Think of all the beauty still left around you and be happy.

Anne Frank, Diary of a Young Girl, 1952

 
 
 
 
 
Tác giả: Athur Hailey
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: “The Money Changers”
Dịch giả: Vũ Đình Phòng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 58 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 266 / 9
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24
oscoe Heyward cũng đang cầu nguyện. Từ lúc Ủy ban điều tra thị trường chứng khoán tiến hành điều tra về nhũng mưu mẹo lừa đảo của tập đoàn công nghiệp siêu quốc gia SuNatCo, Heyward luôn miệng cầu Chúa đừng bắt ông phải chịu thảm hoạ hoàn toàn.
Sự việc đó đã diễn ra suốt nửa tháng nay. Trong thời gian đó Roscoe Heyward đã dự cuộc họp các chủ nợ của SuNatCo, bàn xem có biện pháp nào giữ cho tập đoàn công nghiệp khổng lồ kia tiếp tục tồn tại.
Nhưng không ai đề ra được biện pháp nào khả dĩ.
Đoàn điều tra viên càng đi sâu vào sự việc càng thấy sự đổ vỡ của tập đoàn SuNatCo vô cùng khủng khiếp. Xem chừng sự việc này đụng đến luật pháp và cơ quan pháp lý sẽ tiến hành khởi tố, đưa ra toà xét xử một số nhân vật chịu trách nhiệm chủ chốt, trong đó có Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn, George Quartermain. Nhưng khả năng can thiệp để chính quyền Costa Rica chịu dẫn độ lão ta về Mỹ xem chừng mỏng manh.
Đầu tháng Mười một, các nhà luật pháp đã hoàn thành bản tổng kết về sự phạm pháp của tập đoàn này và những người lãnh đạo nó, căn cứ theo điều 77 trong bộ luật thương mại. Người ta lo vụ này sẽ gây tiếng vang trên khắp thế giới. Bởi hàng loạt nhà băng, doanh nghiệp và doanh nhân nhiều quốc gia dính dáng đến Sunatco, và cũng bị phá sản theo. Vấn đề còn lại là xem số phận của Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ sẽ chịu hậu quả nặng nề đến mức nào.
Bây giờ Rosooe Heyward không còn bụng dạ nào quan tâm đến con đường thăng quan tiến chức nữa. Chịu trách nhiệm về thảm hoạ lớn nhất của nhà băng trong một thế kỷ qua, Heyward bị coi như đã bật ra ngoài. Tuy nhiên ông vẫn còn vương vấn một nỗi hoài nghi. Liệu ông có bị Kho bạc Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Ủy ban thanh tra tài chính và cơ quan S E.C. đưa ra toà không? Hôm trước một người quen của ông trong Ủy ban kiểm tra hoạt động thị trường chứng khoán đã khuyên Roscoe: "Với tư cách bạn thân, tôi khuyên anh nên tìm sẵn một luật sư... “
Hôm nay, lúc đầu giờ làm việc buổi sáng, ngồi trong phòng giấy riêng, Roscoe Heyward run rẩy đọc bản báo cáo tổng kết của Ủy ban điều tra về vụ SuNatCo, đăng toàn văn trên báo Wall Street Journal. Bà trưởng thư ký, Callaghan bước vào ngưng ông lại, báo tin:
- Huân tước Austin muốn gặp ông, Roscoe.
Không đợi mời, Huân tước đã đẩy cửa bước vào.
Khác hẳn mọi khi, có vẻ một ông già đẹp lão và sung sức, một đàn ông biết hưởng các lạc thú trong cuộc đời, hôm nay trông Austin thảm hại vô cùng, rõ ràng là một ông già ốm yếu. Cặp mắt sâu hoắm, các nếp nhăn hằn lên, nét mặt xanh nhợt. Không rào trước đón sau gì hết, cũng không cần nhã nhặn lịch sự ông ta hỏi luôn:
Anh có được tin tức gì của George Quartermain không? Bất kể tin tức gì.
Heyward trỏ tờ báo:
- Tất cả những gì tôi biết chỉ là qua bản báo cáo này..
Đã ba tuần nay Heyward cố bắt liên lạc với George Lớn bằng cách gọi điện thoại thẳng đến Costa Rica, nhưng không lần nào gặp được. Vị Tổng giám đốc SuNatCo biệt vô tăm tích. Theo lời đồn, hiện ông ta sống như ông hoàng trong một lâu đài tráng lệ, xung quanh là cả một bày khỉ đột hộ vệ và ông ta không có ý định trở về Hoa Kỳ. Chính phủ Costa Rica xưa nay rất hào phóng che chở cho những tên trùm lừa đảo ở khắp các quốc gia trên thế giới, lần này chắc hẳn sẽ che chở cho George Quartermain. Huân tước Austin nói gần như khóc:
- Tôi mất sạch rồi. Tôi đã đem phần lớn tài sản của gia đình đầu tư vào SuNatCo, lại còn vay thêm rất nhiều để mua cổ phần của công ty “Q”. nữa chứ. Bây giờ tôi nợ khủng khiếp.
- Thật à? Mà tình hình Công ty “Q”. hiện nay ra sao?
Roscoe hỏi về cái công ty đầu tư đặc biệt bao gồm một số "bạn thân tình nhất" của Quartermain, và dưới quyền lãnh đạo của lão. Công ty “Q”. đồng thời cũng nợ Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ ba triệu đô la, ngoài số tiền năm mươi triệu SuNatCo nợ.
- Ông chưa biết gì à? - Huân tước Austin hỏi.
- Không. - Roscoe giận dữ. - Nếu biết tôi đã chẳng hỏi ông.
- Tối hôm qua, thằng cha Inchbeck vừa cho tôi biết sự thật. Lão già khốn kiếp Quartermain đã bán đi toàn bộ vốn liếng của công ty “Q”, đúng lúc giá cổ phần của nó lên cao nhất trên thị trường chứng khoán. Lão ta đã vớ bẫm. Tiền của lão bây giờ có thể chất đầy bể bơi của lão.
Và hai triệu của nhà băng cũng bị chìm trong số đó. Roscoe uất ức nghĩ.
Ông nói:
- Lão dùng số tiền ấy làm gì vậy?
- Lão ma mãnh ấy đã chuyển khoản tất cả vào tài khoản của một loạt công ty ma ở nước ngoài. Kết quả là tất cả các cổ phần còn lại của công ty “Q”. bây giờ chỉ là những tờ giấy lộn, không đáng giá một xu.
Huân tước Austin mếu máo:
- Tiền đó hiện ở Costa Rica, ở Bahamas, ở Thụy Sĩ. Roscoe, anh hãy giúp tôi lấy lại tiền, nếu không, tôi chết mất.
- Tôi không thể làm gì giúp ông được, đầu óc Roscoe còn đang điên lên vì bao nhiêu chuyện ở nhà băng, còn bụng dạ nào nghĩ đến ai.
- Nhưng anh có thể cũng biết được tin tức gì đó về lão... Austin năn nỉ.
- Vâng, nếu biết được gì tôi sẽ thông báo cho ông.
Heyward tìm cách đuổi ông già thảm hại kia ra cho mau.
Sau khi Austin ra về, bà trưởng thư ký Callaghan nói trong máy truyền âm:
- Ông nói chuyện với phóng viên tờ Newsday. Ông ta tên là Endicott. Về chuyện SuNatCo. Ông ta bảo việc rất quan trọng và cần nói chuyện riêng với ông.
Bảo ông ta rằng tôi không có gì để nói với ông ta hết. Bảo ông ta liên lạc với Phòng đối ngoại.
Lát sau tiếng bà Callaghan lại vang lên trong máy truyền âm:
- Xin lỗi, thưa ông Heyward.
- Chuyện gì vậy?
- Ông Endicott vẫn cầm máy. Ông ta muốn hỏi ông một câu: về chuyện cô Avril Dẹveraux thì nói riêng với ông hay nói với Phòng đối ngoại của nhà băng?
Heyward đành phải nhấc máy:
- Ông muốn nói chuyện gì vậy?
- Chào ông Heyward.- Một giọng nói nhã nhặn nhưng kiên quyết vang lên ở đầu dây bên kia. - Xin ông tha lỗi là đã quấy rầy ông. Tôi là Endicott ở báo Newsday.
- Tôi đã nói với bà thư ký của tôi là...
- Tôi biết, - Endicott ngắt lời. - nhưng tôi nghĩ chuyện này nên nới với ông hơn là nói với ông Dick French...
Giọng nói xem chừng như đe doạ. Heyward xẵng giọng nói:
- Tôi rất bận cho nên ông vui lòng nói nhanh và gọn thôi.
- Đồng ý. Tôi chỉ xin nói vắn tắt. Báo chúng tôi đang thu thập mọi thông tin về tập đoàn SuNatCo. Ông thừa biết đề tài này đang thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả: Chúng tôi muốn có một bài tỷ mỷ xung quanh nó để đăng vào số báo ngày mai. Tôi biết nhà băng các ông đã mở một khoản tín dụng lớn cho tập đoàn SuNatCo. Tôi đã hỏi ông Dick French về chuyện này.
- Vậy là ông có đầy đủ các thông tin rồi đấy.
- Chưa đủ đâu, thưa ông. Theo chúng tôi biết được qua nhiều nguồn tin khác, thì chính ông là người trực tiếp trao đổi với SuNatCo về vụ mở tín dụng. Tôi muốn biết lần đầu tiên vấn đề đó được đặt ra là bao giờ? Nói cách khác, tập đoàn SuNatCo đã đặt vấn đề vay tiền của nhà băng từ lúc nào? Ông còn nhớ chứ?
- Rất tiếc là không. Tôi đã giải quyết nhiều vụ mở tín dụng cho nhiều nơi lắm.
- Nhưng mấy khi có khoản tín dụng lên đến năm chục triệu đô la như vụ này?
- Tôi nghĩ là câu ông hỏi tôi đã trả lời.
- Tôi đề nghị ông cố nhớ lại cho. Phải chăng vấn đề lần đầu tiên được bàn đến là trong một chuyến đi chơi quần đảo Bahamas vào tháng Ba vừa rồi? Ông đã đi cùng với ông Quartermain, phó tổng thống Stonebridge và vài vị khác nữa?
Heyward ngập ngừng:
- Rất có thể có chuyện đó.
- Có thể hay chắc chắn?
Phóng viên báo Newsday lời lẽ vẫn nhã nhặn nhưng thái độ kiên quyết đòi phải có câu trả lời dứt khoát.
- Bây giờ tôi đã hơi nhớ ra. Vâng, đúng là trong chuyến đi ấy.
- Cảm ơn ông Heyward. Các ông ngồi trên chiếc phản lực 707, máy bay riêng của ông George Quartermain, đúng vậy không?
- Đúng.
- Và cùng đi có cả một số cô gái trẻ.
- Chữ "cùng đi" không được chính xác lắm. Bởi hôm đó tôi có nhìn thấy vài cô chiêu đãi viên.
- Trong số đó có một cô tên là Avril Deveraux, đúng vậy không? Có phải ông đã quen cô ấy tại đó và sau chuyến đi Bahamas còn tiếp tục quan hệ không?
- Có thể người ông nêu lên đó tôi có biết.
- Xin lỗi, thưa ông Heyward, tôi xin đặt câu hỏi một cách đơn giản nhất: Cô Avril Deveraux có phục vụ ông về thể xác để đền ơn ông đã nhận lời cho tập đoàn SuNatCo vay tiền không?
- Tuyệt đối không! - Heyward toát mồ hôi. Bàn tay cầm máy của ông run lẩy bẩy.
- Và sau chuyến đi Bahamas ấy, ông có tiếp tục quan hệ với cô gái ấy chứ?
- Có trên tình bạn. Đấy là một cô gái dễ mến.
- Ông thường nhớ đến cô ấy chứ?
Heyward cảm thấy mình đang sa vào bẫy:
- Có. - Ông thú nhận.
- Cảm ơn ông Heyward. Sau hôm đó ông có gặp lại cô Avril Deveraux chứ?
Heyward thấy rõ thằng cha phóng viên Endicott kia tuy hỏi nhưng hắn đã biết. Uất lên đến tận cổ, nhưng Roscoe vẫn cố giữ giọng nói điềm tĩnh:
- Tôi đang rất bận và tôi nghĩ đã trả lời ông mọi câu ông hỏi.
- Tuỳ ông thôi. Nhưng tôi thấy phải báo ông biết rằng, chúng tôi đã gặp và nói chuyện với cô Avril Deveraux, và chúng tôi thấy cô ấy rất... dễ dãi.
Điều này thì Heyward tin. Bọn nhà báo chỉ cần trả tiền cô ta thì muốn gì chẳng được. Roscoe không hề giận về chuyện Avril là gái điếm. Bởi ông không muốn làm giảm đi kỷ niệm về những khoảnh khắc hạnh phúc diệu kỳ mà Avril đã ban cho ông.
Người phóng viên vẫn chưa buông tha:
- Cô Avril Deveraux đã cung cấp cho chúng tôi chi tiết, về những buổi ông và cô ấy gặp gỡ nhau tại khách sạn Columbia Hilton... Và chúng tôi đang có trong tay những biên lai của khách sạn đó, do tập đoàn SuNatCo chi. Ông bảo những chuyện đó không liên quan gì đến việc mở tín dụng cho tập đoàn công nghiệp kia. Bây giờ ông có muốn đính chính lại lời khẳng định kia không?
Heyward không đáp. Ông còn có thể nói thế nào được? Qủy bắt bọn nhà báo ấy đi. Bọn chúng chuyên thọc mũi vào đời tư người khác. Ông thấy rõ là một kẻ nào đó làm việc cho tập đoàn SuNatCo, đã ăn cắp những biên lai kia đem bán cho bọn nhà báo.
Heyward sực nhớ, có lần Avril có nói đến bản "danh sách" những người mà cô phục vụ theo yêu cầu của tập đoàn SuNatCo. Họ tên ông nằm trong danh sách ấy! Endicott cùng đám nhà báo đồng nghiệp của hắn, chắc chắn đã ngó vào bản danh sách kia. Đúng là oan ức. Avril hoàn toàn không có tác động nào trong việc ông đề nghị mở tín dụng cho tập đoàn SuNatCo?
Ông tính toán việc đó từ lúc chưa gặp Avril, chưa biết cô là ai. Nhưng bây giờ có nói ra cũng không ai tin. Nhà báo Endicott vẫn dai dẳng:
- Còn một thứ nữa, thưa ông Heyward. ông có thể cho tôi biết về cái gọi là công ty “Q” được không? Để khỏi mất thời giờ, tôi xin nói ngay rằng chúng tôi đã được xem sổ sách của công ty này. Ông có tên trong danh sách những người góp vốn, và số cổ phần của ông là hai ngàn. Có chính xác như thế không, thưa ông?
- Tôi không... có gì để trả lời ông.
- Thưa ông Heyward, số cổ phần đó được người ta đưa cho ông để hối lộ việc ông cho họ vay năm chục triệu đô la và ba triệu thêm cho công ty “Q” phải không?
Heyward gác máy, không nói gì. Số báo ra ngày mai, Endicott nói như vậy. Bọn họ sẽ công bố lên báo tất cả. Rồi đài phát thanh, vô tuyến truyền hình.
Heyward không hề có ảo tưởng về những thứ này.
Chỉ cần một bài báo, một bài phóng sự, phỏng vấn là đủ hạ uy tín của ông biết chừng nào, trước bè bạn, đồng sự, họ hàng thân thuộc, trước nhà thờ và công chúng.
Nhưng bây giờ đối với Roscoe Heyward mọi thứ đó không còn quan trọng như trước kia nữa. Mọi lòng tự ái của ông đã mất. Bây giờ ông chỉ còn nghĩ đến vấn đề duy nhất, là làm sao không bị truy cứu về luật pháp. Bao nhiêu tội đã đành, bây giờ lại thêm tội "nhận hối lộ" nữa. Cửa nhà tù rõ ràng đã mở ra đón ông.
Trước kia đã nhiều lần Heyward tự hỏi, không biết những người thân cận của cựu tổng thống Ni xon cảm thấy thế nào, khi mới trước đó ít ngày còn kiêu hãnh về địa vị cao quý của họ, thế rồi đột nhiên bị gọi ra toà, bị thẩm vấn và bị kết án. Họ nghĩ thế nào khi những nhân viên toà án, trước đây bị họ khinh thường thì bây giờ bắt họ chỉ điểm, đối xử với họ như với các tội nhân? Bao uy tín mất hết. Bao giá trị con người mất hết. Bây giờ thì Heyward hiểu được tâm trạng của những người kia.
Tiếng chuông điện thoại reo. Heyward mặc. Bây giờ ông không còn làm được gì nữa. Đầu óc trống rỗng, Heyward đứng dậy đi như cái máy lên dây cót ra ngoài, ngang qua trước mặt bà trưởng thư ký Callaghan. Bà ta ngước mắt sửng sốt nhìn Heyward rồi hỏi câu gì đó, Heyward không để ý nên không biết bà hỏi gì. Ông ra hành lang của tầng ba mươi sáu, đi bên cạnh phòng hội trường lớn, nơi mới cách đây không lâu ông còn đang vênh váo về những thành công lớn lao, còn ôm ấp bao nhiêu tham vọng. Nhiều người nhìn thấy ông, hỏi gì đó, nhưng Heyward không nghe thấy gì hết. Có một cánh cửa nhỏ phía sau hội trường xưa nay Heyward không bao giờ sử dụng.
Lúc này ông mở ra. Cửa dẫn đến cầu thang. Ông bước lên, cứ lên mãi, hết tầng này đến tầng khác, bước chân không vội vã nhưng cũng không dừng lại.
Cách đây khá lâu, hồi khánh thành toà nhà cao ốc này để làm trụ sở mới cho Tổng hành dinh của Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ, ông Ben Rosselli đã dẫn các quan chức chủ chốt của nhà băng lên cầu thang này. Hôm đó có mặt cả Heyward. Bây giờ ông đã lên đến tầng trên cùng. Ông mở một cánh cửa nhỏ, bước ra một sân trời hẹp, trên rất cao. Nhìn xuống dưới, thanh phố ở rất thấp và rất xa.
Một làn gió mạnh mùa thu tạt vào Heyward. Ông cúi người để bước tiếp và cảm thấy rất vững chãi trước làn gió mạnh này. Cảm giác rất lạ. Heyward nhớ hôm ấy ông Ben Rosselli đã trỏ thành phố bên dưới, nói:
- Các ông ạ, ngày xưa mảnh đất kia là miền đất hứa của ông nội tôi. Nhưng bây giờ tất cả những thứ kia là của chúng ta. Tôi còn nhớ ông nội tôi đã dạy tôi một câu: "Đừng hy vọng lấy không thứ gì. Muốn lấy của ai bao nhiêu thì phải nghĩ đến chuyện bù đi cho họ ngần ấy".
Kỷ niệm cũ đã xa lắm rồi, cả về mặt thời gian cũng như mặt tâm tình. Roscoe Heyward nhìn xuống dưới. Những mái nhà, dòng sông, những xe cộ chen chúc, những con người chỉ nhỏ như con kiến đang đi lại trên quảng trường Rosselli. Âm thanh từ dưới đó khi vang lên đến đây chỉ còn là những tiếng rất nhỏ và chìm vào tiếng gió. Heyward đưa một chân qua lan can. Rồi đưa chân kia. Bỗng ông rùng mình, bàn tay vội bám lấy thành lan can. Tiếng chân người chạy lên thang gác. Rất nhiều người. Và tiếng gọi:
- Roscoe!
Ý nghĩ cuối cùng của Heyward là một câu trong Kinh Thánh: "Hãy đi tiếp và Chúa sẽ ở bên ngươi!" Tiếp theo là một câu khác cũng trong Kinh Thánh nhưng gợi ông nghĩ đến Avril: "Ôi, người là người phụ nữ đẹp nhất trong những người phụ nữ... hãy đứng lên, tình yêu của ta, người đẹp của ta và hãy đến đây với ta...". Đúng lúc có bóng người lố nhố hiện ra ở khung cửa nhỏ ra sân trời thì Heyward nhắm mắt lại, buông mình rơi xuống khoảng không.
Nhà Băng Nhà Băng - Athur Hailey Nhà Băng