Số lần đọc/download: 3369 / 104
Cập nhật: 2018-10-15 20:01:31 +0700
Chương 51 - Sĩ Quan
T
rong khi đó, Giáo chủ mong đợi những tin tức từ nước Anh nhưng chẳng thấy gì nếu không phải những tin tức gây bực mình hoặc hăm dọa.
Cho dù La Rochelle có bị vây chặt và thành công có vẻ đã chắc trong tay nhờ những biện pháp phòng ngự và nhất là con đê, không cho bất cứ con thuyền nào lọt vào thành phố bị bao vây, thì cuộc vây hãm vẫn cứ phải kéo dài thêm nữa và đó là một nỗi nhục lớn đối các binh chủng của nhà Vua, một sự bực mình lớn đối với Giáo chủ khiến ông ta không thiết gây rắc rối giữa Louis XIII và Anne Autriche nữa, đúng vậy, vì chuyện đó đã xong rồi, mà phải hàn gắn mối bất hòa giữa ông Bassompirre với Quận công Angoulême.
Còn Hoàng đệ, người mở đầu cuộc bao vây nay để mặc Giáo chủ lo việc hoàn tất.
Thành phố, mặc dầu sự kiên gan không thể tưởng tượng nổi của viên thị trưởng, vẫn toan tính nổi loạn để đầu hàng. Viên thị trưởng đã cho treo cổ những kẻ bạo loạn. Việc hành hình đó đã làm dịu bớt những cái đầu bất trị nhất, họ quyết định thôi đành chết đói. Cái chết đó luôn có vẻ chậm chạp hơn và kém chắc chắn hơn cái chết bị treo cổ.
Về phía mình, thỉnh thoảng quân vây thành lại bắt được những phái viên của quân Rochelle phái đến Buckingham hoặc những điệp viên mà Buckingham gửi tới cho quân Rochelle. Đối với cả loại này lẫn loại kia, bản án được đưa ra nhanh chóng.
Giáo chủ chỉ nói mỗi một câu: Treo cổ! Người ta mời nhà Vua xem treo cổ. Nhà vua đến, người mệt lử, ngồi ở một chỗ tốt để xem rõ từng chi tiết việc hành quyết. Việc đó luôn làm Ngài khuây khỏa đôi chút và khiến Ngài kiên nhẫn hơn trong việc bao vây nhưng không ngăn nổi Ngài phiền muộn rất nhiều, và lúc nào cũng nói đến việc trở về Paris, thành thử nếu bọn phái viên và điệp viên không xuất hiện, thì Đức ông, mặc dù sức tưởng tượng phong phú của mình, cũng thấy rất lúng túng.
Song, thời gian cứ trôi đi, quân Rochelle không đầu hàng. Tên gián điệp cuối cùng bị bắt là một kẻ mang một bức thư. Bức thư nói rõ với Buckingham là thành phố đã chịu đựng đến cùng rồi, nhưng đáng lẽ thêm rằng: "Nếu việc cứu viện của ngài, trước mười lăm ngày nữa, không đến, chúng tôi sẽ đầu hàng" lại chỉ đơn giản như sau: "Nếu trong vòng mười lăm ngày việc cứu viện của ngài không tới, thì khi tới chúng tôi đã chết đói hết rồi?"
- Vậy là quân Rochelle chỉ hy vọng vào Buckingham.
Buckingham là chúa cứu thế của họ. Rõ ràng là nếu một ngày nào đó họ biết một cách chắc chắn rằng không nên trông cậy vào Buckingham nữa, thì lòng dũng cảm của họ sẽ rơi rụng cùng với hy vọng của họ.
Cho nên Giáo chủ rất nóng lòng mong đợi những tin tức từ nước Anh đáng lẽ phải thông báo là Buckingham sẽ không đến nữa.
Vấn đề chiếm thành phố bằng sức mạnh thường được tranh luận trong hội nghị của nhà Vua, luôn bị gạt bỏ. Trước hết vì La Rochelle có vẻ không thể đánh chiếm, rồi Giáo chủ, cho dù ông đã nói, ông biết thừa nỗi kinh hoàng vì máu đổ trong cuộc đối đầu này nơi người Pháp phải chiến đấu chống người Pháp, là một thoái trào chính trị tới sáu mươi năm. Mà Giáo chủ vào thời kỳ này lại được người ta gọi là một con người cấp tiến. Quả thật cuộc cướp phá thành La Rochelle và vụ tàn sát ba bốn nghìn người theo giáo phái Canvanh năm 1628 quá giống cuộc thảm sát Saint Báctêlêmy năm 1572(1), và rồi trên tất những cái đó cái thủ đoạn cực đoan mà nhà vua, một tín đồ Cơ đốc ngoan đạo không ghê tay luôn bị thất bại trước lý lẽ của các tướng lĩnh vây thành: ngoài nạn đói ra, La Rochelle không thể nào bị chiếm.
Giáo chủ không thể gạt ra khỏi trí não nỗi sợ mà người nữ mật sứ đáng sợ đã gieo vào, bởi ông, chính ông cũng hiểu sự mất cân bằng kỳ lạ, lúc là rắn lúc là sư tử của người đàn bà này. Mụ ta đã phản bội? Mụ chết rồi chăng? Dẫu sao ông cũng khá hiểu rõ mụ để biết rằng trong khi hành động cho ông hoặc chống lại ông, là bạn hay là thù của ông, mụ cũng không chịu im ắng như thế nếu không gặp những trở ngại lớn. Nhưng từ đâu ra những trở ngại ấy? Đó là điều ông chưa thể biết.
Vả chăng, ông vẫn có lý do để trông cậy vào Milady, ông đã đoán ra trong quá khứ, người đàn bà ấy đã có những chuyện đáng sợ mà chỉ chiếc áo đỏ Giáo chủ của ông thôi mới có thể che đậy và ông cảm thấy rằng, vì một nguyên nhân này hay nguyên nhân khác, người đàn bà đã thuộc về ông ấy chỉ có thể tìm thấy ở ông một chỗ dựa vượt lên trên mối nguy đang đe dọa mụ, vì vậy, ông quyết định tiến hành chiến tranh một mình mình và chỉ trông đợi vào mọi thành công còn xa lạ với ông như người ta trông đợi một vận may. Ông tiếp tục cho nâng cao thêm con đê nổi tiếng để làm đói La Rochelle, trong khi chờ đợi ông phóng mắt nhìn cái thành phố khốn khổ, chất chứa bao nỗi khốn cùng sâu xa cũng như bao đức tính anh hùng và nhớ đến câu nói của vua Louis XI, bậc tiền bối chính trị của ông, cũng như bản thân ông lại là bậc tiền bối của Rôbétxpie, ông lại nhớ câu châm ngôn của cha đỡ đầu của Trítxtăng(2) "chia để trị".
Henri IV khi vây hãm Paris đã cho ném qua tường thành bánh mì và thực phẩm. Ở đây Giáo chủ cho ném truyền đơn vào trong đó trình bầy cho dân Rochelle rõ cách đối xử bất công ích kỷ, dã man của bọn chỉ huy, bọn chỉ huy thừa mứa lúa mì mà không đem chia cho họ, bọn chúng áp dụng phương châm ấy, bởi chính bọn chúng cũng có những phương châm, rằng phụ nữ, trẻ con và người già có chết cũng chẳng sao, miễn là đàn ông bảo vệ thành lũy thì phải sống khỏe mạnh và được ăn mặc đầy đủ. Cho đến lúc này, do vì nghĩa vụ hoặc do bất lực không phản ứng lại được, cái phương châm đó không được chấp nhận về đại thể, tuy nhiên đã chuyển từ lý thuyết thành thực hành. Nhưng những tờ truyền đơn bay tới cũng có tác dụng công kích. Những truyền đơn nhắc nhở những người đàn ông rằng trẻ con, đàn bà, người già bị bỏ chết ấy chính là con cái họ, vợ họ và cha họ, rằng sẽ công bằng hơn nếu mỗi người đều chịu chung cảnh khốn cùng, có cùng chung cảnh ngộ thì mới có được những quyết định thống nhất.
Những tờ truyền đơn đó đã phát huy hiệu quả mà những người viết ra có thể trông đợi. Một số đông cư dân đã quyết định mở những cuộc thương lượng riêng với quân đội nhà Vua.
Nhưng đúng lúc Giáo chủ thấy phương sách của mình đã có hiệu quả và lấy làm mừng vì đã áp dụng phương sách đó thì một cư dân của La Rochelle đã có thể vượt qua những phòng tuyến quân đội hoàng gia như thế nào có trời mới biết, dù cho những kiểm soát gắt gao của các ông Bassompirre, De Xkombéc, Công tước Ănggulêm, và rồi chính họ lại bị Giáo chủ giám sát, một cư dân ở La Rochelle đến từ cảng Portsmouth và nói rằng, trước đây tám ngày thấy một hạm đội hùng hậu sẫn sàng giương buồm. Thêm nữa, Buckingham đã thông báo cho ông thị trưởng rằng một liên minh to lớn chống nước Pháp sắp sửa ra mắt, và vương quốc Pháp sắp bị quân Anh, Tây Ban Nha và đế quốc Áo xâm lược.
Bức thông điệp được đọc công khai trên tất cả các quảng trường, các bản sao được dán ở các góc phố, và ngay những người đã bắt đầu mở những cuộc thương lượng cũng đình lại, quyết định chờ cứu viện như đã được huyênh hoang công bố.
Tình thế bất ngờ đó khiến cho Richelieu bắt đầu lo lắng, buộc ông bất đắc dĩ phải quay mặt nhìn về phía bên kia bờ biển.
Trong khi đó, bất chấp những lo lắng của vị chỉ huy đích thực và duy nhất, binh lính quân đội nhà vua vẫn sống vui tươi, thực phẩm không thiếu ở doanh trại, tiền bạc cũng vậy, mọi đơn vị đối đầu nhau xem ai gan dạ và vui chơi thỏa thích hơn ai. Bắt gián điệp và đem treo cổ, tiến hành đột kích trên đê hay trên biển, tưởng tượng ra những trò rồ dại rồi thực hiện một cách lạnh lùng, đó là những trò giết thì giờ để tìm cách rút ngắn thời gian trong quân ngũ quá dài, còn quá dài chẳng những với dân Rochelle đang bị nạn đói và nỗi lo âu gậm nhấm mà cả với Giáo chủ đang vây hãm họ rất ác liệt.
Đôi khi, khi Giáo chủ cưỡi trên lưng ngựa như một gã cảnh sát quân sự cuối cùng của quân đội, đưa con mắt đăm chiêu nhìn những công trình mà ông đã ra lệnh huy động các kỹ sư của khắp nước Pháp đến đây để tôn cao lên, lại diễn ra quá chậm trễ không theo mong muốn của ông, nếu khi đó, gặp một lính ngự lâm của đại đội ông De Treville, ông liền lại gần, nhìn người đó một cách lạ thường, và nếu nhận ra đó không phải là một trong bốn người bạn, ông lại để con mắt thâm trầm và ý nghĩ mông lung hướng về nơi khác.
Một hôm, không còn hy vọng vào những cuộc điều đình với thành phố, không chút tin tức gì từ nước Anh, bị nỗi phiền muộn chết người gậm nhấm, Giáo chủ đi ra ngoài không có mục đích nào khác là chỉ để ra ngoài, cùng đi chỉ có Cahuxắc và Lahuđinie. Ông đi dọc theo bờ cát và hòa trộn những giấc mơ bao la của mình vào sự bao la của đại dương. Ông thong thả cho ngựa đi bước một lên một ngọn đồi, trên đỉnh đồi đằng sau một hàng giậu, ông bắt gặp bẩy người, xung quanh là những chai rượu rỗng, nằm dài trên cát đón những tia nắng mặt trời hiếm hoi trong tiết mùa đông này. Bốn người trong số đó là bốn chàng ngự lâm quân đang chuẩn bị nghe đọc một bức thư mà trong người trong bọn họ vừa nhận được. Bức thư này rất quan trọng đến nỗi nó làm cho họ bỏ mặc cả những lá bài và quân xúc xắc trên mặt trống.
Ba người khác lo việc mở nắp một bình rượu vang Côkina khổng lồ. Đó là mấy người hầu của mấy người kia.
Giáo chủ đang u sầu, và trong tâm trạng ấy, không gì làm tăng gấp bội nỗi bực tức bằng sự vui tươi của những người khác.
Vả lại, ông vốn có một thiên kiến kỳ quái, đó là luôn tin rằng chính nỗi buồn của ông là nguyên nhân làm cho những kẻ khác vui thích.
Ra hiệu cho La Huđinie và Cahuxắc dừng lại, ông xuống ngựa lại gần những kẻ cười cợt đáng ngờ, hy vọng nhờ đi trên cát, nên tiếng bước chân không bị nghe thấy và hàng giậu che khuất ông đi đến, ông có thể nghe được vài câu của cuộc chuyện trò này đối với ông có vẻ rất thú vị. Đến cách hàng giậu chỉ mươi bước ông đã nhận ra giọng thổ ngữ Gascogne, và vì đã biết những người này đều là ngự lâm quân, ông chẳng còn ngờ gì nữa là ba người kia là những người mà người ta gọi là ba chàng nối khố, nghĩa là Athos, Porthos, Aramis.
Việc phát hiện ra mấy chàng này chỉ làm Giáo chủ tăng thêm ham muốn được nghe thấy cuộc trò chuyện. Đôi mắt ông lạ hẳn đi, với bước chân của loài mèo rừng ông tiến đến bờ giậu nhưng ông chỉ vừa nghe thấy những âm tiết mơ hồ, không có nghĩa nào rõ rệt, thì một tiếng kêu thất thanh làm ông giật bắn mình và khiến mấy chàng ngự lâm chú ý.
- Sĩ quan! - Grimaud kêu váng lên.
- Ai cho anh nói? Đồ khốn! - Athos chống tay nhổm dậy nhìn Grimaud bằng con mắt nảy lừa làm anh ta ngẩn ra.
Grimaud không nói thêm một lời nào nữa, đành chỉ tay về phía hàng giậu phát giác Giáo chủ và tùy tùng.
Bốn chàng ngự lâm chồm ngay dậy và đứng nghiêm chào kính cẩn.
Giáo chủ hình như có vẻ giận dữ. Ông nói:
- Hình như các vị ngự lâm quân bố trí những người này canh phòng cho mình? Phải chăng bọn Anh đến bằng đường bộ, hay các ông ngự lâm quân tự coi mình là sĩ quan cao cấp?
- Thưa Đức ông - Athos trả lời, bởi giữa lúc tất cả cùng hoảng sợ, chỉ còn mỗi mình chàng là vẫn giữ được tính điềm đạm và thản nhiên của một bậc đại lãnh chúa không bao giờ thiếu được ở chàng - Thưa Đức ông, những người lính ngự lâm khi không bận làm nhiệm vụ hoặc khi đã làm xong nhiệm vụ, họ uống rượu và chơi xúc xắc và họ là những sĩ quan rất cao cấp đối với những người hầu của họ.
- Những người hầu! - Giáo chủ càu nhàu - những người hầu được lệnh báo cho chủ mình khi có ai đó đi qua, đó không hề là những người hầu, đó là những tên lính gác.
- Tuy nhiên Đức ông thấy quá rõ, nếu không đề phòng trước như vậy, thì chúng tôi đã để ngài đi qua mà không được bày tỏ lòng kính trọng và sự biết ơn vì ngài đã ban cho chúng tôi được xum họp cùng nhau - Athos tiếp tục - D'Artagnan, vừa nãy, anh vẫn mong có dịp bày tỏ lòng biết ơn với Đức ông, giờ Đức ông đã đến đây, hãy lợi dụng cơ hội này đi.
Athos nói ra những câu ấy với vẻ thản nhiên bình lặng thường làm tôn bật chàng lên trong những giờ phút hiểm nguy và sự lễ độ thái quá ấy đôi lúc thường làm chàng như một ông vua còn đường bệ hơn cả những ông vua dòng dõi.
D'Artagnan lại gần và ấp úng mấy câu cám ơn rồi tịt mất trước cái nhìn sa sầm lại của Giáo chủ.
Giáo chủ không tỏ ra bị lạc hướng ý đồ ban đầu của mình bởi sự phá bĩnh của Athos nêu lên, liền tiếp tục:
- Không sao, các vị, không sao, ta chỉ không thích thấy những gã mới là lính thôi, bởi thấy mình hơn người, được phục vụ trong một đơn vị được biệt đãi lại làm ra vẻ các đại lãnh chúa như thế và kỷ luật thì đối với họ cũng vẫn là kỷ luật chung cho mọi người.
Athos để cho Giáo chủ nói xong xuôi, liền nghiêng đầu tỏ vẻ đồng tình, đến lượt mình nói tiếp:
- Kỷ luật, thưa Đức ông, tôi hy vọng, bất cứ mặt nào, chúng tôi cũng không sao lãng. Chúng tôi chưa được giao nhiệm vụ và chúng tôi nghĩ rằng, vì không làm nhiệm vụ, chúng tôi có thể bố trí thời gian sao cho tốt nhất với mình. Nếu như có đôi chút may mắn được Đức ông trao cho một mệnh lệnh đặc biệt nào đó, chúng tôi sẵn sàng tuân lệnh ngay - Athos vừa tiếp tục nói vừa cau mày lại bởi cái lối thẩm vấn đó bắt đầu làm chàng cáu bực - Đức ông cũng thấy, để sẵn sàng, kể cả trước những báo động nhỏ nhất, chúng tôi đã ra ngoài không rời vũ khí.
Và chàng chỉ cho Giáo chủ bốn khẩu hỏa mai bó lại bên cái trống, trên trống lăn lóc quân xúc xắc và quân bài.
- Mong Đức ông tin rằng - D'Artagnan nói thêm - chúng tôi đâu có cho rằng Đức ông lại đến với chúng tôi bằng một đoàn bé nhỏ như thế này, nếu biết thế chúng tôi đã ra nghênh đón trước ngài rồi.
Giáo chủ cắn ria mép rồi cắn môi, nói:
- Các ông có biết giống ai không, luôn luôn tụ họp, như bây giờ đây này, vũ khí trong tay, người hầu canh phòng, các ông giống như bốn kẻ đồng mưu.
- Ồ! Về việc này, thưa Đức ông, đúng là như vậy - Athos nói - Chúng tôi đang mưu tính, như Đức ông có thể thấy buổi sáng hôm nào đó, chỉ để chống lại bọn Rochelle.
- Này, các nhà chính trị!- Giáo chủ đển lượt mình cũng cau mày lại nói tiếp - có lẽ người ta sẽ tìm thấy trong đầu các ông biết bao điều bí mật còn chưa được biết, nếu như người ta có thể đọc được ở trong đó như các ông đọc trong bức thư mà các ông đã giấu đi khi thấy ta đến.
Mặt Athos đỏ bừng lên, chàng bước một bước tiến lại gần Giáo chủ.
- Thưa Đức ông, ngài nghi ngờ chúng tôi thực mất rồi, và chúng tôi đang phải chịu một cuộc thẩm vấn đích thực. Nếu đã như vậy, xin Đức ông hạ cố giải thích cho để ít nhất chúng tôi cũng biết cách xử sự.
- Và khi nào đây là một cuộc thẩm vấn - Giáo chủ nói tiếp - thì là những kẻ khác chứ không phải các ông phải chịu thẩm vấn và phải trả lời, ông Athos ạ.
- Thế cho nên, thưa Đức ông, tôi đã chẳng nói với Đức ông là ngài cứ việc hỏi và chúng tôi sẵn sàng trả lời là gì.
- Bức thư mà các ông định đọc là bức thư gì, mà ông đã giấu đó, ông Aramis?
- Thưa Đức ông, thư đàn bà.
- Ồ ta hiểu - Giáo chủ nói - những loại thư ấy thì phải kín đáo rồi. Nhưng tuy nhiên người ta có thể đưa cho cha xưng tội xem, và ông biết đấy, ta có quyền ấy.
- Thưa Đức ông - Athos nói với một vẻ bình thản còn đáng sợ hơn cả việc mình đem đầu ra đặt vào câu trả lời này - bức thư đó là của một người đàn bà nhưng không ký tên Marion Delorme, cũng không ký tiểu thư De Eghiông(3).
Giáo chủ tái mặt lại như da người chết, một tia mắt thú dữ lóe lên trong mắt ông, ông quay phắt lại như thể ra lệnh cho Cahuxắc và La Huđinie, Athos thấy động thái độ liền bước lại ngay chỗ để súng. Ba người kia mắt cũng chăm chăm nhìn súng ở tư thế không chịu để bị bắt giữ. Về phía giáo chủ, ông chỉ có ba. Ngự lâm quân kể cả người hầu là bẩy. Giáo chủ nghĩ ngay, dù Athos và đồng bọn có âm mưu thực sự thì vẫn cứ không cân sức, ông lật ngược ngay tình thế và ông vẫn luôn luôn như thế, mọi sự tức giận tan biến thành một nụ cười.
- Thôi nào, thôi nào! - Ông nói - Các ông là những chàng trai trẻ can trường, kiêu hãnh trước mặt trời, chung thủy trong bóng tối, chẳng có điều gì xấu khi chăm lo cho mình, sau khi đã chăm lo đầy đủ cho người khác. Các ông ạ, ta không hề quên cái đêm mà các ông đã hộ tống ta đến quán Chuồng chim câu Đỏ. Nếu như có điều gì nguy hiểm đáng sợ trên con đường ta sắp đi đây, ta sẽ yêu cầu các ông đi cùng ta, nhưng vì không có chuyện gì, các ông cứ việc ở lại, uống nốt những chai rượu, chơi nốt ván bài và đọc xong bức thư đi. Tạm biệt các ông.
Rồi, nhảy lên lưng con ngựa Cahuxắc vừa dắt đến, ông giơ tay chào mọi người và đi mất.
Mọi người nhìn nhau.
Ai nấy mặt mũi đều bàng hoàng bởi mặc dầu bề ngoài chào thân thiện, nhưng tất cả đều hiểu trong lòng, Giáo chủ điên lên lúc ra đi.
Chỉ mỗi Athos là mỉm cười, một nụ cười mạnh mẽ và khinh thị. Khi Giáo chủ đã ra khỏi tầm nhìn và tầm nghe, Porthos nói to:
- Cái thằng Grimaud này báo chậm quá! - Porthos muốn trút nỗi bực bội lên một ai đó.
Grimaud định trả lời để bào chữa, Athos giơ ngón tay lên và Grimaud im mất.
D'Artagnan hỏi:
- Aramis, anh định đưa bức thư à?
- Mình ư, - Aramis nói bằng một giọng véo von - mình đã quyết định nếu ông ta cứ nằng nặc đòi đưa cho ông ta bức thư, thì một tay mình đưa thư, tay kia mình sẽ đưa gươm của mình xuyên qua người ông ta.
- Mình cũng nghĩ y như vậy - Athos nói - Vì vậy mà mình đã lao vào ngăn giữa cậu và ông ta. Thật ra, con người đó ăn nói như thế với người khác là quá dại. Nghe nói bao giờ ông ta cũng chỉ gây chuyện với đàn bà và trẻ con.
- Anh Athos thân mến - D'Artagnan nói - Tôi phục anh đấy. Nhưng rút cuộc, chúng ta cũng sai đấy.
- Sao, sai ư? - Athos nói - Vậy cái không khí mà chúng ta thở này là của ai? Của ai cái đại dương mà tầm mắt của chúng ta trải ra xa tắp? Lớp cát chúng ta nằm này là của ai? Bức thư của người tình của cậu này là gửi cho ai? Của Giáo chủ hẳn? Mình thề là cái con người đó cứ tưởng cả thế giới này đều thuộc về mình. Cậu đứng đó, ấp úng, hoang mang, kinh hồn. Làm như Bastille lù lù trước mắt cậu và nữ thần khổng lồ Mêđuydơ(4) biến cậu thành đá. Xem nào, si tình mà lại là âm mưu ư? Cậu si mê một người đàn bà mà Giáo chủ đã cho giam lại, cậu muốn kéo nàng ra khỏi bàn tay của Giáo chủ. Đây là một canh bạc cậu chơi với Đức ông. Bức thư đó, là nước bài của cậu. Tại sao cậu lại phô nước bài của mình ra cho đối phương? Không thể làm thế được ông ta cứ việc đoán, tốt thôi. Chúng ta cũng đoán nước bài của ông ta
- Suy đến cùng - D'Artagnan nói - Athos ạ, những điều anh vừa nói mang nhiều ý nghĩa lắm.
Đã vậy thì không còn vấn đề vừa xảy ra nữa, và Aramis đọc tiếp bức thư của cô em họ mà Giáo chủ làm đứt đoạn đi.
Aramis rút bức thư từ trong túi ra, ba người bạn chụm lại và ba người hầu cũng lại quây vào bên cái bình rượu.
- Anh mới đọc được một vài dòng thôi - D'Artagnan nói - Anh đọc lại từ đầu đi.
- Xin sẵn sàng! - Aramis nói.
"Anh họ thân mến, em tin thế nào em cũng sẽ đi Xtơnay nơi chị em đã đưa cô hầu gái bé nhỏ của chúng ta vào ở trong tu viện của những nữ tu sĩ thuộc giáo phái Cácme(5). Cô bé tội nghiệp đó phải cam chịu, nó biết rằng nó không thể sống ở nơi nào khác mà sự cứu rỗi linh hồn nó không bị nguy hiểm. Tuy nhiên nếu những công việc trong gia đình chúng em được thu xếp ổn thỏa như chúng em mong muốn, em tin rằng cô bé thoát khỏi nguy cơ gánh kiếp đọa đày, sẽ được trở lại bên những người cô bé nhớ tiếc, nhất là nó lại biết người ta luôn nghĩ đến nó. Trong khi chờ đợi cô bé cũng không đến nỗi khốn khổ lắm đâu. Tất cả những gì nó mong ước đó là một bức thư của người hẹn ước. Em biết những loại vật phẩm như thế rất khó vượt qua lưới sắt. Nhưng rút cục như em đã cho anh những bằng chứng, anh họ thân mến, em không đến nỗi quá vụng về và em sẽ đảm nhiệm việc đó. Chị em cảm ơn anh về kỷ niệm tốt và vĩnh hằng của anh. Có lúc chị em cũng rất lo lắng. Nhưng cuối cùng bây giờ chị ấy cũng đã đôi chút yên tâm và đã phái người tới đó để không xảy ra một điều gì bất ngờ. Tạm biệt, anh họ thân mến, cho chúng em biết tin tức về anh càng thường xuyên càng tốt, nghĩa là bất cứ lúc nào mà anh tin có thể gửi đi chắc chắn.
Hôn anh.
Marie Mítsông
- Ôi! Aramis! Tôi phải chịu ơn anh nhiều lắm! - D'Artagnan kêu lên - Constance yêu dấu! Thế là ta cũng đã có được tin tức của em rồi. Em còn sống. Em được an toàn trong một tu viện, em ở Xtơnay? Xtơnay ở đâu anh Athos?
- Ở Loren, cách vùng biên giới Andátx mấy dặm. Một khi cuộc vây hãm này được gỡ bỏ, chúng ta có thể làm một chuyến đến đấy.
- Cũng không lâu đâu, phải hy vọng thế - Porthos nói - Bởi sáng nay đã treo cổ một tên gián điệp, tên này khai bọn Rochelle đã phải ăn cả da giầy. Giả dụ sau khi ăn hết da, chúng phải ăn đến đế giầy, rồi hết đế thì còn gì để ăn, trừ phi chúng ăn lẫn nhau.
- Những kẻ dại dột đáng thương - Athos vừa nói vừa uống cạn cốc rượu vang Boócđô trứ danh, hồi đó còn chưa nổi tiếng như ngày nay, nhưng không phải hạng xoàng - Những kẻ dại dột đáng thương! Làm như Cơ đốc giáo không phải là thứ tôn giáo lợi lộc nhất và dễ chịu nhất trong các tôn giáo ấy? Mà cũng thế thôi - chàng chặc lưỡi nói tiếp - Đó là những chàng trai trẻ can trường. Mà cậu làm cái quái gì thế hả Aramis? - Athos tiếp tục - cậu khư khư ôm lấy cái thư trong túi cậu ư?
- Phải đấy - D'Artagnan nói - anh Athos nói đúng đấy, phải đốt đi thôi. Phải đốt đi đốt lại ấy, ai biết đâu nhỡ Giáo chủ có bí quyết hỏi cung được tàn tro?
- Ông ta hẳn là có đấy - Aramis nói - Vậy anh định làm thế nào bức thư ấy? - Porthos hỏi.
- Lại đây, Grimaud - Athos nói.
Grimaud đứng lên và tuân lệnh.
- Để phạt ngươi tội nói không xin phép, anh bạn ạ, ngươi phải nuốt mẩu giấy này, rồi để thưởng cho ngươi đã giúp chúng ta một việc tốt, ngươi hãy uống tiếp cốc rượu vang này. Bức thư đây nhai thật kỹ vào.
Grimaud mỉm cười, đôi mắt dán vào chiếc cốc mà Athos vừa rót đầy tràn, gã nghiền nát mẩu giấy và nuốt chửng.
- Hoan hô, thầy Grimaud - Athos nói - Và bây giờ cầm lấy cốc rượu này. Tốt lắm, không cần cám ơn đâu.
Grimaud lặng lẽ uống cốc vang Boócđô nhưng mắt lại ngước lên trời nói bằng thứ ngôn ngữ như thể người câm nhưng không kém biểu cảm trong cả quãng thời gian kéo dài cái việc làm dễ chịu này.
- Và bây giờ - Athos nói - trừ phi ngài Giáo chủ nghĩ ra chuyện mổ bụng Grimaud, còn thì tôi tin chúng ta có thể yên tâm được rồi.
Trong khi đó, Giáo chủ đang tiếp tục cuộc dạo chơi u trầm, miệng lẩm bẩm giữa hai hàng ria:
- Dứt khoát, bốn con người ấy phải thuộc về ta.
Chú thích:
(1) Vụ thảm sát những giáo đồ Tin lành dưới triều vua Charles IX theo sự thúc ép của mẹ là Catherine de Medicis đêm 23 tháng 8 năm 1572 và hôm sau là lễ cưới của Henri de Navarre (sau này trở thành Hanri IV, bố của Louis XIII) với Marguerite, em gái Vua Charles IX. Vua Charles IX trước đòi hỏi của mẹ mình đã trả lời: "Mẹ muốn vậy à? … thì giết, nhưng giết tất!". "Tất" đây ý nói cả Henri de Navarre, nhưng vì tuyên thệ bỏ đạo nên được tha chết. Hậu quả vụ thảm sát là cuộc nội chiến thứ 5.
(2) Tristan L' Hermite: Hiến binh của các thống chế Pháp (như chánh cảnh sát) thời Henri VII và Louis XI - Tàn bạo, bất chấp các nguyên tắc công lý - Cha đỡ đầu của Tristan đây ý nói là Vua Louis XI
(3) Marion Delorme- một phụ nữ nổi tiếng về sắc đẹp và những cuộc phiêu lưu tình ái (1611-1659) - Vị Hygo đã viết một vở kịch thơ cùng tên Nữ Công tước D'aguillon - tên đầy đủ: Marie Madeleine De Vignerot, cháu gái của Richelieu (1604-1675). Người ta đồn cả hai đều là người tình của Richelieu
(4) Mêđuydơ - một trong ba nữ quái, đẹp hiếm có, có bộ tóc đẹp lộng lẫy, đã xúc phạm nữ thần Minécvơ. Nữ thần tức giận đã biến tóc mụ thành những đàn rắn, và mắt mụ nhìn ai người ấy hóa đá. Pécsê đã chém đầu mụ mang theo cuộc viễn chinh để dọa kẻ thù
(5) Giáo phái của những tu sĩ khất thực ở Palestine, thế kỷ 12, du nhập vào Pháp dưới triều Louis IX