc nhiên. Vào cung ư? Hắn là ai? Vào thời Thập lục quốc, ngoài nước Tây Lương của Lý Cảo người Hàn, các nước còn lại đều được lập nên bởi Ngũ Hồ, nên thường không xem trọng quan niệm về trinh tiết như người Hán. Bởi vậy, họ vẫn thẳng tay bắt cóc phụ nữ đã có gia đình mà không hề ngần ngại. Nhưng, hắn cướp phụ nữ trong đám đông nạn dân của Lương Châu, đưa vào cung, để làm gì kia chứ?
Không cho tôi suy nghĩ thêm, hắn kéo tôi, lôi đi. Đại sư Buddhayassa vội chạy đến giữ tôi lại, nhưng tôi đã khẽ lắc đầu ra hiệu với ngài, rồi quay sang mỉm cười với gã kia:
- Nếu được hưởng vinh hoa phú quý, tôi sẽ đi theo ngài, nhưng hãy cho tôi mang theo hành lý.
Hắn ta ngỡ ngàng, rồi buông tay tôi ra và nói: - Ngươi là người phụ nữ đầu tiên không khóc lóc, ỉ ôi đấy. Tốt lắm, ta thích cá tính của ngươi. Sau khi vào cung, chỉ cần ngoan ngoãn, dù không còn trinh tiết, ngươi vẫn có thể được hưởng vinh hoa phú quý.
Tôi chau mày vì lời nói tục tằn, thô thiển ấy. Thật uổng phí cho dung mạo trời ban kia! Tôi quay lại xe bò để lấy ba lô và nói với đại sư Buddhayassa bằng tiếng Tochari:
- Đại sư không cần lo lắng cho tôi. Đại sư hãy đến chùa Thảo Đường trong vườn Tiêu Dao ở huyện Hộ, Rajiva đang ở đó. Nếu ngài gặp được pháp sư trước tôi, xin hãy nhắn với pháp sư rằng: Ngải Tình đã trở về.
Sở dĩ tôi đồng ý đi theo gã này, một là vì gã được tháp tùng bởi đám đông binh lính, súng gây mê chỉ có thể khiến gã bất tỉnh, và tôi sẽ chẳng thể thoát nổi đám lính còn lại. Hai là, câu nói “đưa tôi vào cung” của gã khiến tôi phải suy nghĩ. Lúc này Rajiva đã được Diêu Hưng phong làm Quốc sư, sống trong vườn Tiêu Dao của hoàng gia. Tôi chỉ là một thường dân, khó lòng gặp được chàng. Nếu tôi vào cung, biết đâu, đây là ý trời.
Tôi khoác ba lô, ngồi lên một cỗ xe ngựa, bên trong còn có năm cô gái khác, ăn vận bần hàn, hai mắt sưng húp, họ đều là dân chạy nạn. Tôi bỗng cảm thấy ảo não, Diêu Hưng cũng được xem là một bậc minh chủ thời Thập lục quốc, vậy mà gã trai trẻ này dám ngang nhiên bắt cóc dân nữ, không rõ thân thế của hắn ta ra sao?
Tôi hỏi han mấy cô gái thì được biết, họ cũng vừa bị bắt tới đây, các cô vẫn đang khóc lóc thảm thiết. Cô gái đứng tuổi nhất, chừng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, cao khoảng một mét bảy mươi, các nét trên gương mặt tương đối thô lậu, hẳn là người Hung Nô. Tuy không xinh đẹp, nhưng cô gái khá bình tĩnh, mạnh mẽ, cô chăm chú quan sát tôi hồi lâu, như thể tìm kiếm điều gì. Sau đó, cô gái nói với tôi rằng, cô từng nghe đám thuộc hạ gọi gã kia là Lưu tướng quân. Tôi cứ có cảm giác gương mặt này rất quen thuộc, gặng hỏi tên, mới hay cô gái tên là Nghiêm Tĩnh, một cái tên rất phổ biến, tôi không có ấn tượng đặc biệt gì. Tôi hỏi thêm vài câu thì cô gái không buồn nói nữa.
Tôi thầm suy xét: Họ Lưu, mới hai mươi tuổi đã được phong làm tướng quân đội kị binh; đẹp trai, cao lớn nhưng lạnh lùng, vô cảm. Tôi nhớ ra rồi, gã cũng là một nhân vật quan trọng của thời đại này: Xích Liên Bột Bột – người sáng lập ra nước Đại Hạ (còn gọi là Hồ Hạ)
Màn đêm buông xuống, đội quân dừng lại cắm trại ven sông. Vì chỉ có sáu cô gái, nên chúng tôi bị xua đi nấu cơm. Nấu xong lại phải cử một cô đi đưa cơm cho Hách Liên Bột Bột. Các cô gái, cô nào cô nấy mặt mày tái xanh vì sợ. Nghiêm Tĩnh run bần bật cho tôi hay, cái ông Lưu tướng quân này tính khí thất thường, lại tàn bạo, hung tợn, trong vòng ba ngày đã giết chết bốn cô gái. Nếu sơ ý lộ vẻ buồn bã, đau khổ, sẽ mất mạng như chơi. Cô gái đi đưa cơm hôm trước, không biết đã làm gì khiến ông ta nổi giận, chặt đứt hai tay, khiến cô ấy đau đớn, quằn quại, kêu thét cả đêm rồi chết.
Tôi nghe mà lạnh cả người, chả trách mấy cô gái này khiếp sợ hắn ta nhường vậy. Thuộc hạ của hắn gắt gỏng, thúc giục, năm cô gái co cụm lại với nhau. Tôi thở dài, bưng khay đồ ăn lên. Trước sau gì cũng phải có người làm việc này, tôi không nỡ để năm cô gái vô tội kia đi hiến mạng. Dù sao thì tôi còn có súng gây mê để phòng thân.
Trên đường tới lán trại, tôi cứ nghĩ mãi về Hách Liên Bột Bột. Vào thời điểm này, tên của hắn vẫn là Lưu Bột Bột, sau khi xưng đế mới đổi họ thành Hách Liên. Tiểu quốc được lập nên sớm nhất trong thời kỳ Thập lục quốc là nhà Hán của Lưu Uyên. Lưu Uyên, người Hung Nô, vì muốn thu phục người Hán ở phương Bắc, đã nhận Hoàng đế Hán triều là tổ tiên của mình, buộc quý tộc Hung Nô đồng loạt đổi họ thành họ Lưu. Hách Liên Bột Bột cho rằng người Hung Nô mà mang họ của người Hán thì không hợp lý, nên đã tự đặt ra họ “Hách Liên”, có nghĩa là “đẹp đẽ và huy hoàng như trời đất”.
Cha của hắn là Lưu Vệ Thần, được Phù Kiên phong làm Tây Thiền vu của Hung Nô. Sau khi Phù Kiên bại trận, Lưu Vệ Thần bị Hoàng đế khai quốc của Bắc Ngụy là Thác Bạt Khuê giết chết. Lưu Bột Bột khi ấy còn rất nhỏ, đã chạy trốn đến chỗ đại tướng quân Một Dịch Kiền, vốn là thuộc hạ của Diêu Hưng. Một Dịch Kiền nhận nuôi và gả con gái cho Hách Liên Bột Bột. Về sau, khi hắn phản bội Diêu Hưng và lập ra tiểu quốc riêng, thì việc làm đầu tiên là giết chết người cha nuôi kiêm bố vợ của mình.
Ở thế kỷ XXI, tôi đã có lần đến tham quan đô thành của Hách Liên Bột Bột – thành Thống Vạn, ở huyện Tịnh Biên, tỉnh Thiểm Bắc. Đó là một tòa thành hoang phế, nằm cô quạnh giữa sa mạc Maowusu mênh mông cồn cát, toàn bộ bức tường bao bọc bên ngoài tòa thành đều được bảo tồn nguyên vẹn, trải qua hơn một nghìn sáu trăm năm, vẫn kiên cố như thuở nào. Đó là tòa thành được xây dựng bằng máu và nước mắt. Năm xưa, Lưu Bột Bột tập trung một trăm nghìn người về đây xây thành, không biết bao nhiêu người đã mất mạng. Nếu như dùng búa đập mà có thể khiến cho tường thành xê dịch dù chỉ một phân, hắn cũng bắt phá đổ đoạn tường thành đó, để xây lại. Tường thành bị phá đổ ngay cả khi các thợ xây vẫn còn mắc kẹt trên cao, thi thể của họ bị vùi xuống dưới chân tường thành, hệt như một thứ vật liệu xây dựng.
Hách Liên Bột Bột là kẻ hung bạo, khát máu, bất chấp mọi quy tắc. Sau khi thành Thống Vạn được hoàn thiện, hắn thường ngự trên tường thành, bên cạnh là một cây cung, hễ thấy người nào không vừa mắt, hắn liền giương cung bắn chết người đó. Bề tôi nào nhìn hắn đầy vẻ bất mãn, hắn sẽ móc mắt bề tôi đó, kẻ nào dám cười mỉa mai, hắn sẽ xẻo môi kẻ đó, kẻ nào dám can gián, hắn sẽ cắt lưỡi, rồi chặt đầu kẻ đó.
Còn bây giờ, hắn đang là bề tôi được Diêu Hưng trọng dụng. Diêu Hưng rất mực hậu đãi Hách Liên Bột Bột, có lẽ vì vậy những hành vi bạo ngược, ác bá của hắn vẫn chưa bị lộ tẩy. Nhưng từ việc hễ bực mình là hắn chặt tay, lấy mạng người khác ấy, tôi nhận thấy đây là vị hoàng đế đáng sợ nhất của thời Thập lục quốc mà tôi từng gặp.
Tôi bước vào lán trại của Hách Liên Bột Bột, hắn đã cởi bỏ áo giáp và thay vào đó là bộ thường phục nhẹ nhàng, tóc dài thả tự do, thân hình thon gọn, cân đối, cơ bắp săn chắc, cuồn cuộn dưới lần vải mỏng. Sách “Tấn thư” mô tả về Hách Liên Bột Bột như sau: “thân dài tám thước năm tấc, dây lưng quấn mười vòng, có tài biện luận và rất điển trai”. Nếu không đáng sợ và dữ dằn đến thế, hắn có thể được xem là một gã đẹp trai hiếm có ở thời đại này.
Người ngồi đối diện với hắn đang nói chuyện:
- Hôm trước, Diêu Ung vào cung tâu với Bệ hạ rằng huynh là kẻ tàn bạo, khó gần, vì được Bệ hạ sủng ái quá mức.
Chén trà bị đập nát:
- Tên Diêu Ung ấy cậy mình là em trai của Bệ hạ, hắn dám nói về ta như vậy ư?
Người kia vội vã can ngăn:
- Đại ca bớt giận. Bệ hạ luôn cho rằng huynh là người tài cao trí rộng, muốn cùng huynh bình định thiên hạ, nên chẳng thèm để tâm đến lời nói của Diêu Ung.
Tôi không dám thở mạnh, bưng khay đồ ăn trên tay mà do dự không biết nên bước tiếp hay lùi ra ngoài. Hách Liên Bột Bột nhìn thấy tôi thì chau mày, khoát tay, ra hiệu cho tôi mang vào. Tôi đặt khay đồ ăn lên bàn, cúi thấp đầu định bụng lui ra. Đột nhiên, cổ tay tôi bị giật mạnh trở lại, tôi ngã nhào về phía trước.
- Rót rượu!
Giọng nói lạnh như băng, hắn tức tối, hầm hè liếc xéo tôi một cái. Tôi đành co cụm vào một góc, cung kính phục vụ.
- Đại ca, việc tuyển lựa ca kỹ Lương Châu tiến hành đến đâu rồi?
Người ngồi đối diện là một thanh niên trẻ hơn Hách Liên Bột Bột, gương mặt rất giống hắn ta. Tuy không điển trai, nổi bật như hắn, nhưng hiền hòa và dễ mến hơn rất nhiều, có lẽ là em trai hắn.
- Cả chặng đường chẳng kiếm được đứa nào ra hồn. Chọn suốt mấy ngày, tính cả ả này mới được có sáu đứa.
Hách Liên Bột Bột nâng chén rượu lên, bực bội nốc cạn, hàng mi dày, rậm nhíu lại.
- Nếu đại ca không nóng nảy giết chết bốn người, thì bây giờ đã đủ mười người rồi.
Người đó lắc đầu và cười:
- Hôm nay Bệ hạ đã đến vườn Tiêu Dao. Ngày mai ngài sẽ thắp hương và cầu khẩn ở chùa Thảo Đường mới xây xong. Nghe nói Bệ hạ đã mời nhà sư Kumarajiva người Tây vực từng sinh sống nhiều năm ở Lương Châu về đây và phong làm quốc sư, ngay mai ngài sẽ đến nghe pháp sư giảng kinh. Vì vậy, huynh phải gấp rút lên đường cho kịp. Đến vườn Tiêu Dao, dâng tặng những thiếu nữ này cho Bệ hạ, nhất định người sẽ rất vui mà quên đi những lời tấu xằng bậy của Diêu Ung.
Tôi ngẩn ngơ. Ngày mai sẽ tới vườn Tiêu Dao ư? Ngày mai tôi có thể gặp được Rajiva rồi ư?
- Ngươi ngồi ngây ra đấy làm gì hả!
Hách Liên Bột Bột sa sầm mặt mày, cánh tay dài kéo giật tôi vào lòng, ánh mắt sắc lẹm lướt trên người tôi:
- Trông ngươi khá là bắt mắt, đêm nay hãy ở lại hầu hạ ta.
- Được tướng quân ưu ái là vinh hạnh của tôi.
Tôi hoang mang, lo sợ, cuống quít viện cớ:
- Có điều, tôi vừa đến tháng, sợ làm vấy bẩn tướng quân.
Tiếng hầm hừ phát ra từ chiếc mũi cao thẳng tắp, cánh môi mỏng khẽ rướn lên, nụ cười lạnh lùng, thâm hiểm:
- Có phải hay không, nhìn là biết. Nếu ngươi dám lừa ta, ngươi sẽ mất chân hoặc mất tay.
Mồ hôi đầm đìa trên trán, tôi thu tay vào trong áo, nắm chặt khẩu súng gây mê. - Đại ca, hôm nay đệ cũng chỉ kiếm được bốn người, đại ca mà giết cô ta thì mai làm sao giao đủ mười người?
Em trai hắn lên tiếng khuyên can:
- Đêm nay, tì thiếp của đệ sẽ hầu hạ huynh.
Hách Liên Bột Bột gật đầu, thả tôi ra. Tôi vội vàng thu dọn bát đĩa trên bàn, nhanh chóng rời khỏi lán trại của hắn. Đêm đó, mãi đến lúc thiếp đi, tôi vẫn còn run bần bật.
Đội quân hạ trại ngay sáng sớm hôm sau để lên đường, họ đi rất nhanh, xe ngựa rung lắc dữ dội, mãi đến trưa mới dừng lại. Chúng tôi xuống xe, và thấy mình đang đứng giữa một khuôn viên vườn tược với quy mô rộng lớn. Khu vườn này được xây dựng tựa lưng vào núi, nước suối róc rách, thiên nhiên hoang sơ. Dãy núi phía sau không cao, nhưng dáng núi trùng điệp, kì vĩ. Những cây tùng cây bách cao vút, hiên ngang trên lớp tuyết, vươn mình lên trời xanh, đền đài, lầu các lẩn khuất giữa mênh mông tuyết trắng, tạo cho khung cảnh vẻ thẳm sâu, tĩnh mịch, liêu trai.
Tôi nhận ra rồi, nơi đây, chính là khu vườn thượng uyển ở huyện Hộ của mười hai triều đại hoàng đế bắt đầu từ thời nhà Tần, Hán, Đường… Diêu Hưng đã cho xây dựng vườn Tiêu Dao trên khu đất này. Ngài còn hạ chỉ xây một ngôi chùa trong khuôn viên khu vườn để nghênh đón Rajiva. Vì điện thờ chính của chùa được lợp bằng mái rơm, nên đặt tên là chùa Thảo Đường. Ngày sau, Rajiva sẽ lập đạo tràng dịch kinh ở đây, và tiến hành dịch thuật hơn ba trăm cuốn kinh, luận. Chùa Thảo Đường được bảo tồn đến tận ngày nay, tháp Xá lị của Rajiva được xây dựng trong khuôn viên ngôi chùa này.
Đang mải nghĩ xem làm cách nào gặp được Rajiva, thì chúng tôi bị xua vào một khoảng sân rộng, một phụ nữ chừng ngoài bốn mươi tuổi hướng dẫn chúng tôi thay y phục. Đó là bộ trang phục của cung nữ; váy lụa đỏ, hoa văn sặc sỡ. Sau khi thay xong xiêm y, chúng tôi được chải đầu, vấn tóc thành búi cao, cuộn lại một vòng trên đỉnh đầu, sau đó cài lệch một chiếc trâm kiểu cách. Đánh vật một hồi, soi gương, tôi thấy mình giống hệt người phụ nữ trong bức tranh “Nữ sử châm đồ” (Lời khuyên răn của quan nữ sử) của Cố Khải Chi.
Trang điểm xong, cả mười cô gái đều như được lột xác. Mấy cô gái kia đều còn rất trẻ, nên khi được mặc những bộ xiêm y xinh đẹp, lộng lẫy, cũng như bao thiếu nữ khác, họ trở nên vui vẻ, rạng rỡ, gương mặt họ toát lên sức sống thanh xuân. Duy chỉ có Nghiêm Tĩnh là vẫn mặt ủ mày chau. Tuy cô gái không muốn tiết lộ chuyện đời tư, nhưng tôi biết, cô đã lấy chồng, đêm qua cô đã lặng lẽ khóc cả đêm.
Người phụ nữ trung tuổi tháo vát và lão luyện kia chỉ dạy cho chúng tôi nghi lễ khi gặp Hoàng đế và buộc chúng tôi tập đi tập lại nhiều lần. Khi đã chắc chắn không còn lỗi sai, bà đưa chúng tôi đến đại điện. Hách Liên Bột Bột đã chờ sẵn ở đó, hắn mặc bộ triều phục màu tím. Đó là một kiểu trang phục rỗng rãi, quyền quý, mái tóc dài, đen bóng buộc gọn và thu vào chiếc mũ nhỏ, vẻ dữ dằn, hung hăng mất đi, trông hắn lúc này khá đạo mạo, tuấn tú. Sau tiếng hô báo tin của thái giám, Hách Liên Bột Bột xăm xắn bước ra cửa đại điện, đám đông nhất loạt cúi đầu, quỳ gối. Diêu Hưng đã đến.
- Khuất Kiết[1], hãy mau đứng lên!
[1] Tên chữ của Hách Liên Bột Bột, cũng là cách gọi thân mật của Vua Diêu Hưng dành cho Hách Liên Bột Bột.
Tiếng cười hảo sảng vang lên, tôi đứng lên theo đám đông, trộm nhìn vị vua vốn được đánh giá là anh minh của thời đại này.
Ngài vận bộ hoàng bào gấm hoa rực rỡ, đầu đội mũ miện vàng, dáng người cao lớn, giống hệt các tộc người phương Bắc, ria mép cắt tỉa chỉn chu, nho nhã. Tuy là người dân tộc Khương, nhưng vua Diêu Hưng đã bị Hán hóa một cách sâu sắc. Vào thời điểm này, ngài ba mươi lăm tuổi, đã làm Hoàng đế được tám năm, quốc gia thịnh vượng, lớn mạnh. Ngài vừa tiêu diệt nhà Hậu Lương của họ Lữ, khiến Thư Cừ Mông Tốn nhà Bắc Lương, Lý Cảo nhà Tây Lương, Thốc Phát Nộc Thiện nhà Nam Lương khiếp sợ, nhất loạt hàng phục và chịu cống nạp. Bởi vậy, ngài đang ở vào thời kỳ trí lực dồi dào, tinh thần hăm hở, vẻ đắc ý ngời ngời trên khuôn mặt đế vương.
- Khuất Kiết đến đúng lúc lắm. Tháng ba năm ngoái, trong vườn Tiêu Dao của ta bỗng dưng xuất hiện loài cây liền thân rất lạ, mọc giữa sân chùa. Lại nữa, cây hành, cây hẹ đột nhiên biến thành loài bạch chỉ. Quần thần dâng tấu: đó là điểm báo, rằng một vị đại đức đại trí sắp tới đây. Nhà vua bật cười sảng khoái, dắt tay Hách Liên Bột Bột, kéo ra ngoài cửa điện. Chỉ nhìn thái độ cũng biết, nhà vua rất mực sủng ái Hách Liên Bột Bột. Ngài đâu biết rằng, quốc gia của ngài sẽ suy tàn bởi con người đang ở trước mặt ngài, bề tôi mà ngài những tưởng luôn một lòng trung thành với mình. Nhưng phải khẳng định rằng, Hách Liên Bột Bột có đủ lực lượng để làm phản, cũng là do Diêu Hưng quá ư sủng ái và dung túng cho hắn.
Theo ghi chép của sử sách, năm 407 sau Công nguyên, bộ lạc Nhu Nhiên dâng tặng ngựa quý cho Diêu Hưng, quan trấn thủ Sóc Phương, nay là vùng phía Bắc Hàng Cẩm Kỳ (Hanggin, Banner), Nội Mộng Cổ khi ấy là Hách Liên Bột Bột đã chiếm giữ số ngựa quý này làm của riêng, tấn công và giết hại cha vợ là Một Dịch Kiền, cướp đoạt binh mã của Một Dịch Kiền, chống lại nhà Hậu Tần, lập ra quốc gia riêng – nước Đại Hạ, một trong mười sáu tiểu quốc thời Thập lục quốc.
- Điềm báo này quả nhiên đã ứng nghiệm. Vị cao tăng của Tây vực là pháp sư Kumarajiva đã nhận lời làm quốc sư nước Tần. Hôm nay, ngài sẽ đăng đàn giảng đạo trong chùa Thảo Đường mà trẫm vừa cho xây dựng xong. Khuất Kiết hãy cùng trẫm tới đó nghe pháp sư giảng đạo, chỉ một canh giờ là đến nơi.
Vua Diêu Hưng dường như hết sức phấn khởi, niềm vui rạng ngời trong ánh mắt. Ngài đâu biết rằng, gã thanh niên đầy dã tâm trước mặt ngài, trong vòng bảy, tám năm sắp tới, sẽ không ngừng tấn công nước Tần của ngài bằng chiến thuật đánh du kích trường kỳ, khiến ngài mệt mỏi và tuyệt vọng.
- Bệ hạ là bậc minh quân của muôn đời, vị cao tăng này quy thuận ngài cũng là lẽ đương nhiên. Hách Liên Bột Bột xin được dâng tặng mười cô gái làm quà mừng bệ hạ.
Hách Liên Bột Bột vừa chỉ tay về phía chúng tôi, vừa hoan hỉ vì đã nịnh bợ được đúng dịp.
Theo ghi chép của sách sử, sau khi lên ngôi vua, Hách Liên Bột Bột luôn mong chờ cái chết của Diêu Hưng. Vì hắn biết rõ Diêu Hoằng – người kế ngôi Diêu Hưng là một kẻ bất tài, bạc nhược. Tuy rằng, sau cùng, nhà Hậu Tần đã bị diệt vong bởi cuộc Bắc phạt của Lưu Dục, nhưng kẻ được lợi lại là Hách Liên Bột Bột. Vì khi ấy, Lưu Dục phải gấp rút trở về Kiến Khang để đạo diễn màn kịch nhường ngôi của nhà Tư Mã, và trở thành Tống Vũ Đế - vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Tống – Nam triều. Hách Liên Bột Bột đã tiếp quản Trường An, và thôn tính toàn bộ lãnh thổ của nhà Hậu Tần.
Vua Diêu Hưng đưa mắt lướt qua một lượt, rồi gật đầu hài lòng:
- Các cô gái này đều sắc nước hương trời, lại còn rất trẻ, có thể gia nhập đội ca múa.
Ngài quay sang căn dặn người phụ nữ trung tuổi dẫn dắt chúng tôi:
- Vương ma ma hãy đưa họ về đội ca múa và dạy dỗ họ cẩn thận.
Sau khi Vương ma ma lĩnh chỉ, nhà vua chẳng buồn để ý đến chúng tôi nữa, ngài hạ lệnh cho quân lính chuẩn bị xe ngựa và cùng Hách Liên Bột Bột rời đi.
Sau khi nhà vua đi khỏi, Vương ma ma cho chúng tôi biết, đội ca múa trong Hoàng cung ở Trường An, cách nơi này bốn mươi dặm. Chúng tôi phải nhanh chóng thu dọn để lên đường ngay. Tôi vội vàng vờ đau đớn:
- Vương ma ma, xin thứ lỗi, bụng tôi đau quằn quại, tôi muốn đi nhà xí.
Vương ma ma nhăn mặt, bảo tôi đi nhanh rồi về. Tôi lanh lẹ chạy biến. Vòng qua nhà xí, nhân lúc không ai chú ý, tôi cắm đầu cắm cổ bỏ chạy. Hôm nay, nhất định tôi phải gặp được Rajiva, vì nếu về Trường An, cách biệt bốn mươi dặm, không biết đến khi nào tôi mới gặp được chàng.
Sau khi ra khỏi đại điện, tôi hỏi thăm một thái giám mà tôi gặp trên đường đi về địa điểm của chùa Thảo Đường. Theo sự chỉ dẩn của vị thái giám nọ, tôi phi như bay với tốc độ của vận động viên điền kinh một trăm mét. Ống tay áo rộng thùng thình và chiếc váy lòa xòa vướng víu, tôi bèn kéo tất cả lên và ôm gọn lại, chẳng cần biết trông mình lúc này ra sao. Chạy được khoảng một dặm thì nhìn thấy công trình kiến trúc gì đó rất giống đền chùa miếu mạo ở phía trước, có lẽ là chùa Thảo Đường. Tim tôi đập thình thịch, chàng, đang ở đó…
Tôi dừng lại khi thấy lính gác cổng, phải làm thế nào bây giờ? Nhác trông thấy một chiếc chổi nằm ở góc sân. Tôi chậm rãi bước đến, cầm cán chổi lên, sửa sang đầu tóc, cố gắng giữ nhịp thở ổn định, bước về phía cổng chùa.
Quả nhiên đã bị chặn lại. Tôi rút chiếc trâm cài đầu và bông tai, ý nhị nhét vào tay hai tên lính gác, miệng cười thật tươi:
- Thưa hai anh, tôi vừa đến vườn Tiêu Dao nhận việc, hôm nay đến phiên trực nhật, nhưng không may lạc đường, đến muộn. Mong hai anh giúp đỡ, cho tôi vào chùa, nếu không, tôi sẽ bị quản giáo trách phạt.
Hai tên lính gác thấy đồ trang sức lấp lánh ánh vàng mà mỉm cười hoan hỉ, đồng ý cho tôi vào.
Có một lối đi lát đá xanh dẫn tới chính điện, hai bên là hai hàng tùng bách cao ngút ngàn. Tuyết đọng lại trên những chạc cây, muôn hình vạn trạng. Trên đường đi vẫn có lính gác, vẻ trang nghiêm, kính cẩn. Tôi cúi đầu, cầm chổi quét đất, chầm chậm di chuyển về phía chính điện. Thi thoảng lại nhìn trộm đám binh lính, sau khi nhận thấy họ không có biểu hiện gì khác thường, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Lối đi lát đá xanh ấy sao mà dài đến vậy. Tôi vẫn chầm chậm đưa đều cán chổi, nhưng tâm trí dường như đã rời khỏi thân thể này từ lâu, đang từng bước, chậm rãi, tiến tới gần chàng…
Càng tới gần tòa chính điện giản dị với mái lợp rơm khô, tim tôi đập ngày càng nhanh. Rajiva, em chờ giây phút này đã sáu năm. Tuy sáu năm nhớ nhung mòn mỏi, nhưng em có nhóc Rajiva để an ủi, bé là mối dây kết nối giữa hai ta. Còn chàng, chàng chỉ có một mình, lẻ loi, vò võ chờ đợi suốt mười sáu năm trời. Vì sao thời gian đối với em và đối với chàng lại thiếu công bằng đến vậy?
Tôi chầm chậm bước lên bậc tam cấp, một bậc, hai bậc, ba bậc. Nhịp tim đập dồn dập như nhịp trống, ầm ào như sấm động. Chàng bây giờ trông thế nào? Đuôi mắt đã thêm nhiều nếp nhăn? Chàng vẫn gầy guộc như xưa? Vết lở loét vì giá rét mùa đông còn tái phát không?
Hai tay nắm chặt cây chổi, tôi chậm rãi đưa gót về phía cánh cửa đại điện. Bước qua bậc cửa này, sẽ là một thế giới khác, qua bậc cửa này, chàng và em sẽ được đoàn tụ ư?
Vì sao chân tôi lại run lên bần bật thế này? Vì sao mỗi bước đều khó nhọc và gian nan thế này? Hình như đang có rất nhiều người ngồi xếp hàng trong đại điện. Họ là ai, tôi chẳng có thời gian mà nghĩ nhiều. Ánh mắt tôi, toàn bộ sự chú ý của tôi đều dồn cả vào bóng dáng gầy guộc trên đài cao phía trước.
Bóng người cao gầy đang bước xuống và đang hối hả lao về phía em là chàng ư? Em không thấy rõ, nước mắt đã che khuất tầm nhìn của em, trước mắt em chỉ còn là một khoảng không mơ hồ. Có phải ai đó đang hô hoán? Vì sao em có cảm giác đám đông xung quanh mình đang nhất loạt rộ lên, miệng họ mở rộng, môi họ mấp máy, nhưng em lại chẳng thế nghe rõ họ nói những gì.
“Phịch!” Âm thanh ấy truyền tới tai em một cách rõ ràng, đó là tiếng chổi rơi trên nền nhà. Không hiểu vì sao, em không còn đủ sức để cầm trong tay, dù chỉ là một cán chổi.
Bóng người lấp lánh ánh vàng ngăn chàng lại là ai? Vì sao người đó lại ngăn trở chàng? Có phải người đó chẳng thể ngăn nổi chàng không? Màu áo nâu sòng càng lúc càng đến gần, nỗi nhớ nhung ngàn năm không phai lạt thấm đẫm trong lớp khói sương huyền ảo. Chuỗi tràng hạt sờn bạc theo năm tháng, chập chờn trước mắt. Thân thể tôi nặng trình trịch như có ai rót chì lên, không giữ nổi thăng bằng, tôi đổ người về phía trước.
- Vợ của ta, nàng đã về…
Tôi ngã vào màu áo nâu sòng ấy, hơi thở ấm áp vây bọc lấy tôi, trái tim chàng đang gõ nhịp liên hồi bên tai tôi, cùng với trái tim tôi, hòa tấu bản nhạc song hành ở âm vực cao.
- Em đã về…
Là tiếng tôi ư? Vì sao nghe nhẹ tựa làn mây, bồng bềnh trôi đến tận chân trời xa thẳm…
Đức Phật Và Nàng Đức Phật Và Nàng - Chương Xuân Di Đức Phật Và Nàng