Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Chương 39
T
ôi đã hai mươi ba tuổi. Không có thêm một từ nào được nói với tôi để
khai sáng cho tôi về chủ đề gia tài dành cho tôi, và ngày sinh nhật thứ hai
mươi ba của tôi đã trôi qua được một tuần. Chúng tôi đã rời nhà trọ Barnard
được hơn một năm nay, và chuyển đến sống trong khu Temple. Phòng của
chúng tôi nằm trong Garden Court, ngay bên sông.
Ông Pocket và tôi đã chia tay nhau được một thời gian trên tư cách mối
quan hệ ban đầu giữa chúng tôi, cho dù ông và tôi vẫn quan hệ thân mật. Bất
chấp việc không thể ổn định vào bất cứ việc gì - điều tôi hy vọng bắt nguồn
từ sự bồn chồn và việc không biết rõ ràng hoàn toàn về nguồn gốc thu nhập
của mình - tôi lại có thú vui đọc sách, và đều đặn đọc nhiều giờ mỗi ngày.
Tình hình làm ăn của Herbert vẫn tiếp tục tiến triển, và mọi thứ với tôi vẫn
giống như lúc tôi khép lại chương trước.
Công chuyện làm ăn buộc Herbert phải có một chuyến đi tới
Marseilles. Tôi chỉ có một mình, và có cảm giác thật buồn tẻ với cảnh cô độc.
Ủ rũ và lo lắng, chốc chốc lại hy vọng ngày mai hay tuần sau sẽ soi rõ con
đường tôi phải đi, rồi chốc chốc lại thất vọng, tôi phiền muộn nhớ khuôn mặt
hân hoan và luôn sẵn sàng hưởng ứng của bạn mình.
Thời tiết thật tệ; bão tố và ẩm ướt, bão tố và ẩm ướt; rồi bùn, bùn, bùn,
ngập sâu trên tất cả các con phố. Ngày qua ngày, một tấm mạng khổng lồ
nặng trĩu từ phía Đông dồn tới London, và cứ tới mãi, như thể phía Đông là
xứ sở vĩnh hằng của mây đen và gió. Những cơn gió giật dữ dội đến mức
những tòa nhà cao trong thành phố đã bị giật phăng mất những tấm chì lợp
mái; và ở vùng đồng quê, cây cối bị nhổ bật, cánh quạt cối xay bị thổi bay đi
mất; và những tường thuật ảm đạm về tàu đắm và người chết từ bờ biển được
chuyển về. Những trận mưa dữ dội kèm theo gió giật điên cuồng, và ngày
vừa trôi qua khi tôi ngồi xuống đọc sách là ngày tệ hại nhất.
Kể từ hồi ấy, phần này của khu Temple đã thay đổi nhiều, không còn
vẻ cô quạnh như trước đây, và cũng không còn nằm kề bên sông nữa. Chúng
tôi sống trên tầng cao nhất của ngôi nhà cuối cùng, và gió thổi ngược lên theo
con sông làm cả ngôi nhà rung chuyển suốt tối hôm đó, giống như khi những
phát đại bác nổ hay trong một cơn bão biển. Khi mưa kéo đến cùng gió và
quất lên các ô cửa sổ, tôi thầm nghĩ, trong khi ngước mắt lên nhìn chúng đập
rào rào, rằng tôi hoàn toàn có thể tưởng tượng mình đang ở trong một cây hải
đăng bị bão quét qua. Thỉnh thoảng, khói trong lò sưởi lại quẩn xuống dưới
ống khói như thể không dám chui ra ngoài vào một đêm như thế; và khi tôi
mở cửa ra vào ra để nhìn xuống cầu thang, đèn thắp sáng trên cầu thang đã bị
thổi tắt cả; rồi khi đưa hai bàn tay che mặt và nhìn qua khung cửa sổ tối đen
(không thể có chuyện hé mở chúng ra dù chỉ một chút trước sức gió và mưa
như thế), tôi thấy đèn dưới sân cũng đã tắt, còn đèn trên các cây cầu và bờ
sông đang lay lắt, trong khi những đống lửa than trên các sà lan dưới sông bị
gió thổi tung đi như những chùm lửa nóng đỏ tung tóe giữa làn mưa.
Tôi để đồng hồ trên bàn trong khi đọc sách, dự định sẽ đóng sách lại
lúc mười một giờ. Khi tôi gập sách, đồng hồ nhà thờ Thánh Paul, cũng như
đồng hồ của nhiều nhà thờ khác trong khu City - một số bắt đầu, một số đồng
hành, một số theo sau - đổ chuông báo mười một giờ. Tiếng chuông bị gió
làm cho trở nên méo mó thật kỳ lạ; và tôi đang lắng nghe, và nghĩ có vẻ như
cơn gió đang tấn công và xé toang tiếng chuông ra, thì nghe thấy tiếng bước
chân trên cầu thang.
Cơn bồn chồn hoảng loạn nào đã khiến tôi giật mình, nảy ra ý tưởng
kinh khủng liên tưởng âm thanh này với tiếng bước chân của người chị đã
quá cố, đều chẳng quan trọng. Cảm giác đó nhanh chóng qua đi trong khoảnh
khắc, và tôi lại lắng nghe, và nghe thấy tiếng bước chân vấp váp tiếp tục đi
lên. Lúc này, nhớ ra đèn thắp sáng cầu thang đều đã tắt cả, tôi liền cầm cây
đèn đọc sách của mình đi ra đầu cầu thang. Cho dù bên dưới là ai, người đó
cũng đã dừng chân khi thấy ánh đèn của tôi, vì tất cả chợt im bặt.
“Có ai ở dưới kia không?” tôi nhìn xuống và gọi.
“Có,” một giọng nói vang lên trong bóng tối bên dưới.
“Ông muốn lên tầng nào?”
“Tầng trên cùng. Ông Pip.”
“Đó là tên tôi. Ông có sao không?”
“Không sao cả,” giọng nói bên dưới đáp. Và người đàn ông đi lên tiếp.
Tôi đứng giơ đèn qua lan can cầu thang, và dần dà ông ta xuất hiện
trong quầng sáng của nó. Đó là một cây đèn có chụp để hắt ánh sáng xuống
trang sách, và diện chiếu sáng của nó rất hẹp; vì thế người đàn ông chỉ hiện ra
trong khoảnh khắc, rồi lại biến mất. Đằng xa, tôi đã thấy một khuôn mặt xa lạ
với tôi, đang nhìn lên với vẻ xúc động và hân hoan khó lòng hiểu nổi khi thấy
tôi.
Di chuyển cây đèn theo sự di chuyển của người đàn ông, tôi nhận ra
ông ta ăn mặc khá ấm áp, nhưng khá thô kệch, như một người đi biển. Có thể
thấy ông ta có mái tóc đã ngả xám. Ông ta chừng sáu mươi tuổi. Người đàn
ông này là một người vạm vỡ, có đôi chân mạnh mẽ, với làn da rám nâu và
thân hình rắn rỏi được tôi luyện qua tiếp xúc với thời tiết. Khi ông ta leo lên
tới một hay hai bậc thang cuối cùng, và cả hai chúng tôi đều ở trong quầng
sáng của cây đèn, tôi kinh ngạc đến mức gần như ngẩn ngơ khi thấy người
đàn ông chìa cả hai bàn tay về phía tôi.
“Làm ơn cho biết ông có việc gì?” tôi hỏi ông.
“Việc của tôi ư?” người đàn ông nhắc lại, rồi ngừng lời. “À! Phải. Tôi
sẽ giải thích về việc của mình, nếu cậu đồng ý.”
“Ông có muốn vào không?”
“Có,” ông ta đáp, “Tôi muốn vào thưa cậu.”
Tôi đưa ra câu hỏi với người đàn ông một cách không mấy mến khách,
vì tôi khó chịu với vẻ nhận ra hân hoan đầy hài lòng vẫn còn hiện rõ trên
khuôn mặt ông ta. Tôi khó chịu với nó, bởi vì dường như nó ngầm cho hay
ông đã trông đợi tôi đáp lại nó. Nhưng tôi đưa ông vào trong căn phòng mới
vừa rời khỏi, và sau khi để đèn xuống bàn, tôi lịch sự hết mức có thể đề nghị
vị khách giải thích.
Ông ta nhìn quanh mình với thái độ kỳ lạ hết mức - một thái độ ngỡ
ngàng vui vẻ, như thể ông ta có một phần nào đó trong những thứ đang chiêm
ngưỡng - rồi cởi chiếc áo khoác ngoài thô kệch và bỏ mũ ra. Đến lúc này, tôi
thấy đầu ông đầy nếp nhăn và hói, những sợi tóc xám dài chỉ mọc ở hai bên
mé đầu mà thôi. Nhưng trong chuyện này tôi chẳng thấy gì có thể giải thích
cho ông ta. Ngược lại, chỉ giây lát sau thêm lần nữa tôi lại thấy ông chìa cả
hai bàn tay về phía tôi.
“Ý ông là sao?” tôi nói, nửa ngờ vực ông ta bị điên.
Ông ta sững lại trong lúc nhìn tôi, rồi chậm rãi đưa bàn tay phải lên xoa
đầu. “Thật tất vọng với một người,” ông ta nói, giọng khàn khàn đứt quãng,
“sau khi đã trông trờ lâu đến vậy, và tới từ sa đến thế; nhưng không thể trách
cậu về truyện đó, không thể trách ai trong trúng ta cả. Tôi sẽ nói trong nửa
phút thôi. Làm ơn cho tôi nửa phút.”
Người đàn ông ngồi xuống một chiếc ghế kê trước lò sưởi, đưa hai bàn
tay nổi đầy tĩnh mạch lên ôm trán. Khi đó tôi nhìn ông rất chăm chú, và lùi ra
xa ông hơn một chút; nhưng tôi không biết người đàn ông này.
“Không có ai nữa,” ông nói, ngoái đầu lại nhìn, “có phải không?”
“Tại sao ông, một người lạ bước chân vào phòng tôi giờ này trong
đêm, lại hỏi câu đó?” tôi nói.
“Cậu là một người can đảm đấy,” người đàn ông đáp lại, lắc đầu nhìn
tôi với sự trìu mến rõ ràng, một thái độ đồng thời vừa khó hiểu lại vừa khó
chịu, “tôi rất mừng là cậu đã khôn lớn, một chàng trai can đảm! Nhưng đừng
nổi cáu với tôi. Cậu sẽ sớm phải hối hận vì đã làm thế đấy.”
Tôi bỏ ý nghĩ đã bị ông ta nhận ra, vì tôi biết ông ta! Cho dù tôi vẫn
chưa thể nhớ ra bất cứ nét nào, nhưng tôi biết ông ta! Nếu gió và mưa đã
cuốn trôi đi những năm vừa qua, đã xua tan đi mọi việc từng chen vào giữa,
đã cuốn chúng tôi trở lại nghĩa địa nhà thờ, nơi chúng tôi lần đầu tiên đứng
đối diện nhau ở vị thế thật khác biệt, tôi cũng không thể biết đây chính là
người tù khổ sai ngày ấy rõ hơn so với tôi biết lúc này, trong khi ông ta ngồi
trên chiếc ghế trước lò sưởi. Ông ta không cần phải lấy cái giũa từ trong túi ra
và đưa cho tôi; không cần tháo khăn từ trên cổ xuống rồi quấn vòng quanh
đầu; không cần phải ôm chặt lấy thân mình bằng cả hai cánh tay và rùng
mình quay lại từ bên kia phòng nhìn tôi để tôi có thể nhận ra. Tôi biết ông ta
từ trước khi ông ta dành cho tôi bất cứ sự giúp đỡ nào trong số đó, cho dù chỉ
mới một khoảnh khắc trước tôi không hề có chút ngờ ngợ nào dù rất nhỏ về
danh tính của ông ta.
Ông ta quay lại chỗ tôi đang đứng, thêm một lần nữa đưa hai bàn tay
ra. Không biết phải làm gì - vì trong lúc ngỡ ngàng, tôi đã đánh mất đi sự
kiểm soát bản thân - tôi miễn cưỡng chìa tay ra cho ông ta. Ông ta hân hoan
nắm lấy chúng, nâng chúng lên môi, hôn chúng, rồi tiếp tục nắm lấy chúng.
“Cậu đã cư xử rất cao thượng, chàng trai,” ông ta nói. “Cao thượng,
Pip! Và tôi không bao giờ quên điều đó!”
Thấy ông ta thay đổi thái độ như thể sắp ôm chầm lấy tôi, tôi đặt một
bàn tay lên ngực ông ta và giữ ông ta lại.
“Đứng đó!” tôi nói. “Hãy ở yên đấy! Nếu ông biết ơn tôi về những gì
tôi đã làm khi còn là một đứa bé, tôi hy vọng ông thể hiện lòng biết ơn bằng
cách sửa đổi lối sống của ông. Nếu ông tới đây để cảm ơn tôi, điều đó không
cần thiết. Tuy vậy, dù ông đã tìm ra tôi bằng cách nào đi nữa, chắc hẳn phải
có điều gì đó tốt đẹp trong cảm xúc đưa ông tới đây, và tôi sẽ không xua đuổi
ông; nhưng chắc chắn ông phải hiểu là… tôi…”
Sự chú ý của tôi bị phân tán bởi cái nhìn chăm chú ông ta hướng vào
tôi, khiến cho từ ngữ chết lặng đi trên đầu lưỡi tôi.
“Cậu mới vừa nói,” ông ta quan sát khi chúng tôi đã đối diện nhau một
lúc trong im lặng, “rằng chắc chắn tôi phải hiểu. Tôi chắc chắn phải hiểu cái
gì kia?”
“Rằng tôi không muốn nối lại mối liên hệ tình cờ cách đây đã lâu với
ông dưới những hoàn cảnh khác biệt này. Tôi vui lòng tin là ông đã ăn năn và
trở lại lương thiện. Tôi rất vui được nói với ông như thế. Tôi rất vui vì khi
nghĩ tôi xứng đáng được cảm ơn, ông đã tới để cảm ơn tôi. Nhưng dù thế đi
nữa, con đường của chúng ta vẫn khác nhau. Ông ướt cả rồi, và trông có vẻ
mệt mỏi. Ông uống gì đó trước khi đi chứ?”
Vị khách đã hơi nới khăn quàng cổ ra, và đứng chăm chú quan sát tôi
trong khi cầm đầu khăn rũ dài xuống lên miệng cắn. “Tôi nghĩ,” ông ta trả
lời, vẫn ngậm đầu khăn trong miệng và vẫn quan sát tôi, “tôi sẽ uống chút gì
đó (tôi cảm ơn cậu) trước khi tôi đi.”
Có một cái khay bày sẵn trên bàn kê cạnh tường. Tôi bê nó đặt xuống
chiếc bàn gần lò sưởi, và hỏi vị khách ông muốn uống gì? Ông chạm tay vào
một trong số những cái chai mà không nhìn vào nó hay nói gì, vậy là tôi pha
cho ông một ít rượu rum nóng và nước. Tôi cố giữ để tay mình không run
trong lúc pha, nhưng ánh mắt ông ta hướng vào tôi trong khi ông ta ngả người
ra sau trên ghế, cái đầu khăn thả dài ngậm giữa hai hàm răng - và rõ ràng đã
bị quên bẵng - làm tôi khó lòng kiểm soát được bàn tay mình. Khi cuối cùng
cũng đưa được cái ly cho ông ta, tôi kinh ngạc thấy đôi mắt ông ta giàn giụa
nước mắt.
Cho tới lúc này tôi vẫn đứng, không hề che giấu chuyện tôi muốn ông
đi khỏi. Nhưng tôi trở nên mềm lòng trước bộ dạng tội nghiệp của vị khách,
và cảm thấy trong đó có một chút trách móc. “Tôi hy vọng,” tôi vừa nói vừa
hối hả rót chút gì đó vào một cái ly cho mình, rồi kéo một chiếc ghế lại gần
bên bàn, “là ông không nghĩ vừa rồi tôi nói nặng với ông. Tôi không hề có ý
làm vậy, và tôi xin lỗi nếu đã làm thế. Tôi chúc ông may mắn và hạnh phúc!”
Khi tôi cầm cốc đưa lên môi, vị khách đưa mắt nhìn đầy ngạc nhiên
vào đầu cái khăn quàng cổ của mình, thả rơi nó khi ông ta há miệng ra, rồi
chìa bàn tay lại, rồi ông ta uống và đưa tay áo lên lau mắt và trán.
“Ông sống như thế nào?” tôi hỏi.
“Tôi đã từng làm người chăn cừu, nuôi gia súc, nhiều nghề khác nữa, ở
vùng Tân Thế giới,” ông ta nói, “cách nơi này hàng ngàn dặm biển đầy bão
tố.”
“Tôi hy vọng ông sống tốt chứ?”
“Tôi đã làm cực kỳ tốt. Có những người khác đi cùng tôi cũng đã thành
công, nhưng không ai từng làm tốt bằng tôi. Tôi nổi tiếng vì chuyện đó.”
“Tôi rất mừng được biết vậy.”
“Tôi hy vọng được nghe cậu nói như thế, chàng trai thân mến của tôi.”
Không dừng lại để cố hiểu những lời kể trên hay giọng điệu chúng
được nói ra, tôi quay sang một chuyện vừa mới nảy ra trong đầu.
“Ông đã gặp người đưa tin ông đã có lần cử đến gặp tôi,” tôi dò hỏi,
“kể từ khi ông ta thực hiện việc đó chưa?”
“Chưa bao giờ gặp ông ta. Và tôi khó lòng có dịp làm thế.”
“Ông ấy tới, trung thành với sự ủy thác, và mang cho tôi hai tờ một
bảng. Như ông cũng biết, hồi ấy tôi là một cậu nhóc nghèo khó, và với một
cậu nhóc nghèo khó đó là cả một gia tài nho nhỏ. Nhưng, cũng giống như
ông, tôi đã phát tài kể từ hồi ấy, và ông phải đồng ý để tôi trả lại món tiền ấy.
Ông có thể đưa chúng cho một cậu bé nghèo nào đó sử dụng.” Tôi lấy túi
đựng tiền ra.
Vị khách quan sát trong khi tôi để túi tiền lên mặt bàn và mở nó ra, và
quan sát tôi trong lúc tôi lấy riêng hai tờ một bảng ra khỏi chỗ tiền trong túi.
Hai tờ bạc đều sạch sẽ và còn mới, và tôi vuốt phẳng chúng ra, đưa cho ông
ta. Vẫn không rời mắt khỏi tôi, ông ta xếp chồng chúng lên nhau, gấp lại theo
chiều dài, vo xoắn lại, châm vào cây đèn và thả vào khay cho cháy thành tro.
“Liệu tôi có thể mạo muội,” sau đó ông ta hỏi, kèm theo một nụ cười
giống như một cái cau mày, và một cái cau mày giống như một nụ cười, “hỏi
bằng cách nào cậu đã thành công kể từ khi cậu và tôi gặp nhau ngoài bãi lầy
hoang vu lạnh thấu xương đó vậy?”
“Bằng cách nào ư?”
“À phải!”
Ông ta uống cạn ly, đứng dậy tới đứng cạnh lò sưởi, hai bàn tay rám
nâu thô kệch đặt lên bệ lò. Ông ta để một bàn chân lên song chắn lò sưởi để
hong khô và sưởi ấm cho nó, và cái ủng ướt bắt đầu bốc hơi nghi ngút; nhưng
vị khách chẳng hề nhìn vào nó hay vào ngọn lửa, mà chỉ chăm chăm nhìn tôi.
Chỉ đến lúc này tôi mới bắt đầu run rẩy.
Khi đôi môi tôi đã tách ra, định hình nên vài từ không được nói lên
thành tiếng, tôi cố ép mình phải nói với ông ta (cho dù không thể làm thế một
cách rõ ràng) là tôi đã được lựa chọn để thừa kế một tài sản.
“Liệu một kẻ sâu mọt có thể hỏi đó là tài sản nào không?” ông ta nói.
Tôi ấp úng, “Tôi không biết.”
“Liệu một tên sâu mọt có thể hỏi tài sản đó là của ai không?” ông ta
hỏi.
Tôi lại ấp úng, “Tôi không biết.”
“Tôi tự hỏi liệu tôi có thể đoán thử,” người tù khổ sai nói, “về nguồn
thu nhập của cậu từ lúc trưởng thành hay không! Hãy bắt đầu từ con số thứ
nhất. Năm phải không?”
Với trái tim đập dữ dội như một cái búa nặng trịch đang vung lên nện
xuống lộn xộn, tôi bật dậy khỏi ghế, đứng chống hai bàn tay lên lưng ghế,
kinh hoàng nhìn vị khách.
“Còn về phần người giám hộ,” ông nói tiếp. “Chắc chắn phải có một
người giám hộ nào đó, hay một người tương tự như thế, khi cậu chưa trưởng
thành. Có lẽ là một luật sư. Bây giờ đến lượt chữ cái đầu tiên trong họ của vị
luật sư đó. Có thể nào lại là J không nhỉ?”
Toàn bộ sự thật về vị thế của tôi vụt hiện lên; và những thất vọng, nguy
hiểm, sự hổ thẹn đi kèm với nó, những hệ quả đủ loại ào ào ập tới dữ dội đến
mức tôi bị chúng đè bẹp xuống, và phải khổ sở vật vã với từng lần hít thở.
“Hãy giả sử,” vị khách tiếp tục, “là họ ông luật sư bắt đầu bằng chữ J,
và có thể là Jaggers - hãy giả sử ông ta đã vượt biển tới Portsmouth, đã lên bờ
tại đó, và đã muốn tới gặp cậu. ‘Làm thế nào ông tìm ra tôi,’ cậu vừa thắc
mắc thế. Được lắm! Làm thế nào tôi tìm ra cậu? Sao chứ, từ Portsmouth tôi
viết thư cho một người tại London để hỏi địa chỉ cụ thể của cậu. Tên người
đó ư? Sao chứ, Wemmick.”
Tôi không thể nói nên một lời, cho dù có là để cứu cuộc đời tôi. Tôi
đứng đó, một bàn tay chống lên lưng ghế, bàn tay còn lại áp lên ngực, nơi tôi
cảm thấy dường như đang ngạt thở - tôi đứng đó, nhìn ông ta kinh hoàng, cho
tới khi tôi bấu chặt vào chiếc ghế, khi căn phòng bắt đầu quay cuồng chao
đảo. Ông ta đỡ lấy tôi, dìu tôi ngồi xuống trường kỷ, để tôi tựa vào gối, rồi
cúi xuống quỳ một gối trước mặt tôi, đưa khuôn mặt mà giờ đây tôi đã nhớ ra
quá rõ, và rùng mình khi phải nhìn thấy, ghé sát vào mặt tôi.
“Phải, Pip, anh bạn thân mến, tôi đã làm cậu trở thành một quý ông!
Chính tôi đã làm việc đó! Lúc đó tôi từng thề, chắc chắn nếu có lúc nào tôi
kiếm được một guinea, đồng guinea ấy sẽ dành cho cậu. Rồi sau đó tôi đã thề,
chắc chắn nếu có lúc nào đó tôi tích cóp được và trở nên giàu có, cậu sẽ giàu
có. Tôi sống kham khổ, để cậu có thể sống đàng hoàng; tôi làm việc cực nhọc
để cậu không phải làm việc. Có gì lạ sao, chàng trai? Liệu có phải tôi nói ra
điều đó để cậu cảm thấy phải mắc nợ không? Không hề. Tôi nói ra điều đó để
cậu biết con chó hoang khốn khổ bị săn đuổi được cậu cứu sống đã ngẩng
đầu vươn lên thật cao để hắn có thể tạo nên một quý ông - và, Pip, cậu chính
là quý ông đó!”
Sự khinh miệt tôi dành cho người đàn ông đó, cảm giác ghê sợ tôi thấy
với ông ta, sự khó chịu khiến tôi co người lại tránh khỏi ông ta cũng không
thể lớn hơn nếu ông ta có là một con vật khủng khiếp nào đó.
“Hãy nghe này, Pip. Tôi là người cha thứ hai của cậu. Cậu là con trai
tôi - hơn bất cứ người con trai nào khác với người cha nào khác. Tôi đã dành
dụm tiền để cậu chi tiêu. Khi tôi là một kẻ chăn cừu làm thuê trong một túp
lều cô quạnh, không nhìn thấy khuôn mặt nào ngoài những khuôn mặt cừu
cho tới khi tôi gần như đã lãng quên hẳn khuôn mặt con người trông như thế
nào, tôi vẫn thấy khuôn mặt cậu. Tôi đánh rơi con dao của mình rất nhiều lần
trong túp lều đó khi đang ăn chiều hay ăn tối, rồi tôi nói, ‘Lại là cậu bé đó
kia, đang nhìn ta trong khi ta ăn uống!’ Tôi thấy cậu ở đó rất nhiều lần, cũng
rõ như khi tôi thấy cậu trên những đầm lầy đó. ‘Chúa hãy đánh chết con đi!’
mỗi lần như thế tôi lại nói, và tôi ra ngoài nói như thế dưới bầu trời lồng lộng,
‘nhưng nếu con có được tự do và tiền bạc, con sẽ biến cậu bé đó thành một
quý ông!’ Và tôi đã làm được điều đó. Sao chứ, nhìn cậu đi, anh bạn! Hãy
nhìn nơi ở của cậu, xứng đáng với một huân tước! Một huân tước ư? A! Cậu
sẽ trưng tiền ra đánh cuộc với các huân tước, và hạ gục bọn họ!”
Trong cơn hưng phấn đắc thắng, cũng như biết tôi thiếu chút nữa đã
ngất xỉu, ông ta không nhận xét gì về cách tôi đón tiếp ông ta. Điều đó làm
tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn một chút.
“Hãy nhìn xem!” ông ta nói tiếp, lấy đồng hồ của tôi ra khỏi túi, và
xoay một cái nhẫn trên ngón tay tôi về phía ông ta, trong khi tôi lui lại tránh
chạm phải ông ta như thể ông ta là một con rắn, “một cái nhẫn vàng và đẹp
làm sao: đó là nhẫn dành cho một quý ông, tôi hy vọng là vậy! Một viên kim
cương xung quanh nạm toàn hồng ngọc; đó là dành cho một quý ông, tôi hy
vọng là vậy! Hãy nhìn vào đồ vải lanh của cậu xem; thật sang và đẹp! Hãy
nhìn quần áo của cậu xem; không thể tìm đâu ra thứ tốt hơn! Rồi cả sách của
cậu nữa,” vị khách đảo mắt quanh phòng, “được xếp trên giá, đến hàng trăm
quyển! Và cậu đã đọc chúng rồi, phải không nào? Tôi thấy cậu đang đọc dở
một quyển khi tôi tới. Ha, ha, ha! Cậu sẽ đọc chúng cho tôi nghe, chàng trai
thân mến! Và nếu chúng được viết bằng những thứ tiếng nước ngoài tôi
không hiểu, tôi vẫn sẽ tự hào như thể hiểu tất cả.”
Một lần nữa, ông ta lại nắm lấy cả hai bàn tay tôi và đưa lên môi, trong
khi máu trong cả người tôi trở nên lạnh ngắt.
“Cậu không muốn nói gì sao, Pip,” vị khách nói, sau khi lại đưa tay áo
lên lau mắt và trán lần nữa, trong khi từ trong cổ họng ông vang lên tiếng nấc
mà tôi nhớ rất rõ - và càng vồ vập, ông ta lại càng trở nên kinh khủng hơn với
tôi, “cậu không thể làm tốt hơn hay giữ im lặng, chàng trai. Cậu không hề dần
dần trông đợi chuyện này như tôi; cậu chưa được chuẩn bị cho chuyện này
như tôi. Nhưng chẳng lẽ cậu không bao giờ nghĩ lại có thể là tôi sao?”
“Ồ, không, không, không,” tôi đáp. “Chưa bao giờ, chưa bao giờ!”
“À, cậu thấy đấy, đúng là tôi, và một tay tôi. Chưa từng có ai khác
trong chuyện này ngoài chính tôi và ông Jaggers.”
“Có ai khác nữa không?” tôi hỏi.
“Không,” ông ta nói, với một cái nhìn đầy ngạc nhiên, “còn có thể có ai
được nữa? Và, chàng trai yêu quý, cậu lớn lên mới đẹp trai sao! Có những đôi
mắt long lanh ở đâu đó chứ - hả? Đúng là có những đôi mắt long lanh ở đâu
đó phải không, cậu thích ý nghĩ đó chứ?”
Ôi Estella, Estella!
“Chúng sẽ là của cậu, chàng trai yêu quý, nếu tiền có thể mua được
chúng. Không phải có nghĩa là một quý ông như cậu, lịch lãm chững chạc
như cậu, không thể tự mình chinh phục được chúng; nhưng tiền sẽ hỗ trợ cho
cậu! Hãy cho phép tôi kết thúc những gì tôi muốn nói với cậu, chàng trai. Từ
túp lều đó, từ chỗ làm thuê đó, tôi có được món tiền người chủ để lại cho tôi
(ông ấy đã chết, và trước đó từng ở vào cảnh giống như tôi), được tự do và có
thể làm như tôi muốn. Trong từng việc tôi làm, tôi đều làm vì cậu. ‘Xin Chúa
hãy giáng thịnh nộ xuống nó,’ tôi nói khi làm bất cứ điều gì, ‘nếu nó không
phải vì cậu ấy!’ Tất cả đều phát đạt đến mức khó tin. Như tôi vừa nói với cậu,
tôi nổi tiếng vì nó. Tôi đã gửi về nhà khoản tiền tôi được thừa hưởng cũng
như thu nhập trong mấy năm đầu tiên tới chỗ ông Jaggers - tất cả dành cho
cậu - khi ông ấy lần đầu tiên tới gặp cậu sau khi đồng ý với lá thư của tôi.”
Ôi, giá như ông ta đừng bao giờ đến! Giá như ông ta bỏ mặc tôi lại lò
rèn - còn xa mới hài lòng, nhưng hạnh phúc hơn biết bao nhiêu!
“Rồi sau đó, chàng trai, quả là một sự đền đáp với tôi, khi thấy cậu ở
đây, thầm biết rằng tôi đã làm nên một quý ông. Những con ngựa làm cảnh
của đám người thuộc địa có thể hắt bụi lên tôi trong lúc tôi bước đi; tôi sẽ nói
gì? Tôi nói với bản thân, ‘Ta đang làm nên một quý ông tốt hơn nhiều, điều
các người sẽ không bao giờ vươn tới được!’ Khi một người trong bọn họ nói
với một người khác, ‘Mới vài năm trước thôi hắn chỉ là một tên tù khổ sai, và
giờ cũng chỉ là một kẻ tầm thường dốt nát, bất chấp tất cả vận may của hắn,’
tôi sẽ nói gì? Tôi nói với bản thân, ‘Nếu ta không phải là một quý ông, và
cũng chưa học hỏi được là bao, chí ít ta vẫn là người sở hữu những thứ đó.
Tất cả các người chỉ sở hữu có gia súc và đất; có ai trong các người sở hữu
một quý ông được nuôi dạy ở London nào?’ Bằng cách này, tôi giữ cho mình
tiếp tục bươn chải. Và theo cách này, tôi giữ vững trong tâm trí rằng chắc
chắn sẽ có một ngày tôi đến gặp chàng trai của tôi, giới thiệu để cậu ấy biết
tôi, ngay tại nhà cậu ấy.”
Vị khách áp bàn tay lên vai tôi. Tôi rùng mình với ý nghĩ theo những gì
tôi biết, rất có thể bàn tay ông ta từng nhuốm máu.
“Pip, với tôi thật không dễ dàng để rời khỏi nơi đó, và cũng không hề
an toàn. Nhưng tôi kiên quyết bám lấy mong muốn của mình, nó càng khó
khăn, tôi càng bám lấy nó quyết liệt hơn, vì tôi đã quyết tâm, và tâm trí tôi
không gì lay chuyển được. Cuối cùng tôi cũng thực hiện được. Chàng trai, tôi
đã thực hiện được!”
Tôi cố sắp xếp các ý nghĩ của mình lại, nhưng vẫn choáng váng đến
sững người. Từ đầu đến giờ, dường như tôi vẫn quan tâm tới gió và mưa bên
ngoài hơn vị khách; ngay cả lúc này, tôi cũng không thể phân biệt giữa giọng
nói của ông ta và âm thanh của mưa gió bên ngoài, cho dù những âm thanh
đó đang gào thét lớn tiếng, còn giọng nói của vị khách lại đang im lặng.
“Cậu sẽ để tôi ở đâu?” vị khách chợt hỏi. “Tôi cần được thu xếp ở đâu
đó, chàng trai.”
“Để ngủ ư?” tôi hỏi.
“Phải. Để ngủ thật lâu và ngon giấc,” ông đáp, “vì tôi đã bị lắc lư
quăng quật trên biển suốt nhiều tháng ròng.”
“Người bạn sống cùng nhà với tôi,” tôi vừa nói vừa đứng dậy khỏi
trường kỷ, “đang đi vắng; ông có thể dùng phòng cậu ấy.”
“Cậu ấy sẽ không quay về vào ngày mai chứ?”
“Không,” tôi nói, trả lời gần như máy móc, bất chấp những cố gắng tột
bậc của bản thân, “không phải ngày mai.”
“Bởi vì, nhìn tôi nào, chàng trai,” vị khách hạ giọng nói, và đặt một
ngón tay dài lên ngực tôi như để gây ấn tượng, “thận trọng là cần thiết.”
“Ý ông là sao? Thận trọng ư?”
“Lạy C…, đó là án tử!”
“Án tử nào?”
“Tôi bị kết án chung thân. Quay về nước sẽ là tội chết. Đã có quá nhiều
người quay về trong những năm gần đây, và chắc chắn tôi sẽ bị treo cổ nếu bị
bắt.”
Chẳng cần gì thêm nữa ngoài thứ này; người đàn ông khốn khổ này,
sau khi đã hào phóng ban cho anh chàng khốn khổ là tôi tiền bạc của ông ta
suốt nhiều năm trời, đã mạo hiểm tính mạng để tới tìm tôi, và tôi đang nắm
giữ tính mạng ấy trong nhà mình! Nếu tôi yêu ông ta thay vì ghê sợ ông ta;
nếu tôi bị thu hút tới ông bằng sự ngưỡng mộ và tình cảm sâu sắc nhất, thay
vì thu mình lại tránh xa ông ta với cảm giác kinh sợ tột bậc; tình thế hẳn cũng
không thể xấu hơn. Trái lại, chắc nó sẽ tốt hơn, vì lúc ấy bảo toàn tính mạng
cho ông ta sẽ là mệnh lệnh tự nhiên và thân thiết với trái tim tôi.
Điều tôi quan tâm đầu tiên là đóng các cửa chớp lại để không ai có thể
nhìn thấy ánh sáng trong phòng từ bên ngoài, sau đó đến lượt đóng và khóa
trái cửa ra vào. Trong lúc tôi làm chuyện này, vị khách đứng cạnh bàn uống
rượu rum và ăn bánh quy; khi thấy ông ta bận bịu như thế, tôi lại nhìn thấy
cảnh người tù khổ sai dùng bữa trong đầm lầy. Tôi gần như có cảm giác ông
sắp sửa cúi xuống giũa cái xiềng dưới chân mình.
Khi đã vào trong phòng Herbert và khóa hết mọi đường kết nối giữa nó
với cầu thang ngoài lối đi qua căn phòng nơi vừa diễn ra cuộc trò chuyện
giữa hai chúng tôi, tôi hỏi ông ta có muốn lên giường ngủ không? Vị khách
đáp là có, nhưng lại hỏi mượn tôi bộ đồ mặc ở nhà “bằng vải lanh của các
quý ông” để mặc vào buổi sáng. Tôi mang đồ tới, để xuống sẵn sàng cho ông
ta, và thêm lần nữa dòng máu trong người tôi lại lạnh ngắt khi ông ta nắm lấy
cả hai bàn tay tôi để chúc tôi ngủ ngon.
Tôi rời khỏi vị khách mà không rõ mình đã làm vậy như thế nào, cho
thêm củi vào lò sưởi trong căn phòng nơi chúng tôi đã ngồi cùng nhau, rồi
ngồi xuống cạnh lò sưởi, sợ phải lên giường ngủ. Trong chừng một giờ đồng
hồ hay hơn thế, tôi vẫn quá sững sờ không thể nghĩ được gì; và mãi tận tới
lúc bắt đầu nghĩ, tôi mới bắt đầu hoàn toàn hiểu mình đã vỡ mộng đến mức
nào, cũng như con tàu tôi ở trên đã vỡ tan từng mảnh.
Dự định của cô Havisham dành cho tôi chỉ đơn thuần là một giấc mơ;
Estella không hề được định trước dành cho tôi; tôi chỉ phải chịu khổ sở ở
Satis như một món đồ tiện dụng, một mũi kim nhằm châm chích đám họ hàng
tham lam, một hình mẫu để một trái tim vô cảm thực hành khi không có đối
tượng thực hành nào khác; đó là những nỗi đau đầu tiên tôi hiểu ra. Nhưng,
nhói buốt và cay đắng hơn cả - đó là vì người tù khổ sai kia, người đã phạm
phải tội ác gì tôi không rõ, và hoàn toàn có khả năng bị lôi ra khỏi nơi tôi
đang ngồi suy nghĩ và treo cổ trước cửa tòa án tại Old Bailey mà tôi đã rời bỏ
Joe.
Giờ tôi không thể quay trở về với Joe, không thể quay trở về với Biddy
được nữa, dù có nghĩ ra sao; tôi đoán đó là vì cảm nhận về cách cư xử hèn hạ
tôi dành cho họ đã áp đảo mọi suy nghĩ khác. Không sự khôn ngoan nào trên
đời có thể đem đến cho tôi cảm giác thư thái đáng ra tôi có thể có được từ sự
chất phác, chân thành của họ; nhưng tôi không bao giờ, không bao giờ có thể
xóa đi những gì đã làm.
Trong mỗi tiếng gió rít, tiếng mưa rơi như trút, tôi lại nghe thấy âm
thanh của những kẻ truy lùng. Có đến hai lần tôi dám thề đã nghe thấy tiếng
gõ cửa, tiếng nói thì thầm phía cửa ngoài. Bị những nỗi sợ hãi ám ảnh, tôi bắt
đầu tưởng tượng hoặc nhớ lại mình từng có những lời cảnh báo bí hiểm về
việc người đàn ông này tiếp cận tôi. Rằng trong nhiều tuần trước, tôi từng gặp
qua trên phố những khuôn mặt tôi nghĩ giống với ông. Rằng những trường
hợp giông giống như thế này đã trở nên nhiều hơn khi ông tới gần hơn trong
cuộc hành trình trên biển. Rằng chính linh hồn xấu xa của ông ta bằng cách
nào đó đã gửi những kẻ đưa tin này tới linh hồn tôi, và giờ đây, vào buổi tối
dông bão này, cũng giống như lời nói của mình, ông ta đã ở cạnh tôi.
Đỉnh điểm đến từ những suy tưởng này là ý nghĩ rằng tôi từng thấy ông
ta là một người cực kỳ hung dữ trong đôi mắt trẻ thơ của mình; rằng tôi đã
nghe thấy gã tù khổ sai còn lại nói ông ta đã tìm cách giết hắn; rằng tôi đã
thấy ông ta cắn xé, đấm đá như một con thú hoang dưới con mương. Từ
những ký ức như thế, tôi nhìn thấy trong quầng sáng của ánh lửa nỗi kinh
hoàng đang định hình dở dang mách bảo có thể sẽ không an toàn khi khóa kín
cửa cùng một chỗ với ông ta giữa một đêm dông bão vắng vẻ thế này. Nỗi
kinh hoàng ấy tỏa rộng ra cho tới khi phủ kín căn phòng, thôi thúc tôi cầm lấy
một cây nến đi vào xem xét gánh nặng đáng sợ của mình.
Ông ta đã quấn một chiếc khăn tay quanh đầu, khuôn mặt nghiêm nghị
cau lại trong giấc ngủ. Nhưng ông ta đã ngủ, và rất lặng lẽ nữa, cho dù vị
khách có một khẩu súng ngắn để nằm trên gối. Đoan chắc về việc này, tôi
nhẹ nhàng tra chìa khóa vào ổ khóa bên ngoài cửa phòng nơi ông ta đang
ngủ, và khóa trái cửa lại trước khi lại ngồi xuống trước lò sưởi. Dần dà, tôi
trượt khỏi ghế nằm xuống sàn. Khi tôi bừng tỉnh mà không thể tách nổi mình
khỏi chuyện nhận ra tình cảnh khốn khổ của bản thân ngay cả trong giấc ngủ,
đồng hồ các nhà thờ phía Đông đổ chuông báo năm giờ, những cây nến đã
cháy hết, lửa trong lò sưởi đã tắt, còn gió và mưa tiếp tục hoành hành dữ dội
hơn trong màn đêm đen đặc quánh.
KẾT THÚC PHẦN THỨ HAI
NHỮNG TRIỂN VỌNG HƯỞNG GIA TÀI CỦA PIP.