Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Chương 46
C
huông đổ tám giờ đã vang lên trước khi tôi bước ra ngoài không khí
thoáng đãng mang thứ mùi không hề khó chịu của vỏ bào và mạt cưa từ các
xưởng đóng thuyền dọc bờ sông, và từ các xưởng đóng tàu, chế tạo cột buồm,
mái chèo hay puli. Toàn bộ phần bên ngoài sông Thames cầu London với tôi
thảy đều là vùng xa lạ; và khi đến bên sông, tôi phát hiện ra nơi tôi muốn tới
lại không phải là chỗ tôi đoán nó tọa lạc và không hề dễ tìm ra. Nơi đó có tên
là Cối Xay Ven Sông, tọa lạc gần Vũng Tiền; và tôi không có chỉ dẫn nào
khác để tới Vũng Tiền ngoài Bãi Bện Thừng Gỉ Đồng*.
Các loại địa danh trong đoạn này, ngoại trừ cầu London, đều là hư cấu.
Chưa cần nói đến chuyện tôi đã lạc đường ra sao giữa những con tàu
đang được đưa lên sửa trên âu cạn, những thân tàu cũ đang bị dỡ tung dở
dang thành từng mảnh, bùn, những chất nhớt lầy nhầy cùng đủ thứ cặn bã dạt
lên theo nước triều, những khu xưởng đóng tàu và phá dỡ tàu, những cái mỏ
neo hoen gỉ cắm ngập xuống đất cho dù đã nhiều năm bị vứt bỏ không dùng
đến, từng đống vỏ thùng bộng và ván gỗ chất cao như núi, ở đây còn có biết
bao bãi bện thừng không phải là Gỉ Đồng. Sau vài lần đi chưa tới đích và
cũng từng ấy lần đi quá mục tiêu, tôi bất ngờ đi vòng qua một góc quanh thì
bắt gặp Cối Xay Ven Sông. Xét theo mọi mặt, đây là một nơi thoáng đãng,
nơi gió sông có không gian để xoay vòng; ở chỗ này cũng có hai hay ba cái
cây, phần còn lại của một cối xay gió đổ nát, và Bãi Bện Thừng Gỉ Đồng - tôi
có thể nhìn thấy bóng dáng dài và hẹp của nó dưới ánh trăng, chạy theo một
dãy khung gỗ gắn trên mặt đất, trông giống như những cái cào cỏ bị thải đã
cũ mèm và gãy gần hết răng.
Chọn ra trong số mấy ngôi nhà lạ lùng tọa lạc tại Cối Xay Ven Sông
một căn nhà có mặt tiền bằng gỗ và ba tầng lầu có cửa sổ bệ lồi ra theo đường
vòng cung (chứ không phải cửa sổ có bệ lồi ra theo đường gấp khúc, một loại
khác hẳn), tôi nhìn lên tấm biển gắn trên cửa ra vào, và thấy trên đó ghi “Bà
Whimple”. Vì đó đúng là cái tên muốn tìm, tôi bèn gõ cửa, và một bà lão vẻ
ngoài dễ mến và khá giả ra mở cửa. Tuy nhiên, bà nhanh chóng được Herbert
thế chỗ, cậu lặng lẽ dẫn tôi vào phòng khách rồi đóng cửa lại. Quả là một
cảm giác lạ lùng khi thấy khuôn mặt rất quen thuộc của cậu tỏ ra thoải mái
trong căn phòng xa lạ tọa lạc tại nơi xa lạ đó; và tôi nhận ra mình đang nhìn
vào cậu cũng chăm chú như nhìn vào cái tủ bát kê trong góc phòng bày đồ
thủy tinh và sứ, những cái giá kê trên bệ lò sưởi và những bức tranh khắc tô
màu treo trên tường thể hiện cái chết của thuyền trưởng Cook, một lễ hạ thủy
tàu, và hình đức vua George Đệ Tam đội tóc giả của người đánh xe hoàng
gia, mặc quần da ống bó, đi ủng ống cao đứng ngoài hiên cung điện Windsor.
“Tất cả đều ổn, Handel,” Herbert nói, “và ông ấy khá hài lòng, cho dù
nóng lòng muốn gặp cậu. Cô gái đáng yêu của tớ đang ở chỗ bố cô ấy, và nếu
cậu chịu khó đợi đến khi cô ấy xuống, mình sẽ giới thiệu cậu với cô ấy, sau
đó chúng ta sẽ lên gác. - Là bố cô ấy đấy.”
Tôi bắt đầu để ý thấy tiếng càu nhàu đáng lo ngại trên đầu, và rất có thể
để lộ cảm nhận đó ra ngoài mặt.
“Tớ e ông cụ là một ông lão buồn phiền tinh quái,” Herbert mỉm cười
nói, “nhưng tớ chưa bao giờ gặp ông ấy. Cậu có ngửi thấy mùi rum không?
Ông ấy lúc nào cũng bận rộn với nó.”
“Với rum ư?” tôi hỏi.
“Phải,” Herbert đáp, “và cậu có thể đoán nó làm chứng thống phong
của ông ấy dịu bớt. Ông cụ cũng nhất định đòi giữ hết chỗ rum dự trữ trên lầu
trong phòng mình, và uống sạch. Ông ấy cất rượu trên những cái giá kê ngay
trên đầu mình, và sẽ cân tất cả chúng. Phòng của ông ấy chắc phải giống cửa
hàng của một người bán tạp hóa.”
Trong lúc cậu bạn của tôi nói ra những lời vừa rồi, tiếng càu nhàu trở
thành một tiếng hét kéo dài, rồi im bặt.
“Hậu quả còn có thể là gì khác đây,” Herbert lên tiếng giải thích, “nếu
ông ấy muốn cắt pho mát? Một người đàn ông bị thống phong ở bàn tay phải
- và khắp mọi chỗ khác - không thể trông đợi mình xử lý ổn thỏa một bánh
pho mát Gloucester Đúp mà không làm mình bị thương.”
Có vẻ như ông lão đã làm mình đau ghê gớm, vì ông ta lại hét lên giận
dữ thêm một lần nữa.
“Có được Provis thuê phòng ở tầng trên quả là món quà của Chúa với
bà Whimple,” Herbert nói, “vì tất nhiên nói chung người ta không chịu được
thứ âm thanh đó. Quả là một nơi lạ lùng phải không nào, Handel?”
Quả là một nơi lạ lùng; nhưng được chăm lo cẩn thận và sạch sẽ đến
mức đáng chú ý.
“Bà Whimple,” Herbert đáp khi tôi nói với cậu như vậy, “là bà nội trợ
hạng nhất, và tớ thực sự không biết Clara của tớ có thể làm gì nếu không có
sự giúp đỡ như một người mẹ của bà. Vì Clara không còn mẹ đẻ, Handel,
không còn người thân nào trên đời ngoài ông lão Cộc Cằn Ác Nghiệt.”
“Chắc đấy không phải là tên ông ấy chứ, Herbert?”
“Không, không,” Herbert nói, “đó là tên tớ dành cho ông ấy. Tên ông
ấy là ông Barley. Nhưng quả là phước lành cho cậu con trai của bố tớ và mẹ
tớ khi yêu một cô gái không có họ hàng, mà cô ấy không bận tâm cũng không
khiến ai khác phải bận tâm đến gia đình mình!”
Herbert từng cho tôi hay vào những dịp trước, và lúc này lại nhắc lại là
cậu quen cô Clara Barley lần đầu tiên khi cô đang hoàn tất quá trình học hành
của mình tại một ngôi trường ở Hammersmith, và khi cô gái được gọi về nhà
chăm sóc ông bố, bạn tôi và cô đã thổ lộ tình cảm họ dành cho nhau với bà
Whimple tốt bụng, và tình cảm ấy đã được bà chăm chút, trông nom bằng cả
sự nhân hậu và tế nhị từ đó đến giờ. Cả ba người đều hiểu không thể thổ lộ
điều gì có bản chất tình cảm như thế với ông lão Barley, lý do là vì ông này
hoàn toàn không thích hợp để ngẫm nghĩ về bất cứ chủ đề nào đậm chất tâm
lý hơn Thống Phong, Rum và Đồ Tạp Hóa.
Trong lúc chúng tôi đang khẽ giọng trò chuyện còn tiếng la hét không
ngớt của ông già Barley làm rung chuyển cây xà chạy ngang qua trên trần,
cửa phòng chợt mở ra, và một cô gái rất xinh vóc người mảnh dẻ, mắt đen
chừng hai mươi tuổi bước vào, trên tay cầm một cái giỏ: Herbert nhẹ nhàng
đỡ lấy giỏ rồi đỏ mặt giới thiệu cô là “Clara”. Cô quả là một thiếu nữ duyên
dáng, và có thể được coi như một nàng tiên bị giam cầm, bị Con Quỷ bạo
ngược kia, ông già Barley, ép phải hầu hạ.
“Hãy nhìn xem,” Herbert vừa nói vừa cho tôi xem cái giỏ, kèm theo
một nụ cười trìu mến đầy đồng cảm sau khi chúng tôi đã trò chuyện được một
lát, “đây là bữa tối của Clara đáng thương, cho mọi buổi tối. Đây là khẩu
phần bánh mì của cô ấy, đây là lát pho mát của cô ấy, và đây là suất rượu rum
dành cho cô ấy - mà tớ là người uống. Đây là bữa sáng cho ngày mai của ông
Barley, được chuẩn bị sẵn để nấu. Hai miếng sườn cừu, ba củ khoai tây, ít
đậu Hà Lan, ít bột, hai ounce bơ, một nhúm muối, và tất cả chỗ hạt tiêu đen
này. Chúng sẽ cùng được nấu lên rồi ăn nóng, và tớ nghĩ đó là một món tốt
cho chứng thống phong!”
Có điều gì đó thật tự nhiên và lôi cuốn trong cách Clara nhìn những
món đồ ấy đầy cam chịu khi Herbert chỉ ra từng thứ; có điều gì đó thật dễ tin,
yêu thương và ngây thơ trong thái độ khiêm tốn của cô gái khi cô gửi mình
vào vòng tay của Herbert; cũng như điều gì đó thật dịu dàng ở cô, một thứ
khẩn thiết cần được che chở tại đây, tại Cối Xay Ven Sông gần Vũng Tiền và
Bãi Bện Thừng Gỉ Đồng này, với ông già Barley đang gào thét rung cả thanh
xà - đến mức tôi sẽ không đời nào làm phương hại đến cuộc đính ước giữa cô
và Herbert, dù có để đổi lấy tất cả tiền bạc trong cái ví tôi chưa bao giờ mở
ra.
Tôi đang nhìn cô đầy hài lòng và ngưỡng mộ thì tiếng càu nhàu đột
nhiên lại rống lên thành gào thét thêm lần nữa, và từ phía trên đầu dội xuống
tiếng thình thịch thật đáng sợ, như thể một người khổng lồ chân gỗ đang cố
đạp xuyên qua trần nhà để xuống chỗ chúng tôi. Nghe thấy vậy Clara nói với
Herbert, “Bố cần em, anh yêu!” rồi chạy vụt đi.
“Quả là một con cá mập già vô lương tâm quá đáng!” Herbert nói.
“Theo cậu thì ông ấy muốn gì, Handel?”
“Tớ không biết,” tôi nói. “Thứ gì đó để uống chăng?”
“Đúng rồi!” Herbert reo lên, như thể tôi vừa đưa ra một phỏng đoán
thiên tài. “Ông ấy chuẩn bị món rum pha nước của mình sẵn sàng trong một
cái chậu nhỏ đặt trên bàn. Đợi một chút, rồi cậu sẽ thấy Clara nâng ông ấy
dậy uống một ít. Đây rồi!” Một tiếng hét vang lên, với dư âm rung chuyển
kéo dài ở đoạn cuối. “Còn bây giờ,” Herbert nói, khi im lặng ngự trị trở lại,
“ông ấy đang uống. Còn bây giờ,” Herbert nói, khi tiếng gầm gừ lại làm
thanh xà rung lên lần nữa, “ông ấy lại nằm xuống rồi!”
Sau đó, Clara nhanh chóng quay lại, và Herbert dẫn tôi lên lầu để gặp
vị khách của chúng tôi. Khi chúng tôi đi ngang qua cửa phòng ông Barley, có
thể nghe thấy ông này khàn khàn lẩm nhẩm bên trong, với giọng hết lên lại
xuống như tiếng gió, đoạn điệp khúc sau đây, trong đó tôi đã dùng những lời
chúc tốt đẹp để thay thế cho những lời có nghĩa ngược lại.
“Ôi! Chúa ban phước cho đôi mắt cậu, đây là Bill Barley già. Đây là
Bill Barley già, Chúa ban phước cho đôi mắt cậu. Đây là Bill Barley đang
nằm dán lưng trên giường, nhờ lượng Chúa. Nằm dán lưng trên giường như
một con cá bơn già chết trôi, đây là Bill Barley già, Chúa ban phước cho đôi
mắt cậu. Ôi! Ban phước cho cậu.”
Giữa tràng tự an ủi này, Herbert cho tôi hay ông lão Barley khuất mặt
kia vẫn luôn tự trò chuyện với bản thân như vậy cả ngày lẫn đêm; thường lúc
trời còn sáng, ông lão còn đồng thời ghé một mắt vào một ống kính viễn vọng
được gắn vào giường để ông tiện quan sát mặt sông.
Trong khu hai phòng nằm trên tầng cao nhất của ngôi nhà, thoáng đãng
sạch sẽ, và tại đó ông Barley cũng trở nên ít ầm ĩ hơn so với dưới nhà, tôi gặp
Provis được thu xếp rất thoải mái. Ông ta không hề tỏ ra hốt hoảng, và có vẻ
chẳng cảm thấy gì đáng phải nhắc tới; nhưng tôi thấy ông ta mềm yếu hơn -
theo một cách không thể diễn giải, vì tôi không thể nói như thế nào, và sau đó
cũng không thể hình dung lại nổi dù có cố thử, song chắc chắn là thế.
Cơ hội ngẫm nghĩ có được từ cả ngày nghỉ ngơi hôm đó đã dẫn tới việc
tôi quyết định không nói gì với ông ta về Compeyson. Vì từ những gì tôi biết,
nếu tôi không làm vậy, mối thù với người đàn ông này sẽ khiến ông ta lao đi
tìm hắn và tự làm hại mình. Vì thế, khi Herbert cùng tôi đã ngồi xuống với
ông bên lò sưởi, trước hết tôi hỏi liệu ông có tin cậy phán xét và nguồn thông
tin của Wemmick không?
“À, à, chàng trai thân mến!” ông ta nghiêm nghị gật đầu đáp, “Jaggers
luôn biết hết.”
“Vậy thì tôi đã nói chuyện với Wemmick,” tôi nói, “và tới đây để kể
với ông những cảnh báo và lời khuyên ông ấy dành cho tôi.”
Tôi thuật lại chính xác tất cả, với ngoại lệ duy nhất đã nói ở trên; và tôi
cũng cho ông ta biết Wemmick đã bằng cách nào nghe được tại nhà tù
Newgate (từ nhân viên nhà tù hay tù nhân thì tôi không biết) là ông ta đang bị
nghi ngờ, và khu phòng tôi ở đã bị theo dõi; cũng như việc Wemmick đã
khuyên ông ta nên ẩn mình một thời gian, còn tôi cần giữ khoảng cách với
ông ta; và cả những gì Wemmick nói về việc đưa ông ta ra nước ngoài. Tất
nhiên, tôi nói thêm khi đến thời điểm, tôi sẽ cùng đi với ông ta, hoặc đi theo
sát sau ông ta, cách an toàn nhất theo phán đoán của Wemmick. Tôi không đề
cập gì tới chuyện sẽ diễn ra tiếp theo; mà thực ra tôi cũng không hoàn toàn
thấy rõ ràng hay thoải mái về nó trong tâm trí mình, khi nhìn thấy ông ta
mềm yếu hơn vào lúc này, đồng thời phải lâm vào cảnh nguy hiểm rõ rành
rành vì tôi. Còn về việc thay đổi cách sống của tôi bằng cách tăng chi tiêu
cho tôi, tôi hỏi ông ta trong hoàn cảnh khó khăn bất trắc hiện tại của chúng
tôi, điều đó không lố bịch sao, nếu không phải là tệ hơn nữa?
Đây là Bill Barley già, Chúa ban phước cho đôi mắt cậu.
Vị khách không phản bác điều này, và quả thực luôn tỏ ra rất biết điều.
Ông ta thừa nhận chuyến trở về của mình là một cuộc mạo hiểm, và vẫn luôn
biết nó là một cuộc mạo hiểm. Ông ta sẽ không làm gì để biến nó thành một
cuộc mạo hiểm vô vọng, và không mấy lo ngại cho an toàn của mình với sự
giúp đỡ hữu ích đang có được.
Herbert, vẫn ngồi nhìn ngọn lửa ngẫm nghĩ từ đầu, đến đây liền nói ra
một điều vừa xuất hiện trong đầu cậu từ các đề nghị của Wemmick, một ý
kiến có lẽ đáng để làm theo. “Cả cậu và tớ đều thạo sông nước, Handel, và có
thể tự đưa ông ấy đi xuống hạ lưu khi đến thời điểm thích hợp. Vào lúc ấy
không nên thuê thuyền hay người chèo thuyền nào cho mục đích này; như
vậy sẽ giảm được ít nhất một nguy cơ bị nghi ngờ, và bất cứ nguy cơ nào
giảm được cũng đều đáng giá cả. Đừng lo gì về thời tiết; cậu có nghĩ sẽ là
một ý tưởng hay nếu cậu bắt đầu chuẩn bị ngay một con thuyền luôn sẵn sàng
dưới cầu thang từ Temple xuống sông, và thường xuyên chèo thuyền ngược
xuôi trên sông không? Cậu tạo ra thói quen đó, lúc ấy còn ai buồn để ý hay
lưu tâm nữa? Hãy làm thế hai mươi hay năm mươi lần, và sẽ chẳng có gì đặc
biệt nếu cậu thực hiện lần thứ hai mươi mốt hay năm mươi mốt.”
Tôi thích kế hoạch này, và Provis cũng khá phấn chấn với nó. Chúng
tôi thống nhất sẽ thực hiện ngay, và Provis không được phép tiếp xúc với hai
chúng tôi nếu chúng tôi đi xuống mạn dưới cầu London, hay chèo thuyền đi
ngang qua Cối Xay Ven Sông. Nhưng chúng tôi cũng thống nhất thêm rằng
ông cần hạ mành cửa sổ phòng ông trổ về phía Đông mỗi khi nhìn thấy chúng
tôi và mọi thứ vẫn ổn.
Khi cuộc gặp gỡ của chúng tôi kết thúc và mọi thứ đều đã được thu
xếp, tôi đứng dậy ra về; tôi nhắc nhở Herbert tốt hơn cậu và tôi không nên về
nhà cùng nhau, và tôi sẽ về trước cậu nửa giờ. “Tôi không thích phải để ông ở
đây,” tôi nói với Provis, “dù tôi không nghi ngờ gì về việc ở đây ông an toàn
hơn so với ở gần tôi. Tạm biệt!”
“Chàng trai,” ông ta nói, siết chặt bàn tay tôi, “tôi không biết khi nào
chúng ta có thể lại gặp nhau, và tôi không thích tạm biệt. Hãy nói chúc ngủ
ngon!”
“Chúc ngủ ngon! Herbert sẽ thường xuyên qua lại giữa chúng ta, và khi
đến thời điểm, ông có thể chắc chắn tôi sẽ sẵn sàng. Chúc ngủ ngon, chúc
ngủ ngon!”
Chúng tôi nghĩ tốt nhất ông nên ở yên trong phòng; và chúng tôi để
ông ta đứng lại ngoài chiếu nghỉ bên ngoài cửa phòng, giơ một cây đèn qua
lan can cầu thang soi đường cho chúng tôi đi xuống. Ngoái lại nhìn ông ta, tôi
nghĩ tới buổi tối đầu tiên ông ta trở về, khi vị trí của hai chúng tôi trái ngược
hẳn lúc này, khi tôi không thể ngờ có lúc trái tim tôi lại nặng nề tràn ngập lo
âu khi chia tay ông ta như hiện tại.
Ông già Barley đang càu nhàu chửi thề khi chúng tôi trở ra ngang qua
cửa phòng ông, không hề có vẻ gì từng tạm ngừng việc đó hay định sẽ ngừng.
Khi chúng tôi xuống tới chân cầu thang, tôi hỏi Herbert có dùng cái tên
Provis ở đây không. Cậu đáp tất nhiên là không, người thuê phòng là ông
Campbell. Cậu cũng giải thích tất cả những gì được biết về ông Campbell là
ông này được gửi gắm cho cậu (Herbert), và ông này có mối bận tâm cá nhân
rất lớn với việc được chăm lo cho chu đáo và sống một cuộc sống biệt lập.
Vậy nên khi hai chúng tôi bước vào phòng khách, nơi bà Whimple và Clara
đang ngồi bận bịu làm việc, tôi không nói gì về mối quan tâm của mình với
ông Campbell mà chỉ giữ kín cho bản thân.
Khi cáo từ cô gái mắt đen xinh đẹp dịu dàng và người phụ nữ phúc hậu
đã dành hết sự cảm thông chân thành cho một mối tình đích thực bé nhỏ, tôi
cảm thấy Bãi Bện Thừng Gỉ Đồng đã trở thành một nơi khác hẳn. Ông lão
Barley có thể cũng già như những ngọn đồi cũ kỹ, có thể chửi thề bằng cả
một đạo quân, nhưng bù lại ở Vũng Tiền vẫn có đủ tuổi trẻ, niềm tin và hy
vọng để làm nó đầy tràn. Rồi tôi nghĩ về Estella, về cuộc chia tay của chúng
tôi, và về nhà đầy phiền muộn.
Mọi thứ tại Temple vẫn lặng lẽ như tôi từng thấy. Các khung cửa sổ
của mấy căn phòng mới gần đây thôi còn là nơi cư ngụ của Provis đều tối
đen, im lìm, và không có ai lang thang ngoài Garden Court. Tôi đi ngang qua
chỗ đài phun nước hai hay ba lần trước khi leo lên các bậc thang ngăn cách
giữa tôi và khu phòng nơi tôi ở, nhưng đúng là tôi chỉ có một mình. Herbert,
ghé vào giường tôi khi cậu quay về - vì tôi leo thẳng lên giường, buồn phiền
và mệt rũ - cũng cho hay điều tương tự. Sau đó, cậu mở một cửa sổ nhìn ra
đêm sáng trăng bên ngoài, và cho tôi biết sân dưới cũng vắng tanh một cách
trang trọng như bất cứ khoảng sân nhà thờ lớn nào khác vào giờ ấy.
Ngày hôm sau, tôi bắt tay vào mua thuyền. Việc này nhanh chóng hoàn
tất, và chiếc thuyền được đưa tới chân cầu thang dẫn xuống sông của Temple,
nằm đợi ở nơi tôi có thể tới chỉ trong một hai phút. Tiếp theo, tôi bắt tay vào
luyện tập và thực hành chèo thuyền: có lúc một mình, có lúc cùng Herbert.
Tôi thường ra ngoài khi trời lạnh, có mưa và mưa tuyết, nhưng rồi chẳng ai
để ý nhiều đến tôi nữa sau khi tôi đi chèo thuyền như thế vài lần. Đầu tiên, tôi
không chèo xa hơn cầu Blackfriars; nhưng khi giờ thủy triều thay đổi, tôi
chèo về phía cầu London. Vào thời ấy, đó là cầu London Cũ, và có những đợt
triều nước dềnh lên rồi rút xuống, đem tới cho cây cầu tiếng xấu. Nhưng tôi
biết đủ rõ cần “vọt” qua cây cầu này như thế nào sau khi chứng kiến người
khác làm việc đó, và bắt đầu chèo tiếp giữa dòng tàu thuyền đi lại trên đoạn
sông Thames phía ngoài cầu London, tới tận Erith. Lần đầu tiên chèo ngang
qua Cối Xay Ven Sông, Herbert và tôi đều đang đẩy một cặp mái chèo; và cả
lúc đi lẫn lúc về, chúng tôi đều thấy mành khung cửa nhìn về phía Đông được
kéo xuống. Hiếm khi nào Herbert lại tới đó ít hơn ba lần mỗi tuần, và không
bao giờ cậu đem về cho tôi một thông tin đáng báo động nào. Dẫu vậy, tôi
biết có lý do để cảnh giác, và không tài nào rũ bỏ được ám ảnh bị theo dõi.
Một khi đã hình thành, nó quả là một ý tưởng đầy ám ảnh; thật khó lòng tính
nổi đã có bao nhiêu người tử tế bị tôi nghi ngờ đang theo dõi mình nữa.
Nói tóm lại, tôi luôn đầy ắp lo âu cho người đàn ông liều lĩnh đang phải
ẩn mình. Herbert từng đôi lần nói với tôi cậu cảm thấy thú vị khi đứng bên
một trong những khung cửa sổ của chúng tôi sau khi trời tối, khi thủy triều
xuống, và nghĩ rằng dòng nước đang chảy về phía Clara, cùng với mọi thứ nó
mang theo. Nhưng tôi lại nghĩ đầy lo sợ rằng dòng nước đang chảy về phía
Magwitch, và bất kỳ chấm đen nào trên bề mặt nó cũng có thể là những kẻ
truy đuổi đang hối hả, lặng lẽ và chắc chắn tìm đến bắt ông ta.