Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Chương 47
V
ài tuần trôi qua mà không có bất cứ thay đổi nào. Chúng tôi đợi
Wemmick, và ông vẫn chưa có tín hiệu gì. Nếu tôi chưa bao giờ biết ông ở
ngoài Little Britain, và chưa bao giờ có hân hạnh được làm quen ông ở mức
độ thân mật hơn tại Lâu Đài, rất có thể tôi đã nghi ngờ ông; nhưng vì biết rõ
Wemmick, tôi không hề nghi ngờ dù chỉ trong khoảnh khắc.
Cuộc sống thường ngày của tôi bắt đầu trở nên ảm đạm, và đã có
không chỉ một chủ nợ thúc ép đòi tiền tôi. Thậm chí bản thân tôi cũng bắt đầu
biết cảm giác thiếu tiền (ý tôi là tiền mặt trong túi mình), và phải giải vây
bằng cách biến vài món trang sức không cần đến thành tiền mặt. Nhưng tôi
đã kiên quyết cho rằng lấy thêm tiền từ người bảo trợ cho mình trong tình thế
mơ hồ cả về suy nghĩ lẫn kế hoạch của bản thân là một sự lừa đảo vô lương
tâm. Vì vậy, tôi đã gửi Herbert trả lại cái ví chưa hề mở ra để ông ta tự giữ,
và cảm thấy một chút hài lòng - cho dù là thật hay giả tôi cũng khó lòng biết
được - khi không tiếp tục lợi dụng sự hào phóng của ông ta kể từ khi ông lộ
diện.
Thời gian trôi qua, tôi bị đè nặng bởi cảm tưởng Estella đã lấy chồng.
Lo sợ phải thấy chuyện đó được xác nhận, cho dù đó chỉ là một khẳng định
chính thức, tôi tránh xa mọi tờ báo, và cầu xin Herbert (tôi đã tâm sự với cậu
tình cảnh cuộc gặp cuối cùng giữa cô và tôi) đừng bao giờ nói về cô với tôi.
Lý do gì khiến tôi vẫn nâng niu sợi dây hy vọng mong manh sắp đứt đang
chông chênh trước gió đó, làm sao tôi biết được? Lý do nào khiến bạn, người
đang đọc những dòng này, cũng gặp phải những mâu thuẫn không khác thế
này là mấy vào năm trước, tháng trước hay tuần trước?
Tôi đã sống một cuộc sống thật bất hạnh; và nỗi lo lắng lớn nhất của
nó, ngự trị nổi bật trên tất cả những nỗi lo lắng khác, giống như một ngọn núi
cao vút lên trên một rặng núi, luôn hiện hữu trước mắt tôi. Song không có
thêm lý do mới nào để lo sợ xuất hiện. Tôi vẫn bật dậy khỏi giường như
thường lệ, lại với nỗi kinh hoàng ám ảnh là ông ta đã bị phát hiện; tôi vẫn
ngồi lắng nghe trong hãi hùng như thường lệ tiếng bước chân Herbert quay
về buổi tối, sợ rằng nó có vẻ vội vã hơn bình thường và đem theo tin dữ -
nhưng bất chấp tất cả những chuyện đó, và cả nhiều chuyện liên quan tương
tự, vòng quay của cuộc sống vẫn cứ tiếp tục. Bị buộc phải án binh bất động
trong trạng thái bứt rứt hồi hộp thường trực, tôi chèo ngược chèo xuôi trên
chiếc thuyền của mình và đợi, đợi, đợi, theo cách tốt nhất tôi có thể.
Có những thời điểm nước triều làm cho tôi sau khi xuôi dòng sông
không thể quay trở lại dưới những nhịp vòm và trụ kè bị dòng chảy bào mòn
của cầu London cũ; những lúc như thế, tôi để thuyền lại một cầu tàu gần tòa
nhà Hải Quan để sau đó mang về chỗ cầu thang từ Temple dẫn xuống sông.
Tôi cũng không ngại gì chuyện này, vì nó giúp tôi và chiếc thuyền trở thành
thứ quen thuộc với những người sống ven sông ở đó. Từ những dịp thỉnh
thoảng này đã dẫn đến hai cuộc gặp gỡ tôi sắp kể ra đây.
Một buổi chiều cuối tháng Hai, tôi lên bờ ở cầu tàu lúc nhá nhem tối.
Tôi đã xuôi dòng xa tới tận Greenwich theo thủy triều xuống, rồi trở lại theo
nước triều lên. Hôm đó là một ngày đẹp trời sáng sủa, nhưng sương mù đã
buông xuống khi mặt trời lặn, và tôi đành mò mẫm tìm lối về giữa dòng
thuyền bè đi lại một cách rất thận trọng. Cả lượt đi lẫn lượt về, tôi đều trông
thấy ám hiệu trên cửa sổ của ông ta: Ổn cả.
Lúc đó là một buổi tối rét buốt, và tôi rất lạnh, tôi nghĩ mình sẽ lập tức
tiếp sức cho cơ thể bằng bữa tối; và vì sẽ phải chịu hàng giờ phiền muộn cô
độc trước mặt nếu quay về nhà ở Temple, tôi nghĩ sau khi ăn xong sẽ đi xem
kịch. Nhà hát nơi ông Wopsle giành được màn khải hoàn đáng ngờ cũng nằm
ngay gần ở cùng bên sông (nhưng giờ đã biến mất), và tôi quyết định sẽ tới
đó.
Tôi hiểu ông Wopsle đã không thành công trong việc làm sống lại kịch
nghệ, mà ngược lại còn có vẻ đóng góp thêm cho sự đi xuống của nó. Ông
này đã được thông báo một cách thật ảm đạm trên tờ quảng cáo vở diễn với
vai một anh chàng da đen trung thành bên một cô bé xuất thân quý tộc và một
con khỉ. Herbert cũng đã thấy ông vào vai một gã cướp Tartar theo thiên
hướng hài hước với khuôn mặt đỏ quạch như gạch và một cái mũ lố bịch gắn
đầy chuông.
Tôi dùng bữa tối tại nơi Herbert và tôi từng quen gọi là một quán ăn rẻ
tiền mang phong cách địa lý - nơi đầy rẫy các bản đồ thế giới được vẽ bằng
rìa đáy cốc vại trên từng thước vải trải bàn, những hải đồ đồ bằng nước hầm
trên từng con dao ăn - cho tới ngày nay hiếm có quán ăn rẻ tiền nào nằm
trong địa hạt của ngài Thị trưởng lại không theo phong cách địa lý - và giết
thời gian bằng cách vân vê những mẩu bánh mì vụn, nhìn chằm chằm vào
ánh đèn ga, nướng trong hơi nóng của các bữa tối. Chẳng mấy chốc, tôi đứng
dậy đi tới nhà hát.
Tại đó, tôi tìm thấy một thủy thủ trưởng chính trực từng phụng sự đức
vua - một người tuyệt vời, cho dù tôi những muốn ước gì cái quần ông ta mặc
không quá chật ở một số chỗ trong khi lại quá rộng ở một vài chỗ khác - ông
ta nện cho mũ của tất cả những người nhỏ bé hơn tụt xuống tận mắt cho dù
ông ta là người rất rộng lượng và can đảm, ông ta không muốn nghe tới
chuyện ai đó phải đóng thuế cho dù ông ta là người cực kỳ ái quốc. Ông ta có
một túi tiền trong túi, trông hệt như một cái bánh pudding bọc vải, và nhờ vào
món tài sản đó cưới được một cô gái trẻ ăn mặc như trùm mùng màn, với lễ
lạt tưng bừng; tất cả dân cư Portsmouth (chín là con số theo lần điều tra dân
số mới nhất) xuất hiện trên bãi biển để xoa tay bắt tay, rồi hát “Rót đầy, rót
đầy!” Tuy nhiên, một gã thủy thủ chuyên cọ sàn tàu có nước da bánh mật,
người chẳng chịu rót đầy hay làm bất cứ điều gì khác được yêu cầu và có trái
tim được mô tả một cách công khai (qua lời ông thủy thủ trưởng) là đen
chẳng khác gì cái tượng gắn ở mũi tàu của ông ta, đã rủ rê hai gã thủy thủ cọ
sàn khác đẩy cả nhân loại vào rắc rối; mưu đồ này được thực hiện hiệu quả
(gia đình thủy thủ cọ sàn này có ảnh hưởng chính trị đáng kể) đến mức phải
mất tới nửa buổi tối để thu xếp mọi thứ ổn thỏa, và ngay cả khi đó mọi
chuyện cũng chỉ được thu xếp nhờ một người bán tạp hóa bé nhỏ trung hậu
đội mũ trắng, đi ghệt đen và có một cái mũi đỏ au chui vào trong một cái
đồng hồ cầm theo một cái vỉ nướng, lắng nghe, rồi chui ra dùng cái vỉ nướng
nện gục từ phía sau tất cả những ai anh ta không thể thuyết phục được với
những gì đã nghe lén. Chuyện này dẫn tới việc ông Wopsle (vốn chưa hề
được nhắc tới trước đó) bước vào, đeo trên người cả sao và tước vị hiệp sĩ,
như đại diện toàn quyền của một quyền lực lớn lao từ Bộ Hải quân tới để nói
cả đám thủy thủ lau sàn tàu sẽ phải vào tù ngay lập tức, và mang quốc kỳ
Anh tới cho vị thủy thủ trưởng như một bằng chứng nhỏ nhoi thừa nhận việc
phụng sự công quyền của ông này. Người thủy thủ trưởng, lần đầu tiên để
cảm xúc khống chế bản thân, trân trọng dùng lá cờ lau khô nước mắt, rồi hồ
hởi gọi ông Wopsle là quý ông và xin phép được bắt tay ông. Ông Wopsle,
sau khi chìa bàn tay ra với vẻ đường bệ lịch lãm, lập tức bị lùa vào một góc
bụi bặm, trong khi tất cả các diễn viên khác cùng nhảy một điệu vui nhộn của
thủy thủ; và từ trong góc, trong lúc theo dõi công chúng với con mắt bất mãn,
ông ta liền phát hiện ra tôi.
Tiết mục thứ hai là vở kịch câm chủ đề Giáng sinh hoành tráng mới
nhất, và trong màn đầu tiên, tôi thấy não lòng khi ngờ rằng mình đã phát hiện
ra ông Wopsle với đôi chân đi tất sợi len đỏ, khuôn mặt chói chang lòe loẹt
và một mớ tua rèm đỏ lựng làm mái tóc, đang bắt tay vào chế tạo ra tiếng sét
trong một hầm mỏ và tỏ ra hèn nhát cực độ khi vị chủ nhân khổng lồ của ông
về nhà (rất ầm ĩ) để dùng bữa. Nhưng ông ta lập tức tái xuất trong bối cảnh
khá hơn nhiều; vì Vị thần Tình yêu trẻ trung do cần đến trợ giúp - về sự tàn
bạo của một ông bố nông dân thô kệch phản đối cô con gái đem lòng yêu,
bằng cách cố tình rơi xuống mục tiêu, một bao bột mì, từ cửa sổ tầng một - đã
triệu mời một vị phù thủy có bộ dạng trang trọng đầy giả tạo; và vị phù thủy,
từ tận đầu kia thế giới xuất hiện một cách khá loạng choạng sau một cuộc
hành trình nghe chừng rất dữ dội, hóa ra chính là ông Wopsle đội một cái mũ
chóp, kẹp dưới cánh tay một quyển sách phù chú để liên lạc với người chết.
Vì phần công việc của vị phù thủy trên sân khấu chủ yếu là để chứng kiến
thiên hạ nói, hát, xô đẩy, nhảy nhót, và để bị bắn pháo hoa đủ màu, thành thử
ông có khá thời gian trong tay. Và tôi cực kỳ ngạc nhiên khi thấy vị đồng
hương dành trọn quãng thời gian ấy nhìn chằm chằm về phía tôi như thể bị
mất hồn vì kinh ngạc.
Có điều gì đó rất đáng chú ý trong đôi mắt ngày càng trừng lên của ông
Wopsle, và ông ta dường như đang ngẫm nghĩ nhiều thứ trong đầu và trở nên
rối bời vì chúng đến nỗi tôi chẳng thể luận ra ý nghĩa của ánh mắt này. Tôi
ngồi nghĩ về nó rất lâu sau khi ông ta đã bay lên chín tầng mây trong một cái
vỏ đồng hồ to tướng, và vẫn không thể luận ra nổi. Tôi vẫn tiếp tục nghĩ về
nó khi rời nhà hát một giờ sau đó, và bắt gặp ông ta đợi tôi gần cửa.
“Ông khỏe chứ?” tôi lên tiếng, bắt tay người đồng hương khi chúng tôi
cùng nhau quay xuống phố. “Tôi thấy ông nhận ra tôi.”
“Nhận ra cậu ư, cậu Pip!” ông ta đáp. “Phải rồi, tất nhiên tôi nhận ra
cậu. Nhưng còn ai ở đó nữa vậy?”
“Ai nữa cơ?”
“Đó là chuyện lạ lùng nhất có thể nghĩ đến,” ông Wopsle nói, lại chìm
đắm vào cái nhìn thất thần của mình, “thế nhưng tôi dám thề đó là hắn.”
Giật mình, tôi liền đề nghị ông Wopsle giải thích điều ông muốn nói.
“Liệu tôi có thể nhận ra được hắn hay không nếu không nhờ cậu có mặt
ở đó,” ông Wopsle nói, tiếp tục chìm trong vẻ thẫn thờ, “tôi không dám chắc;
nhưng tôi nghĩ là có.”
Tôi bất giác đưa mắt nhìn quanh như vẫn quen làm khi về nhà; vì mấy
lời bí hiểm đó khiến tôi ớn lạnh.
“Ồ! Không thể thấy hắn đâu,” ông Wopsle nói. “Hắn đã ra ngoài trước
khi tôi diễn xong. Tôi thấy hắn bỏ đi.”
Vốn sẵn lý do để đa nghi, tôi thậm chí ngờ vực cả vị diễn viên hạng bét
này. Tôi nghi ngờ một vụ dàn cảnh để bẫy tôi phải thừa nhận điều gì đó. Vì
thế, tôi liếc mắt nhìn ông ta trong lúc hai chúng tôi cùng bước đi, song không
nói gì.
“Tôi có một ý tưởng thật lố bịch là hắn nhất định phải đi cùng cậu, cậu
Pip, cho tới khi tôi thấy cậu có vẻ không hề biết hắn có mặt ở đó, ngồi sau
lưng cậu như một bóng ma.”
Cơn ớn lạnh lúc trước lại lan khắp người tôi, song tôi nhất quyết vẫn
chưa nói gì, vì những lời ông nói có vẻ rất ăn khớp với khả năng ông đang
tìm cách dụ tôi liên hệ những câu gợi ý này với Provis. Tất nhiên, tôi hoàn
toàn chắc chắn và yên tâm là Provis không hề có mặt tại nhà hát.
“Tôi dám nói là cậu đang băn khoăn về tôi, cậu Pip; thực sự thì tôi thấy
cậu đang nghĩ thế. Nhưng chuyện này quả là rất lạ! Cậu sẽ khó lòng tin nổi
điều tôi sắp kể với cậu. Nếu cậu là người kể nó với tôi, chắc tôi cũng khó
lòng tin nổi.”
“Thật vậy sao?”
“Phải, thật đấy. Cậu Pip này, chắc cậu còn nhớ hồi trước vào một dịp
Giáng sinh, khi cậu còn bé tẹo, còn tôi đến dùng bữa ở nhà Gargery, lúc ấy có
mấy người lính tìm đến để sửa một cái còng chứ?”
“Tôi còn nhớ rất rõ.”
“Và cậu chắc vẫn nhớ sau đó có một cuộc săn lùng hai gã tù khổ sai, và
chúng ta đã tham gia vào, rồi Gargery cõng cậu trên lưng, tôi đi đầu, còn hai
người bám sát theo sau tôi hết mức có thể chứ?”
“Tôi còn nhớ rất rõ.” Rõ hơn ông nghĩ - ngoại trừ ý cuối cùng.
“Và chắc cậu còn nhớ chúng ta đã bắt kịp hai gã đó dưới một con
mương, và hai gã đó đánh nhau, một trong hai gã bị gã còn lại nện tơi bời vào
mặt chứ?”
“Tôi vẫn còn nhớ rõ như chuyện đó đang xảy ra trước mặt vậy.
“Và chuyện những người lính thắp đuốc lên, quây hai gã tù vào giữa,
rồi chúng ta là những người cuối cùng tới xem mặt chúng giữa đầm lầy tối
đen, với ánh đuốc soi sáng khuôn mặt chúng - tôi nhớ rõ chuyện này - với
ánh đuốc soi sáng khuôn mặt chúng, trong khi bên ngoài là một quầng đêm
đen bao bọc lấy chúng ta chứ?”
“Có,” tôi nói. “Tôi còn nhớ tất cả.”
“Vậy thì, cậu Pip này, một trong hai gã tù đó ngồi đằng sau cậu tối nay.
Tôi thấy hắn ở ngay đằng sau cậu.”
“Gượm đã!” tôi nghĩ. Rồi tôi hỏi ông ta, “Ông cho rằng mình đã thấy ai
trong hai kẻ đó?”
“Gã bị nện,” ông lập tức trả lời, “và tôi dám thề đã thấy hắn! Càng nghĩ
về hắn, tôi càng chắc chắn chính là hắn.”
“Rất đáng tò mò!” tôi nói, cố hết sức tỏ vẻ rằng với tôi chuyện đó cũng
chỉ có vậy. “Quả thực là rất đáng tò mò!”
Tôi không hề phóng đại nỗi bất an mà cuộc trò chuyện này đẩy tôi vào,
hay nỗi kinh hoàng đặc biệt lạ kỳ tôi cảm thấy về chuyện Compeyson đã ở
đằng sau tôi “như một hồn ma”. Vì nếu có lúc nào đó hắn từng mất khỏi tâm
trí tôi trong vài khoảnh khắc kể từ khi cuộc lẩn trốn bắt đầu, đó lại cũng chính
là những khoảnh khắc khi hắn ở gần tôi nhất; và cứ nghĩ tới chuyện tôi đã
mất cảnh giác và không có chút ý thức nào như thế sau tất cả những đề phòng
cẩn thận, thật không khác gì tôi đã khóa trái cả trăm cánh cửa để chặn hắn
bên ngoài rồi lại thấy hắn ở ngay kế bên mình. Tôi cũng không thể ngờ vực
việc hắn đã có mặt, vì tôi đã ở đó, và cho dù sự hiện hữu của hiểm nguy
quanh chúng tôi có mơ hồ đến đâu đi nữa, hiểm nguy vẫn luôn cận kề và
thường trực.
Tôi hỏi ông Wopsle xem hắn tới lúc nào, nhưng ông ta không thể cho
tôi biết; ông ta thấy tôi, và thấy hắn đằng sau lưng tôi. Phải sau khi quan sát
người đàn ông một thời gian, ông ta mới nhận ra hắn; nhưng ngay từ đầu ông
đã mơ hồ liên hệ người đàn ông nọ với tôi, và biết người kia có liên quan gì
đó với tôi từ hồi còn ở làng. Hắn ăn mặc thế nào? Bảnh bao, nhưng ngoài ra
không còn gì đáng chú ý; và màu đen, ông ta nghĩ vậy. Khuôn mặt hắn có bị
biến dạng hoàn toàn không? Không, ông ta tin là không. Tôi cũng tin là
không, vì cho dù trong trạng thái lo âu của mình tôi không để ý mấy đến
những người ngồi phía sau, tôi nghĩ chắc chắn một khuôn mặt hoàn toàn biến
dạng kiểu gì cũng sẽ thu hút sự chú ý của tôi.
Khi ông Wopsle đã cho tôi biết tất cả những gì ông có thể nhớ lại hay
tôi có thể moi ra, và tôi cũng đã đãi ông một chút lót dạ tương xứng sau buổi
tối mệt nhọc, chúng tôi chia tay. Đã tới khoảng giữa mười hai giờ đêm và
một giờ sáng khi tôi về tới Temple, tất cả các cổng đều đóng hết. Không có ai
ở gần tôi khi tôi đi vào và lên nhà.
Herbert đã về, và chúng tôi ngồi bàn bạc rất nghiêm túc bên lò sưởi.
Nhưng chẳng thể làm được gì, ngoài báo cho Wemmick biết những gì tôi
phát hiện ra tối hôm ấy, cũng như nhắc ông là chúng tôi đợi nhận định của
ông. Vì nghĩ tôi có thể sẽ làm liên lụy đến ông nếu lui tới Lâu Đài quá thường
xuyên, tôi đành gửi thư để báo. Tôi viết thư trước khi lên giường, và ra ngoài
mang đi gửi; một lần nữa, không có ai lại gần tôi. Herbert và tôi nhất trí là
chúng tôi không thể làm gì khác ngoài hết sức thận trọng. Và quả thực chúng
tôi rất thận trọng - thận trọng hơn trước, nếu có thể - và về phần mình, tôi
không bao giờ bén mảng tới gần Vũng Tiền trừ phi chèo thuyền qua, và ngay
cả lúc ấy, tôi cũng chỉ nhìn về phía Cối Xay Ven Sông như nhìn bất cứ thứ gì
khác.