Số lần đọc/download: 3614 / 73
Cập nhật: 2016-02-18 21:13:13 +0700
Chương 16
Đ
ồng, Trương, Quan, Dư, Vương đã nói là làm. Từ đó về sau, hễ gặp Lý Trọc trên phố, là họ ra tay đánh cho một trận. Văn mỗi người mỗi khác, đòn mỗi người mỗi kiểu. Năm người đánh Lý Trọc bằng năm phong cách. Anh Đồng thợ rèn gặp Lý Trọc lập tức vung tay phải cầm búa, tát một cái, tát đến mức khi Lý Trọc ngã dấp ngã dúi, rồi sải bước đi luôn mắt vẫn nhìn thẳng. Không bao giờ anh Đồng tát Lý Trọc đến lần thứ hai. Phong cách của anh Đồng là một nhát búa định âm. Ông Trương thợ may gặp Lý Trọc, hận sắt không thành thép, miệng nói "mày mày mày", vung đi một nắm đấm, khi va vào mặt Lý Trọc đã biến thành một ngón tay, giống như kim máy khâu phầm phập cắm chi chít lên mặt Lý Trọc một chặp rồi kết thúc. Ông Trương ra đòn với phong cách "nhất chỉ thiên".
Ông Dư nhổ răng là phong cách nghề nghiệp. Lần nào ông cũng giơ tay phải nhổ răng, nhằm trúng hàm răng trong mồm Lý Trọc đấm một phát, đấm tới mức mồm miệng Lý Trọc bê bết máu, trên ngón tay ông Dư đều có dấu vết răng, tay phải nhổ răng của ông cứ giơ lên trước mắt vẩy vẩy như phải bỏng, kêu đau điếng, cứ tưởng Lý Trọc bị ông đấm rụng hết răng ra đất. Nhưng lần sau, khi gặp Lý Trọc, trong mồm hắn vẫn là hàm răng trắng đều tăm tắp. Ông Dư ngạc nhiên bảo Lý Trọc há mồm, thò tay vào đếm một lượt, vẫn không thiếu một chiếc. Cho nên mỗi lần đấm vào răng Lý Trọc, ông Dư nhổ răng thường hay thở dài:
- Răng chắc lắm!
Tiểu Quan mài kéo ra đòn theo phong cách "ba lối dưới". Anh ta nhằm trúng đũng quần Lý Trọc, rồi giương đông kích tây, trước tiên đá tới tấp vào hai đùi buộc Lý Trọc cúi xuống tránh chân, để lộ đũng quần, Tiểu Quan mài kéo giơ chân đá mạnh vào hai hòn dái của Lý Trọc. Lý Trọc đau choáng váng, tối sầm cả mặt mũi, hai tay ôm hạ bộ lăn qua lăn lại trên mặt đất. Từ đó trở đi, khi gặp Tiểu Quan, Lý Trọc lập tức khép chặt hai chân, hai tay một trước một sau ôm chặt đũng quần, để mặc Tiểu Quan đá dọi lung tung như thế nào, cũng phải thà chết bảo vệ hai hòn dái. Tiểu Quan mài kéo hết dọi lại đá vào khe hở hai bắp chân dưới, hết đá lại dọi vào khe hở giữa hai đùi, toát hết mồ hôi, cũng không tách nổi hai chân khép chặt của Lý Trọc. Tiểu Quan sốt ruột cứ vừa đá vừa dai vừa nói to:
- Dạng ra, dạng ra...
Lý Trọc lắc đầu rối rít, buông tay trái chỉ vào bảo bối của mình trong đũng quần, nói:
- Nó đã bị thắt ống dẫn tinh, anh hãy thương nó số khổ, tha cho nó.
Phong cách ra đòn của ông Vương bán kem là dao cùn xẻo thịt. Lần nào gặp Lý Trọc, ông cũng khóc hu hu như bố mẹ vừa mới chết, túm cổ áo Lý Trọc đấm đi đấm lại, đánh tới mức Lý Trọc phải ngồi xổm xuống đất, hai tay ôm đầu. Tay trái ông Vương ấn vai Lý Trọc, đỡ người mình, tay phải đấm hết quả này đến quả khác. Lần nào ông Vương bán kem cũng phải đấm đến một tiếng đồng hồ, giữa chừng có đến hai mươi phút nghỉ thở. Khi nghỉ thở, ông Vương bán kem lau nước mắt nói với đám đông:
- Năm trăm đồng! Nó làm tôi mất năm trăm đồng.
Năm chủ nợ bắt đầu đánh từ khi mùa xuân ấm hoa nở cho đến mùa hè nóng nực, đánh Lý Trọc trở thành một thương binh từ chiến trường trở về. Mỗi lần xuất hiện trên phố lớn thị trấn Lưu chúng tôi, Lý Trọc không mũi tím mặt sưng, thì cũng thõng cánh tay què chân. Lý Trọc lúc này quần rách áo vá, tóc dài hơn Mác, râu rậm hơn Ăngghen. Dáng vẻ uy phong lẫm liệt ngày nào đã tan biến, bây giờ nom anh ta như thằng ăn mày. Khi Lý Trọc tóc dài xõa vai, hai đại văn hào của thị trấn Lưu chúng tôi đã đặt cho anh ta hai biệt hiệu ca sĩ nước ngoài. Nhà văn Lưu gọi anh ta là "Lý Pitors". Nhà thơ Triệu gọi anh ta là "Lý Maicơn Giắc sơn". Dân chúng thị trấn Lưu nghe không hiểu. Họ biết trên thế giới có một ca sĩ tên là Đặng Lệ Quân, không biết còn có ca sĩ tên là Pitots và Michael Jackson. Họ hỏi nhà văn Lưu và nhà thơ Triệu hai người này là ai? Nhà văn Lưu và nhà thơ Triệu cố tình tỏ ra cao sâu quay người đi, nghĩ bụng những kẻ nông cạn thô thiển ngay đến Pitors để tóc dài và Mai cơn Giắcsơn để tóc dài cũng không biết. Nhà văn Lưu và nhà thơ Triệu tỏ ta không hài lòng đối với sự vô tri của dân chúng thị trấn Lưu, quay người đi là để chứng tỏ "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Dân chúng đành phải đi hỏi Lý Trọc. Lý Trọc tuy cũng không biết hai người là ai, vẫn sốt sắng trả lời câu hỏi của dân chúng. Anh ta hất hàm nói:
- Đều là người nước ngoài.
Trong năm phong cách đánh đòn của năm vị chủ nợ, Lý Trọc sợ nhất là "ba lối dưới" của Tiểu Quan mài kéo. Cái tát của anh Đồng thợ rèn tuy êm, chuẩn, mạnh, nhưng đó là một nhát búa buôn bán. Ông Dư nhổ răng sau khi biết độ bền chắc của hàm răng Lý Trọc, năm đấm táng vào cũng càng ngày càng nhẹ. Lý Trọc thích ứng nhất là phong cách ra đòn "nhất chỉ thiên" nho nhã của ông Trương thợ may, rồi đến ông Vương bán kem. Ông Vương bán kem tuy ra đòn dai dẳng, nhưng sức ông có hạn, Lý Trọc da thô thịt dầy không sợ. Nào ngờ xuân đi hè đến, đòn lợi hại nhất lại là ông Vương bán kem. Lúc này ông Vương bán kem khoác thùng kem, tay phải cầm một thanh gỗ vừa rao bán vừa gõ vào thùng kem. Hễ gặp Lý Trọc là giơ thanh gỗ trong tay vụt túi bụi. Vũ khí truyền thống của ông Vương bán kem khiến Lý Trọc không sao diễn tả hết nỗi khổ. Thanh gỗ cứng đơ nện vào đầu tóc buông xõa chấm vai của Lý Trọc, khiến anh ta choáng váng. Khi Lý Trọc ôm đầu ngồi xổm, ông Vương bán kem ngồi luôn lên thùng kem, vừa than thở về năm trăm đồng của ông, vừa vụt thanh gỗ vào đầu Lý Trọc, vừa rao bán kem. Để bảo vệ đầu mình, Lý Trọc đành phải hy sinh hai tay, hai tay của Lý Trọc vừa đỏ vừa sưng, bị ông Vương bán kem đánh thành một cặp móng lợn kho tầu, anh ta vẫn ôm chặt bảo vệ đầu mình, thầm nghĩ, cái đầu quan trọng nhất, sau này còn phải nhờ vào nó làm ăn buôn bán.
Trông thấy ông Vương bán kem lấy thanh gỗ đánh Lý Trọc hết lần này đến lần khác, bà Tô không chịu nổi. Bước đến kéo tay ông Vương, bà nói:
- Ông đánh như thế sẽ báo ứng!
Ông Vương bán kem rụt tay lại, nói với bà Tô một cách đáng thương:
- Năm trăm đồng của tôi!
Bà Tô bảo:
- Cho dù bao nhiêu tiền, ông cũng không thể đánh về được.
Ông Vương bán kem khoác thùng kem đau khổ đi rồi, nhìn Lý Trọc ngồi xổm hai tay ôm đầu, không nhịn nổi, bà Tô trách Lý Trọc:
- Rành rành cậu biết bọn họ đánh mình, vẫn còn suốt ngày suốt buổi rong ruổi trên đường phố, cậu không nấp trong nhà được sao?
Lý Trọc ngẩng đầu nhìn ông Vương bán kem đi xa, hai tay trượt khỏi đầu, đứng dậy bảo bà Tô:
- Nấp ru rú ở nhà buồn lắm bà ạ.
Nói xong, anh ta hất mái tóc dài bỏ đi, coi như không có chuyện gì xảy ra. Bà Tô vừa lắc đầu, vừa thở dài nói với Lý Trọc:
- May mà ta đi chùa thắp hương mới không mất tiền, nếu không ta cũng phải đánh cậu mấy cái.
Nhìn cái bóng sau lưng Lý Trọc, bà Tô lại cảm động thốt lên một lần nữa:
- Thắp hương linh nghiệm thật!
Nhà thơ Triệu của thị trấn Lưu chúng tôi chứng kiến tận mắt Lý Trọc bị đánh hết lần này đến lần khác, lần nào Lý Trọc cũng không đánh trả. Thời gian đầu nhà thơ Triệu không rõ nội tình, thấy năm chủ nợ đánh Lý Trọc suốt từ xuân sang hè, càng ngày càng khiếp nhược, ngay đến ông Vương bán kem còm nhom cũng túm cũng buông Lý Trọc như chơi, đánh liền một tiếng đồng hồ.
Nhà thơ Triệu đâm ra bạo phổi, thầm nghĩ, thằng khốn nạn đã từng huênh hoang tuyên bố phải đánh nhà thơ Triệu ta, đánh cho ra bản sắc của nhân dân lao động, hạ nhục oai phong của ta ở thị trấn Lưu. Thù này không trả còn đâu là người. Nhà thơ Triệu quyết định lấy lại sĩ diện đã mất trước quần chúng thị trấn Lưu.
Hôm nay ông Vương bán kem vừa đánh Lý Trọc. Khoác thùng kem, chân trước ông Vương vừa bước, chân sau nhà thơ Triệu đã tới. Nhà thơ Triệu giơ chân đá đá Lý Trọc vẫn đang ôm đầu ngồi xổm. Nhìn dân chúng đi lại trên phố, anh ta nói oang oang:
- Không ngờ mày cũng có ngày hôm nay! Lý Trọc đã trở thành Lý Michael Jackson bị người ta đánh, mà không dám đánh trả.
Lý Trọc ngẩng lên nhìn nhà thơ Triệu, tỏ vẻ không thèm để ý đến anh ta. Nhà thơ Triệu cứ tưởng Lý Trọc sợ mình, đá thêm mấy cái, ngang ngạnh nói:
- Chẳng phải mày định đánh tao, đánh cho ra bản sắc của nhân dân lao động? Tại sao mãi không thấy mày ra tay?
Lý Trọc từ từ đứng lên. Nhà thơ Triệu đẩy mạnh Lý Trọc một cái. Nhìn dân chúng trên phố, nhà thơ Triệu đắc ý nói:
- Mày ra tay đi!
Nhưng khi gã vừa giương giương tự đắc quay đầu lại, đã bị Lý Trọc giáng tới tấp một loạt quả đấm búa bổ. Tay trái sưng vù của Lý Trọc túm chặt áo ngực nhà thơ Triệu. Tay phải sưng vù nắm thành quả đấm nhằm trúng mặt, đánh một trận dữ dội. Nhà thơ Triệu vẫn chưa kịp phản ứng, đã bị Lý Trọc đánh dập mặt, bê bết máu, máu mũi chảy xuống môi, máu môi chảy xuống cổ. Nhà thơ Triệu đau đớn kêu toáng lên, mới biết Lý Trọc vẫn còn hung hăng sung sức lắm. Hai chân nhà thơ Triệu bủn rủn quỳ xuống. Lý Trọc vẫn không buông tay, cứ tiếp tục giáng những đòn sấm sét. Lý Trọc vừa đánh nhà thơ Triệu, vừa nói sang sảng:
- Bọn họ đánh tao. Tao không đánh trả. Bởi vì tao làm mất tiền của họ. Tao không làm mất tiền của mày thằng nhóc ạ. Tao phải đánh cho mày toi mạng.
Nhà thơ Triệu bị Lý Trọc đánh cho tối tăm mặt mũi, vẫn nghe rõ những lời nói sang sảng như đọc thơ của Lý Trọc, gã mới biết vì sao Lý Trọc không đánh trả, cũng biết mình sắp sửa đi toi. Nhà thơ Triệu lập tức cất lên những tiếng dô hò trong lao động nhưng quả đấm của Lý Trọc vẫn tới tấp táng xuống. Nhà thơ Triệu đành phải vừa kêu "ơ hoầy", vừa nói với Lý Trọc:
- Ra rồi, ra rồi.
- Ra rồi cái gì? - Lý Trọc không hiểu.
Nhà thơ Triệu trông thấy Lý Trọc thu quả đấm, vội vàng kêu hai tiếng "ơ hoầy", hai tay ôm chặt bàn tay Lý Trọc đang túm áo ngực, nói:
- Nghe thấy chưa, anh đã đánh ra tiếng nói của nhân dân lao động.
Lý Trọc đã hiểu. Anh ta cười hì hì, bảo:
- Tao đã nghe thấy, nhưng chưa đủ.
Nói rồi, Lý Trọc lại giơ tay phải lên. Nhà thơ Triệu sợ đến nỗi lại cất lên mấy tiếng hò lao động "ơ hoầy ơ hoầy", nói với Lý Trọc như van xin:
- Chúc mừng anh, chúc mừng anh...
- Chúc mừng cái gì? - Lý Trọc lại không hiểu.
- Đúng, đúng, đúng - Nhà thơ Triệu gật đầu rối rít, nói - Chúc mừng anh đã đánh tôi, đánh cho ra bản sắc của nhân dân lao động.
Nhà thơ Triệu thốt lên như thế, cho dù đã giơ quả đấm lên, Lý Trọc cũng không nỡ dáng xuống. Lý Trọc bỏ quả đấm, buông cổ áo nhà thơ Triệu, cười hì hì, vỗ vỗ vai, bảo:
- Không khách sáo?
Sau khi bị các vị Đồng, Quan, Trương, Vương, Dư đánh ba tháng liền, khiếp nhược, cuối cùng Lý Trọc đã trở lại phong thái oai phong lẫm liệt trên phố lớn thị trấn Lưu chúng tôi. Dân chúng thị trấn Lưu lại vui cười trông theo nhà thơ Triệu lủi thủi bước đi. Họ nhìn thấy nhà văn Lưu cũng có mặt trong đám đông. Mắt dân chúng nối hai điểm thành một đường, khi nhìn nhà văn Lưu, lúc nhìn Lý Trọc ngồi bệt trên đất vừa nghỉ vừa thở. Dân chúng xôn xao nhắc lạt cảnh tượng Lý Trọc đánh nhà văn Lưu ngày nào. Nhớ cũ đón mới, dân chúng chỉ mong Lý Trọc nhảy lên, lại đánh nhà văn Lưu, đánh cho ra bản sắc của nhân dân lao động một lần nữa. Họ cứ nhìn chằm chằm nhà văn Lưu, bàn tán về Lý Trọc đang ngồi trên đất. Họ bảo Lý Trọc bữa đói bữa no gầy gộc đi, lại bị năm vị chủ nợ đánh tới mức mũi tím, mặt sưng, chân què, cánh tay thõng xuống, nào ngờ khi ra đòn với nhà thơ Triệu lại dồi dào sức khỏe, chẳng khác nào quạ già bắt gà con, như người lớn đánh trẻ con. Dân chúng nhìn nhà văn Lưu tổng kết một câu:
- Đúng là lạc đà gầy sắp chết còn to hơn ngựa.
Nhà văn Lưu biết tỏng dân chúng đang nói bóng nói gió, biết họ chỉ sợ thiên hạ không rối ren, chỉ mong anh ta lại bị ăn đòn theo vết xe đổ của nhà thơ Triệu. Nhà văn Lưu mặt đỏ tía tai, định quay người đi. Nhưng một khi bỏ đi, sẽ có thêm một chuyện cười cho dân chúng thị trấn Lưu trong lúc rỗi rãi ngồi uống trà hút thuốc. Nhà văn Lưu giữ sĩ diện, đành phải trơ mặt đứng lại. Đầu tiên dân chúng nói khích Lý Trọc. Lý Trọc bụng đói cồn cào, đang réo ùng ục, ngồi trên đất tựa vào cây ngô đồng, nuốt nước bọt cho đỡ đói, bỏ ngoài tai những lời kích động của họ. Sau đó dân chúng lại quay sang nói khích nhà văn Lưu. Họ bảo nhà văn nhà thơ gì mà hèn thế. Tay nhà thơ Triệu vừa giờ trông nét mặt cứ khúm na khúm núm, không bằng một tên Hán gian phản bội, không những làm mất mặt mình, mà còn mất mặt cả bố mẹ hắn.
- Đừng nói mất mặt bố mẹ hắn - Một quần chúng thừa cơ nói chen vào - Ngay đến mặt nhà văn Lưu cũng bị nhà thơ Triệu bôi nhọ.
- Phải đấy! - Mọi người đồng thanh tán thành.
Mặt nhà văn Lưu lúc xanh đỏ, lúc tím tái. Anh ta nghĩ bụng những thằng khốn nạn định giật dây khiêu khích quần chúng đấu quần chúng, mình chớ có mắc lừa, chớ có dại dột chủ động dẫn xác đến tận cửa để Lý Trọc đấm đá. Nhưng dân chúng cứ đổ dồn con mắt nhìn vào mình, không đứng ra nói mấy câu không xong. Tuỳ cơ ứng biến, nhà văn Lưu đã bước lên một bước, to tiếng đồng ý với lời nói của quần chúng. Anh ta bảo:
- Đúng đấy, những người viết văn làm thơ dưới gầm trời đều bị nhà thơ Triệu bôi nhọ!
Nhà văn Lưu xứng đáng là văn hào của thị trấn Lưu chúng tôi. Một câu nói của anh ta đã kéo tuồn tuột, nhà văn nhà thơ xưa nay ở trong nước ngoài nước làm đệm lưng cho mình. Thấy quần chúng đứng đực mặt ra, nhà văn Lưu biết chỉ một động tác, mình đã xoay chuyển được tình thế. Anh ta giương giương tự đắc, đã nói là cứ thế tuôn ra một mạch không hãm nổi:
- Ngay đến ngài Lỗ Tấn cũng mất mặt, còn có cả ngài Đỗ Phủ, ngài Lý Bạch, ngài Khuất Nguyên, ngài Khuất Nguyên yêu nước mà cũng nhảy xuống sông tự vẫn, đều mất mặt theo nhà thơ Triệu... Còn ở nước ngoài, thì ngài Tolstoy, ngài Shakespeare, xa hơn nữa là ngài Dante, ngài Homer... Ôi biết bao nhiêu là ngài sáng láng tiếng tăm, đều bị nhà thơ Triệu bôi nhọ!
Dân chúng cứ việc thả sức khà khà cười ngây ngô. Lý Trọc cũng khà khà cười theo. Anh ta hết sức tán thưởng lời nói của nhà văn Triệu. Anh ta vui vẻ nói:
- Thật không ngờ, mình đã làm cho biết bao nhiêu ngài danh nhân mất mặt!
Giữa lúc này, Tống Cương cưỡi chiếc xe đạp mác Vĩnh Cửu bóng nhoáng lao tới. Thấy dân chúng làm ùn tắc đường, Tống Cương bấm chuông ra rả, anh đang vội phóng xe đến Xưởng Dệt kim đón Lâm Hồng về nhà. Vừa nghe tiếng chuông, Lý Trọc đã biết Tống Cương đến. Anh ta đứng dậy sát cây ngô đồng, gọi Tống Cương:
- Anh Tống Cương, anh Tống Cương, cả một ngày em chưa có thứ gì vào bụng...