Số lần đọc/download: 0 / 22
Cập nhật: 2023-03-01 08:44:10 +0700
Chương 44 Khổng Tử Tham Dự Cuộc Gặp Gỡ Ở Giáp Cốc
Đ
ịnh Công thập niên (năm 500 trước công nguyên)
Tháng ba, mùa xuân năm Đinh Công thứ mười, nước Lỗ và nước Tề ký kết hòa ước. Mùa hạ, Lỗ Định Công và Tề Cảnh Công gặp nhau ở Chúc Kỳ, nói chính xác hơn là ở Giáp Cốc (Chúc Kỳ, Giáp Cốc đều ở phía nam huyện Bác Sơn, tỉnh Sơn Đông ngày nay). Khổng Tử làm người xướng lễ cho Lỗ Định Công, cùng đi theo Định Công đến Giáp Cốc. Đại phu nước Tề là Lê Di nói với Tề Cảnh Công: “Khổng Khâu là người rất hiểu lễ tiết, nghi thức, nhưng không dũng cảm, rất nhát gan. Nếu như chúng ta tìm người Lai Di mang vũ khí đến bắt cóc quốc quân nước Lỗ, thì chúng ta sẽ, đạt được nguyện vọng của mình”. Tề Cảnh Công làm theo ý của Lê Di, tìm người Lai Di mang vũ khí chuẩn bị bắt cóc Lỗ Định Công. Khổng Tử phát hiện sự việc này, trước mắt mọi người, quát mắng yêu cầu những người Lai Di mang theo vũ khí phải rút lui, đồng thời la lớn: “Quân đâu? Đem những người này giết đi. Quốc quân của hai nước gặp nhau là tăng cường tình hữu nghị, nhưng những người dân mất nước man rợ này, ngang nhiên mang vũ khí làm rối loạn hội trường. Ta nghĩ rằng đây không phải là cách quốc quân nước Tề đối xử với các nước khác. Những người dã man không thể làm ô nhiễm vùng trung nguyên, bọn Di, Địch, không thể làm rối loạn tình hình an ninh ở Hoa Hạ. Bọn tù nhân không thể can dự vào minh hội, cũng không thể dùng vũ lực để bức bách tình hữu nghị. Nếu không thì sẽ không may mắn cho quỷ thần, bất nghĩa đối với đạo đức, và thất lễ đối với người. Thần nghĩ rằng không phải là chúa công cố ý tìm người Lai Di mang vũ khí đến để làm áp lực cho lần họp mặt này”. Nghe những lời nói này, Tề Cảnh Công vô cùng xấu hổ, liền đuổi bọn người Lai Di đi ra.
Lúc sắp minh thệ, người nước Tề thêm vào một câu như thế này vào mình thư: “Sau này khi quân đội nước Tề ra khỏi biên giới đánh nhau, nếu như nước Lỗ không cử ba trăm xe vũ trang cùng chúng tôi đánh trận, thì sẽ nhận lấy lời mắng chửi của minh thệ này”. Khổng Tử cũng liền bảo đại phu nước Lỗ chưa vội đáp lễ mà nói với người nước Tề rằng: “Người nước Tề các ông nếu không trả lại đất đai vùng Văn Dương điền, (bắc huyện Ninh Dương, tỉnh Sơn Đông ngày nay) của nước Lỗ chúng tôi, mà chúng tôi lại đồng ý cung cấp binh xa, thì các ông cũng sẽ chuốc lấy những lời chửi rủa của minh thệ này!”.
Tề Cảnh Công sắp mở tiệc chiêu đãi Lỗ Định Công, Khổng Tử nói với đại phu nước Tề là Lương Khâu Cứ rằng: “Theo qui định từ xưa đến giờ giữa nước Lỗ và nước Tề, lẽ nào ông chưa từng nghe nói? Minh thệ đã hoàn thành mà lại mở tiệc chiêu đãi, thì sẽ làm cho những người chăm lo việc này tốn công tốn sức. Hơn nữa những tượng trâu bò, tượng voi không thể đem ra khỏi cửa của tông miếu. Chuông, khánh …, những nhạc khí này cũng không thể đem ra biểu diễn ở ngoài đồng. Nếu như vì yến tiệc mà đem tất cả những lễ khí, nhạc khí này chuyển đến đây, đó là cách làm không chú ý đến lễ pháp. Nếu như, tất cả đều không mang đi thì điều này cũng giống như vứt bỏ gà vịt, cá thịt sơn hào hải vị, mà chỉ chiêu đãi khách quý bằng gạo thô, rau dại. Dùng gạo thô, rau dại là làm nhục quốc quân, không chú ý đến lễ nghĩa cũng là có tội. Tại sao ông không suy nghĩ kỹ thử coi? Yến tiệc là việc mang ân huệ đến cho người khác, Tăng cường tình hữu nghị. Nếu như biến khéo thành vụng, chi bằng hủy bỏ yến tiệc đi thì hơn”. Kết quả, nước Tề đã hủy bỏ buổi yến tiệc.
Sau đó nước Tề trả cho nước Lỗ ba vùng đất là Vận (huyện Vận Thành, tỉnh Sơn Đông ngày nay), Hoan (tây nam huyện Thái An, tỉnh Sơn Đông ngày nay) và Quy Âm (huyện Thái An, tỉnh Sơn Đông ngày nay).