Số lần đọc/download: 1036 / 15
Cập nhật: 2017-05-06 00:42:12 +0700
Chương 50
L
âm Hồng đã trải qua một buổi sáng tĩnh lặng. Khi Tống Cương được hai người bạn cũ khiêng lên giường, Lâm Hồng nhận ra thân thể Tống Cương bị đứt. Chị đặt anh nằm ngay ngắn trên giường. Có vài chiếc lá rơi xuống. Sau khi Phó Lưu và hai người bạn cũ của Tống Cương ra về, thị trấn Lưu trước lúc rạng đông yên lặng như tờ. Lâm Hồng ngồi trên giường, hai tay ôm đùi gối, nước mắt chảy dài nhìn Tổng Cương tĩnh lặng và những chiếc lá cây tĩnh lặng. Trong đầu chị khi mờ nhoà, lúc rõ nét. Khi mờ nhoà là một màn đêm đen ngòm yên tĩnh bao trùm. Lúc rõ nét, chị nhìn thấy Tống Cương đang nói chuyện, đang mỉm cười, đang đi đường, đang âu yếm vuốt ve chị, dạt dào tình yêu thương. Đây là bí mật ngọt ngào của hai người, không có bất cứ ai được xen vào. Bây giờ, hai mươi năm sống chung tự dưng chấm dứt. Lâm Hồng cảm thấy toàn thân giá lạnh, một thứ giá lạnh đến cô đơn trống trải. Chị tự trách mình, chính mình đã giết chết Tống Cương. Chị căm thù bản thân. Chị muốn thét lên, nhưng chị đã không thét. Chị lẳng lặng túm một mớ tóc, cầm trong tay dựt thật mạnh. Mái tóc chị đã cứa rách ngón tay mình, máu chảy đầm đìa. Nhìn Tống Cương đã vĩnh viễn yên nghỉ một cách đáng thương, chị hỏi anh dằn từng tiếng:
- Tại sao anh phải bỏ nhà ra đi?
Sau đó trong lòng chị trỗi dậy vô vàn nỗi tủi hổ. Nghĩ đến sau khi Tống Cương bỏ nhà ra đi, một mình cô lập bơ vơ, chịu bao điều oan nhục ở Lưu xưởng trưởng, bất giác chị bật khóc nói với anh:
- Còn biết bao nỗi tủi nhục em đã nói với anh đâu, anh đã ra đi...
Sáng hôm sau, Lâm Hồng nhận được thư Tống Cương gửi trước khi tự sát. Tống Cương viết những sáu tờ. Mỗi dòng chữ đều xúc động tâm can. Tống Cương bảo Lâm Hồng, hơn một năm qua anh luôn luôn cảm thấy rất hạnh phúc. Anh cảm ơn Lâm Hồng luôn luôn bên cạnh anh. Anh bảo sau khi mắc bệnh phổi, anh đã định chia tay em. Nhưng em đã nói với anh, dù có xảy ra chuyện gì, em cũng không xa anh. Chỉ một câu này, dù có chết anh cũng không tiếc. Anh xin Lâm Hồng tha thứ hành vi tự sát của mình, không nên đau khổ vì anh. Anh bảo chung sống với Lâm Hồng hai mươi năm, hơn hẳn chung sống hai mươi năm với người đàn bà khác, anh hài lòng thoả mãn với cuộc sống của mình. Tống Cương còn nói với Lâm Hồng đầy vẻ ân hận, hơn một năm trước anh bỏ nhà ra đi không một lời từ biệt, chỉ là muốn kiếm đủ tiền để Lâm Hồng được sống yên hàn một đời, không phải âu lo, tiếc rằng anh không có tài làm ra tiền, chỉ mang về trước ba vạn đồng để ở dưới gối. Tống Cương hy vọng, sau khi không có gánh nặng về anh, Lâm Hồng có thể sống khá hơn, dựa vào năng lực của mình sống cho ra sống. Cuối cùng Tống Cương nói, anh không hận Lý Trọc, càng không hận Lâm Hồng, mà cũng không hận bản thân. Anh chỉ là đi trước một bước. Trong một thế giới khác, anh luôn luôn trông chờ Lâm Hồng. Anh tin một ngày nào đó, hai người sẽ gặp lại. Lúc đó hai người vĩnh viễn sống bên nhau.
Lâm Hồng cứ đọc đi đọc lại thư của Tống Cương, lần nào đọc, chị cũng khóc. Nước mắt chị đã ướt đẫm lá thư. Sau đó chị vừa khóc vừa đứng dậy, cởi quần áo của Tống Cương, lau rửa người cho anh, chị để ý đến vết sưng tấy ở ngực, khi bàn tay run bắn vì kinh hoàng của chị cầm chiếc khăn mặt lau từ vết sưng tấy ở ngực đến vết thương đã mưng mủ ở dưới nách, toàn thân chị cứ run lên bần bật. Lau khô nước mắt, chị nhìn đi nhìn lại vết thương của Tống Cương, chỉ một lát nước mắt lại mờ nhoà tầm nhìn. Một lần nữa chị lau khô nước mắt, nhìn kỹ vết thương của Tống Cương, mắt chị lại mờ nhoà. Chị không biết vì sao có hai vết thương này, không biết khi Tống Cương phiêu bạt đã xảy ra chuyện gì. Tay cầm chiếc khăn mặt, chị thẫn thờ lâu lắm. Chị khóc, chị lắc đầu chị nghi hoặc, chị mù mịt, không hiểu gì hết. Cho mãi đến khi chị lấy ở dưới gối ra ba vạn đồng Tống Cương gói tử tế trong giấy báo cũ, giờ phút ấy suýt nữa chị ngất xỉu, hai chân bủn rủn quỳ sụp xuống cạnh giường, nhìn những đồng tiền rơi tản mát ra giường, cuối cùng chị đã biết. Tay run run, chị nhặt lên, xếp lại từng tờ trên giường. Từ vết sưng ở ngực và vết thương ở nách Tống Cương, chị biết mỗi tờ trong số tiền này đều thấm đẫm mồ hôi và xương máu của anh.
Năm ngày sau, khi thiêu xác Tống Cương, dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi lại một lần nữa nhìn thấy Lâm Hồng, nhìn thấy mắt Lâm Hồng vừa đỏ vừa sưng như bóng điện. Lâm Hồng bây giờ đã cạn kiệt nước mắt. Mặt chị tỉnh khô, ánh mắt lạnh lùng. Khi xác Tống Cương được đẩy vào lò thiêu, chị không khóc thất thanh như dân chúng tưởng tượng. Chị đau khổ nhắm mắt, thầm nói với Tống Cương đã thành đống tro tàn:
- Mặc dù em đã làm những điều gì, nhưng người em yêu một đời, chỉ có một anh thôi.
Lý Trọc cũng nhận được thư của Tống Cương. Đọc thư, Lý Trọc cũng nước mắt ròng ròng. Trong thư, Tống Cương nhớ lại tuổi thơ bi thảm của hai người, hai anh em đã sống nương tựa vào nhau. Nhắc đến mình sau khi về quê đã lặn lội đường dài ra thành phố thăm Lý Trọc như thế nào. Nhắc tới năm mười tám tuổi trở về thị trấn Lưu, Lý Trọc sung sướng ra phố đánh cho anh chiếc chìa khoá như thế nào. Nhắc đến niềm vui khi hai người lĩnh tháng lương đầu tiên. Sau đó nhắc đến Lâm Hồng. Lúc này ngữ điệu của Tống Cương trở nên vui vẻ, Lâm Hồng không yêu Lý Trọc. Lâm Hồng đã yêu anh. Tống Cương gần như kiêu hãnh viết như vậy. Tống Cương nói với Lý Trọc, anh thầm vui mừng bởi mỗi thành công của Lý Trọc. Anh bảo, trước khi chết mẹ dặn anh phải chăm nom Lý Trọc tử tế. Hiện giờ anh hết sức vui mừng, khi gặp mẹ không lo lắng bất cứ điều gì. Anh sẽ thưa với mẹ Lý Trọc tài giỏi như thế nào. Viết đến đây, Tống Cương lại tỏ vẻ buồn thương. Anh nói, anh vô cùng nhớ bố Tống Phàm Bình. Nếu không có tấm ảnh chụp kỷ niệm toàn gia đình, chắc hẳn anh đã quên hình dáng bố, hy vọng sau bao nhiêu năm hình bóng bố không thay đổi, lúc gặp bố ở cõi âm có thể nhận ra ngay. Trang cuối cùng của bức thư, Tống Cương dặn dò Lý Trọc, vì tình nghĩa anh em của chúng ta, nhất định phải sắp xếp cho Lâm Hồng một cuộc sống tử tế. Câu cuối cùng trong thư, Tống Cương viết:
- Lý Trọc, trước kia. em đã từng nói với anh: Cho dù trời long đất lở vẫn khảng khái, chúng ta vẫn là anh em. Bây giờ anh nói với em: Cho dù sinh ly tử biệt chúng ta vẫn là anh em.
Lý Trọc cũng đọc đi đọc lại mấy lần thư của Tống Cương. Cứ đọc xong lần nào anh ta lại tát mình một cái, sau đó khóc mấy tiếng. Sau khi Tống Cương chết, Lý Trọc thay đổi hẳn. Anh ta không còn đến Công ty làm việc nữa, suốt ngày sống im lặng trong ngôi nhà hào hoa sang trọng của mình. Chỉ có một mình Phó Lưu được vào nhà Lý Trọc, được đứng trước mặt Lý Trọc. Khi Phó Lưu báo cáo anh ta tình hình kinh doanh của công ty, anh ta nhìn Phó Lưu như trẻ con ở vườn trẻ nhìn cô giáo. Khi Phó Lưu báo cáo xong, chờ nghe chỉ thị, Lý Trọc nhìn ra ngoài cửa sổ, than một tiếng:
- Trời sắp tối rồi.
Phó Lưu đứng một lúc, không nhận được chỉ thị nào hết, đành phải nhắc nhở Lý Trọc:
- Thưa Lý Tổng giám đốc, ý của ngài là...
Lý Trọc ngoái đầu, nhìn Phó Lưu một cách đáng thương, nói:
- Hiện nay ta là kẻ mồ côi.
Khi chỉnh lý di vật của Tống Cương, Lâm Hồng phát hiện có hai thứ nên trao cho Lý Trọc. Một là tấm ảnh chụp kỷ niệm toàn gia đình, hai là bản quyết định bổ nhiệm Lý Trọc làm xưởng trưởng do Tống Cương chép lại.
Lâm Hồng bỏ hai di vật vào trong hai phong bì, nhờ Phó Lưu chuyển trao cho Lý Trọc. Lý Trọc nhận hai phong bì từ tay phó Lưu. Trong chiếc phong bì mở ra đầu tiên, tấm ảnh chụp kỷ niệm cả gia đình rơi xuống đất. Lý Trọc quỳ xuống nhặt lên, cầm tấm ảnh và một phong bì khác đi đến bàn viết của mình. Ngồi xuống mở ngăn kéo lần tìm lâu lắm, thấy một tấm ảnh chụp kỷ niệm toàn gia đình khác. Lý Trọc nhìn hai tấm ảnh hết lần này đến lần khác, rồi cẩn thận xếp vào ngăn kéo. Sau đó đứng dậy, trong lúc đi đến chỗ Phó Lưu, anh ta mở phong bì thứ hai. Khi nhìn thấy bản quyết định bổ nhiệm xưởng trưởng do Tống Cương tự tay chép lại hơn hai mươi năm trước, Lý Trọc đứng lại, nghi nghi hoặc hoặc nhìn chữ viết trên văn bản, khi nhìn thấy con dấu ở dưới Tống Cương dùng mực đỏ vẽ ngày xưa, Lý Trọc biết ngay là thứ gì, anh ta lảo đảo, ngã gục xuống đất.
Hôm thiêu xác Tống Cương, Lý Trọc mới đi ra khỏi ngôi nhà sang trọng của mình. Anh ta không cần xe con Mercedes, không cần xe Horse, đi bộ một mình đến lò thiêu, hai mắt đỏ hoe ướt rượt. Khi Tống Cương được đẩy vào lò Lâm Hồng không khóc, Lý Trọc khóc thất thanh. Sau đó nước mắt lưng tròng, lủi thủi một mình đi ra khỏi lò thiêu. Mercedes màu đen, Horse màu trắng từ từ bám theo anh ta. Quay lại nhìn thấy, anh ta nổi nóng quát om sòm, đuổi chúng về nhà. Sau đó Lý Trọc lau nước mắt tiếp tục đi bộ một mình. Dân chúng thị trấn Lưu chúng tôi thấy thế vô cùng ngạc nhiên. Họ bảo nhau:
- Không ngờ Lý Trọc đã trở thành Lâm Đại Ngọc...
Lý Trọc không đến công ty làm việc. Anh ta đã trở lại Xưởng Phúc lợi, nơi đã từng được gọi là Company nghiên cứu kinh tế thị trấn Lưu, về sau lại đổi thành Viện nghiên cứu kinh tế thị trấn Lưu. Bản quyết định bổ nhiệm ngày xưa được Tống Cương sao chép bằng thể chữ rất đẹp, gợi Lý Trọc nhớ lại rất nhiều chuyện đã qua. Đã rất nhiều năm Lý Trọc không gặp lại mười bốn trung thần dưới quyền. Bây giờ Lý Trọc nhớ đến họ.
Lý Trọc đến thăm đột ngột, khiến hai anh thọt vẫn vừa chơi cờ vừa hoãn cờ chửi nhau được một phen mừng quýnh. Khi hai người chạy ra xúc động reo lên "Lý xưởng trưởng", một anh ngã lộn cổ, một anh loạng choạng va đầu vào khung cửa. Như bố đối xử với các con, Lý Trọc vội đỡ anh thọt bị ngã, lại xoa tay vào cái trán tím lịm của anh thọt bị va vào khung cửa. Sau đó Lý Trọc dắt tay hai anh thọt, đi thăm mười hai trung thần kia. Hai anh thọt xúc động kêu toáng lên:
- Lý xưởng trưởng! Lý xưởng trưởng!
Ba anh ngố và bốn anh mù đã nghe thấy. Năm anh điếc không nghe thấy. Bốn anh mù phản ứng nhanh hơn ba anh ngố. Gậy trúc trong tay họ chống xuống đất đi ra ngoài cửa. Chỉ có một người đi ra được, còn ba người kia chen nhau mắc kẹt ở cửa, không ai chịu nhường ai. Mồm họ reo "Lý xưởng trưởng", mắt họ híp lại, trông mồm họ há ra, dường như to đến ly kỳ. Ba anh ngố cũng đã phản ứng, đổ xô ra cửa cùng một lúc. Khi trông thấy Lý Trọc, anh nào anh nấy cũng reo "Lý xưởng trưởng". Nhưng cửa ra vào bị ba anh mù làm tắc nghẽn. Ba anh ngố mặc kệ, sáu cánh tay cứ đẩy bừa cùng một lúc, làm cho cả ba anh mù chắn cửa ngã sấp mặt, mồm ngậm đất. Lý Trọc lại đỡ từng người đứng dậy. Sau đó chín trung thần thọt ngố mù, đầy vẻ sung sướng đi theo Lý Trọc vào phòng họp. Năm anh điếc ngồi ngay ngắn trong phòng họp, bây giờ mới biết tin mừng từ trên trời giáng xuống, nhao nhao nhảy khỏi ghế. Hai anh điếc biết nói, cũng reo "Lý xưởng trưởng". Ba anh điếc bị câm, cứ há mồm rồi ngậm lại, khẩu kính vẫn tròn trịa như xưa. Đứng ở giữa anh em, Lý Trọc nghe những tiếng reo rối rít "Lý xưởng trưởng". Nghe xong, Lý Trọc vẫy vẫy tay, chỉ vào ghế trong phòng họp, bảo anh em ngồi cả xuống. Ngồi xuống rồi, mười bốn trung thần vẫn còn chí choé. Một anh thọt bảo tất cả yên lặng. Một anh thọt khác lặp lại động tác bịt mồm đối với năm anh điếc. Trong phòng họp lập tức yên lặng. Thọt xưởng trưởng trước kia, nói với mười ba trung thần còn lại:
- Hoan nghênh Lý xưởng trưởng nói chuyện.
Mười bốn trung thần vỗ tay. Lý Trọc xua tay một cái, tiếng vỗ tay lập tức im bặt. Lý Trọc lần lượt nhìn mười bốn trung thần, sau đó than thở:
- Anh em ta đều đã già, tôi cũng già rồi.
Nghe Lý Trọc vừa dứt lời, ba anh ngố sợ mình tụt hậu so với người khác, đã tranh vỗ tay trước. Năm anh điếc không biết Lý Trọc nói những gì, thấy ba anh ngố vỗ tay, họ cũng vỗ tay theo. Bốn anh mù theo trào lưu, cũng vỗ tay rối rít. Hai anh thọt cảm thấy lời nói vừa rồi hình như không nên vỗ tay. Nhưng mọi người đều vỗ tay, mình không thể không vỗ. Lý Trọc xua tay nói:
- Lời tôi vừa nói không nên vỗ tay.
Hai anh thọt lập tức bỏ tay xuống. Bốn anh mù cũng bỏ tay, sau đó là năm anh điếc đoán ý qua lời nói và sắc mặt, ba anh ngố tiếp tục vỗ tay, thấy mọi người bỏ tay xuống, cũng mất lòng tin bỏ tay xuống. Lý Trọc ngẩng đầu hết nhìn phòng họp lại nhìn cây bên ngoài qua cửa sổ, thở dài liên tiếp. Thấy Lý Trọc thở dài, mười bốn trung thần cũng nặng nề sắc mặt. Lý Trọc cảm động khảng khái nhớ lại cảnh tượng lúc mới vào Xưởng phúc lợi hơn hai mươi năm về trước. Vừa nói anh ta vừa lấy ở túi áo ngực ra bản quyết định bổ nhiệm xưởng trưởng Tống Cương chép lại. Giở văn bản ra, anh ta đọc một lượt. Đọc xong anh ta giơ bản quyết định bổ nhiệm cho mười bốn trung thần xem. Mười bốn trung thần lần lượt thò đầu cúi người đến nhìn. Lý Trọc gượng cười nói:
- Đây là bản chép tay, bản chính đang lưu trong hồ sơ của Ban tổ chức huyện uỷ. Con dấu trên này trước kia màu đỏ, bây giờ đã ngả sang màu vàng. Bản này Tống Cương tự tay sao chép. Con dấu cũng do Tống Cương tự tay vẽ. Anh ấy luôn luôn cất giữ cho đến tận bây giờ. Vui mừng vì tôi, anh ấy còn đan riêng cho tôi một chiếc áo len có con tàu tiền đồ rộng lớn...
Lý Trọc đau khổ đến nghẹn lời. Hai anh thọt và bốn anh mù buồn rười rượi. Ba anh ngố như hiểu mà không hiểu. Thấy Lý Trọc ngừng nói, lập tức giơ tay vỗ "bộp bộp". Năm anh điếc lần này thận trọng hơn, nhìn vẻ mặt buồn thương của Lý Trọc, lại nhìn ba anh ngố vỗ tay bôm bốp, các anh tỏ ra do dự. Hai anh thọt khẽ nói với ba anh ngố:
- Không nên vỗ tay, không nên vỗ tay.
Ba anh ngố ngó ngó nghiêng nghiêng một lúc, cảm thấy tình thế bất lợi đã thôi vỗ tay. Lúc này với vẻ mặt đau buồn, Lý Trọc đã kể lại chuyện quá khứ còn rõ mồn một giữa mình và Tống Cương. Khi kể đến bố dượng Tống Phàm Bình chết thê thảm trước bến xe, anh ta và Tống Cương sống cô độc bơ vơ không nơi nương tựa như thế nào, Lý Trọc đau khổ nói không nên lời. Hai anh thọt lau nước mắt, hu hu khóc đầu tiên. Bốn anh mù hai tay nắm chặt gậy trúc, ngẩng mặt lên, nước mắt từ từ chảy ra khỏi tròng mắt không có ánh sáng. Năm anh điếc không nghe thấy Lý Trọc nói những gì, nhưng nhìn thấy Lý Trọc đau buồn. Nỗi đau buồn của Lý Trọc từ trong mắt họ đã truyền trên trái tim họ. Năm anh điếc khóc thương tâm như hai anh thọt. Ba anh ngố vẫn như hiểu mà không hiểu, nhìn thấy Lý xưởng trưởng vĩ đại đang trong cơn đau buồn, nhìn thấy mười một anh bạn khác đau lòng rơi nước mắt, cũng há mồm khóc hu hu. Sau đó các anh gào khóc dữ dội hơn, bỗng chốc át hẳn tiếng khóc của mười một bạn khác.
Trong mười ngày sau đó, ngày nào Lý Trọc cũng đến nơi gọi là Viện nghiên cứu kinh tế, kể đi kể lại những chuyện quá khứ. Mười một trung thần khóc một cách trung thành trong sáng. Bản thân Lý Trọc không còn khóc nữa, những câu chuyện bi thương của anh ta đã làm cho mười bốn trung thần nước mắt giàn giụa. Nỗi buồn thương trung thành trong sáng của mười bốn anh thọt ngố mù điếc, đã đem lại cho Lý Trọc nguồn an ủi to lớn, dường như nỗi bi thương của mình đã chuyển đổi sang mười bốn trung thần. Lý Trọc vừa kể chuyện quá khứ, vừa an ủi anh em, khuyên anh em không nên đau khổ. Lý Trọc càng khuyên anh em, anh em càng đau khổ. Mười bốn trung thần anh nọ thúc đẩy anh kia, khóc ầm ĩ. Lý Trọc cảm thấy sâu sắc, trời cao đất dầy, nhân gian mù mịt, chỉ có mười bốn trung thần có thể chia sẻ nỗi đau buồn và hối hận trong lòng mình.
Sau đó Lý Trọc về Công ty làm việc. Anh ta đến làm việc là để hoàn thành lời dặn dò của Tống Cương. Anh ta sai Phó Lưu gọi điện cho tất cả bạn hàng, sai khách sạn anh ta mở, bày tiệc đậu phụ trong ba ngày, mời những người giầu có anh ta quen biết đến thị trấn Lưu. Sau khi Phó Lưu lên bảng danh sách, cầm điện thoại gọi hẳn một ngày báo tin cho họ biết, người anh em Tống Cương của Lý Trọc đã qua đời, mời họ đến dự bữa tiệc đậu phụ truy điệu Tống Cương. Sau một ngày gọi điện thoại, cổ Phó Lưu đã khản đặc. Anh ta đã mời bạn hàng ở các địa phương trong cả nước, mời các vị tai to mặt lớn của cả huyện cả thành phố đến dự, không mời một ai nghèo khó và thấp cổ bé họng.
Tiệc đậu phụ của Lý Trọc bắt đầu từ bữa sáng, cho mãi đến bữa trưa và bữa tối. Có một số người đáp máy bay mấy tiếng đồng hồ, lại đi ô tô hai tiếng đồng hồ nữa, đến nơi đã nửa đêm, Lý Trọc liền mở tiệc đậu phụ ban đêm. Sau khi thiêu xác Tống Cương, Lý Trọc lại gặp Lâm Hồng một lần nữa. Hai người nhìn nhau lạnh nhạt, như người dưng nước lã. Lý Trọc và Lâm Hồng khoác áo đay trắng, đội khăn lụa đen, đứng ba ngày ở cửa khách sạn. Các khách quí đến dự tiệc đậu phụ, người nào cũng nhét vào tay Lâm Hồng một chiếc phong bì to. Phong bì nào ít, cũng bỏ mấy ngàn đồng, phong bì nào nhiều có đến vài vạn. Nhân viên ngân hàng ngày nào cũng thấy Lâm Hồng đến gửi tiền. Lần nào cũng gửi một bó tướng. Hết ba ngày, Lâm Hồng nhận hơn một triệu chiếc phong bì. Dân chúng đồn nhau, chị thu được mấy hiệu đồng nhân dân tệ. Dân chúng bảo, Lâm Hồng đếm tiền sưng cả ngón tay, trật cả khớp cổ tay, chảy cả máu mắt.
Bày xong tiệc đậu phụ, Lý Trọc nói với Lâm Hồng:
- Anh Tống Cương dặn tôi bố trí cho chị một cuộc sống tử tế, chị còn yêu cầu tôi làm gì nữa?
Lâm Hồng đáp:
- Đủ rồi.