Nguyên tác: The Last Templar
Số lần đọc/download: 2056 / 39
Cập nhật: 2017-05-22 09:44:48 +0700
Chương 71
V
atican hay CIA, dù là ai sắp xếp cuộc hành trình này thì quả là họ đã làm việc rất tốt. Chiếc trực thăng bay đến một căn cứ không quân gần Karacasu, không xa lắm phía Bắc nơi Reilly được đón lên. Ở đó, anh và de Angelis lên chiếc phản lực G-IV chờ sẵn đã bay từ Dalaman đến đón họ và sau đó thực hiện cuộc hành trình chớp nhoáng về phía Tây đến Ý. Thủ tục nhập cảnh và hải quan được nhanh chóng thông qua ở Rome, và chưa đầy ba tiếng đồng hồ kể từ khi ông khâm sứ Tòa Thánh bất chợt hiện ra giữa đám mây bụi đất trong vùng rừng núi Thổ Nhĩ Kỳ, họ đã lao nhanh qua Thành phố Vĩnh cửu[58] trong một chiếc Lexus màu đen đầy đủ tiện nghi với điều hòa và cửa kính đen.
Reilly cần tắm rửa và thay quần áo sạch, nhưng vì de Angelis tỏ ra rất vội nên anh phải rửa tay ngay trên chiếc phản lực và thay bộ đồ lặn bằng chiếc quần nhà binh[59] và áo phông xám kiếm vội ở trung tâm tiếp liệu của căn cứ không quân. Anh chẳng phàn nàn một câu. Thay cho bộ lặn, thứ đồng phục tác chiến này rõ là một sự thoải mái quá sức mong đợi rồi, và hơn nữa, Reilly cũng rất nôn nóng. Càng lúc anh càng cảm thấy lo lắng cho Tess. Reilly muốn tìm thấy nàng, dù cố không đào xới quá sâu những động cơ của mình. Anh cũng có những suy nghĩ linh tính khác về việc đã đồng ý với sự mời mọc của ông khâm sứ Tòa Thánh; anh không chắc về những gì chờ đợi anh ở cái đích cuối cùng của họ, và Reilly nghĩ càng sớm càng thoát khỏi nơi đó và trở về Thổ Nhĩ Kỳ càng tốt. Nhưng quá trễ để rút lui rồi. Qua thái độ im lặng bí mật của de Angelis, Reilly cảm nhận rõ ràng cuộc thăm viếng này không chỉ là một sự ngẫu nhiên vớ vẩn.
Từ trên máy bay, Reilly đã nhận ra Thánh đường Thánh Peter, lúc này, khi chiếc Lexus len lỏi giữa dòng xe cộ, anh lại thấy nó, lù lù ở phía trước, những mái vòm đồ sộ kiêu hãnh vươn cao khỏi sự rối rắm và hỗn loạn của cái thành phố lúc nhúc người với người này. Mặc dù cảnh quan của một công trình kiết trúc đồ sộ như vậy chắc chắn khơi gợi cảm giác kính sợ ngay cả đối với những kẻ bất tín lì lợm nhất nhưng Reilly chỉ thấy gợn lên trong lòng cảm giác bị phản bội và tức giận. Anh không biết nhiều về nhà thờ lớn nhất thế giới này, trong đó còn có Nhà Nguyện Sistine và nó được xây dựng ngay trên phần mộ Thánh Peter, Giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội, người đã bị đóng đinh lộn ngược trên thánh giá đến chết vì đức tin của mình. Khi chiêm ngưỡng nhà thờ, Reilly nhớ đến những tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc tuyệt vời mà chính đức tin này là nguồn cảm hứng, những bức tranh, tượng và địa điểm thờ phụng do các tín đồ Cơ đốc sáng tác và tạo dựng khắp thế giới. Reilly nhớ đến không biết bao nhiêu đứa trẻ con cầu nguyện hàng đêm vào giờ đi ngủ, hàng triệu người mộ đạo đi nhà thờ vào mỗi ngày Chủ nhật, người bệnh tật thì cầu nguyện mong được chữa lành, và người sống cầu nguyện cho linh hồn của người quá cố. Phải chăng tất cả mọi người đều bị lừa dối? Phải chăng tất cả đều là một sự dối trá? Và, tệ hơn – phải chăng Vatican đã biết ngay từ đầu?
Chiếc Lexus chạy xuống khu Via de Porta Angelica đến cổng Thánh Anne, chiếc cổng gang lớn được Đội Vệ binh Thụy Sĩ trong trang phục đủ màu sắc mở ra ngay khi chiếc xe trờ tới. Chỉ vài cái khẽ gật đầu của vị khâm sứ, chiếc Lexus được khoát tay cho tiến vào cái quốc gia nhỏ nhất trên hành tinh này, đưa Reilly vào trung tâm của cái thế giới tâm linh rắc rối của mình.
Chiếc xe dừng lại bên ngoài tòa nhà xây bằng đá có mái tạo thành cửa vào, de Angelis nhanh nhẹn ra khỏi xe. Reilly theo ông ta lên những bậc tam cấp ngắn, bước vào sự im lặng uy nghi của cái tiền sảnh rộng thênh thang. Họ đi dọc theo những hành lang lát đá phiến, ngang qua những căn phòng có trần cao và lờ mờ tối, lên cái cầu thang rộng bằng đá cẩm thạch và cuối cùng đến một cánh cửa gỗ chạm khắc cầu kỳ. Ông khâm sứ Tòa Thánh gỡ cặp kính phi công ra, mang lại cặp kính trắng cũ kỹ. Reilly đứng nhìn de Angelis – thoải mái như một đại kịch sĩ sắp bước ra sân khấu, vẻ mặt ông ta chuyển từ vẻ mặt của tay điệp viên cải đạo tàn nhẫn thành vị linh mục hiền lành lịch sự như cái ngày mà ông ta xuất hiện ở New York. Trước sự ngạc nhiên của Reilly, ông Cha cố hít một hơi thở thật sâu trước khi gõ mạnh lên cánh cửa.
Tiếng trả lời vang lên ngay tức khắc, một giọng nói êm nhẹ.
“Mời vào.”[60]
De Angelis mở cửa, bước vào trước.
Căn phòng sâu hun hút, các giá kệ cao từ nền đến trần nằm theo các bức tượng và xếp đầy sách. Nền phòng không lót thảm, lát gỗ sồi theo hình chữ chi. Trong góc phòng, ngay cạnh lò sưởi xay bằng đá, một chiếc tràng kỷ lớn bọc vải trang trí nằm giữ hai chiếc ghế bành. Phủ sau hai cánh cửa sổ cao kiểu Pháp là một cái bàn, sau bàn là một ghế đệm lớn, phía trước là ba chiếc ghế bành khác đối diện với cái bàn. Vị chủ nhân duy nhất của căn phòng, một người to lớn, oai vệ, tóc hoa râm bước quanh bàn để chào đón de Angelis và vị khách do ông ta đưa đến. Nét khắc khổ u sầu hằn sâu trên gương mặt vị chủ nhân.
De Angelis giới thiệu Hồng y Brugnone với Reilly, họ bắt tay nhau. Cái bắt tay của vị Hồng y mạnh và chặt đến không ngờ. Reilly cảm thấy mình đang bị quan sát bởi một cái đầu mình mẫn đáng sợ khi ánh mắt của ông Hồng y im lặng rà đi soát lại trên người anh. Vẫn không rời mắt khỏi người khách của mình, Brugnone trao đổi với ông Cha cố vài lời bằng tiếng Ý mà Reilly không hiểu.
“Xin mời ngồi, đặc vụ Reilly,” rốt cuộc ông ta cũng mở miệng với Reilly, ra hiệu về phía chiếc tràng kỷ. “Tôi hy vọng anh chấp nhận lòng biết ơn của tôi về tất cả những gì anh đã và sẽ tiếp tục làm trong trục trặc không may này. Và cũng như việc anh đã đồng ý đến đây ngày hôm nay.”
Ngay khi Reilly ngồi xuống một cái ghế và de Angelis yên vị trên chiếc ghế kia, Brugnone tỏ rõ là ông ta không muốn phí thời gian trò chuyện không đâu và đi ngay vào vấn đề. “Tôi đã được cung cấp vài thông tin cơ bản về anh.” Reilly liếc de Angelis, ông Cha cố không nhìn lại anh. “Tôi nghe nói anh là người có thể tin cậy và không bao giờ vi phạm những quy tắc đạo đức của mình.” Con người to lớn đó dừng lại, đôi mắt nâu nghiêm khắc của ông ta đè nặng xuống Reilly.
Reilly cảm thấy không gì sung sướng hơn là được đi thẳng vào vấn đề. “Tôi chỉ muốn biết sự thật.”
Brugnone chồm người về phía trước, đôi tay bè bè to lớn của ông ta chắp vào nhau. “Tôi e rằng sự thật đúng như anh đang e sợ.” Sau một lát im lặng, ông ta bật dậy khỏi ghế, bước những bước nặng trịch về phía cánh cửa sổ kiểu Pháp. Nhìn đăm đăm ra ngoài, mắt nheo lại vì ánh nắng gay gắt ban trưa. “Chín tên… chín ác quỷ. Chúng xuất hiên ở Jerusalem và vua Baldwin đã cho chúng tất cả những gì chúng muốn, vì nghĩ rằng chúng cùng phe với chúng ta, vì nghĩ rằng chúng ở đó để giúp truyền bá thông điệp của chúng ta.” Ông Hồng y nấc lên, một âm thanh mà trong những trường hợp khác có thể ngộ nhận là tiếng cười, nhưng Reilly biết rằng đó chỉ là biểu hiện bên ngoài của cái suy tư đầy đau đớn. Giọng ông ta trầm xuống lầm bầm trong cổ họng. “Ông ta quả là xuẩn ngôc khi tin tưởng bọn chúng.”
“Bọn họ đã tìm thấy gì?”
Hồng y Brugnone hít một hơi, giống như nuốt ngược vào lòng tiếng thở dài, rồi quay lại nhìn thẳng vào mặt Reilly. “Một cuốn nhật ký. Một cuốn nhật ký rất riêng tư và chi tiết, một kiểu sách Phúc âm. Tác phẩm của một người thợ mộc tên Jeshua ở Nazareth.” Ông ta dừng lại, nhìn chằm chằm Reilly với ánh mắt sắc lạnh trước khi nói thêm, “tác phẩm…của một con người.”
Reilly cảm thấy không khí đã không còn trong phổi nữa. “Chỉ là một con người?”
Brugnone ủ rũ gật đầu, đôi vai to lớn của ông ta chợt chùng xuống như thể không chịu nổi gánh nặng đang đè lên chúng. “Theo cuốn Phúc âm của chính ông ta thì Jeshua ở Nazareth – tức Jesus – không phải là Con trai Thượng đế.”
Những lời nói đó cứ mãi quay cuồng trong đầu Reilly trước khi rơi tọt vào lòng anh, nặng như khối đá ngàn cân. Reilly xòe hai tay, làm cử chỉ như đã xong xuôi mọi việc. “Và tất cả chuyện này…?”
“Tất cả chuyện này,” Brugnone kêu lên, “là điều tốt nhất mà con người kia, con người trần tục tầm thường sợ hãi kia có thể tạo ra. Tất cả đã được tạo ra với những mục đích cao quý nhất. Đây là điều anh phải tin tưởng. Anh đã làm gì? Anh muốn chúng tôi phải làm gì bây giờ? Đã gần hai ngàn năm, chúng ta đã được tin tưởng giao phó những niềm tin này, những niềm tin vô cùng quan trọng đối với những người đã khai sáng Giáo hội, những niềm tin mà ngày nay chúng ta vẫn tiếp tục tin tưởng. Phải ngăn chặn bất kỳ điều gì có thể làm suy yếu chúng. Không còn sự lựa chọn nào khác, bởi chúng ta không thể bỏ mặc người của chúng ta, từ trước đã vậy và chắc chắn giờ cũng vậy. Ngày nay, sẽ càng thảm họa hơn nếu tiết lộ với mọi người rằng tất cả là…” Ông Hồng y nhún vai, không thể nói cho hết câu.
“Một sự lừa dối vĩ đại?” Reilly kết luận một cách cộc lốc.
“Nhưng phải chăng đó thực sự là một sự lừa dối? Đức tin là gì, rốt cuộc, nếu không phải là niềm tin vào cái không cần phải có bằng chứng, niềm tin vào lý tưởng. Và đức tin đó cũng là một lý tưởng xứng đáng để người ta tin tưởng. Chúng ta cần phải tin vào một điều gì đó. Tất cả chúng ta đều cần có đức tin.”
Đức tin.
Reilly cố gắng thấhiểu những ý nghĩa ẩn chứa trong điều mà Hồng y Brugnone vừa nói. Trong trường hợp của anh, chính đức tin đã giúp anh, từ lúc còn là một cậu bé, đối phó với cái chết để lại nhiều hậu quả kinh khủng của người cha. Chính đức tin đã dẫn dắt anh qua giai đoạn trưởng thành. Và bây giờ, trong số tất cả mọi nơi, ở đây, ngay chính giữa trái tim của Giáo hội Công giáo La Mã, anh được người ta cho biết rằng tất cả đức tin đó là một sự vờ vịt giả dối to tổ bố.
“Nhưng chúng ta cũng cần sự trung thực,” Reilly giận dữ phản bác. “Chúng ta cần sự thật.”
“Nhưng trên tất cả, hơn bao giờ hết, giờ đây con người cần có đức tin,” Brugnone nhấn mạnh, giọng cương quyết, “và cái chúng ta hiện có còn tốt hơn rất nhiều so với việc chẳng hề có đức tin nào cả.”
“Đức tin vào sự phục sinh chưa từng xảy ra ư?” Reilly vặc lại. “Đức tin vào một thiên đàng không có thực ư?”
“Cứ tin tôi, đặc vụ Reilly, nhiều người đáng kính đã từng trăn trở như vậy bao nhiêu năm, và rồi tất cả đều đi đến một kết luận: đó là điều cần phải gìn giữ. Quá khủng khiếp khi nghĩ đến giải pháp thay thế.”
“Nhưng chúng ta không đề cập đến những lời phán truyền và những giáo huấn của Ngài, chúng ta chỉ đề cập đến những phép lạ và sự sống lại của Ngài.”
Giọng Brugnone vẫn bình thản. “Cơ đốc giáo không xây dựng trên ý niệm chứa đựng trong những lời thuyết giáo của một người thông minh. Nó được xây dựng trên một ý niệm vang dội hơn nhiều – những lời phán truyền của Con trai Thượng đế. Sự phục sinh không chỉ là một phép lạ – nó chính là nền móng của Giáo hội. Phá bỏ nền móng này, Giáo hội sẽ sụp đổ. Hãy nghĩ đến những phán truyền của Thánh Paul trong Kinh Corinthian Đệ Nhất: “Và nếu Chúa không sống dậy thì sự rao giảng của ta chẳng ích gì, và đức tin của người cũng vô ích mà thôi.”
“Những người sáng lập Giáo hội – chính họ đã chọn những lời đó,” Reilly trả lời, gần như nổi cáu. “Toàn bộ ý nghĩa của tôn giáo là giúp chúng ta cố gắng thấu hiểu việc chúng ta đang làm ở đây, đúng không? Nhưng làm sao chúng ta có thể hiểu được nếu chúng ta khởi đầu với một tiền đề sai lạc? Chính sự dối trá này làm méo mó mọi khía cạnh trong cuộc sống chúng ta.”
Brugnone thở dài, gật đầu ngầm đồng ý với Reilly, “Có lẽ là vậy. Có lẽ, nếu sự dối trá này chỉ mới khởi đầu từ bây giờ chứ không phải từ hai ngàn năm trước, mọi có thể đã được xử lý khác hẳn. Nhưng nó đâu có bắt đầu từ bây giờ. Nó tồn tại, đã được truyền lại cho chúng ta và chúng ta phải gìn giữ nó; hành động ngược lại sẽ hủy hoại chính chúng ta – và tôi e rằng, còn phải đối phó với tai họa khủng khiếp giáng xuống cái thế giới mỏng manh này của chúng ta.” Mắt ông Hồng y không còn chăm chăm vào Reilly nữa, mà nhìn vào cái gì đó xa xăm, cái gì đó dường như gây ra nỗi đau thể xác cho ông ta. “Chúng ta đã luôn phòng ngự kể từ khi chúng ta bắt đầu. Tôi cho điều đó là tự nhiên, dựa vào vị thế của ta, nhưng tình hình càng lúc càng khó hơn, khoa học và triết học hiện đại không cổ vũ cho đức tin. Và chúng ta phần nào đang bị đổ lỗi, trách móc. Kể từ khi Giáo hội non trẻ thuở sơ khai thực sự bị Constantine và sự nhạy bén chính trị của ông ta chiếm đoạt, đã có qua nhiều chia rẽ và bất đồng. Quá nhiều sự soi mói về giáo lý, quá nhiều kẻ suy đồi và lừa lọc gian trá bu quanh, quá nhiều lòng tham. Thông điệp nguyên thủy của Jesus đã bị những kẻ theo thuyết duy ngã tự cao tự đại và những kẻ mù quáng xuyên tạc, nó cũng bị suy yếu bởi những đối thủ nội bộ hèn hạ, và bởi những người theo trào lưu chính thống cứng đầu cứng cổ. Ngoài ra, chúng ta còn phạm phải những sai lầm chẳng ích lợi gì cho chính nghĩa của chúng ta. Tránh né những vấn nạn thực sự mà người dân đang phải đối mặt. Tha thứ cho những lạm dụng đáng xấu hổ, những hành động kinh khủng chống lại những con người hoàn toàn vô tội, thậm chí còn âm mưu che đậy chúng. Chúng ta quá lề mề không hòa nhịp được với thế giới đang biến đổi vô cùng nhanh chóng này, và bây giờ, vào thời điểm mà chúng ta đặc biệt dễ bị tổn thương, tất cả lại bị đe dọa, chẳng khác gì cách đây chín trăm năm. Chính ngay lúc này, cái dinh thự mà chúng ta xây dựng đã vĩ đại hơn kỳ vọng của bất kỳ người nào, vì vậy sự sụp đổ của nó sẽ vô cùng thảm khốc.”
“Có lẽ, nếu chúng ta bắt đầu thành lập Giáo hội bây giờ, với câu chuyện thực sự về Jeshua xứ Nazareth,” Brugnone bổ sung, “có lẽ chúng ta có thể làm khác đi. Có lẽ chúng ta sẽ tránh được những giáo điều sai lạc và hành động một cách đơn giản. Cứ nhìn đạo Hồi mà xem. Họ cũng đã khởi phát với sự lừa dối, gần bảy trăm năm sau ngày Chúa bị đóng đinh trên thập giá. Một kẻ bỗng xuất hiện rồi nói: “Không có Đấng Cứu Thế, chẳng có ai là Con trai Thượng đế, chẳng có Cha của Chúa Thánh Thần, chẳng có Chúa Ba Ngôi rối rắm gì hết, chỉ có sứ giả của Thượng đế. Chỉ vậy thôi. Và thế là đủ. Cái thông điệp đơn giản đó nhanh chóng được mọi người chấp nhận. Chưa đến một trăm năm, tín đồ của ông ta hầu như có mặt khắp nơi trên thế giới, và tôi đau đớn khi nghĩ rằng cho đến giờ, trong thời đại ngày nay, Hồi giáo là tôn giáo lớn mạnh nhất trên thế giới… mặc dù so với chúng ta, họ bắt nhị với thực tại và nhu cầu của thời hiện đại chậm hơn, và điều đó đương nhiên sẽ gây ra cho họ những vấn nạn trong tương lai. Nhưng chúng ta cũng rất lề mề, vừa lề mề vừa ngạo mạn… và giờ chúng ta đang phải trả giá cho điều đó, ngay khi người dân cần chúng ta nhất.”
“Bởi họ cần,” ông ta tiếp tục. “Họ cần chúng ta, họ cần điều gì đó. Hãy nhìn vào sự lo âu xung quanh anh, nỗi giận dữ, lòng tham, sự mục nát tiêm nhiễm cả thế giới, từ trên xuống dưới. Hãy nhìn vào cái khoảng trống luân lý, sự khao khát tâm linh, sự thiếu vắng những chuẩn mực. Càng ngày thế giới càng trở nên yếm thế, thụ động và đáng thất vọng hơn. Con người trở nên thờ ơ, thiếu lòng trắc ẩn, và ích kỷ hơn bao giờ hết. Chúng ta cướp bóc và giết chóc lẫn nhau ở một quy mô chưa từng có. Những vụ nhũng lạm tập thể đến hàng tỷ dôla. Những cuộc chiến được phát động chẳng cần lý do nào, hàng triệu sinh mạng bị tàn sát trong những cuộc diệt chủng. Khoa học có thể cho phép chúng ta thoát khỏi các loại bệnh tật như bệnh đậu mùa, nhưng khoa học cũng buộc chúng ta trả giá nhiều hơn bằng cách hủy hoại hành tinh của chúng ta và biến chúng ta thành những sinh vật nóng nảy, cô đơn và hung bạo. Những người may mắn trong chúng ta có thể sống thọ hơn, nhưng phải chăng cuộc sống của chúng ta được thỏa mãn hay an bình hơn? Phải chăng thế giới thực sự văn minh hơn so với hai ngàn năm trước?”
“Hàng trăm năm trước, chúng ta chẳng biết gì nhiều. Mọi người chỉ biết đọc và viết. Ngày nay, trong cái thời đại gọi là khai sáng của chúng ta, có lý do nào để biện minh cho cách cư xử vô cùng tệ hại trên? Trí tuệ và khả năng hiểu biết của con người có thể đã tiến triển, nhưng tôi e rằng phần hồn của họ đã bị bỏ lại phía sau – và, thậm chí tôi dám khẳng định phần hồn con người còn bị thoái hóa nữa kìa. Không ít lần, con người đã thể hiện bản chất mình chỉ là con thú hoang, thậm chí cả khi Giáo hội dạy bảo chúng ta phải chịu trách nhiệm với năng lực nhận thức cao hơn, chúng ta cuối cùng vẫn hành xử một cách độc ác. Thử tưởng tượng sẽ ra sao nếu không có Giáo hội. Nhưng rõ ràng chúng ta đang mất dần khả năng truyền cảm hứng. Chúng ta không hiện diện ở đó vì quần chúng, chúng ta đang bị sử dụng như một cái cớ cho các cuộc chiến tranh và giết chóc. Chúng ta đang bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng tâm linh đáng sợ, đặc vụ Reilly à. Phát hiện này không thể xảy ra vào thời điểm tồi tệ hơn nữa đâu.”
Brugnone bỗng im bặt và nhìn vào Reilly từ đầu bên kia căn phòng.
“Có lẽ đó là điều không thể tránh khỏi, đồng thời,” Reilly nói, giọng nhỏ nhẹ tỏ vẻ chấp nhận. “Có thể cũng là một chuyện chẳng đặng dừng.
“Có thể Giáo hội đang chết dần chết mòn,” Brugnone tỏ vẻ đồng ý. “Rốt cuộc, tất cả mọi tôn giáo đều lụi tàn và biến mất vào một thời điểm nào đó, và tôn giáo của chúng ta đã tồn tại lâu hơn hầu hết các tôn giáo khác. Nhưng với một phát hiện bất ngờ như thế này… Bất chấp những khuyết điểm của mình, Giáo hội vẫn là một phần to lớn trong cuộc sống con người. Hàng triệu người ngoài kia nhờ vào đức tin đưa họ sống qua ngày. Đức tin giúp mang lại niềm an ủi, ngay cả đối với những tín đồ lầm lạc, trong những lúc họ cần đến chúng. Và cao hơn cả, đức tin mang lại cho tất cả chúng ta cái gì đó thực sự thiết yếu đối với sự tồn tại đích thực của chúng ta: giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi cố hữu về cái chết và nỗi kinh sợ những gì có thể đang chờ đợi ở thế giới bên kia. Không có đức tin vào một vị Chúa phục sinh, hàng triệu linh hồn con người sẽ lang thang phiêu bạt không nơi nương tựa. Đừng nghĩ là tôi nói sai, đặc vụ Reilly à, để cho phát hiện này lộ ra là đẩy thế giới vào tình trạng tuyệt vọng và tan vỡ ảo tưởng không giống như bất kỳ điều gì mà chúng ta từng chứng kiến.”
Sự im lặng ngột ngạt tràn ngập căn phòng, đè nặng lên Reilly. Anh vẫn chưa thoát ra khỏi những ý nghĩ lo âu bực bội đang ngự trị trong đầu mình. Reilly nhớ lại nơi mà cuộc hành trình này đã bắt đầu với anh, từ lúc anh đứng trên bậc thềm của Viện Bảo tàng Met cùng với Aparo trong cái đêm bạo loạn của bọn kỵ sĩ, và tự hỏi làm sao mình lại đến được đây, ở ngay trung tâm đức tin của mình, tham gia vào cuộc trò chuyện vô cùng khó chịu mà lẽ ra anh đừng bao giờ dấn vào thì tốt hơn.
“Đức Cha biết bao lâu rồi?” cuối cùng, Reilly hỏi vị Hồng y.
“Ta à, cá nhân ta à?”
“Vâng.”
“Từ khi ta nhận chức vụ hiện tại. Ba mươi năm.”
Reilly gật gù. Quả là quãng thời gian dài khủng khiếp phải làm việc với những hồ nghi giống như những điều giờ đang hành hạ anh. “Nhưng Đức Cha đã thỏa hiệp với nó.”
“Thỏa hiệp?”
“Đức Cha đã chấp nhận điều đó,” Reilly giải thích.
Hồng y Brugnone nghiền ngẫm một lúc khá lâu, ánh mắt phiền muộn. “Ta sẽ không bao giờ thỏa hiệp với điều đó, theo cái ý nghĩa mà ta tin là anh đang nói đến. Nhưng ta đã học cách để thích ứng với nó. Đó là cách tốt nhất ta có thể làm
“Còn ai khác biết không?” Reilly có thể nhận ra sự lên án trong giọng nói của mình, và anh biết là Brugnone cũng nhận ra điều đó.
“Một vài người trong chúng ta.”
Reilly băn khoăn về câu trả lời đó. Đức Giáo hoàng thì sao? Giáo hoàng có biết không? Anh nhận ra mình thực sự muốn biết – anh không thể tưởng tượng là Giáo hoàng không biết – nhưng Reilly cố ngăn không nêu ra câu hỏi đó. Đã có quá nhiều cú đánh choáng váng dồn dập cùng một lúc rồi. Thay vì đó, một ý tưởng khác vẫy gọi sự chú ý của anh. Bản năng điều tra cựa quậy, nhe nanh múa vưốt chực chờ thoát khỏi vũng lầy trong cái đầu óc tù mù của Reilly.
“Làm sao Đức Cha biết nó là thật?”
Đôi mắt Brugnone bừng sáng, khóe miệng hé ra nụ cười nhạt. Ông ta dường như được khuyến khích bởi lời biện hộ đầy hy vọng của Reilly, nhưng giọng nói tàn nhẫn của ông Hồng y đã nhanh chóng bóp chết bất kỳ sự hy vọng nào như vậy. “Giáo hoàng đã cử ra những chuyên gia ưu tú nhất sang Jerusalem ngay khi các Hiệp sĩ Đền Thánh phát hiện ra cuốn sách đó. Họ đã xác nhận đó là cuốn sách thật.”
“Nhưng đã gần một ngàn năm rồi,” Reilly phản bác. “Họ có thể bị lừa một cách dễ dàng. Nếu đó là giả mạo thì sao? Từ những gì mà tôi nghe được thì các Hiệp sĩ Đền Thánh thừa khả năng thực hiện những việc như thế. Tuy nhiên, Đức Cha có sẵn sàng chấp nhận điều đó là sự thực khi thậm chí chẳng nhìn thấy nó không…” Cái hàm ý bất chợt hiện ra trong đầu Reilly ngay khi những lời nói tuôn ra khỏi miệng anh. “Điều này có nghĩa là Đức Cha luôn nghi ngờ câu chuyện trong những cuốn Phúc âm đúng không?”
Brugnone đáp lại sự kinh ngạc của Reilly bằng vẻ tươi cười, trấn an. “Có những người tin câu chuyện chỉ có ý nghĩa ẩn dụ: vì vậy để thực sự hiểu được đạo Cơ đốc cần phải hiểu được cái cốt yếu nằm bên trong thông điệp. Tuy nhiên, vì muốn có được sự hòa hợp tốt hơn, hầu hết các tín đồ thường xem từng câu từng chữ trong Kinh Thánh như là chân lý. Tôi cho là mình nằm đâu đó ở giữa. Có lẽ tất cả chúng ta đều ở trên cái lằn ranh tốt đẹp giữa giải phóng trí tưởng tượng của mình đối với những điều kỳ diệu của câu chuyện và cho phép đầu óc duy lý của chúng ta hoài nghi tính xác thực của nó. Nếu cái mà các Hiệp sĩ Đền Thánh tìm thấy thực chất chỉ là thứ đồ giả mạo, chắc chắn nó sẽ giúp chúng ta thoải mái hơn khi bỏ thêm thời gian vào bên gây cảm hứng hơn của lằn ranh đó, nhưng cho đến khi chúng ta khám phá ra cái mà bọn họ mang theo tàu đó…” Ông Hồng y trừng trừng nhìn Reilly. “Anh sẽ giúp chúng tôi chứ?”
Mất một lúc Reilly vẫn không trả lời. Anh quan sát khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn của người đàn ông trước mặt. Dù thấy những lời nói của vị Hồng y chứa đựng sự thành thật ẩn sâu bên trong, Reilly không hề ảo tưởng về động cơ của de Angelis, và anh biết rằng việc giúp họ đương nhiên có nghĩa là phải làm việc với tay khâm sứ Tòa Thánh kia, một viễn cảnh chẳng thích thú chút nào đối với anh. Reilly liếc nhìn de Angelis. Chẳng có gì trong những điều anh đã nghe giảm bớt sự ngờ vực của anh đối với ông linh mục lá mặt lá trái kia, cũng như không hề làm vơi bớt sự khinh thường của anh đối với phương pháp làm việc của con người đó. Reilly biết, anh sẽ phải tìm ra cách đối phó với ông ta vào thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng có những vấn đề bức bách hơn cần phải giải quyết ngay. Tess đang ở đâu đó ngoài kia, đơn độc với Vance, và có một khám phá có khả năng hủy diệt đang lù lù đe dọa hàng triệu tâm hồn vô tư chưa hề biết đến hoài nghi.
Anh nhìn chằm chằm vào Brugnone. “Vâng,” là câu trả lời đơn giản của anh.