Số lần đọc/download: 4267 / 143
Cập nhật: 2016-02-24 12:08:21 +0700
Chương 5
T
ôi đứng lặng nhìn cái hòm đen to tướng nằm chềnh ềnh ở trước cửa Tiền. Nó được sơn đen bóng nhẫy, được khoá bằng chiếc khoá đồng vàng, to bằng cổ chân. Nó nằm ngay giữa đường, gần cổng giữa, nơi có hai người cấm binh cầm giáo oai nghiêm đứng gác. Người dân đi qua nem nép sợ hãi. Nhiều người chẳng dám nhìn. Thậm chí có người nhắm mắt lại vì sợ sự cám dỗ ma quái của nó. Nếu có kẻ nào táo tợn mà nhìn nó thì cũng vội quay đầu đi ngay, sợ rằng có kẻ đã chứng kiến việc mình nhìn vào nó. Người ta gọi nó là cái hòm tang tóc. Ai biết chuyện gì về đảng nghịch Trần Khát Chân, hãy viết lên giấy rồi bỏ vào đó. Ai biết người nào là thân thuộc, liên thuộc hoặc liên quan đến đảng nghịch còn lẩn trốn cũng tố cáo vào đó. Ai biết các quan lại binh lính ở mọi địa phương nằm trong đảng nghịch vẫn còn lọt lưới cũng bỏ giấy vào đó. Ai phát hiện đúng sẽ được thưởng hậu, nếu việc hệ trọng sẽ được thưởng quan chức. Ai che dấu đảng nghịch sẽ bị chặt đầu. Ai biết mà không tố cáo cũng bị xử tội...
Cái hòm đen chính là sáng kiến của Nguyễn Cẩn. Cẩn nói với cha tôi:
- Không cần như Trần Thủ Độ xưa kia, phải đào hầm, sập bẫy tôn thất nhà Lý, mới làm lòng người quên nhà Lý. Thái sư trừ ở đây là trừ đảng nghịch chứ không trừ họ Trần. Ai liên quan đến đảng nghịch quyết không tha. Chỉ cần một cái hòm đen ở Tây Đô và vài cái hòm đen ở Thăng Long, chắc chắn đảng nghịch sẽ tuyệt nọc.
Mọi người đều sợ hãi. chỉ riêng tôi vẫn chằm chằm nhìn nó. Tôi được miễn trừ sợ hãi bởi vì tôi là con của thái sư - Tôi chua chát thầm nghĩ - Chua chát, bởi vì ngay cả ở địa vị như thế, chiếc hòm kỳ quái đó cũng có tha tôi đâu. Nói cho đúng hơn, bản thân tôi nào có lo gì, lo là lo cho số phận của Thanh Mai.
Hôm chia tay ở Yên Tử, nàng hẹn bao giờ an táng cho hoà thượng Vô Trụ xong, sẽ đến Tây Đô tìm tôi. Nàng còn muốn tới đây gặp nghĩa phụ. ơn của thượng tướng Khát Chân Thanh Mai chẳng lúc nào quên. Đối với tướng quân, nàng luôn làm trọn bổn phận của người con thực sự. Ở xa thì thư từ ở gần luôn thăm viếng. Có của ngon vật lạ chẳng bao giờ quên dâng lên. Mấy hôm trước, lòng tôi bồn chồn như lửa đốt cũng chỉ vì Thanh Mai. Hôm xảy ra vụ mưu sát, tôi cho người thân tín cưỡi ngựa chạy nhanh tới Yên Tử để báo cho nàng. Người đi mất hút, chẳng thấy trở về. Có thể khi người báo tin đến nơi, nàng đã lên đường. Rồi còn đường thuỷ, đường bộ, có bao nhiêu sông, bao nhiêu ngả... biết ngả nào mà tìm.
Một lá thư trong chiếc hòm đen tố cáo Thanh Mai là con nuôi thượng tướng và chung sống cùng tôi. Nguyễn Cẩn lúng túng, không dám hỏi tôi và đùn cho Hán Thương việc ấy. Tôi bảo Hán Thương nàng đã đi tu. Đêm hôm ấy, lòng tôi quá bồn chồn, không tài nào ngủ được. Lúc nào trong lòng cũng chỉ hiện lên hình bóng Thanh Mai. Dinh thự của tôi nằm cạnh con sông Đào bao quanh Tây Đô. Tôi buồn rầu bước lên bờ luỹ cao nhìn ra con sông lóng lánh như giát bạc. Nàng bảo sẽ về trên bến trăng rồi lẻn vào khu rừng quế thơm hương, khu rừng quế già chẳng biết có tự bao giờ, mà chỉ tôi mới có quyền chọn lựa để xây dinh thự cho nàng. Khu rừng chờ đợi cô chủ sẽ về mắc võng đánh đàn, nhưng có lẽ chẳng bao giờ khu rừng sẽ được biết mặt nàng. Tôi đứng trên bờ luỹ cao thầm thì gửi lời vào đám mây trắng mà bộ óc của tôi như tưởng trông thấy bóng nàng cưỡi con bạch mã: "Thanh Mai? Bay đi? Nàng hãy bay đi?" Nhưng sự tưởng tượng mơ mộng ấy cũng chẳng tài nào xoá đi được nỗi lo lắng từ lúc tôi gặp Hán Thương. Tại sao Hán Thương lại hỏi tôi về Thanh Mai? Việc lá thư trong chiếc hòm đen chỉ là cái cớ, bởi vì còn ai lạ gì mối quan hệ giữa Thanh Mai với quan thượng tướng và cả với tôi Có thể còn có một nguyên nhân khác. Hay là...
Nghĩ đến đây tôi chợt giật mình, không muốn nghĩ thêm, nhưng trật tự của sự suy nghĩ vẫn cứ tiếp diễn... Có thể người ta biết sự sâu nặng giữa tôi và nàng, và cách nói này là cách hé mở. Người ta đâu cần ta trả lời những điều mọi người đều đã biết. Chẳng qua chỉ là sự đánh động đầu tiên. Điểm suy diễn cuối cùng. điều hiển nhiên đơn giản đã lồ lộ hiện ra trong óc tôi: Thanh Mai đã bị bắt.
Đêm hôm ấy, tôi mơ thấy nàng trong một giấc mơ khủng khiếp. Thanh Mai chới với gần như chết chìm trong một biển máu. Nàng giơ đôi tay tuyệt vọng về phía tôi và kêu lên: "Chàng cứu em với".
Hôm sau, tôi đến gặp Nguyễn Cẩn. Ông ta xác nhận Thanh Mai đã bị bắt.
Nàng đi đò dọc, ngược dòng sông Mã đến Tây Đô. Trên đường đi, nàng hỏi thăm tin tức, đã gặp phải ngay một không khí ngột ngạt khó thở. Chẳng ai nói với nàng một điều gì. Người ta chỉ ngạc nhiên nhìn nàng chòng chọc, khi nàng nói đi tới Tây Đô. Và chằng ai nói một lời. Thậm chí, mọi người còn lẩn tránh khỏi nàng như lánh xa một con hủi. Chỉ có một bà già đánh cá lẻ loi trên sông, nhìn trước nhìn sau, không thấy ai, mới thì thầm một câu:
- Đừng đến Tây Đô. Nguy hiểm lắm!
Sau đó, những người phu kéo thuyền lên bờ, ra chợ mới biết. được tin tức. Nhưng tin tức mơ hồ, vì Tây Đô đã bị bao vây, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Sự việc mới xẩy ra nên người ta chỉ biết ở đó triều đình đang có biến. Biến gì? Ai nổi loạn? Ai thắng? Ai thua? Ai cầm đầu? Ai bị bắt? Ai bị giết? Những câu hỏi cụ thể như thế, rất cần cho Thanh Mai, lại không ai biết cả.
Đám phu chèo thuyền nói:
- Chúng tôi chẳng đi thêm nữa. Người ta bảo ở đó loạn to. Hàng trăm người chết. Bà chủ cũng nên quay trở về Thăng Long.
Lòng Thanh Mai bấn lên như mớ chỉ rối. Nguyên Trừng có sao không? Thượng tướng Trần Khát Chân có hề gì không? Nàng có hai người thân lại đứng về hai phe đối nghịch. Tình hình thế này chắc đại biến. Có thể phe của nghĩa phụ đã làm chính biến. Trong cuộc biến này, dù ai thắng, nàng cũng là người đau khổ. Mà họ toàn là những con người trọng yếu, chắc chắn phe thắng thế không thể tha. Thanh Mai nghĩ trắng một đêm rồi quyết định một mình đi tới Tây Đô. Đò, không ai chịu chở; cáng không ai chịu khiêng; Thanh Mai bèn mua một con ngựa thồ và một bộ yên cương, nàng đi ngựa nhằm thẳng hướng Tây Đô. Gần đến kinh đô mới, nàng bị một toán lính giữ lại. Họ dẫn nàng đến gặp quan trên. May mắn, người nàng gặp hôm ấy lại là Nguyễn Cẩn. Cẩn thốt lên kinh ngạc:
- Kìa Thanh Mai? Nàng đến đây làm gì?
Câu hỏi đầu tiên của nàng:
- Đức ông Nguyên Trừng có sao không?
Cẩn lắc đầu. Nàng lại hỏi:
- Nghĩa phụ của tôi có sao không?
Cẩn im lặng hồi lâu rồi nói:
- Ông ấy đã chết.
Thanh Mai rất ngây ngô:
- Nể tình quen biết xưa kia, ông có thể giúp tôi đến thắp một nén nhang cho nghĩa phụ tôi không?
Cẩn lúng túng chẳng biết giải quyết chuyện này ra sao. Cẩn vốn mến tài của nàng từ xưa; Thanh Mai lại là người thân của Nguyên Trừng, người mà Cẩn vừa trọng vừa nể. Cẩn định đến gặp Nguyên Trừng nhưng ông chưa kịp đi Hán Thương đã cho lệnh Nguyễn Cẩn đưa Thanh Mai đến nơi biệt giam.
Nguyễn Cẩn kết thúc câu chuyện kể về Thanh Mai:
- Tôi cũng chẳng biết giúp đức ông bằng cách nào nữa. Ngoài tầm tay của tôi... Bây giờ... đức ông Hán Thương...
Tôi hiểu sự lúng túng của Cẩn, vì đây là chuyện tế nhị. Hán Thương vốn ngầm ganh tị với tôi, vì tôi là con trưởng. Và bây giờ tình thế hầu như đã rõ ràng...
Quyền lực đã hoàn toàn trong tay cha. Vậy, người kế tiếp cha sẽ là ai? Tôi chợt nghĩ: đây là mối đe doạ cho Thanh Mai, nhưng có thể cũng là lối thoát.
Ngay sáng hôm ấy, tôi quyết định đến điện Minh Đạo Viên lực sĩ đô đầu cấm quân đứng cạnh đôi rồng đá lễ phép chào tôi và nói:
- Đức chương hoàng hiện đang ở hậu điện.
Tôi vội vàng qua nhà tiền điện mênh mông, qua cầu đá và nhà trung điện, rồi nhẹ nhàng đi trên sân rêu u tĩnh, nơi hai cây đại trắng nở rộ hoa sau trận mưa đêm. Làm không gian man mác hương ngọt ngào.
Từ hôm xảy ra vụ hành thích trượt, cha tôi hầu như chẳng ra ngoài, suốt ngày giam mình trong nhà hậu điện. Những vụ bắt bớ cha giao cả cho Hán Thương, Nguyễn Cẩn và những người thân tín khác xử lý cụ thể. Hình như cha chỉ quan tâm đến những việc lớn, những nhân vật lớn, những đường hướng quan trọng nhất. Cha cũng ít gặp mọi người, hàng ngày chỉ tiếp Thương và Cẩn. Còn những người khác muốn gặp cũng rất khó.
Tôi nhẹ nhàng đến đứng trước gian thờ pho tượng đá trắng của bà Huy Ninh công chúa. Cha tôi ngồi trên sập, bên cái kỷ, tay chống má, mắt nhắm lại như mải suy nghĩ. Tôi không dám lên tiếng sợ đứt dòng suy nghĩ của người. Một lúc lâu sau cha mở mắt:
- Anh Trừng đấy hả? Cha biết là anh sẽ đến.
Cha tôi chỉ tay vào một chiếc đôn, ra hiệu cho tôi ngồi. Từ cái cửa nách ở đầu hồi, một thị nữ không biết được sai bảo bằng cách nào, đã sẵn sàng pha chè bưng ra, rồi lại nhanh nhẹn biến mất. Từ lúc đến, cho đến khi cha con tôi bắt đầu nói chuyện là im lặng khá lâu.
Cũng vẫn là cha tôi nói trước:
- Cho đến hôm nay đúng là hai mươi ngày... Cho đến hôm nay đã có 215 người bị bắt. Cho đến hôm nay, người bị xử tội chết là 85.
Những con số chính xác của cha càng làm tôi im lặng thêm. Cha tôi nói tiếp:
- Chuyện chính sự mà... Tất phải thế thôi... Biết sao được Điều chính yếu là cái ung nhọt bùng nhùng hàng chục năm nay đã được cắt bỏ... Đau đấy... nhưng cần thiết... Ta chờ đợi họ thay đổi đã lâu quá rồi... Dù sao cũng tránh được một cuộc đại tương tàn... nếu nó xảy ra sẽ có bao nhiêu người chết; gấp bội bây giờ. Nào tôi có muốn đâu... Bà nhớ chứ, chính Nghệ Tôn đã kể cho bà nghe chuyện ngày xưa, ông Trần Thừa... Ông Trần Tự Khánh... Ông Trần Thủ Độ dấy nghiệp nhà Trần. Phải hàng chục năm chiến tranh nồi da nấu thịt. Nào Nguyễn Nộn, nào Đoàn Thượng cầm quân chống lại. Có khi phải mất chục vạn người phơi thây, nhà Trần mới dựng xong cơ nghiệp... Thế mà, nay tôi chỉ giết có vài trăm người... Tôi đã đến đây ở với bà mấy chục ngày... Nỡ nào đêm qua bà còn về trong mộng để trách cứ tôi...
Hoá ra, cha tôi vẫn còn trong một cơn mơ, mơ giữa ban ngày, cha nói chuyện với bà Huy Ninh, mà sự có mặt của tôi chỉ là cái cớ. Tôi vội vã lùi vào một góc. Và cũng như hôm xưa, tôi len lén định rút lui. Khi tôi ra đến gốc cây đại, cha cũng ở trong nhà bước ra sân. Tôi phải dừng chân để nhường cho cha trầm mặc suy tư đứng ở giữa trời. Rồi bỗng ông tỉnh cơn mơ khi nhìn thấy tôi dưới gốc cây. Từ trạng thái mộng du, người đột nhiên chuyển sang đời thực. Cha lại kéo tay tôi vào trong nhà. Sau khi uống xong chén trà nóng, lúc đó người mới hoàn toàn tỉnh táo và nhớ đến những chuyện của riêng tôi. Và câu nói bị đứt quãng từ lúc tôi mới đến bây giờ lại được nói tiếp:
- Cha biết rằng anh sẽ đến. Cha chờ anh hai hôm nay. Khi cô kỹ nữ Thanh Mai chuyển về tay Hán Thương một hôm sau, cha mới biết. Cha đã ra lệnh nhốt riêng cô ta, không được hành hạ. Con và Hán Thương từ xưa đã có chút xích mích, cha không muốn xích mích ấy tăng thêm. Con hiểu ta chứ? Mẹ nó là công chúa, nó lại là con út... Ta cần đến nó... Xưa kia, ta ra câu đối muốn làm hòn đá nhỏ nhưng sẽ có lúc làm mây làm mưa vần vũ trời đất, con đối lại rằng chỉ muốn làm cây tùng nhỏ nhưng sẽ làm rường làm cột chống đỡ ngôi nhà, ta hiểu cái chí của con, cái chí của kẻ khoáng đạt, coi danh lợi chỉ là đám mây trôi. Và ta đã yên tâm, nhưng Hán Thương chưa đủ chín để hiểu con.
Cha nhìn vào mắt tôi và kết luận:
- Cha không xử chết Thanh Mai, nhưng con cũng không thể lấy con người ấy được. Cha đã nói chuyện và cô ta đã hiểu ra lẽ ấy. Làm sao con người có thể vừa là kẻ trượng phu mưu việc lớn, mà đồng thời làm cả kẻ si tình đèo bòng với một mỹ nhân?
Chờ cho đêm xuống, lúc đó tôi và Thanh Mai mới cưỡi ngựa đi sóng đôi ra cửa Tiền. Chúng tôi trông thấy chiếc hòm đen ma quái vẫn nằm lù lù ở đó, cái hòm càng khủng khiếp hơn khi mầu đen của nó được ánh lửa bập bùng của ngọn đuốc cắm gần đấy làm cho loang loáng. Thanh Mai quay đầu đi. Vó ngựa lộp cộp trên con đường đá lát thẳng đến chân núi Đún. Ở bên trái đường cách một quãng lại cắm một ngọn đuốc. Cạnh mỗi ngọn đuốc cắm một cây đòn sóc, trên đầu các cọc tre đều xiên một thủ cấp. Người lính tuần đường nói rằng số thủ cấp cho đến lúc ấy đã là con số 100. Một trăm gương mặt, một trăm dáng vẻ. Có những chiếc đầu lâu đôi mắt còn mở tròn xoe. Có những chiếc đầu lâu bị xổ cái búi tó củ hành, tóc bị gió thổi tung xòe che kín mặt. Lại có chiếc đầu lâu cạo nhẵn thín, mồm há ra như đang hét. Thỉnh thoảng mới gập một chiếc đầu mắt khép kín vẻ như cam chịu... ánh đuốc chiếu vào làm những bộ mặt chỗ tối chỗ sáng, làm nổi bật hết lên những nét gồ ghề đau khổ. Giun dế trên cánh đồng xanh rì, sau hàng cọc, cất lên khúc tang ca, tiếng khóc dài của đêm đen, hay tiếng hát tiễn chân của một cuộc đổi đời Chỉ có tôi mắt không hề rời cuộc diễu hành đầu lâu ma quái đó. Thanh Mai cương quyết không nhìn. Nàng nhắm mắt lại, lỏng cương, mặc cho con ngựa dẫn nàng đi trên đường, con đường do chính nghĩa phụ Trần Khát Chân chỉ huy xây dựng.
"Trần Khát Chân, đầu của ông ở đâu? Sở dĩ tôi ngắm nhìn lũ đầu lâu là để tìm ông đó". Mãi tới cuối con đường, ở chân núi Đún, trên một bãi rộng, tôi mới thấy thủ cấp của thượng tướng. Ở đây, cắm liền hơn chục ngọn đuốc. Nhiều đuốc sáng đến vậy, chắc vì ông là người thủ lãnh cuộc bạo động, người ta cắm nhiều đuốc để đe nẹt, nhưng có khi lại là tôn vinh. Chiếc đòn xóc ở đây cũng cao hơn, nó được cắm trên một gò đất vắng tanh vắng ngắt. Cái đầu ông nhìn thẳng ra con đường đá, hướng về cửa Tiền. Ông bị chặt đầu đã nửa tuần trăng, lẽ ra thịt đã phải thâm xịt, lũ dòi bọ đã phải ăn thủng đôi mắt và chỉ còn để lại trên gương mặt ông hai cái lỗ đen ngòm. Nhưng người đao phủ nhân đức hôm hành quyết đã giã một thứ lá rừng, vắt lấy nước, và trước khi bêu đầu lên cọc đã đổ thứ nước ấy lên chiếc thủ cấp, làm lũ ruồi nhặng sợ, không dám đậu, làm lũ dòi bọ sợ không dám ăn, làm thịt vẫn tươi nguyên trong một tháng tức là hết hạn bêu đầu.
Tôi ghìm ngựa, đứng lại trước thủ cấp thượng tướng, và bảo nàng:
- Đến rồi.
Đầu lâu thượng tướng quả là cái đầu tươm tất nhất trong số trăm cái đầu. Chòm râu hoa râm của ông vẫn nguyên vẹn, cái búi tó trên đầu vẫn như vừa mới chải xong. Thượng tướng không tròn xoe đôi mắt, cũng không nhắm nghiền đôi mắt. Lạ thật? Sao nhìn mặt ông ta chỉ thấy một sự bình tĩnh, một sự đón nhận lạnh lùng và cương quyết. Có lẽ nào những ngày trước khi chết ông đã nhìn thấy một điều gì đó của tương lai? Cái chết của ông liệu có ý nghĩa gì cho sự lột xác của núi sông? Ông là con người giằng xé. Đổi thay ư? Ông biết chứ, nhưng thế tất ông phải chết cho cơ nghiệp nhà Trần.
Thanh Mai đã mở mắt ra. Trước cái đầu thượng tướng với vẻ hiền từ đang nhìn xuống cô, Thanh Mai đã quên hết sợ hãi. Cô lặng lẽ lấy trong người ra một dải khăn tang, buộc quanh đầu, rồi thắp mấy nén hương, cô quỳ lạy miệng nức nở:
- Cha ơi là cha ơi...
Đầu cô gục sát mặt đất. Toàn thân cô rung lên từng đợt.
o O o
Tôi tiễn Thanh Mai ra tận bến đò trên sông Mã.
Nàng nắm tay tôi bịn rịn:
- Chàng ơi? Hãy xuống thuyền với em.
Tôi nhìn đôi bàn tay trắng muốt của Thanh Mai. Đôi bàn tay sao mà đẹp! Những ngón tay thon dài, mới trông thấy tôi đã như nghe được một điệu đàn, hai bàn tay ấy, mỗi đêm khi ôm lấy tôi, làm tôi lại được nghe tiếng thầm thì của nhiều cung bậc yêu thương.
- Chàng ơi! Hãy nắm lấy tay em.
Nhưng, tôi chẳng nói, chỉ khe khẽ lắc đầu.
- Sao thế? Hàng cọc đầu lâu ấy có ma lực gì lại có thể cuốn hút chàng? Toà thành đá cao ngất ấy, lúc nào cũng đầy rẫy những âm mưu phỏng quý báu gì? Hãy tung hê tất cả đi? Chúng mình sẽ lên rừng. Chúng mình sẽ về với suối.
Trên sông, cô lái đò giục giã:
- Xong chưa? Thuyền sắp nhổ sào?
- Chị lái đò ơi! Em van chị! Chờ chúng em một lát - Giọng Thanh Mai nghe bổng trầm như tiếng hát.
- Mình ơi! Mình điên rồ hay sao? Mình còn tiếc vinh hoa phú quý hay sao? Chẳng lẽ em lại không đáng để cho chàng quên tất cả cái thế gian độc ác và tội lỗi ấy?
Tôi muốn cất lời lên, nhưng không sao nói được: "Hỡi cô tiên nhỏ bé! Đừng vò xé lòng ta nữa. Phải xa em lòng ta như dao cắt. Nhưng ta không thể nào theo em được. Nàng có nghe thấy gì không? Những tiếng trống ngũ liên. Tiếng khóc đấy! Máu đấy Lầm than đấy! Ta đã có nhời nguyền từ thủa biết nghĩ: Ví dù trời phật cho ta hàng nghìn kiếp người, ví dù ta có may mắn được dự vào cõi cực lạc, thì ta cũng sẵn sàng từ bỏ tất, sẵn sàng dâng một ngàn kiếp của mình để lăn lộn chốn trần ai, cùng gánh chịu vui buồn với thế gian. Nàng đi? Ta không thể rời bỏ, không muốn chạy, khi trước mắt đang là cơn bão. Còn nàng thì khác. Nàng hãy đi đi! Những ngày qua nàng đã giúp ta nhiều. Nàng đã giúp ta đứng vững một mình. Người xưa bảo: Con người vốn độc hành, độc bộ..." Cô lái đò lại lên tiếng giục giã.
Thanh Mai nước mắt như mưa, chân bước xuống thuyền, đầu còn ngoái lại.
Ở phía xa xa, tiếng trống ngũ liên môi lúc mỗi gấp gáp Con thuyền đã nhổ neo. Thanh Mai nâng vạt áo lên, hai bàn tay ngọc ôm lấy mặt. Tôi vẫy tay cho đến lúc con đò lẫn vào màn sương đêm trên sông. Tôi lặng lẽ đi về phía tiếng trống.
Viết xong tháng 4-1999.
Chú thích
1.Hai bài "Phú con ngựa lá" của Xuân Lôi và Phi Khanh đều trích từ "Thơ văn Lý Trần".
2.Ôn Sinh và Thạch Sinh là hai hiền sĩ.
3.Tượng vẽ: vua Quang Vũ vẽ hình tìm Nghiêm Quang là người tài: rồng nằm: (Ngoạ Long) tức Khổng Minh.