Nguyên tác: “The Money Changers”
Số lần đọc/download: 266 / 9
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:23 +0700
Chương 16
T
hị trấn Tylersville trước đây chỉ là một điểm buôn bán nằm giữa một vùng nông thôn rộng lớn, nhưng gần đây phát triển rất nhanh, đang trở thành một thị trấn sầm uất. Dân ở đây thuộc hai loại khá rõ rệt. Một là những người gốc gác, ngày trước làm nông nghiệp sau đó mới ra "phố” buôn bán và giầu lên nhanh chóng. Họ vẫn mang tính chất ăn chắc của nông dân. Loại thứ hai là dân ngoài thành phố, muốn tránh không khí ồn ào bụi bặm, kiếm nhà ở đây để sống, hàng ngày ra thành phố làm việc, tối lại về đây.
Do là thị trấn nhỏ nên mỗi tin đồn đều lan rất nhanh. Lúc này họ đang đổ xô đến chi nhánh Ngân hàng Thương mại tại đây để rút tiền. Người đóng vai trò đầu têu là một nhân viên bưu điện thị trấn ba hoa. Trong lúc phát thư báo, anh ta luôn miệng:
- Xem chừng nhà băng Thương Mại sắp phá sản. Ai gửi tiền ở đó sẽ mất trắng. Liệu mà rút ra cho mau.
Tất nhiên có người không tin, nhưng đa số hốt hoảng. Rồi những tin tức về tập đoàn công nghiệp siêu quốc gia SuNatCo trên đài phát thanh và truyền hình làm họ lo ngại thêm. Đến sáng Thứ sáu thì dân thị trấn gần như nhất loạt đi đến kết luận: “cứ nắm đằng chuôi: rút tiền ra cất ở nhà!"
Người này rủ người khác và đến khoảng giữa buổi sáng thì họ kéo nhau đến đầy chi nhánh. Thấy họ kéo nhau đi ngoài đường, nhiều người còn bán tin bán nghi cũng vội vã đi theo.
Tại Toà Tháp trụ sở chính của Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ, những người xưa nay chưa biết thị trấn Tylersville ở đâu bây giờ đều biết.
Mọi người tấp nập chuẩn bị đáp ứng lệnh báo động số Một do Phó tổng giám đốc Alex Vandervoort vừa ban bố.
Tom Straughan hỏi trên máy vi tính về tình hình kinh doanh của chi nhánh Tylersville. Trên màn hình hiện ra những con số như sau:
Tài khoản tiết kiệm: 26.170.627, 54 USD
Tài khoản luân chuyển: 15.042.767, 18 USD
Tổng cộng: 41.213.394, 72 USD.
Straughan yêu cầu máy vi tính phân loại các tài khoản và nhận được trên màn hình số liệu sau:
Tai khoản "ngủ” và các hội: 2.130.964, 61 USD
Số dư cá nhân phải trả: 19.782.430, 11 USD.
Vậy là nếu toàn thể khách hàng đòi rút hết tiền thì chi nhánh cần có non hai mươi triệu đô la tiền mặt. Đấy đúng là số tiền họ cần có ngay. Viên trợ lý của Tom Straughan đã thông báo trước cho kho chứa tiền dưới hầm chuẩn bị. Chủ nhiệm tổng kho tiền mặt nhận được lệnh: "Chuẩn bị hai mươi triệu tiền mặt để chuyển ngay cho chi nhánh Tylersville".
Số tiền này là quá nhiều so với cần thiết, nhưng Alex quan niệm rằng cần phải ứng phó với một sự ào ạt rút tiền bằng một sự biểu dương thế mạnh. Ông nói với đồng sự: "Khi cần dập một đám cháy thì cần chuẩn bị số nước lớn hơn hẳn nhu cầu ta thấy trước mắt". Để chuẩn bị chu đáo hơn, Ngân hàng Thương mại số Một đã điện cho Kho bạc Liên bang Hoa Kỳ, yêu cầu chuẩn bị hỗ trợ bằng tiền mặt thêm, khi nào nhà băng yêu cầu.
Kho tiền dưới tầng hầm của Toà Tháp giống như kho vàng của Vua Midas trong truyền thuyết cổ: chất đầy tiền vàng và đá quý. Tiền mặt được đựng trong các bao vải bạt, đã được đếm và niêm phong cẩn thận. Người ta chuyển các bao tải đó ra những xe tải loại nhỏ, bọc thép. Tất cả có sáu chiếc. Trong lúc đó một lực lượng cảnh sát và nhân viên bảo vệ của nhà băng đứng gác và tuần tiễu trong vực để đề phòng bị cướp tấn công.
Trong sáu xe tải bọc thép, chỉ ba xe có chở tiền, các xe kia rỗng, làm nhiệm vụ nghi binh. Chỉ hai mươi phút sau cú điện thoại của giám đốc chi nhánh Tylersville, chiếc xe bọc thép chở tiền đầu tiên rời khởi cổng Toà Tháp đi về phía xa lộ dẫn đến thị trấn Tylersville. Nhân lực bổ sung cho chi nhánh Tylersville đi đầu bằng xe hơi cá nhân hoặc xe Limousine của nhà băng. Edwina d’Orsey được giao nhiệm vụ tổng chỉ huy chiến dịch cứu trợ này. Nhận được lệnh, bà lập tức rời khỏi chi nhánh trung tâm đem theo ba nhân viên giao dịch đến hỗ trợ cho chi nhánh Tylersville. Ba người này một là chuyên gia về tín dụng Castleman, và hai nhân viên giao dịch, trong đó có Juanita Numez.
Một số nhân viên giao dịch ở các chi nhánh khác cũng được lựa chọn tham gia chiến dịch. Họ sẽ đi Tylersville. Khi đến đó họ sẽ thuộc quyền điều động của Edwina d’Orsey. Tất nhiên việc huy động này không được ảnh hưởng xấu đến hoạt động bình thường của các chi nhánh khác.
Edwina cùng ba nhân viên dưới quyền theo lối đi ngoài sang Toà Tháp. Tại đó một chiếc xe Limousine đã chờ sẵn. Bốn người lên xe. Castleman cầm lái. Đúng lúc ông đang nổ máy thì họ cũng nhìn thấy, Nolan Wainwright đang chạy ra chiếc xe Mustang của ông. Là trưởng ban bảo vệ, ông phải lo an toàn cho ba xe chở tiền. Một xe buýt nhỏ chở đội bảo vệ vũ trang đi theo ông.
Cảnh sát thành phố và cảnh sát thị trấn Tylersville đã được thông báo về chiến dịch này và đều triển khai lực lượng để hỗ trợ.
Tuy nhiên Alex Vandervoort và Tom Straughan ở lại đại bản doanh trong Toà Tháp. Phòng giấy của Straughan biến thành chỉ huy sở chiến dịch. Alex một mặt theo dõi diễn biến tình hình ở Tylersville, một mặt vẫn giữ liên hệ với tất cả tám mươi ba chi nhánh khác của nhà băng. Ông đã thông báo mọi tình hình cho Quyền Tổng giám đốc Jerome Patterton, và ông này bây giờ cũng đến ngồi bên cạnh Alex để theo dõi. Vẻ mặt ông rất lo lắng. Tình hình phức tạp tại Tylersville đã có biện pháp trấn an, liệu còn chi nhánh nào khác nẩy sinh tình hình phức tạp như thế nữa không?
Gatwick, giám đốc chi nhánh nhà băng Tylersville đinh ninh được sống vài năm yên ổn rồi về hưu. Một ông già sáu mươi tuổi, mặt tròn, da dẻ hồng hào, mắt xanh biếc, tóc hoa râm, có dáng nhanh nhẹn của một người yêu đời, ham thích thể thao, ông yên tâm với cuộc sống hiện tại. Hồi trẻ Gatwick từng ôm nhiều tham vọng, nhưng rất nhanh chóng ông thấy rằng sức mình chỉ đến thế. Gatwick làm việc tận tuy và mẫn cán. Chi nhánh nhà băng do ông lãnh đạo xưa nay hoạt động nề nếp chu đáo và bình yên. Đây là lần đầu tiên ông gặp chuyện rắc rối. Lúc này Gatwick ngồi bồn chồn. Ông nhìn đồng hồ. Tính từ lúc ông gọi điện cấp báo cho đại bản doanh nhà băng ở thành phố, đã một tiếng mười phút trôi qua. Bốn nhân viên giao dịch của chi nhánh không ngơi tay phát tiền cho khách hàng, vậy mà xem chừng số người đến rút tiền vẫn mỗi lúc một đông thêm.
- Ông giám đốc! - Một nhân viên giao dịch gọi to và ra hiệu mời ông đến.
Gatwick rời khỏi bàn giấy đi nhanh ra quầy. Ông thấy người đàn ông đứng đầu hàng và trước mặt quầy là một khách hàng quen thuộc, làm nghề chăn nuôi gia cầm.
- Chào ông Steve! - Giám đốc Gatwick niềm nở nói. Người chủ trại chăn nuôi gia cầm lạnh lùng nhìn lại ông, không nói gì. Nhân viên giao dịch đưa ông hai tờ ngân phiếu trị giá tổng cộng hai mươi ba ngàn đô la. Gatwick đỡ lấy ký xuống dưới, bình thản nói:
- Cô chi đi.
Cô nhân viên giao dịch nói rất khẽ:
- Chúng ta hết tiền mặt rồi.
Gatwick hiểu. Từ sáng đến giờ tiền mặt tuôn chảy như nước, làm sao không hết được? Nhưng câu nói của cô nhân viên giao dịch quả là vụng. Lập tức tiếng ồn ào rộ lên trong đám người xếp hàng:
- Ông nghe thấy họ nói gì không? Hết tiền mặt?
Người chủ trại gia cầm đấm mạnh tay vào bàn, giận dữ:
- Vậy là số tiền hai mươi ba ngàn của tôi đi đâu? ông Gatwick, tôi sẽ phá tan cái nhà băng này của ông thôi!
- Ông Steve, ông đe doạ thế chẳng dẫn đến đâu. - Gatwick cố tình nói hơi to lên để những người khác nghe thấy.
Ông quay ra nói to với mọi người:
- Thưa các vị khách hàng. Chúng tôi tạm thời chậm có đủ tiền mặt, bởi hôm nay các vị đến rút tiền đột xuất quá đông. Nhưng tôi xin các vị yên tâm. Xe chở tiền đang trên đường đến đây và chỉ lát nữa sẽ đủ tiền trả cho tất cả các vị nào muốn rút tiền.
Tiếng nhao nhao của khách hàng:
- Sao? Nhà băng mà lại hết tiền?
- Vô lý! Không thể có chuyện ấy được!.
- Chúng ta cứ chờ ở đây, chưa lấy được tiền chưa về. Thử xem họ có chịu trả không?
Gatwick điềm tĩnh giơ cao tay nói to:
- Tôi bảo đảm với các quý vị...
- Tôi không cần bảo đảm. Tôi cần tiền?
Tiếng nhao nhao lại vang lên. Nhiều giọng nói phẫn nộ:
- Đúng rồi? Tiền của chúng tôi, phải trả cho chúng tôi!
- Đúng rồi! Đưa tiền ra đây, không nói năng gì hết.
Gatwick nhìn người nói, một phụ nữ ăn mặc rất lịch sự. Ông nhận ra đó là một người mới đến sống ở thị trấn này chưa lâu.
- Đúng đấy? Bà nói rất đúng! - Một người đàn ông xếp hàng sau bà ta nói to.
Hàng người tản ra. Họ xúm lại vây quanh quầy giao dịch. Một người nào đó ném bao thuốc lá vào mặt Gatwick. Ông thấy những người này xưa nay hiền lành, ăn nói lịch sự thì hôm nay bỗng biến thành những kẻ hung hăng, ăn nói lỗ mãng và như muốn xé xác ông.
Gatwick nghĩ thầm, đồng tiền có sức mạnh ghê gớm thật. Nó biến đổi con người ghê gớm. Lúc này tiền thành con quỷ, nô dịch con người, biến họ thành những kẻ đê hèn, tham lam, không còn tính người.
Nhưng ông cũng thầm nghĩ, nỗi hoảng hốt của một số người có thể hiểu được. Họ đã vất vả kiếm được đồng tiền, đem gửi nhà băng vậy mà bây giờ nếu mất thì họ đau lòng biết bao nhiêu.
Không khí hung hăng ngày càng tăng và Gatwick cũng hơi run. Rất có thể đám khách hàng kia không giữ được bình tĩnh sẽ tiến hành phá phách chăng? Chỉ cần một vài người nóng nảy và hung hãn là sẽ kích động được những người khác.
Ông van nài:
- Xin quý vị bình tĩnh? Hãy nghe tôi nói đã...
Đúng lúc ấy, đột nhiên không khí náo động trong chi nhánh dịu xuống. Hình như có chuyện gì xẩy ra ngoài phố, bởi mọi người quay mặt cả ra ngoài.
Những người đứng phía trong kiễng chân lên cố nhìn ra. Hai cánh cửa lớn của chi nhánh bật mở toang và đoàn nhân viên của Ngân hàng Thương mại tiến vào. Đi đầu là Edwina d'Orsey. Tiếp đến là Castleman và hai phụ nữ trẻ, trong đó một là Juanita Numez.
Rồi đến một số nam nhân viên lực lưỡng vác trên vai những bao tải đầy, có nhân viên bảo vệ cầm súng ngắn tháp tùng. Tiếp đến khoảng non chục nhân viên các chi nhánh khác đến hỗ trợ. Đi cuối cùng là thân hình to lớn của Nolan Wainwright, cặp mắt cau lại đầy cảnh giác.
Edwina nói rất to, cốt để mọi người nghe thấy. Vả lại họ cũng đã im lặng để nghe. Bà nói:
- Chào ông Gatwick. Xin lỗi là chúng tôi đến hơi chậm? Tại đường xá hôm nay quá đông. Hình như chi nhánh cần hai mươi triệu đô la phải không nhỉ?
Chúng tôi đã đem đến một phần ba số tiến đó, còn hai phần ba đang trên đường, chỉ lát nữa cũng sẽ tới. Trong lúc Edwina nói, Castleman, hai nhân viên giao dịch của chi nhánh trung tâm cùng các nhân viên bổ sung khác đều đã chiếm lĩnh từ sau các quầy giao dịch. Một người nhanh nhẹn mở dần từng bao đựng tiền, đếm rồi trao cho các quầy những bó tiền mới cứng. Khách hàng vây quanh Edwina d’Orsey, nhao nhao hỏi:
- Có đúng là nhà băng đủ tiền trả cho tất cả chúng tôi chứ?
- Tất nhiên là đúng thế.- Edwina nói rồi đưa mắt nhìn bao quát tất cả mọi người, nói to:
- Tôi là Edwina d’Orsey, giám đốc chi nhánh trung tâm của Ngân hàng Thương mại số Một. Tuy báo chí đưa ra những phỏng đoán này khác, nhưng sự thật là nhà băng chúng tôi vẫn yên ổn, vững chãi như bất cứ lúc nào. Chúng tôi hiện có thừa thãi tiền mặt để trả cho tất cả các vị ở đây, cũng như ở mọi chi nhánh khác.
Người phụ nữ ăn mặc lịch sự ban nãy nói:
- Có thể bà nói thật nhưng cũng có thể bà nói thế để trấn an, cốt để chúng tôi không rút tiền ra nữa. Nhưng riêng tôi thì tôi chưa tin và tôi vẫn cứ rút tiền của tôi cho chắc ăn.
- Bà hoàn toàn có quyền làm thế.- Edwina nói.
Gatwick thở phào, ông không còn là đối tượng chính của đám người kia nữa. Đứng sau lưng Edwina, ông nhận thấy một số khách hàng đã bỏ bộ mặt cau có mà nhoẻn miệng cười rất tươi. Tuy nhiên đại đa số có vẻ vẫn quyết tâm rút tiền. Các quầy đều đang tới tấp lấy tiền trả cho khách hàng.
Trong lúc các quầy sôi động làm việc thì các nhân viên nhà băng vẫn tươi vui tiếp tục chuyển các bao tải tiền từ ngoài xe tải bọc thép vào nhà. Tất cả những người dân thị trấn Tylersville có mặt ở đây lúc này đều không bao giờ quên cảnh tượng hôm nay: chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ họ nhìn thấy một khối lượng tiền mặt lớn như thế bày ra trước mắt họ.
Nolan Wainwright đứng ở một chỗ có thể nhìn bao quát mọi hoạt động của các quan chức và nhân viên nhà băng tại đây. Ông thầm nghĩ: chiến dịch hỗ trợ được tiến hành chớp nhoáng đến mức bọn cướp không kịp trở tay. Đến lúc chúng có thể triển khai mưu đồ thì cũng đã muộn. Ông hài lòng nhìn các nhân viên bảo vệ đứng rải rác, vẻ mặt nghiêm túc tay lăm lăm khẩu súng ngắn.
Edwina tỏ ra là một nữ chỉ huy điềm tĩnh và thông minh. Bà vẫn giữ được vẻ mặt tươi vui, bình thản điều động từng người đảm nhiệm từng công việc. Bà ra lệnh cho Castleman tiến hành mở tín dụng. Ông này bắc ghế đặt giữa gian sảnh rồi bắc loa lên miệng nói to:
- Thưa các quý vị khách hàng. Tôi là nhân viên đảm trách tín dụng. Xin báo quý vị biết nhà băng vẫn tiếp tục nhận cho vay, và hôm nay các vị có thể xin vay với số lượng lớn hơn mọi khi. Cho nên nhân dịp này, vị nào định vay thì hãy đăng ký ngay, kẻo sang ngày mai, sẽ không được ưu đãi như hôm nay, khi chúng tôi từ văn phòng trung tâm đến đây trực tiếp giải quyết các yêu cầu của quý vị. Xin nói thêm rằng ông giám đốc chi nhánh, Gatwick, có nhã ý cho tôi mượn tạm phòng giấy của ông. Cho nên vị nào cần gặp tôi xin vào phòng giấy của giám đốc chi nhánh.
Một người chân bó bột, chống nạng nói:
- Rút xong tiền tôi sẽ vào gặp ông. Tội gì không vay. Nếu lỡ nhà băng phá sản thì mình không phải trả thì còn gì bằng.?
Castleman nói ngay:
- Nhà băng chúng tôi sẽ không bao giờ phá sản. Chân ông làm sao thế kia?
- Gãy xương. Tôi bị ngã lúc đêm, vì không nhìn rõ.
- Chúc ông chóng lành vết gãy. Nhưng tôi thấy có bổn phận phải nhắc quý ông: vay tiền của nhà băng thì ông sẽ phải trả. Nếu ông không trả, chúng tôi sẽ bẻ gẫy nốt chân bên kia của ông đấy.
Câu đùa vui của Castleman làm mọi người cười rộ. Castleman bước xuống, mang ghế đi. Không khí dịu hẳn xuống, nhưng dòng người vẫn tiếp tục nhích đến các quầy xin rút tiền. Dù sao không khí cũng trật tự, nhẹ nhàng hơn lúc trước. Các nhà lãnh đạo của nhà băng vẫn còn hồi hộp: liệu thứ vi khuẩn "mất lòng tin" này có tiếp tục lan truyền ra các chi nhánh khác không? Alex Vandervoort trực ở Toà Tháp vẫn liên lạc thường xuyên với Edwina d’Orsey bằng điện thoại.
Chiều nay ông định sẽ đến Tylersville, vì vẫn chưa thật yên tâm. Tình hình không đơn giản như ông tưởng ban đầu. Ông thầm nghĩ, hai ngày nghỉ cuối tuần sắp tới rất có thể tác động xấu và phải chuẩn bị tinh thần chờ đón tình hình này lan đến các chi nhánh khác.
Phiên làm việc ở Toà án hôm nay xong sớm, Margot bèn đến ăn trưa với Alex ở nhà ăn của nhà băng tại Toà Tháp. Ăn xong Alex giữ nàng ở lại trong phòng giấy của ông để thổ lộ nỗi lo lắng, lúc này đang lan rộng ra khắp tầng ba mươi sáu của Toà Tháp Cao ốc. Sau đấy hai người lên chiếc Limousine của nhà băng, có lái xe chở họ đi.
Alex ngồi ghế sau với Margot. Ông ngả người ra lưng ghế nệm cho thoải mái, tranh thủ nghỉ ngơi một lát. Margot nói:
- Năm nay là một năm vất vả của anh.
- Em thấy thế à?
Margot nghiêng người trìu mến sờ lên những vết nhăn hằn sâu trên trán người yêu:
- Anh có thêm bao nhiêu vết nhăn ở đây. Và tóc mai cũng bạc thêm nhiều.
- Anh già đi nhiều.- Ông nhăn mặt nói.
- Không nhiều lắm đâu. Đấy là cái giá phải trả cho một cuộc sống căng thẳng liên tục. Em cũng vất vả kém gì anh đâu?
- Đúng thế. Vấn đề là xét xem sự căng thẳng ấy có đáng phải chịu không? Anh nghĩ là đáng, bởi để cứu một nhà băng có nguy cơ suy sụp. Mà cứu nhà băng tức là còn bao nhiêu người số phận gắn bó với nhà băng.
- Tuy nhiên có đáng phải hy sinh nhiều đến thế không?
- Việc cần thiết thì cứ làm. Sự đền bù sẽ đến sau.
Xe đã chạy được một nửa chặng đường, Margot hỏi:
- Alex! Tình hình nhà băng xấu đến mức thế kia à?
- Nếu thứ hai tới, khách hàng vẫn tiếp tục đổ xô đến các chi nhánh thì nhà băng dứt khoát là vỡ nợ, phải đóng cửa. Tất nhiên một loạt nhà băng khác sẽ nhẩy vào cứu chúng ta, nhưng không phải họ không đòi hỏi gì. Họ đồng thời cũng sẽ cướp hết mọi vốn liếng còn lại của chúng ta. Tuy nhiên khách hàng không bị mất tiền. Như thế cũng đã là tốt rồi.
- Em vẫn chưa hiểu tại sao nguy cơ này lại xẩy ra đột ngột như vậy?
Các hệ thống ngân hàng và tài chính đều là những cỗ máy tinh vi, dễ hỏng hóc. Chỉ cần sai lầm một chút là nguy hiểm ngay. Một chút tham lam quá mức, một chút quan điểm chính trị lệch lạc, thậm chí một chút ngu xuẩn, là có thể gây ra thảm hoạ. Dân mất lòng tin. Chẳng hạn như tình trạng hiện giờ.
- Hình như trước đây ít lâu anh có nói với em là chỉ cần hám lợi, tối mắt lại một chút là dẫn đến tình trạng này, đúng như vậy không?
- Đúng là như thế. - Alex giận dữ đáp. Thêm nữa trong Hội đồng quản trị có quá nhiều những cái đầu ngu xuẩn.
Chưa bao giờ Alex nói ra miệng một câu phẫn nộ như vừa rồi và bây giờ nói ra được, ông thấy nhẹ người. Sau một chút im lặng ông nói tiếp:
- Lạy Chúa? Sao lúc này anh nhớ ông ấy đến thế?
- Ai?
- Ben Rosselli.
Margot nắm tay người yêu:
- Nếu ông Ben còn sống, chắc hẳn ông ấy cùng thi hành một chiến dịch cứu vãn như anh đang thi hành chứ?
- Chắc chắn. - Alex thở dài. - Nhưng chiến dịch này chưa đạt được hiệu quả là bao. Chính vì vậy mà anh khao khát giá có Ben Rosselli ở đây lúc này, chỉ dẫn chúng ta.
Lái xe hạ tấm kính ngăn nửa trước xe với nửa sau, nói:
- Đã đến Tylersvillẹ, thưa ông Vandervoort.
- Chúc anh may mắn, Alex, - Margot nói.
Còn cách chi nhánh vài chục mét, họ đã nhìn thấy người đứng xếp hàng dài dằng đặc trước cửa chi nhánh. Người ta vẫn tiếp tục kéo đến và hàng vẫn dài thêm. Đúng lúc chiếc Limousine chở Alex và Margot đỗ sát vỉa hè, thì ở vỉa hè bên kia một xe tải lạ cũng vừa đỗ. Rất nhiều thanh niên nam nữ bước ra. Trên thành xe có kẻ mấy chữ "Hãng truyền hình WTLC”
- Chà? Lại còn thế này nữa! - Alex kêu lên.
Họ vào trụ sở chi nhánh. Margot tò mò đi lẫn vào đám đông. Alex trao đổi vắn tắt với Edwina và Gatwick, thấy hai người này đã cố gắng hết sức của họ. Alex bỗng cảm thấy mình đến đây là thừa, nhưng đã đến rồi, ông muốn quan sát thực địa. Ông bắt chuyện với những người đang xếp hàng. Ông nghĩ, nếu không bổ ích gì thêm thì cũng chẳng hại gì.
Có chừng hai trăm người đang xếp hàng. Họ gần như đại diện cho các thành phần xã hội của thị trấn. Giàu có, nghèo có. Trẻ, già, trung niên, phụ nữ dắt con theo, đàn ông còn mặc quần áo lao động. Alex lững thững đi và chào một số người. Họ đều chào và đáp lại với thái độ thân thiện. Chỉ một số rất ít tỏ thái độ lạnh nhạt.
Tất cả đều lộ vẻ lo lắng. Những người rút được tiền rồi đều có vẻ mặt nhẹ nhõm. Một phụ nữ trung niên nói với Alex, không biết ông là người lãnh đạo nhà băng:
- Ơn Chúa, thế là yên. Từ bé chưa bao giờ tôi hốt hoảng như vừa rồi. Đây là toàn bộ tiền dành dụm của tôi trong bao nhiêu năm trời.
Bà ta nói, huơ lên một tập chừng trên chục tờ năm mươi đô la. Những người khác mỗi người một hoàn cảnh, người mang ra những khoản tiền lớn, người thì khá ít ỏi.
Quan sát mọi người, Alex có nhận xét dường như họ không còn tin vào lời nói của bất cứ ai nữa. Họ bị lừa quá nhiều lần rồi. Người ta đã nói dối họ, hứa hão với họ quá nhiều. Từ tổng thống, các quan chức cao cấp cho đến nhân viên các cơ quan, từ báo chí cho đến các hãng thông tấn, đài phát thanh, đài truyền hình. Quá nhiều tin tức bị bóp méo, thậm chí được tung ra không hề có cơ sở. Alex cảm thấy mình bất lực trong việc khôi phục lại lòng tin cho mọi người.
Ông bi quan thầm nghĩ: chẳng còn cách nào khác. Đành cam chịu tình trạng như vậy thôi.
Khoảng ngoài năm giờ chiều, Nolan Wainwright báo với Alex một điều đáng lo ngại: đám khách hàng xì xào với nhau rằng hôm nay là Thứ sáu, chi nhánh sẽ đóng cửa sớm hơn thường lệ vào sáu giờ tối. Chỉ còn nửa giờ nữa, làm sao trả hết tiền cho ngần này người? Họ rất lo sau hai ngày nghỉ cuối tuần, sang tuần sau tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn.
Alex ngập ngừng. Ông nhìn các nét mặt và thấy như đọc được trên đó nỗi căng thẳng lo lắng. Ông thầm nghĩ, trong trường hợp này Ben Rosselli nếu còn sống sẽ xử trí ra sao? Một quyết định đã hình thành trong đầu ông.
- Tôi sẽ trấn an họ. - Alex nói với Nolan.
Sau khi ra một số mệnh lệnh cho Edwina, Alex bước ra chỗ khung cửa ngoài để nhìn thấy tất cả mọi người và để tất cả nghe rõ lời ông nói. Ông cảm thấy các máy quay vô tuyến đang hướng về ông. Một phóng viên còn nói nhỏ vào tai ông rằng, số báo ra Chủ Nhật này sẽ đăng bài tường thuật lý thú về "vụ này".
Lấy giọng to và rành rọt, chậm rãi, Alex nói:
- Thưa các quý vị khách hàng. Tôi nghe nói các vị đang băn khoăn về giờ đóng cửa của chi nhánh nhà băng chúng tôi. Xin quý vị yên tâm. Thay mặt giám đốc chi nhánh này, tôi xin hứa sẽ tiếp tục mở cửa cho đến khi tất cả quý vị đều rút tiền xong, khi trong này không còn vị khách nào nữa.
Tiếng xì xào vui mừng lan nhanh trong đám người đứng chờ, Alex nói tiếp:
- Tuy nhiên tôi xin phép được khuyên quý vị một điều.
Không khí đang vui mừng bổng chững lại. Mọi người lo lắng nghe Alex.
Ông nói tiếp:
- Các vị nên hết sức cẩn thận khi mang trong người hoặc giữ ở nhà những khoản tiền lớn. Tôi khuyên quý vị nên chọn một nhà băng khác gửi ngay số tiền các vị rút ở đây ra. Để thuận tiện cho quý vị bà Edwina d’Orsey đang có mặt ở đây hiện đang liên hệ với các nhà băng khác đóng trong thị trấn này, đề nghị họ mở cửa lâu hơn thường lệ để các vị có thể từ đây ra đến ngay đó gửi.
Tiếng xì xào lại nổi lên tán thưởng. Nolan Wainwright ghé vào tai Alex nói thầm gì đó.
Alex bèn nói tiếp:
- Tôi vừa được thông báo là đã có hai nhà băng đồng ý và tôi tin rằng các nhà băng khác cũng sẽ tán thành đề nghị của chúng tôi.
Một người đứng trong hàng ngoài vỉa hè nói to:
- Ông có thể giới thiệu với chúng tôi nhà băng nào đáng tin cậy nhất không?
- Tất nhiên là được. - Alex đáp. - Riêng cá nhân tôi tôi tin cậy nhất là Ngân hàng Thương mại số Một. Đấy là nhà băng tôi biết rõ nhất cho nên tôi tin cậy nhất. Nhà băng đó đã có cả một lịch sử lâu đời hoạt động đứng đắn, có tín nhiệm với khách. Tôi rất mong các quý vị chia xẻ ý nghĩ của tôi.
Lần đầu tiên Alex không giấu nổi sự cảm động. Một số người cười hồn hậu. Nhưng đa số vẫn còn giữ nét mặt cau có.
Một tiếng nói to sau lưng Alex:
- Trước kia tôi cũng tán thành như ông...
Alex ngoái đầu lại nhìn. Đấy là một ông già ngoài bẩy mươi tuổi. Tóc bạc như cước, da mặt nhăn nhúm, lưng còng, tay chống can nhưng cặp mắt vẫn sắc xảo tinh nhanh. Đứng bên cạnh là một bà cụ cũng trạc tuổi ông cụ. Cả hai đều ăn mặc cẩn thận, nhưng áo quần kiểu cũ và dáng điệu có vẻ mệt mỏi. Bà cụ xách túi đựng những xấp giấy bạc. Bà cụ vừa nhận tiền ở quầy ra. Ông cụ nói tiếp:
- Bà lão nhà tôi vừa rút hết tài khoản tiết kiệm, chúng tôi đã gửi ở nhà băng Thương mại trong suốt ba chục năm nay. Chúng tôi rất buồn phải chia tay với nhà băng.
- Nhưng tại sao cụ phải làm thế?
- Vì chúng tôi nghe thấy người ta đồn dữ quá. Không có lửa sao có khói? Cho nên chúng tôi cứ tạm rút cho chắc.
- Quả là vừa rồi ở nhà băng chúng tôi xảy ra một trắc trở. Lời đồn đại đúng là có cơ sở. - Alex thú nhận. - Vấn đề là nhà băng chúng tôi cho tập đoàn công nghiệp siêu quốc gia Supranational vay một số tiền lớn. Chắc chắn bây giờ tập đoàn doanh nghiệp đó phá sản thì chúng tôi cũng chịu lây một khoản thiệt không nhỏ. Nhưng tôi cam đoan nhà băng chúng tôi sẽ vượt qua được khó khăn này và vẫn trụ vững.
Cụ già lắc đầu:
- Nếu tôi còn trai trẻ và còn sức làm việc, tôi sẵn sàng chấp nhận khả năng rủi ro và vẫn để tiền lại ở đây. Nhưng nay tôi già rồi, không còn sức kiếm tiền. Lỡ xẩy ra chuyện gì thì nguy to, cho nên tôi miễn cưỡng phải chọn cách ăn chắc này vậy.
- Cụ làm thế là đúng. - Alex nói. - Chỉ có điều cụ thay nhà băng này bằng nhà băng khác e cũng chẳng hơn gì.
- Ông cho tôi hỏi một câu: Nếu ông ở địa vị tôi và nếu số tiền này của ông, thì ông có làm như tôi vừa làm không?
Alex cảm thấy mọi người đang nhích đến gần, lắng nghe câu chuyện giữa ông với cụ già bẩy mươi kia. Alex nhìn thấy cả Margot đứng vòng ngoài và gần cạnh nàng là một máy camêra thu hình đang lia về phía ông. Rồi một phóng viên hãng thông tấn nào không biết đưa micro đến sát miệng Alex. Ông nói:
- Nếu tôi ở địa vị cụ, tôi cũng làm đúng như cụ ra làm.
Ông cụ ngạc nhiên:
- Ôi, ông quả là người thật thà. Bây giờ tôi sẽ nghe theo lời ông khuyên là đem số tiền này gửi ngay vào một nhà băng khác. Tôi rất biết ơn ông.
- Cụ có xe không?
- Không. Nhà tôi ngay gần đây. Chúng tôi đi bộ.
- Mang số tiền khá lớn thế kia mà đi bộ thì không nên. Cụ rất dễ bị kẻ gian trấn lột. Tôi xin cử người chở cụ đến nhà băng khác.
Alex ra hiệu cho Nolan Wainwright đến gần. - Đây là ông trưởng ban bảo vệ của nhà băng chúng tôi. Xin giới thiệu với hai cụ.
Nolan nói:
- Hai cụ yên tâm. Tôi sẽ tự tay lái xe chở hai cụ đến đó.
Cụ già sửng sốt. Cụ đưa mắt hết nhìn Alex lại nhìn Nolan.
- Các ông tốt quá. Chúng tôi vừa rút hết tiền ở nhà băng các ông ra, có nghĩa không còn tin cậy ở nhà băng các ông nữa. Vậy mà các ông vẫn đối xử tốt với vợ chồng tôi như thế?
- Chúng tôi bao giờ cũng phục vụ khách hàng. Cụ đã ba chục năm nay là khách hàng của nhà băng chúng tới, đã thành như người thân. Làm sao chúng tôi có thể dứt bỏ mối thân tình ấy được?
Ông cụ vẫn còn do dự:
- Xin ông cho hỏi thêm một câu nữa, một câu thẳng thắn giữa đàn ông với nhau.
- Xin cụ cứ nói.
- Ông đã làm cho tôi tin cậy. Nhưng tôi xin thành thật hỏi ông một lần cuối cùng. Liệu chúng tôi gửi số tiền dành dụm ba mươi năm nay lại đây, chúng tôi có thật sự an toàn không? Có tuyệt đối an toàn không”
Trong một vài giây đồng hồ, Alex cân nhắc những hậu quả có thể xẩy ra. Ông biết không phải chỉ hai ông bà già mà bao nhiêu người khác đang lắng nghe câu ông sắp trả lời. Bây giờ thì rất nhiều camera thu hình đã chĩa về phía Alex. Margot nhìn ông không chớp. Alex rành rọt và đầy tự tin nói:
- Nhà băng này tuyệt đối đáng tin cậy. Tôi xin lấy danh dự thề với cụ như vậy.
Ông cụ quay sang bà cụ:
- Vậy là hai vợ chồng mình lo lắng không đâu. Thôi, ta quay vào gửi lại nhà băng này thôi.
Trong tất cả các bài báo, bài phóng sự, tường thuật và trong tất cả những cuộc tranh luận nhiều tuần sau, đều có nhắc đến sự kiện đã xảy ra: từ lúc hai ông bà cụ quay lại vào quầy gửi tiền như cũ, thì đám khách hàng bắt đầu giảm dần. Một số người quyết định ra về, không rút tiền nữa. Rồi một số khác suy nghĩ, cũng làm theo. Cuối cùng mọi người ra về hết. Chi nhánh đóng cửa chỉ chậm hơn mọi Thứ sáu khác có mười phút.
Tuy nhiên trong chi nhánh Tylersville cũng như tại đại bản doanh của nhà băng trong Toà Tháp cao ốc người ta vẫn còn lo. Biết đâu sáng Thứ hai, tình trạng kéo đến lũ lượt đòi rút tiền vẫn lại diễn ra trước cửa các chi nhánh. Nhưng may thay chuyện đó đã không xẩy ra.
Cuộc đối thoại giữa hai vợ chồng già khách hàng với vị Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại số Một, lúc đưa lên màn hình, còn gây xúc động hơn nữa cho khán giả. Đoạn phim phóng sự này thành công rực rỡ, chiếu đi chiếu lại khá nhiều lần, được coi là một mẫu mực của kỹ thuật quay phóng sự tại chỗ.
Kỳ nghỉ cuối tuần đó, lúc xem đoạn phim này trên máy thu hình, Alex vẫn còn mang thái độ dè dặt. ông thừa biết nhà băng của ông còn phải đương đầu với bao nhiêu khó khăn lớn lao nữa. Tối Thứ sáu cũng như ngày Chủ Nhật, Margo đến với người yêu nhưng không nói gì nhiều đến sự kiện ở Tylersville. Không những thế, nàng vẫn còn một câu muốn hỏi Alex, chưa biết nên chọn lúc nào để hỏi. Một câu hỏi mang tính cốt lõi.
Trong số các quan chức cao cấp của nhà băng, Roscoe Heyward cũng theo dõi trên màn thu hình. Nhưng ông không xem đến hết. Khi trên màn hình hiện ra đoạn phóng sự tại chỗ kia, Roscoe Heyward bùng lên cơn ghen tị, ông vội tắt máy. Vả lại ruột gan ông đang rối bời. Bao nhiêu chuyện liên tiếp xảy đến làm mỗi lúc nỗi lo sợ càng tăng lên trong lòng Roscoe Heyward. Một chi tiết cần nói thêm, diễn ra sau sự kiện chiều Thứ sáu ở thị trấn Tylersville, liên quan đến Juanita Numez. Cô đã nhìn thấy nữ luật sư Margot Bracken đến nhà băng. Thời gian gần đây Juanita rất muốn gặp Margot để hỏi ý kiến. Hôm Thứ sáu, trông thấy Margot cũng đến Tylersville, cô đã định đến gặp. Nhưng cô không muốn Nolan Wainwright nhìn thấy. Mãi lúc khách hàng ra về và Nolan Wainwright mải bàn với các nhân viên bảo vệ bố trí canh giữ chi nhánh này ban đêm, bởi hiện đang có một số lượng tiền rất lớn cất ở đây, Juanita mới đến gặp Margot, lúc nàng đứng trong hành lang đợi Alex.
Juanita hỏi khẽ:
- Cô Bracken, hôm trước cô có nói nếu tôi gặp khó khăn thì tìm đến cô...
- Đúng thế. Vậy có chuyện gì thế, chị Numez?
- Tôi đang có chuyện rất lo.
- Cụ thể là chuyện gì?
- Nói ở đây không tiện. Xin cho tôi gặp chỗ khác, vào lúc khác để tôi có thể trình bày tỷ mỷ, được không ạ?
- Vậy thì mời chị đến văn phòng luật sư của tôi.
- Bao giờ nào?
- Tối Thứ hai, được không ạ?
- Được.