A book must be an ice-axe to break the seas frozen inside our soul.

Franz Kafka

 
 
 
 
 
Tác giả: Charles Dickens
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Đình Chi
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 59 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 43
ại sao tôi phải dừng lại để tự hỏi có mấy phần trong những ác cảm tôi
dành cho Provis rất có thể bắt nguồn từ Estella? Tại sao tôi lại phải lãng phí
thời gian tha thẩn trên con đường của mình để so sánh trạng thái tinh thần khi
tôi cố tống khứ sự ô uế của nhà tù khỏi người trước khi đón cô ở nhà trạm,
với trạng thái tinh thần lúc này tôi đang có khi nhìn vào vực thẳm giữa
Estella với tất cả sự kiêu hãnh và sắc đẹp của cô và kẻ lưu đày trở về tôi đang
chứa chấp? Nó sẽ chẳng làm cho con đường bằng phẳng hơn, đích đến cũng
sẽ chẳng tốt đẹp lên, sẽ không thể giúp gì cho ông ta được, tôi cũng chẳng
thấy nhẹ nhõm hơn.
Những gì ông ta kể đã làm một nỗi sợ hãi mới nhen nhóm trong tâm trí
tôi; hay nói đúng hơn, câu chuyện đó đã định hình và đem đến nguyên cớ cho
nỗi sợ hãi vốn đã có sẵn ở đó. Nếu Compeyson còn sống và phát hiện ra là
ông ta đã trở về, tôi không có mấy nghi ngờ về hậu quả. Việc Compeyson sợ
ông ta chết khiếp thì không ai trong hai người họ có thể biết rõ bằng tôi; và
khó lòng tưởng tượng nổi lại có bất cứ kẻ nào giống như kẻ ông ta mô tả mà
lại do dự trong việc giải thoát vĩnh viễn cho mình khỏi một kẻ thù đáng sợ chỉ
bằng một cách an toàn là trở thành người tố giác.
Tôi chưa bao giờ hé ra một lời, và sẽ không bao giờ hé lộ một lời - hay
ít nhất tôi đã quyết tâm như vậy - về Estella với Provis. Nhưng, tôi nói với
Herbert, trước khi có thể ra nước ngoài, tôi nhất định phải gặp lại cả Estella
và cô Havisham. Những lời trao đổi này diễn ra khi chỉ còn lại hai chúng tôi
với nhau vào buổi tối hôm Provis kể cho chúng tôi biết câu chuyện đời ông.
Tôi quyết định hôm sau sẽ tới Richmond, và lên đường.
Khi tôi xưng tên tại nhà bà Brandley, cô hầu gái của Estella được gọi
tới để cho hay Estella đã về vùng nông thôn. Tới đâu ư? Tới Satis, như
thường lệ. Không như thường lệ, tôi nói, vì trước đây cô chưa bao giờ về đó
mà không đi cùng tôi; khi nào cô quay lại? Vẻ dè dặt trong câu trả lời làm tôi
càng thêm bồn chồn, và câu trả lời là cô hầu gái tin cô sẽ quay về chỉ sau một
thời gian ngắn. Tôi không thể thu được gì từ nó, ngoại trừ nó có nghĩa là tôi
không thể thu được gì, và tôi đành quay về nhà thất bại hoàn toàn.
Thêm một lần hội ý buổi tối nữa cùng Herbert sau khi Provis đã về nhà
(tôi luôn đưa ông ta về nhà, và luôn cẩn thận nhìn ngó xung quanh mình) thì
chúng tôi đi tới kết luận là không thể nói gì tới chuyện ra nước ngoài cho tới
khi tôi từ chỗ cô Havisham trở về. Cho tới lúc đó, Herbert và tôi mỗi người
cần tự cân nhắc xem nói gì là tốt nhất; liệu chúng tôi nên tạo ra một cái cớ
nào đó để tỏ vẻ sợ rằng vị khách đang bị theo dõi một cách khả nghi; hay tôi,
người chưa bao giờ ra nước ngoài, nên đề nghị một chuyến viễn du. Cả hai
chúng tôi đều biết chỉ cần tôi đề nghị điều gì đó, vị khách sẽ tán thành ngay.
Chúng tôi nhất trí không thể chấp nhận khả năng ông ta ở lại lâu trong tình
cảnh nguy hiểm hiện tại.
Ngày hôm sau, tôi đã hèn hạ vờ rằng tôi đã hứa về thăm Joe; nhưng tôi
có thể sẵn sàng phạm phải gần như mọi sự hèn hạ với Joe hay cái tên của anh.
Provis cần tuyệt đối cẩn trọng khi tôi đi vắng, và Herbert sẽ phải trông nom
ông ta như tôi đã làm trước đó. Tôi sẽ chỉ vắng mặt một buổi tối, và khi tôi
quay về, việc thỏa mãn sự sốt sắng muốn thấy tôi khởi đầu với tư cách một
quý ông ở đẳng cấp cao hơn sẽ bắt đầu. Và lúc đó tôi chợt nảy ra ý nghĩ, và
sau này tôi phát hiện ra cả Herbert cũng vậy, có lẽ đây chính là cái cớ tốt nhất
để lôi vị khách vượt biển ra khơi - để mua sắm, hay gì đó tương tự.
Sau khi dọn đường quang đãng cho cuộc hành trình tới nhà cô
Havisham theo cách vừa kể, tôi lên đường bằng chuyến xe trạm lúc sáng
sớm, trước khi trời kịp hửng, và đã ra tới vùng đồng quê quang đãng khi ngày
rạng dần, dè dặt, ủ dột, run rẩy, quấn mình trong những vạt mây và đám
sương mù như một kẻ hành khất. Khi chúng tôi tới nhà trọ Lợn Lòi Xanh sau
một chuyến đi lắc lư chóng mặt, người tôi nhìn thấy bước ra dưới cửa, tay
cầm tăm xỉa răng, tới nhìn vào cỗ xe trạm lại chẳng phải ai khác ngoài
Bentley Drummle!
Vì anh ta vờ như không nhìn thấy tôi, tôi cũng vờ không thấy anh ta.
Một màn vờ vịt hết sức gượng gạo từ cả hai phía; càng thêm gượng gạo vì cả
hai chúng tôi cùng đi vào phòng uống cà phê, nơi anh ta vừa dùng xong bữa
sáng, cũng là nơi tôi gọi bữa sáng cho mình. Thấy anh ta trong thị trấn, tôi
chẳng khác gì bị ngộ độc, vì tôi biết quá rõ vì sao anh ta lại tới đây.
Giả bộ đọc một tờ báo nhòe nhoẹt đã qua ngày phát hành từ lâu, chẳng
còn gì có thể đọc được dù chỉ nửa chừng trong các mục tin địa phương, vì các
chất ngoại lai như cà phê, thịt muối, nước mắm, nước thịt hầm, bơ đun chảy
và rượu vang đã vương vãi loang lổ khắp bên trên, như thể tờ báo đã mắc
phải một dạng bệnh sỏi hiếm gặp, tôi ngồi tại bàn mình trong khi anh ta đứng
trước lò sưởi. Dần dà, chuyện anh ta đứng trước lò sưởi trở thành một sự xúc
phạm ghê gớm đối với tôi. Vậy là tôi đứng dậy, quyết tâm phải có phần lửa
sưởi của mình. Tới bên lò sưởi, tôi phải thò tay ra sau chân anh ta để lấy cây
cời lò để cời to ngọn lửa lên, nhưng vẫn giả bộ không biết anh ta.
“Thế này có thái quá không nhỉ?” Drummle nói.
“Ồ!” tôi lên tiếng, tay cầm que cời lò, “là anh phải không nhỉ? Anh
khỏe chứ? Tôi đang tự hỏi ai lại đi che khuất ngọn lửa như thế.”
Nói xong, tôi hì hục cời lửa thật hăng, và sau khi làm xong, đứng vào
sát cạnh Drummle, vai gang ra, lưng quay vào ngọn lửa.
“Anh vừa mới tới sao?” ông Drummle hỏi, đưa vai hích tôi lùi ra một
chút.
“Phải,” tôi đáp, đồng thời đưa vai hích anh ta lùi ra một chút.
“Một chốn kinh tởm,” Drummle nói. “Tôi nghĩ vùng này là quê anh,
đúng không nhỉ?”
“Phải,” tôi tán thành. “Người ta nói với tôi nó rất giống vùng
Shropshire nhà anh.”
“Một chút cũng không giống,” Drummle nói.
Đến đây, Drummle nhìn xuống đôi ủng của mình, còn tôi nhìn xuống
ủng tôi, rồi sau đó Drummle nhìn sang đôi ủng của tôi, còn tôi nhìn ủng anh
ta.
“Anh tới đây lâu chưa?” tôi hỏi, quyết tâm không nhường dù chỉ một
inch lò sưởi.
“Đủ lâu để phát chán nơi này,” Drummle đáp lại, giả bộ ngáp, nhưng
cũng cương quyết không kém gì tôi.
“Anh ở đây lâu không?”
“Khó nói lắm,” Drummle trả lời. “Còn anh?”
“Khó nói lắm.”
Đến đây, tôi cảm thấy, thông qua cảm giác râm ran trong dòng máu, là
nếu vai của Drummle lấn tới thêm dù chỉ một li thôi, tôi chắc hẳn sẽ lẳng anh
ta vào cửa sổ; cũng vậy, nếu vai tôi có động thái lấn chiếm tương tự,
Drummle chắc cũng sẽ hất tôi vào cái thùng gần nhất. Anh ta huýt sáo khe
khẽ. Tôi cũng vậy.
“Tôi tin là ở đây có những vạt đầm lầy rộng lớn thì phải?” Drummle
nói.
“Đúng vậy. Thế thì sao?” tôi nói.
Drummle nhìn tôi, rồi đôi ủng tôi đi, sau đó nói, “Ồ!” và phá lên cười.
“Anh thấy thú vị sao, anh Drummle?”
“Không,” anh ta nói, “cũng không thực sự vậy. Tôi sắp ra ngoài cưỡi
ngựa một chuyến. Ý tôi là đi khám phá những đầm lầy đó cho vui. Ở đó có
những ngôi làng hẻo lánh xa đường, người ta nói với tôi vậy. Những quán
rượu nhỏ - và các lò rèn - những thứ kiểu đó. Hầu bàn!”
“Vâng, thưa ông.”
“Ngựa của tôi sẵn sàng chưa?”
“Đã dắt vòng ra trước cửa, thưa ông.”
“Nhìn tôi, nghe tôi nói đây, anh bạn. Tiểu thư sẽ không cưỡi ngựa hôm
nay; thời tiết không hợp.”
“Vâng, thưa ông.”
“Và tôi sẽ không ăn chiều, vì tôi sẽ ăn chiều ở chỗ quý cô.”
“Vâng, thưa ông.”
Sau đó, Drummle liếc nhìn tôi với vẻ đắc thắng xấc xược hiện rõ trên
khuôn mặt với xương hàm bạnh ra làm tim tôi đau nhói, anh ta thật đần độn,
còn tôi thì uất ức tới mức cảm thấy muốn tóm lấy anh ta trong tay (đúng như
tên cướp trong truyện đã tóm lấy bà lão) rồi cho anh ta an tọa trong lò sưởi*.
Nhắc đến Dick Turpin, tên cướp khét tiếng đã bị xử tử tháng 4/1739. Một trong những vụ nổi tiếng
mà hắn gây ra là tại nhà một bà lão. Khi bà ngần ngại không nói chỗ cất tiền hắn đã tóm lấy và đe dọa
sẽ ném bà vào lò sưởi.
Có một điều rõ ràng với cả hai chúng tôi, đó là trước khi có điều gì đó
xuất hiện để tháo ngòi căng thẳng, sẽ không ai trong chúng tôi chịu nhường
bước trước lò sưởi. Chúng tôi đứng đó, ngay trước lò sưởi, vai chen vai, chân
sát chân, hai bàn tay chắp sau lưng, không nhúc nhích lấy một inch. Có thể
thấy con ngựa qua làn mưa bụi trước cửa ra vào, bữa sáng của tôi được bày
lên bàn, bữa sáng của Drummle được dọn đi, người hầu bàn mời tôi bắt đầu
dùng bữa, tôi gật đầu, cả hai chúng tôi đều đứng nguyên tại chỗ.
“Từ đó anh đã bao giờ tới Khu Rừng chưa?” Drummle hỏi.
“Chưa,” tôi đáp, “tôi đã quá ngán các quý ngài Sẻ từ lần cuối cùng tôi
ở đó.”
“Có phải đó là lúc chúng ta có một bất đồng quan điểm không nhỉ?”
“Phải,” tôi đáp cộc lốc.
“Nào, nào! Bọn họ đã cho anh thoát khá dễ dàng,” Drummle mỉa mai.
“Đáng ra anh không nên mất bình tĩnh.”
“Anh Drummle,” tôi nói, “anh không đủ tư cách để đưa ra lời khuyên
về chủ đề ấy. Khi tôi mất bình tĩnh (không có nghĩa là tôi thừa nhận đã như
vậy vào dịp đó), tôi không ném ly.”
“Tôi thì có,” Drummle nói.
Sau khi đưa mắt nhìn anh ta một hay hai lần trong trạng thái mỗi lúc
một hung tợn hơn, tôi nói:
“Ông Drummle, tôi không tìm kiếm cuộc đối thoại này, và tôi không
nghĩ nó dễ chịu.”
“Tôi tin chắc là không,” anh ta nói, khinh khỉnh nhún vai, “tôi chẳng
nghĩ gì về nó cả.”
“Và vì thế,” tôi nói tiếp, “nếu anh cho phép, tôi sẽ đề nghị là chúng ta
không duy trì bất cứ hình thức liên lạc nào trong tương lai.”
“Cũng đúng như quan điểm của tôi,” Drummle nói, “và cũng là điều
hẳn chính tôi sẽ đề nghị, hay rất có thể hơn sẽ làm mà không cần đề nghị.
Nhưng anh đừng mất bình tĩnh. Chẳng phải anh cũng đã mất đủ rồi sao?”
“Ý anh là sao?”
“Hầu bàn!” Drummle gọi, thay vì trả lời tôi.
Người hầu bàn lại xuất hiện.
“Nghe này, ông bạn. Hẳn đã hiểu khá rõ là tiểu thư không cưỡi ngựa đi
dạo hôm nay, và tôi sẽ dùng bữa ở nhà tiểu thư rồi chứ?”
“Quả có vậy, thưa ông!”
Khi người hầu bàn áp lòng bàn tay lên kiểm tra ấm trà đang nguội đi
nhanh chóng của tôi và đưa mắt nhìn tôi cầu khẩn rồi ra ngoài, Drummle, cẩn
thận không nhúc nhích vai ở cạnh tôi, lấy một điếu xì gà từ trong túi ra, cắn
đầu, nhưng không tỏ vẻ gì muốn cựa quậy đi đâu. Uất nghẹn và tức sôi lên
vào lúc đó, tôi cảm thấy chúng tôi không thể nói thêm từ nào nữa mà không
nhắc tới tên Estella, cái tên tôi không chịu đựng nổi phải nghe anh ta nói ra;
và vì vậy tôi nhìn chằm chằm bức tường đối diện, như thể không còn ai khác
hiện hữu, và buộc mình im lặng. Khó nói chúng tôi còn duy trì tình thế lố
bịch này trong bao lâu nữa nếu không có sự xuất hiện của ba người nông dân
khá giả - được người hầu bàn đưa vào, tôi nghĩ vậy - họ bước vào phòng
uống cà phê, cởi khuy áo khoác và xoa tay vào nhau, trước mấy người này,
khi họ xông tới lò sưởi, chúng tôi buộc phải nhường bước.
Tôi nhìn thấy anh ta qua cửa sổ, túm lấy bờm con ngựa và leo lên theo
cách thức tàn nhẫn ngớ ngẩn của anh ta, rồi ngả nghiêng ngất ngưởng trên
lưng ngựa rời xa dần. Tôi đã tưởng anh ta đi khỏi thì anh ta lại quay trở lại,
gọi lửa cho điếu xì gà trên miệng mình, vốn lúc trước anh ta đã quên châm.
Một người đàn ông quần áo bụi bặm xuất hiện cầm theo thứ anh ta cần - tôi
cũng không thể nói là từ đâu: có thể từ sân nhà trọ, hoặc từ ngoài phố, hay từ
đâu đó - và khi Drummle từ trên yên cúi người xuống châm điếu xì gà rồi phá
lên cười, ngoái đầu về phía mấy khung cửa sổ phòng uống cà phê, đôi vai
buông thõng xuống và mái tóc bờm xờm của người đàn ông đang quay lưng
lại với tôi này nhắc tôi nhớ tới Orlick.
Trong tâm trạng quá nặng nề lúc đó, không thể bận tâm quá nhiều về
chuyện liệu người nọ có phải là anh ta hay không, hay để động tới bữa sáng,
tôi rửa sạch mọi tàn tích của thời tiết và chuyến đi khỏi mặt và tay mình, rồi
lên đường tới ngôi nhà cũ kỹ đáng nhớ mà sẽ tốt hơn nhiều nếu tôi không bao
giờ bước chân vào, không bao giờ biết đến.
Great Expectations (Tiếng Việt) Great Expectations (Tiếng Việt) - Charles Dickens Great Expectations (Tiếng Việt)