Số lần đọc/download: 3304 / 22
Cập nhật: 2015-10-23 04:58:42 +0700
Hồi 69: Tiên Què Bày Ra Cách DI Chuyển Xác Chết Thục Nữ Không Dè Lấy Phải Giao Tinh
Ở một dải đất Bảo Khánh, Thường Đức ở tỉnh Hồ Nam hiện nay, tập tục tương truyền về một phép, gọi là phép di chuyển xác chết. Hễ một người sống ở địa phương Giáp, chết ở địa phương Ất, việc di chuyển quan tài chẳng những khó khăn, mà kinh phí còn rất cao nữa. Vì thế có một loại người, chuyên lấy việc đưa xác về quê làm nghề nghiệp. Họ biết được một thứ chú ngữ bí mật, dùng một cành phướn gắn lên xác chết rồi hướng về thây ma niệm chú lâm râm, người chết liền nghe lời sai khiến, đi theo họ.
Gặp những lúc cần nghỉ lại quán trọ, họ đem thây ma đặt ở ngoài phòng, đứng úp mặt vào tường. Khi cần qua sông, họ đem thây ma đặt ờ cuối khoang thuyền, hoặc ở đầu thuyền. Như thế, có thể bình an về tới quê hương. Dẫu cuộc hành trình có kéo dài cả tháng, lại gặp tiết trời nóng bức, xác chết cũng không biến tướng chút nào, và cũng không phát ra mùi hôi thối. Nhưng không được để xác chết ngã vật ra đằng sau, vì khi đó xác sẽ bốc mùi, giòi bọ lúc nhúc, không sao dựng xác trở dậy được nữa. Một điều kỳ lạ nữa là khi xác về đến nhà, người nhà trước đó phải chuẩn bị áo quan và đồ khâm liệm sẵn sàng, lập tức bỏ xác vào trong quan tài, đóng nắp lại ngay. Nếu để trễ chừng một hai giờ, xác sẽ nát rữa, không sao gom lại. Đại khái phép vận chuyển xác chết như vậy là rất thuận tiện và đỡ tốn kém. Từ mấy ngàn năm truyền lại, đến nay nghề này còn thịnh hành. Nhưng không biết phương pháp này có từ thời nào, và do ai phát minh. Theo sự khảo sát của người làm sách này, thì đó là do Thiết Quài tiên sinh truyền thụ bùa chú cho Huyền Châu Tử để đưa xác Đông Phương Sóc về Hải Ninh. Về sau, vì Huyền Châu Tử đắc tội, bị biến làm con hạc ở Tương Giang, đã từng biến hóa, đi lại trong đám bình dân, giúp họ vận chuyển xác chết, nhân đó phương pháp mới được lưu truyền trong tỉnh Hồ Nam. Chỉ có người trong tỉnh Hồ Nam biết được phương pháp đưa thây ma về quê, những nơi khác không hề nghe nói tới chuyện này. Nguyên nhân là do đặc tính của người Trung Quốc, hễ có phát minh gì đặc biệt, đều là ông cha truyền cho con cháu, chứ không bao giờ truyền cho người ngoài. Ngay cả con gái trong nhà cũng không được truyền thụ, vì một khi cô lấy chồng, đối với chồng có tình yêu sâu đậm, có thể đem bí mật gia đình truyền cho chàng ta. Vì tập tục của người Trung Quốc như thế, nên có nhiều điều có ích cho xã hội, chỉ vì bệnh giữ bí mật trong gia đình, đã không thể lưu truyền rộng rãi. Quả tình đó cũng là một sự thiệt thòi cho sự tiến bộ của văn hóa và khoa học vậy.
Xin trở lại chính truyện, Huyền Châu Tử đưa Đông Phương Sóc về tới Hải Ninh rồi, liền tuân theo lời chỉ dẫn của Thiết Quài tiên sinh mà xử lý. Chẳng bao lâu, Đông Phương Sóc hồi phục tính linh, thân thể và tinh thần trở lại như cũ. Lúc đó, thời hạn biếm chức của Đông Phương Sóc cũng đã mãn, ông ta được Thượng đế vời về trời, bổ nhiệm chức cũ.
Về phần Huyền Châu Tử, sau khi tiêu diệt được Lý Thiếu Quân, cho rằng lão giao đã mất một cánh tay đắc lực, không làm được chuyện gì nữa, nên đối với việc phòng thủ đã có phần lơ là. Người xưa có nói: "Sống vì biết lo hoạn nạn, chết trong cảnh an lạc", Đó là tâm lý chung của người đời, Huyền Châu Tử cũng không tránh khỏi. Nhưng đó là chuyện sau này.
Đây nói về thành Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, có một nhà giàu họ Hà, trong nhà không có đàn ông, chỉ có một bà mẹ già và cô con gái, nương tựa vào nhau mà sống. Bà mẹ là Hồ thị, tuổi đã cao, con gái tên Xuân Anh, xinh đẹp nõn nà, tính tình nghiêm chỉnh, năm đó đã hai mươi lăm tuổi. Hồ thị nghĩ mình tuổi đã cao, dưới gối chỉ được một gái, có ý kiếm người tài trai, đứng đắn, vời về làm rể trong nhà. Nhưng những chỗ sang trọng chê nhà họ Hà đã suy sụp, không xứng đáng với họ. Vả lại, tập tục vẫn lấy việc ở nhà nhờ vợ, chó nằm gầm trạn, làm sỉ nhục. Còn những nhà tầm thường lại không vừa ý mẹ con Hồ thị. Vì thế, tháng ngày lần lữa, cô nương đã hai mươi lăm tuổi vẫn chưa định mối lương duyên. Hồ thị thường lấy việc đó làm lo lắng, trong khi Xuân Anh chỉ mong được hầu hạ bên mẹ, là vui. Cô nói:
- Việc lấy chồng hay không lấy, con chẳng bận tâm, chỉ mong sao mẹ sống lâu trăm tuổi, con ở giá, hầu hạ mẹ đến già, là đủ mãn nguyện.
Hồ thị mắng:
- Con nha đầu điên khùng, lớn tướng còn nói chuyện khùng điên. Mẹ chẳng có nhiều âm công cũng không tích chứa được bao nhiêu đức hạnh, làm sao có thể nói chuyện sống lâu trăm tuổi? Vả lại nếu được đáng như chí nguyện của con trong một nhà chỉ có hai bà già sống với nhau, lúc sống không có người ngó tới, lúc chết chẳng ai tiễn đưa, mai sau tổ tiên không có người hương khói thờ phụng, rốt cuộc chẳng phải điều tốt đẹp gì. Theo mẹ tính, từ nay chúng ta đừng thèm hỏi tới gia thế ra sao, chỉ cầu được người nào nhân phẩm đoan chính, gả chồng cho con là được rồi. Nếu con biết hiếu thuận với mẹ, thì đừng nên quật cường cãi lời mẹ, đòi ở giá, hầu hạ mẹ suốt đời.
Xuân Anh nghe vậy, liên tiếp gật đầu, nói:
- Xin tùy ý mẹ tác chủ, con quyết không dám cãi lời mẹ.
Hồ thị nghe con nói vậy, rất vui lòng.
Không bao lâu, trong nhà bỗng xảy ra một vụ trộm lớn, bao nhiêu đồ đạc trong phòng Hồ thị, kẻ trộm cuỗm đi sạch sành sanh. Báo quan, cho người truy bắt, không ra tung tích. Hồ thị bất giác rơi nước mắt, nói:
- Anh nhi, mẹ nghĩ việc này xảy ra là vì trong nhà ta không có đàn ông, mới khiến chúng coi thường, nẩy sinh lòng hiếp đáp mẹ con ta. Hôm nay mới chỉ là bọn trộm lén lút, giả sử như gặp phải một toán cướp, ngang nhiên xông vào nhà uy hiếp, thì mẹ con ta chỉ có nước đưa tay chịu trói, chứ còn làm gì khác? Chúng cướp đi đồ đạc chưa phải điều quan trọng, vạn nhất chúng lại có hành vi vô lễ thì mẹ con ta còn làm người sao được?
Nói đến đó, bất giác động mối thương tâm, bà khóc rống lên. Xuân Anh khuyên giải một hồi, chợt nẩy ra một ý kiến, nói:
- Mẹ đừng lo lắng, buồn phiền, con vừa nghĩ ra một kế này đây. Con nghĩ tặc nhân sở dĩ to gan là vì nhà ta phòng ốc nhiều mà số người ít. Vậy chúng ta nên đem những phòng trống cho người khác thuê, không cần đòi hỏi giá cao, chỉ cần tìm được những người chính trực, biết phép tắc, cho họ thuê, để làm người hàng xóm tốt, hai bên chiếu cố lẫn nhau những khi tối lửa tắt đèn. Mẹ thấy việc này có được không?
Hồ thị cho là ý kiến hay, liền bảo Xuân Anh viết giấy thông báo cho thuê nhà, đem dán khắp chỗ ngã ba đường. Chưa đầy ba ngày sau, người tới hỏi mướn nhà không ít, nhưng đều là những kẻ nghề nghiệp không chính đáng, hoặc là số nhân khẩu quá đông đảo chẳng vừa ý Hồ thị chút nào. Đến ngày thứ tư, từ sáng sớm đã có một vị tu sĩ áo trắng, mặt đẹp như ngọc, môi đỏ như son, thần thái ôn nhã, nói năng dịu dàng, tới hỏi thuê nhà. Theo lời anh ta nói, anh là con quan, vì ham mê cảnh sông núi Hàng Châu thanh nhã, muốn tìm một nơi tạm trú. Anh còn nói cha anh từng làm quan lớn, đã qua đời, mẹ và các em anh hiện ở Kiến Nghiệp, chừng nào thuê được nhà, sẽ đem cả gia đình tới ớ chung. Mẹ con Hồ thị thấy chàng trai có phong thái đẹp đẽ, rất vừa ý. Lại nghe chàng là con quan, số nhân khẩu khá đông, cảm thấy không có điều gì trở ngại, liền chấp nhận. Chàng trai hỏi tới giá thuê nhà, Hồ thị nói rõ ý mình, chi muốn chọn hàng xóm tốt, chứ không đòi hỏi tiền thuê nhà cao. Chàng trai không chiếm tiện nghi về phần mình, xỉa liền hai trăm lạng bạc để làm tiền đặt cọc, chừng nào đem gia quyến tới, sẽ định lại tiền thuê nhà. Hồ thị thấy chàng ta xài tiền rộng rãi, càng tin chàng là công tử con quan. Hỏi đến tên họ, chàng khai là họ Vương, tên Thành Phu, rồi ra đi.
Nửa tháng sau, Vương Thành Phu lại tới, nói ở bên Kiến Nghiệp có nhiều việc, nhất thời không giải quyết được, mà bản thân anh ta lại muốn ở thành Hàng Châu đọc sách, chỉ dẫn theo vài gia nhân, tới đây trước. Hồ thị cùng Xuân Anh rất tin tưởng Thành Phu là người qui củ, chính trực, lẽ nào lại không chấp thuận. Thành Phu mừng lắm, ngay hôm đó đem hành lý, đồ đạc vận chuyển tới, đều là những thứ đẹp đẽ khác thường. Họ Hà tuy là nhà giàu, đồ đạc bầy biện trong nhà cũng nhiều thứ trân quí, mà thấy đồ đạc của Thành Phu có nhiều món sang trọng, không biết tên gọi là gì. Thành Phu lại dẫn tới một đám đầy tớ nam nữ, ước chừng hơn mười người, đều có vẻ mạnh mẽ. Riêng Thành Phu là người rất mực thành thực, ân cần. Trừ những lúc đọc sách ra, anh ta tới nhà sau, cùng Hồ thị nói chuyện, nói rằng Hồ thị có tướng mạo và tính tình rất giống mẹ anh, nên nhận Hồ thị là mẹ nuôi, cùng Xuân Anh kết làm anh em, bất tất phải tránh hiềm nghi. Hai người thời thường gặp nhau, hai anh em cùng hầu hạ dưới gối Hồ thị, rất vui vẻ. Hồ thị thấy vậy, tỏ ra rất hài lòng, lâu dần có ý vời anh ta ở rể. Bà hỏi thăm đám gia nhân của Thành Phu, biết anh này có tâm chí cao, chỉ muốn chọn một người con gái tài mạo song toàn, vì thế đến giờ vẫn chưa có vợ. Năm nay, anh ta được hai mươi lăm tuổi, bằng tuổi với Xuân Anh. Hồ thị nghe được tin đó, trong lòng vui mừng, mới ướm hỏi ý Xuân Anh.
Xuân Anh và Thành Phu quả là một cặp gái sắc, trai tài, xứng đôi vừa lứa, tình cảm thật sâu đậm. Nghe mẹ hỏi, Xuân Anh bất giác đỏ ửng đôi má, cười bẽn lẽn, nói:
- Vương ca ca là người có nhân phẩm rất tốt, mẹ muốn tính chuyện gì, cứ việc tính đi.
Hồ thị nghe vậy, biết con gái đã ưng chịu, chỉ chưa biết ý Thành Phu ra sao. Trước mắt không có ai để ủy thác việc mai mối, chỉ có một người em họ là Hà Đức Sơn, thường tới nhà chơi, đã gặp Thành Phu vài lần, được Thành Phu gọi là cậu, có vẻ thân thiết. Hồ thị mới gọi Đức Sơn tới, ngỏ ý cho biết.
Hà Đức Sơn tất nhiên tán thành, vội tới gặp Thành Phu, đúng lúc Thành Phu đang ở trong phòng, làm một công việc gì đó. Đức Sơn đứng ngoài cửa sổ, cất tiếng tằng hắng. Thành Phu ở bên trong nghe được, vội chạy ra, hỏi:
- Ông cậu tới đây có chuyện gì.
Đức Sơn nắm tay Thành Phu, cùng bước vào phòng, nở nụ cười, nói:
- Tôi đặc biệt tới chúc mừng anh đây.
Thành Phu mời ngồi, hỏi:
- Ông cậu là bậc trưởng bối, không nói chơi bao giờ. Có việc gì đáng mừng, hãy nói rõ cho cháu biết.
Đức Sơn cười, đem ý của mình tới đây nói rõ cho Thành Phu biết. Thành Phu rất vui mừng, nói:
- Anh muội chịu kết hôn với cháu, lẽ nào cháu lại phản đối? Nhưng cháu một thân nơi đất khách, việc gì cũng nên làm phiên phiến cho xong, xin mẹ nuôi, cùng cậu và muội muội chu toàn mọi chuyện.
Hà Đức Sơn cười:
- Hai bên đã muốn kết thân, hà tất phải câu nệ thói tục? Chỉ cần anh ở đây làm rể, mọi việc đều có thể thương lượng.
- Hiện tại đã ở chung một nhà, có khác gì ở rể? Sau này, thành hôn xong, cháu sẽ đón mẹ và các em về đây nuôi dưỡng, hai nhà như một, tình càng thêm thân.
Đức Sơn nghe Thành Phu nói vậy, trở về nói lại với Hồ thị, mẹ con Hồ thị đều cho rằng giải quyết như vậy là rất thỏa đáng, nhưng hai trẻ đều không còn nhỏ tuổi, nên sớm tổ chức đám cưới là hay nhất. Đức Sơn đem ý đó nói lại với Thành Phu, tất nhiên Thành Phu đồng ý ngay. Hai bên chọn ngày lành, trang hoàng nhà cửa, tổ chức một đám cưới sang trọng, vì hai bên đều là nhà giàu có. Thành Phu tuy ở đất khách, nhưng bạn bè quen biết cũng nhiều, đều kéo tới giúp đỡ và chúc mừng đám cưới. Hồ thị thấy Thành Phu tướng mạo và thái độ chững chạc, lấy làm mừng lắm, và vì yêu con gái, càng quí trọng chàng rể.
Một điều lạ lùng thứ nhất là Thành Phu thường nói gia quyến ở Kiến Nghiệp, mà sau khi cưới chẳng thấy đón về. Ba năm sau, cũng không hề thấy gia đình anh ta tới thăm lần nào. Hồ thị vì tuổi đã già, chỉ cầu mong con gái, con rể luôn luôn ở gần bên gối, nay được hai con ở chung nhà là đủ mãn nguyện, chẳng quan tâm tới chuyện gì khác. Xuân Anh là cô gái thông minh tuyệt đỉnh, thấy chồng có những điểm khác thường, lẽ nào lại chẳng nghi ngờ? Thường ngày, cô vẫn để ý quan sát thái độ và hành vi của anh ta, nhưng chẳng thấy có điều gì khác với người bình thường. Vả lại anh ta còn rất thương yêu vợ nữa, nên mối nghi ngờ Xuân Anh chỉ để trong dạ mà thôi. Bấy giờ, Xuân Anh đã sinh đôi được một trai, một gái. Điều kỳ lạ là trước khi sinh nở, cô nằm mơ thấy rồng vàng hiện xuống. Lúc tỉnh dậy, hỏi ý Thành Phu, anh ta nói:
- Đó là khí tượng đế vương, chẳng phải con chúng ta có phúc phận lên ngôi cửu ngũ hay sao?
Nhưng sợ tin tức này đồn ra ngoài dễ mang họa, ngăn cấm Xuân Anh không được tùy tiện nói cho người khác biết. Xuân Anh cũng bán tín bán nghi.
Qua ba năm nữa, lại sinh đôi, cũng một trai một gái, và cũng thấy mộng triệu như lần trước. Nhưng lần này, cô nhìn thấy rõ ràng hơn. Cô thấy con rồng trong mộng đích xác không phải con rồng bình thường, mà có một vẻ gì hung tợn, rất đáng sợ. Lúc tỉnh dậy, cô đem điều nghi ngờ nói với Thành Phu. Anh ta vừa nghe nói tới hình rồng kỳ dị, liền biến đổi sắc mặt, nhưng ngay sau đó lại giữ vẻ mặt tươi cười, và dùng giọng dịu dàng bàn bạc với vợ một hồi. Trong vẻ tươi cười, dịu dàng đó vẫn biểu hiện một thái độ dữ tợn, hăm dọa. Lúc đó, trong lòng Xuân Anh lưỡng lự, không biết phải suy nghĩ ra sao, là vì tình vợ chồng lâu nay vẫn khắng khít, luôn luôn đằm thắm, và thái độ của anh đối với vợ vẫn bầy tỏ thành ý. Cô cảm thấy Thành Phu có nhiều điều cổ quái, nhưng những điểm nghi ngờ đó cô chỉ có thể để trong lòng, không công khai nói ra được. Sau lần sinh nở thứ hai, Xuân Anh càng để tâm quan sát kỹ hình tích của chồng, thăm dò cả từng lời ăn tiếng nói, nhưng từ trước tới sau anh ta không biểu lộ một điều gì đặc biệt. Riêng đối với gia quyến anh ở Kiến Nghiệp cô thăm dò nhiều lần, anh ta mới thổ lộ cho biết mẹ anh qua đời đã lâu rồi, bà mẹ hiện ở Kiến Nghiệp chỉ là mẹ kế, là người hung dữ, nham hiểm, và mấy đứa con do bà ta sinh ra tất nhiên cũng giống mẹ, nên anh và các em không thể hòa thuận. Lúc chúng ta mới đính hôn, chuyện xấu trong gia đình, anh không tiện nói ra. Về sau, nhiều lần muốn thổ lộ tình thực cùng em, nhưng ngại chuyện làm con không thể nói xấu bố mẹ, anh đành nhịn? không thể nói rõ bí mật đó. Nay hiền thê đã nghi ngờ, nếu anh không nói thật, ắt trong lòng em cứ ấm ức tình cảm vợ chồng vì thế sứt mẻ, anh đành thố lộ chân tình. Nói tới chỗ thương tâm đó, anh chàng để rơi mấy giọt nước mắt, khiến Xuân Anh xúc động, xua tan mọi nghi ngờ, mà tình vợ chồng càng thêm khắng khít.
Một buổi chiều nọ, khí trời nóng bức, Hồ thị cùng bốn đứa cháu đều ở vườn hoa đằng sau hóng mát. Thành Phu không chịu nổi trẻ con quấy nhiễu, một mình nằm trên chiếc giường thấp, kê dưới dàn dậu, ngả lưng, cách xa đám đông chừng một trăm bước. Gió mát hiu hiu, tinh thần sảng khoái, Thành Phu bất giác chìm vào giấc mộng. Hồ thị đang cùng lũ trẻ nô đùa, chẳng để ý tới anh ta.
Gần bên dàn dậu, có trồng rất nhiều cây ăn trái, trên mỗi cây đều có tổ chim. Hồ thị vốn tính nhân từ, không cho phép gia nhân được phá tổ chim. Vì thế, chim kéo về làm tổ rất đông, hầu như mỗi cây đều có một, hai tổ. Bỗng nghe chim kêu ráo rác, cất cánh bay tứ tán, Hồ thị chợt nhớ tới con rể đang nằm ngủ dưới dàn dậu, mới bồng một đứa cháu, khoan thai bước lại gần xem thử. Nào ngờ vừa bước được chừng mười bước, nhìn về phía dàn dậu, bất giác kêu lên một tiếng, buông đứa bé trên tay xuống, ngã lăn ra đất, miệng sùi bọt mép, bất tỉnh nhân sự. Đứa bé bị quăng đau điếng, cũng khóc ré lên.