Số lần đọc/download: 3614 / 73
Cập nhật: 2016-02-18 21:13:13 +0700
Chương 45
T
ống Cương tiếp tục lang thang trong mùa thu ở đảo Hải Nam, xách kiện hàng kem phồng vú mác Cưỡi Sóng sáng đi tối về. Không có Chu Du bên cạnh, Tống Cương lúng túng không biết làm thế nào. Anh không có dũng khí cởi áo sơ mi để lộ cặp vú giả bên trong. Anh đứng bên cạnh đường phố ánh mắt đờ đẫn, y như một cây gỗ im lặng. Kem phồng vú mác Cưỡi Sóng của anh xếp ngay ngắn trên hộp giấy. Đàn ông đàn bà qua lại ngạc nhiên nhìn anh, nhìn người đàn ông ngực cao vống lên, đứng hết giờ này sang giờ khác, hầu như không nhúc nhích. Một vài chị em khi đi qua cúi xuống, hết nhìn kem phồng vú xếp ngay ngắn trên hộp giấy lại cầm lên xem kỹ lưỡng. Nhìn cặp vú ngồn ngộn trong làn áo sơ mi của Tống Cương, chị em nào cũng che miệng cười. Họ xấu hổ không dám hỏi về ngực Tống Cương, họ hết nhìn hộp kem lại nhìn bộ ngực ngồn ngộn của Tống Cương, thử tìm mối quan hệ giữa hai thứ. Họ giơ kem phồng vú, thận trọng hỏi Tống Cương:
- Anh đã dùng kem này chưa?
Tống Cương lúc này mặt đỏ bừng, theo thói quen quay sang tìm Chu Du, nhưng chung quanh toàn là những khuôn mặt không quen biết, đáng lẽ phải là Chu Du trả lời câu hỏi thay anh, anh phải tự đứng ra trả lời. Anh lo lắng gật gật đầu, mồm khẽ đáp:
- Vâng!
Những chị em này chỉ vào ngực Tống Cương, lại chỉ vào kem phồng vú trên tay mình, hỏi tiếp:
- Cái kia của anh bôi kem này to ra phải không?
Tống Cương xấu hổ cúi đầu, tiếp tục trả lời:
- Vâng!
Bằng dáng vẻ xấu hổ của mình, Tống Cương đã cảm hoá được nhiều chị em. Họ cảm thấy người đàn ông này trông có vẻ thật thà, đáng tin cậy. Thế là sau khi không có những lời khôn khéo ngọt xớt của Chu Du, kem phồng vú mác Cưỡi Sóng của Tống Cương vẫn bán hết lọ này đến lọ khác. Những người đàn ông qua đường, không nói năng hàm súc tế nhị như đàn bà. Trông thấy bộ ngực phốp pháp của Tống Cương, anh nào anh ấy cứ như ăn phải chất kích thích, ghé sát mắt vào tận ngực Tống Cương như dí sát vào kính hiển vi. Sau khi ngẩng lên họ giơ hai ngón tay chỉ vào ngực Tống Cương, hỏi:
- Hai cái của anh là ngực hay là vú?
Theo thói quen, Tống Cương lại quay sang tìm Chu Du. Chu Du lúc này đã về ngủ trên giường Tô Muội, bắt đầu cuộc sống vợ chồng chính thức với Tô Muội. Tống cương một mình lẻ loi đứng ở nơi chân trời góc bể, mặt đỏ tía tai, nghe những người đàn ông nơi đất khách quê người xôn xao bàn tán. Anh không biết trả lời câu hỏi ngực và vú như thế nào, may mà có người tự cho là thông minh trả lời giúp.
- Có phải thế này không - Ngươi đó giơ kem phồng vú trong tay hỏi Tống Cương - hai cái của anh trước kia là ngực, sau khi bôi kem phồng vú mác Cưỡi Sóng vào, đã trở thành vú?
Trong tiếng cười rộ lên, Tống Cương tiếp tục thẹn thùng xấu hổ. Anh khẽ gật đầu, trả lời:
- Vâng!
Sau khi Chu Du đột ngột bỏ đi, Tống Cương tiếp tục phiêu bạt ở đảo Hải Nam hơn một tháng. Hai vú giả ở ngực anh hình thành màng xenlulô bắt đầu cứng lại. Tống Cương không biết nguyên nhân tại sao, anh chỉ cảm thấy vú mình dần dần cứng như đá. Cùng lúc đó, bệnh phổi của anh lại tái phát. Anh vốn đã không ho, sau khi ngừng thuốc, cộng thêm nỗi mệt mỏi do bôn ba lâu dài, Tống Cương thường cảm thấy tức ngực phát hoảng, nửa đêm đang ngủ, thường hay bị cơn ho làm thức giấc. Tống Cương không lo thân thể mình, mà lo cuộc sống sau này. Thấy kem phồng vú trong hộp càng ngày càng ít ỏi, cuối cùng chỉ còn năm lọ, Tống Cương rầu rĩ trong lòng, không biết bán hết kem phồng vú, còn có thể bán gì. Không có Chu Du, Tống Cương rong ruổi giang hồ không có phương hướng, giống như sau khi rụng khỏi cây, chiếc lá đành phải bay theo gió. Tống Cương lúc này biết thế nào là trơ trọi một mình. Lâm Hồng trên tấm ảnh chụp là kỷ niệm duy nhất làm bạn với anh. Anh không dám lấy tấm ảnh ra. Anh muốn về nhà quá, nhưng số tiền kiếm được còn ít lắm, vẫn không thể làm cho Lâm Hồng hết âu lo cho cuộc sống sau này. Anh đành phải tiếp tục phiêu bạt, như chiếc lá cô đơn.
Tống Cương lúc này đứng trên quảng trường của một thành phố nhỏ nào đó, quảng cáo bán năm lọ kem phồng vú cuối cùng. Một người đàn ông hơn năm mươi tuổi cất giọng khẳn đặc đang rao bán dao. Người đàn ông xếp một hàng trên đất hơn mười loại dụng cụ, có dao bài, dao rựa, dao gọt hoa quả, dao gọt bút chì, còn có cả lưỡi lê, dao găm, dao phóng. Người đàn ông giơ con dao rựa trong tay nói to:
- Dao này đúc bằng thép vônphơram, chặt được thép các bon, thép không rỉ, thép làm khuôn, thép đúc và hợp kim titan, sắc như nước, không bị mẻ...
Nói rồi, ông ta ngồi xuống biểu diễn, chặt một nhát đứt đôi sợi dây thép to, sau đó đứng dậy, giơ dao rựa đi một vòng, hỏi người xem kiểm tra lưỡi dao có bị mẻ hay không? Sau khi những người vây xem nhao nhao nói không bị mẻ, ông ta lại ngồi xuống, xắn quần lên, cầm dao rựa cạo lông chân mình như cạo râu, rồi đứng lên, cầm một nhúm lông chân trong tay, đi một vòng để người xem nhìn cho rõ.
- Nhìn thấy chưa? - Ông ta nói - Đây là dao quý trong truyền thuyết thời xưa, gọt sắt như gọt đất, thổi một sợi lông đứt ngay...
Sau đó ông ta bắt đầu giải thích:
- Thế nào là thép vonphơram? Đó là một thứ kim loại cứng nhất, quý nhất thế giới, không chỉ dùng làm dao, mà còn dùng để chế tạo đồng hồ nổi tiếng. Đồng hồ thép vonphơram còn quý trọng hơn đồng hồ vàng. Đồng hồ Y Ba của Trung Quốc và "hai ni" của Thụy Sĩ đều là đồng hồ thép vonphơram...
Những người vây xem thắc mắc, hỏi:
- Thế nào là "hai ni" của Thụy Sĩ và Y Ba của Trung Quốc?
- "Hai ni" của Thụy Sĩ là đồng hồ đeo tay Jacniht và đồng hồ Rossini, đều là đồng hồ nổi tiếng thế giới - Người đàn ông lau nước dãi trên mép, nói tiếp - Còn đồng hồ Y Ba là đồng hồ nổi tiếng của Trung Quốc.
Chiều hôm ấy, Tống Cương bán được ba lọ kem phồng vú. Đứng ở chỗ xa quảng trường, Tống Cương không nhìn rõ khuôn mặt người đàn ông bán dao, chỉ nghe thấy ông gào khản cổ suốt ba tiếng đồng hồ. Tống
Cương đoán ông bán được năm sáu con dao là cùng. Ông bỏ dao chưa bán vào một túi vải bạt, khoác trên vai kêu leng ka leng keng bước tới. Khi đi qua bên cạnh Tống Cương, ông bị cặp vú phồng to của Tống Cương cuốn hút. Ông ghé đến xem, lại ngẩng lên nhìn Tống Cương, tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên, ông hỏi:
- Anh rành rành là một người đàn ông...
. Tống Cương đã quen với lối bàn luận như thế. Anh mỉm cười nhìn ông, quay đầu nhìn ra xa, trong giây lát, Tống Cương đột nhiên cảm thấy khuôn mặt ông rất quen, khi quay đầu lại, ông cười hì hì bước đi. Con người mà Tống Cương cảm thấy quen mặt đi khoảng mười mét đứng lại, quay người nhìn kỹ Tống Cương, thận trọng hỏi một tiếng;
- Tống Cương phải không?
Tống Cương đã nghĩ ra ông là ai, gọi thất thanh:
- Ông là Tiểu Quan mài kéo phải không?
Hai người của thị trấn Lưu chúng tôi lưu lạc nơi chân trời góc bể đã gặp nhau. Tiểu Quan mài kéo đi đến trước mặt Tống Cương, ngắm nghía Tống Cương y như nhìn lưỡi dao, hết nhìn mặt Tống Cương, lại nhìn cặp vú giả trên ngực anh. Khi nhìn cặp vú giả, ông định nói lại thôi, ông nhìn lên mặt Tống Cương bảo:
- Tống Cương, anh già đi.
- Ông cũng già đi - Tống Cương đáp.
- Hơn mười năm rồi - Tiểu Quan cười, đầy vẻ từng trải bể dâu - Hơn mười năm nay tôi không gặp người của thị trấn Lưu, không ngờ hôm nay được gặp anh. Anh ra đi đã bao lâu?
- Hơn một năm - Giọng Tống Cương đầy vẻ thương cảm.
- Tại sao anh phải ra đi? - Tiểu Quan lắc đầu hỏi - Ra đi làm gì?
- Bán sản phẩm bảo vệ sức khỏe - Tống Cương ấp a ấp úng trả lời. Ông Tiểu Quan cầm xem hai lọ kem cuối cùng trên hộp giấy, không nhịn nổi, lại nhìn vú giả trên ngực Tống Cương. Tống Cương đỏ mặt, khẽ bảo Tiểu Quan:
- Vú giả đấy.
Ông Tiểu Quan gật đầu tỏ vẻ thông cảm, kéo cánh tay Tống Cương, mời đến nhà ông thuê tạm ngồi nói chuyện. Tống Cương đút vào túi quần hai lọ kem còn lại, đi theo Tiểu Quan một chặng rất dài, lúc chiều tối đến một nơi đầy người làm thuê ở ngoài thành phố. Tiểu Quan dẫn Tống Cương đi trên con đường đất đầy ổ gà. hai bên đều là những căn nhà nhỏ sơ sài, trong nhà treo đầy quần áo. Một vài người đàn bà đang nấu cơm trong nhà. Một vài người đàn ông đứng đó hút thuốc lá, uể oải nói chuyện. Con cái họ chạy nhảy lung tung, trông đứa nào cũng bẩn thỉu nhếch nhác. Tiểu Quan bảo Tống Cương, gần như mỗi tháng, ông lại thay chỗ ở một lần, nếu không sẽ không bán được dao. Ông bảo ngày mai lại đi chỗ khác. Tiểu Quan dẫn Tống Cương đến trước một căn nhà nhỏ giản dị. Một người đàn bà hơn bốn mươi tuổi da ngăm ngăm đen đang phơi quần áo trước cửa. Tiểu Quan nói với vợ.
- Ngày mai đi rồi, giặt quần áo làm gì?
Người đàn bà quay lại nói với Tiểu Quan:
- Chính vì ngày mai đi, hôm nay mới giặt quần áo.
Tiểu Quan gắt gỏng, nói:
- Sáng sớm mai ô tô đến, quần áo không khô làm thế nào?
Người đàn bà không hề chịu lép trả lời:
- Ông đi trước, tôi chờ quần áo khô đi sau.
- Mẹ kiếp - Tiểu Quan mắng - Đúng là tôi mù mắt lấy phải bà.
- Có mà tôi mù lấy phải ông - Người đàn bà đốp chát lại.
Tiểu Quan hằm hằm nói với Tống Cương:
- Vợ tôi đấy
Tống Cương cười gật đầu chào chị ta. Chị ta cứ nhìn vào bộ ngực ngồn ngộn của Tống Cương một cách lạ lùng.
Tiểu Quan chỉ Tống Cương nói:
- Đây là anh Tống Cương, đồng hương của tôi...
Thấy vợ mình cứ nhìn chằm chặp vào ngực Tống Cương, Tiểu Quan cáu kỉnh bảo:
- Nhìn cái gì? Đồ giả đấy, theo nhu cầu để làm ăn buôn bán.
Vợ Tiểu Quan đã hiểu, chị gật gật đầu, cũng cười với Tống Cương. Tiểu Quan kéo Tống Cương đi vào căn nhà nhỏ hơn mười mét vuông. Bên trong chỉ kê một cái giương đôi, một cái tủ, một cái bàn và bốn cái ghế. Tiểu Quan đặt chiếc túi bạt đựng dao vào góc tường, mời Tống Cương ngồi xuống ghế. Tiểu Quan cũng ngồi xuống, bảo vợ đang ở ngoài:
- Mau mau nấu cơm cho chúng tôi...
Chị vợ ở ngoài sân cũng nói:
- Không nhìn thấy người ta đang phơi quần áo à?
- Mẹ kiếp - Tiểu Quan mắng một tiếng, nói tiếp - Tôi và Tống Cương hơn mười năm không gặp nhau, mau mau đi mua một chai rượu trắng, một con gà, một con cá...
- Hừ, mau mau đi - Người đàn bà ở ngoài sân nói the thé - Ông ra phơi quần áo cho tôi chứ?
Tiểu Quan đấm xuống bàn đánh bốp một tiếng, sau khi Tống Cương tỏ vẻ không yên, ông lắc lắc đầu nói:
- Đồ đê tiện.
Phơi xong quần áo, người đàn bà ngoài sân cởi tạp dề treo lên bệ cửa sổ, cũng mắng chồng một câu:
- Ông mới là đồ đê tiện.
- Mẹ kiếp - Tiểu Quan thấy vợ đã đi, quay lại nói với Tống Cương - Kệ xác mụ ấy.
Sau đó Tiểu Quan sốt sắng hỏi Tống Cương rất nhiều tên người của thị trấn Lưu, nào Lý Trọc, ông Dư nhổ tăng, ông Vương bán kem, anh Đồng thợ rèn, ông Trương thợ may, bà Tô... Tống Cương thong thả kể chuyện về những người này, đồng thời cũng xen kẽ kể chuyện mình. Trong lúc Tống Cương kể, vợ Tiểu Quan đã mua về rượu trắng và thịt cá. Đặt chai rượu trắng lên bàn, chị mặc tạp dề, nấu cơm trên bếp than ngoài sân. Tiểu Quan mở nắp chai, thấy không có chén, lại quát vợ:
- Chén đâu? Mẹ kiếp, mau mau lấy chén vào đây.
- Ông không có tay à? - Vợ Tiểu Quan ở ngoài sân nói to - ông tự đi mà lấy.
- Mẹ kiếp!
Tiểu Quan mồm chửi, chân đứng dậy, tìm hai cái cốc, rót rượu ra, uống một hớp trước, rồi lau mồm, thấy Tống Cương không cầm cốc, liền giục:
- Uống đi.
Tống Cương lắc lắc đầu trả lời:
- Tôi không biết uống rượu.
- Uống! - Tiểu Quan nói như ra lệnh.
Nói rồi ông nâng chén chờ Tống Cương. Anh đành phải nâng chén chạm một cái với Tiểu Quan, nhấm một ngụm nhỏ. Rượu trắng bỏng rát uống vào khiến Tống Cương ho sù sụ. Tối nay lần đầu tiên Tống Cương uống rượu trắng, Tiểu Quan uống bảy lạng, Tống Cương uống ba lạng. Hai người vừa uống vừa nói chuyện, chuyện của hai người như nước sông chảy cuồn cuộn. Nghe kể Lý Trọc giầu nứt đố đổ vách, ông Dư nhổ tăng và ông Vương bán kem đi theo Lý Trọc cũng giầu lên, anh Đồng thợ rèn cũng tự giầu lên, ông Trương thợ may và bà Tô, đời sống cũng càng ngày càng khấm khá, Tiểu Quan vất vả trầy trật không trách móc, không đố kỵ, ông bình tĩnh gật đầu, bình tĩnh mỉm cười. Sau đó Tống Cương thận trọng nói đến bố Tiểu Quan. Anh bảo đã mấy năm không gặp cụ, nghe nói cụ ốm, suốt ngày nằm trên giường. Đuôi mắt ông Tiểu Quan rơm rớm ướt. Ông nhớ lại ngày nào mình hăng hái dứt áo đi khỏi thị trấn Lưu, bố ông chống gậy theo sau, cứ con ơi, con ơi gọi từng tiếng. Ông lau nước mắt bảo:
- Không nói nữa, tôi không còn mặt mũi nào về gặp bố.
Tống Cương kể đến mình thất nghiệp, mất việc làm như thế nào, chạy khắp nơi tìm việc ra sao, phổi bị hỏng như thế nào, lại theo Chu Du bỏ nhà di giang hồ ra sao. Hiện tại Chu Du đã về thị trấn Lưu, một mình anh phiêu bạt bốn phương, còn Lâm Hồng sống một mình lẻ loi ở thị trấn Lưu ngày ngày ngóng anh về. Tiểu Quan cứ thở dài thườn thượt, tức cảnh sinh tình, ông lẩm bà lẩm bẩm:
- Tôi biết một mình bỏ nhà ra đi khó khăn biết chừng nào. Tôi ra đi đã hơn mười năm, nếu biết mình ra đi kiểu này, thà hồi đó cứ ở quách một xó nhà còn hơn.
Tống Cương đau khổ cúi đầu, cũng lẩm bà lẩm bẩm:
- Nếu em biết thế này, cũng không bỏ đi.
- Đấy là số phận. Số tôi và số cậu không làm ra tiền của - Tiểu Quan đồng tình nhìn Tống Cương - Ông già tôi thường nói, số chỉ có tám đấu gạo, có đi khắp thiên hạ cũng không đầy một thùng.
Tống Cương uống một hớp to rượu trắng, anh bị ho sặc sụa. Tiểu Quan cũng uống một hớp to rượu trắng, thấy Tống Cương đỡ ho dần, ông xúc động giục:
- Về đi, ở thị trấn Lưu anh còn có Lâm Hồng. Ông Tiểu Quan bảo Tống Cương, trong hai năm lúc mới ra đi, gần như ngày nào ông cũng nghĩ phải trở về thị trấn Lưu, nhưng về thì xấu hổ, sau bốn năm năm ông không về được nữa. Ông nói:
- Anh mới đi hơn một năm, anh còn về được, để vài năm nữa, anh không còn hy vọng về nữa đâu.
Trong khi hai người uống rượu nói những chuyện buồn lòng, vợ ông Tiểu Quan đã nấu xong cơm tối. Chị ăn vội ăn vàng, rồi bắt đầu chỉnh lý hành trang, chị cứ ra ra vào vào trong nhà, không hề quan tâm đến câu chuyện của hai người. Sau khi xếp gọn toàn bộ đồ đạc vào góc nhà, đã hơn mười một giờ đêm, chị im lặng lên giường, đắp chăn ngủ. Tống Cương đứng dậy chào tạm biệt. Anh bảo đã muộn lắm, anh phải về gian nhà trọ của mình. Ông Tiểu Quan kéo tay Tống Cương không cho đi. Buồn thương vô hạn, ông nói:
- Hơn mười năm tôi không gặp người thị trấn Lưu, không biết lần sau có còn gặp lại.
Tống Cương lại ngồi xuống, anh một lời, tôi một câu, hai người tiếp tục trao đổi với nhau những chuyện thương tâm. Tiểu Quan rời thị trấn Lưu đến đảo Hải Nam, cũng làm công nhân bốc vác khốn khổ một năm như Tống Cương, ông lại đi Quảng Đông và Phúc Kiến, làm mấy năm trên công trường, theo năm tên cai đầu. Năm tên cai đầu đến cuối năm phát lương đều bỏ chạy, sau đó ông mới chuyển sang rao bán dao như hiện nay. Ông Tiểu Quan gượng cười bảo, ở thị trấn Lưu ông mài dao, sau khi bỏ đi, ông bán dao, cả đời đều là cái số "con dao". Sau đó hai người nhớ lại mọi chuyện thời còn bé. Hai người bắt đầu cười hềnh hệch. Tiểu Quan trở nên vui vẻ, quay đầu nhìn bà xã đang ngủ, ông cười đầy vẻ an ủi, ông bảo, mình bỏ nhà ra đi hơn mười năm, không gặp vận tiền của, nhưng lại gặp vận đào hoa. Cười hì hì, ông nói, mình đã tìm được một người đàn bà tử tế. Ông bảo:
- Ở thị trấn Lưu tôi không tìm được người đàn bà tốt như thế này.
Sau đó Tiểu Quan kể chuyện hôn nhân của hai người. Năm năm trước, khi rao bán dao ở Phúc Kiến, ông gặp người vợ hiện nay. Lúc ấy chị ngồi một mình ở bờ sông, vừa giặt quần áo, vừa lau nước mắt. Cảnh tượng này đã khiến ông mủi lòng, ông đứng nhìn chị lâu lắm, chị không phát hiện ra, cũng không nghe thấy tiếng thở dài thườn thượt của ông. Chị đang chìm đắm trong đau buồn của mình, tiếp tục lau nước mắt, và giặt quần áo. Ông đành phải quay người bỏ đi. Mấy năm sống cô đơn khiến trái tim ông đau khổ lạnh lùng. Ông không gạt nổi cái bóng đằng sau vẻ buồn thương của chị. Đi đã mấy dặm đường, ông vẫn quay trở lại. Trở lại bên sông, chị vẫn ngồi đó vừa khóc, vừa giặt quần áo. Đi xuống bậc bờ sông, ông ngồi cạnh chị. Hai người bắt đầu nói chuyện. Tiểu Quan biết bố mẹ chị đều đã mất, chồng chị cũng đi theo người đàn bà khác. Chị cũng biết Tiểu Quan, biết ông ngày đó đi khỏi thị trấn Lưu với lời thề son sắt như thế nào, sau khi bị dồn vào bước đường cùng, phải sống khốn khổ khốn nạn như thế nào. Cùng là người sa cơ lỡ vận nơi chân trời góc bể, gặp nhau đâu phải đã từng quen nhau, Tiểu Quan chân thành nói với chị:
- Đi với anh nhé, anh sẽ trông nom chăm sóc em.
Lúc này chị đã giặt xong quần áo, lẽ ra chị đã định đứng dậy, nghe những lời tâm sự của Tiểu Quan, chị lại ngồi tiếp, bần thần nhìn mặt sông một lúc, mới bưng chậu quần áo đứng dậy bước lên bậc sông. Tiểu Quan đi theo về đến cửa nhà chị, nhìn chị phơi quần áo trên sợi dây thừng, Tiểu Quan lại nói một lần nữa:
- Đi với anh nhé!
Chị đờ đẫn nhìn Tiểu Quan, nói một câu ngớ ngẩn:
- Quần áo của em còn chưa khô.
Tiểu Quan gật đầu nói:
- Quần áo khô anh lại đến.
Nói rồi Tiểu Quan quay người đi. Tối hôm ấy Tiểu Quan ngủ trọ trên thị trấn nhỏ của Phúc Kiến. Sáng sớm hôm sau, khi Tiểu Quan bước đến trước cửa nhà chị, đã thấy chị chuẩn bị hành lý đâu vào đấy, một cái va ly rất to đứng ở cửa chờ anh. Tiểu Quan biết chị đã đồng ý. Đi đến trước mặt chị, Tiểu Quan hỏi một câu:
- Quần áo khô chưa?
- Khô rồi - Chị gật đầu.
- Đi thôi - Tiểu Quan vung tay giục.
Chị kéo chiếc va ly to đi theo Tiểu Quan đến nơi đất khách quê người. Từ đó rong ruổi trên giang hồ, bắt đầu một cuộc đời gian nan khác.
Khi ông Tiểu Quan kể hết chuyện hôn nhân của mình, trời đã tang tảng sáng. Chị vợ thức dậy, thấy hai người vẫn đang nói chuyện, chị không hề tỏ ra ngạc nhiên. Chị tắt điện, ra khỏi cửa. Một lúc sau, chị mua về mười cái bánh bao to hơi nóng đang bốc lên nghi ngút. Khi Tiểu Quan và Tống Cương ăn bánh bao, chị thu quần áo đã phơi khô ở ngoài cửa, trải ra giường, thoăn thoắt gấp lại tử tế bỏ vào chiếc va ly to. Cầm một chiếc bánh bao, chị vừa ăn, vừa kiểm tra xem còn quên thứ gì trong nhà chưa mang theo. Ông Tiểu Quan ăn một hơi bốn chiếc bánh bao. Tống Cương chỉ ăn một cái, rồi bảo không ăn được nữa. Vợ Tiểu Quan bỏ bốn chiếc bánh bao còn lại vào túi, lại cẩn thận cho vào một chiếc túi du lịch to đùng. Sau đó chị đeo lên lưng một chiếc ba lô to, tay phải xách chiếc túi du lịch to, tay trái xách chiếc va ly to đi ta, đứng ở ngoài cửa chờ Tiểu Quan. Ông Tiểu Quan đeo túi dao lên người, tay phải kéo một chiếc va ly khác cũng đi ra. Tiểu Quan giơ tay trái vỗ mạnh vai Tống Cương, bảo:
- Tống Cương, về đi! Anh hãy nghe tôi, trở về thị trấn Lưu, kéo dài vài năm nữa sẽ không về nổi đâu.
Tống Cương gật gật đầu, cũng vỗ vai Tiểu Quan nói:
- Tôi biết rồi.
Vợ Tiểu Quan mỉm cười chào Tống Cương. Tống Cương cũng mỉm cười chào lại. Tống Cương đứng nhìn hai vợ chồng hoạn nạn đi về hướng mặt trời mọc. Sau khi vợ Tiểu Quan đeo chiếc ba lô to trên lưng, Tống Cương không còn trông thấy bóng chị, chỉ nhìn thấy tay trái chị kéo chiếc va ly to, tay phải xách chiếc túi du lịch to. Khi hai vợ chồng đi, lại to tiếng cãi nhau. Ông Tiểu Quan đeo túi dao, tay trái kéo một chiếc va ly nhỏ hơn nhiều. Ông định tranh chiếc túi du lịch to đùng trên tay phải vợ, chị cứ nhất quyết không buông. Ông lại giằng chiếc va ly to ở tay trái vợ, chị cũng không chịu. Hai vợ chồng cứ hục hà hục hặc. Ông Tiểu Quan phải gắt lên:
- Mẹ kiếp, tôi vẫn còn một tay không đây này.
- Tay ông ư? Hừ - Chị nói the thé - Vừa bệnh phong thấp, vừa viêm quanh vai.
- Mẹ kiếp - Ông Tiểu Quan tiếp tục mắng - Đúng là tôi mù mắt lấy phải bà.
- Có mà tôi mù mắt mới lấy ông - Chị vợ mắng trả.