I have learned not to worry about love;

But to honor its coming with all my heart.

Alice Walker

 
 
 
 
 
Tác giả: Athur Hailey
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: “The Money Changers”
Dịch giả: Vũ Đình Phòng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 58 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 266 / 9
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
âu lạc bộ “Hai Con Bẩy” nồng nặc mùi thức ăn, mùi mồ hôi và cả mùi nước tiểu nữa. Chỉ lát sau tất cả các thứ mùi hỗn tạp ấy quyện vào với nhau, tạo thành một thứ mùi người ta quen rất nhanh, khiến mùi nào khác bên ngoài lại đâm ra thành khó chịu.
Câu lạc bộ "77" này nằm trong một toà nhà bốn tầng bằng gạch nâu, sâu trong một ngõ hẻm tồi tàn, ngay gần trung tâm thành phố. Mặt trước toà nhà phủ một lớp bụi dầy, chứng tỏ đã nửa thế kỷ nay không ai chăm sóc. Tường tầng trệt đầy những vết nham nhở. Trên nóc vẫn còn một cột để treo cờ nhưng đã gẫy không biết từ bao giờ.
Cửa vào nhà bằng gỗ rất dầy, chỉ có một cánh.
Sàn nhà ngang với thềm và trên thềm đầy rác rưởi và phân chó. Một người gác cổng rõ ràng là dân nghiện rượu, kiểm tra từng người rồi mới cho vào, nhưng y luôn luôn vắng mặt tại vị trí. Vì vậy Miles Eastin mới vào được dễ dàng, mặc dù anh không phải hội viên câu lạc bộ. Lúc này gần giữa trưa, một ngày giữa tuần.
Tiếng tranh cãi ầm ĩ từ gian phòng ở sâu bên trong vọng ra. Hướng về phía đó, Eastin đi theo một hành lang bẩn thỉu, trên tường treo rất nhiều bức ảnh đã ố vàng, chụp những võ sĩ quyền Anh. Cuối cùng anh đến cửa một phòng rộng dùng làm quán rượu, tối mờ mờ. Một bồi bàn va vào anh, văng tục rồi đi tiếp, may không đổ những chiếc cốc đặt trên khay y bưng.
Hai gã đàn ông ngồi trên ghế cao bên cạnh quầy rượu quay mặt lại nhìn: Một tên kêu lên: Ê thằng kia. Mày có phải hội viên không mà vào đây? Ra ngay!
Gã thứ hai lầu bầu:
- Thằng cha Pedro đâu mà để hắn vào thế này? Đến phải thay thằng gác cổng khác thôi.
Rồi gã nhìn Eastin, hỏi:
- Mày là ai? Vào đây làm gì?
- Tôi tìm Jules LaRocca.
Gã thứ nhất nói:
- Không có đứa nào tên đó ở đây.
Bỗng trong bóng tối một tên chạy lại, vui vẻ:
- Ôi Milesy! Milesy là tên Miles trong tù.
Thân hình hắn mập mạp và Eastin nhận ra bộ mặt chồn của hắn. Hắn chính là LaRocca, hôm ở nhà tù Drummonburg đã được đám tù ở khu vực Maphia cử đến, và sau đấy đã quan hệ chặt chẽ với Miles cũng như với gã Karl. Karl vẫn nằm tù và xem chừng sẽ không bao giờ được ra ngoài cho đến ngày gã chết. Còn LaRocca thì được hưởng chế độ tạm tha có quản chế sau Miles ít lâu.
- Chào Jules.- Miles nói.
- Lại đây, để mình giới thiệu cậu với bọn họ.
LaRocca nắm tay Miles bằng bàn tay ngắn mập ú của y, kéo đi.
- Đây là chiến hữu!- Y nói với hai tên ngồi trên ghế cao cạnh quầy rượu, lúc này đã quay vào trong và làm như không nghe thấy.
Miles nói khẽ:
- Này, tao không có "đạn" nên không chi được đâu.- Anh đã trở lại dùng tiếng lóng như hồi trong tù.
- Đừng lo. Tao thết mày một ly, hai ly cũng được.
Y kéo Miles đi theo y lách giữa hai dẫy bàn.
- Mấy hôm rồi mày ở đâu?
- Tao tìm việc. - Tao bí quá, Jules. Mày phải giúp tao một tay. Hôm tao ra tù, mày chẳng bảo...
- Đúng thế.
Y đứng lại trước bàn có hai tên đàn ông đang ngồi, một tên gầy, nét mặt buồn bã, tên thứ hai đi ủng cao, đeo kính râm, tóc vàng để dài. LaRocca kéo thêm một ghế nữa, nói:
- Đây là Milesy, chiến hữu của tao.
Tên đeo kính râm ầm ừ, còn tên ngồi cùng hỏi:
- Có phải thằng cha thông thái đấy không?
- Chính y. - LaRocca hét lên gọi lấy hai vại bia, rồi quay sang nói với mấy tên kia: - Chúng mày thử hỏi hắn xem.
Tên thứ nhất hỏi:
- Hỏi gì?
- Hỏi về tiền bạc chứ còn hỏi gì, thằng ngu! - Tên đeo kính râm nói, rồi quay sang Miles hỏi:
- Thoạt tiên người ta dùng đồng đô la ở đâu?
- Quá dễ! - Miles đáp.- Mọi người đều tưởng đồng đô la ra đời ở Mỹ. Không phải thế. Gốc gác của nó là ở Bohême bên Đức. Đầu tiên nó tên là đồng thaler. Những người Tây Âu không phát âm được vần "th”, nên gọi nó là đô la. Chữ "đô la" lần đầu tiên xuất hiện là trong vở kịch Macbeth của Sếchxpia. Câu văn đó là "Mười ngàn đô la để chi dùng hàng ngày".
- Mác cái gì?
- Macmerde! Mày dốt lắm. - LaRocca kiêu hãnh nói.- Thằng bạn chiến hữu này của tao thông hiểu mọi thứ trên đời.
- Không phải mọi thứ đâu. - Miles cười. - Nếu cái gì tao cũng biết thì lúc này tao đã chẳng chịu rỗng túi.
Hầu bàn đặt hai vại bia lên bàn. LaRocca trả tiền ngay. Y nói với Miles:
- Trước khi mày kiếm tiền, việc đầu tiên mày phải làm là trả số nợ cho lão Ominsky đã.
Y cúi xuống nói khẽ vào tai Miles, nhung vẫn để hai tên kia nghe thấy: Lão người Nga biết tin mày ra tù rồi. Lão đang hỏi thăm mày đấy.
Nhắc đến lão cá mập mà Miles còn nợ ba ngàn đôla làm anh lạnh gáy. Anh nhớ còn nợ thêm thằng cha nhà cái đánh cá cược cũng khoảng ngần ấy tiền nữa. Miles chưa biết làm cách nào trả được cho chúng đây, cả hai tên: lão "Người Nga" và thằng cha nhà cái. Tuy nhiên anh hiểu rằng đến câu lạc bộ Hai con bảy này, tức là anh xuất đầu lộ diện và nếu anh không trả được nợ, anh sẽ bị chúng trả đũa khủng khiếp.
Miles hỏi LaRocca:
- Nhưng làm sao tao trả được trong khi chưa có "công ăn việc làm”?
Tên bụng phệ lắc đầu:
- Mày cứ phải đến gặp lão đi đã.
- Lão ở đâu? - Miles hỏi.
Anh biết lão Ominsky không có chỗ ở công khai và cố định. Lão thường giải quyết mọi công việc tại bất kể nơi nào mà lão tình cờ có mặt. LaRocca nói:
- Mày uống bia đi rồi tao với mày cùng đi trình diện với lão.
o O o
Chú mày cứ thử đang ở địa vị tao xem. - Lão cho vay nợ lãi vừa nói vừa tiếp tục nhai nhồm nhoàm.
Lão Ominsky ăn mặc rất diện, hai bàn tay đầy nhẫn kim cương đang múa trên chiếc đĩa thức ăn một cách khéo léo.
- Tao với chú mày cùng làm một việc và đã thoả thuận với nhau đàng hoàng. Tao bỏ tiền ra, chứ đâu phải chú mày? Hay chú mày cho là tao chơi xấu với chú mày chăng?
Miles vội kêu lên.
- Ông nghe tôi nói đã, thưa ông Ominsky, ông biết tôi gặp rủi ro và tôi xin cảm ơn ông là đã ngưng chạy đồng hồ. Nhưng hiện giờ tôi vẫn chưa trả ông được. Tôi rất muốn trả nhưng chưa có gì để trả. Xin ông vui lòng khoan cho một thời gian. Igor Ominsky lắc cái đầu cắt tóc tuyệt đẹp, rồi đưa những ngón tay móng sửa rất tỷ mẩn lên sờ cái má nhẵn thín. Lão rất tự hào về dáng vẻ "quý phái” của lão.
- Thời giờ là tiền bạc. - Lão nói khẽ. - Mà chú mày đã nhận được dư dả cả hai thứ đó. Ngồi trong ngăn của một hiệu ăn cực kỳ sang trọng mà LaRocca dẫn anh tới, Miles cảm thấy anh giống như con chuột nhắt, run rẩy trước con rắn hổ mang. Trên bàn, bên phía anh không có gì hết, dù chỉ một cốc nước lạnh, trong khi lúc này anh đang rất khát. Cổ họng anh khô khốc và nỗi hoảng sợ đang bấu chặt lấy anh. Lúc này nếu anh có thể chạy đến nhà băng, khước từ sứ mệnh Nghìn Wainwright giao cho, anh sẽ lập tức đi ngay. Nhưng bây giờ muộn mất rồi. Mồ hôi lạnh chảy ròng ròng trên sống lưng anh. Miles nhìn Ominsky đang nhai ngon lành món cá thu. LaRocca đã lủi đi đâu mất rồi.
Nỗi sợ của Miles rất dễ hiểu. Con cá mập Ominsky thực chất là một chủ nhà băng. Lão cho vay lấy lãi suất rất lớn, mà không phải chịu một sự rủi ro nào hết. Lão cũng không cần tôn trọng luật pháp: Khách hàng tự động đến với lão, van lạy để lão cắt cổ. Lão không cần thuê văn phòng to lớn sang trọng.
Lão hành nghề ở bất cứ nơi nào: trong xe hơi, ở góc phố, trong hiệu ăn. Lão không cần sổ sách giấy tờ gì hết. Lão cũng không phải trả thuế kinh doanh, thuế thu nhập, mà lãi của lão bao giờ cũng là một trăm phần trăm / năm, thậm trí nhiều khi lợi nhuận của lão cao hơn.
Miles ước đoán lúc nào lão Ominsky cũng có trong tay không dưới hai triệu đô la. Một nửa là tiền của lão, một nửa là của đám thủ lĩnh maphia "đầu tư" vào cho lão, bởi việc kinh doanh của lão đem lại lãi hết sức lớn. Một trăm ngàn đô đầu tư vào sau năm năm sẽ lên tới một triệu năm trăm ngàn đôla, nghĩa là lãi một ngàn bốn trăm phần trăm / năm.
Không có thứ kinh doanh nào lãi hơn thế.
Con nợ của lão không phải đều là dân nghèo khổ như Miles. Rất nhiều là nhân vật tiếng tăm: nhà buôn lớn, viên chức cao. Họ tìm đến cho lão Ominsky cắt cổ khi họ cần tiền quá, mà không có nơi nào để vay. Nhiều khi con nợ không có tiền trả, thế là phải nhượng một phần doanh nghiệp cho lão.
Bộ máy hành nghề của Igor Ominsky rất gọn nhẹ: bốn gã khỉ đột. Nhưng Ominsky khôn ngoan không đánh ai vỡ sọ, mà lão chỉ dùng bốn tên khỉ đột đó để doạ. Lão rất hiểu cách tốt nhất là doạ.
Miles đang chăm chú nhìn lão, chưa biết nên nói thế nào. Đột nhiên lão hỏi:
- Chú mày biết làm sổ sách kế toán đấy chứ?
- Tất nhiên là biết. Tôi đã từng làm ở nhà băng...
Ominsky ra hiệu bảo anh im, rồi lão nói:
- Có thể tao sẽ thuê chú mày làm việc cho tao. Tao đang cần một thằng trông nom sổ sách kế toán ở câu lạc bộ Hai Con Bẩy.
- Ở Câu lạc bộ? Đến bây giờ Miles mới biết lão Ominsky là chủ cái ổ tội phạm ấy.
- Tôi cũng vừa mới đến đó, trước khi đến đây...
- Khi tao nói thì ngậm miệng mà nghe, rõ chưa? Cấm không được ngắt lời tao. Khi nào tao hỏi mới được mở miệng trả lời. Thằng LaRocca bảo tao là chú mày đang chưa có công ăn việc làm. Nếu tao thuê chú mày thì toàn bộ tiền lương của chú mày tao sẽ trừ dần vào nợ. Nói cách khác, chú mày hoàn toàn trong tay tao, làm mọi việc theo như tao sai bảo. Hiểu chưa?
- Tôi đã hiểu, thưa ông Ominsky. - Miles nói, thở phào. Trước mắt vậy là lão khoan chưa đòi nợ. Đấy là điều quan trọng nhất. Mọi chuyện khác tính sau.
Lão người Nga nói tiếp:
- Mày được nuôi ăn, được có chỗ ngủ. Những coi chừng, chú mày đừng có thò tay vào két của tao. Chú mày sẽ phải trả giá đắt hơn chú mày đã trả cho nhà băng vừa rồi đấy. Đắt hơn rất nhiều!
Miles rùng mình. Tất nhiên anh không có ý định ăn cắp của lão trùm tội phạm này, nhưng anh đã thấy trước nếu anh làm điều gì trái ý lão, lão sẽ trừng phạt khủng khiếp đến mức nào.
- Thằng Jules sẽ dẫn chú mày đi và cho chú mày biết công việc. Thôi, bây giờ thì cút!
Lão Ominsky hất đầu với Jules LaRocca, tên này vẫn đứng phía ngoài ngó chủ. Miles Eastin ra đứng chờ ngoài cửa hiệu ăn, để hai thầy trò lão Ominsky bàn nhau. Anh thấy lão nói và LaRocca gật đầu lia lịa. Cuối cùng LaRocca ra gặp Miles:
- Mày gặp may đấy, Milesy! Ta đi thôi.
Miles nhìn thấy lão Ominsky tiếp tục ngồi ăn và lại một kẻ thảm hại nữa đến ngồi trước mặt lão.
Miles được sắp xếp ở một phòng nhỏ tầng trên cùng của toà nhà câu lạc bộ Hai Con Bẩy; hầu như không có đồ đạc gì, và chỉ rộng bằng phòng biệt giam ở nhà tù. Dù sao đây cũng là bước đầu tiên trên con đường làm lại cuộc đời, lấy lại những gì anh đã đánh mất. Nhưng Miles rất hiểu sống ở đây đòi hỏi anh phải hết sức khôn ngoan, mưu mẹo, ranh ma. Bởi mối nguy hiểm liên tục chờ đón anh. Đầu tiên anh quyết định quên đi vai trò "hai mang", mà toàn tâm toàn ý phục vụ bọn chúng. Cần làm cho chúng tin cẩn, như lời ông Nolan Wainwright căn dặn. Miles tìm cách kết thân với những tên có thế lực trước đã.
Ngoài quán rượu mà anh đã vào hôm đầu tiên, cả tầng dưới cùng là một phòng tập võ và chơi bóng tay. Tầng hai là nhà tắm hơi và mát-xa. Tầng ba dành cho các phòng giấy và một số phòng sau này anh mới biết nội dung hoạt động. Tầng bốn chia thành nhiều phòng giống như phòng của Miles, dùng làm chỗ nghỉ tạm cho khách của câu lạc bộ qua đêm.
Miles làm công việc kế toán một cách dễ dàng.
Từ lâu sổ sách sơ sài, Miles đã chấn chỉnh lại toàn bộ, và trong khi làm anh còn đề xuất thêm một số công việc để cải tiến hiệu quả. Viên quản trị trưởng câu lạc bộ chấp thuận và Miles khéo léo làm như hắn tự đề ra. Tên quản lý ấy tên là Nathanson, nguyên làm chân tổ chức các trận đấu quyền Anh, không biết gì về sổ sách kế toán nên rất biết ơn Miles.
Để thưởng công Miles, Nathanson cho phép anh được xuống phòng tập để giải trí bằng môn bóng tay.
Nhờ đó Miles có điều kiện làm thân với nhiều thành viên của câu lạc bộ. Miles nhận xét thấy phụ nữ hình như không được kết nạp vào làm hội viên câu lạc hộ Hai Con Bẩy. Còn nam giới thì tạm được chia ra hai loại. Một loại được quyền sử dụng tất cả các phương tiện giải trí: bóng tay, tắm hơi, mát-xa. Họ thường đến và đi một mình, hầu như không quen biết nhau. Miles đoán đám này là những người làm thuê ăn lương hoặc nhân viên cấp dưới. Họ có vẻ người lương thiện và tham gia câu lạc bộ để làm thứ bình phong.
Loài thứ hai là những thành viên "thật sự" của câu lạc bộ: Bọn này không chơi thể thao, hiếm khi tắm hơi hoặc làm mát-xa, mà thường tụ tập trong quán rượu hoặc các phòng trên tầng ba. Bọn này thường đến rất khuya, khi đám chơi thể thao đã về nhà. Miles kết luận rằng ông Nolan Wainwright đã không đoán lầm khi bảo câu lạc bộ Hai Con Bẩy là hang ổ của bọn tội phạm.
Chẳng bao lâu Miles biết được rằng các phòng ở tầng ba thực chất là những sòng bạc chơi rất to. Một tuần sau, một số khách ban đêm đã quen với sự có mặt của Miles, không giữ gìn nữa. Nhất là gã LaRocca lại bảo chúng: "Thằng cha Milesy này biết điều lắm.
Để tỏ ra tích cực, Miles luôn nhận bưng thức ăn thức uống lên tầng ba cho bọn chúng. Lần đầu tiên, khi thấy anh bưng lên, một trong sáu bẩy tên khỉ đột canh gác đầu hành lang đỡ lấy khay thức ăn bưng vào. Nhưng lần thứ hai, chúng để anh tự bưng lấy vào tận sòng bạc. Miles còn sẵn sàng đi mua thuốc lá hoặc làm những việc sai vặt khác cho đám "hội viên”, thậm chí cả mấy tên khỉ đột.
Chỉ sau một thời gian ngắn, Miles Eastin đã chiếm được được lòng tin của chúng. Chúng coi anh là tên đầy tớ mẫn cán. Vẻ mặt vui tươi trở lại với Miles, bất chấp nỗi lo sợ luôn luôn ám ảnh anh. Đặc biệt gã LaRocca rất quý anh. Miles vẫn chưa điều tra ra được vai trò của tên này tại đây. Anh thấy LaRocca luôn chạy đi chạy lại, có vẻ như hắn nắm tất mọi việc.
Giống như ở trong tù, tại đây, bọn chúng cũng rất phục những hiểu biết thấu đáo của Miles. Chúng luôn hỏi anh về mọi thứ và LaRocca yêu cầu anh kể lại những điều anh đã kể hồi trong tù, về một loạt chính phủ tiến hành in giấy bạc giả để phá hoại nền tài chính của những quốc gia đối địch. Riêng chuyện đó Miles phải kể đi kể lại hàng chục lượt. Bọn chúng ngồi nghe, luôn miệng rủa "Các chính phủ khốn kiếp, đạo đức giả làm chuyện bẩn thỉu.”
Để mở rộng "chương trình biểu diễn", Miles đã quay về căn nhà cũ của anh lấy thêm tài liệu. Đồ đạc của anh đã bị bán để trả tiền thuê nhà, nhưng chủ nhà vẫn giữ lại tài liệu sổ sách của anh. Ngày trước Miles có cả một bộ sưu tầm các tiền cổ nhưng lâu nay anh đã bán để trả nợ. Miles tính sẽ khôi phục lại bộ sưu tầm ấy, nhưng anh nghĩ lúc này chưa có thời gian.
Nhờ sổ sách anh bày trên giá ở tầng bốn, Miles đã cấp cho LaRocca cùng bọn chúng nhiều mẩu chuyện lý thú về các loại tiền rất kỳ lạ. Thứ tiền nặng nhất là của thổ dân đảo Yap, được sử dụng cho đến đầu đại chiến thế giới thứ hai: đó là những đĩa bằng đá cứng. Đa số có đường kính chừng ba mươi phân, nhưng những tiền có giá trị lớn, to đến mức có đường kính ba mét rưỡi. Tất cả những đĩa bằng đá này đều có đục lỗ ở giữa để luồn chốt qua và có những đồng tiền phải hai người khoẻ mới khiêng nổi.
Nghe chuyện bọn chúng phá lên cười. Miles cũng kể về đồng tiền nhẹ nhất: đó là những lồng chim hiếm được sử dụng ở quần đảo Tân-Hebrides. Trong nhiều thế kỷ, muối cũng từng dược sử dụng làm tiền ở Ethiopie: Người La Mã cổ đại dùng tiền muối để trả công cho thợ thuyền. Chính vì vậy mà chữ Pháp "salaire" nghĩa là tiền lương do chữ "sal" là muối mà ra.
Miles còn kể cho bọn chúng nghe là ở đảo Bornéo, cho đến đầu thế kỷ XIX, sọ người vẫn còn được dùng làm tiền. Nhưng tất cả những câu chuyện lạ kỳ đó đều kết thúc bằng chuyện các chính phủ tổ chức in giấy bạc giả, đáp ứng yêu cầu các thính giả của câu lạc bộ Hai Con Bảy.
Một lần, sau cuộc nói chuyện, một tên lái xe kiêm hộ vệ, trong lúc chủ hắn mải đánh bạc trên tầng ba, đã kéo Miles ra một góc vắng, nói:
- Này, cậu hiểu biết nhiều về tiền giả; cậu xem hộ tớ cái này.
Y đưa Miles xem một tờ hai mươi đô la mới cứng.
Miles chăm chú xem xét. Anh đã có thói quen này từ hồi làm việc ở Ngân hàng Thương mại. Hồi đó tất cả những tờ giấy bạc khả nghi đều được đưa đến anh.
- Làm khá đấy chứ? - Tên lái xe cười hỏi.
- Nếu đây là bạc giả thì chưa bao giờ tôi thấy một tờ bạc giả làm khéo đến mức này.
- Anh muốn mua không? - Tên lái xe kiêm hộ vệ của một tội phạm loại đầu sỏ, rút trong túi ra thêm chín tờ giấy bạc hai chục đô nữa.
- Tôi chỉ lấy anh bốn mươi đô thôi.
Đổi bốn mươi đô la thật lấy hai trăm đô la giả. Đó là giá thị trường cho loại giấy bạc giả làm tốt.
Miles biết như thế. Anh xem chín tờ kia, thấy cũng làm giỏi như tờ đầu.
Anh định từ chối nhưng rồi lại ngập ngừng. Tất nhiên anh không định tiêu thụ bạc giả, nhưng anh biết ông Nolan Wainwright quan tâm đến vấn đề này.
- Đợi tôi một chút!
Miles chạy lên tầng trên cùng, vào phòng, lấy ra số tiền anh vẫn dành dụm. Có tất cả trên bốn mươi đô. Đó là số còn lại của năm chục đô la Nolan Wainwright ứng trước cho anh, cộng thêm với vài khoản tiền thưởng của khách hàng. Anh chạy xuống nhà mua số tiền giả kia rồi đem cất lên phòng.
Sáng hôm sau, LaRocca cười bảo Miles:
- Hình như hôm qua mày trúng món bở lắm phải không?
Lúc này Miles đang trong phòng kế toán ở tầng ba.
- Cho đến lúc này tao chưa trúng món nào hết.
LaRocca ưỡn cái bụng phệ, nói khẽ:
- Muốn làm một vụ nữa không?
- Còn xem. - Miles thận trọng đáp.
- Chẳng hạn làm một chuyến đi Louisville, chuyển đến đó một gói kiểu như gói vừa rồi cậu mua ấy.
Dạ dầy Miles quặn đau. Nếu anh nhận lời và bị cảnh sát tóm được thì anh sẽ trở lại nhà tù, và lần này chắc chắn sẽ ở đó lâu hơn lần trước. Nhưng nếu anh thoái thác thì làm sao anh tiếp tục điều tra tình hình và chiếm lòng tin của bọn tội phạm này?
LaRoeca vẫn nói tiếp:
- Công việc đơn giản vô cùng. Mày lái xe đến đó rồi quay về, thế là được hai trăm đô ngon ơ.
- Tao được tạm tha cho nên không có quyền xin bằng lái xe. Nếu họ hỏi bằng thì làm thế nào?
- Chuyện bằng lái thì mày khỏi lo. Mày có ảnh không?
- Hiện giờ thì không, nhưng kiếm ảnh khó gì?
- Vậy thì mày đi chụp ngay đi.
Giờ nghỉ trưa, Miles chạy đến bến xe buýt, chụp tại một máy chụp tự động. Anh đưa LaRocca ngay hôm đó. Sau hai ngày, lúc đến phòng làm việc, Miles đã thấy trên bàn tấm bằng lái xe có dán ảnh của anh. Lát sau LaRocca vào, cười nói:
- Mày thấy nhờ tao nhanh hơn là xin bằng lái xe ở phòng giao thông chứ?
- Bằng giả phải không? - Miles hỏi.
- Nhưng mày thấy nó có khác gì bằng thật không?
- Đúng là không khác gì hết, - Miles xem xét kỹ và thấy nó hệt như bằng lái của anh ngày trước.
- Mày kiếm đâu ra thứ này?
- Mày muốn biết à?
- Không phải. Tính tao xưa nay thích tò mò thế thôi.
Mặt LaRocca đột nhiên tối xầm lại. Lần đầu tiên mắt y lộ vẻ nghi ngờ:
- Mày muốn biết để làm gì?
Miles vội nói:
- Mày thừa biết tính tao rồi, nhân tiện thì hỏi thế thôi.
Anh hy vọng LaRocca không nhận thấy vẻ bối rối của anh.
- Những câu hỏi tò mò kiểu như vậy là rất không nên. Mày thích tò mò như vậy có ngày mất mạng đấy.
Miles không nói gì. LaRocca chăm chú nhìn anh một lúc rồi vẻ nghi ngờ trên mặt y tan mất.
- Thôi được. Vậy hẹn tối mai. Lúc nào gần đến việc sẽ có người dặn mày phải làm những gì.
Hôm sau, lúc chập tối, LaRocca đưa chìa khoá xe cho Miles, một tấm vé gửi xe và một vé máy bay.
Miles phải đến lấy một chiếc Chevrolet Impala màu mận ở bãi gửi xe ghi trên vé rồi lái thẳng đến thành phố Louisville. Đến đó anh sẽ gửi xe ở bãi gửi tại sân bay, giấu chìa khoá dưới nệm ghế trước và lên máy bay trở về đây. LaRocca dặn anh phải xoá tất cả những dấu vân tay có thể để lại trong xe.
Khoảnh khắc đáng sợ nhất đối với Miles là lúc anh lấy xe ở bãi gửi xong, lái ra ngoài. Anh thầm nghĩ, không biết cảnh sát có theo dõi chiếc xe này không? Bởi rất có thể các thám tử của cảnh sát đã theo dõi kẻ đem chiếc xe Chevrolet này lúc hắn đem xe vào bãi gửi. Nếu đúng như vậy thì chỉ lát nữa thôi anh sẽ bị cảnh sát ập đến. Cho dù LaRocca nói thế nào thì việc chuyển "hàng" này cũng nguy hiểm, bởi nếu không, tại sao bọn chúng lại phải gạ anh và dặn dò tỷ mỹ như vậy?
Nhưng mọi sự diễn ra trôi chảy. Lúc gần đến Louisville, Miles mới thở phào nhẹ nhõm. Dọc đường anh gặp hai xe cảnh sát tuần tra, tim anh đã đập thình thình, nhưng cả hai lần đều không ai gọi xe anh đứng lại để kiểm tra. Anh đến Louisville yên ổn, vào lúc trời rạng sáng. Miles chỉ vi phạm lời chỉ dẫn của LaRocca có một lần. Đó là khi còn cách điểm đích chừng năm chục cây số anh đã quặt xe rời khỏi xa lộ vào một con đường nhỏ vắng vẻ, đỗ xe và mở thùng đựng hành lý ra xem. Anh thấy hai chiếc va li nặng khoá kín.
Anh đã định mở khoá xem thứ gì đựng bên trong, nhưng anh hiểu rằng đừng dại. Làm thế là tự vạch mặt. Anh đóng khoang đựng hành lý, ghi nhớ biển số xe rồi quay ra xa lộ. Anh dễ dàng tìm được lối ra sân bay, làm theo đúng lời căn dặn của LaRocca, để xe lại ở bãi gửi rồi lên máy bay. Anh về đến câu lạc bộ Hai Con Bảy trước mười giờ sáng một chút.
Không ai hỏi anh câu gì hết.
Mặc dù đêm qua không được ngủ, Miles vẫn cố làm việc suốt cả ban ngày hôm nay. Cuối giờ chiều LaRocca vào, mặt rạng rỡ, miệng ngậm điếu xì gà gộc:
- Khá lắm, Milesy! Trôi chảy hoàn toàn. Tất cả mọi người đều hài lòng.
- Thật à? Vậy bao giờ tao được nhận hai trăm?
- Mày nhận rồi? Lão Ominsky đã trừ vào tiền nợ của mày rồi.
Miles thở dài. Anh quên bẵng chuyện đó. Tuy nhiên anh cũng thấy bực vì phải làm một việc nguy hiểm như thế, mà cuối cùng chỉ béo cho kẻ khác.
Anh hỏi LaRocca:
- Sao ông ta biết?
- Ominsky "Người Nga" biết hết.
- Lúc nãy mày bảo tất cả mọi người đều hài lòng. Vậy là những ai? Bởi tao đã làm thành công một việc, tao muốn biết mình làm là cho những ai.
- Có những thứ mày không nên biết mà cũng không nên hỏi. Tao đã bảo mày rồi kia mà.
- Mày nói đúng, - Miles miễn cưỡng nói.
Anh thấy kiểu này thì anh sẽ chẳng điều tra ra được cái gì. Mệt thỏi và thất vọng làm anh mất đi vẻ mặt tươi vui mọi ngày.
Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau, vẫn còn trong tâm trạng mỏi mệt, chán chường, Miles chia xẻ những điều nghi ngại của anh với Juanita.
Nhà Băng Nhà Băng - Athur Hailey Nhà Băng