Nguyên tác: “The Money Changers”
Số lần đọc/download: 266 / 9
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:23 +0700
Chương 25
A
lex suy nghĩ: Trong mỗi cuộc đời chỉ có một số ngày ít ỏi đếm trên đầu ngón tay là được in đậm trong ký ức và tồn tại cho đến ngày người đó thở hơi cuối cùng. Ông nhớ đến cuộc gặp mặt lần cuối cùng với Ben Rosselli, khi ông ta báo tin ông ta sắp chết.
Vẫn còn bàng hoàng về cái chết của Roscoe Heyward sáng nay, Alex Vandervoort cảm thấy chán chường đến mức kỳ lạ. Ông đang đợi Margot. Ông rót thêm một ly whisky nữa rồi cho thêm một thanh gỗ vào lò sưởi.
Sáng nay chính Alex là người đầu tiên đẩy cánh cửa hẹp bước ra sân trời nhỏ tầng trên cùng. Trước đó nghe mấy người cho biết thái độ Roscoe rất lạ. Đi nhưng chân cứ bước mà như không biết gì. Không nghe thấy người ta nói, thậm chí không nhìn thấy ai. Alex cảm thấy người bạn đồng sự đã có vấn đề gì, ông vội vã chạy lên thang gác. Và khi đẩy cửa thì đồng thời ông đã thấy Heyward lao ra ngoài khoảng không.
- Heyward! - Alex hét lên. Nhưng không kịp nữa rồi.
Cảnh tượng Roscoe đột nhiên như lơ lửng giữa không trung trong một chớp mắt, rồi lao xuống dưới kèm theo một tiếng thét rùng rợn khiến Alex kinh hoàng. Toàn thân ông run lên và nói không ra tiếng. Tom Straughan là người chạy theo Alex đã vội vã nắm lấy quyền chủ động, trấn an và đuổi mọi người xuống nhà. Lúc đó họ đã lên theo và đứng chật trên sân trời nhỏ. Alex ngoan ngoãn tuân theo lệnh Straughan, và sau đó Straughan đã khoá cánh cửa ra sân trời lại. Sự thận trọng đó lúc này đã vô nghĩa. Xuống đến tầng ba mươi sáu, Alex đã vận dụng toàn bộ nghị lực của ông để giữ cho được bình tĩnh; báo cáo chuyện vừa xảy ra với Quyền tổng giám đốc Jerome Patterton. Từ lúc đó cho đến hết giờ làm việc buổi chiều, Alex quay cuồng trong một loạt sự việc, một loạt quyết định dồn dập đưa tới, đến mức ông chưa kịp thảo nội dung lời khắc trên mộ chí của Heyward. Việc này ông đành hoãn đến hôm sau.
Ngay hôm ấy nhà băng đã liên hệ với vợ Heyward báo tin dữ và an ủi bà ta, đồng thời phải trả lời những câu hỏi của cơ quan cảnh sát. Người ta cũng quyết định một số điều cho tang lễ. Thi thể Roscoe Heyward méo mó không còn nhận ra được nữa. Và khi cơ quan pháp y đồng ý, họ lập tức đậy nắp quan tài lại. Trong phòng đối ngoại Dick French thảo một bản tin để đưa các cơ quan thông tấn, báo chí, sau khi thông qua Alex.
Lúc gần hết giờ làm việc buổi chiều, Dick French khuyên Alex bằng lòng nghe điện thoại của một người gọi đến, đó là Endicott, phóng viên báo Newsday. Người phóng viên này tỏ ra rất choáng váng. Anh ta vừa đọc bức điện của Hãng thông tấn Liên hợp, báo tin về cái chết của Roscoe Heyward.
- Ôi, tôi đâu có thể ngờ. - Endicott rầu rĩ nói trong máy.
Alex không nghĩ đến chuyện an ủi người phóng viên này. Ông chỉ hỏi:
- Báo các ông vẫn đăng bài đó chứ?
- Vâng, thưa ông. Ông tổng biên tập của chúng tôi đang chữa lại đoạn đầu và thay đổi tít, còn nội dung vẫn giữ nguyên, có lẽ thế.
- Vậy ông gọi điện cho tôi làm gì?
- Chính tôi cũng không biết nữa. Có lẽ bởi tôi thấy cần thổ lộ với một người nào đó về nỗi đau đớn của tôi.
- Cả của tôi nữa. - Alex nói.
Tối hôm đó, về nhà, Alex ngẫm nghĩ mãi về đoạn đối thoại ban chiều với người phóng viên, và ông rất thương người đồng sự đã phải chịu nỗi day dứt lớn lao trước khi từ giã cõi đời.
Mặt khác, Alex Vandervoort cũng nghĩ đến những hậu quả mà bài báo sáng mai đăng trên tờ Newsday sẽ gây ra. Bài báo đó sẽ là một đòn trời giáng xuống nhà băng, sau những bài đã được đăng trước đây trên các báo chí.
Từ ngày Alex chấm dứt cuộc "đổ xô" của khách hàng đến nhà băng hôm ở chi nhánh Tylersville, chưa xẩy ra thêm vụ nào rắc rối nữa. Nhưng ai cũng thấy rõ là khách hàng đã mất đi khá nhiều lòng tin cậy đối với Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ.
Trong hai ngày gần đây, tổng số tiền rút ra lên đến gần bốn mươi triệu đô la, trong khi tiền gửi vào hầu như không đáng kể. Bên cạnh đó, giá cổ phần của nhà băng trên thị trường chứng khoán New York giảm rất mạnh.
Ngân hàng Thương mại số Một không phải nhà băng duy nhất chịu thiệt hại do cú sốc này. Ngay khi bài báo đầu tiên về tình trạng nguy cấp của tập đoàn SuNatCo ra mắt, nỗi sợ hãi đã lan nhanh như bệnh dịch. Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các nhà băng đều lo lắng. Giá cổ phần trên thị trường chứng khoán bắt đầu giảm. Giới tài chính lo ngại một đợt xuống giá nữa của đồng đô la. Thậm chí có người đã nghĩ đến một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn thế giới.
Thì ra sự phá sản của một tập đoàn công nghiệp siêu quốc gia cỡ lớn làm cho tất cả các doanh nghiệp xưa nay vững chãi nhất cũng thấy họ có thể phá sản bất cứ lúc nào. Và cái quy luật xưa nay vẫn được coi là bất đi bất dịch, ai đã vay thì sớm muộn cũng phải trả, bây giờ không còn giá trị nữa. Đó là điều làm đầu óc Alex băn khoăn nhiều nhất trong buổi tối hôm nay.
Vốn đã truyền bá điều nhận định đó trong suốt hai chục năm nay, Lewis d’Orsey vừa rồi lại nhắc Alex Vandervoort thận trọng, trên tờ thư báo Newsletter của ông. Alex nhận được số báo mới nhất này sáng nay, lúc ở văn phòng và sau khi liếc qua, đã bỏ vào túi định bụng buổi tối về nhà sẽ đọc kỹ.
“…Bạn đọc xin đừng tin rằng trong hoạt động tài chính toàn cầu có thứ gì đó bí hiểm, phức tạp, không ai giải thích nổi. Đó là một huyền thoại được khéo léo tung ra. Các quy luật tài chính thật ra rất đơn giản, dễ hiểu, không phức tạp hơn những quy luật chi tiêu của một bà nội trợ, tất nhiên ở quy mô lớn hơn rất nhiều. Người ta luôn nói đến bí hiểm, đến những lắt léo, thật ra chỉ là những điều tưởng tượng, không có trên thực tế. Luận điệu đó được tung ra bởi các chính khách. Họ luôn lo đến số phiếu bầu, vì họ là chính khách. Bởi đám đầu cơ và bởi những nhà kinh tế học bị nhiễm căn bệnh Keynes. Giống như các mụ phù thuỷ sống trong rừng sâu, họ lớn tiếng dùng một thứ ngôn ngữ mù mịt, không ai hiểu được, để dân chúng không hiểu được việc họ đang làm và đã làm.
Bọn gây hoang mang đó chỉ sợ một thứ vũ khí là lương tri giản dị trong hoạt động của mọi người.
Một mặt họ chồng chất những đống nợ cao như núi Hymalaya, mà họ cũng như con cháu họ sau này sẽ không bao giờ trả nổi. Đó là tác động của đám chính khách. Mặt khác họ in bừa bãi tiền giấy, không thận trọng hơn in giấy vệ sinh. Họ đã hạ thấp dần trị giá đồng tiền, đặc biệt là đồng đô la là đồng tiền trước đây có vàng bảo đảm.
Chúng tôi nhắc lại: hiện nay không còn sự chỉ đạo về tài chính. Tiền bạc của nhân dân, của đất nước bị giao phó vào tay những kẻ ngu dốt và vô đạo đức hơn bao giờ hết. Chính đó là nguyên nhân tạo ra lạm phát. Ngoài ra không còn nguyên nhân nào khác..."
Sau đó Lewis d’Orsey đưa ra một kiến nghị để giải quyết nạn khủng hoảng tiền tệ hiện nay:
…. Giống như cốc nước cho người chết khát ngoài sa mạc, phương thuốc này vô cùng đơn giản. Trước đây nó vẫn công hiệu và sau này mãi mãi nó vẫn công hiệu. Bài thuốc đó là:
Vàng.
Vàng phải được tái trở lại làm bản vị cho mọi hệ thống tiền tệ trên trái đất.
Vàng là thành trì cổ xưa nhất để bảo vệ hệ thống tiền tệ. Vàng là nguồn gốc duy nhất và chắc chắn nhất để tạo nên kỷ cương tài chính.
Vàng là thứ các chính khách không thể in ra, sản xuất ra, làm giả hoặc hạ giá trị của nó.
Vàng tạo thành giá trị ổn định, lâu dài, không sợ bị mất giá, bởi số lượng của nó rất hạn chế.
Vàng khi làm bản vị cho tiền sẽ bảo vệ sự tiết kiệm dành dụm chính đáng, chống lại sự phung phí của bọn lười biếng, bọn lang băm, bọn ngu đần và nhũng kẻ hãnh tiến.
Vàng qua hàng bao thế kỷ đã khẳng định:
- Nếu không dùng vàng bảo đảm, đồng tiền lập tức bị mất giá do lạm phát và tiếp đó là nạn vô chính phủ.
Nhờ vàng, nạn lạm phát được ngăn chặn và sự ổn định tài chính được giữ vững.
Chúa trời sinh ra vàng chính là để ngăn chặn những quá đà của loài người.
Vàng là thứ trước đây người Mỹ tự hào. Họ đã tự hào là đồng đô la cũng vững chãi như nó.
Vàng cần phải được trở lại vị trí đúng đắn của nó, coi là thứ tiền để trao đổi duy nhất. May thay gần đây người ta đã bắt đầu tỉnh ngộ và thấy được chỉ có thể trở lại sự lành mạnh tài chính bằng cách quay lại lấy vàng bảo đảm... ".
Alex buông tờ thư báo xuống. Giống như rất nhiều người trong giới ông, Alex đã từng nhiều lần chế giễu những ai đề cao giá trị vàng. Tuy nhiên gần đây ông bắt đầu tự nghi ngờ. Phải chăng kiểu nghĩ của ông quá đơn giản và sai lầm. Tuy nhiên vấn đề này ông thấy còn phải suy nghĩ nhiều, bởi những người theo lý thuyết của Keynes cũng có những lập luận đáng chú ý của họ. Tuy nhiên một điều đã rõ ràng, qua ý kiến của Lewis d’Orsey nền kinh tế thế giới đang gặp khó khăn. Đối với Ngân hàng Thương mại số Một thì khó khăn đó đã quá rõ.
Alex nghe thấy tiếng vặn chìa khoá trong ổ ở cửa trước. Cửa mở và Margot bước vào. Nàng cởi tấm áo măng tô bằng da lạc đà, quăng xuống ghế đẩu:
- Ôi Alex. Em giờ lúc nào cũng chỉ nghĩ đến Roscoe. Sao ông ta lại làm như thế nhỉ? Tại sao?
Margot đi thẳng đến tủ rượu, rót uống.
- Tất nhiên phải có nguyên do. - Alex chậm rãi nói. - Những nguyên nhân đó đang dần dần hiện ra cho chúng ta thấy. Nhưng ta không nói chuyện ấy nữa, được không, em?
- Được. Em hiểu anh.
Margot đi về phía Alex và ông ôm chặt nàng. Lát sau ông nói:
- Tình hình Eastin và Juanita, cả đứa bé nữa, ra sao rồi?
Từ hôm qua, Margot hoàn toàn lo cho mấy người đó. Bây giờ nàng ngồi xuống ghế trước mặt Alex, khẽ nói:
- Ôi bao nhiêu chuyện dồn dập, cùng xảy đến một lúc.
- Sự đời là như thế. - Alex nói - Chiều nay có chuyện gì xẩy ra nữa không?
- Em nói về Miles Eastin trước. Anh ta đã qua giai đoạn nguy hiếm rồi. Bây giờ thì sống. Và điều may mắn đến mức kỳ lạ là anh ta không bị mù. Các bác sĩ cho biết anh ta đã kịp nhắm nghiền mắt trước khi a- xít chạm tới mặt anh ta. Chỉ mi mắt bị bỏng nặng, nhưng không bỏng vào đến nhãn cầu. Tất nhiên khắp mặt bị cháy xém. Anh ta sẽ phải làm nhiều cuộc phẫu thuật chỉnh hình đấy.
- Còn hai bàn tay?
Margot lấy trong xắc ra cuốn sổ, xem rồi nói:
- Bệnh viện đã liên hệ được với một bác sĩ phẫu thuật ở bờ biển phía Tây, ông ta là chuyên gia giỏi nhất về chỉnh hình chi trên của Hoa Kỳ. Người ta đã gọi điện thoại trao đổi với ông. Ông sẽ đáp máy bay đến đây vào giữa tuần sau để phẫu thuật chỉnh hình cho Miles. Em hy vọng nhà băng sẽ chịu khoản phí tổn này.
- Tất nhiên. - Alex nói.
- Em đã trao đổi với thanh tra Innes của F.B.I. Nếu Miles Eastin có thể ra toà làm nhân chứng, cảnh sát sẽ đảm nhiệm việc che chở cho anh ta và tạo điều kiện để anh ta sống dưới một cái tên khác, tại một địa điểm nào đó trên đất Mỹ.
Margot gấp sổ tay lại, nói thêm:
- Hôm nay anh đã gặp Nolan chưa?
- Chưa. - Alex nói, lắc đầu.
- Ông ấy sẽ đi gặp anh. Ông ấy muốn anh dùng uy thế của anh để giúp cho Eastin có chỗ làm. Ông ấy nói sẽ làm cho anh phải nhận lời.
- Không được. Nhưng nhà băng có quan hệ chặt chẽ với một số hãng bán hàng theo cách trả dần, và anh tin rằng anh sẽ thu xếp được cho cậu ta làm một trong những hãng buôn ấy.
- Cho cả chị Juanlta nữa chứ? Bởi chị ấy sẽ đi theo Miles cùng với bé Estela.
Alex thở phào nhẹ nhõm:
- Vậy là kết thúc vẫn êm đẹp..
Ông im lặng rồi hỏi thêm:
- Về đứa bé thì ông Tim McCartney nói thế nào?
Chính Alex nẩy ý đưa bé Estela đến cho vị bác sĩ chuyên khoa tâm thần này, mặc dù nơi đó gợi ông nhớ đến kỷ niệm đau buồn về vợ ông. Những vết bỏng ở bàn tay bé rất nhiều khả năng ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh của nó.
Margot nói:
- Bác sĩ McCartney đã nói chuyện rất lâu với bé Estela và nhận định rằng thần kinh của đứa trẻ tốt, không bị ảnh hưởng gì nhiều. Ông ấy chỉ cần tiến hành một số buổi thôi miên, sẽ xóa đi những ấn tượng hãi hùng kia, thì nó lại trở về như cũ thôi.
Mắt Alex bỗng nhoà lệ. ông nói:
- Vậy là may. Bây giờ thì anh yên tâm về ba người đó rồi.
Margot vươn vai:
- Ôi, một ngày đầy ắp! - Nàng tháo giầy.- Em cũng đã trao đổi với phòng xã hội của nhà băng về chuyện bồi thường cho Juanita. Em nghĩ mọi chuyện sẽ ổn thoả không cần đến sự can thiệp của toà án.
- Cảm ơn em, Margot.
Ông cầm ly của Margot và ly của mình đem ra tủ rượu rót. Đúng lúc đó chuông điện thoại reo.
Margot đứng lên nhấc máy:
- Ông Leonard Kingswood. - nàng nói.
Alex bước vào phòng khách, đỡ máy trong tay Margot.
- Chào anh Leonard.
- Chắc anh đang nghỉ sau một ngày vất vả như ngày hôm nay, đúng vậy không?- Tổng giám đốc công ty thép Northam Steel nói.- Tôi cũng choáng váng khi nghe tin về cái chết của Roscoe Heyward. Nhưng chuyện tôi cần nói với anh không thể lần lữa được.
- Chuyện gì vậy?- Alex nhăn mặt.
- Các thành viên của Hội đồng quản trị đã gặp nhau chiều nay, quyết định triệu tập cuộc họp vào trưa mai.
- Sau đó?
- Việc đầu tiên là chấp nhận đơn từ chức của Jerome Patterton. Một số thành viên yêu cầu ông ta từ chức và ông ta đã chấp nhận. Tôi có cảm giác thậm chí ông ta còn mong từ chức cho nhẹ mình nữa kia.
Alex cũng nghĩ như vậy. Patterton không đủ bản lĩnh để chịu đựng một cuộc khủng hoảng to lớn của nhà băng, và cũng không đủ trình độ để điều khiển nó trong lúc khó khăn này.
Kingswood nói tiếp, vẫn tính thẳng thắn như xưa:
- Sau đó hội đồng sẽ mời anh làm chủ tịch kiêm Tổng giám đốc và anh sẽ phải nhận chức, bắt tay vào việc ngay.
Trong khi nghe, Alex chuyển ống nghe từ tai bên này sang tai bên kia. Ông châm tẩu và rít vài hơi:
- Trong tình hình này chức vị đó chẳng làm tôi thích thú chút nào.
- Chúng tôi cũng đã tính đến câu trả lời của anh như thế. Chính vì vậy mọi người đã nhờ tôi gặp anh, trao đổi trước và thuyết phục để anh vui lòng nhận.
Kingswood ngừng lại. Alex nhận thấy đúng là việc làm này của ông ta chẳng nhẹ nhàng chút nào. Kingswood là người xưa nay không chịu hạ mình năn nỉ ai thứ gì bao giờ. Vậy mà lần này ông ta chịu năn nỉ với Alex:
- Alex! Anh đã nhắc hội đồng cẩn thận trong việc nhận mở tín dụng cho tập đoàn SuNatCo, nhưng chúng tôi tưởng chúng tôi khôn ngoan hơn anh, và chúng tôi đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi đã bỏ qua lời khuyên của anh và điều anh lo ngại đã xảy ra. Tất cả chúng tôi đều biết như vậy, và rất mong anh nhận lái con thuyền nhà băng chúng ta vượt qua cơn phong ba này. Tôi thấy cần nói thêm với anh điều này. Một vài thành viên trong hội đồng còn lo sẽ bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật, và điều này anh cũng đã nhắc chúng tôi cẩn thận mà chúng tôi không nghe.
- Anh cho tôi được suy nghĩ, Leonard.
- Vâng, anh suy nghĩ đi.
Lúc này Alex có quyền thấy một cảm giác thoả mãn cá nhân, phần nào như trả được mối hận hôm trước ông có quyền kêu to lên rằng: “Tôi đã bảo mà! " Nhưng ông tuyệt đối không thấy cái cảm giác ấy. Trong lòng Alex lúc này chỉ có một cảm giác, đó là nỗi đau lòng thấy tình hình nhà băng suy sụp đến mức này. Ông nghĩ mình sẽ phải cố gắng làm thật tốt để cứu vãn tình hình, đưa dần nhà băng lên tới sự thịnh vượng và uy tín với khách hàng như ngày xưa, như thời còn dưới quyền lãnh đạo của Ben Rosselli. Nhưng để làm gì? Liệu công sức bỏ ra có được đền đáp lại không? Bởi nếu nhận chức chủ tịch kiêm tổng giám đốc, Alex sẽ phải nỗ lực phi thường, sẽ phải hy sinh nhiều thứ, phải chịu nhận bao vất vả cả về thể xác lẫn tinh thần. Mà để làm gì kia chứ?
Để cứu một nhà băng? Một cửa hàng tiền tệ! Một cái máy làm tiền?
Không những thế, nếu ông chấp nhận cái ghế chủ tịch kiểm tổng giám đốc, chắc gì những công việc trên ông sẽ làm được?
Nhà băng đang có nguy cơ phá sản, hoặc bị sáp nhập vào một địch thủ đang sung sức hơn. Như thế về mặt tư cách là nhà lãnh đạo tài chính, Alex coi như chết. Trong khi đó ông lại có khả năng vực Ngân hàng Thương Mại số Một này dậy. Ngoài trình độ nghề nghiệp cao, tầm nhìn rộng, cách xử lý đúng đắn, Alex còn một ưu thế khác mà bất cứ người nào mới đến đây lãnh đạo cũng không có được: ông hiểu rất rõ nhà băng này. Và trong đáy sâu tâm lý, Alex vẫn còn có một khao khát: thành công trong kinh doanh. Ngay cả lúc này, khi trước mắt ông khó khăn chồng chất.
Kingswood nói:
- Nhận hay không hoàn toàn là quyền anh, Alex. Riêng cá nhân tôi, tôi xin bảo đảm với anh như thế.
Alex rít thêm vài hơi tẩu rồi đặt tẩu xuống bên cạnh, nói:
- Anh cho tôi được ngủ yên tĩnh một đêm. Sáng mai tôi xin trả lời.
Gác máy xong, Alex đến tủ rượu lấy ly. Margot đã cầm ly của nàng. Nàng nhìn Alex bằng cặp mắt dò hỏi:
- Tại sao anh không nhận? Anh cũng như em, thừa biết rằng anh sẽ nhận kia mà.
- Em biết là nhận việc này sẽ như thế nào chứ?
- Tất nhiên em biết.
- Vậy tại sao em khuyên anh nhận?
- Bởi anh là loại người ham thích xông vào những thách thức. Bởi vì cuộc sống của anh là nhà băng. Tất cả mọi thứ khác chỉ là phụ.
Alex chậm rãi nói:
- Nhưng anh lại không muốn như thế.
Tuy nhiên Margot nói đúng. Nhà băng đã choán hết tâm trí Alex, từ thời ông còn chung sống với Celia. Và bây giờ liệu có giảm bớt chút nào không?
Có lẽ Margot nói đúng. Bản chất của một con người đâu có thể thay đổi được?
- Đây chính là dịp thuận lợi để em hỏi anh một câu. - Margot nói tiếp.- Bởi không hôm nay thì rồi cũng đến lúc em phải hỏi.
- Câu gì?
- Hôm khách hàng đổ xô đến đòi rút tiền ở Tylersville, hai vợ chồng ông bà già rút toàn bộ tiền họ gửi ở nhà băng và ông chồng đã hỏi anh: “Liệu tiền của chúng tôi gửi ở nhà băng các ông có tuyệt đối an toàn không?" Anh đã trả lời là có. Bây giờ em hỏi anh: hôm đó anh nói thật hay chỉ là trấn an hai ông bà cụ đó?
- Từ hôm đó đến nay, anh luôn tự hỏi cái câu em vừa hỏi. Bây giờ anh trả lời: hôm đó anh chưa hoàn toàn tin.
- Nhưng anh làm thế là để cứu vãn nhà băng, đúng vậy không? Nhà băng đã trở thành thứ quan trọng nhất đối với anh, quan trọng hơn hai ông bà già kia cũng như hơn tất cả mọi con người đó, thậm chí quan trọng hơn cả sự chân thật, bởi vì anh chỉ tâm niệm có một điều, làm thế nào để phát triển kinh doanh.
Giọng nói của Margot đột nhiên lạc đi, dường như nàng bị xúc động mạnh. Nàng nói tiếp:
- Đối với anh, công việc quan trọng nhất trên đời là nỗ lực đến cùng để cứu nhà băng. Alex! Chính khi sống với chị Celia anh đã đặt nhà băng lên trên mọi thứ! Vậy sau này nếu lúc nào đó phải chọn giữa em và nhà băng, liệu anh có đặt nhà băng lên trên không?
Alex im lặng. Ông chưa biết trả lời ra sao. Bởi đó chính là sự thật trần trụi.
Margot nói tiếp:
- Bởi suy cho cùng thì anh không khác gì mấy so với Rosce Heyward, với anh Lewis nữa.- Nàng khinh bỉ nhấc tờ thư báo Newsletter.- Ổn định kinh tế, đồng tiền lành mạnh, trị giá trên thị trường chứng khoán. Tất cả những thứ đó trước đã. Còn sau mới đến con người, những con người tầm thường, nhỏ bé, yếu đuối. Chính cách suy nghĩ đó ngăn cách anh với em, và cái hố ngăn cách đó sẽ mỗi ngày mỗi lớn.
Alex thấy nàng thổn thức.
Tiếng chuông ngoài cửa vang lên.
- Tối rồi mà cũng không được yên nữa! - Alex càu nhàu bước ra chỗ máy truyền âm nối với dưới tầng trệt:
- Ai thế?
Thưa ông Vandervoort, một phụ nữ muốn gặp ông. Bà ta xưng danh là Callaghan.
Tôi không quen ai là … Nhưng sực nhớ đó là bà trưởng thư ký của Roscoe Heyward, ông nói thêm:
- Hỏi xem có đúng là bà ấy làm việc ở nhà băng không?
Im lặng một chút rồi người gác cửa dưới nhà nói:
- Đúng đấy ạ, thưa ông Vandervoort.
- Vậy thì được mời bà ấy lên.
Alex quay sang nhắc lại những lời của người gác cổng với Margot. Cả hai đều ngạc nhiên chưa hiểu có chuyện gì. Lúc nghe thấy tiếng thang máy dừng ở chiếu cầu thang, Alex mở cửa, tự mình ra hành lang đón bà Callaghan.
- Mời bà vào, bà Callaghan.
Đã gần sáu mươi tuổi, Dora Callaghan vẫn giữ được vẻ duyên dáng. Bà đã làm lâu năm ở nhà băng và giúp việc Heyward đã trên mười năm. Bình thường bà ít nói, tự tin, nhưng hôm nay trông bà mệt mỏi, xúc động. Mặc tấm áo măng tô bằng da nai, cổ áo và hai cổ tay bằng lông thú quý, bà xách một chiếc cặp da.
- Ông tha lỗi là tôi đã đến quấy rầy ông; thưa ông Vandervoort.
- Tôi tin rằng bà có lý do chính đáng để đến đây và như thế là bà không có lỗi gì hết.
Ông giới thiệu bà Callaghan với Margot rồi hỏi:
- Bà dùng thứ gì nhé?
- Đúng vậy. Xin ông một ly.
Margot pha một ly Martini, trong khi đó Alex giúp khách cởi áo măng tô. Cả ba ngồi xuống trước lò sưởi.
- Bà có thể nói chuyện tự nhiên. - Alex nói.
- Cảm ơn. - bà Callaghan nhấp một ngụm rượu rồi nói:
- Chiều nay, lúc dọn giấy tờ của ông Heyward, bởi tôi nghĩ cần sắp xếp lại cho ngăn nắp, thứ gì cần đưa ai, thứ gì thuộc về vật dụng tư của ông ấy...
Đột nhiên giọng bà nghẹn lại, bà mếu máo:
- Ông tha lỗi.
- Không sao, thưa bà Callaghan. - Alex nói. - Bà không việc gì phải vội vã.
Bà trưởng thư ký của Heyward nói tiếp:
- Có một ngăn kéo khoá cẩn thận, ông Heyward và tôi mỗi người giữ một chìa. Thật ra chưa bao giờ tôi sử dụng chìa đó. Nhưng chiều nay tôi đã sử dụng.
Bà Callaghan lại ngừng. Margot và Alex chờ đợi.
Bà nói tiếp:
- Trong ngăn kéo đó.. Thưa ông Vandervoort, tôi nghe nói sáng sớm mai các nhân viên điều tra sẽ đến. Tôi nghĩ rằng tốt nhất nên để ông ngó vào những thứ trong đó. Ông biết rõ hơn tôi là phải xử lý những thứ đó thế nào.
Bà Callaghan mở cặp da, lấy ra hai phong bì lớn, đưa Alex. Ông thấy ngay hai chiếc phong bì đó đã được mở và ông tò mò đưa bàn tay vào trong. Phong bì lớn thứ nhất đựng bốn tấm chứng nhận sở hữu cổ phần, mỗi tấm là năm trăm cổ phần của công ty “Q”, có chữ ký của George Quartermain. Alex không hề nghi ngờ mấy tấm giấy này không thuộc sở hữu của Heyward. Những tờ giấy này là bằng chứng về chuyện Heyward đã nhận hối lộ. Nếu ông ta còn sống, mấy tờ giấy này sẽ chứng minh sự phạm pháp của ông ta. Một người được tin cẩn, lại làm Phó tổng giám đốc mà làm chuyện tồi tệ này. Alex thấy buồn vô kể. Xưa nay chưa bao giờ ông mến Heyward và hai người luôn chống đối nhau trong mọi chủ trương của nhà băng, nhưng cũng chưa bao giờ Alex nghĩ Heyward là người vô đạo đức.
Ông rút trong phong bì lớn thứ hai ra một tập ảnh phóng đại. Hai cô gái và Heyward.. Hai cô khoả thân còn ông ta vẫn mặc quần áo. Họ đứng bên cạnh một bể bơi. Alex đoán ngay đây là ảnh chụp trong chuyến đi chơi đảo Bahamas cùng với George Lớn, mà Roscoe Heyward đã khoe với mọi người. Tất cả có mười hai tấm ảnh, ông trải trên bàn, dưới mắt Margot và bà Callaghan. Ông thấy bà Callaghan đỏ mặt. Ông thầm nghĩ, thời nay mà còn những phụ nữ đỏ mặt khi nhìn thấy ảnh khoả thân thì thật đáng quý. Những tấm ảnh này làm ông muốn cười phá lên.
Tất cả những con người trong ảnh, mặc quần áo hay không mặc trông đều lố bịch. Đúng thế, lố bịch, không thể có từ nào khác thích hợp hơn. Có vẻ Roscoe mê mẩn một trong hai cô gái khoả thân. Trong một tấm ảnh, cô ta ôm Roscoe hôn, trong khi ông ta nắn cặp vú trần của cô. Huân tước Austin cũng trần truồng, béo phị, dương vật rũ xuống, đang cười một cách ngu ngốc. Một người đàn ông khác quay lưng lại, mặt quay về phía hai cô gái khoả thân. Còn về các cô gái... chắc một số người sẽ ca ngợi họ hấp dẫn, Alex thầm nghĩ, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng thích Margot hơn, dù nàng khoả thân hay mặc quần áo. Tôn trọng bà Callaghan nên Alex cố nhịn không cười. Bà đã uống cạn ly rượu và đứng dậy.
- Muộn rồi. Tôi xin cáo lui.
Bà đem những thứ này đến đây là rất tốt. Tôi rất biết ơn bà. Tôi sẽ lo chuyện này.
- Tôi tiễn bà ra. - Margot nói.
Nàng lấy áo măng tô mặc cho bà Callaghan, rồi đưa bà ra đến cửa thang máy. Lúc quay vào nàng thấy Alex đứng nhìn ra cửa sổ, mắt đăm đăm nhìn những ngọn đèn ngoài phố.
- Một người phụ nữ đáng quý. - Margot nói.
- Đúng thế. - Alex đáp và thầm nghĩ: ông sẽ quan tâm để dù chuyện gì xảy ra đi nữa, bà Callaghan cũng được đối xử một cách tôn kính..
Alex tiếp tục nghĩ đến những người khác trong nhà băng. Ông lên làm tổng giám đốc thì sẽ đề cử Tom Straughan nhận vị trí của ông hiện nay. Orville Young sẽ thay thế vị trí của Heyward. Edwina d’Orsey sẽ làm trưởng phòng Phương hướng. Đã từ lâu Alex rất muốn sử dụng Edwina vào một trách nhiệm nặng nề hơn. Và trong khi chờ đợi, ông sẽ đề nghị bổ sung bà vào làm thành viên Hội đồng quản trị. Chợt Alex bắt gặp mình đã bắt đầu nhận việc.
Margot chẳng đã nói là gì, ông không thể không nhận. Nàng nói đúng.
Margot đứng bên chiếc bàn thấp đang xem các tấm ảnh. Đột nhiên nàng bật ra một tiếng cười khẽ. Và Alex thấy muốn thực hiện điều ông dự định lúc nãy, nhưng chưa thực hiện được.
- Lạy Chúa tôi. - Margot kêu lên. - Lố lăng một cách tội nghiệp.
Alex nhét các tấm ảnh vào phong bì. Ông rất muốn quẳng chúng vào lửa cùng với mấy tấm cổ phiếu của công ty “Q”, nhưng ông ghìm lại. Ông không có quyền huỷ đi những bằng chứng có thể sẽ phải dùng đến. Nhưng ông tự hứa sẽ làm mọi cách để không ai nhìn thấy những tấm ảnh đó.
- Lố lăng một cách tội nghiệp. - Margot nhắc lại. - Anh đồng ý không?
- Đồng ý. - Alex nói.
Lúc này ông thấy ông vô cùng cần đến nàng. Ông nắm hai bàn tay nàng, tiếp tục câu chuyện bị bỏ dở vì bà Callaghan đến. - Em bảo giữa anh và em có một hố sâu ngăn cách. Nhưng cũng có những cái cầu bắc qua cái hố đó. Chúng ta sinh ra là dành cho nhau. Từ ngày hôm nay chúng ta sẽ dứt khoát chung sống bên nhau.
- Không ổn đâu. Không bền đâu. Mọi điềm báo đều chống lại chúng ta.
- Chúng ta hãy chứng minh là những điềm báo ấy sai.
- Tuy nhiên có một thuận lợi cho chúng ta. - Margot nói và cặp nắt nàng nháy ranh mãnh. - Hầu hết những cặp khi lấy nhau thề sẽ chung sống đến tóc bạc răng long thì đều ly dị giữa chừng, nhiều khi chỉ sau một năm. Nếu chúng ta bắt đầu cuộc chung sống mà không tin tưởng gì nhiều lắm, thì khéo lại lâu bền đấy.
Alex ôm nàng, thầm thì:
- Đôi khi giới nhà băng và giới luật sư hay lắm lời.
HẾT