Always read something that will make you look good if you die in the middle of it.

P.J. O'Rourke

 
 
 
 
 
Tác giả: Dư Hoa
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Vũ Công Hoan
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 80
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3614 / 73
Cập nhật: 2016-02-18 21:13:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21
ý Trọc tiếp tục sự nghiệp biểu tình của mình ở cổng trụ sở uỷ ban huyện. Đồ đồng nát các loại ngày nào cũng chất thành một quả núi nhỏ. Lý Trọc không có thì giờ biểu tình ngồi, mà cứ quanh quẩn, phân loại rác rưởi, rồi bán cho các địa phương trong cả nước theo những con đường tiêu thụ khác nhau. Ngồi xếp bằng trên đất, Lý Trọc giành riêng hai tiếng đồng hồ, kỳ cạch với chiếc đồng hồ đeo tay nước ngoài, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, lắp vào ba sợi dây thép nhỏ dài ngắn khác nhau, sau đó hớn hở đeo chiếc đồng hồ lên cổ tay. Trước kia anh ta thích giơ tay phải lên chỉ chỉ trỏ trỏ. Từ khi có chiếc đồng hồ đeo tay ngoại quốc kim không bao giờ chạy, tay trái anh ta trở nên bận rộn, chỉ cần có người đi qua, lại sốt sắng vung vẩy. Không bao lâu, rất nhiều người thị trấn Lưu chúng tôi đều trông thấy chiếc đồng hồ nước ngoài trên tay trái Lý Trọc. Có vài người xúm lại, xem kỹ rồi hỏi một cách hiếu kỳ:
- Kim đồng hồ bên trong sao giống như dây thép?
Lý Trọc cau có trả lời:
- Phàm là kim đồng hồ đều giống dây thép.
Dân chúng lại phát hiện ra sơ hở, họ hỏi:
- Thời gian trên đồng hồ không đúng.
- Đương nhiên không đúng - Lý Trọc kiêu hãnh nói - Của tôi là giờ quốc tế, của các anh là giờ Bắc Kinh, hai cái khác nhau.
Lý Trọc đeo đồng hồ nước ngoài thời gian quốc tế, ra vẻ ta đây được hơn một năm. Một hôm không nhìn thấy chiếc đồng hồ đeo tay nước ngoài. Trên cổ tay Lý Trọc đã thay bằng chiếc đồng hồ mác Kim cương mới tinh trong nước sản xuất, thấy thế, dân chúng bỗng ngạc nhiên hỏi:
- Cậu thay đồng hồ đeo tay rồi à?
- Thay rồi, thay bằng thời gian Bắc Kinh - Lý Trọc giơ chiếc đồng hồ mới nguyên bóng nhoáng trên cổ tay, nói tiếp - Thời gian quốc tế, tốt thì có tốt, nhưng không phù hợp tình hình trong nước, cho nên đã thay bằng thời gian Bắc Kinh.
Dân chúng hết sức hâm mộ. Họ hỏi kiếm đâu ra chiếc đồng hồ đeo tay mác Kim cương mới nguyên? Lý Trọc tức mình móc túi lấy tờ hoá đơn cho mọi người xem. Lý Trọc nói:
- Mình bỏ tiền tự mua.
Mọi người vô cùng ngạc nhiên. Một anh chàng bới nhặt đống rác lại có tiền mua được đồng hồ đeo tay mác Kim cương? Trước mặt dân chúng, Lý Trọc phanh luôn chiếc áo ngoài rách rưới của mình để lộ ra túi tiền buộc ở thắt lưng. Anh ta kéo phéc mô tuya mở ví tiền, bên trong có một xấp tiền dầy dầy. Trong tiếng thốt lên ngạc nhiên của dân chúng, Lý Trọc nói một cách thoả mãn:
- Trông thấy chưa, trông thấy nhân dân tệ xếp ngay ngắn bên trong chưa?
Dân chúng người nào kẻ nấy, ai cũng trợn mắt há hốc mồm. Một lát sau có ai nhớ đến chiếc đồng hồ nước ngoài của Lý Trọc, đã hỏi một cách lấy lòng:
- Vậy chiếc đồng hồ theo giờ quốc tế đâu rồi?
- Cho người ta rồi - Lý Trọc nói - Cho anh chàng ngố máu gái, một tay dưới quyền trước kia.
Lý Trọc cổ tay đeo đồng hồ chạy theo giờ Bắc Kinh, tiếp tục cố gắng, dựng luôn một mái lều tranh ở ngoài cổng trụ sở uỷ ban huyện. Anh ta mua tre và cỏ tranh, huy động người và vốn dựng lều. Trong mười bốn anh thọt ngố mù điếc của Xưởng phúc lợi có mười ba người đến làm giúp, chỉ có anh chàng ngố máu gái không đến. Bốn anh mù đứng thành một hàng, chuyền tay nhau từng bó cỏ tranh, hai anh ngố chịu trách nhiệm giữ cây tre, hai anh thọt tay khỏe, chịu trách nhiệm buộc cây tre. Năm anh điếc là quân chủ lực, ba anh ở dưới lấy cỏ tranh làm thành tường, hai anh leo lên lấy cỏ tranh lợp mái. Lý Trọc hoa chân múa tay làm tổng chỉ huy công trường. Họ gọi nhau ơi ới, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, làm trong ba hôm xong lều tranh, Lý Trọc mới nghĩ đến chàng ngố máu gái, hỏi Thọt xưởng trưởng. Thọt xưởng trưởng bảo, trước kia đi làm về nhà, ngố máu gái chưa bao giờ đi muộn về sớm. Từ sau khi đeo chiếc đồng hồ chạy theo thời gian quốc tế, anh ta không đến Xưởng phúc lợi lần nào. Thọt xưởng trưởng hỏi Lý Trọc:
- Liệu có phải thời gian quốc tế đã làm cho ngố máu gái trở nên hồ đồ?
- Chắc chắn là thế rồi - Lý Trọc cười hì hì bảo - Đấy gọi là chênh lệch thời gian.
Mười ba trung thần rầm rầm rộ rộ chở giường và bàn ghế từ nhà Lý Trọc đến lều tranh, còn chuyển đến cả chăn, quần áo, chậu rửa mặt, bếp dầu, bát đũa, cốc chén... Lý Trọc giương giương tự đắc vào ở trong lều tranh, đóng trại ở ngoài cổng trụ sở uỷ ban huyện. Không bao lâu, dân chúng thị trấn Lưu nhìn thấy nhân viên Cục bưu điện đến lều tranh ráp máy điện thoại cho Lý Trọc. Đây là chiếc máy điện thoại tư nhân đầu tiên ở thị trấn Lưu. Dân chúng cứ luôn mồm chép miệng kháo nhau, thật không ngờ, thật không ngờ! Tiếng chuông điện thoại của Lý Trọc réo từ sáng đến tối, nửa đêm gà gáy vẫn còn réo. Trong uỷ ban huyện ai cũng bảo, điện thoại của Lý Trọc còn kêu gấp nhiều lần điện thoại của ông chủ tịch huyện.
Lý Trọc đã tổ chức buôn bán phế liệu một cách nghiêm chỉnh. Anh ta không còn lấy không phế phẩm của dân chúng, mà bắt đầu thu mua, bên ngoài cổng uỷ ban huyện, rác chất thành đống như một quả núi lớn. Trong lều tranh của Lý Trọc cũng chất đầy phế phẩm, nói theo cách nói của Lý Trọc, xếp trong lều tranh đều là rác cao cấp. Dân chúng qua đường thường xuyên trông thấy Lý Trọc tươi cười ngồi giữa những thứ rác cao cấp, trông ra vẻ như ngồi giữa hơi vàng khí bạc. Dân chúng còn nhìn thấy, tuần nào cũng có xe tải ở tỉnh ngoài về chở đi những phế phẩm Lý Trọc phân loại. Lý Trọc đứng trước lều tranh, nhìn xe tải đi xa, ngón tay chấm nước bọt đếm tiền soàn soạt.
Lý Trọc vẫn ăn vận rách rưới, ví tiền buộc ở thắt lưng đã thay bằng một chiếc cặp tiền to. Tiền trong cặp đã làm phồng cặp lên như bơm hơi. Một quyển sổ nho nhỏ bỏ trong túi áo ngực Lý Trọc. Mở từ phía đầu sổ anh ta ghi nghiệp vụ rác. Mở từ phía cuối sổ anh ta ghi các khoản nợ khi gây dựng Xưởng gia công may mặc trước kia.
Năm vị chủ nợ Đồng Trương Vương Quan Dư đã hết hy vọng tự nhận mình xúi quẩy. Các vị thật không ngờ, sau khi Lý Trọc buôn bán rác thải, kiếm ra tiền trả được nợ.
Chiều nay, ông Vương khoác thùng kem đi qua lều tranh của Lý Trọc. Lý Trọc cởi trần chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi nhìn thấy ông Vương, vội vàng chạy ra khỏi đống phế phẩm trong lều tranh, bô bô gọi. Khoác thùng kem, ông Vương từ từ quay người lại, nhìn thấy Lý Trọc đang vẫy tay gọi mình:
- Vào đây, vào đây.
Ông Vương bán kem đứng nguyên tại chỗ, không biết Lý Trọc lại định giở trò gì. Lý Trọc bảo muốn trả tiền cho ông. Ông Vương tưởng mình nghe nhầm, quay đầu nhìn đằng sau xem còn có người nào khác. Không nhịn nổi, Lý Trọc chỉ vào ông Vương nói:
- Chính là ông, Lý Trọc tôi còn nợ tiền ông.
Nửa tin nửa ngờ, ông Vương bước đến, đi theo Lý Trọc vào lều tranh, ngồi giữa đống phế phẩm. Lý Trọc mở sổ nợ ra, cúi đầu tính cả vốn lẫn lãi. Ông Vương ngắm nghía liều tranh một cách hiếu kỳ. Bên trong thức ăn đồ uống, thứ gì cũng có, còn có một chiếc quạt điện thổi vù vù vào Lý Trọc. Ông Vương nói một cách hâm mộ:
- Cậu dùng cả quạt điện.
Lý Trọc "vâng" một tiếng, giơ tay ấn nút quạt điện một cái. Chiếc quạt điện lắc lắc đầu thổi gió, Vương thốt lên lia lịa:
- Mát quá, mát quá...
Lý Trọc tính xong cả vốn lẫn lãi của ông Vương bán kem, ngẩng lên xấu hổ nói:
- Hiện nay tôi không có nhiều tiền, đành phải trả từng đợt, tháng nào tôi cũng trả, cố gắng một năm trả hết.
Lý Trọc mở cặp của mình, lấy tiền đếm, chỗ nhiều bỏ về cặp, chỗ ít đưa trả ông Vương. Khi nhận tiền, hai tay ông Vương run run, môi ông cũng run run ông cứ nói liên tục, thật không ngờ, thật không ngờ Lý Trọc đã ghi tiền vào sổ nợ. Ông bảo, tôi đã quên lâu lắm rồi. Ông Vương bán kem nói rồi mắt đỏ hoe. Ông bảo, có nằm mơ cũng không tưởng tượng nổi năm trăm đồng đã mất lại trở về. Ông chỉ vào số tiền lãi nói:
- Lại còn có lãi nữa cơ chứ.
Ông Vương cẩn thận bỏ tiền vào túi, cúi lấy một que kem trong thùng, ông bảo, mình chẳng có thứ gì, chỉ có que kem mời Lý Trọc ăn. Lý Trọc lắc đầu nói:
- Lý Trọc tôi không lấy cái kim sợi chỉ của quần chúng.
Ông Vương bảo đây không phải cái kim sợi chỉ của quần chúng, đây là tấm lòng tốt của tôi. Lý Trọc trả lời, tấm lòng thì càng không thể ăn. Anh ta bảo ông Vương bán kem bỏ tấm lòng kem về thùng. Lý Trọc nói:
- Nhờ ông giúp tôi một việc, báo cho anh Đồng thợ rèn, ông Trương thợ may, ông Dư nhổ răng, Tiểu Quan mài kéo, Lý Trọc tôi bắt đầu trả nợ theo kỳ hạn.
Lúc chiều tối, anh Đồng thợ rèn, ông Trương thợ may, ông Dư nhổ răng, Tiểu Quan mài kéo và cả ông Vương bán kem đã đến lều tranh của Lý Trọc. Đứng trước lều tranh của Lý Trọc, cả năm người thân mật gọi:
- Lý xưởng trưởng, Lý xưởng trưởng...
Lý Trọc vai trần bước ra, xua tay bảo:
- Tôi không phải Lý xưởng trưởng. Bây giờ tôi là Lý rác.
Năm chủ nợ cười hì hì. Anh Đồng thợ rèn nhìn bốn người kia, bốn người kia nhìn cả vào anh Đồng. Anh Đồng biết đến lúc này lại cần mình đứng ra nói thay. Anh vui vẻ hỏi Lý Trọc:
- Nghe nói cậu định trả tiền?
- Không phải trả tiền, mà là trả nợ - Lý Trọc sửa lại.
- Trả nợ, trả tiền cũng thế cả - Anh Đồng gật đầu rối rít - Nghe nói còn trả cả lãi?
- Đương nhiên phải tính lãi - Lý Trọc nói - Lý Trọc tôi ví như ngân hàng Nhân Dân, các ông ví như người gửi tiền tiết kiệm.
Năm vị Đồng Trương Vương Quan Dư gật đầu tơi tới bảo phải. Lý Trọc quay đầu nhìn cái lều tranh của mình bảo, trong này chật quá, không chứa nổi sáu người, ngồi ngoài thanh toán vậy. Nói rồi Lý Trọc ngồi bệt xuống đất, cầm quyển sổ nhỏ, mồm đọc tay tính. Lý Trọc cởi trần, mặc cái quần đùi bẩn hơn dẻ lau, ngồi bệt xuống đất, khiến năm vị chủ nợ đâm ra do dự, không biết có nên ngồi bệt xuống đất? Các ông hẹn nhau tắm rửa, mặc quần áo sạch sẽ cùng đi. Bốn ông Trương Vương Quan Dư nhìn cả vào anh Đồng. Anh Đồng nghĩ bụng, vì tiền, đừng nói là ngồi bệt xuống đất, dù có ngồi lên đống cứt cũng phải ngồi. Anh Đồng thợ rèn đã ngồi bệt xuống. Bốn người kia cũng ngồi theo. Sáu người ngồi thành một vòng tròn. Lý Trọc tính từng người, trả từng người. Các chủ nợ sau khi cầm tiền, anh Đồng lại thay mặt phát biểu. Anh Đồng trịnh trọng xin lỗi Lý Trọc. Anh bảo dạo ấy lẽ ta không nên dùng chân tay bức nợ, bức đến nỗi Lý Trọc phải thâm tím mặt mày. Cẩn thận nghe từng lời anh Đồng nói, Lý Trọc thủng thẳng cắn từng lời nhai từng chữ:
- Không phải bức tôi thâm tím mặt mày, mà là đánh tôi thâm mày tím mặt.
Đồng Trương Vương Quan Dư cười ngượng ngùng. Anh Đồng lại một lần nữa thay mặt toàn thể chủ nợ nói:
- Từ hôm nay trở đi, khi nào cậu muốn đánh chúng tôi cứ việc đánh. Chúng tôi tuyệt đối không đánh trả, thời hạn trong vòng một năm.
Bốn người kia nói theo:
- Thời hạn trong vòng một năm.
Nghe vậy, Lý Trọc rất buồn. Anh ta bảo:
- Các ông đã lấy cái lòng tiểu nhân của mình đo cái bụng quân tử của tôi.
Tin Lý Trọc bắt đầu trả nợ loang rất nhanh khắp thị trấn Lưu chúng tôi. Dân chúng vô cùng cảm động. Ai cũng bảo Lý Trọc là một nhân vật giỏi giang, chỉ có bới nhặt đống rác cũng trở thành một ông chủ giầu có. Nếu là bới nhặt vàng, chẳng phải đã trở thành người giầu nhất cả nước. Những lời này đã truyền đến tai Lý Trọc, anh ta nói một cách khiêm tốn:
- Dân chúng công kênh tôi thế thôi, tôi chỉ buôn thúng bán mẹt, kiếm miếng cơm thôi mà.
Sau lời nói khiêm tốn, Lý Trọc bỗng dưng nhớ lại. Ngày đó thôi việc xưởng trưởng, sải cánh đại bàng đi lập Xưởng gia công quần áo, mất cả chì lẫn chài, sau đó nghĩ lại muốn về Xưởng phúc lợi, không về nổi Xưởng phúc lợi đành phải biểu tình ngồi, đi bới nhặt đống rác kiếm miếng ăn, không ngờ lại trở thành nhà buôn rác. Lý Trọc đã tổng kết bài học kinh nghiệm, nói với dân chúng thị trấn Lưu:
- Chuyện làm ăn buôn bán lạ lắm, có lòng đi trồng hoa hoa không nở, vô tình cắm cành liễu liễu thành rừng.
Huynh Đệ Huynh Đệ - Dư Hoa Huynh Đệ