Số lần đọc/download: 3304 / 22
Cập nhật: 2015-10-23 04:58:42 +0700
Hồi 51: Lời Thề Chôn Sống Cuối Cùng Có Ứng Nghiệm Tình Vợ Chồng Hòa Hợp Rốt Cuộc Thành Không
N
ghe Thiết Quài tiên sinh kể chuyện, Chung Li Quyền vọt miệng nói:
- Đại khái là tinh quân biết chuyện, nhất định không đáp ứng Hằng Nga đâu.
- Ngươi đoán rất đúng. Nhưng ngươi đã ưa đoán, ta để cho ngươi đoán thử coi có phải Hậu Nghệ chịu tội chung một lượt với Hằng Nga, có nghĩa hắn là tiền thân của Phạm Kỷ Lương, hai người cùng bị đày xuống trần một lượt, đúng không?
Chung Li Quyền không cần suy nghĩ, đáp liền:
- Theo ý kiến ngu của đệ tử, Hậu Nghệ tuyệt đối không phải là tiền thân của Phạm Kỷ Lương, nên bất tất phải đày xuống trần một lượt với Hằng Nga. Hậu Nghệ mắc tội lớn, đã bị Ngọc đế kết án câu thúc năm ngàn năm, mới được phục hồi ngôi vị tinh tú. Thiên mệnh đã định, làm sao có thể chuyển đổi? Vả lại vợ chồng Mạnh Khương đã được sư tôn để ý giúp đỡ, đưa xuống âm ti, chuyển kiếp phàm trần, sư tôn lại dự bị độ cho họ xuất thế, đủ thấy tiền trình vợ chồng nhà đó sáng sủa phi thường, trong khi Hậu Nghệ là thứ ác ma, làm sao tốt số như thế? Đã thấy rõ nàng Mạnh Khương là Hằng Nga giáng phàm, mà Phạm Kỷ Lương phải là người khác với Hậu Nghệ, còn người đó lai lịch thế nào, vì sao được cùng nàng Mạnh Khương làm vợ chồng hai kiếp, thật tình đệ tử không thể biết được. Còn một điều này nữa: có bằng chứng rõ ràng là từ hàng ngàn năm nay, chúng ta nhìn lên mặt trăng có thể thấy một cây sa bà rất lớn, trên cành cây treo một giỏ cơm, dưới gốc có một người ngồi xổm, chính là Hậu Nghệ mà sư tôn đã nói tới cố sự. 1 Điều đó cho thấy Hậu Nghệ từ khi bị câu thúc đến giờ, Ngọc đế đã phán tội, chưa thấy có lý do gì để miễn giảm, e rằng năm ngàn năm sau, trắc Hổ tinh quan mới được phục hồi nguyên chức. Vậy nên, người ngồi dưới gốc cây trong mặt trăng, chịu tội cưa cây, vẫn là Hậu Nghệ.
Nghe lời bàn của Chung Li Quyền, mọi người đều cười. Thiết Quài tiên sinh cũng gật đầu tán thành:
- Cậu bé này quả thật rất thông minh. Không cần suy nghĩ, đã có kiến giải chính xác, không sai thực tế điểm nào. Đúng là tình cảm của Hằng Nga dành cho Hậu Nghệ càng ngày càng sâu đậm, tinh quân lẽ nào lại không nghe biết? Khi biết rõ, bà liền nổi giận, lập tức cho gọi Hằng Nga tới, trách mắng nghiêm khắc, bắt tội nàng đọa lạc hồng trần. Hằng Nga tự biết tội nặng, không dám xin tha, chỉ phục xuống đất mà khóc lóc, không nói một lời. Tinh quân cảm thấy bất nhẫn, vận dụng thần cơ, tính toán một hồi, bất giác nhăn mặt nhíu mày, buồn bã, cảm thương, liền bảo Hằng Nga đứng dậy, tới đứng hầu một bên, rồi ra lệnh tuyên triệu Nguyệt lão tiến lên điện, hỏi ông về chuyện hôn nhân của người trần gian: có phải những cặp trai gái không thể hảo hợp được miễn trừ quan hệ vợ chồng hay không? Nguyệt lão bẩm:
- Mọi việc đều có định số. Số đáng sum họp, muốn phân chia cũng không được. Cũng có số định rằng, chỉ có quan hệ trên danh nghĩa, chứ không có hôn duyên thực tại. Đối với quan hệ danh nghĩa này, số đã định trước từ năm trăm năm, không sao trốn thoát – Nguyệt lão lại bẩm: – Dám hỏi tinh quân, ngài hỏi điều này, có phải vì chuyện của Hằng Nga hay không?
Tinh quân khẽ gật đầu, Nguyệt lão lại nói:
- Việc này đã có số định trước. Hằng Nga có số phải cùng người phàm trần kết làm vợ chồng hai đời, sau đó mới lập định căn cơ, vĩnh viễn đứng vào tiên ban. Tinh quân bất tất phải vì nàng mà thương cảm trong lòng.
Tinh quân nghe vậy, gật đầu vài cái, cho Nguyệt lão lui ra. Nhân đó, quay nhìn Hằng Nga, nói:
- Ngươi bị đày xuống phàm trần lần này, chung qui là tự ngươi gây nên tội. Ta không thể để ngươi nuôi dưỡng mầm tình, nhiễu loạn cảnh thanh tĩnh nơi nguyệt phủ, phá hoại thể chế trang nghiêm của ta. Với những hành vi đó, ta đành phải trừng phạt ngươi, sau đó ngươi cũng không tránh khỏi luật trời xét xử đâu. Lúc đó, ngươi sẽ bị kết tội, đưa xuống chín từng địa ngục, dù cho chủ cũ của ngươi là Tây vương mẫu có nghĩ đến ngươi mà ban ơn, cũng không cứu nổi ngươi đâu. Chi bằng để ta giải quyết trước, tạm thời đày ngươi xuống phàm trần. Xuống đến đó, nếu ngươi biết làm một liệt nữ trinh tiết, hoặc tạo được nhiều công đức, có thể lấy công chuộc tội, trở lại tiên ban.
Hằng Nga lãnh chỉ, dập đầu lạy tạ, nuốt nước mắt mà rời khỏi sân điện. Tức thì có thủ hạ của tinh quân, là vị nữ tiên chuyên lo việc công, đốc thúc hai vị sai dịch đưa Hằng Nga ra khỏi cung trăng, dẫn về Dao Trì, triều bái vương mẫu. Vương mẫu trách cứ nặng nề, dặn dò người áp giải Hằng Nga:
- Ngươi trở về nói với công chúa rằng Hằng Nga đáng phải chuyển kiếp đầu thai, và việc này do ta giải quyết ổn thỏa, công chúa không cần phải bận tâm.
Người kia lạy tạ, ra về. Vương mẫu liền sai thư lại tra cho rõ nên cho Hằng Nga đầu sinh ở chỗ nào. Thư lại bẩm rằng vợ chồng nhà họ Mạnh trung hậu, thật thà, đáng được có một đứa con gái ngoan, vương mẫu liền sai đưa Hằng Nga đi đầu thai vào nhà họ Mạnh.
Hằng Nga dập đầu tạ ơn, từ biệt vương mẫu, đi theo quan viên hộ tống, rời khỏi cung Dao Tri, chầm chậm hướng về trung nguyên mà đi.
Trên đường mây, chợt thấy một đám mây trắng, trên mây có một cậu bé hình dung thanh tú, liếc thấy Hằng Nga, liền thúc đám mây, đi cùng đường với nàng. Hằng Nga thấy cậu bé nghi biểu khác thường, coi rất dễ thương, bất giác liếc mắt nhìn cậu. Không ngờ cậu bé tính nết nghịch ngợm, thấy Hằng Nga nhìn mình, liền toét miệng ra cưới, hỏi:
- Tỉ tỉ có phải Hằng Nga cô nương trên cung trăng đấy không?
- Cậu bé, sao cậu biết tên tôi?
- Tỉ tỉ đừng chê tôi nhỏ, tuổi tôi còn hơn tuổi tỉ tỉ gấp mấy lần nữa đó.
- Nói nhảm. Rõ ràng cậu chỉ là một đứa trẻ, sao có thể lớn tuổi hơn tôi?
Cậu bé cất tiếng cười hì hì:
- Nếu tôi đưa ra được chứng cứ, tỉ tỉ hứa làm vợ tôi nhé. Nếu tôi không có chứng cứ rõ ràng, tùy ý chị muốn đánh muốn mắng thế nào, tôi cũng không chống lại, cãi lại, được chưa?
Hằng Nga nghe vậy, bất giác ửng hồng đôi má, không biết nói sao. Chỉ nghĩ cậu này còn nhỏ, tính ưa giỡn cột, không có ý gì, lại nhìn cậu, thấy xinh xắn dễ thương, nàng mới nảy ý đùa giỡn với cậu một hồi cho vui, bèn nói:
- Giỏi cho cậu bé mặt dầy, không biết thẹn! Mới tí tuổi đầu, đã có ý muốn vợ! Có giỏi cứ đưa bằng chứng, đừng sợ tôi chẳng nể tình.
Cậu bé cười liền:
- Tỉ tỉ nói vậy là nhận lời tôi rồi đấy nhé. Này tỉ tỉ, chúng ta đều là thần tiên trên trời, một lời đã nói, như đinh đóng cột, không được cãi láo đấy nhé.
Hằng Nga cười, mắng yêu:
- Thằng lỏi miệng trơn như mỡ, nói năng bừa bãi, ta cãi không lại miệng ngươi.
Nào ngờ cậu bé đưa cánh tay nhỏ nhắn ra, nắm lấy vai Hằng Nga, không buông, ngước mặt lên cười, nói:
- Tỉ tỉ nói xấu tôi đủ thứ, mà vẫn chưa có câu nào hứa làm vợ tôi, cho thấy chị không chịu đáp ứng chút nào. Vậy tôi đưa bằng chứng để chị thấy tuổi tác của tôi hơn chị rất nhiều nhé.
Thiết Quài tiên sinh kể tới đó, mọi người đều cười lớn tiếng.
Chung Li Quyền lại càng thích thú, vỗ tay, giậm chân, nói:
- Sư phụ thấy đó, thần tiên cũng có đứa trẻ lí lắt, tại sao mấy người cứ mắng tôi là bướng bỉnh, đáng ghét?
Tuệ Thông nói:
- Người này tinh nghịch, còn lợi hại hơn cậu nữa. Nếu cậu muốn tu thành thần tiên, nên bái ông ta làm "sư phụ lí lắt", rồi kiếm một cô tiên nữ, lấy làm vợ, mới thật là lí lắt cũng có chỗ tốt đẹp! Lúc đó, chúng tôi cũng không dám chê cậu nghịch ngợm nữa.
Chung Li Quyền không dám nói tiếng nào nữa. Thiết Quài tiên sinh mới kể tiếp:
¬- Cậu bé này về sau chính là Phạm Kỷ Lương, vì muốn vợ mà phải chịu biết bao đau khổ.
Hằng Nga bị nắm vai đau nhói, bàn tay cậu nhỏ bé mà cứng như thép, gỡ không ra. Nàng bất giác kinh hãi, kêu lên:
- Thằng lỏi này sao có khí lực mạnh như vậy? Buông tay ra!
Ngươi cứ nắm như thế, chắc gãy cánh tay ta mất thôi!
Cậu bé chẳng chịu nghe lời, còn cười, nói:
- Chị đã thừa nhận tôi nói không sai rồi chứ? Nay gật đầu đi,.. tôi buông tay liền. Nếu không, đừng trách tôi nặng tay.
Hằng Nga lúc đầu chỉ muốn đùa giỡn cho vui, không ngờ cậu ta lợi hại như thế. Lại sợ cậu mạnh tay càng thêm khổ, đành gật đầu vài cái. Thấy nàng gật đầu, cậu bé mới chịu buông tay. Hằng Nga thẹn đỏ mặt, quay đầu nhìn chỗ khác, lùi lũi bước đi, không thèm ngó ngàng tới cậu bé. Cậu ta vội chạy lên trước, chắn ngang đường. Hằng Nga sợ cậu dụng võ, liền hét lên:
- Ngươi thật khinh người quá đáng. Điều đáng nói, chẳng chịu nói ra, chỉ đòi chiếm lấy tiện nghi, còn đạo lý gì nữa?
Bấy giờ cậu bé mới nói rõ cho nàng biết: cậu chính là em trai của Xích Cước đại tiên, tức Phi Phát tiên nhân 2, bẩm sinh có tính nghịch ngợm, khiến huynh trưởng chẳng hài lòng chút nào. Nhưng ông anh bản tính cũng ưa chọc phá, bạn bè ai cũng ngán ông vì thói chớt nhả. Nhưng ông lại không chịu cho thằng em nghịch ngợm, vì thế Phi Phát tiên nhân không để cho anh quản giáo.
Hằng Nga nghe chuyện, không nén nổi tiếng cười. Nàng vốn là người rất thông minh, mới nói:
- Cậu làm vậy là không nên, không phải chút nào. Chẳng qua là huynh trưởng vì thương yêu cậu mà mong muốn cho cậu được tốt lành đấy thôi. Có lẽ nào bản thân mình ưa quậy phá, lại ngăn cấm em trai nghịch ngợm? Điều đó cho thấy cậu chẳng chịu dụng công, tuy ở tiên ban mà căn cơ chưa vững, phải nên khắc khổ cần luyện mới được. Có đâu tùy tiện cợt nhả, gặp người chưa quen biết gì, đã bày trò điên đảo, chọc phá người ta? Nếu cậu muốn làm tiểu ca ca của tôi, thì chưa kịp bước chân qua cửa nhà chồng, tôi đã đập cho cậu một trận, mới mong cậu biết lỗi mà sửa đổi.
Phi Phát tiên nhân nói:
- Tỉ tỉ nói vậy cũng đúng, nhưng tại sao trẻ con không được học cười, lớn lên lại được tùy ý chọc ghẹo người khác?
Và cậu ta kể tiếp:
- Về sau có lần tôi theo ca ca cũng đi dự đại hội bàn đào, tôi chê quả đào đưa cho tôi quá nhỏ, nghĩ rằng vương mẫu chê tôi nhỏ con, chỉ nên ăn quả đào bé, mới hóa ra một côn trùng, bay vào vườn đào của vương mẫu để hái trộm đào. Nào ngờ vương mẫu có bản lãnh rất lớn, biết liền, vội sai người tới bắt tôi. Tôi hoảng quá, vội nhảy xuống đất, trúng phải chân một cô thị nữ sủng ái của vương mẫu, làm cô ta bị thương. Thị nữ trở về kêu khóc, tố cáo tôi. Tôi càng sợ thêm, tính trốn khỏi vườn đào. Nào ngờ huynh trưởng đi chân đất, dẫn dắt nhiều người tới bắt tôi. Tôi vừa thấy mặt huynh trưởng, liền to gan, liều lĩnh, chẳng những không chịu nhận tội, còn cãi lại huynh trưởng, vì thế mà mắc họa lớn. Vương mẫu ban pháp chỉ, nói trộm đào chẳng qua vì tính ưa phá phách, xét về tình có thể nương nhẹ, đạp chân thị nữ là do vô ý, cũng có thể dung tha, nhưng cãi lại huynh trưởng là trái luân thường, trong hàng ngũ thần tiên, sao có thể có kẻ vô phép, vô tắc như thế? Một mặt bà trách mắng huynh trưởng tôi không biết dạy dỗ em trai, một mặt sai đày tôi xuống phàm trần, nói rằng nếu không hối cải, sẽ đẩy xuống đường súc sinh, không có ngày xuất đầu lộ diện. Tỉ tỉ thử nghĩ giùm tôi, những việc như thế có đáng tức hay không đáng tức? Nay tôi muốn trở về hỏi lại ca ca cho rõ, rồi mới đành lòng đi xuống trần gian. Tỉ tỉ ơi, chúng ta vô ý gặp nhau giữa đường mây, lại đội ơn tỉ tỉ hẹn ước hôn nhân, quả là diễm phúc. Có xuống phàm trần, cũng chẳng còn gì đau khổ nữa.
Hằng Nga to tiếng:
- Nói nhảm! Hôn nhân đại sự, há có thể vì một câu nói bỡn mà thành? Ngươi chỉ vì ưa chọc phá, thích nói giỡn mà mắc đại họa. Đã bị trách phạt nghiêm khắc, đày xuống hồng trần, còn không chịu rửa tâm, sửa tính, giữa đường gặp nhau, chẳng kể quen biết hay không quen biết, cứ mở miệng nói năng bừa bãi, e rằng sau này ngươi chịu đau khổ không ít.
Phi Phát tiên nhân nghe vậy, nghiêm sắc mặt, nói to tiếng:
- Hì, hì, hì. Ai bảo chị dễ dãi hứa hôn với người ta làm chi! Chẳng phải tôi đã từng nói với chị rằng thần tiên không nói giỡn chơi, huống chi đây là việc lớn, lẽ nào lại có thể nói bỡn? Một lời đã nói, suốt đời không hối. Người phàm còn như thế huống chi mình là người tiên, lại có thể tùy tiện hối hôn được sao?
Nói rồi, đưa tay ra định nắm áo Hằng Nga. Hằng Nga trong lòng rất sợ, lại nghĩ tới câu Nguyệt lão đã nói, việc hôn nhân này đã định trước từ năm trăm năm nay, dù đúng hay sai, đã có định số há có thể dựa vào một câu nói bỡn của cậu bé để làm chuẩn đích? Vì thế, nàng mỉm cười, nói:
- Theo lời cậu nói, là cậu nhất định muốn tôi?
Phi Phát tiên nhân nghiêm sắc mặt, nói:
- Sao lại không đúng? Nói thực một câu, tôi không cần biết chị chịu hay không chịu, cũng không cần biết có người nào tranh đoạt với tôi hay không, tôi cũng không buông chị ra.
Nói đến đây thì vừa đi tới một tòa thành, Phi Phát tiên nhân chỉ vào thành trì đó, nói:
- Tôi xin thề với chị: nếu có người nào bắt tôi đi, đem tôi chôn sống bên góc thành, một đạo oan hồn của tôi cũng theo chị tới cùng.
Hằng Nga nghe nói xúc động mạnh, chưa thấy có ai cầu hôn với tình ý chân thành, khẩn thiết như thế, lặng yên suy nghĩ, chưa biết nói sao, Phi Phát tiên nhân đã nắm tay nàng, nói năng nhỏ nhẹ:
- Tôi nói đến thế, chị vẫn còn hoài nghi tấm lòng thành của tôi sao? Nói thật một câu, tỉ tỉ xuống tới phàm trần, làm thân con gái, lẽ nào lại không hứa gả? Đã cần lấy chồng, còn nề hà gì mà không cùng tôi kết mối thiên duyên?
Hằng Nga thẹn thùng, nói:
- Không giấu gì cậu, tôi vốn là thị nữ trên cung trăng, đã đứng vào tiên ban, tiêu diêu tự tại, chỉ vì chút lòng từ bi, thương người chồng cũ hung bạo, phạm tới luật trời, lẽ ra phải phát vãng âm ti, may nhờ ơn tinh quân, chỉ đày xuống chốn nhân gian. Đó là việc trước mắt, chưa biết còn phân xử ra sao. Nay giữa đường gặp cậu, vừa nói mấy câu, đã đem việc chung thân đính ước. Tuy nói rằng việc hôn nhân đại sự, năm trăm năm trước đã ghi rõ trong sổ của Nguyệt lão, nhưng tôi còn chưa hiểu ai sẽ là chồng tôi. Nếu quả là cậu thì là điều tốt đẹp hơn cả, vạn nhất lại là người khác, há không gây ra nhiều điều trắc trở, tạo thêm một tầng ma kiếp hay sao? Đó chính là tội trước chưa tiêu, nghiệp mới lại vướng. Cậu hãy suy nghĩ giùm tôi, làm sao giải quyết cho tốt đây?
Phi Phát tiên nhân cười, nói:
- Uổng cho chị đã liệt vào tiên ban từ lâu, vẫn chưa hiểu rõ hai chữ "nhân duyên". Hai người có duyên với nhau, dù cách xa ngàn dặm cũng có tơ hồng buộc chân, hai người không có duyên, đối mặt nhau cũng gặp nhiều điều trắc trở. Nay chúng ta giữa đường gặp nhau, chính là trời khéo dun dủi cho cuộc tương phùng, vậy không phải là đã có tiền duyên hay sao? Đã có tiền duyên, chính là nhân duyên. Nếu không phải vậy, tại sao chúng ta, một người ở tít bên Đông, một người ở tít bên Tây, lại cùng bị đày xuống trần một lúc, giữa đường gặp nhau? Thử hỏi những nhân duyên của người trần thế, có mối nhân duyên nào may mắn như vậy?
Hằng Nga phì cười, nói:
- Cậu lẻo mồm lẻo mép nói chuyện nhân duyên, chẳng qua chỉ là nhắm mắt đoán mò thôi. Thôi thôi, cậu đã mười phần thành tâm, lẽ nào tôi lại không đáp ứng?
Phi Phát tiên nhân cả mừng, vội hỏi:
- Tỉ tỉ, chị đã nói vậy, không đổi lòng nữa đấy chứ?
- Tôi đã hứa với cậu, lẽ nào lại thay lòng đổi dạ?
Đến đây, hai người đã đi tới một con sông rộng, bên trái con sông là một quả núi, hai người mới chỉ sông núi mà thề nguyền.
Sau đó chia tay, mỗi người đi một ngả.
Theo lý mà nói, hai người kết nhân duyên lần này, có thể kể là thiên duyên xảo hợp. Nhưng họ cùng vì mắc tội mà đày xuống trần, thì tội trời dứt khoát là không thoát khỏi. Mới chịu tội, lại tạo thêm một nghiệt chướng, mà mong chuyện vợ chồng hảo hợp, sống bên nhau tới thủa răng long đầu bạc, thì quả thật là không tưởng. Thế gian đã mấy kẻ được hưởng phúc phận đó? Vì thế, việc hôn nhân của Phạm Kỷ Lương và Mạnh Khương được thành tựu đã là quá lòng trông mong, rốt cuộc cũng chỉ là hư danh mà thôi.
Nghe Thiết Quài tiên sinh kể tới một đoạn thảm sử của Phạm, Mạnh, Tuệ Thông lại hỏi:
- Việc hôn nhân của hai người đó đã thành trăng dưới nước, hoa trong gương, vì sao họ còn phải chịu thảm hình?
Chẳng cần hỏi nhiều. Nói tóm một câu, hai người đã không biết tự kiểm soát, mới mắc vạ. Vừa quên đau khổ, giữa đường gặp nhau, đã nói những câu không đàng hoàng, đến nỗi tự đính ước hôn nhân, là điều ông trời rất ghét.
Hà tiên cô lại hỏi:
- Tần Chính tàn bạo như thế, sao chưa thấy báo ứng?
- Ở trên núi đây mới qua hai ngày, dưới trần thế đã trải mấy tháng. Các cô ẩn cư động phủ, làm sao biết được những biến cố lớn trên đời? Hiện tại, Tần Chính đã về âm tào, đang bị thẩm vấn. Con trai ông ta là Hồ Hợi đã nối ngôi, xưng là Nhị Thế hoàng đế. Câu sấm ta nói: "Làm mất nhà Tần là Hồ" chẳng bao lâu sẽ thành hiện thực.
Mọi người nghe vậy, chợt hiểu ra, nói:
- Thì ra làm mất nhà Tần là Hồ chính là nói về Hồ Hợi, chúng tôi đều đoán không ra, làm sao Tần Thủy Hoàng có thể nghĩ tới con trai mình.
Thiết Quài tiên sinh lại hỏi Hà tiên cô:
- Các cô có biết Tần hoàng chết ra sao không?
Mọi người nghe hỏi đều ngạc nhiên, nói:
- Chúng đệ tử đang muốn thỉnh giáo đây.
Thiết Quài tiên sinh đang định trả lời, chợt nghe ngoài thạch động có tiếng ào ào, một trận gió nổi lên, giây lát yên lặng. Thiết Quài tiên sinh cười, nói:
- Phi Phi ra ngoài xem thử. Dương sư huynh của ngươi tới đó.
Chú thích
1 Những lúc trăng thật sáng, người ta nhìn thấy hình dáng một cây cổ thụ, nên người Việt chúng ta đặt ra truyền thuyết về "chú Cuội ngồi gốc cây đa, để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời", người Trung Hoa lại nhìn ra người đó lả Hậu Nghệ, trước sau vẫn chưa rời khỏi gốc cây sa bà.
2 "Đại tiên ơi chân đất" và " Người tiên xỏa tóc", hai ông tiên quậy trong các cố sự Trung Quốc.