The man who does not read good books has no advantage over the man who can't read them.

Mark Twain, attributed

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Biên tập: Trần Hùng
Số chương: 41 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 14
Cập nhật: 2024-09-01 17:39:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tề VI
. TỀ MẪN VƯƠNG TÀN BẠO, MÀ BỊ GIẾT – C40,1b-15
(Tề phụ quách chi nhân)
Ở ngoại ô thành nước Tề, có một người tên là Hồ Huyên, chính nghị, Mẫn Vương sai chém ở Đàn Cù (tên một con đường ở chợ) nên trăm họ không ưa; trong tôn thất nước Tề có một người tên là Trần Cử hay trức ngôn, Mẫn Vương sai giết ở cửa đông nên tôn tộc xa ghét; Tư Mã Nhương Thư làm quan, Mẫn Vương sai giết đi, nên đại thần không thân tín nữa.
Vì vậy mà Yên dấy binh, sai Xương Quốc Quân làm tướng đem quân đánh Tề. Tề sai Hướng Tử làm tướng cầm quân nghinh chiến. Quân Tề thua, Hướng Tử còn giữ được một chiếc binh xa, chạy trốn. Đạt Tử thu thập tàn binh, quân đội lại phấn phát lên, chiến đấu với Yên, xin Mẫn Vương cho thêm binh để báo thù, Mẫn Vương không cho thêm được, quân đội bị đánh tan, Mẫn Vương chạy trốn qua nước Cử.
(Tướng nước Sở là) Náo Xỉ kể tội Mẫn Vương:
- Ở khoảng từ Thiên Thặng tới Bác Xương, vuông vức mấy trăm dặm, mưa máu ướt áo, nhà vua có hay không?
- Không.
- Ở khoảng Doanh và Bác, đất nứt ra sâu tới mạch suối, nhà vua có hay không?
- Không.
- Có người khóc ở chỗ cửa khuyết, tìmthì không thấy người, mà bỏ đi thì nghe thấy tiếng khóc, vua có hay không?
- Không.
Náo Xỉ bảo:
- Trời mưa máu ướt áo là trời cảnh cáo nhà vua đấy; đất nứt tới mạch suối là đất cảnh cáo nhà vua đấy; người khóc ở cửa khuyết là người cảnh cáo nhà vua đấy. Trời, đất, người đều cảnh cáo nhà vua mà nhà vua không biết răn mình, làm sao mà không đáng chết cho được?
Rồi giết Mẫn Vương ở Cổ Lí. Thái tử phải cởi bỏ y phục, trốn vào nhà quan thái sử, giả làm người tưới vườn. Con gái quan thái sử – sau làm hoàng hậu – biết thái tử là bậc quí nhân, đặc biệt đãi ngộ.
(Sau) Điền Đan dùng thành Tức Mặc và tàn binh của Tề đánh Yên, dùng mưu gạt Kị Kiếp, mà khôi phục được nước Tề, đón thái tử ở nước Cử về làm vua. Tương Vương lên ngôi, phong Quân Vương hậu (tức con gái quan thái sử) làm hoàng hậu, hậu sinh ra Tề Vương Kiến.
Vương Tôn Giả năm mười lăm tuổi thờ Mẫn Vương, Mẫn Vương trốn đi, không biết tìm ở đâu. Người mẹ bảo:
- Sáng con ra đi mà chiều về thì mẹtựa cửa ngóng con; chiều con ra đi mà không về thì mẹ tựa cổng ngóng con. Nay con thờ vua, vua trốn đi, con không biết tìm đâu thì còn về nhà làm gì?
Vương Tôn Giả bèn lại giữa chợ, bảo:
- Náo Xỉ làm loạn nước Tề, giết MẫnVương, ai muốn cùng tôi giết nó thì để hở cánh tay mặt đi!
Ở chợ, bốn trăm người theo, cùng vấn tội Náo Xỉ rồi đâm chết Náo Xỉ.
2. LỖ TRỌNG LIÊN THUYẾT TƯỚNG YÊN – C30,3-67
(Yên công Tề, thủ thất thập dư thành)
Yên đánh Tề, chiếm được trên bảy mươi thành, chỉ còn hai thành Cử và Tức Mặc là không hạ được. Tướng Tề là Điền Đan giữ Tức Mặc để đánh Yên, giết Kị Kiếp. Mới đầu, tướng Yên hạ được Liêu thành, có người chê bai, tướng Yên sợ bị giết, giữ chịt lấy Liêu Thành, mà không dám về nước. Điền Đan tấn công Liêu Thành, trên một năm, binh sĩ chết già nửa mà không hạ được. Lỗ Trọng Liên bèn viết thư, buộc vào mũi tên, bắn vào trong thành cho tướng Yên. Thư rằng:
- Tôi nghe nói, bậc trí giả không nghịch thời cơ mà bỏ lợi; bậc dũng sĩ không sợ chết mà huỷ danh, bậc trung thần không nghĩ đến thân mình trước mà nghĩ đến vua sau. Nay ông vì một buổi giận dữ mà không nghĩ rằng vua Yên sẽ mất bề tôi, như vậy không phải là trung thần; ông chịu chết, làm tan nát Liêu Thành, mà uy lực không được Tề nể, như vậy không phải là dũng sĩ; sự nghiệp hỏng, thanh danh tiêu, đời sau không ai khen, như vậy không phải là trí giả. Cho nên bậc trí giả không tính đi tính lại, bậc dũng sĩ không sợ chết. Tử sinh, vinh nhục, tôn ti, quí tiện đều ở trong lúc này cả, xin ông mưu tính cho kỹ lưỡng, đừng theo thói thường nhân.
Sở đánh Nam Dương, Ngụy đánh Bình Lục, Tề không có ý hướng về phía nam, cho rằng cái hại mất Nam Dương không bằng cái lợi được Tế Bắc, cho nên đã quyết tâm chiếm được Liêu Thành. Hiện nay Tần đem binh cứu Tề, Ngụy không dám hướng ra phía đông đánh Bình Lục; Tần và Tề liên hoành với nhau mà hợp lực lại thì cái thế của Sở hoá nguy. Vả lại Tề bỏ Nam Dương, cắt Hữu Nhương (tức Bình Lục), để giữ Tế Bắc, kế đó thế nào cũng đem thực hành.
Nay Sở, Ngụy đều lui binh, cứu binh của Yên không tới, không nước nào mưu chiếm nước Tề; Tề với Liêu Thành cầm cự với nhau một năm thì, theo tôi thấy, ông không thể nào thắng được Tề đâu. Tề nhất định ăn thua với Liêu Thành, mà lỗi lầm của ông không sửa lại được nữa.
Nước Yên kia đại loạn, vua tôi tính lầm, trên dưới mê hoặc, Lật Phúc đem tới trăm vạn quân mà năm lần bị đánh bại ở ngoài, nước ông là một nước vạn thặng mà bị Triệu vây, đất bị cắt, vua bị khốn, bị thiên hạ nguyền rủa, ông hay điều đó chứ? Nay vua Yên cô lập, đương sợ sệt, đại thần không đáng tin, quốc gia khốn đốn, tai hoạ thì nhiều, lòng dân hoang mang, mà ông lại đem số dân khốn đốn của Liêu Thành chống cự với binh hoàn chỉnh của Tề, một năm ròng mà không bỏ, đó là “lối giữ thành của Mặc Địch!” Ăn thịt người, đốt xương người làm củi, quân sĩ không có lòng làm phản, đó là “binh của Tôn Tẩn và Ngô
Khởi!”, bấy nhiêu có thể làm cho ông hiển danh trong thiên hạ rồi.
Cho nên ở vào địa vị ông mà mưu tính thì không bằng bãi binh, hưu chiến, bảo toàn binh xa khí giới mà về báo tin cho vua Yên, vua Yên tất mừng, mà nhân dân nước Yên thấy ông sẽ mừng như thấy cha mẹ; bạn bè gặp nhau, nắm tay nhau mà đàm luận thế sự, sự nghiệp của ông có thể rỡ ràng rồi. Trên thì thờ vua cô độc để khống chế quần thần, dưới thì nuôi trăm họ để giúp đỡ các biện sĩ, sửa đổi quốc chính, cải cách phong tục trong thiên hạ, công danh ông có thể là vững vàng rồi.
Hoặc giả ông muốn làm suy tổn nước Yên, không kể tới sự phê phán của người đời, mà qua chơi phía đông là nước Tề ư? Nếu vậy thì Tề xin cắt đất để phong cho ông, ông sẽ giàu ngang họ Đào, họ Vệ, đời đời xưng cô quả, cùng với Tề trường tồn, đó cũng là một cách nữa. Hai cách đó đều là hiển danh, tăng lợi, xin ông xét kỹ rồi lựa lấy một.
Tôi lại nghe: quá chú trọng tới tiểu tiết thì không làm được sự nghiệp lớn lao; hận về cái sỉ nhục nhỏ thì không lập được danh tiếng vẻ vang. Xưa Quản Trọng bắn Tề Hoàn Công, trúng cái khoá dây lưng, vậy là phản nghịch; công tử Củ chết mà không chết theo, vậy là khiếp nhược, chân tay bị cùm, trói, vậy là nhục thân. Bị ba cái đó thì người trong làng xóm không giao du với nữa, mà các vị quân vương không dùng làm bề tôi nữa. Nếu Quản Trọng suốt đời uất ức, tự giam trong nhà mà không ra ngoài vì xấu hổ sợ người ta thấy mặt, như vậy tới khi chết, thì rốt cuộc chỉ là kẻ bị nhục, hành vi đê tiện mà thôi! Nhưng Quản Trọng tuy có đủ ba cái lỗi đó mà nắm chính quyền của Tề, khuông chính thiên hạ, chín lần họp chư hầu, làm cho vua Tề đứng đầu hàng ngũ bá, danh tiếng cao nhất trong thiên hạ, vinh quang chiếu tới các nước láng giềng.
Tào Mạt làm tướng cho vua Lỗ, ba lần ra quân ba lần chạy dài, để mất cả ngàn dặm đất. Nhưng nếu Tào Tử chân không rời khỏi trận địa, mưu tính mà không nghĩ đến việc sau, ra trận (không thắng) thì nhất định chết chứ không chịu sống, thì rốt cuộc chỉ là một viên tướng bại trận bị bắt. Tào Tử cho rằng tướng bại trận bị bắt thì không phải là dũng; mà công nghiệp phải bỏ, thanh danh tiêu ma, thì không phải là trí. Cho nên ông chịu bỏ cái nhục ba lần thua chạy, lui về cùng bàn tính với vua Lỗ, và Tào Tử có dịp lập công. Tề Hoàn Công gồm thâu thiên hạ rồi, triều hội chư hầu, mà Tào Tử chỉ có một thanh kiếm, bức hiếp Hoàn Công ở trên đàn, nhan sắc không đổi, lời nói, thần khí không loạn; thành thử những đất đai mất trong ba lần chiến bại kia chỉ trong một ngày mà thu hồi lại được, thiên hạ phải chấn động, chư hầu phải hoảng sợ, uy vọng lan tới Ngô, Sở, thanh danh truyền tới hậu thế.
Hai ông đó không phải là không giữ được những cái tiểu tiết, không phải là không biết chết vì cái nhục nhỏ; nhưng cho rằng thân chết, lìa đời rồi mà công danh không thành thì không phải là trí. Cho nên bỏ cái lòng phẫn hận để lập cái danh cho suốt đời, nén cái phẫn uất vì nhục để lập sự nghiệp đời đời. Nhờ vậy sự nghiệp của họ mới cùng với tam vương tranh nhau hơn kém, danh vọng của họ mới cùng với trời đất trường tồn.
Xin ông xét cho!
Tướng Yên đáp:
- Xin tuân lệnh ông.
Rồi bãi binh, đảo ngược cái bao cung mà lui quân.
Vậy giải vây cho Tề, cứu sống cho trăm họ là nhờ lời biện thuyết của Trọng Liên.
3. QUÁN CHÂU KHUYÊN TỀ TUYÊN VƯƠNG – C31,4-84
(Yên công Tề, Tề phá)
Yên đánh Tề, Tề thua, Mẫn Vương trốn qua nước Cử, Náo Xỉ giết Mẫn Vương. Điền Đan cố giữ thành Tức Mặc, phá quân Yên, thu phục được đất cũ của Tề. Tương Vương làm làm thái tử, tỏ vẻ nghi rằng Tề đã phá Yên thì Điền Đan muốn tự lên ngôi mà dân chúng nước Tề cũng cho rằng Điền Đan muốn tự lên ngôi.
Tương Vương lên ngôi rồi, Điền Đan làm tướng quốc. Có lần qua sông Tri, thấy một ông già lội qua sông, bị lạnh cóng, lên bờ rồi không đi được nữa, ngồi ở bãi cát. Điền Đan thấy vậy, muốn bảo bọn tuỳ hành ở xe sau xẻ áo cho ông lão, nhưng không ai có áo để cho. Điền Đan bèn cởi chiếc áo cừu đưa ông lão mặc. Tương Vương có vẻ nghi kỵ, bảo:
- Điền Đan thi ân như vậy là tính chiếm nước của ta chăng? Ta không sớm liệu thì e trễ mất.
Nhìn chung quanh không thấy ai cả; chỉ thấy ở dưới chân núi có một người tên là Quán Châu. Tương Vương gọi người đó lại hỏi:
- Ngươi nghe được lời ta nói không?
- Thưa nghe.
- Theo ý ngươi thì nên ra sao?
- Đại vương nên nhân đó mà coi là cáihay của mình. Đại vương nên khen Đan rồi hạ lệnh bảo: “Quả nhân lo dân đói, Đan gom dân đói về nuôi; quả nhân lo dân rét, Đan cởi áo cừu mà cho dân mặc; quả nhân lo trăm họ phải khó nhọc, Đan cũng lo cho trăm họ, thật hợp ý quả nhân”. Đan có chỗ nào tốt, nhà vua khen Đan là tốt, thì cái tốt của Đan cũng là cái tốt của vua.
Vua đáp:
- Phải.
Rồi tặng Đan thịt bò và rượu, khen hành vi của Đan.
Ít ngày sau, Quán Châu lại yết kiến vua, bảo:
- Ngày về triều đại vương nên vời Điền Đan tới rồi vái chào Điền Đan ở triều, uỷ lạo ông ta, và hạ lệnh tìm những kẻ đói rét trong nước, gom về mà nuôi nấng.
(Tương Vương làm theo lời) rồi sai người nghe ngóng trong dân gian, thiên hạ nói với nhau rằng: “Ông Điền Đan yêu dân, ha! Đó là ân trạch của nhà vua đấy!”.
4. ĐIÊU BỘT BÊNH VỰC ĐIỀN ĐAN
(Điêu Bột thường ố Điền Đan)
Điêu Bột thường huỷ báng Điền Đan: “An Bình Quân là hạng tiểu nhân!”.
An Bình Quân hay được, đặt tiệc rượu, mời Điêu Bột tới, bảo:
- Đan có gì đắc tội với tiên sinh màthường bị tiên sinh chê ở triều đình?
Điêu Bột đáp:
- Con chó của tên Chích cắn vua Nghiêu, không phải là yêu tên Chích mà ghét vua Nghiêu; loài chó hễ không phải chủ của nó thì nó cắn, thế thôi. Nay, ví phỏng Công Tôn Tử là người hiền mà Từ Tử là kẻ bất tiếu mà hai người đó đánh nhau thì con chó của Từ Tử khắc vồ lấy mà cắn bụng chân của Công Tôn Tử. Nếu nó rời ông chủ bất tiếu đi mà lại ở với ông chủ hiền thì há nó chỉ vồ lấy cắn bụng chân của ông mà thôi đâu!
An Bình Quân bảo:
- Xin vâng lời chỉ giáo.
Hôm sau Điền Đan đề cử Điêu Bột với Tương Vương. Tương Vương có chín người bề tôi được sủng ái, họ đều muốn hại An Bình Quân, cùng nhau nói với vua:
- Khi Yên đánh Tề, vua Sở sai tướngđem vạn quân qua giúp Tề. Nay nước đã yên, xã tắc đã vững, sao không sai sứ sang tạ ơn vua Sở?
Vua hỏi:
- Trong số tả hữu, ai là người đi được?
Bọn chín người đều đáp:
- Điêu Bột đi được.
Điêu Bột đi sứ qua Sở. Vua Sở (Khoảnh Tương Vương) thết tiệc đãi. Mấy ngày không về. Bọn chín người kia cùng bảo vua Tề:
- Một kẻ tầm thường (trỏ Điêu Bột) màlàm cho vua một nước vạn thặng lưu lại như vậy, chẳng phải là nhờ cậy một thế lực nào đó ư? (ám chỉ Điền Đan). Vả lại An Bình Quân đối với nhà vua, không giữ lễ vua tôi, không phân biệt trên dưới; lại nuôi cái ý chẳng tốt (ý nói muốn làm phản), ở trong thì vỗ về bách tính, thu phục nhân tâm, giúp đỡ kẻ nghèo khốn, thiếu thốn, ban ân đức cho dân, ở ngoài thì chiêu nạp Nhung, Địch (chỉ các người nước ngoài) cùng kẻ hiền sĩ trong thiên hạ, ngầm kết giao với các kẻ anh hùng tuấn kiệt ở các nước chư hầu là có ý muốn làm phản, xin nhà vua xét kỹ xem.
Một hôm Tương Vương ra lệnh:
- Gọi tướng quốc Đan lại đây!
Điền Đan bỏ mão, tụt giày, cởi áo để lộ thân thể mà vô; khi lui ra, xin chịu tội chết.
Năm ngày sau, Tương Vương bảo:
- Ngươi không có tội với ta. Ngươi giữ đúng cái lễ bề tôi của ngươi, ta giữ đúng cái lễ quân vương của ta, chỉ có thế thôi!
Điêu Bột từ Sở về, vua liền bày tiệc đãi. Trong lúc ngà ngà, vua ra lệnh:
- Gọi tướng quốc Đan lại đây!
Điêu Bột rời chiếu, dập đầu xuống sàn, thưa:
- Nhà vua sao có giọng mất nước đó?Nhà vua, ở trên, so với Chu Văn Vương thì ai hơn?
Vua đáp:
- Ta không bằng Chu Văn Vương.
Điêu Bột bảo:
- Phải. Tôi vẫn biết rằng nhà vua không bằng. Ở dưới, so với Tề Hoàn Công thì ai hơn?
- Ta không bằng Tề Hoàn Công.
- Phải. Tôi vẫn biết rằng nhà vua không bằng. Vậy mà Chu Văn Vương được Lữ Thượng, gọi Lữ Thượng là Thái Công, Tề Hoàn Công được Quản Di Ngô, gọi Quản Di Ngô là Trọng phủ, nay nhà vua được An Bình Quân mà chỉ gọi cộc lốc là “Đan”! Vả lại từ buổi khai thiên lập địa, có loài người tới nay, làm kẻ bề tôi mà có công lớn thì có ai hơn được An Bình Quân không? Mà nhà vua cứ gọi “Đan! Đan!”, sao lại có cái giọng mất nước đó? Thử nghĩ coi, nhà vua không giữ được xã tắc của tiên vương, Yên dấy binh mà đánh úp đất Tề, nhà vua phải chạy trốn vào miền núi ở Thành Dương; thành Tức Mặc ở trong cơn nguy cấp khủng cụ, An Bình Quân dùng bảy ngàn tàn binh trong cái thành rộng ba dặm, quách dài năm dặm đó mà bắt được quan tư mã của Yên, thu hồi được ngàn dặm đất cho Tề, đó là công của An Bình Quân. Lúc đó nếu ông ấy đóng cửa
Thành Dương mà xưng vương ở Thành Dương thì trong thiên hạ có ai mà ngăn ông ấy được; nhưng ông ấy nghĩ tới đạo nghĩa, cho hành động như vậy là không phải, cho nên mới làm đường sạn đạo mộc các mà đón nhà vua cùng hoàng hậu ở trong núi miền Thành Dương về, nhờ vậy nhà vua mới được về triều mà cai trị trăm họ. Nay nước đã định, dân đã yên, thì vua lại gọi “Đan!”; tới con nít cũng không có thái độ như vậy. Nhà vua không giết ngay bọn chín kẻ kia đi mà tạ tội với An Bình Quân thì nước sẽ nguy mất!
Tương Vương bèn giết chín người kia, đuổi hết cả nhà họ đi, lại phong An Bình Quân một vạn nhà ở Dạ Ấp.
5. TẠI SAO ĐIỀN ĐAN KHÔNG THẮNG RỢ ĐỊCH – C31,6-10
(Điền Đan tương công Địch)
Điền Đan sắp đánh rợ Địch, lại thăm Lỗ Trọng Tử. Trọng Tử bảo:
- Tướng quân đánh rợ Địch, không thắng được đâu!
Điền Đan đáp:
- Tôi trước kia chỉ dùng tàn quân củamột cái thành rộng năm dặm, quách dài bảy dặm mà phá được quân của Yên là nước vạn thặng; khôi phục được đất của Tề; nay đánh rợ Địch mà không thắng là tại sao?
Nói xong, chẳng thèm cáo từ, lên xe mà đi, rồi đánh rợ Địch. Ba tháng mà không thắng được. Có một đứa trẻ nước Tề hát bài đồng dao này: “Mão lớn tày thúng, gươm dài tới cằm, đánh Địch không thắng, chỉ chiếm đồi cằn”.
Điền Đan nghe vậy, hoảng sợ, hỏi Lỗ Trọng Liên:
- Tiên sinh bảo Đan không thắng đượcrợ Địch là tại sao?
Lỗ Trọng Liên đáp:
- Tướng quân hồi ở Tức Mặc, ngồi thìđan sọt, đứng dậy thì cầm mai cuốc đất, ca bài này cho sĩ tốt nghe: “Phải tiến quân chừ, xã tắc mất rồi, hồn phách phiêu bạt, biết quay về đâu!”. Lúc đó tướng quân có lòng quyết tử mà sĩ tốt không có lòng tham sinh, nghe lời ca đó, không ai không rơi lệ, vung tay quyết chiến, nhờ vậy mà thắng được Yên. Ngày nay tướng quân, ở phía đông có Dạ Ấp cung phụng, phía tây có Tri Thượng giúp vui, đai vàng đeo ngang lưng, rong ruổi trong khoảng từ sông Tri tới sông Thằng, có tấm lòng vui sống, không có cái ý quyết tử, vì vậy mà không thắng được rợ Địch.
Điền Đan bảo:
- Đan tôi có con tâm, nhờ tiên sinh mànó theo được đường chính!
Hôm sau, Điền Đan khích lệ sĩ khí và đi tuần ở gần thành, phơi mình dưới mũi tên, hòn đạn, thân cầm dùi thúc trống; rợ Địch phải hàng.
Chiến Quốc Sách Chiến Quốc Sách - Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê Chiến Quốc Sách