Những trận chiến lớn nhất chính là những trận chiến trong tâm trí chúng ta.

Jameson Frank

 
 
 
 
 
Tác giả: Dư Hoa
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Vũ Công Hoan
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 80
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3614 / 73
Cập nhật: 2016-02-18 21:13:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24
ý Trọc sải cánh đại bàng đi thăm Tôkyô thủ đô Nhật Bản, thăm thành phố cảng Osaka, thăm Trung tâm công nghiệp lớn nhất, thành phố cảng lớn Kobe, không bỏ qua đảo lớn thứ hai, cũng là khu hành chính cấp một Hokkaido và đảo chính của quần đảo Okinawa. Lý Trọc rong ruổi hơn hai tháng trời, thu mua ba ngàn năm trăm sáu mươi bảy tấn complê rác. Những bộ complê rác này trông còn mới lắm, mặc làm việc còn rất đẹp, ly thẳng tắp và oai như complê Amani do Italia may đo mà Lý Trọc mặc sau này. Người Nhật Bản coi những bộ complê này là phế phẩm, là rác thải bán cho Lý Trọc. Lý Trọc thuê một tàu hàng của Trung Quốc, chở complê rác của Nhật Bản về Thượng Hải. Lý Trọc không dám thuê tàu hàng của Nhật Bản. Anh ta bảo tàu hàng của Nhật Bản đắt quá, ngay đến tiền thuê người ở cảng Nhật Bản chuyển complê rác lên tàu hàng, cũng còn đắt hơn tiền mua ba ngàn năm trăm sáu mươi bảy tấn complê rác. Khi ở Thượng Hải, Lý Trọc đã đem bán toàn bộ complê rác của Nhật Bản. Mấy ngày này, vua rác của các địa phương trong cả nước lũ lượt kéo hết về Thượng Hải. Nghe nói họ đã ở kín một khách sạn bốn sao trên đường Nam Kinh. Các ông vua rác, ông nào cũng đựng tiền trong bao tải đay, xách đến sảnh lớn tiếp khách của khách sạn bốn sao đăng ký chỗ nghỉ, xách bao tải đay chen vào cầu thang điện, xách bao tải đay đi vào phòng riêng của mình. Cuối cùng tiền trong các bao tải đay đều chảy hết về chỗ Lý Trọc. Qua đường sắt, đường bộ, đường sông, complê rác của Lý Trọc đã đi đến các địa phương trong cả nước. Dân chúng các địa phương trong cả nước đều cởi bỏ bộ quần áo Tôn Trung Sơn nhăn nhúm, mặc vào người bộ complê rác Lý Trọc chở từ Nhật Bản về.
Đương nhiên Lý Trọc không quên bà con anh em thị trấn Lưu. Anh ta giành riêng năm ngàn bộ complê rác chở về thị trấn Lưu chúng tôi. Lúc này mặc complê đã trở thành mốt. Trước khi cưới nhau, con trai con gái ai ai cũng sắm một bộ complê, ai cũng đến chỗ ông Trương cắt may. Ông Trương may quần áo kiểu Tôn Trung Sơn đã hơn hai mươi năm, bây giờ thịnh hành mất complê, ông Trương chuyển sang may complê. Ông Trương bảo giản đơn lắm, đệm vai giống áo Tôn Trung Sơn, sửa lại cổ áo là thành complê. Thanh niên nam nữ thị trấn Lưu mặc complê nhà quê do ông Trương may đo, sau hai tháng complê đã biến dạng, cứ xộc xà xộc xệch. Khi complê rác của Lý Trọc chở đến thị trấn Lưu, thị trấn Lưu ầm ĩ cả lên. Dân chúng nhao nhao kéo đến nhà kho, cứ như nhảy xuống sông, nhảy vào đống complê rác của Lý Trọc, tha hồ chọn cho mình một bộ thật vừa. Dân chúng bảo nhau những bộ complê này mới toanh như chưa mặc bao giờ, giá cũng rẻ hơn quần áo cũ. Không đầy một tháng, năm ngàn bộ complê Lý Trọc đem về đã tranh nhau mua hết.
Trong thời gian ấy, Công ty thu hồi Lý Ký của Lý Trọc lúc nào cũng náo nhiệt như quán trà. Sau khi về thị trấn Lưu, Lý Trọc lại lập tức mặc bộ quần áo rách, phởn phơ ngồi, dân chúng vây quanh suốt ngày, nghe anh ta kể chuyện Nhật Bản hết lần này đến lượt khác, không biết chán. Mỗi khi nói đến giá món ăn ở Nhật Bản, Lý Trọc lại lắc đầu thè lưỡi. Anh ta bảo, ở Nhật Bản sáng sớm uống sữa đậu tương, ăn bánh quẩy, gần bằng ăn một con lợn tại thị trấn Lưu chúng ta. Mà sữa đậu tương ít đến thảm hại, làm gì đầy ăm ắp một bát to như ở thị trấn Lưu chúng mình. Bát uống sữa đậu tương ở Nhật Bản còn nhỏ hơn cái chén uống trà của thị trấn Lưu chúng ta, còn bánh quẩy thì eo ơi, bé tí tẹo như cái đũa.
Dân chúng nghe xong cảm khái muôn phần, người nào cũng bảo, không thể sang Nhật Bản, có là Trư Bát Giới đi đến đấy cũng sẽ đói thành bạch cốt tinh.
- Đúng, không đi được - Lý Trọc vung tay nói - Nhật Bản nơi đó sẵn tiền nhưng không có văn hoá.
- Nhật Bản không có văn hoá ư? - Dân chúng không hiểu.
Lý Trọc nhảy lên, dân chúng lập tức né cho anh ta một lối đi, Lý Trọc đi tới trước tấm bảng đen treo trên tường giành riêng để ghi nợ phế phẩm rác, cầm phấn viết lên bảng đen con số "9", quay người hỏi dân chúng:
- Số này gọi là gì?
- Gọi là "9" - Dân chúng đáp.
- Đúng - Lý Trọc lại viết con số "8" vào sau con số "9". Con số này đọc là gì?
- Là "8"- Dân chúng đáp.
- Đúng - Lý Trọc hài lòng gật đầu - Hai số này đều là chữ số A rập.
Lý Trọc vừa nói vừa vứt phấn đi, trở về chỗ cũ, nói:
- Người Nhật Bản ngay đến chữ số A rập cũng không biết.
- Thật sao? - Dân chúng ngạc nhiên nhao nhao.
Lý Trọc ngồi bắc chân chữ ngũ, nói một cách đắc ý:
- Lý Trọc này ở Nhật Bản kiếm được tiền, muốn tiêu dùng, biết tiêu dùng ở đâu? Đương nhiên ở chỗ sang trọng có nhiều không khí Tây nhất. Chỗ sang trọng có nhiều không khí Tây nhất là ở đâu? Đương nhiên là quán rượu. Nhưng Lý Trọc này không biết quán rượu ở đâu? Cũng không biết nói tiếng Nhật Bản. Nói tiếng Trung Quốc, người Nhật Bản trong quán rượu lại không hiểu, làm thế nào Lý Trọc chơi trò úm ba la, anh ta vuốt mồm nhìn dân chúng thị trấn Lưu, thưởng thức một lát ánh mắt cấp thiết của họ, mới nói một cách chậm rãi:
- Lý Trọc này nhanh trí, nghĩ ngay đến chữ số A rập, người Nhật Bản không biết chữ Trung Quốc, nhưng chắc là biết chữ số A rập?
Dân chúng xôn xao gật đầu. Lý Trọc nói tiếp:
- Tôi viết hai chữ số "98" lên lòng bàn tay. Con số "98" đọc lên là "Tửu ba" là quán rượu, phải không nào?
- Đúng - Dân chúng bảo, "98" đọc lên là "Tửu ba", là quán rượu.
- Lý Trọc này thật không ngờ - Lý Trọc nói - Cho mười bảy người Nhật Bản nhìn "98", cả mười bảy người Nhật Bản đều không hiểu, không biết tôi làm gì? Bà con bảo, có phải người Nhật Bản không có văn hoá?
- Phải, không có văn hoá. - Dân chúng đồng thanh đáp.
- Nhưng họ sẵn tiền - Cuối cùng Lý Trọc nói.
Huynh Đệ Huynh Đệ - Dư Hoa Huynh Đệ