Hãy tiến lên và cứ phạm sai lầm. Phạm thật nhiều sai lầm. Bởi vì đó là nơi bạn sẽ tìm thấy thành công ở phía sau những sai lầm này.

Thomas J. Watson, Sr.

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 55
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4267 / 143
Cập nhật: 2016-02-24 12:08:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
êm hôm đó, Thanh Mai kể với tôi về cuộc đời nàng: Gia đình em làm nghề chài lưới ở một vùng hạ lưu sông Hồng. Khúc sông bát ngát. Ký ức chẳng còn gì nhiều lắm chỉ còn nhớ được những bãi lau ven sông thu về trắng xoá. Hoặc nhớ những cánh đồng xanh mướt thẳng cánh cò bay, đó là quang cảnh vùng quê mỗi khi theo mẹ mang cá lên chợ bán. Chàng biết không? Hầu như người lái đồ nào cũng hát hay; bố mẹ em và cả em nữa đều hát hay cả. Những buổi chiều, cơm nước xong, bố em vừa kéo nhị vừa hát; hát chán lại gõ mạn thuyền mà hò ô, bố hò câu trước, mẹ tiếp câu sau; giọng bố trầm, giọng mẹ cao quấn quýt với nhau. Đời người lái đò chỉ có thể mà vui...
Năm ấy, em chừng mười ba tuổi, quân Chiêm Thành theo Chế Bồng Nga tràn ra cướp phá nước ta. Những năm đó, người lái đò là người chịu khổ trước nhất vì giặc Chiêm, chúng thường theo đường biển xâm chiếm vùng châu thổ vào mùa gió nồm. Mùa gió đông - nam. Các gia đình sông nước đều biết điều đó, nên cứ đến vụ gió nam là nơm nớp lo sợ. Khốn nỗi. vụ nam đối với dân chài lại là chính vụ. Cá tôm trên sông nhiều ê hề. Có khi tung lưới chỉ vài canh giờ đã đầy thuyền tôm cá. Bán không hết đem phơi khô để dành. Nguồn sống quanh năm nhờ vào vụ cá nam là chính. Do vậy, dù sợ giặc, các gia đình chài vẫn phải bám mặt sông. Giặc đến, người ta gõ thanh tre vào mạn thuyền theo nhịp ngũ liên báo động. Thuyền nọ truyền tới thuyền kia. Cứ như vậy, tiếng ngũ liên truyền suốt dọc sông, rồi truyền đến cả những xóm làng trên bờ. Các thuyền vừa gõ vừa nhanh chóng cặp bờ, trốn giặc. Mọi người đã tay nải sẵn sàng, thoắt một cái, phải lủi nhanh vào những bãi lau sậy ven sông.
Em đã nhiều phen chui lủi trốn giặc như vậy, nhưng có một lần gia đình đã bị giặc bắt. Bị bắt vì quá mải mê theo một đàn cá ra tận cửa sông, xa rời các bạn thuyền. Mặt nước mênh mông, chẳng biết tìm đâu chỗ trốn. Cha em bị giặc giết ngay. Quân Chiêm có lệnh tuyệt diệt tất cả dàn ông. Còn mẹ em, vì có chút nhan sắc nên được một viên tì tướng Chiêm Thành bắt làm thiếp. Vì thương con, nên mẹ em đành nhẫn nhục. Năm ấy, em mười ba tuổi, vừa xinh đẹp vừa có giọng hát hay nên bị xung vào đội ca múa của vua Chế Bồng Nga. Đầu tiên, em phải học múa hát, do một bà cung nữ già truyền dậy. Người Chiêm múa rất khéo mà hát cũng lạ và hay. Chỉ một năm sau. em đã tinh thông mọi ngón đàn ca của họ. Cha em, xưa kia là trai cầy hết vụ nông lại cùng bè bạn họp thành gánh hát, lang thang khắp vùng châu thổ sông Hồng, sau gặp mẹ em cô gái thuyền chài có giọng hò làm mê mẩn lòng người, cha di theo mẹ và trở thành dân chài. Chính vì thế nên dù học hát người Chiêm, em vẫn không quên các làn điệu của người Việt. Thỉnh thoảng, em vẫn hát giọng Việt cho người Chiêm nghe. Nhưng phải nói, em đã bị lây giọng Chiêm rất nhiều. Người Chiêm thích giọng hát buồn. Mà đời em nào có ra gì, nên giọng em càng buồn hơn. Do đó, người Chiêm Thành rất thích nghe em hát...
Kể tới dây, Thanh Mai ngồi nhỏm dậy, lấy cây đàn nguyệt. Trong đêm thanh vắng, tiếng đàn của cô chợt vang lên não nùng. Cô nhấn, cô luyến, cô láy chậm rãi như một tiếng thổn thức. Cô hát lên khe khẽ:
Con ngựa Hồ! Ơ con ngựa Hồ!
Mi ăn cỏ phương Nam
Uống nước dòng sông Thu Bồn...
Đêm đêm hí trăng,
Hí về phương Bắc
Mày nhớ con sông màu đỏ.
Mi nhớ bờ lau xám buồn
Mi nhớ ai da diết ngày đêm...
- Nàng làm bài hát đó ư? Sao mà sầu thảm đến thế? - Tôi khẽ khàng hỏi.
- Không phải của em. Bài hát của mẹ em đấy. Khi bị bắt làm vợ người ta, vì nhớ cha em, nhớ con sông Hồng, mẹ đã hát như thế. Hát theo một điệu hát ngày xưa của bố, rồi mẹ héo hon mà ốm. Mẹ bỏ ăn hàng tháng trời mới chết nơi đất khách quê người.
Thanh Mai treo cây nguyệt cầm lên tường, ngồi thừ ra hồi lâu mới hết xúc động. Nàng kể tiếp:
- Chế Bồng Nga là một ông vua vũ dũng, nhưng rất thích múa hát. Sau công việc triều chính, tối nào ông cũng xem múa hát. Ngay cả khi đi chiến trận, ông cũng mang theo đội ca vũ. Có một đêm, ngồi xem, ông ta bỗng để ý tới em. Chế lại gần, nhìn cham chằm vào mặt em; ông đi vòng quanh ngắm, rồi lật chiếc mũ nhọn dát vàng trên đầu em ra, ngắm nghía mớ tóc. Ông hất hàm hỏi:
- Tóc này, không phải tóc người Chiêm?" - Em quỳ xuống, tâu bày. Ông trầm ngâm gật đầu, rồi từ đó em được chuyển làm thị tì cho vua Chiêm. Hầu hạ, xoa bóp mỗi khi Chế mệt nhọc... đội đèn hầu tiệc. Công việc thật nhục nhã tuy không vất vả. Mỗi khi có tiệc em mặc chiếc khố dát vàng, đôi vú cũng bịt bằng hai chiếc chóp vàng. Hai tay giơ lên đỡ chiếc khay vàng đội trên đầu, trên khay đặt những cây bạch lạp.
Em gần như trần truồng đội đèn. Thân hình em đẹp. Khách khứa vừa ngắm em vừa cười đùa ăn uống. Bà vũ nữ già người Chiêm đã dặn: "Đức vua Chế Bồng Nga không thích người đội đèn lại khóc. Muốn khóc thì khóc trong lòng".
Để cho bữa tiệc đặc biệt, vua Chiêm bắt em hát những bài hát Việt.
Em cầm cây đàn nguyệt, càng nén mối sầu bao nhiêu, thì tiếng đàn của em càng não nùng bấy nhiêu...
...Ơ con ngựa Hồ?
Mi nhớ con sông màu đỏ
Mi nhớ bờ lau xám buồn
Mi nhớ ai da diết ngày đêm...
Đến phút ấy, em không còn nén nổi lòng mình nữa, em đã khóc lã chã, song càng khóc hát càng hay. Hay đến nỗi Chế Bồng Nga, con người sắt đá cũng phải phá lệ tha cái tội khóc trong bữa tiệc của em.
Đêm ấy, vua Chiêm say lắm. Khi khách khứa về hết, ông đến bên em, khẽ khàng gỡ hai chiếc chóp vàng bịt đôi vú. Ông vuốt ve chúng, đắm say nhìn chúng, trong khi em run lên bần bật. Ông đặt em nằm xuống, gỡ nốt chiếc khố vàng ròng, và chiếm đoạt thân xác em. Em mê man sợ hãi, người như khúc gỗ. Em hét lên. Chao ôi! Nóng bỏng và đau đớn đến tê dại cả tâm hồn. Ông ta hung hãn chiếm đoạt; còn em thì rúm ró khiếp hãi. Không hiểu sao, như thế mà ông ta lại cảm thấy khoái lạc. Chế nói:
- Tốt đấy? Nhưng nhà người phải nhớ lấy điều này, nếu ngươi mang thai, thì phải biết tự xử trí...
Ông ta nói thế nghĩa là gì? Em ngồi lên, hàm răng còn thấy lập cập. Máu chảy loang đùi. Bà già cung nữ đến lau cho em, khoác áo cho em, đút cháo cho em. Rồi bà vào rừng, tìm những thứ lá đang ngắt, nấu cho em uống. Bà già thì thầm vào tai:
"Uống để triệt thai".
Chế Bồng Nga không thích có con lai. Con của ông ta không thể mang một chút dòng máu Việt. Em rung lên cầm cập khi bà già cho em biết "tự xử trí" nghĩa là thế nào.
Có thể nói Chế Bồng Nga vừa thích em vừa căm thù em. Ông ta xâm chiếm cơ thể em như để trả thù. Có lần, sau lúc thoả mãn, ông nói.
"May mắn cho nhà người! Ta đã ngủ với nhiều con gái Việt; nhưng không một người đàn bà Việt nào được ngủ với ta đến lần thứ hai".
Nghĩa là mỗi lần chiếm đoạt xong, ông ta đều sai giết chết những người đàn bà xấu số ấy. Điều đó càng làm em lo sợ hơn. Chẳng chóng thì chầy, sẽ đến lúc ông ta chán, lúc đó số phận em lại như những người đàn bà xấu số kia. Có một lần, ông ta lại nói:
"Ta không muốn câu chuyện "Huyền Trân công chúa" khi xưa lại tái diễn".
Như vậy số phận em đã được định đoạt. Em đã sống những ngày buồn thảm căng thẳng nhất của đời. Đã có lúc em muốn chết. Em đã chuẩn bị lá độc. Bà già cung nữ biết được bèn bảo:
- "Nghiệp là thế. Thôi thì sống cho hết nghiệp của mình. Chết cũng chẳng trách được nghiệp. Nó còn theo đuổi mình sang kiếp khác. Chi bằng cứ cắn răng lại mà trả nợ. Hết nghiệp là xong. Nhanh chóng lắm... Ta lại nhẹ tênh. Đằng nào cũng đã khổ, nỗi khổ đã thành chai gánh nhẹ hơn... " Sao lại thành chai? Sao lại nhẹ gánh? - Em thầm nghĩ - Mỗi lần ông vua Chiêm đến chiếm đoạt, em lại trải qua những phút run rẩy kinh hoàng. Những cuộc giao duyên đó đều như những cuộc xử tội. Đó là những trải nghiệm của riêng em mà ít có người đàn bà nào biết, vì người đời chỉ mới biết một điều: chuyện giao duyên là hoan lạc...
Nào ai biết cảnh những phút em phải hét lên vì đau đớn... và kỳ lạ thay, em càng đau đớn, ông vua kia càng thích thú...
Mãi sau này em mới hiểu: Chế Bồng Nga thích nỗi đau của người Việt. Kẻ thù càng đau, tâm hồn ông càng sảng khoái. Ông đem cả sự hận thù vào trong cuộc hành lạc. Cũng may cho em, vì còn biết cảm nhận đau đớn, không biến thành chai sạn. Nỗi đau làm cơ thể xinh đẹp em mỗi lần lại méo mó đi một cách khác... nên nó vẫn gây được khoái cảm cho ông... Em thoát chết phần nào nhờ được còn biết đau đớn...
o O o
Mùa gió nam đã đến đem đến nỗi lo sợ khắc khoải cho người dân châu thổ sông Hồng. Riêng Chế Bồng Nga hân hoan. Ông ta nói với em:
"Nước Việt của ngươi đã đến hồi mạt vận. Nhà ngươi hãy cầu trời khấn Phật đi. Hãy cầu cho ta đại thắng. Phen này, nếu ta tiêu diệt xong nhà Trần, tất cả bọn đàn ông người Việt, ta sẽ làm cỏ; nhưng bọn đàn bà, ta tha. Khi khải hoàn trở về, ta sẽ chính thức lấy nàng vào cung... " Thế quân Chiêm như chẻ tre. Đánh vào Thanh Hoá, Quý Ly thua, Nguyễn Đa Phương mang quân rút chạy, tôn thất Trần Nguyên Diệu đầu hàng. Thày chùa Phạm Sư Ôn chiếm Thăng Long ba ngày. Chế Bồng Nga cười ha hả.
"Trời giúp ta rồi! Trời đã chiều ta? Phạm Sư Ôn chẳng qua là bầy giặc cỏ, triều đình nhà Trần còn không giữ nổi kinh đô, huống hồ là năm vạn quân hùng mạnh của ta. Trời giúp ta rồi? Ha ha? Ta sẽ phong cho Trần Nguyên Diệu làm An nam vương, và nước Việt phải hàng năm triều cống Chiêm Thành. Trời đã chuyển gió bạc ư? Không cần! Bọn tư đồ, Thái bảo, đại thần nhà Trần chả bí mật gửi thư đến cầu xin ta mau tiến quân giúp đỡ họ ư? Phen này, ta sẽ ăn tết ở Thăng Long.
Bên bờ sông Lương, Thanh Hoá, vua Chiêm cho mở tiệc khao quân, để khích lệ muôn lòng tướng sĩ, trước khi tiến quân vào sông Hoàng Giang, vào châu thổ sông Hồng.
Trong bữa tiệc ấy, chính em là người vũ nữ mà Ba Lậu Kê, tên quân hầu của Chế Bồng Nga, định cưỡng đoạt, và đã gây nên cơn giận lôi đình của vua Chiêm. Khi Chế Bồng Nga tát tên lính hầu, bàn tay ông ta lăm lăm sờ vào đốc kiếm. Sự thịnh nộ ấy nằm ngoài lẽ thường. Ba Lậu Kê không thể hiểu được tại sao một vị vua oai hùng như thế lại có thể bảo vệ một con tù binh nô lệ, thứ người mạt cấp, thứ chiến lợi phẩm rẻ tiền.
Theo đúng lẽ, vua Chiêm thiếu gì gái đẹp, thiếu gì những người đàn bà cao quý, còn thứ đàn bà mạt cấp như em thường chỉ để dành cho bọn binh lính; nếu như em là một quận chúa một phu nhân nhà Trần, điều đó có thể hiểu được, đang này... Ba Lậu Kê, mắt tròn xoe, lủi vào bóng tối... Ông vua oai hùng đứng đó, chau mày nhìn em... còn em cố lấy mấy mảnh vải rách che thân, đứng run rẩy dưới ánh sáng cây bạch lạp...
Rồi Ba Lậu Kê bỏ trốn, quân Chiêm từ biển dong thuyền vào sông Hoàng Giang. Cũng may, từ hôm xảy ra chuyện ấy, em bị Chế Bồng Nga đuổi sang thuyền khác. Cũng nhờ thế, em không hề gì, khi Ba Lậu Kê chỉ điểm và quân cung nỏ của thượng tướng Khát Chân bắn như mưa vào thuyền vua Chiêm và giết chết Chế Bồng Nga.
Thanh Mai dừng kể, vì xúc động, hơn nữa chắc để sắp xếp, nhớ lại những tình cảm, những diễn biến đã qua của đời mình. Một lát sau, nàng mới tiếp:
... Mấy ai hiểu được sự tủi nhục, nỗi đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần của một cô gái ngây thơ trong phút chốc cuộc sống bỗng tan nát, mất cả cha lẫn mẹ, sống một cuộc sống thấp hèn của một con vật, của kiếp người nô lệ đàn bà, chung quanh lúc nào cũng ngút trời khí hận thù, lúc nào cũng nơm nớp như con cá năm trên thớt...
Hiểu được nỗi đau ấy, mới biết được tâm trạng của em khi được vị anh hùng Trần Khát Chân cứu thoát...
- Huynh hiểu. Tướng Trần Khát Chân, như một người cha, đã sinh ra nàng lần thứ hai.
- Vâng! Em đã khóc rưng rức, quỳ rạp dưới chân ngài, hôn lên đôi ủng chiến trận của ngài. Em không nói được thành lời chỉ biết khóc như mưa như gió. Mọi người khuyên giải mãi mới nguôi. Ngài đỡ em đậy. Em nói:
"Xin đức ông cho tiện nữ được lập bàn thờ, thờ sống ngài. Tấm thân hèn hạ này nhờ tướng công mới được tái sinh. Xin làm thân trâu ngựa để đền bù. Hôm sau, trong quân mở tiệc mừng công. Em ôm đàn ra hát. Lúc đầu hát bài "Lạc khúc báo thiên", sau sang "Thanh bình điệu". Tướng quân nói:
"Ta nghe vua Chiêm vẫn thích nghe một bài hát Việt do nàng làm ra, hay lắm".
"Dạ! Đó là bài "Con ngựa Hồ!" do mẹ thiếp làm lúc sắp lâm chung. Nhưng sợ rằng nó quá u sầu... " "Không sao? Bây giờ chiến tranh đã dứt. Vả lại, hát bài xưa buồn để ghi nhớ nỗi khổ trong lòng tướng sĩ cũng là điều nên làm".
Em đành phải vâng lời:
Ơ con ngựa Hồ?
Mi ăn cỏ phương Nam Uống nước dòng sông Thu Bồn...
Đêm đêm hí trăng, Hí về phương Bắc
Mi nhớ con sông màu đỏ mi nhớ bờ lau xám buồn
Mi nhớ ai da diết ngày đêm?...
Người ngồi nghe đều biết thân phận của em, nay lại được nghe tiếng đàn tiếng hát của chính người trong cuộc cho nên tướng sĩ dự tiệc không mấy người không sa nước mắt. Tướng công gọi đến, bảo:
"Con hát hay lắm. Có muốn ta tiến cử xung vào đội nữ nhạc trong cung?" Em đa tạ và từ chối.
"Hay là ta sẽ tìm nơi tử tế gả chồng cho con?" Có lẽ không ai biết được nỗi khiếp hãi đàn ông của em. Sự cưỡng đoạt tàn nhẫn của vua Chiêm đã ghi lại một vết hằn sâu trong óc. Cứ nghĩ tới những phút bên vua Chiêm, em lại rùng mình... Em quỳ xuống trả lời:
"Tấm thân kẻ tiện dân nay đã vấy bùn. Không dám nghĩ đến việc gia thất. Ý nguyện của con lúc này chỉ muốn được xin về nơi thôn dã sống yên ổn, lập bàn thờ, thờ vong linh cha mẹ và cầu nguyện trời Phật hộ trì cho tướng quân ngày thêm rạng ngời công đức. Thế là đã thoả nguyện lắm rồi".
Tướng công nghe vậy liền bảo:
"Sao lại vấy bùn? Con đừng nghĩ sai lệch. Con là một người trong trang nhất mà ta đã gặp. Ta có người thuộc hạ hiền lành trung trực, đã goá vợ. Ta muốn con có nơi có chốn. Ta muốn coi con như con gái của ta. Ta không muốn trông thấy con đến già..." Em càng sợ hãi, một mực khăng khăng chối từ.
"Con đội ơn sâu. Đức ông đã cải tử hoàn sinh cho con. Nhưng việc gia thất... quả thực con đây không dám..." Thượng tướng nhìn nét mặt tái mét của em, người rất ngạc nhiên. Ngồi im lặng hồi lâu, rồi gật gật đầu.. Có lẽ gương mặt và thái độ của em làm cho người hiểu được một điều gì chăng. Nhưng từ đây người không bao giờ đả động đến chuyện đó nữa...
Thượng tướng không cho em về quê. Người cho em một khu vườn ở phường Hà Khẩu, chu cấp tiền bạc để em lập nghiệp ở đất Thăng Long. Từ đó, thượng tướng đã thật sự coi em như con gái, nhưng không vì thế mà em lạm dụng lòng tốt của người. Em cố gắng tự lập. Trời đất đã phú cho em giọng hát. Số phận đã đưa đẩy em làm nghề ca hát từ lúc còn trẻ; vậy tại sao em lại không tiếp tục làm nghề ca hát. Xưa kia, giọng hát của em chỉ dành riêng cho vua chúa và triều đình Chiêm Thành, bây giờ em muốn đem tiếng hát ấy cho người Thăng Long. Nghĩ thế, nên em lại tiếp tục làm nghề ca hát. Người dân kinh đô rất lấy làm lạ sao em còn trẻ và đẹp, lại có thượng tướng đỡ đầu lại không lấy chồng. Nào ai có biết cho chuyện riêng tư, nỗi khiếp sợ đàn ông mà Chế Bồng Nga còn để lại cho em. Và cứ thế, em đinh ninh rằng từ nay đến sau này sẽ chẳng còn có người đàn ông nào có thể làm tan nỗi khiếp sợ trong lòng em".
Tôi mỉm cười, không khỏi cảm thấy một chút kiêu hãnh. Trong bóng tối nàng đâu có nhìn thấy nụ cười trên môi tôi cớ sao nàng lại rúc đầu vào ngực tôi như để trốn tránh một sự ngượng ngùng đầy thi vị. Và Thanh Mai hỏi.
- Chàng có nhớ những ngày mới gặp nhau?
- Quên sao được cái đêm đầu tiên trong vườn mai.
- Kỳ lạ thật! Tại sao em sợ đàn ông đến thế mà sau cái đêm ở Tị Huyên Đình, sau khi cùng chàng hát bài "Hương lan" hay "Ai xui câu hát nghiêng nghiêng" gì đó, em bỗng chợt nhận thấy niềm xác tín trong lòng từ trước đến nay bỗng lung lay.
Tôi sung sướng nói:
- Còn huynh, mới gặp muội, huynh cũng bồn chồn...
Và xúc động. Rồi tự nói với mình: cô ấy là người đàn bà hiền dịu đã trải qua nhiều đau khổ. Cô ấy trong trắng, cô ấy có một tấm lòng cao cả, chịu bao nhiêu cay đắng như thế mà không hận thù...
- Chàng đừng nói thế. Em hận thù chứ. Tại sao bị ngược đãi như thế mà em không tự vẫn? Vì lòng hận thù đấy. Lòng hận thù đã tiếp sức cho em, dậy cho em biết cắn răng lại để sống sót. Ngày xưa em cứ tự nhủ: "Rồi các người sẽ biết tay ta". Sự nhục nhã quá chừng làm em thù hận chẳng phải riêng gì Chế Bồng Nga quân Chiêm. Hình như nó mơ hồ được mở rộng với tất cả đàn ông... Khi được giải thoát, sự vui sướng lên đến quá mức làm em quên đi được một thời gian... Nhưng sau hôm gặp mặt chàng, ở vườn mai. em bàng hoàng. Tình yêu đã thức dậy trong em nhưng không phải không kèm theo sự hận thù. Nó biểu lộ ở chỗ, trong lòng vẫn có sự nghi ngờ, sự dày vò, sự ngập ngừng. Em tự bảo: tin gì được con người như chàng. Người cao sang tột bậc. Ta là kỹ nữ. Chẳng qua... một cuộc đùa chơi gió thoảng.
- Trải qua nhọc nhằn như nàng, có những ý nghĩ ấy là chuyện tất nhiên.
- Không phải! Chàng đã quá rộng lượng. Em chưa nói hết. Còn nhiều chuyện khác. nếu nói ra chàng có thể khinh thường... cứ thử nhớ lại mà xem... Tại sao thời gian đầu chàng cảm thấy như em cố tình lẩn tránh...
- Không nhớ... Không hiểu... à? đúng rồi. Huynh nhớ lại lúc đầu, đã có lúc thất vọng... uống rượu say... rồi nằm ở bãi sông...
- Đúng... Hôm ấy chàng đến nhà em... đến phường Hà Khẩu... Chàng gọi cửa... rồi buồn rầu quay ra bãi sông... Về sau em nói dối là em không có nhà, chỉ khi về mới bắt gặp chàng tuý luý nằm gục trên bờ ruộng. Thực ra, lúc đó em có nhà. Em ở trong nhà. Em nghe tiếng chàng mà không mở cửa... Bởi vì...
- Vì sao.
- Vì thực ra lúc đó em vừa yêu chàng đồng thời hình như lại hận thù chàng. Em cũng xấu xa chứ đâu như chàng tưởng.
- Muội nói, huynh hoàn toàn không hiểu.
- Bởi vì... bởi vì em không muốn dối trá.
- Huynh vẫn chưa hiểu.
- Bởi vì... em đã thật sự dối trá...
- Em không dối trá.
- Thật ra... Giọng Thanh Mai trở nên bình tĩnh đến lạnh băng khi nàng thốt ra những lời từ lâu vẫn chôn chặt trong lòng - Thật ra, em đã nhận lời với thượng tướng Khát Chân, rằng sẽ giả vờ yêu chàng, nhưng thực ra để dò xét tình hình.
Nói xong Thanh Mai hai tay ôm lấy mặt. Tôi nhẹ nhàng cầm lấy tay nàng:
- Nhưng nàng đã không dò xét?
Tay Thanh Mai run lên. Sự thổ lộ thành thực đã làm nàng xúc động. Tôi ôm lấy nàng. Thanh Mai phải ngừng một lúc mới trở về bình tĩnh để nói tiếp:
- Sau khi về phường Hà Khẩu, và em đã nổi danh về tài đàn ca ở đất Thăng Long, thượng tướng Khát Chân liền nảy ra một ý định. Ông biết rõ chàng là người phong lưu, nên muốn em tiếp kiến chàng, rồi sau đó... Chàng hiểu rõ em đã chịu ơn quan thượng tướng ra sao, hơn nữa nguyên nhân sự sa sút điên đảo của đất nước, ở Thăng Long người nào mà chẳng nói đều do vì thái sư khuynh đảo triều chính.
Nàng chợt nắm chặt lấy tay tôi. Còn tôi vẫn thản nhiên lặng lẽ. Bóng tối cũng giúp đỡ để nàng nói ra được những lời tự đáy lòng, và làm cho tôi cũng dễ nghe - Em chẳng biết gì những chuyện đại sự, nhưng đó là ý dân. Còn em, cũng chỉ là một dân thường nên cũng có những ý ấy. Thế là em hăm hở thi hành mưu kế của thượng tướng. Nhưng khi gặp chàng ở vườn mai, những ý nghĩ trong lòng em bỗng trở nên nghiêng ngả. Em bỗng bàng hoàng, bồn chồn trong dạ. Công việc của em là phải lừa dối chàng, nhưng em lại không muốn lừa dối. Em vừa muốn đến gần, lại vừa muốn lánh xa - Cái đêm chàng đến phường Hà Khẩu, em phải cắn răng lại để mặc chàng thất thểu đi ra bãi dâu. Nhưng khi bước chân chàng rời xa, lòng em lại thấp thỏm. Em mở cửa bước ra, nấp sau những bụi cây, cho đến lúc chàng li bì nằm bên dòng nước.
Em đem chàng vào nhà. Trong lúc lên cơn sốt, mê sảng, chàng vẫn luôn nhắc đến Thanh Mai. Em bật khóc. Và từ phút ấy, em hiểu mình sẽ chẳng bao giờ xa chàng được nữa. Cũng từ phút ấy, nỗi sợ đàn ông, nỗi hận thù đến độ mê muội, lòng biết ơn đi đến chỗ quá khích trong em cũng được điều hoà hơn. Em ra vườn hái một cành mai đã kết trái cắm trong chiếc lọ đầu giường và chờ chàng thức dậy. Em tự nhủ: người đàn ông mình đợi chờ từ bao lâu nay đã đến rồi. Lúc này, tất cả những việc khác, với ta, đều không quan trọng nữa. Em đã đến gặp quan thượng tướng:
"Tâu đức ông. Con xin chịu tội cùng đức ông. Con không thể làm hại chàng được".
"Con đã yêu?" "Vâng? Con đã thương chàng" "Ta đâu muốn bảo con làm hại Nguyên Trừng. Ta cũng rất quý trọng con người ấy".
"Nhưng, con không thể dối trá với chàng được".
Đức ông Khát Chân ngồi lặng lẽ, suy ngẫm rất lâu, lơ đãng đến nỗi bỏ mạc em quỳ rạp mãi trên mặt đất. Rồi ông thở dài, cúi xuống đỡ em lên:
"Thôi? Đứng dậy đi con. Ta đã giải lời nguyền cho con rồi đó".
Tôi rung động, chẳng nói thành lời. Tôi nắm hai bàn tay nồng ấm, mềm dịu của Thanh Mai. Những lời nàng nói không làm tôi ngạc nhiên. Đêm đầu tiên gặp nhau ở Vườn Mai, tôi hầu như đã hiểu tất cả. Song, tôi không hé răng nói một lời, bởi vì tôi nhìn vào mắt nàng, tôi đã tin. Niềm tin ấy thực sự đã được đền đáp. Ông trời quả không phụ lòng tôi.
Đó là chuyện xảy ra đêm trước khi chúng tôi sửa soạn lên đường đi Yên Tử. Có lẽ, trước khi đến đất Phật, Thanh Mai muốn lòng mình được hoàn toàn thanh thản, bởi vì nơi chúng tôi sắp đến là miền tịnh độ và dù một vết gợn nhỏ trong tâm cũng phải rửa sạch làu.
Hồ Quý Ly Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh Hồ Quý Ly