A book must be an ice-axe to break the seas frozen inside our soul.

Franz Kafka

 
 
 
 
 
Tác giả: Markus Zusak
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 64
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4862 / 260
Cập nhật: 2017-09-14 01:43:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 61
ƯỜI GIÂY TIẾP THEO TRONG CUỘC ĐỜI CỦA LIESEL MEMINGER.
Con bé nhón gót chân lên và nhìn xa hết mức có thể về phía cuối con kênh đào đã bị phá hủy, nơi từng là phố Thiên Đàng. Nó nhìn thấy hai người đàn ông đang mang một xác người đi, rồi đi theo họ.
Khi nhìn thấy những người còn lại, Liesel bật ho. Nó lắng nghe trong giây lát khi một người đàn ông bảo những người khác rằng họ vừa tìm thấy một trong những xác người đã nát ra thành nhiều mảnh, treo vắt vẻo trên một cây phong.
Có những bộ đồ ngủ bàng hoàng và những gương mặt bị xé toạc. Mái tóc của thằng bé là thứ mà nó nhìn thấy đầu tiên.
Rudy?
Lúc này, con bé còn làm nhiều hơn là chỉ thốt ra những từ ấy.
“Rudy?”
Thằng bé nằm đó với mái tóc vàng và đôi mắt nhắm chặt, và kẻ trộm sách chạy về phía nó rồi đổ gục xuống. Con bé đánh rơi quyển sách màu đen. “Rudy,” nó nức nở gọi, “Dậy đi…” Nó nắm lấy áo của thằng bé và lay nhẹ một cách tuyệt vọng nhất, vì vẫn không dám tin những gì trước mắt mình. “Hãy dậy đi, Rudy,” và lúc này đây, khi bầu trời tiếp tục nóng lên và tưới tro tàn xuống, Liesel đang nhắm mắt trước chiếc áo của Rudy. “Rudy, làm ơn đi mà.” Những giọt nước mắt vật lộn trên gương mặt của con bé. “Rudy, hãy làm ơn thức dậy đi, khốn khiếp thật, dậy đi, tớ yêu cậu. Thôi nào, Rudy, thôi nào, Jesse Owens, cậu không biết là tớ yêu cậu hay sao, dậy đi, dậy đi, dậy đi…”
Nhưng chẳng có gì xảy ra cả.
Đống gạch vỡ ngày càng được chất cao thêm. Những ngọn đồi bê tông đỉnh màu đỏ. Một con bé xinh xắn, mắt nhòa lệ, đang lay cái xác chết.
“Thôi nào, Jesse Owens…”
Nhưng thằng bé vẫn không thức dậy.
Vẫn không tin vào những gì trước mắt, Liesel vùi đầu mình vào ngực của Rudy. Nó ôm lấy cái xác mềm oặt của thằng bé, cố gắng giữ không cho cái xác ngả về đằng sau, cho đến khi nó cần phải trả thằng bé về với mặt đất chết chóc. Con bé đã làm điều này thật nhẹ nhàng.
Chậm thôi. Chậm thôi.
“Lạy Chúa, Rudy…”
Con bé cúi người xuống và nhìn vào gương mặt không sức sống của thằng bé, và Liesel hôn người bạn thân nhất của mình, Rudy Steiner, một nụ hôn nhẹ nhàng và thực thụ. Thằng bé có vị bụi bặm và ngọt ngào. Thằng bé có vị của một niềm hối tiếc trong bóng râm của những cái cây và trong vầng hào quang của bộ sưu tập những bộ quần áo của quân vô chính phủ. Nó hôn thằng bé thật nhẹ nhàng và thật lâu, và khi buông ra, nó dùng những ngón tay mình chạm vào môi của thằng bé. Đôi tay con bé run rẩy, đôi môi con bé mũm mĩm, và nó lại cúi xuống một lần nữa, lần này nó hoàn toàn mất kiểm soát và ước lượng sai vị trí. Răng của hai đứa va vào nhau trong cái thế giới đã bị phá hủy của phố Thiên Đàng.
Con bé không nói lời vĩnh việt. Con bé không thể làm thế được, và sau vài phút nữa ở bên cạnh Rudy, con bé đã có thể nhấc mình lên khỏi mặt đất. Tôi thật sự ngạc nhiên trước những gì loài người có thể làm, ngay cả khi những dòng suối nước mắt đang chảy dài trên gương mặt họ, họ vẫn loạng choạng bước tiếp, ho và tìm kiếm, và tìm thấy.
. PHÁT HIỆN TIẾP THEO.
Xác của Mẹ và Bố, cả hai đều nằm xiêu vẹo trên tấm trải giường bằng sỏi của phố Thiên Đàng.
Liesel không đi, hay chạy, hay di chuyển một chút nào. Đôi mắt nó đã sục sạo những xác người và ngừng lại một cách mơ hồ khi nó nhận ra người đàn ông cao lớn và người đàn bà thấp lùn, trông như một cái tủ quần áo. Đó là mẹ tôi. Đó là cha tôi. Những từ ngữ được ghim dập vào người nó.
“Họ không nhúc nhích,” con bé khẽ nói. “Họ không nhúc nhích.”
Có thể nếu con bé đứng đó đủ lâu thì họ mới là người nhúc nhích, nhưng họ vẫn nằm bất động ở đó khi con bé đứng bất động. Tôi nhận thấy lúc đó con bé không mang chiếc giày nào dưới chân cả. Thật là một điều kỳ quặc để nhận thấy vào một thời điểm như thế. Có thể tôi đang cố gắng tránh nhìn vào mặt nó, vì khi ấy kẻ trộm sách thực sự là một đống lộn xộn không thể cứu vãn được.
Con bé bước một bước và không muốn bước thêm bước nào nữa, nhưng nó đã làm thế. Một cách chậm chạp, nó bước đến chỗ bố mẹ nó và ngồi xuống, ở giữa hai người. Con bé nắm lấy bàn tay của Mẹ và bắt đầu nói chuyện với bà. “Mẹ có nhớ lúc con mới đến đây không? Con đã bám vào cánh cổng và khóc. Mẹ có nhớ mình đã nói gì với mọi người trên phố vào ngày hôm đó không?” Lúc này giọng con bé đã không còn rõ ràng nữa. “Mẹ nói là lũ khốn khiếp các người đang nhìn cái chó gì thế?” Con bé nắm lấy bàn tay của Mẹ và chạm vào cổ tay của bà. “Mẹ, con biết là mẹ… Con rất thích lúc mà Mẹ đến trường và báo cho con biết là Max đã tỉnh dậy. Mẹ có biết là con đã nhìn thấy Mẹ cùng cây đàn xếp của Bố hay không?” Con bé nắm chặt lấy bàn tay đang cứng dần. “Con đã đến và đã nhìn và Mẹ thật là đẹp. Khốn khiếp thật. Mẹ rất đẹp, Mẹ à.”
. RẤT NHIỀU KHOẢNH KHẮC ĐỂ TRÁNH NÉ.
Bố, Con bé sẽ không, và không thể, nhìn Bố. Vẫn chưa. Không phải lúc này.
Bố là một người đàn ông với cặp mắt màu bạc, chứ không phải là một cặp mắt chết.
Bố là một cây đàn xếp!
Nhưng cái ống bễ của ông đã trống rỗng rồi.
Không có gì đi vào và không có gì đi ra cả.
Con bé bắt đầu lắc lư người tới lui. Một nốt nhạc chói tai, khẽ khàng, nhòe nhoẹt đã bị mắc kẹt đâu đó trong miệng nó, cho đến khi sau cùng thì nó cũng có thể quay lại.
Về phía Bố.
Lúc đó, tôi không thể đừng được. Tôi đi vòng qua bên kia, để nhìn nó rõ hơn, và từ khoảnh khắc mà tôi nhìn thấy lại gương mặt của con bé, tôi có thể nói rằng đây là người mà nó yêu thương nhất. Vẻ mặt của nó đánh vào mặt của người đàn ông. Nó đi theo một trong những nếp nhăn xuống má của ông. Ông đã ngồi cùng với nó trong phòng rửa và dạy nó cách vẽ một điếu thuốc. Ông đã đưa bánh mì cho một người đã chết trên phố Munich, và bảo con bé tiếp tục đọc trong hầm tránh bom. Có thể nếu ông không làm thế, sau đó con bé đã không viết quyển sách của mình trong căn hầm.
Bố – người chơi đàn xếp – và phố Thiên Đàng.
Cái này không thể tồn tại mà thiếu cái kia, vì với Liesel, cả hai đều là nhà của nó. Phải, Hans Hubermann với Liesel Meminger là như thế.
Con bé quay sang và nói với những người đàn ông thuộc đơn vị LSE.
“Làm ơn đi,” nó nói, “Cây đàn xếp của bố cháu. Bác có thể lấy nó cho cháu được không?”
Sau vài phút bối rối, một người đã có tuổi trong đơn vị mang cái hộp đàn đã bị gặm nham nhở đến, và Liesel mở nó ra. Con bé lấy cây đàn đã bị thương ra khỏi hộp và đặt nó xuống bên cạnh xác Bố. “Nó đây Bố ơi.”
Và tôi có thể hứa với bạn một điều, bởi vì nó là điều tôi sẽ nhìn thấy sau đó nhiều năm – một ảo ảnh của bản thân kẻ trộm sách – rằng khi con bé quỳ gối bên cạnh Hans Hubermann, nó đã nhìn ông đứng dậy và chơi cây đàn xếp đó. Ông đã đứng dậy và đeo cây đàn lên trên một dãy núi những ngôi nhà đổ nát. Có cặp mắt màu bạc. Có một điếu thuốc thõng xuống trên đôi môi ông. Thậm chí ông còn mắc phải một chỗ lồi rồi bật cười một cách đáng yêu. Những cái ống bễ hít thở, và người đàn ông cao lớn ấy chơi đàn cho Liesel Meminger nghe một lần cuối cùng khi bầu trời chậm chạp được lấy ra khỏi lò.
Cứ chơi tiếp đi, Bố ơi.
Bố ngừng lại.
Ông thả rơi cây đàn xếp xuống, và đôi mắt màu bạc của ông tiếp tục hoen gỉ đi. Bây giờ chỉ còn lại một cái xác, trên mặt đất, và Liesel nâng ông lên rồi ôm lấy ông. Nó khóc trên vai của Hans Hubermann.
“Vĩnh biệt Bố, Bố đã cứu sống con. Bố đã dạy con đọc. Không ai có thể chơi đàn được như bố cả, con sẽ không bao giờ uống rượu champagne nữa. Không ai có thể chơi đàn được như bố cả.”
Vòng tay của con bé ôm lấy ông. Nó hôn lên vai ông – con bé không thể nhìn vào gương mặt ông được nữa – và nó lại đặt ông xuống.
Kẻ trộm sách khóc cho đến khi nó được nhẹ nhàng mang đi.
Sau đó, họ nhớ đến cây đàn xếp, nhưng không ai chú ý đến quyển sách cả.
Có rất nhiều việc cần phải làm, và với một bộ sưu tập những chất liệu khác nhau, quyển Kẻ trộm sách bị giẫm lên nhiều lần và sau cùng được nhặt lên mà không thèm nhìn đến một lần, rồi bị quẳng lên một xe tải chở rác. Ngay trước khi cái xe chạy đi, tôi đã nhanh chóng trèo lên và cầm lấy nó trên tay mình.
Thật may mắn vì tôi đã ở đó.
Lại một lần nữa, tôi đang đùa với ai vậy? Tôi đã ở hầu hết mọi nơi ít nhất là một lần, và vào năm 1943, dường như tôi có mặt ở mọi nơi.
Kẻ Trộm Sách Kẻ Trộm Sách - Markus Zusak Kẻ Trộm Sách