People say that life is the thing, but I prefer reading.

Logan Pearsall Smith, Trivia, 1917

 
 
 
 
 
Tác giả: Dư Hoa
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Vũ Công Hoan
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 80
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3614 / 73
Cập nhật: 2016-02-18 21:13:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 27
hị trấn Lưu của chúng tôi đã thay đổi long trời lở đất. Nhà tỉ phú Lý Trọc và ông chủ tịch huyện Đào Thanh ăn ý với nhau, đòi dỡ bỏ thị trấn Lưu cũ, xây thị trấn Lưu mới. Dân chúng bảo hai người là quan chức và con buôn câu kết với nhau. Ông Đào Thanh ra văn bản đóng dấu đỏ. Lý Trọc bỏ tiền, tháo bỏ từng dãy, từng dãy phố từ đông sang tây, phá hủy toàn bộ trấn Lưu cổ kính xây lại. Suốt năm năm ròng rã, từ sáng đến tối, thị trấn Lưu bụi đất mù mịt. Dân tình nhao nhao trách móc. Họ bảo bụi hít vào phổi còn nhiều hơn khí ôxy. Bụi bám trên cổ còn dày hơn bụi bám trên khăn quàng. Họ bảo tay Lý Trọc là một chiếc máy bay ném bom B52, đã ném bom rải thảm xuống thị trấn Lưu xinh đẹp của chúng tôi. Một số người có học hành càng đau đau xót ruột: Họ bảo trong "Tam Quốc diễn nghĩa" có một câu chuyện xảy ra ở thị trấn Lưu. Trong "Tây du ký" có một nửa câu chuyện xảy ra ở thị trấn Lưu. Trong "Thuỷ hử" có hai câu chuyện xảy ra ở thị trấn Lưu. Bây giờ đều bị Lý Trọc dỡ bỏ sạch.
Lý Trọc đã dỡ bỏ thị trấn Lưu cũ, xây dựng một thị trấn mới. Hay nói một cách khác trong thời gian năm năm, phố lớn rộng thêm ra, ngõ nhỏ cũng rộng thêm ra. Những ngôi nhà gác mới mọc lên san sát. Trên cổ dân chúng không có bụi nữa. Khí ôxy hít vào phổi cũng nhiều lên. Dân chúng vẫn ca cẩm. Họ bảo nhà ở trước kia quy cũ và nhỏ, nhưng là của nhà nước phân phối cho mình. Nhà ở bây giờ tuy mới và rộng, nhưng phải bỏ tiền ra mua của Lý Trọc. Tục ngữ có câu thỏ khôn không ăn cỏ cạnh ổ, tay Lý Trọc tim đen gan thối, ăn sạch sành sanh cỏ bên ổ, kiếm chác hết tiền của bà con. Dân chúng thị trấn Lưu tiếp tục ca cẩm. Họ bảo tiền bây giờ không phải là tiền. Một ngàn đồng bây giờ không bằng một trăm đồng trước kia. Người già thị trấn Lưu ca thán đường phố rộng ta, lòng đường đều là ô tô xe đạp, còi bóp toe toe cừ sáng đến tối. Đường phố trước kia tuy hẹp, hai người đứng ở hai bên nói chuyện cả ngày cũng không mệt. Bây giờ đứng ở hai bên nói chuyện, chẳng ai nghe thấy ai nói gì. Đứng bên nhau nói chuyện còn phải hét lên mới nghe rõ. Ngày trước chỉ có một Công ty bách hoá, một cửa hàng bán vải, bây giờ những bảy tám siêu thị, thương trường. Cửa hàng may đo càng mọc lên san sát như măng mọc sau trận mưa xuân. Mặt tiền hai bên đường phố treo đầy rẫy quần áo nam nữ sặc sỡ.
Dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi trố mắt nhìn Lý Trọc giầu có lên thành một tàu dầu vạn tấn. Bạn đến khách sạn hào hoa sang trọng nhất của thị trấn Lưu ăn nhậu, đó là khách sạn của Lý Trọc. Bạn đến nhà tắm oách nhất tắm rửa, đó là nhà tắm của Lý Trọc. Bạn đến siêu thị lớn nhất mua hàng, đó là siêu thị của Lý Trọc. Dân chúng thị trấn Lưu cà vạt đeo trước ngực, tất đi trên chân, áo lót, quần lót, áo da, giày da, áo len, áo choàng, quần Âu complê, đều mang nhãn mác nổi tiếng quốc tế, đều là sản phẩm của Lý Trọc. Lý Trọc là đại lý gia công của hai mươi hãng quần áo nổi tiếng quốc tế. Nhà ở của dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi do Lý Trọc khai phá xây dựng. Hoa quả rau xanh cũng do Lý Trọc cung cấp. Lý Trọc còn mua bãi nghĩa địa và lò thiêu xác. Người chết của thị trấn Lưu, dân chúng cũng phải giao cho Lý Trọc. Từ ăn đến mặc, từ ở đến dùng, từ sống đến chết, Lý Trọc phục vụ dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi đầy đủ, gồm cả một hệ thống liên hoàn.
Không ai biết rút cuộc Lý Trọc buôn bán những gì? Không ai biết rút cuộc mỗi năm anh ta kiếm ra bao nhiêu tiền? Anh ta đã từng vỗ ngực nói, toàn bộ chính quyền huyện khốn nạn, đều sống nhờ vào khoản thuế khốn nạn anh ta nộp. Có người nói nịnh, Lý Trọc là GDP của nhân dân toàn huyện chúng tôi. Nghe nói vậy, Lý Trọc hết sức hài lòng. Anh ta gật đầu bảo:
- Tôi đúng là thứ GDP khốn nạn.
Ông Dư và ông Vương cũng được dây máu ăn phần. Ông Vương háu ăn lười làm suốt ngày nhênh nhang ngoài phố, nhăn nhăn nhó nhó bảo mình không biết tiêu tiền. Ông nói mình vốn phận nghèo trời sinh, tiền nhiều đến nỗi đếm không xuể, nhưng ông không biết tiêu thế nào. Còn ông Dư, sau khi có tiền đã mất tăm mất tích. Một năm bốn mùa ông ta rong chơi khắp nơi, trong vòng năm năm đi khắp lượt Trung Quốc. Bây giờ ông ta theo đoàn du lịch bắt đầu đi toàn thế giới. Mười bốn anh thọt ngố mù điếc của Xưởng phúc lợi lắc người một phát thành mười bốn nghiên cứu viên cao cấp, từ đó sống trong nhung lụa, thích ăn thì ăn, thích uống thì uống, thích ngủ thì ngủ. Dân chúng thị trấn Lưu nói, họ là mười bốn con nhà giầu sang quyền quý.
Giữa lúc này Xưởng kim khí của thị trấn Lưu chúng tôi phá sản. Nhà văn Lưu mất việc. Tống Cương cũng mất việc. Nhà văn Lưu trăm mối tơ vò, không ngờ thế giới biến đổi nhanh như thế. Lý Trọc bới đống rác đã trở thành nhà tỉ phú giầu sù sụ của thị trấn Lưu. Còn mình bưng cái bát sắt, thì thất nghiệp không có lối thoát. Gặp Tống Cương thất nghiệp như mình trên phố, ra vẻ người tài yêu quý người tài, anh ta vỗ vai Tống Cương, đột nhiên nghĩ đến chuyện gì, anh ta nói:
- Nói thế nào nhỉ, cậu cũng là anh em của Lý Trọc...
Được thể, nhà văn Lưu chửi bới Lý Trọc. Anh ta bảo trên đời sao lại có kẻ bất lương như thế, sau khi phát tài, lo chuyện vớ vẩn của người ta, không lo cho người anh em của mình. Không nói đến ông Dư nhổ răng và ông Vương bán kem, cứ lấy ví dụ như mười bốn anh thọt ngố mù điếc của Xưởng phúc lợi, bám theo Lý Trọc cũng sống như mười bốn quý tộc của thị trấn Lưu. Trong khi người anh em của mình, nghèo đến nỗi không có cơm mà ăn. Lý Trọc không hỏi han trông nom gì đến, cứ giả vờ không biết, giả vờ không nhìn thấy. Việc bé xé ra to, nhân đà này, nhà văn Lưu lu loa khích bác thêm:
- Lý Trọc và Tống Cương chẳng khác nào rượu thịt nhà Chu để thiu thối, ngoài đường có bộ xương chết cóng.
- Tôi không phải bộ xương chết cóng - Tống Cương nói - Lý Trọc cũng không phải rượu thịt để thiu thối.
Hôm Tống Cương thất nghiệp, vẫn như ngày thường, chiều tối đạp xe đến Xưởng dệt kim đón Lâm Hồng. Chiếc xe mác Vĩnh Cửu đã gắn bó với Tống Cương hơn mười năm. Trong hơn mười năm mưa gió không cản trở được Tống Cương đưa đón Lâm Hồng. Lúc này nữ công nhân Xưởng dệt kim đã sắm xe đạp cho mình từ lâu, mà lại là xe đạp mác có tên tuổi của nước ngoài. Rất đông người còn đi xe đạp điện. Trong siêu thị của thị trấn Lưu chúng tôi đã không còn bán loại xe đạp Vĩnh Cửu. Lâm Hồng và Tống Cương tuy đời sống không sung túc, nhưng trong nhà đã sắm ti vi màu, tủ lạnh, máy giặt từ lâu, mua một chiếc xe đạp mới có đáng kể gì. Lâm Hồng vẫn không sắm cho mình một chiếc xe đạp, là bởi vì hơn mười năm nay Tống Cương và chiếc xe đạp mác Vĩnh Cửu của anh ngày nào cũng đưa đón chị một cách trung thành. Lâm Hồng biết xe Vĩnh Cửu đã cũ, kiểu xe cũng đã cũ. Khi nữ công nhân khác đi xe đạp mác mới hơn và xe đạp điện, Lâm Hồng vẫn nhảy lên gác ba ga xe đạp Vĩnh Cửu, vẫn ôm eo người chồng đi xe đạp, vẫn mỉm cười ngọt ngào. Chị đã không còn niềm sung sướng khi có xe riêng của hơn mười năm trước. Hạnh phúc của chị là sự trung thành son sắt hơn mười năm của người chồng và chiếc xe đạp mác Vĩnh Cửu.
Tống Cương vịn chiếc xe, đứng ở cổng Xưởng dệt kim. Người đàn ông vừa thất nghiệp khoác ráng chiều tàn, ánh mắt buồn rười rượi, nhìn chị em công nhân đen ngòm trong cửa lan can sắt nhà máy. Tiếng kẻng hết giờ làm việc nổi lên. Sau khi cửa lan can sắt mở, mấy trăm chiếc xe đạp và xe đạp điện ào ào lao ra cổng như một cuộc đua xe, tiếng chuông, tiếng còi vang lên inh ỏi không ngớt. Dòng xe như đợt sóng khổng lồ đã qua đi, Tống Cương mới nhìn thấy Lâm Hồng, cảm giác như san hô bị sóng biển bỏ quên trên bải cát, Lâm Hồng đi một mình lẻ loi trên con đường vắng vẻ của nhà máy.
Tin Xưởng kim khí thị trấn Lưu bị phá sản đóng cửa, đã loang ra toàn thành phố trong chốc lát. Lâm Hồng biết tin lúc buổi chiều. Trong phút chốc chị cảm thấy hẫng hụt và sau đó tâm tình chị không bao giờ trở lại nhẹ nhõm. Không phải chị lo Tống Cương thất nghiệp, chị lo Tống Cương sẽ chịu đựng như thế nào. Ra khỏi cổng nhà máy, Lâm Hồng đi đến bên Tống Cương, ngẩng mặt nhìn chồng đang nhăn nhó. Tống Cương, chuẩn bị bảo vợ, mình đã thất nghiệp nhưng Lâm Hồng đã tranh nói trước:
- Em biết rồi.
Nhìn mái tóc chồng có một chiếc lá, Lâm Hồng nghĩ bụng, chắc anh ấy đạp xe đến đây, đi qua dưới rặng cây, lá cây đã vương vào đầu. Lâm Hồng giơ tay nhặt lá cây mỉm cười giục anh:
- Về nhà đi anh:
Tống Cương gật đầu quay người nhảy lên xe đạp. Lâm Hồng né người ngồi vào gác ba ga. Tống Cương cưỡi xe Vĩnh Cửu cu của mình, đạp lọc cọc trên phố lớn thị trấn Lưu. Hai tay Lâm Hồng ôm eo chồng, áp mặt vào lưng anh. Tống Cương cảm thấy hai tay vợ ôm eo mình nồng nhiệt hơn ngày thường. Mặt Lâm hồng áp vào lưng anh thân mật hơn ngày thường. Anh mỉm cười.
Về đến nhà, Lâm Hồng vào bếp nấu cơm tối. Tống Cương lật ngửa xe đạp, để trên sân trước cửa, lấy dụng cụ tháo hai bánh ra trước, sau đó tháo hai chiếc bàn đạp và vành địa. Tống Cương tháo rời toàn bộ xe, xếp ngay ngắn ra đất, ngồi xuống chiếc ghế nhỏ, lấy dẻ bắt đầu lau kỹ từng chi tiết của xe đạp. Lúc này trời đã tối, đèn đường đã bật sáng. Lâm Hồng nấu xong cơm tối, bước ra cửa gọi chồng vào ăn cơm. Tống Cương lắc đầu bảo không đói. Anh nói với vợ:
- Em ăn trước đi.
Lâm Hồng bưng bát cơm, cũng cầm ghế ta cửa ngồi, vừa ăn vừa nhìn chồng ngồi dưới ánh đèn đường. Tống Cương lau chùi các bộ phận xe đạp một cách thành thạo. Chị đã rất quen thuộc cảnh tượng này. Trước kia chị đã từng bảo Tống Cương đối xử với xe đạp y như đối xử với đứa con của mình. Không biết chị đã nói câu này bao nhiêu lần. Lúc này chị lại nói. Tống Cương cười hì hì. Khi lắp các phụ tùng đã lau sạch, anh bảo Lâm Hồng, ngày mai anh đi tìm việc làm mới. Anh không biết tìm việc mới là việc gì, làm việc lúc nào, nghỉ việc bao giờ. Anh bảo từ nay về sau không đưa đón chị được nữa... Nói đến xây, Tống Cương đứng dậy, ưỡn thẳng lưng có phần nào căng cứng, nói với vợ:
- Sau này em tự đạp xe đi làm việc.
Vâng - Lâm Hồng gật gật đầu.
Sau khi lau sạch chiếc xe đạp đã lắp vào, Tống Cương tra dầu máy vào ổ trục, lấy dẻ lau sạch tay, cưỡi xe đi hai vòng trước sân. Không còn nghe thấy tiếng cọt kẹt, anh mới hài lòng nhảy xuống. Anh hạ thấp yên xe, rồi đẩy chiếc xe đạp Vĩnh Cửu cũ kỹ đến trước mặt Lâm Hồng, bảo chị đi thử. Lâm Hồng đã ăn xong cơm. Tay chị đang bưng cơm và thức ăn chuẩn bị cho chồng. Khi Tống Cương nhận cơm và thức ăn, Lâm Hồng nhận xe đạp. Tống Cương ngồi vào chiếc ghế vợ vừa ngồi, vừa ăn cơm, vừa nhìn Lâm Hồng cưỡi lên xe dưới ánh sáng đèn đường. Lâm Hồng đi ba vòng trước mặt chồng. Chị bảo cảm giác rất tốt, đi chiếc xe đạp Vĩnh Cửu đã hơn mười năm giống như đi xe mới. Tông Cương phát hiện có vấn đề, anh đứng dậy đặt bát đũa xuống ghế. Sau khi Lâm Hồng xuống xe, Tống Cương hạ thấp yên, bảo Lâm Hồng đi thử một lần nữa. Trông thấy Lâm Hồng ngồi trên xe hai chân cùng một lúc kiễng đất, Tống Cương yên tâm gật gật đầu, anh dặn vợ:
- Khi em bóp phanh, hai chân nhất định phải chấm đất như thế em sẽ không ngã.
Huynh Đệ Huynh Đệ - Dư Hoa Huynh Đệ