Số lần đọc/download: 2997 / 35
Cập nhật: 2017-12-13 14:29:44 +0700
Phần XIII - Chương 1: Miếu Ba Cô
Miếu Ba Cô 1
Thiên Hương con gái út của ông bà Phát Đạt, chủ hãng xuất nhập cảng 18 ngành lớn tại thành phố Sài Gòn vào những năm 1950... sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, nên đương nhiên cô gái rượu Thiên Hương được nuông chiều và hưởng mọi ưu đãi hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa.
Ngay từ khi chuyển từ tiểu học sang đệ nhất cấp, thay vì vào học một trường trung học danh tiếng tại Sài Gòn như Áo Tím, Chassecloup Laubat.... Thiên Hương được cha mẹ gửi vào một trường Dòng ở Đà Lạt được chế độ nội trú. Do vậy mỗi năm về thăm nhà chỉ vào dịp nghỉ hè hay lễ tết.
Lúc đầu Thiên Hương phản đối dữ dội bằng cách tuyệt thực mấy ngày liền trong nhà nội trú, bởi làm sao một cô gái mới lớn đang ham chơi, ham vui với nhiều bạn đồng trang lứa lại có thể bị giam hãm trong bốn bức tường trường nội trú nhà Dòng với chỉ toàn học trò nữ!
Các bà sơ trong trường Dòng ngay tuần lễ đầu tiên đã có ý định trả con bé bướng bỉnh về với gia đình, nếu không có sự xuất hiện của một chàng trai 18 tuổi. Chuyện hơi lạ, nhưng đó là sự thật và là bước ngoặt trong cuộc đời của Thiên Hương. Chàng trai ấy là Thái, học sinh đệ nhị cấp đang chuẩn bị thi tú tài phần 2 vào cuối năm ở Sài Gòn. Anh chàng là con một gia đình trí thức trung lưu ở Đà Lạt, nên thỉnh thoảng về thăm nhà trên đó. Vào cuối tuần năm ấy Thái tình cờ có mặt bên bức tường rào cao của nhà Dòng, đúng lúc cô bé Thiên Hương vì không chịu nổi cảnh tù túng của trường nội trú nên bắt chước bạn bè tìm cách leo rào ra ngoài.
Hầu hết dân leo rào đều có kinh nghiệm nên những chuyến trốn đi rồi quay về của họ đều êm xuôi, trót lọt. Chỉ có Thiên Hương đúng là dân tay mơ, mới trốn lần đầu, nên thay vì nối hai tấm trải giường vào nhau rồi cột một đầu ở cành cây bên trong, một đầu thòng ra ngoài và cứ thế đu ra, Thiên Hương vừa mới xuống khỏi đầu tường chưa tới một mét thì dây vải đã sút mối nối và cô bé rơi tự do xuống mặt đất cách gần hai mét.
Tưởng chết. Thiên Hương nhắm mắt lại sau khi thét lên một tiếng. Nhưng lạ thay, cô cảm thấy té thật êm, như có ai đỡ bên dưới. Mở mắt ra, suýt nữa Hương đã kêu lên lần nữa, bởi đang bế cô trên tay là một cậu con trai mặt còn non choẹt nhưng có nụ cười rất người lớn.
- Anh...
Thái, chàng trai “định mệnh” của cô bé trốn tường rất ga lăng:
- Tấm thân này mà đo đất thì còn gì là mình hạc xương mai nữa. Cô bé!
Thiên Hương dù đang hết vía nhưng cũng kịp bật dậy làu bàu:
- Dám ôm người ta...
Chẳng một chút tự ái, Thái lịch sự giới thiệu:
- Mình là Thái nhà ở gần đây. Còn đàng ấy chắc là mới trốn trường lần đầu?
Như vớ được phao giữa dòng, Thiên Hương quên hết e thẹn:
- Nhà ở gần đây hả? Vậy cứ cuối tuần ra đây đỡ giùm tấm thân bé bỏng này nhé.
- Và kiêm luôn hướng đạo, dẫn đường chứ gì?
Thiên Hương nhún vai rất “đầm”:
- Cái đó còn tùy...
Họ gần tuổi nhau, nên rất dễ thân thích, nhất là khi biết Thái cũng từ Sài Gòn lên. Hương đã hỏi thẳng:
- Mình về nhà cậu chơi được không?
Thái cũng có cử chỉ rất “Tây”:
- Oui, mademoiselle (Vâng, được thôi tiểu thư).
Thiên Hương như chim được xổ lồng, chạy tung tăng về phía trước, làm Thái phải gọi giật lại:
- Ở phía này cơ!
Họ sóng đôi bên nhau như đôi bạn đã quen biết lâu ngày, và mãi khi về gần đến nhà Thái, anh chàng mới hỏi:
- Đàng ấy tên gì vậy, chưa xưng ra?
- Thiên Hương!
Thái buột miệng khen:
- Hương thơm của trời!
Thiên Hương sửa lại:
- Mình khoái được gọi là hương sắc của trời hơn.
- Ô, cái nào cũng “très jolie” (đẹp tuyệt) cả!
Họ thân nhau từ hôm ấy. Nhờ thế Thiên Hương thôi không tuyệt thực nữa và cũng chẳng còn ôm gối khóc mỗi đêm như trước nữa. Trái lại, cô nàng cứ mong ngóng cho mau đến chiều thứ bảy để được leo tường và được anh chàng đẹp trai đón sẵn dẫn đi chơi khắp nơi ở Đà Lạt và sau đó còn được về nhà anh chàng ăn những bữa cơm gia đình thật vui.
Thái ở nhà ôn bài thi một tháng và lại phải trở xuống Sài Gòn thi tú tài toàn phần năm ấy. Anh chàng thi đậu và có được ba tháng hè ở Đà Lạt trước khi vào đại học. Phần Thiên Hương thay vì về nhà cha mẹ như mong ước buổi đầu, vậy mà hôm ba má lên đón, cô bé đã từ chối thẳng thừng:
- Con không thích về nhà nữa. Về rồi lại phải đi, con không chịu nổi cảnh chia tay.
Đó là một cách nói. Thật ra cô nàng chỉ muốn ở lại Đà Lạt với mối tình đầu của mình. Suốt ba tháng hè đó chàng trai vừa tròn 18 tuổi với cô nàng tuổi 16 đã bắt đầu những ngày đẹp nhất của cuộc tình - Từ Thủy tạ, Hồ Xuân Hương, cho đến Thung Lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Cam Ly... nơi nào cũng có dấu chân của họ.
Đó là khởi đầu của cuộc tình, nhưng cũng là khởi đầu của một bi kịch về sau...
Sáu tháng sau. Khi Thái đã vào học đại học năm thứ nhất, thì cũng là lúc ở Đà Lạt cha mẹ Thiên Hương đã đích thân lên tận trường chính thức xin với các sơ cho con gái mình nghỉ học. Họ không giải thích thật lý do cho Thiên Hương nghỉ học, nên lúc mới nghe Hương đã phản đối ầm ĩ. Đến khi suy nghĩ lại thì cô chợt vui, bởi chuyển về Sài Gòn có nghĩa là sẽ ngày ngày gặp người yêu!
Tuy nhiên, niềm vui của Thiên Hương đã bị dập tắt, ngay ngày đầu trở lại nhà, Thiên Hương đã đối diện với một bi kịch: cha mẹ Hương mời cơm một người bạn làm ăn tại nhà, và trong bữa ăn đó Hương được đưa ra giới thiệu với những câu nói như sét đánh ngang tai. Mẹ Hương nói với khách:
- Cháu nó còn hai năm nữa mới lấy tú tài 2, nhưng ngay bây giờ hai bên chúng ta có thể hứa với nhau một lời về hôn ước của chúng nó.
Ông Phát Đạt nói cụ thể hơn:
- Ngay tuần này anh chị có thể cho tiến hành lễ hỏi. Hai năm sau thì cưới.
Thiên Hương nãy giờ đứng nghe mà như từ trên trời rơi xuống, tưởng chừng như mẹ mình đang nói về ai đó... Cho đến khi mẹ cô kéo tay con chỉ về phía hai người khách:
- Đây là hai bác Phúc Lợi, cha mẹ của Thiên Phúc, người sẽ là chồng của con sau này. Con hãy chào hai bác đi.
Thiên Hương không còn tự chủ được, cô cắn chặt đôi môi như muốn bật máu ra, rồi vụt chạy ra ngoài như người bị ma đuổi!...
Vân Hạnh, 18 tuổi con của một nhà tư sản, chủ một đồn điền thuộc loại nổi tiếng ở vùng đất đỏ. Nổi tiếng không chỉ vì bề thế làm ăn, mà còn là một trong hai cô con gái của ông bà chủ. Mà trong số này Vân Hạnh thuộc hàng hoa khôi. Cô nàng tuy mới ở tuổi 18, nhưng đã làm chết mê chết mệt hàng vài chục những vương tôn công tử đương thời. Hầu hết những kẻ trồng cây si đều thuộc hàng có máu mặt của Sài Gòn...
Nhưng, không như mọi người nghĩ, không đúng như ước của cha mẹ, người lọt mắt xanh của Vân Hạnh lại là một anh tú tài nghèo, người thất cơ lỡ vận phải rời Sài Gòn lên tận vùng đất đỏ để xin làm chân thư ký quèn tại đồn điền cao su Nguyễn Đình. Câu chuyện tình của đôi trai gái không đồng giai cấp này bắt đầu từ một chén mủ cao su.
Hôm ấy Vân Hạnh, Như Lan hai chị em con ông chủ theo cha lên đồn điền để dự một buổi dạ vũ do chính ông chủ, cha của hai cô gái đứng ra tổ chức để chiêu đãi quan chức cấp lớn của Pháp. Khách dự gồm hơn trăm người có máu mặt thời ấy. Họ đến vì nể nang sự giàu có của chủ gia một phần, nhưng bởi sức hút của nhan sắc hai cô con gái rượu của Nguyễn Đình thì nhiều hơn. Gia đình khách mời nào cũng dẫn theo các cậu con trai quý tử của họ với một mong ước duy nhất: con họ sẽ lọt được vào mắt xanh của hai vị tiểu thư họ Nguyễn, đặc biệt là Vân Hạnh.
Buổi chiều trước tiệc dạ vũ, xe đưa cả nhà Nguyễn Đình lên tới đồn điền. Thấy còn sớm, chính Vân Hạnh đã đòi được đi ra vườn cao su chơi. Trái với cô em, cô chị Như Lan thì tỏ ra kiêu kỳ, đã bài bác ý tưởng của em:
- Có gì ngoài mấy gốc cao su mà chơi. Tao mệt muốn chết, chỉ muốn nằm ngủ một giấc trước khi buổi tiệc bắt đầu.
Thấy chị không muốn đi. Vân Hạnh rủ người tớ gái cùng đi. Cô còn dặn:
- Chị đừng nói với ba tôi là đưa tôi ra rừng nghen.
Như con chim xổ lồng, Vân Hạnh chạy nhảy tung tăng giữa mặt đất dầy những lá cao su rụng. Nhũng hàng cây thẳng tắp ngút mắt đã làm cho cô thích thú vô cùng.
Cứ chạy ôm hết gốc cây này đến gốc cây kia làm cuộc trốn tìm với cô tớ gái. Mải mê chạy giỡn, chỉ một lúc sau họ đã đi khá xa.
Người tớ gái phải nhắc:
- Cô Ba đừng đi xa quá kẻo trời tối.
Vân Hạnh một khi đã vui rồi thì có trời cản. Cô vừa chạy thẳng tới phía trước và nói vọng lại:
- Chị không đi thì cứ đi về, tôi sẽ tự về khi nào mỏi chân.
Chạy một mạch đến khi cảm thấy mệt, cô bé mới dừng lại vịn gốc cao su nghỉ. Chợt nhìn thấy chén hứng nhựa đang bắt đầu có những giọt nhựa trắng chảy xuống.
Thật là hình ảnh ấn tượng mà trước đây dù đã vài lần theo cha lên đây nhưng Hạnh chưa bao giờ tận mắt thấy nên trố mắt nhìn. Rồi không ngăn được sự tò mò, Vân Hạnh đưa mấy ngón tay chấm vào chén mủ đặc biệt đó.
Cảm giác đầu tiên là sự mát lạnh, nhưng sau đó khi rút ngón tay lên thì cô bé mới hoảng hốt: Mủ cao su quấn chặt lấy ngón tay, càng ngọ nguậy, thì các ngón tay lại càng dính vào nhau!
Vân Hạnh quýnh quáng đưa bàn tay còn lại chụp vào các ngón tay đang dính mủ. Nó lại thê thảm hơn, chỉ trong vài giây sau cả hai bàn tay cô gần như dính liền vào nhau.
Cô bé bướng bỉnh sắp òa lên khóc vì chẳng biết làm sao chợt có ai đó chụp vào tay cô với chiếc khăn mùi xoa trắng tinh, kèm câu nói:
- Phải dùng cái này thì mới gỡ rối được, thưa tiểu thư.
Nhìn lại thấy người đang nắm tay mình là một chàng trai lạ. Suýt nữa Hạnh đã kêu thét Iên. Nhưng như đã đoán trước anh chàng kia lịch sự nở nụ cười hiền hòa.
- Tôi là thư ký trong đồn điền này, cô đừng sợ. Cứ đứng yên để tôi giúp cho.
Bàn tay thuần thục, chỉ lát sau thì cả hai tay Vân Hạnh đã sạch trơn. Tuy nhiên, thấy ở các kẽ tay còn rít, anh chàng lại rất bất ngờ kéo ngay vạt áo sơ mi đang mặc lên lau một lần nữa. Hạnh muốn ngăn anh ta lại nhưng không còn kịp, cho đến khi cử động thấy không còn vướng víu gì, cô mới lên tiếng:
- Cám ơn anh. Chiếc áo của anh...
Chàng tai mỉm cười thân thiện:
- Đâu có sao, dân làm cao su thì ai mà không dính mủ. Có mủ mới có tiền!
Bây giờ Hạnh mới chợt lo:
- Trời sắp tối rồi...
Cô quay bước về, nhưng chợt nhớ mới lên tiếng hỏi:
- Anh tên gì?
- Phú.
- Tôi Ià Vân Hạnh.
Chàng trai tên Phú đã mau miệng:
- Là con ông chủ.
Vân Hạnh đang hối hả quay về nên không kịp nói thêm câu nào. Đến lúc đi vài mươi bước rồi cô mới quay lại thì bắt gặp chàng đang đứng lặng nhìn theo...
Buổi dạ vũ hôm đó tự dưng Hạnh kêu đau bụng và xin không ra dự. Khi cha mẹ cô vào bắt ra thì Hạnh cố làm như đau dữ dội, nên bà mẹ cô đã lo ngại thật sự:
- Có lẽ con nhỏ không quen gió độc ở xứ này nên như thế. Tui nói rồi, có tiệc tùng gì thì tổ chức ở Sài Gòn, lên làm chi cái đất đầy những chướng khí chết người này chẳng biết!
Thấy vợ cằn nhằn và vốn cưng cô con gái út nên dù đám khách ngoài kia đều mong muốn Vân Hạnh xuất hiện. Ông Nguyễn Đình cũng đành phải ra ngoài với lời cáo lỗi.
Cô chị Như Lan thì rất khoái, bởi vắng cô em gái như thỏi nam châm thì cô sẽ trở thành cục nam châm hút hết các chàng trai đêm nay.
Và thay vì phải trở về Sài Gòn ngay sáng sớm hôm sau nhưng viện cớ là quá mệt, đi không nổi, nên Vân Hạnh xin ở lại một ngày nữa. Chiều con, nên ông bà Nguyễn Đình đã để lại bà vú già lo chăm sóc cho Vân Hạnh, còn họ và Như Lan thì về trước.
Ngay khi ba mẹ vừa rời khỏi đồn điền thì Vân Hạnh đã tung mền ngồi dậy, gọi người tớ gái hỏi liền:
- Ở đây có ai là thư ký tên Phú?
Chị người làm vốn đã phục vụ lâu năm nên khá rành:
- Dạ có. Thầy Phú làm ở văn phòng bên kia, còn ở ngôi nhà nhỏ phía sau, cách đây vài trăm thước.
- Anh ta ở... một mình?
Chị người làm gật đầu:
- Chỉ có một mình. Nghe nói chưa vợ con gì hết. Từ ngày lên đây đến ba, bốn năm rồi cũng chẳng thấy người thân nào lên thăm.
Chỉ hỏi bấy nhiêu đó thôi. Hạnh cho người tớ gái đi ra. Và ngay sau đó cô đóng vai trò của cô chủ nhỏ, đã đột ngột viếng thăm văn phòng của đồn điền. Cô bước vô phòng làm việc của gần một chục nhân viên, đảo mắt một vòng mà không hỏi một ai. Có vài nhân viên biết mặt cô chủ nên kính cẩn đứng lên chào rất lễ phép. Số còn lại cũng làm như vậy. Có người lên tiếng hỏi:
- Thưa cô chủ, cô có cần gì không?
Không trả lời câu hỏi, cô hỏi lại:
- Nhân viên ở đây chỉ bấy nhiêu người đây sao?
Một bác lớn tuổi vội đứng lên đáp:
- Dạ, còn thư ký Phú đang có việc ngoài rừng.
Hạnh lễ phép chào mọi người rồi bước nhanh. Chẳng ai hiểu mục đích cuộc viếng thăm đột xuất của cô chủ nhỏ nên thấy lo lo...
Chỉ có Vân Hạnh là thấy vui vui khi không chạm mặt “thầy ký” Phú trong văn phòng đông người. Cô đi thẳng ra rừng và lúc ấy mới thấy rối, bởi vườn cao su đến mấy trăm mẫu, lối đi nào cũng giống nhau biết đi hướng nào để không bị lạc đường?
Cũng may, ngay trước tầm mắt của Hạnh là một ngôi nhà sàn nhỏ, mà chợt nhớ lại lời chị người làm nói. Cô nghĩ đó là nhà của Phú. Không một chút nghĩ ngợi. Hạnh bước thẳng về hướng đó.
Nhà đóng cửa, cả cửa sổ và cửa cái, mặc dù không có khóa ngoài nhưng Hạnh đoán là không có người ở trong. Nhìn đồng hồ tay thấy mới hơn mười giờ. Hạnh chép miệng:
- Phải đến trưa anh ta mới về...
Cô lưỡng lự một chút, cuối cùng mò trong túi áo ra một chiếc khăn tay màu trắng thơm phức nước hoa định đặt nó ở khe cửa sổ, nhưng để vào rồi lại lấy ra, thấy không ổn.
Không có cách nào đặt chiếc khăn mà chủ nhà khi về mở cửa có thể nhìn thấy ngay và hiểu rằng có người đã để lại chiếc khăn mà thầy ký đã lấy ra lau mủ cao su cho người chưa từng quen biết...
Lại lưỡng lự một hồi nữa, chợt Hạnh phát hiện cửa cái chỉ khép hờ. Cô đánh bạo đưa tay đẩy vào. Cửa mở dễ dàng. Bên trong nhà khá đơn sơ. Chỉ một chiếc giường cá nhân với một chiếc gối, một chăn đắp được xếp ngay ngắn. Một tủ quần áo nhỏ, một bàn viết, trên vách treo khá nhiều tranh vẽ. Có lẽ do chủ nhân ngôi nhà đã vẽ...
Biết là hơi quá đáng khi tự tiện thâm nhập nhà người khác, nhưng lúc đó chẳng hiểu sao Vân Hạnh lại đánh liều bước rón rén vào. Không khí trong nhà khá ấm cúng, dễ chịu.
Chỉ tính bước vô tìm chỗ để chiếc khăn rồi ra ngay nhưng chính sự ấm cúng của gian nhà đã làm cho Hạnh lưu lại thêm. Cô bước tới bên bàn viết, nhìn mấy quyển sách xếp ngăn nắp, trên bàn là một xấp giấy trắng còn nguyên, có lẽ chủ nhân đang định viết gì đó...
Bỗng cô nhìn được mấy dòng chữ ở đầu trang. Chữ viết khá đẹp, rất bắt mắt. Và đặc biệt nhất là ở nội dung. Dù không muốn đọc trộm nhưng Vân Hạnh cũng liếc thấy mấy chữ: “… cô nàng như một bông hoa lạ từ trên trời rơi xuống, làm sáng rực lên cả một góc rừng cao su vốn xám xịt một màu buồn tẻ. Mình đã liều lĩnh nắm lấy bàn tay như những búp hoa đỏ, mặc dù là để giúp nàng lau mủ cao su, nhưng nghĩ lại mình thấy đáng ăn mấy bạt tay vì tội liều. Nhưng cũng chính vì thế mà cho tới bây giờ mình vẫn còn bồi hồi, chắc là sẽ mất ngủ hôm nay và còn nhiều hôm nữa…”
Đoạn viết chỉ bấy nhiêu đó, nhưng Vân Hạnh đọc xong, lại phải đọc lại lần nữa và cứ nghĩ nó dài ra... Cô cười một mình khi biết anh chàng đang viết về mình.
Thì ra...
Một tiếng kẹt ở cửa làm cắt đứt mạch suy nghĩ của Hạnh. Phú bước vào đột ngột và cả hai đều sửng sốt nhìn nhau.
- Cô…
- Anh...
Họ chỉ thốt được nửa tiếng đó rồi lúng túng nhìn nhau… mãi mấy mươi giây sau Hạnh mới lắp bắp nói:
- Tôi… chỉ...
Cô đưa chiếc khăn tay tới trước mà không nói thêm lời nào. Còn Phú thì sau phút đột ngột đó đã lấy lại bình tĩnh:
- Tôi đi ra ngoài ít khi khóa cửa, vì trong nhà chẳng có gì đáng giá...
Vân Hạnh cũng bình tĩnh hơn, cô chỉ tờ giấy đang viết dở dang hỏi:
- Cái này mà mất thì anh có tiếc không?
Lúc này Phú mới chợt giật mình, anh chàng biết cô nàng đã đọc.
- Tôi... tôi...
- Viết về ai đó mà không được phép của người ta là có tội đó nghen.
Cô đút chiếc khăn tay vào lại túi mình:
- Định đem chiếc khăn này để đền lại anh, nhưng anh đã viết như vậy thì thôi...
Cô bước ra cửa. Phú chợt móc trong túi mình ra một chiếc khăn dính đầy mủ cao su và cười:
- Nó vẫn còn dùng được mà!
Hạnh đứng sựng lại, rồi chẳng hiểu sao cô móc chiếc khăn của mình ra, đặt vào tay Phú, còn chiếc khăn dính mủ cao su của Phú thì cô giật lẹ và nhét vào túi. Xong đi nhanh ra ngoài. Cô nói với lại:
- Như vậy là huề nhé... “thầy ký”!
Đó, mối tình của họ bắt đầu như vậy đó. Vậy mà khắng khít, dính chặt còn hơn nhựa cao su dán vào nhau.
Từ đó, cứ chiều chứ bảy là Vân Hạnh lại đòi lên đồn điền cho bằng được thay vì đi Vũng Tàu, Long Hải chơi với gia đình. Ban đầu ba má Hạnh chỉ ngạc nhiên sao cô con gái cưng của mình lại thay đổi nếp sống nhanh như vậy? Nhưng lần hồi họ phát hiện ra chuyện động trời. Đối với họ việc con gái con chủ đồn điền mà yêu một người làm công là một chuyện như trời long đất lở, không thế nào chấp nhận được.
Kết cuộc là thầy ký Phú bị đuổi việc, cho một số tiền và buộc phải đi định cư ở một vùng xa xôi trên cao nguyên.
Vân Hạnh thì hụt hẫng đau khổ và đã vài lần tìm cách tự tử...
oOo
Miếu Ba Cô 2
Thu Hà sinh ra trong một gia đình nghèo. Cô bé lớn lên trong cảnh túng thiếu của cha mẹ, cùng một bầy anh chị em sáu người. Những tưởng Hà sẽ không được học hành hoàn chỉnh, bởi hoàn cảnh thiếu trước hụt sau ấy...
Tuy nhiên với sự siêng năng, chăm chỉ nên Hà đã vượt qua tiểu học, rồi trung học. Năm đệ tứ. Hà thi đậu trung học đệ nhất cấp, rồi học lên ban tú tài.
Đang học đệ tam thì bước ngoặt cuộc đời Hà bắt đầu, khi cô đi dạy kèm tại nhà một đại tư bản ngành đồn điền. Ông Nguyễn Đình. Tại đây số phận đã đưa đẩy để Thu Hà gặp Tuấn, người anh cả của Vân Hạnh và Như Lan.
Là con cả của đại tư bản, việc kế nghiệp cha là đương nhiên đối với Tuấn, nhưng tính tình của chàng trai này thì lại hoàn toàn ngược lại với ông chỉ biết kinh doanh và tiền bạc, do vậy bất cứ lúc nào được cha nhắc đến chuyện kế nghiệp thì Tuấn luôn dửng dưng. Niềm đam mê duy nhất của Tuấn là đi đây đi đó để giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi. Do vậy, khi gặp Thu Hà, cô học trò nghèo đi dạy kèm thì con tim nhân hậu của Tuấn đã xao xuyến.
Họ đã yêu nhau một cách tự nhiên như bao nhiêu đôi trai gái khác. Nhưng họ quên rằng rào cản lớn nhất mà họ phải vượt qua chính là gia đình. Cụ thể là nhà tỷ phú đồn điền Nguyễn Đình.
Sau sự cố cô con gái út Vân Hạnh yêu chàng thư ký đồn điền, hai ông bà Nguyễn Đình đã căng thẳng đầu óc để đối phó, cản ngăn và vừa yên tâm sau màn hạ độc thủ bằng cách đuổi thư ký Phú đi mất tiêu, trở về thì họ hết sức kinh ngạc khi phát hiện một quả bom nổ chậm khác đang ở trong nhà.
Hôm đó lúc vừa trong bệnh viện trở về sau ca tự tử bằng thuốc ngủ của Vân Hạnh, đang ngồi nghỉ mệt ở phòng khách thì anh con cả bước ra, tay trong tay với Thu Hà.
Trước cái nhìn kinh ngạc của cha mẹ, Tuấn đã bình tĩnh thưa thật mọi chuyện:
- Thưa ba má, con và Thu Hà yêu nhau, chúng con xin làm đám cưới sau khi Hà xong tú tài toàn phần...
Chưa để con nói hết câu, bà Nguyễn Đình đã quát lên:
- Mày vừa nói gì hả?
Lâu nay vốn buồn lòng vì thái độ dửng dưng với công việc kinh doanh của đứa con trai cả, nay ông Nguyễn Đình như lửa cháy đổ thêm dầu, thuận tay ông chụp chiếc gạt tàn thuốc trên bàn ném thẳng về phía Tuấn kèm tiếng quát:
- Thằng bất hiếu, cút đi khỏi mắt tao!
Chẳng biết vô tình hay cố ý, chiếc gạt tàn đã bay trúng thẳng vào mặt Thu Hà. Tội nghiệp cô bé đang khúm núm nép bên mình người yêu đã gục ngay xuống, máu đầm đìa trên gương mặt xinh đẹp. Mặc cho Tuấn hốt hoảng ôm thân thể Thu Hà. Ông bà Nguyễn Đình thản nhiên bước về phòng riêng.
Bị chấn thương khá nặng, nhưng may mắn không nguy hiểm đến tính mạng. Thu Hà phải nằm bệnh viện đến cả tuần. Tuấn ở cạnh người yêu suốt những ngày đó và cũng từ lúc đó Tuấn thề với lòng là sẽ không bao giờ trở lại mái nhà mà cha mẹ chỉ là những người chỉ biết có đồng tiền, quên hết mọi thứ trên đời...
Và tuy nằm cùng bệnh viện với Vân Hạnh, cách nhau chỉ vài phòng, mỗi khi ông bà Nguyễn Đình vào thăm con gái đều đi ngang và nhìn thấy nhưng chưa bao giờ Thu Hà được họ ghé hỏi thăm một tiếng. Cô buồn tủi là đương nhiên, mà Tuấn cũng vừa buồn vừa hận.
Đợi những lúc Vân Hạnh ở một mình, Tuấn đã vào tâm sự và an ủi em gái. Khi biết chuyện Thu Hà bị nạn, Vân Hạnh đã khóc rất nhiều và có lần đã thốt lên:
- Em không chết được thì có sống em cũng sống với người mình yêu. Anh Hai có dám như vậy không?
Tuấn xiết chặt tay em:
- Anh ủng hộ em và ngược lại em cũng đứng về phía anh và Thu Hà chứ?
Vân Hạnh vui trong ánh mắt:
- Chắc chắn như vậy. Để tối nay nếu khỏe em sẽ qua thăm chị ấy.
Bất ngờ Hạnh hỏi:
- Anh Hai có biết ba má đuổi anh Phú đi đâu không?
Tuấn gật đầu:
- Chưa chắc là chính xác nhưng anh nghĩ một nơi nào đó ở Đà Lạt.
- Đà Lạt thì đâu có xa.
Tuấn tỏ ra rành chuyện:
- Không xa lắm nhưng đồn điền trà thì từ Đà Lạt đi vào khá hiểm trở. Em nhớ đồn điền trà của ba má không?
Vân Hạnh gật:
- Em có nghe nói nhưng chưa tới đó lần nào.
- Phú bị đẩy ra đó với một điều kiện ngặt nghèo, khó lòng trở về.
Hạnh mừng thầm, cô tự hứa với lòng: “Giá nào mình cũng gặp lại Phú...”
Từ hôm ở bệnh viện trở về, Vân Hạnh gần như sống biệt lập trong phòng riêng của mình. Cô không xuất hiện trong các bữa cơm gia đình, cũng không ra ngoài mỗi khi có mặt cha mẹ ở nhà.
Người trước kia thường đi ra ngoài hoặc chuyện trò, vui chơi cùng cô là Như Lan. Kể từ lúc xảy ra chuyện thì hầu như Vân Hạnh cũng không muốn gần. Hai chị em trước ngủ chung phòng, nhưng từ lúc trở về nhà thì chính Hạnh đã mang đồ đạc cá nhân sang căn phòng trống bên cạnh để ở hẳn.
Tuấn cũng đi khỏi nhà, trong số anh chị em chỉ duy có Vân Hạnh là đồng cảm với anh mình, vậy mà từ lúc ra đi Tuấn cũng không hề liên lạc gì. Giữa Hạnh và Thu Hà từ lúc đó cũng thân tình hơn, thương yêu nhau hơn. Có lẽ mối cảm thông này bắt nguồn từ sự đồng cảnh ngộ ngang trái như nhau.
Phần ông Nguyễn Đình thì có lẽ sợ làm căng hơn nữa thì con gái sẽ tự tử lần nữa, nên họ không còn kiểm soát quá chặt như trước. Họ để Hạnh sống tự do theo ý cô và dành hẳn chiếc xe hơi mới mua cho Hạnh muốn lái đi đâu tùy thích. Một phần có lẽ cũng do ông bà đã quá tự tin khi nghĩ đã cắt đứt sự liên lạc giữa Hạnh và thư ký Phú. Phần nữa họ cũng muốn Vân Hạnh được dịp giao du với bạn bè khác, nhất là trong giới thượng lưu để cô có cơ duyên gặp được ai đó, quên hẳn mối tình trái ngang kia đi.
Vân Hạnh hầu như chẳng bữa vào về trước bảy giờ tối. Có hôm Như Lan muốn làm lành với em gái, đã đề nghị được đi chung xe ra chợ mua đồ, nhưng Hạnh đã thẳng thừng từ chối:
- Khi nào chị đi tìm được Phú về đây thì chị em mới còn có nghĩa là chị em. Còn không...
Như Lan biết lỗi mình, cũng chính vì cô đã mét mọi chuyện về mối quan hệ giữa Vân Hạnh và Phú lại còn thêm mắm dặm muối để cha mẹ làm quyết liệt chuyện chia cắt tình yêu của họ.
Một mình lái xe đi hết nơi này đến chỗ nọ, giao du với đủ thứ bạn bè. Tuy nhiên không như mong đợi của ông bà Nguyễn Đình, hầu hết người Vân Hạnh kết giao không một ai trong giới giàu có. Trong số bạn học cũ mới. Hạnh chỉ toàn lựa những người trong giới bình dân, lao động để kết giao.
Và chiều thứ bảy hôm đó cuộc hẹn của Vân Hạnh không phải với bạn trai, mà là với hai cô gái: Một người học chung trường với Hạnh, dưới cô một lớp từ năm tiểu học và một người nữa là Thu Hà.
Sau khi nằm bệnh viện ba ngày, Thu Hà xuất hiện và nghỉ hẳn việc dạy kèm tại nhà Hạnh, nhưng mối liên hệ giữa họ lại trở nên thắm thiết hơn. Do đó khi nhận được lời rủ của Hạnh, hẹn gặp tại một quán vùng ngoại ô thì Thu Hà đã nhận lời ngay. Tuấn biết chuyện đòi cùng đi nhưng Hà cương quyết không cho:
- Chuyện con gái với nhau, đàn ông đi làm gì?
Vân Hạnh, Thu Hà đến nơi trước. Về người khách thứ ba. Thu Hà cứ thắc mắc mãi:
- Ai vậy Hạnh?
Vân Hạnh ra vẻ bí mật:
- Cũng không lạ, nhưng để gặp sẽ biết. Khi người đó tới thì Thu Hà ngạc nhiên vô cùng, reo lên:
- Thiên Hương!
Thiên Hương nhỏ hơn hai người một tuổi, học dưới một lớp ở tiểu học cho đến khi Hương chuyển lên Đà Lạt học trường Dòng. Tuy ít gần, nhưng do thân nhau từ nhỏ nên lúc nào gặp lại nhau họ mừng hơn là chị em ruột.
Cuộc hội ngộ thật bất ngờ, chính Thiên Hương phải lên tiếng:
- Em cứ tưởng chị Vân Hạnh rủ đến gặp ai, không ngờ là chị. Sao, chị Hà đã ra trường chưa?
Siết chặt tay cô bạn nhỏ. Hà mắng yêu:
- Xa mặt cách lòng nên quên hết rồi. Mình hơn cậu một lớp, mà năm nay cậu đệ tam phải không?
Vân Hạnh chen vào:
- Mới lớp đệ tứ thôi. Bỏ học từ đầu năm thì làm sao lên đệ tam được. Thu Hà ngạc nhiên:
- Ủa, sao bỏ học? Nghe cậu học ở Đà Lạt mà.
Vô tình bị chạm vào nỗi đau, Thiên Hương sẽ không vui nhưng Vân Hạnh vẫn kể lại sơ lược chuyện Hương và Thái bị gia đình ngăn trở. Và cuối cùng cô nói một câu mà cả ba đều nhìn nhau:
- Ba đứa con gái bị chính cha mẹ mình cướp mất tình yêu!
Trong nỗi cảm thông sâu sắc họ cùng siết chặt tay nhau và nước mắt cùng tuôn trào. Hồi lâu Hạnh mới nói:
- Hương sống ra sao bấy lâu nay?
Cười héo hắt. Hương đáp chán chường:
- Mình chỉ còn biết vẫn đi tìm Thái trong vô vọng.
Hạnh nhẹ lắc đầu:
- Mình đâu hơn gì bồ. Cha mẹ mình còn ác hơn, họ dùng tiền bạc và cả thủ đoạn nữa, đày Phú đi biệt tăm.
Giọng Thiên Hương càng buồn hơn:
- Thái bị ba má mình làm nhục nên bỏ học trở về Đà Lạt. Mình lên đó tìm, nhưng chẳng ai biết Thái đi đâu, cả năm nay không liên lạc về.
Hỏi đến chuyện của Thu Hà thì chính Vân Hạnh lại kể rõ hơn:
- Anh mình đã bỏ nhà đi từ cả tháng nay đến Hà cũng không biết tin. Hôm qua mình nghe trong nhà nói ba má mình đã hoàn tất thủ tục để anh ấy đi du học ở Pháp. Một kiểu chia cắt tình cảm của anh Tuấn và Hà. Mình phản đối, nhưng hiện tại mình còn nghĩa lý gì với gia đình nữa...
Bữa tiệc hội ngộ giữa ba người bạn gái đã biến thành tiệc nước mắt. Ai kể lại chuyện mình cũng bằng sự chán chường. Sầu thảm và cuối cùng là khóc. Thiên Hương có vẻ bi thảm hơn, cô tỏ ra hối tiếc:
- Chính mình đã hại Thái. Anh ấy nhà tuy nghèo nhưng ham học và học giỏi, nếu không yêu mình thì chỉ mấy năm nữa anh ấy tốt nghiệp, tương lai rạng rỡ trước mắt.
Hạnh cũng chẳng hơn gì:
- Phú đang yên ổn với đồng lương khiêm tốn, nhưng như thế cũng đủ để anh ấy sẽ học tiếp trong vài năm tới. Gia đình anh ấy ở tỉnh xa chỉ trong cậy vào mình anh ấy thôi.
Thu Hà từ đầu chỉ lẳng Iặng nghe và thở dài. Hạnh phải lay vai:
- Hà có ý kiến gì đi chứ...
Thu Hà khóc. Với cô, cú sốc vừa rồi là quá nặng. Vừa mất người yêu vừa bị ông bà Nguyễn Đình đến tận nhà xỉ vả làm nhục, đến nỗi giờ đây mỗi khi ra khỏi nhà cô không dám ngẩng nhìn mọi người.
- Hay là thế này...
Vân Hạnh đề xuất:
- Bọn mình đi Đà Lạt.
Thiên Hương ngạc nhên:
- Lên đó làm gì?
Thu Hà cũng nói:
- Mình bây giờ chán mọi thứ, chẳng thiết đi đâu.
Giọng Hạnh trở nên nghiêm túc:
- Mấy người có nhớ trên đường đi Đà Lạt, qua đèo Bảo Lộc có mấy ngôi chùa nhỏ vắng vẻ?
Như hiểu được ý Hạnh, Thiên Hương reo lên:
- Đi tu!
Hạnh xiết tay bạn:
- Bồ dám không?
- Có gì đâu mà không dám. Đi tu là bỏ lại trần gian những phiền lụy, sân si. Mình cũng đã từng nghĩ...
Vân Hạnh nói như một người đang thuyết giảng giáo lý:
- Chỉ có chốn ấy mới làm cho mình thanh thản. Mình sẽ quên được bên kệ kinh. Mình sẽ...
Thu Hà chợt hỏi:
- Nhưng ai cho mình vào đó tu? Mình nhớ nơi đó chỉ có mấy cái am cỡ rất nhỏ, không phải chùa...
Thiên Hương tỏ ra rành rẽ:
- Đúng là không có chùa Iớn. Nhưng cần gì, miễn là có chỗ để mình ở cùng nhau. Mình chỉ cần ở cùng nhau, không cần tu cũng được.
Vân Hạnh tính chi li hơn:
- Ba đứa con gái mà ở chỗ vắng vẻ đó thì khó yên. Chỉ có trong lốt nâu sồng thì mới ổn. Mình nghĩ, am hay cốc vắng, bỏ hoang càng tốt. Quan trọng là mấy bồ có dám không đã?
Trong một phút bốc đồng cả ba cùng ôm chặt lấy nhau, giọng quyết tâm:
- Không hối tiếc gì cả!
Vân Hạnh vạch chi tiết:
- Sẵn mình có xe, chính mình sẽ lái và bọn mình cùng đi ngay sáng mai. Lên tới đó mình sẽ cho xe xuống vực, còn bọn mình thì leo lên chỗ cái am cũ trên núi.
- Đồng ý chưa?
Cả ba đồng thanh:
- Cùng nhau!
oOo
Miếu Ba Cô 3
Thật đúng giờ. Lúc bảy giờ sáng, cả ba đã gặp nhau ở một góc đường. Mỗi người chỉ mang theo một túi quần áo như một cuộc du lịch ngắn ngày. Vân Hạnh chu đáo hơn, cô bảo:
- Phải mua theo gạo, muối, tương chao và nhiều lương khô. Mình sẽ tự lực khá lâu chứ chẳng có ai giúp đỡ đâu.
Họ khởi hành lúc tám giờ. Hạnh lái xe rất giỏi, lại là xe nhà quen tay lái nên hơn năm giờ sau cả bọn đã lên tới chân đèo Bảo Lộc.
Đường vắng nhưng leo dốc khá nguy hiểm, nên Hạnh cho xe chạy thật cẩn thận. Một phần là phải để mắt tìm địa điểm cái am cũ trên triền núi. Vừa trông thấy, Thiên Hương đã reo lên:
- Ở trên kia kìa!
Cả ba xuống xe và cùng sóng bước leo dốc lên am như những tín đồ đi tìm đất thiêng để thăm viếng. Phải mất hơn mười phút họ mới lên tới nơi. Đó là một am cũ, được xây bằng gạch, nhưng có lẽ từ lâu lắm rồi không có người ở hoặc lui tới nên khắp nơi nhện giăng, bụi bám đầy. Thiên Hương hơi đăm chiêu khi nghĩ đến những ngày phải sống ở một nơi như thế này…
Tuy nhiên Vân Hạnh thì lại hài lòng, cô nắm tay hai bạn siết chặt, như để động viên họ:
- Nơi này là tốt rồi. Vừa gần đường lộ nhưng lại tránh được sự tò mò của người đời. Mình chịu ở đây. Cho dù mai mốt các bồ có ai đó bỏ cuộc giữa chừng thì mình cũng quyết ở lại một mình.
Cả Hương và Thu Hà đều nêu quyết tâm:
- Tụi này theo Hạnh đến cùng. Chúng ta không còn gì để mà luyến thế nữa...
Hạnh giục:
- Vậy thì chúng ta mau xuống xe đem đồ đạc lên đây rồi mình còn tìm cách đẩy xe xuống vực nữa.
Cả ba lại theo nhau trở xuống. Thiên Hương gợi ý:
- Thu Hà mang đồ lên cùng với mình, để Hạnh lo vụ cái xe.
Hai người hì hục đem ba va li đồ cùng với mấy thứ như gạo, muối, lương khô và nồi niêu soong chảo lên am. Xong Hương bảo:
- Hà ở trên này lo quét dọn sơ cho có chỗ để đồ, còn mình trở xuống giúp Hạnh.
Trong khi đó thì Hạnh đã nổ máy cho xe ra sát mép vực. Dù chả quen việc này, nhưng cô nghĩ chỉ cần vô số, rồi mở cửa bước xuống, sau đó đưa tay đẩy xe tới một chút là chiếc xe sẽ lao xuống vực sâu. Như thế là hết, cắt đứt mọi liên hệ với gia đình, với quá khứ...
Và cô làm đúng như thế. Nhưng oan nghiệt thay, khi Hạnh cố sức đẩy cánh cửa xe đang mở tới trước, chiếc xe chuyển động và lao nhanh hơn dự đoán của cô. Cùng lúc một chân Hạnh bị vấp cục đá ngã chúi về trước, tay cô vướng vào tay nắm cửa chiếc xe. Chiếc xe lôi theo cả Vân Hạnh!
Thiên Hương vừa tới, cô chứng kiến toàn bộ cảnh rùng rợn vừa rồi với sự hoảng hốt tột cùng, cô há to mồm kêu thét lên:
- Hạnh!
Rồi như một quán tính, hoặc do một động lực vô hình nào đó đã đẩy Hương về phía vực. Cô còn kịp nhìn thấy Hạnh văng ra chới với rồi mất hút dưới vực sâu thăm thẳm.
Không còn tự chủ được nữa. Thiên Hương nhắm nghiền đôi mắt lại, người ngã trong tình trạng vô thức về phía vực sâu.
Thu Hà đang ở trên am tự dưng cô nghe những âm thanh kỳ lạ, đã vội lao nhanh xuống. Vừa kịp nhìn thấy Thiên Hương rơi từ mép vực xuống.
Đang chới với bên bờ vực. Thu Hà chỉ còn kịp kêu lên một tiếng thảng thốt, rồi như có ai đó từ phía sau đẩy tới. Toàn thân cô gái tội nghiệp đã rơi theo hai bạn của mình!
Lúc đó trời vừa hoàng hôn. Trên đỉnh Bảo Lộc sương xuống nhiều và trời tối rất nhanh...
Ngay đêm hôm đó khi đang ngon giấc bỗng bà Nguyễn Đình kêu to rồi ngồi bật dậy. Ông cũng dậy theo ngạc nhiên:
- Bà sao vậy?
Sờ tay chân, trán, mặt của vợ đẫm mồ hôi. Ông Nguyễn Đình lo lắng:
- Bà gặp ác mộng?
Người đàn bà thường khi rất đanh đá, giọng sắc lẻm, giờ bỗng òa lên khóc rất thảm hại. Ông Đình phải gắt lên:
- Chuyện gì vậy?
Lúc này bà mới ôm lấy ông, giọng run run:
- Tôi thấy con Hạnh và hai đứa bạn nó nữa, trong đó có con Thu Hà bồ thằng Tuấn, đứa nào người cũng đầy máu, tóc tai rũ rượi. Nó đứng ở đây nè, nhìn tôi mà khóc chứ không nói gì hết...
Ông Nguyễn Đình thở phào:
- Tưởng gì, chứ còn ba cái chuyện mộng mị...
Nhưng bà vẫn không ngưng khóc:
- Vía tôi thấy rõ ràng lắm, con Vân Hạnh như muốn nói gì đó với tôi nhưng chưa kịp thì có ai đó kéo nó đi, nó biến mất. Tôi lo quá, làm sao đây ông?
Bật đèn sáng lên, ông Nguyễn Đình gọi to:
- Như Lan dậy đi sang ba hỏi!
Như Lan còn ngái ngủ, vừa bước sang đã bị mẹ hỏi dồn:
- Con Vân Hạnh đi đâu từ sáng đến giờ?
Như người ở cõi trên. Như Lan lắc đầu:
- Con làm sao biết được...
Cả vợ chồng Nguyễn Đình đều chạy sang phòng riêng của Hạnh. Mở cửa ra chẳng thấy ai, chợt ông bước hẳn lại bàn phấn cầm lên một mẩu giấy nhỏ với những dòng chữ của Hạnh:
“Thưa ba má.
Con bất hiếu đã từ lâu làm ba má mất vui và lo lắng nhiều. Nay con quyết không làm phiền ba má nữa. Con sẽ chọn một nơi thật xa, một nơi không có những phiền toái của cuộc đời, để gởi thân nơi đó. Ba má đừng tìm con bởi con muốn như vậy!
Xin ba má tha thứ cho con…”
Ông buông thõng một câu:
- Nó bỏ nhà đi rồi.
Bà giật lấy lá thư, vừa đọc xong đã chết điếng:
- Không xong rồi! Giấc mơ vừa rồi...
Trong ngày đó chẳng hẹn mà cha mẹ của Thiên Hương và Thu Hà cũng đều chạy qua kể chuyện gần giống như giấc mơ của mẹ Vân Hạnh.
Má Thiên Hương kể:
- Nửa đêm tôi nghe tiếng con Thiên Hương kêu má ơi cứu con, khi tôi mở mắt ra nhìn thấy nó đứng kế bên con Hạnh với một đứa nữa, cả ba máu me đầy người như bị tai nạn xe cộ gì đó...
Ông Nguyễn Đình lúc đó mới hoảng:
- Chiếc xe! Chết rồi, con Hạnh lái xe đi...
Ông gọi mấy tài xế trong nhà hỏi thì ai cũng đáp:
- Đúng là sáng sớm này cô Tư có lái xe đi nhưng cũng tưởng như thường khi cô vẫn đi...
Chị người làm trong nhà thuật lại:
- Khi đi cô Hạnh có biểu tôi lấy cho mấy cái nồi, chảo và ít đồ nấu bếp, cả gạo nữa, tôi hỏi đi đâu thì cô nói đi chơi với mấy người bạn. Mà cũng lạ, từ nào giờ cô Hạnh có quen nấu nướng gì đâu?
Bà Đình phụ họa:
- Khi nấu cơm còn không biết vo gạo làm sao nữa thì đem theo nồi niêu để làm gì. Hay là nó đi xa lâu ngày? Ông Đình gắt:
- Thì nó đã viết trong thư đó, nó đi luôn mà.
- Nhưng đi đâu mới được, mà tại sao có cả Thu Hà nữa?
Đó là sự lên tiếng của Tuấn. Từ cả tháng nay đây là lần đầu tiên anh trở về nhà. Thấy Tuấn, bà mẹ mừng quýnh:
- Tuấn ơi, đi tìm tụi nó đi con!
Tuấn kể:
- Hồi nửa đêm con cũng thấy Thu Hà hiện về, mặt mày giập nát, máu me đầy người. Cô ấy không nói gì chỉ đứng khóc rồi sau đó biến đi...
Chọn lựa mãi, cuối cùng ông Hồng Phát quyết định lấy vùng đất thung lũng dưới chân đèo Bảo Lộc để lập trang trại. Nhiều người hỏi mỉa mai ông:
- Bộ hết chỗ sao ông lại chọn cái lòng chảo như chốn địa ngục này để lập ấp?
Ông Hồng Phát nói riêng với từng người, không để ba cậu con trai nghe:
- Mục đích của tôi là muốn ba thằng phá gia chi tử này sống cách ly với mọi người nên mới chọn nơi đây, chứ đâu phải không biết.
Nhìn ba cậu con trai tuổi sung sức, nhưng xem ra cậu nào cũng yểu điệu như thục nữ, mấy người bạn ngán ngẩm:
- Ba bảy hai mốt ngày là tụi nó bỏ trốn khỏi đây hết, lúc đó ông ở một mình với ma!
Ông Hồng Phát cười gượng:
- Đành phải thử xem sao, chứ hồi năm ngoái tôi đưa tụi nó về Cần Thơ. Vô tận trong chốn khỉ ho cò gáy vậy mà chỉ bốn ngày là chúng bỏ về Sài Gòn hết. Anh biết thằng lớn tên Thanh đó đã phá của tôi hết hai cái xe hơi, một căn phố lầu. Còn thằng Dương, em kế nó thì bán nguyên hai chiếc xe hàng chở cá. Thằng Ngọc là em út tưởng khá hơn, nhưng mới chưa đầy một năm nó đã ăn cắp bằng khoán nhà đem đi cầm cố đến hai lần, tôi phải đi chuộc về thiếu điều tán gia bại sản vì chúng nó.
Rồi ông thở dài, nói tiếp:
- Tất cả tiền của chúng đều đổ vô mấy đứa vũ nữ và sòng bạc Đại Thế Giới, Kim Chung hết.
Một người bạn lắc đầu:
- Đã chứng nào thì rồi vẫn tật nấy thôi. Ông có đưa chúng xuống đây thì rồi cũng có ngày chúng trốn đi thôi.
- Biết vậy, những dù sao thì cũng phải làm. Mà mấy ông nên nhớ, con đường từ trên lộ cái xuống đây chúng ta phải nhờ những người thượng dẫn đường, có lúc còn phải võng đưa đi thì mới vượt qua được mấy con suối, khe sâu vực thẳm. Tôi hy vọng sự hiểm trở này sẽ cầm chân chúng lâu hơn. Đợi cho đến lúc tôi với má nó bán hết tài sản, gom lại vốn rồi về quê làm ăn. Lúc đó chúng nó có về cũng chẳng sao.
Ông Hồng Phát tổ chức cũng khá hợp lý: Ông mướn người phát hoang năm mẫu đất rừng, sau đó cho trồng giống thông ba lá, là loại thông sắp tuyệt chủng ở Đà Lạt. Theo ông, việc trồng thông tuy lâu có huê lợi nhưng lại là cách tốt nhất để buộc chân ba cậu phá gia chi tử. Thanh lớn nhất làm nhiệm vụ cai quản chúng, Dương đã từng học ngành canh nông nên quán xuyến phần kỹ thuật. Riêng cậu út Ngọc thì lo việc điều động nhân công về giờ giấc, công việc, tiền công thì ông trả trực tiếp cho những người thượng ở trong núi để họ giúp việc trồng trọt, chăm sóc rừng, lại trả trước sáu tháng một lần, nên ba cậu con trai hầu như không ai nắm tiền để chi tiêu.
Ông cất một ngôi nhà lớn ở giữa trang trại để ba người cùng ở. Nhưng cả ba đều phản đối, đòi ở riêng. Ngọc nói:
- Con chỉ muốn ở một cái chòi nhỏ cũng được miễn là cái thế giới riêng của con, để con sáng tác thơ văn.
Biết đâu con út của mình có năng khiếu văn chương, nên ông Hồng Phát thuận theo, nhờ người dựng cho Ngọc căn nhà sàn rất xinh ở một góc vườn. Thanh thấy vậy cũng đòi:
- Con và Dương ở chung nhưng nhà có hai cửa cái hướng về hai hướng khác nhau, để mạnh ai nấy ra vào, sinh hoạt riêng tư. Con muốn có thì giờ nghiền ngẫm quá khứ để quên nó đi.
Dương cũng nói:
- Con sẽ tạo một khu vườn ươm riêng để nghiên cứu các loại giống cây trồng. Vậy ba mua về cho con các loại hạt, đủ loại hết.
Thấy các con đều có ý muốn trụ lại như vậy, ông Hồng Phát thấy yên tấm lòng vô cùng. Ông ra về lòng mừng thầm nghĩ rằng, hy vọng lần này kế hoạch của ông sẽ không thất bại.
Ông trở về Sài Gòn thu xếp công việc. Những dự tính như thu gom tài sản, bán nhà... không ngờ diễn ra nhanh hơn dự tính. Chỉ hai tháng sau là xong. Vợ chồng ông chuyển cả về Cái Răng, Cần Thơ lập nghiệp.
Ba tháng sau ông trở lên Bảo Lộc. Phải mất cả nửa ngày ông mới tới được trang trại. Và việc thấy đủ mặt cả ba cậu con trai làm ông vui sướng khôn tả. Nhất là tất cả họ lại trong trạng thái khỏe mạnh, vui vẻ, yêu đời hơn sự tưởng tượng của ông.
Ngọc mau mồm mau miệng nhất trong ba anh em, đã lên tiếng ngay:
- Ba khỏi lo gì nữa cho tụi con. Anh Dương đã gieo được lúa để có gạo ăn, ảnh còn trồng được nhiều rau, trái mà không đợi giống của ba đem lên. Tất cả đều do có người mang tặng. Còn anh Thanh thì ngày nào cũng đi vào núi để tìm thông giống và săn bắn, đồ ăn thừa, có thể bán nữa! Còn con thì… viết được gần nửa cuốn tiểu thuyết khi nào xong sẽ nhờ ba đem về Sài Gòn in.
Ngạc nhiên về chuyện đó, ông thử hỏi:
- Không đứa nào muốn bỏ về Sài Gòn sao?
Cả ba đều dứt khoát:
- Tụi con sẽ ở luôn nơi đây. Mà không chừng... cưới vợ sinh con nữa!
Nghe như chuyện cổ tích, ông Hồng Phát cười ngất tỏ vẻ không tin. Thanh xác nhận y như thật:
- Tụi con sẽ cưới vợ ở đây!
Ở lại trang trại ba ngày, ông Hồng Phát âm thầm tìm hiểu xem có phải ba đứa con mình đã tìm gặp các cô gái trong vùng núi này và kết họ? Nhưng ông chỉ mất công vô ích. Vùng vực sâu hẻo lánh này chỉ những người Thượng bản khai sinh sống, còn cô gái trẻ thì cô nào cũng mình trần, da mốc thâm sì và hầu như không bao giờ chịu tới gần người Kinh. Dứt khoát họ không phải là đối tượng của ba đứa con ông.
Cuối cùng ông cũng tìm ra một kết luận cho riêng mình: các con ông đã thích nghi với công việc và đã thật sự hồi tâm biết suy nghĩ, biết lo tu thân...
Khi ra về ông vui lắm...
oOo
Miếu Ba Cô 4
Nhưng chắc chắn có một điều mà người cha tội nghiệp kia không bao giờ biết: Đó là cả ba đều đã thật sự có... người tình!
Bắt đầu chuyện của Ngọc, cậu út mê văn chương, tâm hồn lãng mạn...
Hôm đó vào giữa tháng, trăng tròn và sáng vằng vặc soi khắp khu thung lũng, đẹp như một bức tranh thủy mặc. Ngồi từ trong phòng trên nhà sàn nhìn ra, Ngọc bất giác buột miệng ngâm mấy câu thơ tình.
Chợt có người cất ngang dòng thi hứng của anh:
- Đúng là thi sĩ đa tình!
Giật mình, Ngọc quay lại nhìn và vô cùng sửng sốt khi thấy đứng giữa phòng riêng của mình là một cô gái mặc bộ quần áo lụa màu hồng đẹp như tiên nga!
- Cô… cô là…?
Thấy Ngọc lúng túng, cô gái tiến lại gần hơn và nhoẻn miệng cười đến đất trời cũng nghiêng ngả đắm say:
- Khách vào nhà mà chẳng mời ngồi sao?
Bấy giờ Ngọc mới ấp úng:
- Cô làm sao cô... vô phòng được, khi cửa phòng tôi đã cài then?
Quả nhiên cửa ra vào vẫn còn cài then bên trong. Cô gái lại giữ nguyên nụ cười:
- Chỉ vì như vậy mà tôi không được cho phép ngồi phải không?
Ngọc đành phải đứng lên nhường chiếc ghế duy nhất cho cô nàng ngồi, nhưng cô gái đã chủ động ngồi ngay lên giường ngủ vừa nũng nịu nói:
- Mệt muốn đứt hơi, lại bị lạnh nữa, phải chi được phép nằm nghỉ một lát có lẽ thích lắm đây.
Vừa nói cô nàng vừa ngả ra nằm tỉnh bơ như người quen thân. Ngọc càng khó xử hơn:
- Cô… cô là… cô là…
Cô gái mắt nhắm nghiền, giọng buồn ngủ thật sự:
- Người ta bị lạnh cả đêm, có thể là bị cảm lạnh rồi cũng nên...
Rồi cô ta thả hồn vào giấc điệp. Ngọc chẳng có cách nào khác, đành ngồi đó nhìn vị khách không mời. Lúc này anh chàng càng thẫn thờ, xao xuyến mãnh liệt hơn trước sắc đẹp phi thường của cô gái đang ngủ. Tưởng chừng như đây không phải là thực tế, mà là một giấc mơ nào đó... cho đến khi cô nàng lên tiếng mà mắt vẫn nhắm nghiền:
- Người ta sắp chết rồi sao nhẫn tâm không cứu vậy?
Như có sự thúc giục vô hình nào đó, Ngọc bước tới đưa tay sờ lên trán cô gái và định đi tìm thuốc cảm. Chợt cô gái đưa tay nắm chặt lấy tay Ngọc, giục giã:
- Hãy cạo gió giúp đi. Nhanh lên!
Ngọc nghe theo như cái máy. Anh hơi gượng khi kéo áo cô gái lên để thoa dầu, nhưng cô gái không e thẹn gì, còn rướn người lên để cho Ngọc dễ kéo áo lên. Phần da thịt cô ta hiện ra trước mắt trắng muốt, làm cho Ngọc như hoa mắt, mặt nóng ran, trống ngực đánh liên hồi...
Cạo xong phần lưng, tự động cô gái xoay lại phần ngực. Thấy Ngọc còn đang do dự, cô nàng giọng yếu ớt giục:
- Cạo luôn ngực nữa mới đỡ.
Ngọc làm theo và gần như lúc đó những ngón tay anh không còn do mình tự điều khiển nữa. Cứ nhìn vào bộ ngực phập phồng lên xuống hai mắt Ngọc lúc mờ, lúc tỏ hơi thở cũng phập phồng theo.
Đến một lúc tự dưng cô gái kêu lên:
- Em lạnh quá, lạnh đến chết mất!
Ngọc bừng tỉnh, đưa tay sờ vào da thịt cô nàng thì bất giác kêu lên:
- Lạnh như băng! Trời ơi...
Cô nàng vẫn nói:
- Không còn cách nào khác nữa. Phải nằm đè lên người em thì mới cứu được em thôi. Em chết mất, trời ơi!
Tiếng kêu của nàng như mũi kim xuyên con tim Ngọc, anh không còn tự chủ nữa, nhanh nhẹn leo lên nằm úp thân lên người cô gái.
Và cứ thế...
Lát sau Ngọc có cảm giác là toàn thân cô nàng đã ấm trở lại. Hơi thở cô ta đều hơn. Nhưng phần Ngọc thì từ từ chìm vào giấc ngủ sâu...
Ngọn đèn dầu đã cháy hết tim, từ từ tắt lịm...
Chuyện của Thanh thì bắt đầu từ một buổi trưa. Lúc đó Thanh đang nghỉ chân bên bờ suối sau một buổi sáng lội bộ đi gần khắp cánh rừng tìm cây giống. Không tìm được cây, Thanh quay sang săn bắn, công việc mà gần như ngày nào anh cũng làm. Nhưng thật không may, hôm nay Thanh bắn đến gần hai chục mũi tên mà chẳng làm bị thương một con thỏ. Chán nản Thanh đã ngồi nghỉ, rồi gió mát làm anh thiếp đi lúc nào không hay...
Chợt có tiếng ai rên gần đâu dó khiến Thanh choàng tỉnh. Trước mắt anh là một cô gái người Kinh tuổi chưa đến 20, đang ngã quỵ trên thảm cỏ xanh, máu ở một bên vai cô chảy ướt cả áo.
Chẳng thể nhận thức được là đang tỉnh hay mơ. Thanh lên tiếng:
- Cô bị sao vậy?
Đáp lại câu hỏi của Thanh chỉ là những tiếng rên yếu ớt. Xem chừng cô gái đã quá kiệt sức rồi, nên Thanh bước nhanh tới định đỡ nàng ta lên. Tuy nhiên, khi vừa chạm vàoThanh đã phải kêu lên:
- Cô lạnh quá! chắc là...
Thanh nhanh tay bế xốc cô gái lên định đưa về nhà mình. Nhưng vừa lúc ấy một cơn mưa to ập đến, nên dù không muốn Thanh cũng phải bế cô nàng đi ngược theo dòng suối, nơi anh nhớ rõ có một túp lều bỏ hoang của những thợ đốn gỗ.
Căn lều tuy đã cũ, cũng đã lâu không có người ở, tuy nhiên nó vẫn còn kín đáo, đủ sức che mưa. Đặt cô gái xuống, bấy giờ Thanh mới nhìn kỹ, cô ta đẹp như một cô gái thành thị, cách ăn mặc thì đúng là một người từ thành phố tới. Đã lâu lắm rồi không được nhìn thấy nhan sắc như thế này nên Thanh cứ ngồi nhìn mê mẩn, quên cả việc cứu chữa vết thương cho cô ta.
Mãi đến khi cô gái tỉnh lại, rên mấy tiếng nhỏ thì Thanh mới chợt giật mình, anh chạy ra ngoài tìm nhúm lá cây mà những người dân thiểu số quanh vùng chỉ dẫn dùng để trị thương, đem trở vô tìm cách kéo vai áo ra để đắp thuốc. Nhưng loay hoay mãi mà chẳng làm sao kéo được tay áo quá chật. Đột nhiên Thanh thấy người con gái đưa tay lên cởi nút áo và tuột nhanh cả phần trên, để lộ ra phần vai bị thương. Một vết thương khá sâu. Nhúm lá được đắp vào có hiệu quả tức thì, máu không còn chảy nữa. Lúc này cô gái cũng đã tỉnh lần. Cô lấy một mũi tên còn dính máu, đưa cho Thanh xem:
- Ai đâu mà quá ác độc, bắn em mũi tên này, may mà chưa chết…
Thanh giật mình khi nhận ra đó là mũi tên của mình. Anh lẩm bẩm:
- Lúc nãy mình bắn trúng con thỏ mà?
Cô gái nghe được giương mắt nhìn Thanh:
- Anh đã bắn?
Thanh càng lúng túng hơn:
- Tôi... tôi bắn con thỏ. Bắn trúng nó rõ ràng...
Lại một tiếng rên đau đớn. Cô gái dường như quá đau nên chụp cả hai tay vào người Thanh bóp mạnh. Dù rất đau nhưng Thanh cố chịu dựng và anh hơi yên tâm vì lúc ấy hai bàn tay cô gái đã không còn lạnh buốt như lúc nãy.
- Suýt giết người mà chỉ đắp chút thuốc là xong sao?
Thanh gỡ tay cô nàng ra, nhưng cô ta vẫn cố bấu chặt như cố tình giữ anh lại, lúc này Thanh mới pha trò được một câu:
- Tôi không bỏ đi đâu, đừng lo!
Vòng tay không còn bấu đau nữa mà là ôm nhẹ nhàng, rất dễ chịu. Thanh thầm mong cô ta cứ giữ yên như vậy...
- Anh là người Đà Lạt xuống đây đi săn?
- Không, tôi ngụ ở đây. Ở trang trại đàng kia. Còn cô? Sao lại lạc tới chỗ thâm sơn cùng cốc này?
- Tôi ở Sài Gòn, lên đây đi săn cùng bố tôi sáng nay và bị lạc và bị nạn. Giờ chẳng biết bố tôi ở đâu rồi?
Bấy giờ giữa họ đã có vẻ thân tình hơn, Thanh hỏi:
- Cô tên gì?
- Diệu Anh.
- Tôi là Thanh, anh cả của nhóm ba anh em độc thân ở trang trại này.
Giờ cô gái mới cười. Cô ta bật dậy như chưa hề bị thương và còn cười đùa:
- Tôi chỉ một mình mà đến ba hàng độc thân. Vậy biết chọn ai bỏ ai?
Thanh dang rộng hai vai như khoe thân hình to khỏe của mình:
- Như vầy chắc không đến nỗi tệ?
- Cái đó còn tùy...
Cơn mưa bên ngoài đã dứt. Cô gái có vẻ lo lắng:
- Bây giờ mới gay, chẳng biết làm thế nào để trở về Đà Lạt!
Thanh nhìn mặt trời thấy còn sớm, nên bảo:
- Tôi cũng chỉ mới lên xứ này chưa lâu nên không rành đường rừng núi quanh đây. Vậy cô nên ở lại, chờ vài bữa xem người nhà cô có trở lại tìm hay không. Còn nếu không thì tôi sẽ thuê người Thượng đưa cô đi...
Cô ta le lưỡi rùng vai:
- Ở lại nơi cái chòi này?
Thanh cười:
- Ai lại thế. Trang trại tôi có đủ tiện nghi, nếu cô Diệu Anh không ngại ba chàng độc thân thì về đó tạm mấy hôm, vừa điều trị thêm vết thương.
Từ phút ấy đúng là phút giây định mệnh của Thanh...
Dương dậy thật sớm, anh dặn hai anh em còn ở nhà:
- Tôi ra rừng, vô bản người Thượng để tìm giống cây và nghiên cứu thổ nhưỡng, lúc nào xong mới về.
Anh chàng nói vọng vào cho Thanh và Ngọc nghe chứ thật ra từ cả tuần rồi chưa hề thấy họ thức sớm như trước đây. Cứ đóng cửa phòng ở miết trong đó...
Anh còn nghe Ngọc nói vọng ra từ nhà sàn:
- Đã bảo rồi, đừng gọi mà.
Dương không đi sâu vào rừng mà đi ngược lại về phía thung lũng gần con đường đèo Bảo Lộc. Nơi đó có dòng suối chảy qua, nước quanh năm mát rượi, mà thường khi nếu không gấp gáp chuyện gì Dương vẫn thường hay đắm mình dưới dòng nước mát đó hàng giờ liền.
Buổi sáng hôm đó trời khá đẹp, ánh nắng rọi xuyên qua cành lá xuống mặt nước trong xanh, cộng với tiếng róc rách làm thành một âm thanh và cảnh sắc mà bất cứ ai nhìn thấy cũng phải rung động bồi hồi. Dương cảm thấy trong người uể oải nên thay vì đi tìm cây thuốc trước, anh lại nẩy ra ý nghĩ sẽ tắm suối một chặp để thư giãn.
Dòng nước mát quả có tác dụng rất tốt, chỉ ngâm mình vài phút Dương đã cảm giác thư thái, cứ muốn nhắm mắt ngủ một giấc. Do đã khá quen với đoạn suối này nên Dương ôm một gốc cây trôi giữa dòng rồi cứ thế thả mình lềnh bềnh theo nước trôi mà không cần quan sát hai bên bờ suối.
Chợt đến một đoạn nước nông. Dương cảm giác như va chạm một vật gì đó khác thường, anh nhìn lại kêu lên:
- Một người!
Quả là một người đang nằm vắt ngang thân thể nửa trên bờ nửa dưới suối. Lại là một phụ nữ!
Dương nhìn thấy dòng máu từ thái dương cô gái thì hốt hoảng gọi to:
- Cô ơi, có sao không?
Cô gái im lặng, nhưng nhìn hơi thở nhấp nhô ở ngực áo Dương hiểu là cô ta còn sống. Không chậm một giây. Dương bế xốc cô nàng lên và chuyển lên bờ, tìm một chỗ bằng phẳng đặt xuống. Việc đầu tiên là xé vạt áo lau khô chỗ vết thương ở thái dương và băng lại để cầm máu.
Khoảng năm phút sau cô gái tỉnh lại, nhìn thấy Dương, cô hoảng hốt bật dậy ngay:
- Ông là...
Dương cố tạo vẻ thân thiện:
- Tôi ở trang trại gần đây, vừa rồi nhân đi tắm suối thì gặp cô bị nạn.
Cô gái chưa hết vẻ sợ hãi, hai tay ôm ngực, mắt nhìn láu liên khắp nơi như sợ có ai theo đuổi. Dương phải trấn an:
- Nơi này ngoài cô và tôi ra thì không có một ai khác. Người ta gọi đây là thế giới khác mà.
Cô gái vẫn chưa yên tâm:
- Họ rượt đuổi theo tôi, họ sẽ bắt tôi lại, tôi...
- Họ là ai?
Cô gái im lặng hồi lâu mới kể lại chuyện:
- Tôi bị gia đình ép gả cho một tên nhà giàu lớn tuổi hơn cha mình. Ông ta mang tôi lên Đà Lạt, đi ngang qua đèo tôi lợi dụng xin đi tiểu và lao xuống vực.
Dương kêu lên:
- Sao cô dại vậy, cô có biết là mình đồng xương sắt mà rơi xuống đây cũng nát tan ra, nói chi con người.
Nhìn một lượt khắp người cô gái. Dương hỏi:
- Cô xem còn bị thương ở đâu nữa không?
Cô gái thử cử động chân tay rồi lắc đầu:
- Không sao cả. Có lẽ lúc sáng này tôi đã rơi lên một tàng cây rồi sau đó rơi xuống dòng suối sâu...
Dương chép niệng:
- May quá cho cô. Đúng rồi, ở cách đây vài trăm mét thượng nguồn của dòng suối này, nơi đó rất sâu, nước từ đó đổ về đây. Có lẽ cô đã rơi và trôi từ đó xuống tấp vô chỗ này...
Thấy cô nàng thương tích không nặng lắm nên Dương gợi ý:
- Thương tích của cô không biết thế nào hay là tôi đưa cô về trang trại nghỉ tạm, đợi người nhà cô tới tìm...
Cô gái cắt ngang:
- Không bao giờ! Nếu họ tới tìm thì tôi thà đi luôn vô rừng sâu cho hổ beo ăn thịt còn dễ chịu hơn.
Dương đưa tay cho cô ta nắm và đứng dậy:
- Cô đi được chứ?
Thử bước tới, chợt cô nhăn mặt có vẻ đau. Dương phải cúi người xuống bảo:
- Cô không thể đi được rồi, hãy lên lưng tôi cõng cho. Đừng ngại.
Mà cô gái chẳng chút ngại ngùng, bám trên lưng Dương một cách tự nhiên. Con đường từ suối về nhà ngót gần cây số lại gập ghềnh khó đi, nhưng sao cõng thêm một cô gái trên lưng mà Dương vẫn không hề thấy mệt. Anh thầm nghĩ và cười một mình...
Vì không muốn để Thanh và Ngọc nhìn thấy, nên Dương đưa ngay cô về phòng riêng. Và để cho cô gái an tâm. Dương bảo:
- Đây là nhà riêng của ba anh em chúng tôi. Mỗi người một thế giới riêng, chẳng ai phạm vào ai. Họ cũng chẳng thắc mắc gì việc có người lạ. Cô sẽ nghỉ trên giường kia, còn tôi sẽ ngủ ngoài hàng ba này, chỗ này đêm đêm tôi vẫn nằm đọc sách và ngủ quên nhiều lần.
- Nhưng...
- Cô đừng ngại, tôi chưa bao giờ làm điều gì xằng bậy với ai. Nhất là hiện tại tôi đang… tu tâm.
Nếu tinh ý Dương sẽ thấy cô gái quay đi chỗ khác và mỉm cười.
Dương thường khi rất ít nói, lầm lì nhất trong số ba anh em, vậy mà hôm nay anh ta lại hoạt bát lên hẳn. Vừa lăng xăng lo dọn dẹp phòng, chuẩn bị che chắn chung quanh giường ngủ vừa giải thích:
- Tuy đây là phòng riêng, nhưng còn có tôi nên cô cần phải riêng biệt hơn. Trong phòng này có đủ tiện nghi cả, nào phòng tắm, phòng vệ sinh và cả bếp riêng. Hai anh em khác của tôi cũng có thế giới như thế này nên mạnh ai nấy lo, không bao giờ họ sang đây. Nếu lỡ có gặp họ ngoài sân thì cô cứ nói là... bạn ở Sài Gòn lên. Mà cô quý danh là gì, tôi biết được chứ?
- Thu Nga.
- Tôi là Dương.
Đêm hôm đó lần đầu tiên trong phòng ngủ của Dương có mặt một người con gái. Đầu hôm Dương nằm ngủ ở hàng hiên, nhưng từ nửa đêm về sáng thì chẳng còn thấy bóng dáng anh chàng ở bên ngoài nữa...
oOo
Miếu Ba Cô 5
Một tháng sau, ông Hồng Phát lại trở lên trang trại. Nhưng thay vì được những người thiểu số ở vùng núi đưa vượt rừng vượt thác, thì lần này ông Hồng Phát phải vô cùng khổ sở mò mẫm đi một mình đến gần nửa đoạn đường. Nguyên là bởi chẳng làm sao tìm được bóng dáng ai để mà nhờ. Tìm đến nhà cửa họ thì vắng tanh, kể cả nương rẫy của họ cũng không có người, kể cả người già và trẻ con cũng đi đâu mất cả.
Phải đến khi trời đứng bóng, lúc mà đôi chân ông Hồng Phát đã rã rời và đầy vết trầy xước thì ông mới gặp được một già làng. Người này đã khá quen mặt, những lần trước đã từng đưa cha con ông Hồng Phát vào trang trại. Hỏi về sự vắng mặt khó hiểu của mọi người ở phía ngoài kia, già A Dúp giọng đầy lo lắng:
- Họ đã bỏ làng chỉ bởi... sợ ma!
Thấy chuyện lạ ông Hồng Phát hỏi tới:
- Có chuyện như vậy sao?
Già Dúp kể:
- Cách đây gần nửa lần trăng tròn thì xảy ra chuyện hai thanh niên đi săn đã bị chết giữa rừng, mà người nào cũng bị moi ruột gan ra!
- Ai đã làm chuyện đó?
Già Dúp đưa hai tay lên trời:
- Chỉ có Giàng mới biết.
- Mấy con ma đó ở đâu mà ra? Sao mấy lần trước tôi lên lại không nghe nói.
Nhìn vào ông Hồng Phát với vẻ hơi lạ và mãi một lúc già Dúp mới nói tiếp:
- Nó ở chỗ mấy thằng con của ông!
- Cái gì? Tại sao là các con tôi?
Gà Dúp móc trong lưng ra một chiếc lắc đeo tay bằng bạc có khắc mấy chữ Thanh - Dương - Ngọc và nói:
- Có phải của con ông không?
Cầm vật chứng trên tay, ông Hồng Phát gật đầu xác nhận:
- Đúng là của con tôi rồi. Cả ba đứa, mỗi đứa đều đeo chiếc lắc giống như vầy từ nhỏ. Nhưng ông lấy ở đâu ra?
Kéo ông Phát tới một gốc cây to, già Dúp chỉ về phía trước và nói:
- Đêm nào người làng tôi cũng nhìn thấy ba cái bóng trắng xõa tóc dài chạy lướt trên mặt cỏ từ trong trại của ông ra ngoài. Chúng đi vào các làng của chúng tôi và phá phách. Hễ đàn ông nào vô phước đi ra ngoài thì đều gặp nguy. Chính tôi đã liều bám theo chúng mấy đêm liền... cho đến cái đêm mà hai thằng con trai nhà bà Hơnen bị hại thì tôi nhặt được chiếc vòng này bỏ lại chỗ đó.
Không thể tin được những điều vừa nghe, ông Phát xua tay:
- Không thể nào như thế. Các con tôi ở với nhau, làm gì có con gái nào vô đó? Hay là ma rừng ma xó gì đó trong bản làng của các ông?
Già Dúp giận dữ:
- Ma của người chúng tôi không ác độc như vậy! Và ma của chúng tôi không mặc đồ trắng, xõa tóc dài như ma của người Kinh các ông.
Nghĩ nếu có hỏi thêm chỉ rối trí, ông Hồng Phát nhờ già Dúp đưa mình vào trang tại. Nhưng già Dúp chỉ hứa:
- Tôi chỉ đưa ông vô tới đầu thung lũng thôi, tôi không vô trang trại ông nữa.
Mặt trời hơi ngả về Tây thì họ tới nơi. Ông Phát một mình vô trang trại và cũng hơi ngạc nhiên bởi sự vắng lặng khác thường nơi đây. Thấy cửa nhà của Thanh và Dương đều khóa chặt ông đi sang nhà sàn của Ngọc thì cũng thấy cửa đóng, tuy không khóa ngoài nhưng dường như không có Ngọc ở nhà.
Ông cất tiếng gọi đến lần thứ ba vẫn không nghe trả lời, nghĩ có lẽ các con ông đã ra rừng nên ông Phát bước tháo lui. Chợt có một thứ âm thanh nghe là lạ phát ra từ trong nhà. Giống giọng của Ngọc?
Hoảng hốt, ông Phát bước lên thang chạy tới đẩy cửa vào. Trước mắt ông một cảnh tượng hãi hùng: Ngọc nằm trên sàn nhà, người trần truồng, còn trên cổ thì hai dòng máu chảy ra đã đông đặc lại.
Đưa tay sờ mũi thấy Ngọc vẫn còn thở. Ông Phát hét to lên:
- Thanh ơi! Dương ơi! Sang đây.
Mặc cho ông kêu gào, chẳng thấy bóng dáng Thanh, Dương đâu. Linh tính điều không lành. Ông Phát chạy sang tông cửa phòng họ và một lần nữa ông kinh hãi khi thấy cả hai nằm thiêm thiếp trên gường, người gầy rạc.
Phải mất cả giờ gào thét khản cả cổ, cuối cùng ông Phát mới thấy già Dúp xuất hiện cùng một số dân bản. Già Dúp nhìn ba chàng trai trong tình trạng đó, đã có nhận xét:
- Họ bị ma quỷ hại rồi. Đích thị là ba cái bóng ma áo trắng đó chứ chẳng ai vô đây.
Nhìn kỹ trên gối ở cả ba phòng ngủ của ba chàng trai đều còn vương lại nhiều sợi tóc phụ nữ dài và đen. Nhưng khi đưa lên mũi ngửi thì già Dúp cảm thấy mùi tanh rất khó chịu. Ông già kêu lên:
- Mùi này giống như mùi xác chết!
Ông Hồng Phát cũng có cảm nhận như vậy. Nhưng vì quá lo cho sự an nguy của các con nên ông giục mọi người:
- Kệ những sợi tóc đi, hãy giúp tôi đưa các con tôi đi cứu chữa giùm, tôi lạy các ông.
Già Dúp tỏ ra khá rành chuyện tà ma, ông nói:
- Bị chuyện này có chở đi nhà thương cũng vô ích. Để tôi chữa cho.
Ông đích thân đi ra rừng, hơn nửa giờ sau trở vô với một nhúm cỏ và nắm lá trên tay. Ông bảo mọi người:
- Trong lúc tôi đổ thuốc cho họ thì ai đó hãy giúp tôi nấu ba con gà, lấy nước cất cho họ uống khi tỉnh lại.
Phương pháp chữa bệnh ấy tỏ ra có hiệu quả. Khoảng vài giờ sau thì cả ba đều tỉnh lại. Trong số đó có Ngọc là yếu hơn và tỏ ra vẫn còn kinh hoàng khi nhìn thấy mọi người. Anh kêu thét lên từng chặp:
- Đừng! Đừng hút máu tôi!
Riêng Thanh và Dương thì cứ mở mắt ra rồi lại nhắm nghiền lại, ai thính tai lắm thì mới nghe họ gọi rất khẽ trong miệng:
- Đừng đi, Thu Nga. Đừng đi...
- Diệu Anh, anh muốn chết cùng em, chờ anh với!
Ông Hồng Phát cũng muốn phát điên với ba đứa con của mình. Ông bất lực nhìn họ như nửa sống nửa chết, như điên như dại mà thở dài...
Già Dúp và đám dân bản lần lượt ra về. Trước khi đi già Dúp còn nói với lại:
- Nơi này không ở được đâu, hãy đốt trại mà đi đi!
Không trả lời, nhưng trong ý nghĩ của ông Hồng Phát cũng đã tính tới điều tương tự như vậy...
Trên đường lên Đà Lạt, không lần nào Thái gặp rắc rối như lần này chuyến xe đò anh đi đang chạy bon bon từ Sài Gòn lên một cách ngon lành, bỗng dở chứng khi lên đến giữa đèo Bảo Lộc. Chính bác tài xế cũng ngạc nhiên càu nhàu:
- Chiếc xe mới làm lại máy, nó chạy hai chuyến rồi đâu có triệu chứng hư hỏng gì...
Bác tài xuống xe, dở nắp capô kiểm tra máy thấy không có gì bất thường, lại leo lên xe nổ máy thử. Xe nổ máy ngon lành! Lúc đó Thái và hành khách đang xuống nghỉ chân, được kêu gọi trở lên xe đi tiếp. Thái bước lên sau cùng...
Tuy nhiên điều lạ đã xảy ra: lúc Thái vừa lên xe thì máy đang nổ bỗng tắt. Bác tài đề lại thì vẫn không chạy. Lại yêu cầu xuống xe tránh cho xe tuột dốc và Thái là khách đầu tiên bước xuống. Lạ thay khi Thái vừa đặt chân xuống đất thì tự nhiên máy xe lại nổ! Thái bực dọc bước trở lên và... máy xe lại trở chứng!
Việc này lặp lại đến lần thứ tư. Đến Thái cũng ngạc nhiên, anh thử không lên xe lần sau cùng và bảo tài xế.
- Anh thử tắt máy rồi đề lại xem sao?
Tắt, mở máy một cách dễ dàng như chẳng có gì xảy ra. Nhưng hễ Thái bước lên là máy lại cứ ì ra đó, làm cách nào cũng không hoạt động. Cuối cùng một vị khách lớn tuổi phải có ý kiến:
- Hình như cậu này quá nặng bóng vía!
Một người khác cũng góp vào:
- Thường mấy người nặng vía đi xe hay gặp trục trặc lắm.
Thái phát cáu lên:
- Làm sao biết nặng hay nhẹ? Tôi đi xe cũng trả tiền như mọi người và đã đi hơn chục năm nay trên con đường này mà có gặp gì đâu?
Đến lần thứ sáu vẫn còn rắc rối, đợi đến khi Thái bước xuống xe, bác tài xế phải lên tiếng năn nỉ Thái:
- Cậu làm ơn giúp mọi người đi về nhà sớm. Tôi trả tiền xe lại cho cậu, lát nữa còn mấy chuyến xe nữa lên cậu đi giùm…
Một hành khách ngồi gần Thái đã chủ động chuyển chiếc túi xách của anh xuống như một thái độ dứt khoát đuổi vị hành khách xúi quẩy xuống cho rồi!
Dù muốn phản đối, nhưng trước tình thế đó Thái đành phải chấp nhận, Anh ngán ngẫm đứng một lúc rồi lê bước từ từ lên đỉnh đèo, hy vọng đón được chuyến xe khác để về nhà nghỉ ngơi.
Đi chưa được trăm mét bỗng một cơn mưa như trút nước đổ xuống. Mưa trên vùng cao là vậy, chợt đến không đoán trước được.
Nhìn quanh tìm một nơi khả dĩ có thể đứng trú mưa, chợt Thái nhìn lên phía núi và thấy một cái miếu. Không chút lưỡng lự, Thái cố leo lên các bậc đá thật nhanh để lên đó. Anh nghĩ, dù sao vẫn tốt hơn đứng chịu trận giữa đèo trơ trọi như thế này.
Lên đến nơi thì đôi chân Thái đã mỏi nhừ, anh thấy cửa miếu không đóng nên bước luôn vào. Bên trong tối om, thoạt nhìn không thấy gì...
Mùi ẩm mốc xông lên mũi đến khó chịu, nhưng Thái vẫn cố chịu, bởi giờ phút này ngoài nơi đây thì không còn nơi nào khác để trú mưa.
Ngồi khoảng mười lăm phút thì mắt đã quen với bóng tối. Thái đảo mắt một lượt. Không có bệ thờ, cũng không tượng hay bất cứ vật gì thường thấy của một ngôi miếu. Ngoại trừ...
Thái chú ý đến mấy vật gì đó như túi xách đang đặt dưới sàn còn ngổn ngang.
- Như vậy là có người ở?
Sẵn bao diêm trong túi, Thái vừa bật lên vừa lên tiếng:
- Có ai trong miếu không, tôi xin tá túc...
Chẳng có ai đáp. Khi đó Thái đã nhìn rõ có ba chiếc túi xách và một bao căng đầy những vật gì đó bên trong...
Đưa tay chạm vào thì thấy bụi đã bám, chứng tỏ chúng đã được để ở đó khá lâu.
Chợt anh kêu lên:
- Cái này...
Một trong ba túi xách gây sự chú ý của Thái. Anh bước tới cầm lên và thấy rõ cái thẻ nhỏ ghi mấy chữ Thiên Hương trên đó.
- Của Thiên Hương!
Thái không thể lầm được, chính anh cùng Hương đã đi mua chiếc túi này tại chợ Đà Lạt khi Thiên Hương còn học nội trú trên đó. Đánh bạo mở túi ra, rõ ràng đều là quần áo của Hương. Thái kêu lên thảng thốt:
- Thiên Hương, em ở đây mà! Hương ơi!
Trời đang mưa, sấm rền vậy mà tiếng gọi to của Thái vẫn vang ra bên ngoài. Anh gọi đến hơn mười lần đến khàn cả cổ mà vẫn chẳng ai đáp lại. Thái như điên cuồng thoát chạy ra ngoài bất chấp gió mưa. Vừa chạy vừa gào thét, gọi tên Thiên Hương. Như anh đã gọi trong tuyệt vọng từ sáu tháng trước, khi hay tin Hương mất tích.
Cho đến khi cơn mưa dần tạnh thì Thái cũng lả người đi, anh quỵ ngã ngay trước cửa miếu.
oOo
Miếu Ba Cô 6
Chuyến xe chót lên Đà Lạt vù chạy, bỏ lại hai hành khách vừa mới xuống xe trước đó mười lăm phút khi xe bị hỏng máy.
Tuấn bực tức nói:
- Họ đổ thừa tại mình mà xe chết máy trên đèo và lợi dụng lúc mình đi vệ sinh đã bỏ chạy, quân khốn kiếp!
Phú bình tĩnh hơn, chỉ chép miệng than:
- Từ đây về tới thị trấn Bảo Lộc cũng mất cả năm bảy cây số, biết đi làm sao đây?
Tuấn vẫn còn ấm ức vì bị vu cho là người nặng bóng vía, anh đấm đấm tay lên trời:
- Xe họ hư máy là tại xe cũ, chứ sao lại đổ thừa mình chứ!
Phú nhớ lại và bất giác nói:
- Mà kể cũng lạ thật, tại sao mỗi lần hai người mình bước lên xe thì máy lại không nổ nữa. Hễ mình bước xuống thì máy lại nổ? Họ đã thử đến hơn chục lần chứ bộ... Anh có thấy kỳ không anh Tuấn?
- Ờ thì cũng kỳ... nhưng mình không tin chuyện dị đoan bậy bạ đó.
Phú cười như mếu:
- Nhưng cánh tài xế họ tin và cả các hành khách họ cũng nghĩ như vậy mới chết mình!
Tuấn nhìn đồng hồ tay và càng lo thêm:
- Đã hơn năm giờ rồi, làm sao về Đà Lạt đây? Thái chờ trên đó chắc là lo lắm đây, mình đã hẹn Thái chắc chắn là bọn mình sẽ cùng gặp ở nhà Thủy Tạ mà...
Nghe nhắc đến Thái. Phú hỏi:
- Mình chưa biết mặt Thái, nhưng nghe anh Tuấn nói thì Thái tội Iắm phải không?
Tuấn thở dài:
- Kề từ khi Thiên Hương mất tích cùng với Vân Hạnh và Thu Hà, thì Thái gần như điên như dại, bỏ cả học hành, cứ đi lang thang khắp chốn để tìm. Mình và cậu tuy cũng đau khổ nhưng vẫn còn bình tĩnh hơn nó...
Phú nghe nhói trong tim khi nghe Tuấn nhắc lại chuyện đau lòng. Anh cúi gầm mặt không nói gì... mãi hồi lâu anh mới bảo Tuấn:
- Cám ơn anh Tuấn đã lặn lội lên tận vườn trà cho em hay chuyện Vân Hạnh. Nếu không chắc là còn lâu lắm, em vẫn đinh ninh Hạnh vẫn còn ở nhà.
Tuy cơn mưa vừa ngớt nhưng gió vẫn thổi mạnh và lạnh hơn. Phú có kinh nghiệm sống ở vùng này hơn, nên bảo:
- Trời này sẽ còn mưa nữa đây, mà mưa lớn nữa. Mình liệu mà tìm chỗ trú mưa, kẻo...
Chợt Phú kêu lên:
- Ở trên kia có cái gì giống như nhà!
Tuấn nhìn theo thì cũng nhận ra lờ mờ một ngôi miếu, anh chán nản:
- Chỉ là một ngôi miếu hoang, mình từng nhìn thấy mỗi lần đi qua đây.
Nhưng Phú vẫn tỏ ra quan tâm:
- Một ngôi miếu lúc này có vẫn hơn không. Mình lên đó trú mưa đi. Tuấn không hề muốn, nhưng lúc này chẳng còn cách nào hơn nên sau vài giây do dự, anh gật đầu:
- Được rồi, mình cứ lên trên đó khi nào nhìn thấy có ánh đèn xe đi lên thì mình chạy xuống chặn họ lại quá giang.
Trời không còn sáng nữa, nên việc leo lên dốc có hơi vất vả. Phải hơn năm phút sau họ mới lên tới gần ngôi miếu, Tuấn đi trước, chợt anh khựng lại nhìn thấy có vật gì đó trước cửa miếu, anh kêu lên:
- Có người kìa!
Rõ ràng có người nằm sóng soài trước cửa miếu. Phú nhanh chân hơn, bước tới cúi xuống và reo lên:
- Anh ta còn thở anh Tuấn ơi!
Tuấn bước đến sát hơn và lần này đến lượt anh kêu lên:
- Thái đây mà!
Họ đỡ Thái vô trong miếu. Bật diêm sáng lên, soi rõ mọi vật. Tuấn không kiềm chế được xúc động khi nhìn thấy chiếc túi xách màu đỏ:
- Đây là...
Anh lao tới mở vội túi xách ra và nhận từng món trong đó. Tất cả là của Thu Hà. Đúng là của Thu Hà rồi!
Phú cũng lấy chiếc túi xách màu đen còn lại, vừa mở ra thì chính Tuấn hét lên:
- Cái đó là của Vân Hạnh!
Vừa lúc đó Thái cũng vừa tỉnh lại. Anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy hai người.
- Sao lại...
Tuấn mừng lắm:
- Cậu đã tìm gặp họ rồi phải không?
Thái ngơ ngác:
- Gặp ai?
- Thiên Hương, Vân Hạnh, Thu Hà.
Thái nhìn sang những chiếc túi xách và bất giác kêu to:
- Thiên Hương!
Niềm hy vọng vừa lóe lên trong Tuấn và Phú đã tắt lịm sau khi Thái kể chuyện đã chạy tìm khắp nơi mà chẳng có tăm hơi gì.
Tuấn nhìn bụi bặm bám bên ngoài các túi xách, anh càng thất vọng hơn:
- Họ đã ở đây khá lâu rồi,cứ nhìn bụi bặm thì biết.
Phú lục lọi túi thức ăn và xác nhận điều đó:
- Thức ăn đã hư thối từ lâu rồi, chứng tỏ họ chưa ăn đã...
Thái không dám tin vào sự thật:
- Nhưng họ để đồ đạc ở đây rồi đi đâu? Họ là con gái thì đi đâu xa được.
Tuấn cũng nói:
- Khi đi Vân Hạnh lái xe. Vậy để xe ở đâu mà lại lên đây? Hay là...
Mấy lời nói của Tuấn đã làm cho Thái và Phú sững sờ. Họ nhìn nhau không nói gì nhưng hình như đều có chung một ý nghĩ...
Tuấn kéo tay hai bạn:
- Đi! Ta xuống dưới kia!
Họ lao xuống đường rất nhanh. Tuấn vẫn là người dẫn đường, anh giục:
- Hồi nãy trước khi lên đây tôi nhìn thấy một chiếc xe bỏ nằm bên vách núi, ta tới đó xem.
Đường đèo dốc quanh co, lại tối thăm thẳm, vậy mà ba chàng trai vẫn băng băng lao đi. Khoảng hai mươi phút sau thì tới chỗ chiếc xe. Họ thất vọng ngay, bởi đó là một chiếc xe tải nhẹ cũ.
Quá thất vọng, họ đều ngồi bệt xuống cạnh chiếc xe. Lát sau có ánh đèn pha từ dưới dốc quét lên. Rồi một chiếc xe tải nặng chạy lên khá chậm. Khi nhận ra có người bên cạnh chiếc xe chết máy, tài xế hỏi với xuống:
- Xe “ban” hả? Có cần giúp đỡ gì không?
Tuấn nhanh miệng:
- Không phải xe của chúng tôi. Tôi muốn hỏi, gần đây anh có thấy chiếc xe du lịch nào bỏ lại đây không?
Một chị đi buôn ngồi bên cạnh tài xế vọt miệng nói:
- Không có xe nào bỏ lại, chỉ có một chiếc lọt xuống vực này mà thôi. Nhưng lâu lắm rồi...
Cả ba chàng đều lao ra bám cửa xe, hỏi dồn:
- Chị nói rõ hơn được không. Tai nạn thế nào?
Chị kia giục tài xế:
- Tới chỗ bằng phẳng kia dừng lại một chút.
Chị ta thuộc loại người lắm điều thích huyên thuyên chuyện thiên hạ, nên đây là dịp để trổ tài:
- Tui đi buôn bán qua lại con đường này thường ngày nên chyện gì xảy ra tôi cũng biết. Chuyện chiếc xe lao xuống vực đó ít người biết lắm, chỉ có tôi đã vô tình nghe được một người dân thiểu số dưới thung lũng bên dưới đèo kể lại. Họ thấy chiếc xe lao xuống và nhiều người rơi ra.
Thấy ba chàng trai đang lo lắng tội nghiệp, nên bác tài xế đề nghị:
- Các cậu leo lên xe, tui đưa giúp về Đà Lạt rồi tính sau. Chuyện của bà này kể đâu đã xác thực gì.
Cả ba đều buông tay cùng lúc không bám cửa xe nửa.
Phú khoát tay:
- Cám ơn, anh đi đi, tụi tui ở lại có chút việc.
Bác tài cảnh giác:
- Trời này mà ở lại trên đèo là nguy hiểm lắm đó nghen.
Mặc cho lời cảnh báo, cả ba vẫn thẫn thờ đứng trơ trọi giữa đêm đen với nỗi lòng nặng trĩu...
Họ tìm cách xuống thung lũng. Phú là người mở đường bởi anh là người sống ở vùng rừng núi lâu năm. Đầu tiên họ theo hướng phía gần chân đèo đi ngược lên. Đây là con đường xa và nguy hiểm, nhưng chẳng còn cách nào hơn, bởi bấy giờ đang là mùa mưa, nước ở các dòng suối dâng cao và luôn gây nguy hiểm cho người vượt qua nó.
Cũng may cho họ, vừa rời khỏi chân đèo một quãng hơn cây số họ đã gặp một người dân địa phương. Anh ta là người thiểu số nói được tiếng Kinh nên sau khi nghe Phú hỏi về tung tích những chiếc xe bị rơi, anh ta chỉ tay về phía trước:
- Cách đây hơn năm cây số ở đó thường có tai nạn rơi xe. Người ở thung lũng đều tránh xa không dám dựng nhà nơi ấy...
Có người dẫn đường nên việc đi đứng của ba người đỡ nguy hiểm hơn.
Trong số họ có Thái là tỏ ra suy sụp hơn cả. Từ lúc tỉnh dậy đến giờ lúc nào Thái cũng luôn miệng gọi Thiên Hương và đi đứng cứ như người mộng du. Tuấn phải nhắc nhở:
- Cậu như thế thì làm sao đi tìm kiếm cho được. Dù sao cũng đã đến nước này rồi, phải dũng cảm đương đầu với thực tế chứ...
Tuy mạnh miệng nói với Thái như vậy nhưng trong lòng Tuấn tan nát, rối bời không hơn gì bạn. Tình yêu đối với Thu Hà đã làm cho Tuấn sống mà như chết suốt gần sáu tháng qua. Anh đã bỏ cả suất đi Pháp du học theo lệnh cha mẹ và bỏ nhà đi tìm Vân Hạnh và Thu Hà ở khắp mọi nơi. Anh đã từng lên Đà Lạt mấy lần và do đó mới gặp được Thái và nảy ra ý nghĩ tìm Phú để cùng đi tìm những người họ yêu thương.
Chỉ có Phú là lúc nào cũng im lìm luôn giấu tình cảm của mình, dù trong lòng anh cũng chẳng khác gì hai bạn cùng cảnh ngộ. Nhất là lúc anh bị ông bà Nguyễn Đình làm áp lực buộc anh phải chấp nhận lưu đày lên đồn điền trà, nơi mà sự khắc nghiệt không thua gì thung lũng dưới vực sâu này. Anh đã chịu đựng sự chia lìa với Vân Hạnh đến hơn sáu tháng, nhưng luôn tin tưởng rằng người yêu anh sẽ chờ đợi và cuối cùng sẽ được tái hợp cùng nhau.
Người dẫn đường đưa họ vượt qua một thác nước nhỏ, men theo con suối nước chảy siết đưa về phía gần chân đỉnh đèo, anh ta bảo:
- Ở đoạn đó xe thường xuyên rơi xuống, có lúc có xác người trôi về phía này, người làng vớt được và đem chôn ở chỗ kia.
Anh ta chỉ về một đồi thấp, nơi có hơn chục ngôi mộ cỏ đã mọc xanh rì. Phú sốt ruột hỏi:
- Làm cách nào đi về phía đó nhanh hơn?
Người dẫn đường xua tay:
- Nơi đó không tới được đâu. Xe trên đèo lúc nào cũng có thể rơi xuống đầu các anh.
Tuấn cương quyết:
- Anh cứ đưa chúng tôi tới gần nơi đó, rồi chúng tôi sẽ tự đi.
Khoảng một giờ sau họ tới giữa con suối, ngước nhìn lên trên thăm thẳm, Tuấn bất giác than:
- Như thế này mà xe rơi xuống làm sao sống nổi!
Cả ba người đều không ai bảo ai, đã lặng người mấy mươi giây. Thái, người yếu đuối hơn cả, nắm lấy tay Tuấn giọng run run hỏi:
- Làm sao bây giờ anh Tuấn?
Tuấn chưa biết tìm lời gì để an ủi, chỉ nghe Phú kêu lên:
- Có một chiếc xe trong hốc đá đằng kia!
Theo hướng tay của Phú, Tuấn nhìn theo và hốt hoảng:
- Xe đó là xe của Vân Hạnh!
Chiếc Simca 9 sơn hai màu xanh và đen nổi bật giữa hốc đá, cả bảng số xe nữa, đứng cách hơn năm mươi thước vẫn nhìn rõ. Tuấn chẳng ngại chướng ngại phía trước, vạch cỏ gai bước nhanh về phía chiếc xe. Lại gần mới nhận ra phần đầu xe đã bị giập nát, các cửa xe đều bung ra, nhưng phần đuôi xe thì vẫn nguyên vẹn.
Cả ba người trong trạng thái lo sợ, bước từng bước đến bên xe đưa mắt nhìn vào trong... Trong xe chẳng hề có ai, dù là một bộ xương người.
Thái đã khóc ngất từ nãy, anh vịn vào vai Tuấn như nhờ sự tiếp sức, miệng thì lẩm bẩm:
- Thiên Hương có thể còn sống không, anh Tuấn?
Phú tỏ ra rành hơn:
- Thường những người ngồi trong xe rơi xuống vực đều bị bắn tung ra ngoài. Ta hãy tìm chung quanh đây...
Một cuộc lùng sục cật lực cho đến lúc trời xế trưa vẫn chưa thấy gì. Hơi nản lòng, Tuấn đề nghị:
- Chúng ta vào trong bản kia nghỉ trưa, chiều tìm tiếp.
Thái chưa muốn đi khiến Tuấn phải nhắc lại lần nữa:
- Họ đã rơi xuống đây sáu tháng rồi, có tìm gặp cũng chỉ là...
Tuấn bỏ lửng câu nói, cả ba cùng đi về phía làng. Người dẫn đường còn chờ họ trên đồi, anh ta chỉ về phía một trang trại lớn:
- Muốn nghỉ ngơi thì vô trang trại bỏ hoang kia kìa.
- Trang trại sao lại bỏ hoang?
Phú hỏi. Anh dẫn đường nói rõ:
- Đây là trang trại của một ông từ Sài Gòn lên lập cho ba người con trai. Nhưng họ chỉ ở được ba bốn tháng thì suýt bỏ mạng...
Tuấn ngạc nhiên:
- Sao vậy?
- Họ bị ma bắt hồn!
Cả ba bị cuốn hút vào câu chuyện ma. Khi anh ta kể đến việc có ba con ma nữ thì Thái là người nhạy cảm hơn cả, đã kêu lên:
- Thiên Hương không thể là ma được!
- Nhưng có ai bảo Thiên Hương là ma bao giờ? - Tuấn bảo.
Tuy nhiên càng nghe người dẫn đường kể thì chính Tuấn cũng thấy giống những người yêu của họ. Cho đến khi được đưa lên ngôi nhà sàn thì chính Thái đã reo lên khi nhìn thấy chiếc lược cài tóc nằm trên giường:
- Cái này là của Thiên Hương!
Chính Thái đã mua tặng Hương chiếc lược màu tím có hình con bướm vàng với hai chữ TH lồng vào nhau.
Đúng là Thiên Hương từng sống ở đây? Cô ấy còn ở đây! Thái chạy khắp trong ngoài nhà lùng sục, vừa kêu to:
- Thiên Hương! Hương ơi.
Anh chàng dẫn đường lắc đầu:
- Anh ta điên rồi! Chính cô gái ma từng vào căn nhà sàn này và làm cho con trai út ông chủ trang trại gần mất mạng, sao lại là người yêu của anh chàng này!
Ở những căn phòng khác. Tuấn và Thái đều tìm gặp những vật dụng của Thu Hà và Vân Hạnh. Cầm trên tay chiếc khăn quàng cổ màu hồng nhạt mà khi lên đồn điền. Hạnh đã choàng cũng như đã từng quàng cho Phú lúc Phú bệnh. Ở một góc khăn còn hằn rõ hai chữ VH do chính tay Phú ghi.
Tuấn thì nhặt được một chiếc đồng hồ đeo tay để trên bàn viết của một căn phòng. Chiếc đồng hồ đó là quà tặng của anh cho Thu Hà lúc hai người quen nhau được một tháng nhân lần Tuấn đưa người yêu đi chèo ghe ở Phú Định.
Người dẫn đường kể đầy đủ chuyện ba con ma nữ hại ba đứa con trai chủ trang trại Hồng Phát. Câu chuyện ông kể làm Tuấn, Phú và Thái nghe lạnh cả người...
oOo
Miếu Ba Cô 7
Cuối cùng thì chính Phú cũng tìm được ba bộ xương người nằm ở một bãi đá phía hạ nguồn dòng suối. Anh nhận ra sợi dây chuyền mặt vàng có lộng hai chữ VH còn đeo ở xương cổ.
Họ mang cả ba bộ xương lên và ngay hôm đó họ đặt giữa miếu hoang một mâm nhang đèn trịnh trọng. Lễ cúng chỉ với những nải chuối rừng và cả ba chàng trai đều ngồi ở các góc phòng trên tay ôm ba bộ xương, người thừ ra, mắt nhìn về phía trời xa...
Ngày hôm sau và cả tuần sau nữa, họ vẫn như những người hóa đá ngồi lặng yên trong miếu...
Rồi đến một hôm bỗng dưng họ biến mất chẳng để lại chút tăm hơi nào...
Có tin đồn rằng cả ba do quá đau khổ và chán chường đã mang theo xương cốt người yêu đi sâu vào vùng rừng núi để chôn chặt cuộc đời còn lại...
Cũng có tin nói rằng trong một đêm tăm tối, mưa gió bão bùng, vì quá tuyệt vọng cả ba đã lao mình xuống vực...
Chẳng ai biết điều nào là đúng. Chỉ có điều là kể từ khi ấy những người chạy xe qua đèo Bảo Lộc đều kháo nhau rằng đêm đêm họ thấy có ánh đèn trên ngôi miếu hoang. Thỉnh thoảng còn có tiếng khóc trên đó vọng xuống...
Có người còn quả quyết rằng chính họ đã từng nhìn thấy ở đoạn đèo gần ngôi miếu thỉnh thoảng xuất hiện ba bóng con gái mặc toàn đồ trắng. Họ đứng ủ rũ bên đường gần bờ vực. Có khi lại thấy họ đứng giữa ngã ba như chờ đón xe lên xuống.
Nhiều tài xế nói rằng nếu lái xe qua đó mà không thành tâm khấn vái thì rất dễ hoa mắt, xe rất dễ bị rơi xuống vực.
Có người còn quả quyết rằng dù gia đình ông Nguyễn Đình và Phát Đạt không biết cụ thể về cái chết của các con họ, nhưng tự dưng họ rất sợ đi qua đường đèo Bảo Lộc.
Rồi chẳng biết do ai mà ngôi miếu hoang trên núi đã được trùng tu, có bệ thờ, có bàn hương và có người thường xuyên đến lễ cúng, và ngay cạnh miếu mọc lên ngôi mộ bia, nhưng ai cũng biết để chôn tượng trưng ba cô gái chết oan. Cũng từ đó người ta gọi ngôi miếu ấy là Miếu Ba Cô và mộ ba oan hồn...
Gọi riết thành danh. Sự linh ứng cũng ngày càng tăng. Dân đi buôn rất tin tưởng và thường dừng xe lại cúng.
Không nghe có sự phá phách nào từ những oan hồn trong miếu…